BÁC ĐỖ MƯỜI

Lão Tạ

Tôi gọi bằng bác, vì ông hơn bố tôi gần mười tuổi. Ông lại là rể quê tôi. Vợ chính thất của ông, bà Tạ Thị Thanh, cùng họ, ở xã bên. Có ông con rể to cỡ bác Đỗ Mười đâu phải cứ muốn là được!
Khi bác Đỗ Mười làm quan lớn tỉnh Hà Đông rồi sau đó là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình… thì bố tôi mới/vẫn chỉ phọt phẹt quan xã. Nhưng sự cuồng tín chủ nghĩa cộng sản thì bố tôi ăn đứt bác. Tôi không nói vô căn cứ. Nếu bảo bác Đỗ Mười chứng minh lòng trung thành với Đảng bằng việc đòm chết thằng con, chắc chắn bác không làm. Nhưng nếu cấp trên có ý định thử bố tôi như vậy, thì tôi sẽ phải tìm cách trốn lên rừng thật nhanh! (Giờ nghĩ lại, may mà cụ khốt mình chỉ làm đến bí thư xã, rồi bị đuổi ra khỏi đảng khi mới ngoài bốn mươi tuổi, về vườn sớm, chứ vớ vẩn cụ mà leo lên đến chức đầu triều như bác Đỗ Mười thì không khéo đất nước còn tan hoang hơn). Suốt thời bé, bố hay kể cho chúng tôi nghe về giai thoại bác Đỗ Mười đóng giả dân thường để “thử” một số cán bộ Nhà nước như công an, mậu dịch viên, bác sỹ bệnh viện… Chẳng hạn như mấy chuyện sau đây.

1-Lần ấy bác Đỗ Mười (trong vai nông dân) vào cửa hàng ăn mậu dịch, khi bác rình thấy một anh công an đẹp trai cũng vào ăn. Cả bác và anh công an đều gọi phở thịt lợn (thời ấy gọi là phở có người lái). Lát sau cô mậu dịch viên bưng ra hai bát phở, bát nhiều thịt hơn thì đưa cho bác, còn bát kia lèo tèo mấy mụn thịt vụn thì đưa cho anh công an. Thấy vậy bác Đỗ Mười bảo với cô nhân viên là bác không ăn được thịt, muốn đổi cho anh công an. Cô mậu dịch viên bèn gắt ầm lên, bảo bác là vớ vẩn, không ăn thì bỏ thịt đi, không đổi chác gì cả. Nhưng bác Đỗ Mười vẫn tiếp tục kì kèo. Cuối cùng, có thêm ý kiến khách hàng, cô mậu dịch bất đắc dĩ phải đổi. Bấy giờ bác Đỗ Mười mới sục đũa xuống (vì bác biết tỏng) và moi lên những miếng thịt nạc rất ngon được cô mậu dịch viên khéo léo vùi bên dưới để che mắt thiên hạ nhưng không qua được mắt bác Đỗ Mười.
2- Cũng trong vai nông dân, lần này bác Đỗ Mười vào khám cùng với một phụ nữ trẻ, đẹp tại một bệnh viện cấp tỉnh. Thấy gái, anh bác sỹ tít mắt lên. Anh ta bỏ mặc “ông già nông dân” nằm rên hừ hừ, khám rất kĩ cho cô gái trẻ đẹp kia. Bác Đỗ Mười-trong vai nông dân-bèn nêu thắc mắc thì bị anh bác sỹ mắng té tát cho một trận nên thân.

Những chuyện kiểu như vừa kể đều hạ màn giống nhau: đó là ngay sau cuộc cãi vã với ai đó, lập tức có một chiếc xe con –biểu trưng của quyền lực lúc bấy giờ- xuất hiện đón bác Đỗ Mười, khiến cô mậu dịch, anh công an, anh bác sỹ… đều sợ tái xanh tái xám cả mặt mũi. Thật đáng đời! Vì khi họ biết là bác Đỗ Mười đi “vi hành” thì mọi chuyện đã muộn.
Trừ một lần xuýt gặp hạn về cuốn sách có chút liên quan đến trách nhiệm của bác Đỗ Mười với Hiệp định dầu khí Việt-Xô, tôi không có ấn tượng gì đặc biệt với bác. Trước những lời kết tội bác là hung thần làm tan hoang miền Nam khiến hàng triệu người bỏ đất nước ra đi, hay những lời đồn dai dẳng về “mật ước” Thành Đô khiến Việt Nam quay trở lại lệ thuộc Trung Quốc, thì tôi chỉ biết rõ nhất một điều: Mình không đủ thông tin và trong cả hai sự kiện tai tiếng ấy, bác Đỗ Mười đều là người thực thi nhiệm vụ được giao. (Thời triệt hạ nền kinh tế miền Nam sau năm 1975, bác Đỗ Mười còn “bé tí” so với hàng chục ông lớn khác). Cơ chế ở ta là tập thể lãnh đạo, tập thể đưa ra quyết định. Một khi được giao nhiệm vụ, cỡ như bác Đỗ Mười có muốn thoái thác cũng khó!
Nhưng tình cảm của bố tôi với bác Đỗ Mười thì đầy tính đảng và vì thế mà vô cùng bi kịch! Bố tôi luôn coi bác Đỗ Mời là thần tượng, là “bậc đàn anh trên con đường cách mạng”-như ông vẫn thường trang nghiêm bảo thế. Với bố tôi, bác Đỗ Mười là người mẫu mực về lòng tận tụy, về sự trong sạch và nghiêm khắc, mặc dù cụ khốt cũng chẳng hề có thông tin gì cụ thể mà chỉ nghe qua tuyên truyền. Bố và tôi cãi nhau khá nhiều, thậm chí có lúc đã gần tới mức bị cụ khốt từ mặt, chỉ vì bác Đỗ Mười. Nhớ nhất lần tôi kể chuyện đoàn cán bộ huyện Chương Mỹ ra chia buồn với bác Đỗ Mười về việc vợ đầu của bác từ trần. Sau khi đoàn vào lễ bái, họ cũng được bác Đỗ Mười tiếp. Nhưng thay vì cảm ơn, bác truy hỏi ông bí thư là huyện có bao nhiêu ngọn núi, cả huyện nuôi bao nhiêu con gà…khiến ông trưởng đoàn viếng tang sợ rúm vó và tất nhiên là…cứng họng! Có lẽ giọng kể của tôi có phần cợt nhả khiến bố tôi tím mặt và gầm lên: “Người ta quan tâm sát sao thế thì tốt hay xấu, hả?”
Lần khác tôi kể chuyện nghe từ một lãnh đạo Dầu khí, rằng khi sang thăm Hàn Quốc, bác Đỗ Mười được chủ nhà dẫn đi xem một nhà máy đóng tầu thủy rất hiện đại. Bác Đỗ Mười bị choáng ngợp trước những gì hiện ra trước mắt. Bác bèn quay lại bảo với những người trong đoàn, rằng các anh phải làm sao để nước mình cũng được thế kia. Trong đoàn có ông phó thủ tướng, khi nghe vậy bèn ghé tai vị lãnh đạo Dầu khí nói vụng: “Làm gì ông cũng cấm, thì cứ chờ đấy mà bằng người ta”. Tôi chỉ kể lại cho bố những gì nghe được, không hề bịa thêm tí ti. Nhưng bố tôi vẫn giận lắm. Ông bỏ cơm giữa chừng đi nằm, không chịu nổi thần tượng của mình bị giễu cợt, để nửa đêm trở dậy ngồi lẩm bẩm chửi tôi cho đến sáng.
Về cuối đời, bố tôi khi đó thuộc thành phần rất bất mãn, có một sở thích tai quái là ngày nào cũng ngồi chửi nhau với cái..tivi, vào đúng chương trình thời sự tối. Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng…ông gọi tuốt tuột bằng thằng, đồ ăn hại, đồ toi cơm…Bố tôi, một chiến sỹ cộng sản trung kiên bị đuổi ra khỏi đội ngũ tinh hoa mà chửi thì chua chanh và ác khẩu vào loại nhất thế giới. Một lần bố không chửi như thường lệ, mà cứ hầm hè đầy vẻ ấm ức. Mãi sau, dường như không nín nhịn được nữa, ông hét lên: “Đ.mẹ các ông! Hóa ra tôi bị các ông lừa”.
Tôi ở trong buồng tò mò ngó nhanh ra ngoài, thì thấy trên màn hình tivi lúc ấy bác Đỗ Mười đang “chém gió” bằng tay trái.
Theo Tễu Blog

20 điều lớn nhất cần tu dưỡng trong đời người (phần 2)

Cả ba gia lớn là Phật gia, Đạo gia và Nho gia đều dạy con người phải tu tâm dưỡng tính. Từ thể nghiệm của sinh mệnh, người ta đúc kết ra, đời người có 20 tu dưỡng lớn nhất. Nếu một người có thể căn cứ vào đó để lưu giữ lại cái tốt và bỏ đi cái xấu thì sẽ trở thành người hoàn thiện hơn.

(Tiếp theo phần 1)

a3dmyi3084132300544

11. Thất bại lớn nhất đời người là sự ngạo mạn

Trong Chu Dịch giảng: “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn”, nghĩa là: khiêm nhường sẽ nhận được lợi ích mà tự mãn thì bị mất đi.

Một người nếu như tự cao tự đại, thì cho dù đi tới bất cứ đâu cũng đều không nhận được sự chào đón của người khác. Cho nên thất bại lớn nhất của đời người là ngạo mạn.

12. Vô tri lớn nhất đời người là oán hận

Vô tri chính là không hiểu biết, không hiểu lý. Bởi vì không hiểu lý, cho nên khi gặp điều không như ý liền oán trời trách người, oán ông trời không phù hộ, oán con người thế gian không giúp đỡ.

Đối với bạn bè và người thân, họ hàng thân quyến thì lại càng oán hận hơn. Thậm chí khi phiền não vì oán hận còn nổi nóng quẳng bàn ném ghế, ném cả chén trà…

Đây chính là vô tri lớn nhất của đời người. Họ đã không tự trách bản mình, xét lại mình mà đi oán trời trách người, oán người thân, bạn bè.

13. Sai lầm lớn nhất của đời người là xâm phạm

Sai lầm lớn nhất của đời người chính là xâm phạm, xâm phạm tài phú, danh tiết và tính mạng của người khác. Đây chính là “trộm cắp, tà dâm, sát sinh” mà bên Phật gia giảng.

14. Khốn nhiễu lớn nhất đời người là thị phi

Có người nói: Nơi nào có con người thì liền có thị phi. Thị phi khiến con người ta cảm thấy khổ não khôn nguôi.

Chúng ta cần làm được: không để tai nghe thị phi, không lan truyền thị phi. Đời người ngắn ngủi, nếu cứ tranh đấu ngược xuôi thì chỉ có thể tăng thêm phiền não mà thôi.

15. Ước mong lớn nhất đời người là được bình an

Tài phú, danh lợi, địa vị.. là mưu cầu của mọi người. Nhưng nếu có được danh lợi, tài phú, mà lại mất đi sự bình an thì cuộc sông như vậy sẽ không có hy vọng, không có ý nghĩa.

Cho nên, ước mong lớn nhất của đời người là bình an. Bình an chính là một loại phúc.

16. Dũng khí lớn nhất đời người chính là nhận sai

Con người cần phải có dũng khí. Dũng khí không phải là đánh nhau với người khác, cũng không phải là tranh chấp, so đo với người khác. Mà dũng khí lớn nhất chính là tự mình nhận sai, cảm thấy bản thân không nên nói câu nói như vậy, không nên làm việc như vậy,  không nên làm cản trở người khác.

Người có dũng khí là một người mà có thể sám hối, nhận sai lầm và sửa chữa. Người như vậy sẽ luôn đề cao đạo đức, phẩm chất của bản thân và trở thành người hoàn thiện.

17. Nguồn năng lượng lớn nhất đời người là tín ngưỡng

Chúng ta thường nói cần phải khai phát nguồn năng lượng. Năng lượng không nhất định chỉ là khoáng sản ở trong lòng núi, hay châu báu dưới đáy biển, cũng không nhất định là khí đốt, khí thiên nhiên, năng lượng mặt trời.

Nguồn năng lượng lớn nhất của đời người chính là tín ngưỡng. Bởi vì bên trong tín ngưỡng có ẩn chứa tài phú, có công đức và kho báu.

18. Phát tâm lớn nhất đời người chính là lợi ích chung

Chúng ta thường nghe nói, bên Phật gia giảng rằng cần phải vì người phát tâm. Vậy rốt cuộc phát tâm là gì? Cần phát thiện tâm, hảo tâm, cũng chính là lợi ích đại chúng.

Ví như, chúng ta nói một câu có lợi ích đối với mọi người, làm một việc có lợi ích đối với mọi người đó cũng là một cách phát tâm. Khi làm bất cứ việc gì cần dùng lợi ích đại chúng làm chủ, lợi ích cá nhân đứng sau.

19. Vốn lớn nhất đời người là tôn nghiêm

đời người
(Hình minh họa)

Con người sở dĩ có thể làm một người cao thượng đó chính là bởi vì họ có sự tôn nghiêm. Cho nên, cho dù có thể hy sinh nhiều thứ nhưng vẫn cần bảo lưu giữ lại một chút tôn nghiêm cho mình.

20. Lo âu lớn nhất đời người là sống – chết

Sống – chết là hai việc đại sự lớn nhất trong cuộc đời con người. Nó cũng là nỗi lo âu lớn nhất của đời người. Lúc sinh thời mưu cầu tranh danh đoạt lợi, “người lừa ta gạt”.

Nhưng một khi lâm vào cảnh vô thường tiến đến thì lại sợ sự nghiệp, tình yêu, tài phú đều sẽ chớp mắt mà biến thành không. Cho nên, cho dù là lúc sinh hay lúc sắp rời khỏi cõi đời thì lúc nào cũng có đủ loại lo lắng ở trong lòng.

Sống trong cuộc đời, ai ai cũng tranh đấu ngược xuôi để có tiền, quyền, danh vọng… Nhưng đến khi hai mắt khép lại, bao nhiêu phấn đấu cả cuộc đời cũng chìm vào hư ảo. Hết thảy những của cải và danh vọng ấy, ‘khi sinh không đem theo đến, khi tử không mang theo đi’. Vậy thì điều gì mới là ý nghĩa nhất với sinh mệnh đời người? Câu hỏi vẫn luôn khiến nhiều người suy ngẫm!

Hoàng Mai (biên dịch)

Giải Nobel Y học 2018: Liệu pháp giúp hệ miễn dịch tự tấn công ung thư

Hai nhà khoa học James Allison và Tasuku Honjo (Ảnh: Nobel Prize)

Vì sao hệ miễn dịch không tấn công tế bào ung thư?

Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi nhiều loại bệnh tật. Vậy bạn có bao giờ tự hỏi tại sao hệ thống miễn dịch không tấn công và loại bỏ các tế bào ung thư? Người ta từng cho rằng đó là bởi tế bào ung thư trông giống tế bào thường nên hệ miễn dịch không đáp lại. Nhưng không hẳn vậy, bởi người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau thời gian dài sẽ thấy gia tăng khả năng ung thư, cho thấy hệ miễn dịch có tấn công và loại bỏ ung thư, chỉ là vì sao hệ miễn dịch không tấn công hiệu quả đối với ung thư thì trước đây người ta chưa rõ.

Giáo sư James P.  Allison (70 tuổi) là chủ tịch của Immunology và giám đốc điều hành tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas. Ông đã phát hiện ra loại protein CTLA-4 có tác dụng kìm hãm hệ thống miễn dịch, do đó khi kìm chế loại protein này, người ta có thể “mở khóa” – kích thích tế bào miễn dịch tấn công các khối u trong cơ thể.

Giáo sư Tasuku Honjo (76 tuổi) tại trường Đại học Kyoto Nhật Bản, trong 34 năm qua đã phát hiện loại protein PD-1 ở tế bào miễn dịch hoạt động như một chất ức chế, nhưng với một cơ chế hoạt động khác. Liệu pháp dựa trên phương pháp của ông đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc điều trị chống ung thư.

(ảnh: Nobel Prize)

Giải thích sơ đồ trên: 2 hệ thống khác nhau được phát triển bởi 2 nhà nghiên cứu thắng giải Nobel năm nay. Ở cả 2 hệ thống, APC là một tế bào miễn dịch có vai trò đưa protein tới tế bào T để nó có thể xác định “mục tiêu” cho hệ miễn dịch. Ở bên trái, nếu CTLA-4 (màu vàng, do GS. Allison nghiên cứu) được gắn vào tế bào T, nó sẽ kìm chế phản ứng miễn dịch. PD-1 (bên phải, do GS. Honjo nghiên cứu) cũng hoạt động tương tự nhưng nó cũng xuất hiện ở cả tế bào ung thư, cho thấy đây là cơ chế để tế bào ung thư “né” bị tấn công bởi hệ miễn dịch.

Ủy ban giải Nobel cho biết nghiên cứu khai thác hệ thống miễn dịch cơ thể để tấn công tế bào ung thư của hai vị bác sĩ này được xem là một “bước ngoặt trong cuộc chiến chống ung thư”. Cách tiếp cận này được gọi là lý thuyết trạm kiểm soát miễn dịch, đã “cách mạng hóa điều trị ung thư và cơ bản đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về việc có thể kiểm soát ung thư như thế nào,” ủy ban cho biết.

GS Tasuku Honjo (áo vest xanh) được đồng nghiệp tại Đại học Kyoto vây quanh sau khi nhận được tin đoạt giải Nobel. (Ảnh: Nobel Prize)

Theo GS Allison, ông được ủy ban giải Nobel gọi điện thông báo giải thưởng vào sáng thứ Hai và được cho biết đây là giải thưởng đầu tiên cho liệu pháp điều trị ung thư. “Tôi vẫn còn trong trạng thái hơi sốc và nó còn chưa lắng xuống“, Aliison nói với CNN. “Tôi muốn hét lớn lên với tất cả bệnh nhân ngoài kia, những người đang phải chịu đựng ung thư để họ biết rằng chúng tôi đang có tiến triển.”

Allison cho biết ông là một khoa học gia bình thường và không nghiên cứu thứ này để cố gắng chữa trị ung thư. Ông chỉ muốn biết tế bào T hoạt động như thế nào. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, tế bào T, một loại bạch cầu, là một phần của hệ thống miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và có thể giúp chống lại ung thư.

“Bệnh ung thư giết chết hàng triệu người mỗi năm và là một trong những thách thức sức khỏe lớn nhất của nhân loại“, Ủy ban Giải Nobel viết trên Twitter.

“Bằng cách kích thích khả năng của hệ thống miễn dịch cơ thể để tấn công các tế bào khối u, những người đoạt giải Nobel năm nay đã thiết lập một nguyên lý hoàn toàn mới để điều trị ung thư”.

Giải Nobel Sinh lý học và Y học được trao 108 lần cho 214 người đoạt giải từ năm 1901 đến 2017.

Mai Hoa / Trithucvn

Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc: Những con số đáng kinh ngạc đằng sau cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người

Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc: Những con số đáng kinh ngạc đằng sau cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người

Điều gì sẽ xảy ra khi nửa dân số Trung Quốc đi chơi?

Người Trung Quốc có hai “Tuần lễ Vàng”: Tết Âm Lịch (tháng 1 hoặc 2) và Quốc khánh (1/10). Trước đây, từng có thêm Tuần lễ Vàng thứ ba vào Lễ Lao động (1/5) nhưng giờ không còn nữa.

Tuần lễ Vàng đầu tiên ở Trung Quốc diễn ra vào tháng 10/1999, với ý tưởng mở rộng du lịch nội địa, cho phép các thành viên trong gia đình được đoàn tụ và kích cầu toàn quốc gia.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc, vào năm 1999 có khoảng 28 triệu người đã ra đường trong kỳ Tuần lễ Vàng đầu tiên.

Đến tháng 10/2017, con số đó nhảy vọt lên 705 triệu. Trong một tuần (1/10 – 8/10/2017), người Trung Quốc đã chi tới 85 tỷ USD cho các hoạt động du lịch, mua sắm.

Dân chúng và người lao động nói chung ai chẳng thích được nghỉ, tuy nhiên, không ít người đã cố gắng ngăn chặn Tuần lễ Vàng vì với họ, nó gây ảnh hưởng tiêu cực chứ không mấy tốt đẹp.

Hàng trăm triệu người cùng nhau đổ ra đường, di chuyển bằng tàu hoặc ô tô. Một số nhà thống kê cho rằng, mỗi dịp Tuần lễ Vàng là… một nửa Trung Quốc sẽ đi chơi.

Theo Tổng công ty đường sắt Trung Quốc, Tuần lễ Vàng năm 2017 có nhiều con số ấn tượng: Tính riêng ngày đầu tiên, có tới 15,03 triệu chuyến tàu; còn ngày 6/10 là 12,36 triệu chuyến.

Đông như thế, giao thông quá tải là điều dễ hiểu

Ách tắc giao thông kinh hoàng ở Trung Quốc trong kỳ Tuần lễ Vàng năm 2016

Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc báo cáo rằng, đường cao tốc quốc gia (không thu phí trong kỳ nghỉ) đã ghi nhận khoảng 335 triệu người sử dụng phương tiện trong Tuần lễ Vàng 2017. Hệ thống đường cao tốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông.

Cao tốc Quảng Châu – Thâm Quyến bị trì hoãn trong hơn 10 tiếng đồng hồ. Đợt ách tắc giao thông dài nhất được ghi nhận vào năm ngoái dài tới 49,73km ở Hàng Châu – Chiết Giang.

 Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc: Những con số đáng kinh ngạc đằng sau cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người  - Ảnh 2.

Các điểm du lịch nổi tiếng Trung Quốc như Vạn Lý Trường Thành và Thiên An Môn (Bắc Kinh); Tây Hồ (Hàng Châu); Nguyệt Nha Tuyền (Cam Túc)… Đều chật cứng du khách, đến việc đi bộ cũng cực kỳ khó khăn.

Hàng không nội địa Trung Quốc cũng “toát mồ hôi hột” vì lưu lượng hành khách tăng đột biến: Tổng cộng 12,95 triệu người đã sử dụng dịch vụ từ các hãng hàng không nội địa trong Tuần lễ Vàng 2017, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng trong thời gian này, hơn 6 triệu người Trung Quốc đã du lịch nước ngoài đến 1155 thành phố ở 88 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc: Những con số đáng kinh ngạc đằng sau cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người  - Ảnh 3.
 Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc: Những con số đáng kinh ngạc đằng sau cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người  - Ảnh 4.
 Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc: Những con số đáng kinh ngạc đằng sau cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người  - Ảnh 5.
 Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc: Những con số đáng kinh ngạc đằng sau cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người  - Ảnh 6.

Theo SCMP/Xinhua

Ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông: Chuyện không còn dễ với TQ!

Ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông: Chuyện không còn dễ với TQ!

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur của hải quân Mỹ.

Hàng loạt cường quốc quân sự đã điều động tàu chiến cùng máy bay tới Biển Đông để tập trận và tuần tra. Đây được xem là thách thức lớn đối với những tuyên bố chủ quyền ngang nhiên của Trung Quốc ở Biển Đông lâu nay.

Trong động thái mới nhất, hôm 30/9, tàu khu trục tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ USS Decatur đã xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và tiến hành tuần tra trong vòng 10 tiếng đồng hồ.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hiện Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào sau khi tàu khu trục USS Decatur của Mỹ xuất hiện gần quần đảo Trường Sa. Theo giới phân tích, khả năng đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung liên quan tới việc tăng thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu của hai nước đang chiếm sự chú ý lớn từ phía quan chức Bắc Kinh so với vấn đề an ninh.

Trước đó, Bắc Kinh từng cho hủy cuộc đối thoại quân sự dự kiến diễn ra vào tháng 10 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sau khi tàu chiến Mỹ xuất hiện ở Biển Đông.

Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Hồi tuần trước, tàu khu trục HMS Argyll của Anh đã tham gia cuộc tập trận hải quân với tàu chiến Kaga và tàu khu trục Inazuma của Nhật Bản trên Ấn Độ Dương trước khi tiến vào Biển Đông. Ngay lập tức, Trung Quốc điều động một tàu chiến cùng các trực thăng tới xua đuổi tàu chiến Anh.

Vào ngày 17/9, một tàu ngầm của Nhật Bản cũng đã thực hiện chuyến thăm cảng 5 ngày tới Việt Nam nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai nước.

Lâu nay, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp và vô căn cứ trên phần lớn diện tích Biển Đông. Thậm chí, Bắc Kinh còn nhiều lần kêu gọi các nước không có chủ quyền trên Biển Đông tránh những hành động can thiệp.

Còn trong tháng Tám, Trung Quốc đã đồng thuận với bản nháp Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Đây được xem là nền tảng cho các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN. Bắc Kinh cũng khẳng định, thỏa thuận giữa hai bên cho thấy các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hoàn toàn có thể được giải quyết.

Để hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo và điều động tàu chiến cũng như máy bay tới khu vực.

Thậm chí, trong bản tin được CCTV đăng tải hôm 28/9, Trung Quốc đã điều động 12 chiến đấu cơ bao gồm các oanh tạc cơ và ít nhất 2 tiêm kích J-11B cho phóng tên lửa vào một mục tiêu nằm trên Biển Đông để diễn tập. Tuy nhiên, CCTV không nói rõ cuộc tập trận này diễn ra vào thời gian nào và địa điểm ở đâu.

Theo chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, ông Collin Koh, dường như các nước ASEAN đang cố dung hòa mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ. Bởi một mặt các thành viên ASEAN muốn tăng cường mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, nhưng cũng muốn Washington đẩy mạnh các cam kết hỗ trợ an ninh.

Ông Adam Ni, nhà nghiên cứu chính sách an ninh và đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia nhận định, việc Bắc Kinh và Washington ngày càng đối đầu gay gắt ở châu Á buộc các nước ASEAN phải đưa ra quyết định ủng hộ bên nào.

“Đối với các nước ASEAN, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện ở châu Á nhằm cân bằng tham vọng bành trướng của Trung Quốc là động thái đáng mừng để bảo vệ sự ổn định và lợi ích của các nước. Tuy nhiên, đây có thể lại là hiểm họa đẩy sự cạnh tranh chiến lược đi xa hơn và tác động xấu tới nền an ninh cũng như ổn định của khu vực”, SCMP dẫn lời ông Ni.

Còn theo ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc, “Mỹ đang chịu nhiều áp lực, do đó Washington đã kêu gọi các đồng minh Nhật Bản, Anh và cả Australia tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Mỹ sẽ không rời khỏi Biển Đông mà đóng vai trò ngày càng lớn trong khu vực .

Theo Infonet