Mẹ bà Tạ Phong Tần chết vì ‘tự thiêu’

Bà Liêng (áo đen) đã qua đời sau khi tự thiêu phản đối chính quyền

Thân nhân của blogger Tạ Phong Tần nói BBC rằng mẹ bà Tần qua đời sau khi đã “châm lửa tự thiêu vì nhiều chuyện buồn” ở Bạc Liêu.

Bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ bà Tần, đã “tự châm lửa vào mình ngay trước trụ sở chính quyền thành phố Bạc Liêu” sáng thứ Hai ngày 30/7, theo nguồn tin từ gia đình.

Khoảng 15h30 cùng ngày, Tạ Minh Tú, em gái của Tạ Phong Tần, nói với BBC bà vừa nhận được tin mẹ vừa qua đời ở Cần Thơ khi đang trên đường chuyển viện từ Bạc Liêu lên Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Tú cho ràng mẹ bà có hành động này là do gần đây gặp nhiều chuyện buồn, trong đó có việc tranh chấp đất đai với láng giềng và việc Tạ Phong Tần sắp phải ra tòa về tội tuyên truyền chống Nhà nước.

Bà Liêng hưởng dương 64 tuổi.

Hiện tại xe cứu thương chở bà Liêng đang trên đường quay trở lại Bạc Liêu và dự kiến sẽ về đến nhà nội buổi chiều hôm nay.

Bà Tú cùng gia đình hiện đang rất bối rối chuẩn bị hậu sự cho mẹ.

Bình luận về tin mẹ bà Tần qua đời, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch, tổ chức đã trao giải thưởng nhân quyền cho bà Tần trong năm 2011, nói đây là chuyện “bi thảm”.

Ông cũng nói bà Tần chỉ làm theo đúng những gì có trong khuôn khổ các nguyên tắc nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã thông qua và đáng ra cần được bảo vệ thay vì trấn áp.

‘Đủ thứ chuyện buồn’

Vụ tự thiêu này xảy ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử bà Tần cùng hai cây viết blog khác trong Câu lạc bộ nhà báo Tự do là Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày) và Phan Thanh Hải (tức Anhbasaigon) dự kiến vào ngày 7/8 tới.

Bà Tú cho biết trong vòng 1 giờ đồng hồ sau khi nhập viện, nhà thương Bạc Liêu đã quyết định chuyển bà Liêng lên Chợ Rẫy.

“Mới tức thời đây quay về thì nói là đã qua đời,” bà Tú nói trong nước mắt.

Bà nói trong gia đình không ai biết gì về ý định tự thiêu của bà Liêng dù gần đây bà có ‘đủ thứ chuyện buồn’.

Khi công an phường đến báo thì anh bà Tú được vào thăm mẹ ở bệnh viện, bà Tú nói và cho biết mẹ bà đã tự thiêu trước ‘trung tâm ủy ban’.

Theo lời người anh mô tả lại thì bà Liêng bị phỏng nặng đến 90% và trong tình trạng hôn mê.

“Gần đây (mẹ) cũng có tâm sự là thưa gửi không ai giải quyết,” bà Tú nói, “Con cái lại bị vậy nữa nên buồn.”

Theo bà Tú thì mẹ bà buồn bực một phần vì chuyện của Tạ Phong Tần, một phần vì tranh chấp đất đai nhà cửa.

Bà Tạ Phong TầnCon gái bà Liêng, bà Tạ Phong Tần, bị bắt hồi tháng Chín năm ngoái 

“Đi thưa thì không ai giải quyết,” bà nói, “Họ chỉ xuống đo đạc chút đỉnh rồi nín thinh chứ không giải quyết gì hết.

Trước đó, BBC cũng đã liên lạc luật sư Lê Quốc Quân, người đã thông báo thông tin bà Liêng tự thiêu trên trang mạng xã hội Facebook của ông.

Ông Quân cho biết ông biết tin này qua hai người cha xứ thân cận với Tạ Phong Tần.

Theo ông Quân thì bà Liêng đã được đưa lên nhà thương Chợ Rẫy ở Thành phố Hồ Chí Minh sau khi đã được cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Bạc Liêu. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình của bà Liêng ‘có thể là rất nặng’, theo lời ông Quân.

Ông Quân cho biết theo như ông được kể lại thì trong mấy ngày qua bà Liêng thể hiện thái độ rât buồn bực vì đã gần đến ngày xử bà Tạ Phong Tần mà bà vẫn chưa được gặp mặt con gái.

Tuy nhiên, ngoài các nguồn tin trên, cho đến chiều ngày thứ Hai, BBC còn tiếp tục phải tìm hiểu thêm về vụ  việc

@bbc

Thái Bá Tân và những bài thơ 5 chữ

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

“Khẩu thơ”

Trong thời gian gần đây cộng đồng mạng rộ lên một làn sóng ngạc nhiên trước những bài thơ năm chữ xuất hiện đều đặn với cùng một chủ đề về hiện tình đất nước, đặc biệt là thái độ của tác giả đối với con người mà sự kiện và hành vi có liên quan ít nhiều ít nhiều đến thời sự.

Tác giả những bài thơ 5 chữ ấy là Thái Bá Tân, một nhà văn, nhà dịch thuật và nhà giáo với nhiều chục năm trong nghề. Tác giả hiện sống và dạy học tại Hà Nội.

Trên trang blog của tác giả, Thái Bá Tân tự bạch cuộc đời mình qua hình ảnh, tiểu sử, cũng như tác phẩm của ông từ 50 năm qua. Là một dịch giả, Thái Bá Tân có hơn ba mươi đầu sách được ông dịch ra từ các tác phẩm nổi tiếng thế giới. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng trong dó Anh ngữ là ngoại ngữ chính. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ với hàng trăm bài ngũ ngôn, thể loại mà ông dùng khá nhiều trong thơ của ông.

Nói chuyện với chúng tôi một cách ngắn gọn ông cho biết:

“Tôi cũng viết đa dạng lắm chủ yếu là dịch nhiều hơn mặc dù đã viết 150 truyện ngắn rồi. Tôi sáng tác thơ 8 chữ cũng nhiều và dạo này tự nhiên lại sáng tác thơ 5 chữ. Chắc tại chán chán nên muốn viết dân dã một tí. Tôi già rồi nên cũng muốn phá phách một tí, giả vờ ngây một tí. Già rồi thì tự nhiên lại muốn thật thà không hoa lá cành nữa.

Tôi nghĩ rằng nhà văn nhà thơ mà cứ im mãi thì không đúng. Phải có trách nhiệm của công dân. Tôi chẳng chống phá gì đâu thậm chí tôi còn ăn lộc của chế độ vì được ăn học tử tế nhưng chuyện nào ra chuyện ấy trách nhiệm công dân thì mình phải nói.”

552773_200.jpg
Chân dung nhà văn, nhà giáo Thái Bá Tân. Courtesy FB Thái Bá Tân.

Gần đây Thái Bá Tân chỉ dùng một thể thơ ngũ ngôn để trang trải nội dung. Tuy độ dài ngắn khác nhau nhưng việc ông trung thành với một thể thơ duy nhất khiến nhiều người ngạc nhiên và nhanh chóng kết luận rằng tác giả quá nghèo nàn.

Tuy nhiên nếu xem xét kỹ từng bài thơ, người đọc sẽ thấy thể loại ngũ ngôn có lẽ là thể thơ thích hợp nhất với những gì mà Thái Bá Tân muốn gửi gấm. Nhà văn Nguyễn Quang Lập gọi thơ Thái Bá Tân là “khẩu thơ” vì theo nhà văn, thơ Thái Bá Tân gần với cách mà người ta nói chuyện, bộc bạch, hay truy vấn người khác.

Hình thức là thế nhưng khác biệt quan trọng nhất làm nên loại thơ khẩu văn có lẽ là nội dung mà tác giả muốn gửi đi. Điều này tạo cho Thái Bá Tân một chỗ đứng mới, rất mới trong vườn thơ Việt Nam vốn đang đối diện với những sáo mòn khi chất sáng tạo ngày một hiếm hoi giữa một đất nước ai cũng có thể làm thơ và vì vậy thơ giống nhau không kể xiết.

Trước tiên xin được giới thiệu một bài thơ Thái Bá Tân sáng tác vào ngày 11 tháng 7 vừa qua:

Ballad về một đại đội bị bỏ rơi

“Tôi mới nghe kể lại
Một câu chuyện đau lòng.
Có thể là chuyện thật,
Cũng có thể là không. 

Chuyện kể rằng, lần ấy,
Khi đánh nhau với Tàu,
Quân ta và quân địch
Cách nhau một chiếc cầu.

Bỗng từ trên có lệnh
Một đại đội xung phong
Vượt qua cây cầu ấy,
Sang bờ bên kia sông.

Thế mà lạ, sau đó,
Hai bên đang đánh nhau,
Có lệnh từ trên xuống.
Lần này lệnh phá cầu!

Câu chuyện chỉ có thế.
Một đại đội sang sông,
Rồi phá cầu, theo lệnh…
Nghe mà nhói trong lòng.

Ừ, mà một đại đội
Biên chế bao nhiêu người?
Một trăm, hay năm chục,
Bị đồng đội bỏ rơi?

Có thể là chuyện thật,
Cũng có thể là không.
Sao lòng tôi đau nhói,
Đau nhói mãi trong lòng.

Ai ra cái lệnh ấy,
Lệnh quân ta phá cầu,
Để đồng đội đơn độc
Giữa vòng vây quân Tàu?

Câu chuyện chỉ có thế,
Dù có thật hay không,
Nhưng cả một đại đội
Đã chết bên kia sông.”

Câu chuyện đánh Trung Quốc phải hy sinh cả một đại đội dưới cái nhìn nhân bản của một nhà thơ thì người chỉ huy trận chiến năm nào có thể là vô nhân, cam tâm hy sinh đồng đội một cách vội vã để đạt chiến công nhưng dù sao cũng nói lên mức tàn khốc của chiến tranh mà nói theo Nguyễn Duy “ai chiến thắng thì người dân cũng là ngưởi chiến bại” cả.

Thái Bá Tân không phải bỗng nhiên nhớ tới câu chuyện được kể từ rất lâu về trước. Ông nhắc lại câu chuyện này trong hoàn cảnh đặc biệt khi cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra trên khắp nước vào ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Bảy.

Trận chiến cũ tuy tàn khốc nhưng là người Việt Nam không ai trong chúng ta lại cam tâm nhìn Trung Quốc lần hồi xâm lấn bờ cõi một cách trân tráo. Sức mạnh tiềm năng của dân tộc là lòng yêu nước và việc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc là một trong nhiều cách thể hiện.

Thái Bá Tân không xuống phố biểu tình nhưng tấm lòng của ông đối với người biểu tình rất rõ ràng: Chẳng những đồng tình mà ông còn kính phục và ngưỡng mộ họ. Khi nghe tin Huỳnh Thục Vy bị bắt khi đi biểu tình vào ngày 1 tháng 7 ngay hôm sau ông lập tức phản ứng qua bài thơ:

Huỳnh Thục Vy

Cháu – cô gái xinh đẹp,
Đẹp cả ngoài lẫn trong.
Nhìn cháu mà cứ nghĩ
Cái đẹp của non sông.

Chúng, chính quyền, thật xấu.
Vừa ác vừa bất minh,
Đến mức không muốn nghĩ
Đó là chính quyền mình.

Cháu như người phụ nữ
Trong tranh Delacroix,
Guidant le peuple
Mà peuple – là chúng ta.

Cháu chỉ muốn công lý,
Dân chủ và tự do.
Tự do cho cả chúng,
Mà chúng, bọn côn đồ

Lại luôn truy bức cháu,
Dùng cả cách đê hèn.
Ngẫm mà thấy phẫn nộ.
Thấy nhục cho chính quyền.

Thục Vy, bền gan nhé.
Chúc chân cứng đá mềm.
Cháu như ngọn đuốc sáng
Đang dẫn đường trong đêm.

Nói thật, bác nhìn cháu
Vừa thán phục, tự hào,
Vừa pha chút xấu hổ.
Cháu hiểu rõ vì sao.

Xin lỗi, thế hệ bác
Dựng nên chế độ này
Để bây giờ cháu khổ,
Để dân tình đắng cay.

Cái hồi bác đi Mỹ,
Thăm tượng Liberty,
Đặt hoa dưới chân tượng,
Bác chưa biết Thục Vy.

Giờ xin phép âu yếm
Đặt hoa dưới chân mày.
Mày vấp ngã, còn sức,
Nhất định bác chìa tay.

460909_250.jpg
Nhà văn, nhà giáo Thái Bá Tân tại căn hộ của ông ở Hà Nội, ảnh chụp trước đây. Courtesy FB Thái Bá Tân.

Bốn câu cuối thân thương nói với Huỳnh Thục Vy mà như nói với cả thế hệ trẻ của Việt Nam. Hai chữ “mày” trong Huỳnh Thục Vy thương yêu trìu mến bao nhiêu thì “mày” trong bài thơ “Mắng con” lại nghiêm khắc bấy nhiêu. Thái Bá Tân mắng con nhưng nhiều kẻ lớn tuổi, trí thức trùm chăn, cán bộ cao cấp bất chính lại ngẩn ngơ xấu hổ. Những kẻ lớn tuổi đời nhưng non trí tuệ ấy có thể cho Nguyễn Bá Tân là cuồng sĩ, không thức thời nhưng với những tấm lòng đang rực cơn yêu nước thì ngôn ngữ Nguyễn Bá Tân dùng như một sức mạnh khởi động trong không gian u ám hiện nay khi đất nước bị đè nặng dưới cơn sợ hãi núp dưới chiêu bài hữu nghị:

Mắng con

Mày láo, dám khuyên bố
Mai không đi biểu tình.
Chuyện ấy có nhà nước,
Không liên quan đến mình.

Mày nói y như đảng.
Không liên quan thế nào?
Nước là của tất cả,
Của mày và của tao.

Biểu tình chống xâm lược,
Chứ có lật ai đâu.
Không lẽ mày không biết
Cái dã tâm thằng Tàu?

Mày bảo có nhà nước.
Nhà nước hèn thì sao?
Mà ai cho nhà nước
Quyết việc này thay tao?

Xưa đánh quân Mông Cổ,
Vua còn hỏi ý dân.
Sao không thấy nhà nước
Xấu hổ với vua Trần?

Đành rằng thế mình yếu,
Phải thế nọ, thế này.
Nhưng ở đời, con ạ,
Mềm nắn, rắn buông ngay.

Bố biết con thương bố,
Lo cho bố, cảm ơn.
Con “biết sống”, có thể.
Xưa bố còn “biết” hơn.

Chính vì khôn, “biết sống”,
Tức ngậm miệng, giả ngây,
Mà thế hệ của bố
Để đất nước thế này.

Ừ, bố già, lẩn thẩn,
Nhưng vẫn còn là người.
Mà người thì biết nhục,
Biết xấu hổ với đời.

Mai biểu tình, thế đấy.
Bố không bắt con đi,
Nhưng cũng đừng cản bố.
Cản cũng chẳng ích gì.

Thái Bá Tân vốn là người hiền lành qua những câu chuyện kể của những người quen biết ông cho thấy ông không mặn mà gì với chế độ mặc dù ông được ưu đãi nhiều lần. Ông tự ý về hưu rất sớm và chỉ chuyên chú vào việc dạy học và sáng tác. Thế nhưng kẻ sĩ trong giòng máu không cho phép ông im lặng trước những nhi nhô của một loại người cơ hội. Mắng con xong, ông mắng ngay cả Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch thành phố Hà Nội kẻ lộng ngôn khi nói rằng người đi biểu tình chống Trung Quốc đang bị thế lực phản động kích động. Thái Bá Tân viết:

Gửi ông Nguyễn Thế Thảo

Xin phép được giới thiệu,
Tôi đã U bảy mươi,
Tuổi nhiều hơn ông đấy,
Tuổi gần đất xa trời.

Cho nên, xin nói thật,
Là ông còn hồ đồ.
Ông đâu phải con nít.
Hay giả vờ ngây ngô?

Tôi và những người khác
Tham gia đi biểu tình
Chống thằng Tàu xâm lược,
Thực hiện quyền của mình.

Khi nhà ông bị cướp.
Vợ con ông kêu lên,
Mà ông ngồi im lặng
Thì ông là thằng hèn.

Ông bảo rằng bọn xấu
Đang xúi giục chúng tôi,
Thế thì bọn xấu ấy
Quả là bọn không tồi.

Vì chúng còn liêm sỉ,
Còn biết ghét và yêu.
Còn yêu nước, vì vậy
Tôi mong chúng có nhiều.

Đấy là chưa nói chuyện
Chúng tôi cũng lớn rồi.
Tha không xúi chúng nó,
Đừng hòng xúi chúng tôi.

Quốc Hội ra luật biển
Để ông và mọi người
Chung sức giữ lấy đảo,
Thế mà ông, ôi trời,

Ông không chỉ im lặng,
Không tham gia biểu tình,
Mà còn nhắc người khác
Đừng để ai xúi mình.

Tôi hỏi khí không phải:
Hay thân Tàu lâu nay,
Ông đã bỏ phiếu chống
Thông qua luật biển này?

Ông ạ, ta, người lớn,
Là cứ phải lo xa.
Nói hay làm gì đấy
Nên tính trước đường ra.

Ngộ nhỡ có chiến sự,
Ta và Tàu đánh nhau.
Tàu thắng, ông có thể
Làm thái thú cho Tàu.

Nhưng có thể ngược lại,
Chẳng ai biết thế nào.
Ta thắng, tôi nghĩ thắng,
Ông ăn nói làm sao?

Lại nữa, xin nói thật,
Tôi có nghe người ta
Đồn về ông đủ chuyện,
Chuyện cái ghế ấy mà.

Trước tôi không tin lắm,
Thế mà tôi, bây giờ,
Thấy tầm ông chưa chuẩn,
Cũng buộc phải nghi ngờ.

526286_200.jpg
Nhà văn, nhà giáo Thái Bá Tân tại căn hộ của ông ở Hà Nội, ảnh chụp trước đây. Courtesy FB Thái Bá Tân.

Cũng với cung cách khẩu thơ, Thái Bá Tân dẫn người đọc đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Lần này ông nói chuyện với người cháu rể có nghề nghiệp là công an. Ông quan sát người cháu với đôi mắt vừa soi mói vừa bao dung. Ngôn ngữ ông dùng trong bài thơ có khi cay chát có khi nóng giận lại có khi tự trách mình quá khắc khe với cháu. Bài thơ sống động lạ lùng bởi ngôn ngữ mà Thái Bá Tân dùng không phải là ngôn ngữ thơ của những diễm lệ cao vời mà là một chất liệu mới kết nối thơ và người đọc qua sợi dây dân dã nhưng không thiếu sự thâm trầm vốn cần thiết trong thơ.

Cái bí ẩn làm thơ Thái Bá Tân sống và thở hào hễn với đủ các cung bậc là sự thật thà, hồn nhiên không làm dáng, không trau chuốt.

Nói với cháu rể

Mày rót bác cốc nước,
Rồi bác nói điều này.
Năm ngoái bác phản đối,
Không cho cháu lấy mày.

Vì sao ư? Đơn giản
Vì mày là công an.
May, giờ bác vẫn thấy
Mày ngoan, hoặc còn ngoan.

Công bằng ra mà nói,
Công an cũng chẳng sao.
Hơn thế, còn cần thiết,
Nhưng chẳng hiểu thế nào

Giờ lắm đứa tệ quá,
Đạp vào mặt người ta,
Còn giở các trò bẩn,
Đánh đập cả đàn bà.

Giả sử, mai “dự án”
Nó cướp đất nhà mày,
Mày có để lặp lại
Vụ Vân Giang gần đây?

Vợ mày đang có chửa.
Bác mừng cho chúng mày.
Nếu có đứa đạp nó,
Mày sẽ nghĩ sao đây?

Lại nữa, bác bị bắt,
Mày cứ nói thật lòng,
Người ta bảo mày bắn,
Mày có bắn bác không?

Mà bác thì mày biết,
Như mấy lão nông dân,
Làm sao mà “thù địch”,
Mà “phản động”, vân vân.

Nói thật cho mày biết,
Bác yêu đất nước này,
Người Văn Giang cũng vậy,
Hơn gấp vạn chúng mày.

Vứt mẹ cái khẩu hiệu
Còn đảng là còn mình.
Thế mai kia đảng chết,
Không lẽ mày quyên sinh?

Bác là người ngoài đảng.
Mày vào đảng, không sao,
Miễn là mày thực sự
Vì quốc dân, đồng bào.

Mày thừa biết chúng nó,
Cái bọn “vì nhân dân”
Đang ăn cướp trắng trợn,
Pháp luật chúng đếch cần.

Sống ở đời, cháu ạ,
Có nghề mới có ăn.
Làm công an cũng được,
Nhưng phải nhớ vì dân.

Mà dân là bố mẹ,
Là bác, là vợ mày.
Chứ mày nghe bọn xấu
Làm ngược lại là gay,

Là có tội, cháu ạ.
Chưa nói chuyện ở đời
Có cái luật nhân quả,
Tức là luật của trời.

Vứt mẹ cái khẩu hiệu / Còn đảng là còn mình./ Thế mai kia đảng chết / Không lẽ mày quyên sinh? Đã làm bài thơ vượt lên khỏi cái phù phiếm của ngũ ngôn. Nó tươi roi rói và hừng hực tính thời sự. Thái Bá Tân hớp hồn người nghe, người đọc trong bốn câu ngắn và bén như dao này.

Thơ Thái Bá Tân còn có một nét duyên khác lôi cuốn người đọc là sự hài hước bao lấy nỗi xót xa bên trong câu chuyện. Ông tỏ ra thẳng thắng hơn mọi người khác khi thú nhận rằng mình không hề tự hào là người Việt Nam. Câu tự bạch này không khỏi khiến lắm người tức giân nhưng cũng may không hiếm người khác lại rất đồng tình. Ông viết trong bài Tự bạch:

Tự bạch

…….

Nói thật với các bác
Điều vẫn giấu xưa nay.
Sẽ khối anh nhảy cẫng,
Mắng thế nọ thế này.

Nhẫy cẫng thì nhảy cẫng.
Việc họ làm cứ làm.
Tôi chưa hề, thú thật,
Tự hào người Việt Nam.

Tôi đi bốn mươi nước,
Làm gì và đi đâu
Liên quan đến cái xấu,
Tôi bảo tôi người Tàu.

Một lần ở nước Bỉ,
Ngủ với một em Tây.
Nó bảo: Tàu giỏi quá!
Tôi suýt nói: Việt đây!

Duy nhất chỉ lần nọ,
Ở Havard, người ta
Khen tiếng Anh tôi giỏi.
Tôi đáp: Việt Nam mà.

Chứ nói chung là nhục.
Nhục phải làm thằng dân
Một nước giỏi nói phét,
Lãnh đạo thì ngu đần.

Riêng hai chữ “cộng sản”
Đã đủ nói phần nào.
Làm thằng dân cộng sản
Có gì mà tự hào?

Mà tự hào sao được
Khi mấy triệu dân ta
Vượt biên, thà chết biển
Hơn phải chết ở nhà!

Tự hào là yêu nước.
Yêu nước phải biểu tình.
Mà biểu tình nó oánh.
Quân ta oánh quân mình.

Nghe Thái Bá Tân kể chuyện bạn nghĩ sao? Riêng tôi khi đóng trang blog của ông lại nỗi cay đắng cứ dìm mình vào buồn bã chừng như không thề thoát ra. Thơ Thái Bá Tân rồi đây sẽ được rất nhiểu người thuộc vì nó dễ nhớ đã đành mà hơn thế nó làm cho người ta khóc người ta cười, giận dữ, khinh bỉ lẫn xót thương…chính điều này làm cho thơ Thái Bá Tân lấp lánh.

@RFA

90% doanh nghiệp nhà đất ‘chết lâm sàng’

90% doanh nghiệp địa ốc đã “chết lâm sàng” vì không tiếp cận được vốn và gần như 100% sản phẩm không có thanh khoả
Sau chưa đầy 3 năm thị trường bất động sản (BĐS) lâm vào tình cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này, từ những chủ đầu tư dự án lắm tiền nhiều của đến các đơn vị môi giới “tay không bắt giặc”, đã có dấu hiệu kiệt quệ về tài chính, thậm chí phá sản.
“Đại gia” khóc ròng
Từng được xem là một DN với nội lực tài chính dồi dào khi mạnh dạn cho xây dựng dự án phức hợp cao vài chục tầng tại một vị trí đắc địa ở quận 1 – TPHCM (nhìn xuống sông Bạch Đằng) trong thời điểm thị trường BĐS manh nha những khó khăn nhưng ít ai ngờ, nhân viên của họ đã 3 tháng nay chưa được lãnh lương.
Không chỉ vậy, công trình dự án đã từng bị cắt điện khi đang thi công vì thiếu tiền điện. Chủ dự án này lại tính dọn văn phòng đại diện của công ty đang thuê mặt bằng ở tòa nhà cao tầng gần đó về công trình còn ngổn ngang vì chỉ mới xây xong phần thô. Việc này có lẽ nhằm tiết giảm chi phí bởi cách đây ít lâu, văn phòng công ty nợ tiền nên bị chủ tòa nhà cúp điện để “dằn mặt”…
Một “đại gia” khác đến TPHCM kinh doanh BĐS nhưng hiện lâm vào tình cảnh không khác gì “hổ về đồng bằng”.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, DN này đang gặp tình cảnh khó khăn toàn diện khi ngân hàng hạn chế cấp thêm tài chính, lại nằm trong diện kiểm tra đặc biệt của cơ quan chứng khoán, còn đa phần các dự án thì xây dựng dở dang và bán không được nên nguồn vốn bị ứ đọng…
Sản phẩm bất động sản tồn kho quá nhiều khiến không ít doanh nghiệp kiệt quệ.
Mới đây, DN này bị tố bán đất khi chưa đủ điều kiện cho phép cho nhiều khách hàng ở Đà Nẵng. Tại TPHCM, DN này mất uy tín trầm trọng khi dự án bị khách hàng tố tự ý thay đổi vật liệu xây dựng để tiết giảm chi phí, một cách “rút ruột” công trình.
Hiện nay, chưa thể thống kê hết số lượng các DN BĐS đang kiệt quệ về tài chính tại TPHCM do nhiều đơn vị cố gắng gồng mình chịu đựng vì sợ mất mặt.
Ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Thanh Bình, cho rằng có đến 90% DN BĐS đã “chết lâm sàng” vì không tiếp cận được vốn và gần như 100% sản phẩm không có thanh khoản. Còn theo Bộ Xây dựng, hơn 54% DN BĐS trên cả nước đã “chết” do địa ốc đóng băng.
Như “bom nổ chậm”
Hiện trạng BĐS tồn kho đang là một gánh nặng cho các DN BĐS và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây kiệt quệ nguồn vốn của DN trước mắt và lâu dài. Theo số liệu thống kê sơ bộ của hơn 60 DN niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội và TPHCM, lượng hàng tồn kho trị giá hơn 83.804 tỉ đồng, tăng 6,69% so với cuối năm 2011. Như vậy, số BĐS tồn kho đang chiếm tới 45,84% tổng tài sản của các DN này.
Điều đáng chú ý là 6 công ty lớn nhất của thị trường BĐS hiện nắm giữ 69,4% lượng tiền mặt, phần lớn DN còn lại nắm rất ít. Hiện tổng lượng tiền mặt cuối quý II/2012 không đủ để thực hiện chi trả cho khoản chi phí gồm lãi vay, thanh toán cho nhà thầu và các khoản khác.
Điều này cho thấy phần lớn các DN không còn tiền mặt để hoạt động. Để có tiền thanh toán những khoản nợ, chắc chắn các DN phải đẩy nhanh việc thu hồi công nợ, giải phóng lượng hàng tồn kho, thanh lý các khoản đầu tư ngắn hạn ở những lĩnh vực trái ngành…
BĐS tồn kho quá nhiều được xem như quả “bom nổ chậm”, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả. Tình hình tiêu thụ chậm các sản phẩm BĐS để bán trong 3 năm trở lại đây (đặc biệt là căn hộ) làm cho tỉ lệ hàng tồn kho trên sổ sách của các DN ngày càng phình to. Cá biệt, ở một số DN, tỉ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản lên đến 70%-90%.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, đến cuối năm 2011, TP có 19.993 DN kinh doanh BĐS. Với số lượng DN hùng hậu như vậy, nếu thống kê đầy đủ, số sản phẩm BĐS tồn kho sẽ cao hơn rất nhiều so với con số nêu trên.
Đối với khách hàng, việc mua nhà của các DN có tỉ lệ nợ và hàng tồn kho cao là rất rủi ro do các tài sản mua bán chưa được hình thành. Do đó, nếu công ty không còn khả năng triển khai dự án hoặc trả nợ ngân hàng thì khách hàng sẽ rất khó có khả năng thu hồi vốn.
@VNnet

Vì sao Trung Quốc ‘ngang nhiên’ ở Biển Đông?

Những diễn biến gần đây ở khu vực tranh chấp Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi một “chuỗi phản ứng quyết liệt” trong cách tiếp cận ở vùng biển này.

Tác giả bài viết, Stephanie Kleine-Ahlbrandt, là giám đốc dự án Đông Bắc Á của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế. 
Bắc Kinh đã phản ứng quyết liệt trong một phép thử diễn ra ở bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines từ đầu tháng 4. Nhân việc Philippines dùng tàu chiến trong vụ việc liên quan tới tàu cá, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để khẳng định chủ quyền của họ với bãi cạn bằng cách triển khai các tàu thực thi pháp luật phi quân sự và cho phép chúng neo đậu lâu dài trong khu vực.

Bắc Kinh không ngại ngần dùng áp lực kinh tế với Manila khi thắt chặt quy định nhập khẩu hoa quả nhiệt đới, gây tổn thất khoảng 34 triệu USD cho Philippines.

Bắc Kinh cũng công bố hàng loạt quy định hàng hải mới bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Khi những quy định ấy còn chưa ráo mực, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm thiết lập phạm vi quản lý với một khu vực rộng lớn kể cả những nơi tranh chấp với Việt Nam và Philippines. Đầu tuần này, Bắc Kinh còn cho phép bộ Tư lệnh quân sự Quảng Châu thành lập một đơn vị đồn trú ở “Tam Sa”.

Cũng là một phần của hàng loạt hành động gây hấn, cuối tháng 6, Bắc Kinh quyết định cho phép một trong những tập đoàn dầu khí nhà nước, CNOOC, mời các công ty năng lượng nước ngoài bỏ thầu những dự án cùng thăm dò ở nhiều phần trên Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Khi Trung Quốc ngày càng lấn lướt trong cuộc chơi, người ta hy vọng các nước ASEAN sẽ thống nhất quan điểm về vấn đề tranh chấp. Nhưng sự thật thì ngược lại. Tại cuộc gặp các ngoại trưởng khu vực diễn ra đầu tháng ở Phnom Penh, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội làm yếu đi sự đoàn kết của tổ chức này. Họ dùng ảnh hưởng khiến Campuchia, chủ tịch luân phiên ASEAN, ngăn chặn cuộc thảo luận thực sự có ý nghĩa về tranh chấp ở Biển Đông, thậm chí khiến lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, ASEAN không ra được tuyên bố chung.

Tàu khu trục số hiệu 560 của Trung Quốc đã mắc cạn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ảnh: Getty Images

Ngay khi cuộc gặp ở Phnom Penh kết thúc đáng thất vọng, thì hàng loạt báo chí đã đưa tin về việc một tàu khu trục hải quân Trung Quốc mắc cạn gần bãi Trăng Khuyết – chỉ cách đảo chính Palawan của Philippines 110km. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, con tàu chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra thông thường mặc dù nơi mà nó mắc cạn hoàn toàn nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tàu khu trục này có khả năng là một phần các chuyến tuần tra theo như mô tả của người phát ngôn quân đội Trung Quốc là “sẵn sàng chiến đấu” ở Biển Đông.

Điều tàu quân sự tới vùng nước tranh chấp cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đã thay đổi từ việc sử dụng tàu thực thi pháp luật để phản ứng với những sự cố gần đây kiểu như ở bãi cạn Scarborough.

Cách tiếp cận trắng trợn hơn của Trung Quốc có thể được giải thích một phần bằng thực tế là, họ không hài lòng với những gì thu được từ sự thay đổi chiến thuật năm 2011 – đặt trọng tâm hơn vào ngoại giao biển tiếp theo những hành động quả quyết.

Chính trị trong nước cũng góp phần vào thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, khi công chúng hoang mang vì bê bối Bạc Hy Lai, thì sự cố ở bãi cạn Scarborough cung cấp cơ hội tiện lợi nhằm tạo ra sự phân tâm, đánh lạc hướng dư luận. Còn giờ đây, Trung Quốc một lần nữa không ngại ngần “khoe cơ bắp” trên biển, một phần cũng bởi thời gian chuyển giao lãnh đạo đã tới rất gần.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc nên cẩn thận vì những gì họ mong muốn. Một cách tiếp cận cứng rắn có thể dễ phản tác dụng. Nó khiến các nước trong khu vực lo ngại và tìm mọi cách “rào giậu” phòng thủ, tự bảo vệ trước một hàng xóm lớn hung hăng. Hơn thế nữa, các tranh chấp lãnh thổ thường đánh thẳng vào cảm giác chủ nghĩa dân tộc – công chúng nổi giận có thể gây áp lực với chính phủ trong những quyết định ngoại giao. Chính phủ Trung Quốc có thể tự mình mắc kẹt ở vị trí giữa sức ép khu vực, quốc tế và gánh nặng chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Thái An (theo CNN)

@VNNet

Làng Olympic

Diễn viên trình diễn tại sân vận động Olympic trước lễ khai mạc Thế vận hội London 2012, 27/7/2012

Trung tâm Olympic nằm về phía đông của London, bao gồm nhiều cơ sở và sân vận động. Toàn bộ khu này được xây trên một diện tích đất công nghiệp chưa sử dụng đến, và nếu đi tàu cao tốc Javelin từ trung tâm London đến đó sẽ mất độ 7 phút.
Sau khi Olympic kết thúc, trung tâm này sẽ được gọi là Trung tâm Elizabeth, đánh dấu nữ hoàng Anh trị vì được 60 năm.

Sân vận động OlympicLàngOlympic vàParalympicTrung tâm bơi lộiSân bóng rổSân đua xe đạpHộp đồngKhu vực RiverbankTrung tâmbáo chí(MPC/IBC)

Trung tâm của Olympic lần này, sân vận động sẽ là nơi làm lễ khai mạc, bế mac, và tranh tài một số bộ môn. Báo chí Anh gọi lối kiến trúc của sân vận động này là vừa pha trộn đấu trường Colosseum của Rome khi xưa và một “mạng lưới gồm những cây kim bằng thép đan vào nhau.”

Sức chứa: 80.000

Nơi diễn ra: Lễ khai mạc, bế mạc, và tranh tài một số bộ môn.

Đặc trưng ấn tượng nhất: Phía trên của sân vận động, chiếm 55.000 chỗ, có thể tháo gỡ ra được.

Đặc trưng bất thường nhất: Chung quanh sân vận động có những dòng nước bao quanh, phải dùng một loại cầu để vượt qua.

So sánh: Sân vận động Olympic lớn thứ 3 ở Anh, sau sân vận động Wembley và Twickenham.

Sử dụng sau Olympic: Phần trên sẽ được tháo ra để chỉ còn thường trực 25.000 chỗ, sẵn sàng để tổ chức giải Vô địch Điền kinh Thế giới 2015.

Chi phí xây dựng: Độ 775 triệu đôla.

Câu chuyện thành công của một khoa học gia gốc Việt tại Mỹ

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm

Một người Việt tị nạn ở Mỹ tạo lập cuộc sống mới từ đầu bằng cách vừa đi phụ việc ở nhà hàng và xưởng đóng giày vừa cùng lúc dùi mài đèn sách để cuối cùng trở thành một nhà khoa học đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cao cấp của các công ty khoa học kỹ nghệ danh tiếng của Mỹ, với trên 25 văn bằng phát minh sáng chế và nhiều giải thưởng vinh dự. Đó là câu chuyện thành công của tiến sĩ Cai Văn Khiêm mà Tạp chí Thanh Niên hân hạnh giới thiệu đến quý vị trong chương trình hôm nay.

Tiến sĩ Khiêm vượt biên sang Mỹ năm 1975 sau khi quân cộng sản Bắc Việt thu tóm miền Nam Việt Nam. Những ngày đầu tới Mỹ, ông đã phải vất vả ngày đêm với công việc bồi bàn ở nhà hàng vào mỗi tối, tới khuya thì sang phụ việc cho một hãng đóng giày, còn thời gian ban ngày ông dồn tất cả vào đèn sách. Có lúc trong nhiều ngày liền ông không có được một giấc ngủ. Vậy mà chỉ hai năm đầu ở xứ người, ông đã lấy được bằng thạc sĩ và liền 4 năm sau đó, ông tốt nghiệp Tiến sĩ từ cùng trường đại học Purdue, bang Indiana, với luận án về viễn thông băng tần rộng, một trong luận án tiền phong trong ngành viễn thông di động.

Ông vào làm việc cho công ty Hughes Aircraft Company và trở thành Khoa học gia Trưởng của bộ phận chuyên trách lĩnh vực truyền thông bí mật và vô tuyến định nghĩa bằng phần mềm của hãng. Khi công ty hội nhập với tập đoàn danh tiếng Raytheon, ông được bổ nhiệm làm Chuyên gia Cao cấp của Raytheon, phụ trách các đề án phát triển trong lĩnh vực truyền thông Multiband-Multimode và hệ thống định vị toàn cầu mới GPS III. Năm 2002, trung tâm nghiên cứu của ông tách rời ra khỏi Raytheon để thành một công ty riêng có tên là TelASIC, ông đảm nhiệm chức Phó Giám đốc Kỹ nghệ Hệ thống của công ty này. Tại đây ông đã nghiên cứu phát triển kỹ nghệ truyền thông di động. Khi TelASIC nhập vào hãng MTI vào năm 2009, những kỹ nghệ ông phát minh được chuyển thành sản phẩm bộ thu phát vô tuyến từ xa cho thị trường điện thoại di động. Hiện ông là Phó giám đốc Cao cấp phụ trách về Công nghệ Di động Toàn cầu của hãng MTI, có nhiệm vụ khuếch trương trung tâm nghiên cứu kỹ thuật của công ty ở Mỹ và Đan Mạch.

Định cư tại bang California, Tiến sĩ Khiêm đang sở hữu hơn 25 bằng phát minh sáng chế trong lĩnh vưc truyền thông-tín hiệu và nhiều giải thưởng, trong đó có các giải thưởng của hãng Hughes dành cho kỹ sư trẻ xuất sắc và dành cho phát minh xuất sắc. Ông cũng là tác giả của nhiều bài viết đăng trên các đặc san khoa học kỹ thuật. Đến với Tạp chí Thanh Niên hôm nay, Tiến sĩ Khiêm sẽ chia sẻ với các bạn trẻ về bí quyết thành công của mình.

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Tôi cũng chỉ có một thành công rất khiêm nhường thôi, không có gì quan trọng lắm, nhưng dĩ nhiên là ai cũng phải đi qua những chặng đường khó khăn, vất vả để đạt được kết quả mình muốn. Đó là chất xúc tác để mình cố gắng hơn. Tôi nhớ năm 1975 khi tôi đến Mỹ, có khoảng thời gian tôi phải làm việc suốt mà không có được phút nào ngủ cả vì lúc đó tôi phải làm 2 công việc. Tôi làm bồi bàn tại một nhà hàng và làm trong một hãng đóng giày. Tối tôi làm nhà hàng, khuya tôi đi đóng giày, ban ngày tôi phải học để thi cuối khóa. Làm đóng giày tôi kiếm được khoảng 1,25 đô la/giờ. Lương làm nhà hàng chủ yếu nhờ vào tiền ‘tip’. Sau đó, trường đại học Purdue ở bang Indiana cho tôi học bổng vào chương trình cao học nên tôi không phải trả học phí. Trường lại trả lương cho tôi làm nghiên cứu khoa học. Cho nên, trong khoảng thời gian đó, tôi chỉ việc cắp sách đến trường. Hồi tưởng trở lại, tôi cũng không thấy gì gọi là nặng nhọc lắm. Có lẽ nhờ thời tôi ở Việt Nam, tôi có sức chịu đựng rất cao. Người ta thường đi xe Honda hay xe đạp đến trường, tôi hằng ngày đi bộ 1 tiếng rưỡi đồng hồ tới trường. Học xong đi bộ về nhà 1 tiếng rưỡi nữa. Tôi muốn tự ép mình chút xíu về sức chịu đựng. Tôi cảm thấy đó là một sự tranh đấu cần thiết để rèn luyện sức chịu đựng của mình một chút. Khi tôi vào đại học Phú Thọ, ban ngày tôi đi đạp xe đi dạy kèm 2, 3 chỗ vì kế sinh nhai. Những điều đó tạo cho mình một sức chịu đựng và sau này trở thành những lợi thế cho tôi trong những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Trà Mi: Một người Việt ngồi vào ghế điều hành cao cấp của các công ty khoa học kỹ nghệ uy tín hàng đầu của Mỹ, cảm giác của tiến sĩ như thế nào?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Ước mơ của tôi là tìm ra một hướng đi, một cái nhìn mới trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật. Năm tôi 35 tuổi, họ mời tôi vào chức vụ Khoa học gia Trưởng. Công ty khoảng 60 ngàn nhân viên chỉ có 9 Khoa học gia Trưởng thôi. Tôi bước vào vị trí này giữa những người tóc bạc, tôi rất ngạc nhiên và hơi bàng hoàng lúc ban đầu. Tôi đặc biệt cảm ơn quốc gia này vì họ có cái nhìn rất cởi mở. Nếu họ cảm thấy mình có thể làm được việc, họ sẽ mở cánh cửa cho mình bước vào. Nói về cảm tưởng, tôi cảm thấy rất vinh dự cho cá nhân tôi và cho những người làm việc chung với tôi. Mình lại có một trách nhiệm cao hơn, làm sao có thể thỏa mãn được những trách nhiệm đó thì mình cảm thấy vui rồi. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình. Bên cạnh tôi là những cộng tác viên luôn đem lại cho tôi những giây phút hào hứng làm việ c chung.

Trà Mi: Từ các vị trí cao cho tới những bằng phát minh và các giải thưởng, những thành tích có ý nghĩa thế nào đối với tiến sĩ?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Những bằng cấp hay bằng phát minh đó, khi mình phát minh rồi, nó trở thành những phần tử chết, tức là những cái đã xảy ra rồi. Nó có thể đem lại cho tôi những hồi ức vui vẻ trong giây phút thôi, nhưng những cái làm tôi phấn chấn nhất là những bài toán mà chúng tôi đang đương đầu trong hiện tại và tương lai. Thành ra, nhiều khi tôi cũng không quan tâm lắm đến các thành quả đã đạt được vì đó là những cái đã đạt được rồi. Nhiều khi mình quan trọng hóa các thành quả cũ đó cũng làm mất đi ý nghĩa vì những phần tử mớ, phần tử sống nằm ở hiện tại và tương lai. Tôi chú tâm và muốn tìm những hạnh phúc mới của tôi trong những giờ giải những bài toán mới.

Trà Mi: Có thể nói đối với tiến sĩ, thành công và thành tựu là quá trình phấn đấu không ngừng, không có điểm dừng.

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Dạ vâng.

Trà Mi: Nhìn lại chặng đường đã đi qua bằng một từ ngắn gọn để mô tả về nó, tiến sĩ sẽ nói gì?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Chặng đường đó mỗi người phải tự tìm ra mục đích, hướng đi, và hạnh phúc của mình nằm ở đâu. Nếu chúng ta không thích làm việc đó, thì chắc chắn sự thành công nếu có cũng chỉ giới hạn thôi. Cho nên, chúng ta phải tìm ra sự thích thú trong công việc.

Trà Mi: Nhiều người ngày nay đánh giá sự thành công dựa trên hai yếu tố chính. Một là học vấn. Hai là có vai trò lãnh đạo. Liệu có phải đây là thước đo chính xác? Có thể có những con đường thành công khác hơn ngoài hai bàn đạp là học vấn và lãnh đạo hay không? Vừa là một nhà khoa học, vừa trong vị trí một người lãnh đạo, cái nhìn của ông về vai trò và tầm quan trọng của học vấn và tinh thần lãnh đạo đối với giới trẻ ra sao?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Người Việt Nam đặt sự thành công vào vấn đề khoa bảng. Nghĩa là muốn thành công phải đi qua con đường học vấn, dùng đó làm bàn đạp tới thành công. Điều đó không chắc hẳn như vậy. Tại Mỹ như chị cũng biết có các trường hợp, như ông Bill Gates chẳng hạn, trở thành những người thành công nhất. Tôi cho rằng có nhiều phương pháp dẫn tới sự thành công, chứ không dứt khoát phải đi qua chương trình học. Tuy nhiên, khi chúng ta đi học, chúng ta còn học cách làm người nữa. Cho nên, tôi nghĩ bước đường đi học rất quan trọng, giúp chúng ta biết cách ngoại giao, cách làm việc, cách suy nghĩ. Nếu chúng ta theo khuôn mẫu tạo thành công qua học vấn hay quản trị thì đó cũng chỉ là những cái giới hạn thôi. Thành công đối với tôi là đạt được những cái mà mình muốn giúp ích cho xã hội.

Trà Mi: Người Việt tại Mỹ có rất nhiều gương thành công, thành danh mà câu chuyện của tiến sĩ Khiêm đóng góp một phần trong đó. Ông có cảm nghĩ thế nào?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Tôi biết chắc là người Việt của chúng ta có rất nhiều người thành công. Có một chút đóng góp, tôi cũng cảm thấy rất hãnh diện và cảm thấy rất vui. Người Mỹ đã mở những cánh tay rất rộng đối với tôi, cho tôi những cơ hội này. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Môi trường tại Mỹ giúp chúng ta đạt được những thành công cao hơn. Ví dụ như ở Việt Nam có một hạn chế là những người đảng viên hay con cái của đảng viên mới được nắm giữ những chức vụ quan trọng. Điều này hạn chế số người thành công rất ít. Môi trường làm việc ở Mỹ mở rộng hoàn toàn, đào tạo ra rất nhiều người thành công và mọi người cảm thấy thoải mái. Đó là một chất kích thích giúp nước Mỹ này thành công. Theo tôi, chúng ta nên mở rộng cánh cửa cơ hội cho mọi người, nên sử dụng những người có khả năng. Như cách làm việc của người Mỹ ở đây, tôi cảm thấy rất thoải mái.

Trà Mi: Tiến sĩ vừa nói tới ‘chất kích thích’ mà xã hội Mỹ giúp các cá nhân trong xã hội có được cơ hội thành công hơn, tức là mọi người có nhiều cơ hội đa dạng khác nhau. Còn về ‘chất kích thích’ giúp cho một nhà khoa học có nhiều bằng phát minh sáng chế như tiến sĩ đây là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Chất kích thích đó là mình phải có sự đam mê tìm kiếm những điều mới lạ trong công việc. Có một số người chỉ vui vẻ làm công việc cho xong. Có những người muốn giải quyết công việc xong rồi mới về nhà. Làm khoa học đòi hỏi phải có sự đam mê. Chất kích thích đối với tôi là tìm ra phương pháp mới. Thời tôi còn đi học chương trình tiến sĩ ở đại học Purdue, có một bài toán nan giải trong luận án của tôi. Hằng đêm, trước khi đi ngủ và trong giấc ngủ của tôi, tôi cứ mãi suy nghĩ về bài toán đó. Tôi tìm ra lời giải khoảng 2-3 giờ sáng và ngồi dậy viết lên giấy. Khi tôi làm cho công ty Hughes, có một số bài toán khó, tôi đã bỏ 6 tháng trời để tìm ra lời giải hầu đưa tất cả hệ thống truyền thông kết hợp lại với nhau.

Trà Mi: Nếu có một lời khuyên đối với giới trẻ từ câu chuyện thành công của mình, tiến sĩ sẽ nói gì?

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Đầu tiên, nói về phương pháp để thành công, chúng ta cần phải giữ một tư cách đàng hoàng, một thiện chí làm việc, và cố gắng trau giồi kiến thức. Những người xung quanh thấy mình có khả năng, họ sẽ đưa mình vào một vai trò làm việc thăng tiến hơn. Người Mỹ có câu vai trò quản trị là vai trò của sự tin tưởng. Mình tạo sự tin tưởng qua những việc mình làm, tư cách làm việc, và thiện chí làm việc của mình. Họ thấy mình có thể làm việc được, họ sẽ cho mình những cơ hội. Nếu những người xung quanh không mở cánh cửa cho chúng ta đi, chúng ta không thể vào vườn hoa xinh đẹp nào cả. Thứ nhì, mình phải tìm mục đích, hướng đi, và những người cộng tác để cùng làm việc và chia sẻ những thành quả với nhau. Có những người làm việc chung cố dấu những ý nghĩ của họ để giữ phần thưởng riêng cho họ. Những điều đó sẽ trở nên rất tầm thường và không vui. Phải nên thích làm việc với những người cộng tác xung quanh mình.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Khiêm đã dành cho Tạp chí Thanh Niên của đài VOA cuộc trao đổi này.

Tiến sĩ Cai Văn Khiêm: Cảm ơn quý vị thính giả đã theo dõi.

@VOA

“Phố Tàu” ở Hà Tĩnh

Chỉ trong một thời gian ngắn, người Trung Quốc xuất hiện kéo theo một loạt các thay đổi khiến vùng quê bình yên phía nam huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đảo lộn mọi thứ.

Đỏ mắt với biển hiệu

Chúng tôi đến huyện Kỳ Anh và không khỏi giật mình trước những gì chứng kiến được. Theo quốc lộ 1A hướng từ Nam ra Bắc, xe vừa qua khỏi hầm Đèo Ngang – ngăn cách giữa Hà Tĩnh với Quảng Bình – được vài cây số, đoạn thuộc địa phận xã Kỳ Phương đã thấy chình ình một bảng hiệu khổ lớn chi chít chữ Trung Quốc dựng trên chân đế cao hơn 2 m. Chúng tôi thực sự “choáng” khi đến địa phận các xã Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh. Không phải tự nhiên mà nhiều người thốt lên “phố Trung Quốc” bởi dọc hai bên trục đường xương sống 1A đầy rẫy biển hiệu như nấm mọc sau mưa. Hầu như bảng hiệu nào cũng tràn ngập chữ Trung Quốc, từ tên công ty, ngành nghề kinh doanh đến các thể loại nhà hàng, ăn uống, dịch vụ cưới hỏi, rửa xe, hút bụi…

Không hiếm cảnh công nhân Trung Quốc chở 3 sau giờ tan ca – Ảnh: T.Q.Nam

Một người đi cùng chúng tôi bức xúc: “Đây là Việt Nam. Trong chúng ta mấy ai biết được đó là chữ gì, ý nghĩa nó thế nào. Mở mắt dậy là thấy, ra đường là đập vào mắt”.

Những gia đình lai

Hết giờ làm việc buổi sáng, nhiều công nhân bịt kín mặt “kẹp” ba, bốn người trên một xe máy từ công trường thi công tổ hợp cảng biển và nhà máy luyện gang thép FORMOSA trở ra. Một số về nhà trọ nghỉ, số đi ăn cơm quán.

Một nữ công nhân người Việt chỉ cho chúng tôi biết vài quán cơm mà người Trung Quốc thường hay ăn. Ghé vào một quán gần cầu Khe Lau (xã Kỳ Liên), cảnh tượng ồn ào, hỗn độn, nhếch nhác thấy rõ. Người ăn, người nói, tiếng Việt, tiếng Trung xô đẩy lẫn nhau. Đối diện bên kia đường có tấm bảng với dòng chữ Việt duy nhất “Ẩm thực Đài Loan”, còn lại toàn chữ Trung Quốc. Chủ quán là người Đài Loan và vợ người Việt Nam, họ mới thuê lại nhà của một vợ chồng người địa phương. Hỏi chuyện được biết cô vợ người Sóc Trăng, lấy chồng Đài Loan được 7 năm nhưng chưa có con, vợ biết tiếng Hoa nhưng chồng chẳng biết tiếng Việt.

Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Liên Nguyễn Hồng Cương bày tỏ sự lo lắng: “Trên địa bàn có hơn 10 gia đình cho người nước ngoài thuê ở. Bước đầu có ảnh hưởng, cái lo nhất là tình trạng lừa đảo về kinh tế đã xảy ra. Trước kia, đây là vùng thuần nông, giờ ruộng đất mất hết rồi, hiện người dân có thể làm những việc phổ thông, chân tay chứ đến lúc xây dựng xong thì biết làm gì. Lo nhất những người trong độ tuổi 40-60”.

Chuyện quan hệ gái trai, hôn nhân cũng đang khiến chính quyền vã mồ hôi. Mới đây, L.T.H (22 tuổi, ở thôn Liên Phú) đã đăng ký kết hôn, tổ chức cưới hỏi với một người quê Thanh Hóa. Đùng cái, H. hủy hết tất cả mọi thứ để theo một người Đài Loan từng thuê ở trong nhà mình. Hai người lén lút qua lại với nhau, nghe đâu là vì ông đó có tiền. Cũng đã xuất hiện một số trường hợp người Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên mua đất.

Thượng tá Trương Xuân Tịnh – Trưởng công an H.Kỳ Anh – cho biết: “Hiện trên địa bàn có trên 420 người Trung Quốc. Họ ở tại các văn phòng, nhà dân, khách sạn. Người Trung Quốc rất khó quản lý, họ đã không trình báo như người các nước châu Âu mà còn trốn tránh sự kiểm tra. Nhiều người thuộc diện hợp đồng lao động ngắn hạn đã tìm mọi cách ở lại khi hết thời hạn. Nhiều người ở luôn trong các container tại công trường nên rất khó kiểm soát. Cũng đã có vụ 2 người Trung Quốc đánh 1 người Việt Nam”.

Công an huyện Kỳ Anh thừa nhận rất khó để vào trong công trường FORMOSA nên họ chỉ kiểm tra ở các địa bàn dân cư. Đầu tháng 7, Công an huyện phát hiện 7 người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu du lịch nhưng ở lại làm việc, đã mời đến trụ sở công an nhưng họ bỏ trốn sau đó.

Quản lý lỏng lẻo

Chúng ta đã có quy định cụ thể về việc sử dụng tiếng nước ngoài trên các bảng hiệu, trong đó quy định không đặt chữ viết tên nước ngoài lên trên chữ tiếng Việt, và tên nước ngoài phải nhỏ hơn tên tiếng Việt. Tại sao bảng, biển chữ Trung Quốc đầy rẫy, trưng thành cả phố dài mấy cây số trên trục đường huyết mạch như vậy mà vẫn ngang nhiên tồn tại?

Chúng tôi tìm gặp Chánh văn phòng UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Đức Thắng nhưng chỉ nhận được những câu trả lời không rõ ràng và “UBND huyện chỉ có trách nhiệm giải phóng mặt bằng”. Còn Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nguyễn Lộc Hằng cho rằng mức độ chưa có gì để phải xử lý. Ông Hằng nói: “Chỉ một số ít các công ty nước ngoài trưng biển hiệu trước trụ sở. Tên nước ngoài vẫn được quảng cáo nhưng theo quy định trong Nghị định 75, ví như kích cỡ chữ như thế nào…”. Nói thế nhưng khi chúng tôi hỏi phòng đã tiến hành kiểm tra tại các xã vùng nam chưa thì ông Hằng ấp úng.

Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Liên Nguyễn Hồng Cương đã nhìn nhận thẳng thắn: “Việc này mới nở rộ từ đầu năm nay. Không thể để chữ Trung Quốc nhiều hơn chữ Việt Nam được, điều này rất phản cảm, sống giữa đất nước Việt Nam sao không dùng chữ Việt Nam. Đành rằng để phục vụ người Trung Quốc mới sang không biết tiếng Việt nhưng vậy cũng không được, không thể Trung Quốc hóa Việt Nam. Làm như thế, người đi qua địa bàn này sẽ đặt câu hỏi tại sao đây là đất Việt Nam mà lại toàn chữ Trung Quốc. Vừa rồi giao ban chúng tôi đã giao cho Trưởng ban Văn hóa xã tham mưu cho Phòng Văn hóa huyện để có biện pháp xử lý. Đầu tiên sẽ xử lý những biển hiệu làm không đúng quy định”.

Hàng loạt bảng vi phạm nhưng ngành văn hóa Hà Tĩnh không biết – Ảnh: T.Q.Nam

Trương Quang Nam

@Thanhnien

Báo Nhật: Căng thẳng Biển Đông đã đến mức báo động

Việc Trung Quốc cố tình sử dụng sức mạnh quân sự nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà” có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang. Tình hình đã lên đến mức báo động.

Theo mạng tin Yomiuri ngày 27/7, việc Bắc Kinh lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Macclesfield đã bị Việt Nam và Philippines lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Cảnh giác trước mưu đồ của TQ ở Biển Đông. Ảnh thediplomat.com

Với động thái lập thành phố Tam Sa, Trung Quốc muốn tăng cường kiểm soát đối với các khu quần đảo này. Không chỉ dừng lại ở đó, Trung Quốc còn tổ chức Đại hội Đại biểu Nhân dân để bầu ra thị trưởng thành phố, tiến tới thiết lập bộ máy hành chính tại khu vực. Có lẽ, Trung Quốc muốn đặt thành phố Tam Sa làm bàn đạp cho mưu đồ khai thác tài nguyên, nguồn lợi thủy sản và du lịch trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa cũng là để đáp trả việc Việt Nam thông qua Luật Biển, trong đó khẳng định chủ quyền của Hà Nội đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, nguyên nhân của rắc rối này chính là ở chỗ cách đây 20 năm, Trung Quốc đã tự ý xác định chủ quyền đối với ba quần đảo này trong Luật lãnh hải.

Nghiêm trọng hơn, Bắc Kinh còn thiết lập “khu vực cảnh giới,” trong đó quân đội Trung Quốc xác lập cứ điểm phòng thủ trọng yếu ở Tam Sa.

Tuy chỉ có một toán quân Trung Quốc đồn trú tại khu vực này với mục đích bảo vệ đường băng và các cơ sở khác, nhưng có thể nói đây chính là động thái xác lập một tư thế sẵn sàng nhằm dọn đường cho các hành động quân sự chính thức trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đơn phương mời thầu khai thác tài nguyên ngay tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Tiếp đó, Bắc Kinh còn phái một đội gồm 30 tàu đánh cá cùng với tàu hải giám tiến về vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa. Rõ ràng, đây là những hành động nhằm làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Việc Trung Quốc cố tình sử dụng sức mạnh quân sự áp đảo trước các nước láng giềng như Việt Nam nhằm biến Biển Đông thành “biển của Trung Quốc” có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang. Tình hình thực sự đã lên đến mức báo động.

Sự ổn định ở Biển Đông là nhân tố quan trọng không thể thiếu đối với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Xuất phát từ quan điểm đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải, an ninh trên Biển Đông sẽ mang lại lợi ích quốc gia cho Nhật Bản, mạng tin Yomiuri cho rằng Nhật Bản cần liên kết với Philippines và Việt Nam – hai nước đang bị Trung Quốc đe dọa – và tăng cường các hình thức hợp tác với những nước này bằng cách cung cấp tàu tuần tra cũng như đào tạo nhân lực trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trên biển.

Tàu công vụ  Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. Ảnh asahi.com

Trong khi đó, trên biển Hoa Đông, tình hình xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) cũng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mới đây, các tàu ngư chính của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo này trong hai ngày liên tục.

Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động nhằm khẳng định sự hiện diện của mình bằng cách phái nhiều tàu đánh cá ra Biển Đông. Bắc Kinh liên tục có những động thái làm leo thang căng thẳng nhằm tăng cường lợi ích biển. Cũng không loại trừ khả năng Bắc Kinh có thể có hành động tương tự trên biển Hoa Đông. Chính vì vậy, mạng tin Yomiuri cho rằng Nhật Bản cần phải đề cao cảnh giác trước Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Senkaku.

@BaoDatViet

Huỳnh Ngọc Chênh – Nghe người Campuchia nói chuyện

Huỳnh Ngọc Chênh

Thành phố Phnom PenhKhông lâu sau khi Campuchia với tư cách là nước chủ tịch luân phiên của Asean đã chống đối đề xuất của Hà Nội và Manila đưa các tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc vào thông cáo chung của Hội nghị ngoại trưởng Asean họp tại Phnom Penh, ông Heng Samrin, từng là lãnh đạo cao nhất Kampuchia thời độc đảng, nay là chủ tịch quốc hội, đã đến Hà Nội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về ‘sự ủng hộ giúp đỡ to lớn, quý báu, kịp thời, có hiệu quả mà Việt Nam đã dành cho Campuchia’.

Đó là tuyên bố công khai, còn bên trong không ai biết ông Heng sẽ nói thêm gì để giải thích với các lãnh đạo Việt Nam về quyết định của Kampuchia tại Hội nghị Asean vừa rồi. Tuy nhiên nghe câu chuyện sau đây, chúng ta cũng suy ra ông Heng đã nói gì.

Vừa qua, ngẫu nhiên tôi có hai người quen, một người có mặt trong một đoàn cán bộ Việt Nam sang thăm Phnom Penh, có dịp tiếp xúc với nhiều quan chức Kampuchia từ thấp đến cao và đặc biệt được nghe họ tâm sự chân tình trong các bữa ăn thân mật. Người còn lại qua thăm chơi Phnom Penh theo lời mời của người bạn thân là một trí thức Kampuchia, được trò chuyện với nhiều bạn bè là trí thức ở Phnom Penh.

Qua tất cả các câu chuyện trong các bữa ăn, qua những lần trò chuyện thân tình, hai anh bạn tôi đã ghi nhận một số ý kiến của các quan chức cũng như giới trí thức Kampuchia và kể lại cho tôi nghe. Tôi xin tóm lược lại từ hai câu chuyện và bỏ bớt đi những phần trùng lặp:

– Kampuchia không bao giờ quên ơn Việt Nam, quan hệ Kam – Việt là quan hệ trong gốc rễ bền vững, còn quan hệ Kam – Trung chỉ là quan hệ trên ngọn, các bạn Việt Nam nên tin như vậy (?). Chỉ ủng hộ TQ trên ngọn thôi chúng tôi có được vài tỷ USD, dại gì chúng tôi không làm.

– Tại sao bắt chúng tôi phải nhất nhất nghe theo VN, ủng hộ VN mọi thứ để chống lại TQ, trong khi chính quyền VN lại đàn áp bắt bớ những người dân VN ủng hộ nhà nước chống lại TQ? Các bạn nên xem lại mình, các bạn quan hệ với TQ là quan hệ rất khắng khít: khắng khít về mặt đảng, khắng khít về chế độ chính trị, khắng khít về cách làm ăn kinh tế… Còn chúng tôi không quan hệ với TQ đến mức như vậy, chúng tôi không mang ơn gì TQ để phải trả, chúng tôi không theo chế độ độc đảng, không làm ăn theo cơ chế thị trường định hướng XHCN kiểu TQ, chúng tôi không có gì phải lệ thuộc vào TQ, chúng tôi chỉ quan hệ ngoại giao. Các bạn khăng khít với TQ là vậy thì hà cớ gì buộc chúng tôi phải chống TQ để ủng hộ tuyệt đối các bạn. Trên công khai, chúng tôi phải đứng ở vị trí trung lập trong tranh chấp lãnh thổ giữa VN và TQ đó là điều hợp lý, nhưng bên trong, (đảng) chúng tôi vẫn ngấm ngầm ủng hộ các bạn.

– Các bạn phải hiểu rằng đảng các bạn đang lãnh đạo đất nước dễ hơn đảng chúng tôi. Các bạn cầm quyền độc đảng còn chúng tôi là đảng cầm quyền trong chế độ đa đảng. Đảng các bạn nắm tất cả trong tay kể cả báo chí nên các bạn muốn làm gì cũng được, đúng sai không ai dám nói tiếng nào. Còn (đảng) chúng tôi phải chịu sự canh tranh và giám sát của nhiều đảng khác. Chúng tôi chỉ có một tờ báo trong tay, trong hàng trăm tờ báo tự do khác ở Kampuchia. Chúng tôi làm việc gì không đúng, không vì lợi ích quốc gia, hàng trăm tờ báo ấy sẽ rào rào lên tiếng, không như bên các bạn.

– Chúng tôi mang ơn các bạn nhưng đừng vì thế mà các bạn tỏ ra trịch thượng kẻ cả với chúng tôi. Các bạn thử xem các bạn có gì tốt đẹp hơn để chúng tôi học tập? Các bạn có sản xuất được hoàn chỉnh một chiếc xe đạp chưa? Nền kinh tế của các bạn đang như thế nào? Thị trưởng Phnom Penh của chúng tôi nói thuần thục bốn thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp… Còn thử hỏi có một vị đứng đầu tỉnh hay thành phố nào của các bạn, dù là có bằng tiến sĩ, nói được một ngoại ngữ hay không?… Nhiều người trong các bạn tỏ ra trịch thượng đến mức lố bịch với chúng tôi lắm, đảng chúng tôi vì ơn nghĩa và tình cảm với các bạn nên cố gắng nhún nhịn, nhưng các đảng khác và báo chí thì họ phản ứng lắm. Các bạn phải hiểu điều đó….

Có nhiều ví dụ về việc trịch thượng, trong đó có cả chuyện của một lãnh đạo cấp cao của VN qua thăm Kampuchia mới đây gây phản ứng không tốt trong dư luận của Kampuchia. Anh bạn tôi khẳng định toàn bộ đoàn cán bộ VN đều nghe câu chuyện nầy, nhưng vì chưa kiểm chứng được nên tôi chưa dám ghi ra đây.

Tôi nghe thế nào ghi lại thế ấy, mọi bình luận dành cho các bạn.