Tỷ phú “2 đô ” và huyền thoại Việt trên đấ Mỹ

Thành công đầy ấn tượng của nhà doanh nghiệp trẻ người Việt tên là Trung Dũng đang thu hút giới truyền thông Mỹ. Anh đang trở thành một “huyền thoại” trong thế giới công nghệ cao.

Những bài viết về anh xuất hiện trên các báo và tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle… và trong cuốn sách Giấc mơ Mỹ của biên tập viên đài CBS Dan Rather.
Nhà doanh nghiệp trẻ Trung Dũng.

Liều thuốc uớc mơ!

Bước ngoặt lớn đầu tiên đến với anh 20 năm trước đây khi là một chàng trai 17 tuổi. Năm 1984, Trung Dũng rời Việt Nam sang Mỹ. Lúc bấy giờ, trong túi anh chỉ có vỏn vẹn 2 USD và vốn tiếng Anh rất ít ỏi.

Lúc đầu anh và người chị của mình xin được lưu trú ở Louisiana, sau đó chuyển sang Boston. Một năm sau, anh may mắn vượt qua được kỳ thi tương đương trung học và ghi tên học hai môn Toán và Tin học ở Trường Đại học Massachusetts ở Boston.

Trung Dũng tiếp tục vừa học vừa làm đủ thứ công việc, từ rửa chén bát trong nhà hàng đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính để nuôi sống bản thân và gia đình. Hàng tháng anh trích một phần ba khoản thu nhập từ 300 đến 400 USD để gửi về cho gia đình ở Việt Nam.

Cuối cùng anh đã lấy được hai bằng đại học về toán và tin học, đồng thời hoàn tất một phần lớn chương trình cao học.

Cũng trong thời gian đó, mẹ anh bị bệnh ung thư, anh phải tạm dừng việc học để đi làm cả ngày kiếm tiền lo cho mẹ. Cuối năm 1995, sau khi mẹ mất, anh từ bỏ công việc chạy thử phần mềm để theo đuổi kế hoạch: Phát triển một chương trình có thể giúp các công ty chỉ đạo, kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua mạng.

Do không có đủ tiền mua máy tính xách tay, anh phải gắn chiếc máy tính cá nhân cồng kềnh và màn hình 17-inches lên chiếc xe hơi Honda Civic rồi “kéo lê” nó đi từ nơi này đến nơi khác để giới thiệu phần mềm của mình.

Do không có bề dày thành tích, anh chẳng thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp. Vốn đã ốm yếu, anh lại càng ốm hơn do bị sụt cân và trở nên xanh xao vì mất ngủ do bị giằng xé giữa sức ép phải nuôi sống gia đình và thực hiện ước mơ của mình.

May mắn thay, một người bạn giới thiệu anh với Mark Pine, nguyên là Ủy viên Ban Quản trị Sybase Inc đã về hưu nhưng vẫn muốn nhảy vào ngành công nghệ kỹ thuật cao. Đó là một cơ hội mà Dũng quyết định không để vuột mất.

Thành công

Được sự hỗ trợ của Mark Pine, OnDisplay trở thành một trong những công ty phần mềm thành công, thu hút những khách hàng như Travelocity.com. Ý tưởng của anh đã thuyết phục được các nhà đầu tư và huy động được 35 triệu USD từ các nhà đầu tư trước khi chuyển sang cổ phần hóa.

Với kiến thức về máy tính, Trung Dũng thành lập OnDisplay, chương trình giúp các doanh nghiệp lấy dữ liệu từ những vị trí khác trên mạng trong khi vẫn ở tại chỗ của mình.

Khi công ty chuyển sang cổ phần hóa (năm 1999), trị giá cổ phiếu của Trung Dũng trên giấy tờ là 85 triệu USD. Năm tháng sau, công ty và thương hiệu của nó được chuyển nhượng cho Vignette với cái giá 1,8 tỷ USD.

Ở khu trường sở Bishop Ranch tại San Ramon, trong tòa cao ốc cạnh trụ sở cũ của OnDisplay, Trung Dũng lại mở một công ty phần mềm mới, một công ty Fogbreak mà anh hy vọng sẽ “tỏa sáng” hơn công ty trước của mình.

Với Fogbreak, anh đặt mức yêu cầu cao hơn trước. Vừa là sáng lập viên, vừa đảm nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành, anh muốn làm cho Fogbreak phát triển thành một công ty lớn và có lợi nhuận ngang ngửa với PeopleSoft nổi tiếng của Mỹ.

Khiêm tốn!

Hiện nay Fogbreak vẫn đang đối mặt với những thách thức của thị trường kỹ thuật cao, đang tăng cao trong những tháng gần đây, nhưng không đến nỗi nóng bỏng như thời OnDisplay.

Oracle Corp và PeopleSoft xích lại gần nhau trên thị trường phần mềm, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn còn thận trọng khi mua những sản phẩm của một công ty mới phát triển mà họ lo rằng sẽ không còn tồn tại trong những năm tới. Nhưng Dũng không hề nhụt chí.

Trụ sở chính của Fogbreak, công ty mới của Trung Dũng chẳng có chút hào nhoáng để xứng tầm với một người vừa tạo lập một gia tài kếch xù. Từng cả gan thành lập công ty trong bối cảnh kinh tế suy sụp, Trung Dũng hiểu rằng không được hoang phí trong chi tiêu. Anh thà không có thư ký và một văn phòng xa hoa lộng lẫy để tập trung tất cả cho nhu cầu của khách hàng.

Những người từng gặp người tỷ phú này khi anh còn là một chàng trai tay trắng đều nhận xét rằng, anh là một người rất khiêm tốn. Anh thành công vì đã biết nắm bắt cơ hội một cách nghiêm túc.

Theo BWP

@Dantri

Căng thẳng Biển Đông trở thành Palestine?

Ông Pitsuwan làm Tổng thư ký Asean trong 5 năm.

Vào tuần này một nhà ngoại giao hàng đầu của châu Á cảnh báo tranh chấp tại Biển Đông có thể có rủi ro trở thành “Palestine của châu Á” và dẫn tới xung đột có bạo động gây bất ổn toàn vùng.

Tổng thư k‎ý Asean sắp mãn nhiệm, Tiến sỹ Surin Pitsuwan, nói với Financial Times rằng Asean đang đi qua giai đoạn “nhiều tranh chấp nhất” trong những năm gần đây.

“Chúng ta phải lưu tâm đến thực tế rằng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) có thể biến thành chuyện như Palestine, nếu các nước không cố gắng hơn nữa nhằm giảm căng thẳng”, ông nói.

Hoa Kỳ với chiến lược đổi trọng tâm về châu Á để đối trọng với Trung Quốc mới đây có động thái gần gũi hơn với Miến Điện và Việt Nam, là các quốc gia cũng không muốn thấy Trung Quốc, với sức mạnh về kinh tế và quân sự, áp đảo khu vực.

Bị kẹp giữa hai cường quốc, các nước Đông Nam Á sẽ ngày càng chịu áp lực phải đứng về phía một trong hai trừ phi họ có thể có quan điểm đồng nhất, Financial Times dẫn lời ông Pitsuwan, một nhà ngoại giao Thái Lan sẽ mãn nhiệm vào tháng tới sau nhiệm kỳ 5 năm.

“Chúng ta phải lưu tâm đến thực tế rằng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) có thể biến thành chuyện như Palestine,” nếu các nước không cố gắng hơn nữa nhằm giảm căng thẳng.”

Tiến sỹ Surin Pitsuwan, Tổng thư k‎ý Asean

Ông Pitsuwan cho rằng tình hình đang xấu đi ở Biển Đông là kết quả của “sức mạnh từ bên trong Trung Quốc”, với Bắc Kinh tập trung vào việc giữ vững chủ quyền và lãnh thổ trong bối cảnh thay đổi lãnh đạo gần đây và Bắc Kinh ngày càng thịnh vượng.

ASEAN, diễn đàn cấp cao duy nhất cho các vấn đề an ninh ở châu Á, đã chứng kiến những ngày lộn xộn gần đây khi Campuchia, một đồng minh thân cận Bắc Kinh và nước giữ quyền chủ tịch luân phiến của tổ chức, đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới các nỗ lực của Philippines và Việt Nam nhằm tạo một sự đồng thuận về cách để đối phó với lập trường quyết đoán của Trung Quốc.

“Campuchia phải tự cân bằng trong trò chơi quyền lực ngày càng căng thẳng”, ông Pitsuwan nói.

“Tôi nghĩ rằng Campuchia đã làm những gì họ phải, người ta nên đánh giá Campuchia trong vị trí của họ.”

Ông Pitsuwan nói thêm rằng hy vọng tốt nhất để tránh xung đột cho ASEAN và Trung Quốc đồng ý được bộ qui tắc ứng xử theo đó không khuyến khích các nước chiếm đảo, giếng dầu và bãi đánh bắt cá như cách để chứng minh cho chủ quyền lãnh thổ của mình.

Nhưng điều này sẽ là thách thức trong bối cảnh thể chế chính trị và cơ chế giải quyết tranh chấp tại các nước châu Á hiện vẫn đang còn kém xa so với sức mạnh kinh tế của họ.

‘Đừng xăm xoi’

“Mục đích của hộ chiếu điện tử mới là để tăng cường khả năng về công nghệ và cũng để tiện dụng cho công dân Trung Quốc ra vào nước”

Hồng Lỗi, Người phát ngôn Bộ ngoại giao TQ

Trong khi đó Trung Quốc nói người ta không nên xăm xoi nhiều vào bản đồ in trên hộ chiếu điện tử gây tranh cãi gần đây.

Philippines và Việt Nam đã lên án Bắc Kinh khi nói rằng bản đồ ‘lưỡi bò’ này là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của họ.

Ấn Độ hiện cũng tuyên bố chủ quyền tại hai khu vực tại Himalaya mà Bắc Kinh gộp vào vùng lãnh thổ Trung Quốc tên bản đồ cũng có phản ứng tương tự.

“Mục đích của hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc là để tăng cường khả năng về công nghệ và cũng để tiện dụng cho công dân Trung Quốc ra vào Trung Quốc’’, người phát ngôn Bộ ngoại giao Hồng Lỗi nói tại một buổi họp báo ở Bắc Kinh mới đây.

Quyết định cấp hộ chiếu gắn chip điện tử với nhiều hình vẽ gây tranh cãi của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia có tranh chấp chủ quyền với nước này tức giận.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam được báo chí trong nước dẫn lời nói nói Chính phủ Việt Nam đã “chỉ đạo” không đóng dấu vào hộ chiếu có đường lưỡi bò của Trung Quốc, theo báo chí trong nước.

Ngoại trưởng Indonesia vào hôm 29/11 nói Trung Quốc không thành thật khi đưa ra hộ chiếu có đường lưỡi bò và động thái này sẽ phản tác dụng.

Giới chức Philippines trước đó cũng quyết định không đóng dấu chứng thực nhập cảnh lên hộ chiếu có đường ‘lưỡi bò’ của Trung Quốc và dùng tờ thị thực rời.

Trong khi đó Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland vào ngày 26/11 nói việc Mỹ đóng dấu nhập cảnh lên hộ chiếu có đường ‘lưỡi bò’ không có nghĩa thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc.

@bbc

Quốc hội nhảy múa theo đồng chí mếu và đồng chí X: “Nguyễn Như Vân” muôn năm!

Âu Dương Thệ

Chiều 22.11, chỉ một ngày trước khi bế mạc, Quốc hội đã “họp kín về tình hình Biển Đông”. Trong cuộc họp báo chiều 23.11 công bố kết quả kì họp thứ 4 khóa 13 Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại sao lại phải họp kín: “Việc Quốc hội họp kín về tình hình Biển Đông vào chiều hôm qua (22.11) là theo kiến nghị của đại biểu Quốc hội và điều này là bình thường”.[1] Trong khi Quốc hội, “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”[2], phải đóng cửa khép nép họp kín về vấn để chủ quyền rất quan trọng của đất nước, làm mất thể diện quốc gia thì Bắc kinh càng ngày càng có những hành động công khai ngang ngược, trắng trợn, từ lấn chiếm các hải đảo VN nay còn tìm cách hợp thức hóa cuộc xâm lăng bằng cách cho in hộ chiếu mới có ghi đường lưỡi bò cùng với các quần đảo Hoàng sa-Trường sa coi như thuộc lãnh thổ Trung quốc! Việc này, theo như một số Blog ở trong nước, thực ra Bắc kinh đã thực hiện từ 15.5. 2012, nhưng mãi tới 22.11 khi thông tấn xã Reuters chất vấn, nhà cầm quyền CSVN mới lên tiếng phản đối ![3]

Đáng lưu ý nữa là, chỉ hai ngày sau khi Đại hội 18 ĐCS Trung quốc bế mạc (8-15.11.2012), Nguyễn Phú Trọng đã cử Ủy viên Trung ương và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân làm “đặc phái viên của Tổng bí thư” sang chúc mừng Tập Cận Bình vừa được bầu làm Tổng bí thư ĐCS Trung quốc và thân mời ông Bình sớm sang thăm VN. Nhưng Tập Cận Bình đã không tiếp “Đặc phái viên của Tổng bí thư” của Nguyễn Phú Trọng mà chỉ để người dưới gặp.[4] Thái độ coi thường Nguyễn Phú Trọng của Tập Cận Bình khác hẳn thái độ trọng vọng lễ phép của Nguyễn Phú Trọng khi tiếp Vương Gia Thụy, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương ĐCS Trung quốc, “Đặc phái viên” của Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào khi ấy cử sang chúc mừng ông Trọng vừa được bầu làm Tổng bí thư vào giữa tháng 1.2011.[5] Có lẽ vì thế ông Trọng đã buồn bã không để tờ Tạp Chí Cộng Sản điện tử đưa tin này

Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”[6] trong kì họp thứ 4 Khóa 13 từ 22.10 tới 23.11 còn có hai việc làm rất được dư luận chú ý. Thứ nhất là ưu ái đến 2 lần để Nguyễn Tấn Dũng – từ Hội nghị trung ương 6 tới nay được Nguyễn Phú Trọng đặt tên một cách khinh bỉ là “một đồng chí Ủy viên Bộ chính trị” và sau đó được Trương Tấn Sang gọi là “đồng chí X”-[7] ra trước 500 đại biểu “nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn”[8], và ba tuần sau ông Dũng lại hùng dũng nói trước Quốc hội là tại sao không muốn từ chức Thủ tướng. Thứ hai, Quốc hội vừa ra đạo luật mới về phòng chống tham nhũng, chấm dứt vai trò của ông Dũng làm Trưởng ban của Ban này và giao cho Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu Đảng và gần đây đai lầm khóc mếu công khai, vì bất lực trước việc các đồng liêu càng ngày càng ăn bẩn, không những thế còn kéo cả vây cánh, gia đình như những “bầy sâu”cùng tham gia đục khoét tài sản của dân rất trắng trợn. Nhiều quan sát viên nêu các câu hỏi: Từ Nguyễn Phú Trọng tới Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh Hùng đang tính giở trò gì đây? Họ lại dùng Quốc hội làm tuồng phường chèo gì mới? Còn ai tin họ nữa không?

Hoan hô Đồng chí X!

Suốt hai tuần bị phe Nguyễn Phú Trọng hành hạ tàn nhẫn đến mức như bị cởi truồng trước 200 ủy viên Trung ương đảng tại Hội nghị trung ương 6 (1-15.10), cuối cùng Nguyễn Tấn Dũng phải nhận lỗi. Cho nên vào ngày cuối trong tư cách đứng đầu Bộ chính trị, Nguyễn Phú Trọng đã đòi Hội nghị trung ương 6 phải có quyết định kỉ luật nghiêm túc với Nguyễn Tấn Dũng: “Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị…” [9]

Nhưng đa số rất lớn trong số 175 Ủy viên trung ương đã đứng về phe Nguyễn Tấn Dũng bác đòi hỏi của Nguyễn Phú Trọng:

“Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.”[10]

Điều này cho thấy, Nguyễn Phú Trọng đã thua đau nên khi đọc diễn văn bế mạc đã khóc và Nguyễn Tấn Dũng đã thắng lớn ngay trong cơ quan cao nhất là Trung ương đảng. Đây không phải là chiến thắng đầu tiên của ông Dũng, mà hai năm trước khi Bộ chính trị và Trung ương đảng bàn về vụ làm ăn thua lỗ của Vinashin (2010) lên tới 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD) Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thắng, cuối cùng các bên đã coi sự thất thoát tài khoản khủng khiếp trên như tiền chùa và tự tha bổng cho nhau để giữ ghế chia phần trong Đại hội 11 (1.2011). Nhưng trong “Kết luận số 88/KL-TW ngày 08 tháng 11 năm 2010 của Bộ Chính trị”về vụ Vinashin họ vẫn nói vuốt đuôi và xoa dịu dư luận “ yêu cầu các tập thể và cá nhân liên quan phải nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và không để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác xảy ra sai phạm tương tự.”[11]

Nhưng sau đó không biết ông Dũng “nghiêm túc tự phê bình, rút kinh nghiệm” như thế nào thì không ai rõ, vì ông còn trâng tráo đưa cả con gái và hai con trai vào các chức hái ra tiền hoặc chuẩn bị cho tương lai. Không những thế, từ đó đến nay có thêm nhiều tập đoàn và tổng công ti dưới quyền trực tiếp của Thủ tướng như Vinalines, Điện lực (EVN), Tập đoàn công nghiệp xây dựng (VNIC) và Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng đang thua lỗ cả trăm ngàn tỉ. [12]

Các chính sách kinh tế tài chánh sai lầm, vung tay quá trán của Nguyễn Tấn Dũng suốt 6 năm vừa qua đã tạo gánh nợ công của VN lên tới 129 tỉ USD (2011), cao hơn cả GDP của VN năm 2011,[13] gây ra nạn lạm phát cao nhất trong khu vực và đang đưa kinh tế VN tới bờ vực thẳm. Tổ chức tin tức tài chánh kinh tế Bloomberg đã gọi chính sách kinh tế phiêu lưu của ông Dũng là “giấc mơ vỡ nát”.[14] Cùng với những thất bại trầm trọng trong kinh tế, Nguyễn Tấn Dũng còn hoàn toàn bất lực trong việc chống tham nhũng. Lãnh vực mà ông trước đây hơn 6 năm khi nhận chức Thủ tướng và Trưởng ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng đã dõng dạc tuyên bố, nếu không chống được tham nhũng thì ông sẽ từ chức!

Sau chiến thắng tại Hội nghị trung ương 6, ngày 22.10 ông Dũng lại lên giọng long trọng và tỏ ra biết điều ra trước Quốc hội ăn năn xin lỗi:

“Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước.”[15]

Nội dung và ngôn ngữ này Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nói trong Báo cáo của Chính phủ ngày 24.11.2010 tại Kì họp thứ 8 của Quốc hội khóa 12 liên quan tới vụ Vinashin. [16] Nhưng đây là lần thứ 2 Nguyễn Tấn Dũng vẫn không chịu từ chức, vẫn chỉ xin lỗi suông!

Một việc phủi trách nhiệm trắng trợn và dễ dàng như trở bàn tay không thể nào có trong một xã hội dân chủ, pháp trị và văn minh thực sự. Trong các nước Dân chủ Đa nguyên, nếu người cầm đầu chính phủ để xẩy ra các vụ thất thoát tài sản công nghiêm trọng, hoặc để tham nhũng tràn lan thì Quốc hội sẽ thành lập ngay các Ban điều tra độc lập và có quyền hành lớn. Thủ tướng và các bộ trưởng có trách nhiệm phải ra điều trần và các dân biểu chất vấn công khai. Cuối cùng nếu có những bằng chứng chính xác thì người cầm đầu chính phủ và những bộ trưởng liên hệ sẽ nhận trách nhiệm chính trị là phải từ nhiệm hoặc bị cách chức. Nếu lạm dụng tài sản công để làm lợi riêng thì có thể phải ra tòa án xét xử như mọi công dân trước pháp luật. Chứ không chỉ nói suông như Nguyễn Tấn Dũng là“ nhận trách nhiệm chính trị lớn”,nhưng vẫn cố ôm ghế Thủ tướng mà không đủ can đảm và bản lĩnh thấy rằng, suốt trên 6 năm qua ông đã hoàn toàn không hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trong tư cách người cầm đầu chính phủ!

Vì chức vụ Thủ tướng có nhiệm vụ chính trị rất cao, cho nên người đảm nhiệm nó thì cũng phải có trách nhiệm chính trị rất lớn, đó là qui luật công bằng trong sinh hoạt chính trị lành mạnh là, nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm chính trị phải song hành với nhau. Trong trường hợp của Nguyễn Tấn Dũng thì nhiệm vụ chính trị ông nắm là 100, nhưng trách nhiệm chính trị lại là số 0 !

Nhiều nhân sĩ, trí thức và đảng viên còn biết tự trọng đã đưa ra đòi hỏi Nguyễn Tấn Dũng phải từ chức sớm. Ngay cả đồng liêu của ông Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng khuyên: “Nhân dân đã giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành, còn thấy mình không hoàn thành thì rút lui” và “nếu chúng ta hèn nhát thì làm đơn gửi cho Đảng chúng ta nghỉ, chúng ta rút lui đi để cho những người dũng cảm làm việc”[17]

Đã không chịu từ chức, nhưng cơ quan quyền lực cao nhất của nước, tức Quốc hội, ba tuần sau lại mời ông Dũng ra điều trần. Nhưng cho tới ngày chót hầu như vẫn chưa có đại biểu dám đưa các câu hỏi sẵn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Nguyễn Tấn Dũng. Ngày 14.11 chỉ có vài đại biểu đặt câu hỏi, trong đó đáng kể nhất là Dương Trung Quốc, tuy là Giáo sư Sử học và rất hãnh diện trong tư cách “không phải đảng viên” (ĐCS) làm đại biểu Quốc hội từ suốt ba nhiệm kì. Nhưng qua những hoạt động của ông người ta thấy, ông Quốc đã từng đóng các vai trò khi thì “quân xanh” làm “đối lập” cuội, lúc thì làm “quân đỏ” ủng hộ nhân vật này hay nhân vật kia. Chẳng hạn mới đây nhất, ngày 22.10 sau khi Nguyễn Tấn Dũng giả vờ xin lỗi và nhận trách nhiệm tại Quốc hội thì ông Quốc khen lên khen xuống ông Dũng hết mình là “thái độ thành khẩn của Thủ tướng làm an lòng dân”![18] Vài tuần sau trong buổi chất vấn của Quốc hội ông Quốc đã mớm câu hỏi với Nguyễn Tấn Dũng, “Thủ tướng có tán thành khởi đầu cho sự tiến bộ của Chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”! [19]

Được lời như cởi tấm lòng, nên Nguyễn Tấn Dũng đã trút bầu tâm sự trước Quốc hội là suốt 51 năm theo Đảng ông chỉ biết phục vụ Đảng mà thôi, cho nên không thấy có lí do phải từ chức:

“Về ý kiến của ĐB là có nghĩ đến văn hóa từ chức không, tôi xin trình bày ý kiến thế này.

Đối với tôi, còn 3 ngày nữa tròn 51 năm tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng, chịu sự quản lý trực tiếp của Đảng. Trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác. Mặt khác, tôi cũng không thoái thác hay từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước giao phó cho tôi.

Là cán bộ, đảng viên, tôi đã nghiêm túc báo cáo với Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương về bản thân mình. Đảng, Ban chấp hành Trung ương đã hiểu rõ về tôi, cả về sức khỏe, thương tật, cả về năng lực, phẩm chất, đạo đức cả về tâm tư, nguyện vọng của tôi.

Đảng lãnh đạo trực tiếp tôi, hiểu rõ về tôi, Đảng ta là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận và hoàn thành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Quốc hội.

Tóm lại, có thể nói, gần suốt cuộc đời tôi theo Đảng, cách mạng, dưới sự hoạt động trực tiếp của Đảng, tôi không chạy, tôi cũng không xin, tôi không thoái thác nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước phân công. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc như đã làm trong suốt 51 năm qua.”,[20]

Khi tuyên bố như trên gương mặt ông Dũng không buồn, không hổ thẹn mà còn tỏ ra vênh váo hãnh diện, hãnh diện vì đã đi theo Đảng và hãnh diện vì đã được Đảng giao phó hết trọng trách này tới trọng trách khác và cả Quốc hội trước sau vẫn tín nhiệm ông! Không những thế, ông còn công khai cho biết, những việc làm của ông từ trước tới nay, nhất là từ hơn 6 năm làm Thủ tướng, đều đã được Bộ chính trị và Trung ương đảng đồng ý và giao phó, nghĩa là ông đổ lỗi hoàn toàn là lỗi của tập thể, chứ cá nhân ông chẳng làm điều gì sai lầm![21]

Nhưng mới ba tuần trước, ngày 22.10 cũng chính trước Quốc hội ông Dũng đã nhìn nhận, chính ông và chính phủ dưới quyền của ông đã có “những yếu kém, khuyết điểm” “trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát” đặc biệt trong lãnh vực kinh tế tài chánh, nên đã gây ra “nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước.” Nhưng ngày 14.11 cũng trước Quốc hội này Nguyễn Tấn Dũng lại vỗ ngực là vẫn“hoàn thành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Quốc hội.”. Ông bảo rằng, mọi hành động của ông là do Đảng và vì Đảng, ở đây cụ thể là Trung ương đảng và Bộ chính trị, ông chỉ là người thừa hành, sai đâu đánh đó. Lời biện bạch 51 năm theo Đảng của Nguyễn Tấn Dũng còn cho thấy rõ thái độ vào Đảng của ông là đã nhiều năm chỉ quen nịnh trên nẹt dưới, biết ngậm miệng nín hơi để chờ thời, đến khi leo được lên đỉnh danh vọng thì thẳng tay bòn rút và cố đấm ăn xôi!

Như thế rõ ràng là ông Dũng đã đánh mất tính tự trọng! Một đức tính cao quí cần có ở một người lãnh đạo. Tâm lí phủi trách nhiệm này là sản phẩm của chế độ độc tài. Nó cho phép những kẻ có quyền lực thường nhân danh Đảng ra các quyết định sai lầm, đàn áp nhân dân và khi những sai lầm không còn che dấu được nữa, bị phê bình thì họ lại lấy Đảng làm lá chắn để trốn trách nhiệm!

Những nguy hại của chế độ toàn trị đẻ ra và bao che những người cầm đầu vô trách nhiệm và mất tự trọng càng ngày bị nhân dân bất bình, thanh niên và trí thức phản đối, kể cả nhiều đảng viên tiến bộ đã công khai cảnh báo. Như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ủy viên trung ương và cựu Đại sứ tại Trung quốc, sau khi Nguyễn Tấn Dũng phủi trách nhiệm nên tướng Vĩnh đã kết án:

“Nếu Thủ tướng có lòng tự trọng như vừa qua ông lên lớp cho sinh viên Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh về lòng tự trọng thì ông nên từ chức.” [22]

Cả Lê Hiếu Đằng, một sinh viên miền Nam trước 1975 đã từng tin theo Đảng, nhưng sau mấy chục năm đã sáng suốt tự nhìn ra những nguy hại của chế độ độc tài toàn trị trong mọi lãnh vực đang gây ra cho đất nước, từ đàn áp thanh niên trí thức, quị lụy Bắc kinh, kinh tế kiệt quệ tới tham nhũng bất trị. Cho nên trong dịp Nguyễn Tấn Dũng không chịu từ chức trước những sai lầm nghiêm trọng, ông Đằng đã nói, đó là “văn hóa xấu hổ” đã mất trong những người có quyền lực. Ông cảnh giác đây chính “lỗi hệ thống”, tức là hệ thống của chế độ độc đảng toàn trị:

“Vấn đề ở chỗ « lỗi hệ thống ». Nếu muốn không có một vị Nguyễn Tấn Dũng nữa với những thiếu sót đó, thì phải thay đổi thể chế. Ở đó phải thực hiện được những quyền dân chủ của người dân, Quốc hội cho ra Quốc hội”[23]

Chuyện Nguyễn Tấn Dũng “nhận lỗi”nhưng không chịu từ chức lần thứ hai trước Quốc hội, rồi Quốc hội lại vẫn bỏ qua có thể so sánh với câu chuyện, một bị can đứng trước tòa nhận tội đã làm và nhìn nhận hành động của mình đã gây ra thiệt hại lớn cho nhiều người. Nhưng cuối cùng tòa xử tha bổng cho bị can! Vậy phải gọi tòa án ấy là cái gì? Trường hợp với Quốc hội của chế độ toàn trị thì Quốc hội ấy của ai và để làm trò gì? Có phải Quốc hội đang làm trò múa rối theo lệnh của Nguyễn Tấn Dũng?

Hoan hô đồng chí mếu!

Trong khi người cầm đầu chính phủ ngang ngược phủi trách nhiệm và cố đấm ăn xôi với cái ghế Thủ tướng thì người đứng đầu Đảng có dám nhận trách nhiệm tương xứng với quyền hành không? Suốt hai thập niên qua trên các cương vị quan trọng trong nhiều lãnh vực khác nhau Nguyễn Phú Trọng đã chứng tỏ là người cực kì bảo thủ, giáo điều và lươn lẹo – từ cúi đầu thần phục Bắc kinh, chủ trương tiếp tục độc đảng theo Marx-Lenin đã phá sản, tới vẫn giữ các tập đoàn và tổng công ti nhà nước làm chủ đạo trong kinh tế. Không những thế, vì nuôi tham vọng cao nên mặc dầu đã quá tuổi qui định trong Điều lệ Đảng nhưng ông Trọng đã không chịu rút lui và tìm mọi thủ đoạn để leo lên ghế Tổng bí thư tại ĐH 11. Từ đó Nguyễn Phú Trọng tìm mọi cách xoay xở để chặt chân tay và vây cánh những ai ông không ưa, nhất là Nguyễn Tấn Dũng. Cụ thể nhất hiện nay là giành lại chức Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng.

Nhưng giành lại chức trưởng ban này ông Trọng có thực tâm và đủ bản lĩnh chống tham nhũng, hay chỉ để củng cố quyền lực cho chính mình và vây cánh? Ý định thực sự của Nguyễn Phú Trọng trong việc này đã được thể hiện rất rõ trong Đạo luật mới về phòng chống tham nhũng vừa được Quốc hội thông qua với gần 95% số phiếu và sẽ có hiệu lực từ 1.2.2013. Nghĩa là hầu như toàn bộ 500 đại biểu đã nhẩy múa theo lệnh của Tổng bí thư!

Từ nhiều năm qua dư luận rộng rãi trong toàn xã hội và cả một phần trong Đảng đòi hỏi phải có một cơ cấu chống tham nhũng độc lập và có thực quyền thì mới ngăn chặn được bọn tham quan bòn rút, xà xẻo tài sản của nhân dân. Ngay cả trong Kì họp thứ 4 của Quốc hội mới đây, nhân dịp thay đổi Trưởng ban phòng chống tham nhũng, cũng có một số đại biểu đưa ra yêu cầu chính đáng này. Họ đã nhìn rõ nếu chỉ chuyển Ban này từ chính phủ sang Đảng thì vẫn là “bình cũ rượu cũ” hay “hổ không răng” mà thôi. [24]

Vì trước thời Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban này thì Bộ chính trị cũng đã lãnh đạo trực tiếp việc chống tham nhũng và kết quả thảm bại như thế nào thì ai cũng biết, Nguyễn Phú Trọng lại càng biết hơn nữa. Vì một cao điểm trong việc Đảng phát động phong trào rầm rộ chống tham nhũng đã có từ Hội nghị trung ương 6/2 (25.1-5.2.1999) khóa 8, đề ra rèn luyện đạo đức cán bộ, bắt kê khai tài sản và qui định các điều đảng viên không được làm và mở cuộc chỉnh đảng kéo dài suốt hai năm (19.5.99 -19.5.2001).[25] Khi ấy ông Trọng đã là Ủy viên Bộ chính trị trực tiếp giúp Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Nhưng lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan cao nhất của Quốc hội, cuối cùng vẫn làm theo lệnh của Nguyễn Phú Trọng, nghĩa là theo Luật chống tham nhũng vừa được Quốc hội thông qua thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ cầm đầu Ban này. Tuy nhiên, vào ngày 23.11 khi cho biết Luật mới chống tham nhũng sẽ được áp dụng từ 1.2.2013 thì Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện – người từng giữ chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và cũng đã từng nói Tòa án Nhân dân xử cách nào cũng được- đã lươn lẹo giải thích rất ngụy biện là, muốn thành lập một ban độc lập chống tham nhũng thì “đòi hỏi phải có thời gian tổng kết, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu” !!! [26] Mấy chục năm nay Quốc hội đã ra hết Pháp lệnh này đến đạo luật khác về chống tham nhũng, nhưng trước sau tham nhũng càng như rươi, như chính Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã xác nhận. Họ biết thừa nguyên nhân vì đâu và đã có thời gian cả mấy chục năm, nhưng nay lại nại cớ “phải có thời gian tổng kết, đánh giá thực tiễn”và hứa sẽ “nghiên cứu”[27]. Đây là cách trí trá theo kiểu “đến Tết Maroc”!

Theo luật mới này, “tổ chức, hoạt động của Ban sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng, không quy định trong luật phòng chống tham nhũng ”.[28] Nghĩa là làm sống trở lại chủ trương “đóng cửa bảo nhau”, “xử lí nội bộ”, “tự phê bình nghiêm túc và rút kinh nghiệm ”, của thời kì trước mà chính Nguyễn Phú Trọng đã từng tham gia tích cực từ Nghị quyết Trung ương 6/2 (1999) thời Lê Khả Phiêu. Từ mô hình Thủ tướng đứng đầu Ban này, tức là vừa đá bóng vừa thổi còi, nay chuyển sang Tổng bí thư đứng đầu Ban này thì vẫn như vừa thổi còi vừa đá bóng, chỉ xếp thứ tự ngược lại mà thôi, còn thì cách làm làm vẫn theo kiểu “Nguyễn Như Vân”!!!

Luật mới từ chối đòi hỏi của dư luận là đảng viên phải công khai kê khai tài sản tại nơi cư trú và vẫn giữ lại việc chỉ phải khai tài sản tại nơi làm việc. Nhưng cách này đã có trên 13 năm từ Hội nghị trung ương 6/2 và đã chứng tỏ hoàn toàn vô hiệu, vì các quan lớn chỉ khai tài sản tại nơi làm việc thì ai dám kiểm soát tính chính xác, thực hư; không những thế bố bảo nhân viên cấp dưới nào dám vào đọc hồ sơ về tài sản của xếp mình, đừng nói chi đến tố cáo! Thế nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại cũng viện lí “đây là vấn đề mới”nên “cần có bước đi thận trọng” để từ chối rồi hứa “nghiên cứu kĩ”[29], nghĩa là vẫn theo sách lược gian dối chờ tới “Tết Maroc”! Cho nên Nguyễn Văn Hiện vẫn giải thích theo lối lươn lẹo:

“Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do thời gian chuẩn bị dự án luật ngắn, Chính phủ chưa tiến hành tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thi hành luật trong 6 năm qua; dự án luật lại chỉ được thông qua tại một kỳ họp nên nếu sửa đổi toàn diện tại một kỳ họp sẽ không bảo đảm chất lượng. Do đó, ban soạn thảo nhất trí chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều thực sự bức xúc đang gây khó khăn, vướng mắc cho việc thi hành luật và để thể chế hóa kịp thời nghị quyết của Hội nghị TƯ .”[30]

Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần xác nhận, vấn đề chống tham nhũng cực kì quan trọng và khẩn cấp và ông cũng có thừa thời gian để chuẩn bị một đạo luật mới có thực quyền và khả thi nếu thực sự muốn. Nhưng cuối cùng ông Trọng đã làm ăn rất cẩu thả, lấy lệ, làm cho xong. Bởi vì giữa các phe đang tranh giành quyền lực tới mức một mất một còn. Chung quanh việc chuẩn bị và thông qua Luật phòng chống tham nhũng vừa được Quốc hội ban hành đã cho thấy, Nguyễn Phú Trọng không chỉ bất lực như trong Hội nghị trung ương 6 vừa qua mà còn bộc lộ thái độ vô trách nhiệm trong cách giải quyết vấn nạn tham nhũng !

***

Qui luật trong chính trị đã chứng minh rằng, ở đâu càng độc tài thì ở đó đàn áp càng tàn bạo, tham nhũng càng bất trị và những kẻ có quyền càng trở nên bất lương, nguội lạnh trước sự đày đọa và cực khổ của nhân dân! Họ lạm dụng quyền để nói có thành không, không thành có, ngụy biện, tùy tiện. Đây chính là thái độ và hành động của nhóm cầm đầu chế độ độc tài toàn trị hiện nay ở VN đang gieo rắc cho dân tộc!

Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng –hai người có quyền lực mạnh nhất trong chế độ toàn trị nhưng đang kình chống nhau rất mãnh liệt – vì những lợi ích riêng đang dùng quyền lực để hách lối và lươn lẹo, biến Quốc hội thành nơi diễn tuồng để họ làm phường chèo! Cấm Quốc hội không được công khai bàn về tình hình biển Đông đang rất căng thẳng vì Bắc kinh đang trắng trợn lấn lướt. Điều này làm ô nhục danh dự dân tộc. Hiện nay họ còn đang khua triêng đánh trống cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng theo mánh lới quen thuộc đầu voi đuôi chuột, treo đâu dê bán thịt thối (chứ không phải thịt chó)! Vì trước sau Điều 4 của Hiến pháp 1992 sẽ không được phép đụng chạm tới. Nó cho phép ĐCS tiếp tục độc tài toàn trị! Nhưng cũng chính Điều 4 này đang là hỏn đá tảng khổng lồ chặn đường đi của dân tộc ta!

Cả hai nhà độc tài và tham quyền Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã cố tình lẫn lộn hoạt động sân khấu với hoạt động chính trị. Trong khi các màn sân khấu chỉ cốt cho thính giả vui, giải trí. Còn hoạt động chính trị liên quan tới số phận của cả nước gần 90 triệu dân, từ cơm áo, việc làm, giáo dục, y tế tới phẩm giá nhân cách và chủ quyền độc lập.

Trong một chế độ mà Thủ tướng đã đánh mất tự trọng đến mức không biết là những hành động và lời nói đang tự nhổ vào mặt mình. Một Tổng bí thư và cả Bộ chính trị đã vô quyền và bất lực không đuổi được Thủ tướng tham nhũng và gây ra những sai lầm nghiêm trọng trong suốt hơn 6 năm… Một Tổng bí thư cố giành giựt chức Trưởng ban chống tham nhũng, nhưng lại đẻ ra luật mới chống tham nhũng đầu voi đuôi chuột!

Một chế độ với những người cầm đầu như vậy có còn xứng đáng để tiếp tục tồn tại nữa không? Có đáng để bảo vệ nữa không? Câu hỏi cấp bách và quan trọng này đang ngày càng được nhân dân, đi đầu là thanh niên, trí thức, các văn nghệ sĩ có tâm huyết, đã trả lời dứt khoát là KHÔNG! Nay còn có cả nhiều đảng viên tiến bộ, biết quí lòng tự trọng cũng đã lên tiếng thẳng thắn là, phải chấm dứt ngay thể chế tồi tệ này càng sớm càng tốt!

28.11.2012

Ghi chú

[1] . Sài gòn tiếp thị 23.11

[2] . Điều 83 HP 1992

[3] . Blog Basam 26.11

[4] . Đài Bắc kinh 18.11; Quân đội nhân dân 17.11

[5] . Cộng sản điện tử (CS) 20.1.2011

[6] . Điều 83 HP 1992

[7] . Âu Dương Thệ,“Trọng ngố, Dũng hèn đang đưa đất nước tới vực thẳm !Và con đường của chúng ta” http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2012/hntu6.htm

[8] . Báo cáo của CP, Nguyễn Tấn Dũng đoc tài buổi khai mạc kì họp 4 của Quốc hội, 22.10, Chính phủ

22.10

[9] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 6 15.10.2012.

[10] . Như trên

[11] . Nguyễn Sinh Hùng, báo cáo Của Chính phủ 21.3.2011, Chính phủ 21.3.2011;

Xem:http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2011/vinashin.htm#_ednref8

[12] .Vietnam Net (VNN), 19.11; BBC 3.10.12

[13] . Chuyên gia Vũ Quang Việt, BBC 25.11

[14] . BBC 26.11

[15] . Báo cáo của CP, Nguyễn Tấn Dũng đoc tài buổi khai mạc kì họp 4 của Quốc hội, 22.10 , như trên

[16] . Âu Dương Thệ, “Vụ Tập đoàn nhà nước Vinashin gây món nợ khổng lồ :Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên phải nhận trách nhiệm chính trị và phải từ chức”, http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2010/ntdtrachnhiem.htm ; và “Tự tha bổng về những sai trái cực kì nghiêm trọng trong vụ Vinashin:Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã tự nhổ vào mặt, làm nhục Đảng và tước đoạt quyền chính đáng của nhân dân!” http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2011/vinashin.htm#_ednref8)

[17] . VNN 18.10

[18] . VNN 23.10

[19] . VNN 14.11

[20] . Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của Dương Trung Quốc ngày 14.11, VNN 14.11;

http://media.vtv.vn/Media/Get/Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung-tra-loi-chat-van-a91b0b583a.html

[21] . Như trên

[22] . Nguyễn Trọng Vĩnh, Bauxit VN 18.11

[23] . RFI 15.11; Về Lỗi hệ thống mời xem http://www.dcvapt.net/thoisu/baithoisu2012/hntu6.htm

[24] . Xem các Blog Que choa, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Viết Đào… và các báo điện tử Sài gòn tiếp

thị, VNN từ đầu tháng 11- giữa tháng 11

[25] . Nhân dân 5.2.1999

[26] . VNN 23.11

[27] . như trên

[28] . như trên

[29] . như trên

[30] . như trên; CS 23.11

Về một con người đời thường

Lê Thăng Long (Danlambao) – Giờ này không biết anh đang làm gì, đọc một cuốn sách, sáng tác một bài thơ? Nhưng tôi đoan chắc một điều là anh không bao giờ thôi suy nghĩ về người khác. Có thể là một người bạn cũ, một nhân viên bảo vệ công ty trước đây hoặc những người mà anh chỉ gặp một lần nhưng không bao giờ quên được những cảnh đời của họ. Gần 5 năm làm bạn học, 15 năm làm đồng nghiệp và gần 2 năm làm bạn tù với anh tôi thường được nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện đời thường xung quanh anh. Chúng rất dung dị nhưng thật đáng học hỏi.

Dịp sinh nhật 46 của Thức tôi nghĩ mãi cả tuần nên viết gì tặng anh. Trải qua một thời gian dài hơn 26 năm thâm tình với anh, tôi chứng kiến và học hỏi ở anh rất nhiều, từ nhỏ nhặt đến lớn lao. Ngẫm nghĩ kỹ thì tôi nghiệm ra rằng những điều có giá trị nhất là chính từ cuộc sống đời thường của anh mà ít người được biết. Chính cách sống đó đã làm nên một con người có những suy nghĩ và bài viết rất gần gũi với cuộc sống, chứ không phải từ những tư tưởng to tát, những lời đao to búa lớn.
“Trao đổi để nhìn vào chiều sâu của cuộc sống. Xã hội cần được xây dựng từ dưới lên” là câu mà Thức dùng để làm phương châm cho blog Trần Đông Chấn, bây giờ vẫn còn nguyên tại địa chỉ trandongchan.wordpress.com Khi suy nghĩ, anh luôn vươn xa, mở rộng để phóng tầm nhìn đến những điều lớn lao, táo bạo. Nhưng khi hành động thì anh luôn bắt đầu từ những gì cụ thể, từng bước và chăm hỗ trợ những người khác để họ có điều kiện tốt mà cùng tiến đến tầm nhìn đó. Đó là lý do vì sao những bài viết của anh dù đề cập đến những vấn đề hết sức to lớn, phức tạp nhưng lại rất dễ hiểu và thực tế.
Anh nhìn vào hiện thực cuộc sống để tìm ra giải pháp làm nó tốt dần lên, cao dần lên. Chứ không bê những lý thuyết cao siêu vô hồn từ đâu đó và áp xuống một cách độc đoán bất chấp thực tế, rồi cố gắng tô vẽ cho đẹp. Muốn vậy phải thấu cảm được hoàn cảnh sống của người khác. Anh thường nhắc tôi phải đặt mình vào vị trí của người khác mà nghĩ, đừng chỉ nghĩ theo hoàn cảnh của mình và đừng bao giờ vô cảm với những cảnh đời cơ nhỡ.
Một lần vào khoảng năm 2007, tôi bay từ Hà Nội vào Sài Gòn làm việc. Tài xế riêng của anh ra sân bay đón tôi. Cậu ấy kể câu chuyện này để giải thích vì sao cậu ấy đến trễ để tôi chờ. Trước khi đi sân bay cậu ấy phải chở anh đến một nơi hẹn. Tới bùng binh Quách Thị Trang chợ Bến Thành anh nhìn thấy một bà cụ đang chống gậy đi qua khu tam giác dành cho người đi bộ thì bị ngã quỵ. Anh vội nói tài xế quay đầu xe lại chạy đến chỗ bà cụ. Anh lao xuống xe và bế xốc bà cụ vào dưới mái che cây xăng cạnh đó, kêu tài xế lấy dầu xức cho bà. Anh hỏi bà đi đâu mà để như thế này. Bà thều thào rằng bà đi ăn xin nhưng sáng giờ chưa xin được gì nên đói quá mà ngã. Anh kêu tài xế chạy ngay đến bánh mì Như Lan gần đó mua cho bà, cả nước uống. Anh hỏi nhà bà ở đâu, con cháu đâu mà để bà phải làm như vậy. Bà nói nhà ở tận Củ Chi, con cháu đứa nào cũng nghèo, có đứa cũng đi xin nên đâu lo cho bà được.
Bà ăn xong, anh hỏi bà đã đỡ mệt chưa, thực sự không có gì nguy hiểm trong người nữa phải không, rồi anh móc hết trong bóp ra còn một vài triệu đưa hết cho bà. Anh dặn tài xế ở lại đưa bà đến trạm xe buýt, phải đưa lên tận trong xe kiếm chỗ cho bà ngồi rồi mới được về. Trước khi đi anh dặn bà rất kỹ là hôm nay phải về, không được đi nữa, về nhà cũng phải nghỉ ngơi vài tuần cho lại sức. Rồi anh mượn tài xế ít tiền và bắt taxi đến chỗ hẹn. Tôi hỏi vui cậu tài xế: “anh Thức mượn tiền em có trả không?” Cậu ấy cười hì hì và nói: “ảnh mượn tiền em hoài, không trả ai cho mượn nữa.”
Thỉnh thoảng Thức lại rủ một số đồng nghiệp công ty và cả hai đứa con nhỏ của mình tham gia các chuyến chữa bệnh miễn phí và phát chẩn ở những vùng xa nghèo khổ. Những chương trình này được hội cứu tế Tzu-Chi của Đài Loan do bạn anh làm đại diện ở Việt Nam tổ chức. Những chuyến đi như vậy anh làm tình nguyện viên đưa đón, bồng, cõng những người bệnh già yếu suốt cả ngày. Anh tận dụng thời gian đó để tìm hiểu cuộc sống của họ. Trong tù anh vẫn không quên viết thư dặn dò con mình hãy quan tâm và dành ít thời gian tham gia vào những chuyến đi như vậy. Anh nói với con rằng những ánh mắt hạnh phúc của người nghèo khó được chăm sóc, trân trọng là những phần thưởng không có gì mua được cả.
Thức kể với tôi anh chọn hội Tzu-Chi để làm tình nguyện viên vì hội đó rất trân trọng người được cứu tế. Cho quà phải nâng bằng hai tay và gập người xuống. Họ dặn các tình nguyện viên rằng: “Của cho không bằng cách cho. Người nghèo thường ít được tôn trọng, do vậy đây là dịp để họ nhận được những sự đối đãi trọng thị.”
Thức nói rằng những người đang khốn khổ như vậy còn quá nhiều, việc thiện nguyện dù rất ý nghĩa cũng không giúp được bao nhiêu. Nhưng nó sẽ làm mình thực sự hiểu được những cuộc sống mà mình không phải trải qua hàng ngày. Chỉ như thế mới nhìn ra được những cách giải quyết thực tế và căn cơ. Anh cũng thường phê phán hiện tượng một số người làm giàu trên sự thiệt thòi của người khác rồi vun tiền đóng góp cho từ thiện để được danh nghĩa vì người nghèo.
Triết lý kinh doanh của Thức rất dứt khoát: “Không kiếm lời từ bất kỳ công việc nào mà nó không tạo ra lợi ích cho nhiều người hoặc cậy thế chèn ép người khác”. Anh khuyến khích sự sáng tạo để có lợi thế cạnh tranh về công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh, và không cho phép các hoạt động đầu cơ chụp giật. Cá nhân anh không bao giờ mua bán đất đai, bất động sản hoặc chứng khoán vì anh nói các lĩnh vực này đang là bong bóng không tạo ra giá trị thật nên khi mình kiếm được tiền thì sẽ có ai đó mất. Anh cũng chỉ có một căn nhà và không đầu tư thêm bất kỳ bất động sản nào khác, dù mọi người thường ngạc nhiên trước những dự báo chính xác của anh về các cơn sốt nhà đất, chứng khoán.
Thức là thế, luôn nhất quán trong suy nghĩ, lời nói và hành động, cho dù đó không phải là cách luôn có lợi trong một xã hội đang có quá nhiều các giá trị bị đảo lộn. Anh luôn kiên trì với cách đó và rất phê phán các kiểu sống cơ hội. Thức là người nóng tính (và còn rất nhiều những tật xấu khác nữa :D) nên những người thân cận với anh thường thấy anh nổi xung trước những hành động theo kiểu sống này. Nhưng đó cũng là cách để anh duy trì nhiệt huyết của mình để không bị nhiễm những cái xấu tràn lan trong xã hội. Anh thích câu danh ngôn của ông Adam: “Hãy biết giận nhưng đừng giận”. Đó cũng vừa là triết lý sống vừa là bản tính của Thức, không bao giờ để bụng hay thù hận ngay cả với những người đã làm hại mình, nhưng cũng không xem sai trái của họ là điều chấp nhận được.
Không mấy người biết mẹ anh Thức đã từng bị ngồi tù. Những năm 1978, 1979 Việt Nam không những bị nạn thất mùa trên khắp cả nước mà còn phải chịu đựng gánh nặng trả nợ cho Trung Quốc. Đó là những năm mà ngay cả vùng đồng bằng sông Cửu Long còn gặp phải cảnh thiếu gạo. Vào lúc đó mẹ anh Thức làm nông ở Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), gia đình rất đông con mà mùa màng lại thất bát. Nhưng chính sách những năm đó phải đóng thuế theo hạn mức cố định mà không xét được hay thất mùa. Thu hoạch được chẳng bao nhiêu, nếu đóng lúa thuế thì hết sạch lấy gì để cả nhà dùng để độn khoai mà ăn đến mùa vụ tới. Nên bác gái quyết định không đóng lúa thuế và xin khất qua mùa sau, nhưng không được chấp nhận.
Sau nhiều lần đọc tên trên loa phóng thanh mà bác vẫn không đi nộp thuế, du kích xã vào bắt giam bác trong lúc bác đang trốn dưới gầm giường. Họ lôi bác đi trước tiếng khóc của bầy con còn nhỏ. Rồi bác bị đưa ra tòa xử 6 tháng tù vì tội trốn thuế và còn phải đóng thuế phạt. Hơn 20 năm sau Thức có lần về quê dự giỗ ông ngoại, anh gặp lại những người đã từng ức hiếp gia đình mình, bỏ tù oan sai mẹ mình và còn làm rất nhiều điều cường bạo khác. Nhưng anh vẫn bắt tay họ. Họ mời anh ghé nhà chơi, thấy có người gặp hoàn cảnh khó khăn anh vẫn lấy tiền giúp họ.
Anh kể tôi nghe câu chuyện này và nói rằng: “Họ cũng chỉ là nạn nhân của những sai lầm có hệ thống gây ra giáo điều và ngu muội. Ngay cả đến bây giờ mà những người có học cao còn không tránh được bị cái hệ thống đó biến thành sai trái và thiếu hiểu biết, đừng nói gì đến những người dân quê thiếu học mà được nắm quyền hành.”
Rồi anh phân tích rất nhiều những sai trái, vi hiến của các thông tư liên bộ giữa Bộ công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc định tội và kết án cho một số loại hành vi mà bản chất của chúng không vi phạm các điều luật được qui định trong bộ luật hình sự. Những thông tư như vậy lại rất phổ biến và ngang nhiên trở thành căn cứ pháp lý được dẫn ra trong các bản án và cáo trạng. Bằng một cách đơn giản như vậy thì công an, kiểm sát, tòa án dễ dàng đứng trên mọi quốc hội hoặc các thiết chế quyền lực khác để giải thích luật hình sự tùy tiện theo cách của họ để kết tội oan trái cho người dân, bất chấp bản chất của hành vi có phạm tội hay không. Thức hiểu biết sâu về lĩnh vực tư pháp này vì lúc đó anh đang cùng luật sư Lê Công Định nghiên cứu để viết về cải cách pháp luật trong quyển sách Con đường Việt Nam nhằm chỉ ra nguồn gốc và đề nghị loại bỏ những cách thức sai trái, vi hiến của các hoạt động tư pháp gây ra oan sai phổ biến cho người dân, không chỉ trong các vụ án chính trị mà còn trong rất nhiều vụ án hình sự.
Nhiều người ngạc nhiên về sự hiểu biết sâu rộng của Thức. Anh có khả năng tự học rất đặc biệt nhờ luôn quan sát kỹ, phân tích sâu và suy luận rộng các hiện tượng để thấu rõ bản chất cốt lõi của chúng. Nhưng gần Thức rất lâu nên tôi hiểu rằng khả năng đó trước hết xuất phát từ một tính cách luôn nghĩ đến người khác của anh. Nghe, thấy một hiện tượng hoặc sự kiện nào đó. Việc đầu tiên anh luôn đánh giá xem tác động của nó đối với những đối tượng khác nhau chịu ảnh hưởng như thế nào. Từ đó anh mới phân tích sâu xa nguyên nhân của các tác động, ảnh hưởng đó và nghĩ ra các giải pháp tối ưu cho vấn đề. Đó có thể là những việc không thuộc trách nhiệm thường xuyên của mình nhưng anh vẫn luôn nghĩ đến nó. Còn nếu là những vấn đề quốc kế dân sinh thì anh chẳng bao giờ bỏ qua.
Đã 4 sinh nhật anh trải qua trong tù – thời gian để một người như anh làm được rất nhiều việc lớn có ích cho đời nếu không bị giam cầm tùy tiện. Và cũng trong thời gian đó nền kinh tế đất nước tiếp tục trượt dài đúng như anh đã cảnh báo và phê phán. Nhưng tôi biết rằng anh không hề hối tiếc. Anh cho rằng những gì đã xảy ra với mình và đất nước là điều khó tránh được để dẫn đến những thay đổi tốt đẹp. Nên anh chấp nhận những nghịch cảnh ấy như một sứ mệnh mà mình nhận lãnh.
Phong trào Con đường Việt Nam sắp phát hành trong tháng tới một quyển sách viết về anh và biên tập, tổng hợp lại những bài nghiên cứu tình hình đất nước và cảnh báo nguy cơ về kinh tế – chính trị – xã hội của nhóm Chấn (cùng với luật sư Lê Công Định). Dù đã được viết cách đây 5 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị của nó. Cuốn sách cũng giới thiệu rõ hơn nội dung của quyển sách “Con đường Việt Nam” mà anh Thức đang viết dở về các biện pháp cải cách, chấn hưng đất nước.
Quyển sách sắp phát hành cũng mong muốn thức tỉnh lương tri của cộng đồng về một con người bị cầm tù vì nặng lòng với đất nước mà nói lên chính kiến của mình để anh không phải trải qua thêm một sinh nhật nữa trong tù.
Những nỗ lực vận động của gia đình, bạn bè và cộng đồng quốc tế đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhóm công tác của Liên Hợp Quốc chống giam giữ tùy tiện (WGAD) đã phán quyết việc bắt giữ anh và những người bạn mình là vi phạm luật pháp quốc tế mà Việt Nam ký kết và sẽ đưa vấn đề ra Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nếu Chính phủ Việt Nam không đáp ứng việc trả tự do cho anh, anh Lê Công Định và anh Nguyễn Tiến Trung. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cũng đã tiến hành và chuẩn bị những chiến dịch vận động mạnh mẽ cho anh và những tù nhân chính trị khác. Liên minh Châu Âu và chính phủ nhiều nước cũng đã và sẵn sàng tiếp tục lên tiếng để tiếp sức cho những tiếng nói của lương tri đòi tự do cho anh và nhiều tù nhân lương tâm nữa.
Chỉ cần thêm những tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng thì sẽ dẫn đến tự do cho anh và nhiều người khác. Đó cũng sẽ là sự khởi đầu cho những điều tốt đẹp đến với đất nước.
Và ngay bây giờ, ai đọc được bài viết này thì xin hãy thầm gửi anh một lời chúc sinh nhật. Tôi tin người có tâm hồn như anh sẽ cảm nhận được và thấy rất ấm lòng nơi ngục tối lạnh lẽo, hoang vắng. Xin cảm ơn.
Chúc mừng sinh nhật bạn. Hãy giữ sức khỏe và yên tâm rằng con đường bạn đi đang ngày càng có nhiều người bước tới.
1h sáng, 28/11/2012, một ngày trước sinh nhật Thức.

Bỏ đánh giày ở Hà Nội sang châu Phi làm tỷ phú

Từ Luanda (thủ đô của nước Angola), câu chuyện lập nghiệp của Đặng Văn Hòa (Alex Hòa) có quỹ lương cho nhân viên 40.000 USD/tháng. Ít ai ngờ rằng, thuở mới lớn, Hòa đã từng bỏ nhà lên Hà Nội đánh giày.

Từ đôi bàn tay trắng

Sinh năm 1987 ở thôn Khang Giang, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nhiều hàng xóm bây giờ kể lại vẫn nhớ về tuổi thơ của cậu bé Hòa nghịch ngợm. Năm 14 tuổi, đang yên đang lành, cậu đùng đùng bỏ nhà lên Hà Nội để đi đánh giày. Về sau, gia đình tìm được mang về nhưng việc học hành cũng kể từ đó mà trễ nải.

Câu chuyện làm giàu ở châu Phi của bạn trẻ Đặng Văn Hòa rất đặc biệt.

Không chọn được học vấn để tiến thân, Hòa chọn nghề xây dựng vì đơn giản đó là công việc anh đam mê và phù hợp với năng lực của mình. Cậu bé Hòa bắt đầu theo các chú, các anh để học nghề xây dựng, một công việc vất vả.

Tháng 9/2008, được người thân giới thiệu, Hòa quyết định sang Angola với mục đích ban đầu là làm thợ xây vì thu nhập ở đây khá hơn tại Việt Nam. Hòa kể: “Ban đầu sang mới sang, mình làm thuê cho người Angola, mỗi tháng trừ tiền ăn ở, lương được 500 USD/tháng. Được 6 tháng, công ty làm ăn thua lỗ, cắt giảm lương của anh em người Việt. Để xoay xở thu nhập, mình phải kéo anh em ra ngoài nhận thêm công trình để làm”.

Sau những công trình nhỏ, Hòa mạnh dạn đột phá chuyển sang kinh doanh và nhận về những công trình lớn hơn.

Khó khăn ban đầu lớn nhất của Hòa khi tự lập nghiệp chính là những bất đồng về ngôn ngữ và giấy tờ để hợp pháp hóa công việc xây dựng mà anh đang theo đuổi. Khi mới tách ra, vốn liếng của Hòa chỉ là một ít quan hệ với người bản xứ, ban đầu, anh chỉ nhận được những công trình rất nhỏ, số tiền thu về chỉ đủ để chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày. Có một số vốn nhỏ kèm theo vay mượn, anh mở cửa hàng đầu tiên với dịch vụ chụp ảnh và photocopy.

Hòa cho biết: “Ban đầu thiếu vốn nên chạy vạy cũng vất vả lắm, lãi cũng không có nhiều. Nhưng mình may mắn được nhiều anh em giúp đỡ, thêm nữa, điểm đặt cửa hàng lại nằm ở khu vực trung tâm nên lấy lại vốn cũng nhanh. Trong một năm sau khi mở cửa hàng, mình không gửi được một đồng nào về nhà, nhưng đồng thời cũng đã mở được 3 cửa hàng để bán đồ điện tử và dịch vụ internet”.

Gần một năm sau khi tách ra làm riêng, Hòa mới đủ tiền lo giấy tờ hợp pháp để lao động ở xứ người, tránh được nỗi lo canh cánh việc chính quyền Angola kiểm tra.

Cho đến nay, Hòa đã có 5 cửa hàng kinh doanh nhiều loại hình dịch vụ tại Angola.

Khi trở nên hợp pháp, ngoài những công trình về nhà ở, Hòa bắt đầu nhận những công trình lớn hơn như trường học. Anh đã thêm trong tay 5 cửa hàng điện tử, quán net, dịch vụ chụp ảnh, photocopy và các dịch vụ giải trí khác… Cho đến thời điểm này, Hòa đã có một lực lượng lao động với 30 người Việt Nam và 10 người bản xứ. Anh đang liên kết để thành lập một công ty, dự kiến khai trương vào đầu năm 2013.

Làm giàu – không thể thiếu đam mê

“Với quỹ lương 40.000 USD/tháng, hiện tại, lương của thợ đầu cánh mình trả là 1.500 USD/tháng; lương bình quân của các thợ và phụ khác khoảng 1.100 – 1.200 USD/tháng; nhân viên của cửa hàng là 700 – 900 USD/tháng. Tất cả đã bao ăn ở và chu cấp tiền thuốc men khi bệnh tật, tai nạn”, Hòa cho biết.

Nguồn lao động người Việt Nam của Hòa chủ yếu là các thanh niên lành nghề cùng quê với anh. Hòa cho rằng, tuyển người đồng hương để làm việc cùng nơi đất khách, ngoài việc có thể tin tưởng thì cũng là một cách để xây dựng quê hương.

Thành công đến với Hòa là bởi sự nỗ lực và niềm đam mê.

Đất nước châu Phi Angola rất giàu tài nguyên và phát triển kinh tế bằng việc xuất khẩu kim cương, dầu mỏ… Lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1975, hiện nay có hàng nghìn người Việt Nam đang sinh sống ở Angola với nhiều nghề như xây dựng, kinh doanh và các chuyên gia giáo dục và y tế…

Bên cạnh sự phát triển kinh tế, tình hình an ninh đối với người Việt Nam ở đất nước này còn nhiều bất ổn. Hòa kể: “Tháng 7/2011, 7 tên cướp có vũ trang mang theo dao và súng đến đe dọa mà cướp đi của mình 50.000 USD cùng với nhiều tài sản quý khác. Kể từ đó, mình cũng phải cẩn thận hơn, chuyển chỗ ở và lắp camera để đảm bảo an ninh cho anh em yên tâm làm việc”.

Angola là một đất nước đang phát triển.

Hiện tại, hoạt động xây dựng và kinh doanh của Hòa đã đi vào ổn định, anh cho biết, tất cả các mục tiêu anh đặt ra từ đầu năm cho đến nay đều đã đạt được. Về tương lai gần, anh dự định mở tiệm làm gạch và cửa hàng bán vật liệu xây dựng để hỗ trợ thêm cho nghề xây dựng vốn là sở trường của anh. Hiện tại, anh đã mua máy móc và phương tiện, và đang tìm kiếm địa điểm thuận lợi để đặt xưởng. Dù những may mắn và thành công đến với Hòa nhanh nhưng anh vẫn mong một ngày được trở về Việt Nam, vì chẳng nơi nào an toàn hơn quê hương mình.

Giải lao sau lao động của người Việt Nam tại Angola.

Lập nghiệp thành công dù con đường học hành trắc trở, Hòa tâm sự: “Nếu được lựa chọn lại, mình sẽ đi học và vẫn chọn nghề xây dựng để lập nghiệp. Được đi đó đi đây với những công trình là niềm yêu thích của mình từ ngày còn nhỏ”.

@Infonet

TQ tuyên bố chủ quyền ‘vu vơ’

Trung Quốc đã xuất bản bản đồ chi tiết về ‘Tam Sa’ để tiếp thục hiện thực hóa ‘chủ quyền’ của họ

Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông một lần nữa lại được đưa ra mổ xẻ tại một hội thảo quốc tế do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Chỉ trước đó mấy ngày, tại hội thảo quốc tế về Biển Đông tại thành phố Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Nhã, chuyên gia về Biển Đông của Việt Nam, đã nói với BBC rằng dường như các học giả Trung Quốc ‘tỏ ra mềm mỏng hơn’ khi nói về chủ quyền của họ trên vùng biển này.

Tại hội nghị quốc tế Việt Nam học vừa kết thúc vào chiều thứ Tư ngày 28/11, GS Nguyễn Quang Ngọc, thuộc Viện Việt Nam học và Các vấn đề phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nói rằng các học giả trong nước và quốc tế đã bàn về tính hợp pháp của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Với tư cách trưởng tiểu ban Hợp tác và an ninh trên biển, một trong 15 tiểu ban của hội thảo này, GS Ngọc cho biết ông đã nêu thẳng vấn đề ‘đường lưỡi bò’ và ‘hộ chiếu lưỡi bò’ của Trung Quốc ra để thảo luận.

‘Phi luật pháp’

“GS Eric Frank đến từ Bỉ đã viết một bài phân tích về đường lưỡi bò đã nêu lên tính phi lịch sử và phi luật pháp quốc tế của nó,” ông Ngọc nói với BBC từ Hà Nội ngay sau khi kết thúc hội nghị.

Ông cho biết Eric Frank là giáo sư về luật chuyên nghiên cứu sâu về vấn đề này và các học giả tại hội nghị đã truy hỏi về nguồn gốc chiếc lưỡi bò yêu sách của Trung Quốc có từ lúc nào.

“Nó xuất hiện từ trong bản đồ do Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch đưa ra từ năm 1947,” ông nói, “Đó là bản đồ nội bộ họ tự vẽ với nhau chả có công bố gì (ra quốc tế) nên về mặt luật pháp quốc tế chẳng có ý nghĩa gì.”

Mãi đến năm 2009 thì Trung Quốc mới đưa yêu sách đường lưỡi bò của mình ra Liên Hiệp Quốc thì quốc tế mới coi đó là cơ sở xem xét, ông nói.

“Cơ sở lịch sử không có, cơ sở pháp lý cũng không. Đó chỉ là tuyên bố vu vơ,” ông Ngọc bình luận về yêu sách của Trung Quốc.

“Nhưng người Trung Quốc có cái kiểu là bắt đầu nói vu vơ đã. Cứ nói mãi thì cũng có người nghe.”

GS Nguyễn Quang Ngọc, Đại học Quốc gia Hà Nội

“Nhưng người Trung Quốc có cái kiểu là bắt đầu nói vu vơ đã. Cứ nói mãi thì cũng có người nghe,” ông nói thêm.

“Các học giả Trung Quốc ngồi thấy đông nhưng không ai phát biểu gì cả,” ông kể về phiên thảo luận về đường lưỡi bò của Trung Quốc trong tiểu ban của ông, “Có lẽ họ phân công người nói ở tiểu ban khác.”

Ngoài ra, một số học giả Việt Nam cũng trình bày những lập luận về chủ quyền Việt Nam dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế mà ông Ngọc nhận xét là ‘phân tích kỹ lắm dựa trên tư liệu và sách vở cổ của Việt Nam và Trung Quốc’.

Ông cho biết là không thấy có ý kiến phản biện các lập luận về chủ quyền Việt Nam mà chỉ phát biểu để ‘đóng góp thêm và làm sáng tỏ thêm thôi’.

Đây là hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ tư do Viện Khoa học xã hội kết hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức với sự tham gia của gần 300 học giả đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chủ đề của cuộc hội thảo năm nay là ‘Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững’ – bàn về tất cả các lĩnh vực trong sự hội nhập quốc tế của Việt Nam như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực.

@bbc

PUTRAJAYA – Thành phố thông minh của thế giới

Putrajaya cách thủ đô Kuala Lumpur 25 km về hướng Nam, được xem là trung tâm hành chính của Malaysia. Vào năm 1999, các quan chính phủ đã được chuyển từ Kuala Lumpur đến Putrajaya do tình trạng ùn tắc và quá tải ở Kuala Lumpur.

Putrajaya là đứa con tinh thần của cựu thủ tướng Dr Mahathir Mohammad, được đặt tên theo vị thủ tướng đầu tiên của đất nước này Tunku Abdul Rahman Putra. Trong tiếng Malay, “Putra” có nghĩa là “hoàng tử” và “jaya” có nghĩa là “thành công” hay “chiến thắng”. Sự phát triển của Putrajaya bắt đầu từ năm 1990 và ngày càng gia tăng vượt bật cho đến ngày hôm nay.

Theo chia sẻ của nhiều người đến Putrajaya du lịch, mọi thứ ở đây cứ như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng mà mọi người hay xem trên tivi. Tưởng là “không có thật” và “viễn tưởng” nhưng Malaysia, một nước Đông Nam Á, đã làm được điều này.

Cuộc sống ở Putrajaya được xem là đẳng cấp thế giới và có môi trường làm việc vô cùng hiện đại. Do đó, thật dễ hiểu khi ngay cả những vị khách đến từ phương Tây cũng phải trầm trồ khen ngợi, nơi đây chính là đỉnh cao của trí tuệ loài người: không ô nhiễm môi trường, không tệ nạn, không có lạc hậu, không có khái niệm ngu dốt và dân cư thì được tinh lọc rất kỹ lưỡng. Mức sống ở đây rất cao và dịch vụ công cộng thì vô cùng tuyệt vời.

Công dân của thành phố là những trí thức thông thái và làm việc trong bộ máy nhà nước. Đây cũng là thành phố điện tử đầu tiên của Châu Á, khi mọi thứ đều được quản lý thông qua tin học. Phải nói rằng ở đây, nhất cử nhất động đều sử dụng điện tử. Người dân không cần phải mang theo tiền, chìa khóa, trẻ em cũng không cần sử dụng cặp sách hay phải đến trường, vì tất cả đều được phát một thẻ riêng có ghi đầy đủ những thông tin cá nhân vô cùng cụ thể để giải quyết mọi vấn đề bình thường của cuộc sống như truy cập mạng, thanh toán, đi xe buýt, học online…

Những điều thú vị kể trên không phải là tất cả những gì Putrajaya có. Chính quyền thành phố, ngoài mục tiêu điện tử hóa, thì còn thực hiện xanh hóa thành phố, 38% diện tích 4.900 ha của thành phố là dành cho cây xanh và các công viên. Các công trình nghiên cứu tái chế và loại bỏ những khí độc hại đang được ủng hộ và đẩy mạnh hoạt động.

Ngoài ra, Putrajaya còn là một điểm son du lịch của Malaysia với những địa danh du lịch nổi tiếng như: Nhà thờ Hồi giáo Putra, văn phòng Thủ tướng, trung tâm hội nghị và những cây cầu.

Nhà thờ Hồi giáo Putra:
Đây là một trong những địa danh hàng đầu của Putrajaya. Nhà thờ Hồi giáo có ốp đá granít màu hồng này đó sức chứa 15.000 tín đồ cầu nguyện. Thiết kế tầng hầm có nét tương đồng với nhà thờ Hồi giáo vua Hassan ở Casablanca, trong khi phần tháp được cho là giống nhà thời Hồi giáo Sheikh Omar ở Baghdad.

Rodion Ebbighausen – Sự suy thoái kinh tế nguy hiểm của Việt Nam

Rodion Ebbighausen, Deutsche Welle
Hồng Phúc chuyển ngữ, CTV Phía Trước

Ảnh: ReutersCách đây hơn một thập kỷ trước, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là nóng nhất châu Á. Một cuộc khủng hoảng kinh tế cộng thêm sự quản lý yếu kém về tất cả mọi mặt đã đẩy đất nước đến bờ vực của sự hủy hoại. Hiện nay, tất cả mọi việc đều tùy thuộc vào chính phủ xem họ có thể cứu nguy những gì còn lại hay không.

Tuấn là một người Việt trẻ tuổi, có học thức và đầy tham vọng đến từ thành phố Hà Nội. Thời kinh tế vàng của đất nước gần đây cho phép Tuấn dành dụm được một gia tài nho nhỏ – ít nhất là đủ mua được một căn hộ cho cả gia đình. Ông thậm chí còn có ý định mua một chiếc xe ô-tô. Là một quan chức làm việc cho nhà nước ở địa phương, ông cũng có một khoảng thu nhập kha khá. Ngoài ra, ông còn đầu tư vào bất động sản và một công ty kỹ thuật truyền hình.

Tuy nhiên, sự lạc quan của ông gần đây đã trở nên lu mờ bởi sự sợ hãi và bất định. Ông đã từ bỏ ý định mua xe ô-tô. Giờ đây ông đang lo lắng bị mất tiền tiết kiệm và thị trường bất động sản sẽ sụp đổ.

“Tôi không biết tình hình này sẽ ra sao. Hiện nay nợ quốc gia đang trở thành một gánh nặng trên vai đất nước chúng tôi. Cuối cùng, tất cả chúng tôi là những người phải chịu đựng gánh nặng đó”.

Giá bất động sản cho đến nay đã giảm 30%. Trong khi đó lạm phát tiếp tục tăng cao; chỉ riêng trong tháng 10 năm 2012, tỷ lệ lạm phát là 7%. Chỉ số chứng khoán HNX tại sàn Hà Nội đang ở mức thấp nhất trong năm nay. Các cơ quan xếp hạng tín dụng như Moody’s và Standard & Poor đã hạ cấp trái phiếu của Việt Nam xuống còn “đầu cơ cao”.

Suy thoái nguy hiểm

Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay đã chậm lại chỉ còn từ 4-5%. Chỉ số tăng trưởng này không đủ để tạo ra công ăn việc làm cho dân số ngày càng tăng nhanh và số lượng người dân bắt đầu đi vào thị trường để tìm việc làm ngày càng nhiều.

“Suy thoái hiện nay rất quan trọng đối với chế độ vì nó đi đôi cùng tính chính danh của họ với tốc độ tăng trưởng kinh tế,” theo giáo sư Adam Fforde thuộc trường Đại học Victoria ở Melbourne, Australia.

Giáo sư Fforde ước tính rằng khoảng một triệu người đã bị mất việc làm trong vòng hai năm qua – một sự phát triển dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng tại một nước thiếu vắng hệ thống phúc lợi xã hội như Việt Nam.

Chính phủ giải cứu?

“Tôi thực sự hy vọng rằng chính phủ sẽ tìm ra giải pháp cho các vấn đề kinh tế”, Tuấn lạc quan và thận trọng cho biết.

Chuyên gia về Việt Nam, giáo sư Fforde – cùng với nhiều chuyên gia khác – hoài nghi về khả năng của chính phủ trong việc tìm ra một giải pháp, vì ngay từ đầu chính bản thân chính phủ là người chịu trách nhiệm một phần lớn đối với những khó khăn kinh tế của đất nước. Chương trình “Đổi mới” được giới thiệu rộng rãi vào năm 1986 về cả chính trị lẫn kinh tế nhằm mở cửa thị trường và cải cách quốc gia, đã chứng minh không phải là chương trình phát triển bền vững.

“Trong năm 2007, sự cân bằng đã bị vỡ nát”, theo giáo sư Fforde. “Cuối cùng, sự thật đáng buồn đã trở nên nổi bật: chính phủ có thể không kiểm soát nhiều quyền hạn như họ tưởng và rằng tất cả mọi thứ cho đến nay có thể chỉ là may mắn”.

Chỉ trích cách quản lý yếu kém

Việt Nam – một nước có thị trường xuất khẩu mạnh – đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi năm 2007. Những người ra quyết định tại Hà Nội đã đưa ra các gói kích cầu tốn kém nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, một phần lớn số tiền đó đã bị lạc trong các vụ tham nhũng và quản lý yếu kém. Tất cả những điều đó đã để lại cán cân thiếu hụt rất lớn. Các ngân hàng [Việt Nam] hiện đang bị kẹt với các khoản nợ xấu lên đến 15%.

Cuối cùng, lãnh đạo đảng cũng đã ngã ngũ sau nhiều tháng tranh giành quyền lực nội bộ – một biểu hiện cho thấy chính phủ đã “hiểu tình hình nghiêm trọng như thế nào”, chuyên gia về Việt Nam – Jörg Wischermann nói với Deutsche Welle. Đối với các nhà lãnh đạo đảng, điều đầu tiên và quan trọng nhất là đảm bảo quyền lực của họ, sau đó mới đối phó với các vấn đề kinh tế của đất nước.

Giáo sư Fforde cho rằng giải pháp đối với cuộc khủng hoảng hiện nay của Việt Nam nằm trong sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Ông cho rằng Việt Nam cần thiết phải đầu tư trong các lĩnh vực giáo dục và y tế cũng như cơ sở hạ tầng. Cải cách nông nghiệp, lĩnh vực chưa được cập nhật kể từ năm 1986, cũng tối quan trọng trong tình hình hiện nay.

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012

Nguồn: Deutsche Welle