Ảnh “nóng” về bộ lạc đặc biệt nhất thế giới trong rừng Amazon

Cảnh tượng phụ nữ tắm tiên với rùa, ăn tê tê, săn thú bằng cung tên là những hình ảnh hiếm hoi ghi lại cuộc sống của “bộ tộc đang bị đe dọa nhất thế giới” trong rừng Amazon.

Phụ nữ bộ lạc Awa tắm tiên với rùa.

Hiện bộ lạc Awa chỉ còn 80 người sinh sống sâu trong khu rừng Maranhão ở Brazil, dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên để tồn tại và hoàn toàn tách biệt với cuộc sống hiện đại.

Từ nhiều thế kỷ đến nay, người Awa vẫn sử dụng cung tên để săn tê tê và thu thập mật ong, hạt babassu làm thức ăn.

Chỉ còn khoảng 80 người ở bộ lạc Awa sinh sống.

Các bức ảnh mới nhất về cuộc sống của người Awa được đăng tải trên tạp chí National Geographic tháng 10.2018. cho thấy thợ săn Awa với chiến lợi phẩm là một con nai sau lưng, nhóm phụ nữ và trẻ em tắm tiên trên sông với rùa…

Một thợ săn cùng chiến lợi phẩm là con nai sau lưng

Cũng giống như những cánh rừng, người Awa bị đe dọa bởi những kẻ phá rừng, khai mỏ và buôn bán ma túy nên buộc phải di chuyển liên tục vì những mối đe dọa từ bên ngoài.

Chân dung một cư dân của bộ lạc Awa

Ước tính 75% cánh rừng Maranhão đã bị tàn phá lấy gỗ quý, khiến cho tộc người Awa không còn nhiều nơi để sinh tồn. Sự tồn tại của người Awa đã thúc giục giới chức trách phải bảo vệ khu rừng, nhưng lâm tặc và bọn tội phạm vẫn không ngừng vào rừng khai thác gỗ bất hợp pháp.

Theo Phương Đăng  / Dân Việt

Ai là chủ đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái hơn 11 nghìn tỷ?

Ai là chủ đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hơn 11 nghìn tỷ?

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức đồng ý công khai Hợp đồng dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Theo đó, tên dự án sẽ là: Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Do liên danh 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân; Công ty CP Mặt trời Vân Đồn; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành góp vốn đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án mang tên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn, tổng vốn đầu tư 11.119,625 tỷ đồng.

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái triển khai trên diện tích 456,2ha thuộc địa bàn các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái. Trong đó điểm đầu tại Km70+108 (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn), điểm cuối tại Km150+339 (giao với đường tỉnh 335, trùng với điểm cuối Dự án cầu Bắc Luân II, TP Móng Cái).

Tổng chiều dài xây dựng tuyến là 80,2km, đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012.

Thời gian kinh doanh, khai thác theo phương án tài chính tại thời điểm đàm phán: 18,56 năm. Thời gian thực tế sẽ được xác định từ thời điểm dự án hoàn thành, được quyết toán vốn đầu tư theo quy định của pháp luật và điều chỉnh theo quy định của hợp đồng dự án.

Giá phí sử dụng dịch vụ sẽ từ 1.500-6.000 đồng/km tùy loại phương tiện. Mức tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo (sau 3 năm đầu) là 18%/3 năm. Mức tăng này là tạm tính và sẽ được điều chỉnh theo quy định của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT và các văn bản khác có liên quan.

Hiện liên danh nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý, dự kiến khởi công dự án trong năm 2018.

Nhằm đảm bảo tốt nhất về mặt bằng cho quá trình triển khai dự án, ngay từ tháng 7/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 2787/QĐ-UBND phê duyệt Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Trong đó, giao cho UBND huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái làm chủ đầu tư đối với công tác GPMB theo phạm vi chiếm dụng của dự án trên địa bàn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm chủ đầu tư công tác rà phá bom mìn, vật nổ.

Theo tổng hợp của các địa phương, có khoảng 527ha diện tích đất sẽ thu hồi phục vụ dự án; tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 1.681 hộ; có 326 hộ phải tái định cư và 320 ngôi mộ phải di chuyển. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.400 tỷ đồng.

Để chuẩn bị GPMB dự án, Sở Giao thông Vận tải đã bàn giao tuyến cho các địa phương Tiên Yên, Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, ngoài việc góp phần phát triển giao thông, dự án còn mở rộng liên kết kinh tế vùng Quảng Ninh – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nguyên Minh / Theo Trí thức tre

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu giữ chức Chủ tịch nước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu giữ chức Chủ tịch nước
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Hội nghị TƯ 8 giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6.

Chiều 3/10, Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, trong ngày làm việc thứ 2 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bàn về công tác nhân sự.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.

Cũng tại phiên họp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung hai Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII là ông Võ Thái Nguyên và ông Trần Đức Thắng.

Trước đó, vào buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường, thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội

Ông có học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng), Cử nhân Ngữ văn.

Ông là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII. Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII, IX, X, XI, XII.

Trong quá trình công tác ông từng đảm nhận các chức vụ như: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch Quốc hội; Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nobel Hóa học 2018 được trao cho các nhà khoa học ‘điều khiển được quy trình tiến hóa’

Giải Nobel Hóa học 2018 được trao cho 3 nhà khoa học đã “điều khiển sự tiến hóa và sử dụng cùng các nguyên tắc biến đổi gen và chọn lọc di truyền để phát triển protein giải quyết những vấn đề hóa học của loài người”.

Giải Nobel Hóa học 2018 được thông báo lúc 11h45 giờ địa phương ngày 3/10 tại Thụy Điển. Học viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải cho các nhà khoa học Frances H. Arnold, George P. Smith và Sir Gregory P. Winter, trong đó một nửa giải thưởng thuộc về nhà khoa học Frances H. Arnold và một nửa thuộc về hai nhà khoa học còn lại.

Nobel Hóa học 2018 được trao cho các nhà khoa học điều khiển được quy trình tiến hóa - Ảnh 1.

“Người đoạt giải Hóa học năm nay đã điều khiển được quy trình tiến hóa và sử dụng những nguyên tắc tương tự – biến đổi và chọn lọc gen – để phát triển những protein giải quyết các vấn đề hóa học của con người” – thông báo được đăng trên tài khoản Twitter của Giải thưởng Nobel.

Một thành viên ủy ban giải thích rằng giải thưởng năm nay “được trao cho một cuộc cách mạng dựa trên tiến hóa”, và thuộc về các nhà khoa học “áp dụng nguyên tắc của Darwin vào ống nghiệm”.

Trong đó, nhà bác học Frances H. Arnold đến từ Viện Công nghệ California, Pasadena, Mỹ được trao giải vì đã lần đầu tiên thực hành “sự tiến hóa định hướng của các enzyme” – những protein xúc tác cho các phản ứng hóa học. Những enzyme được tạo ra thông qua quá trình này được sử dụng để sản xuất mọi thứ từ nhiên liệu sinh học cho đến dược phẩm.

Hai nhà bác học George P. Smith từ Đại học Missouri, Columbia, Mỹ và Sir Gregory P. Winter từ Phòng Thí nghiệm Sinh học phân tử Cambridge, Anh được trao giải vì phát triển ra một phương pháp hiển thị thực khuẩn thể (phage display) và sử dụng nó để tạo ra dược phẩm mới.

Bà Frances Arnold là nhà bác học nữ thứ 5 giành giải Nobel Hóa học.

Giải Nobel Vật lý năm 2018 được trao ngày 2/10 cho ba nhà khoa học Arthur Ashkin người Mỹ, Gérard Mourou người Pháp và Donna Strickland người Canada với phát minh đột phá trong ngành vật lý laser. Giải Nobel Y học được trao ngày 1/10 cho hai nhà khoa học James Allison và Tasuki Honjo vì khám phá trong trị liệu ung thư bằng ức chế điều hòa miễn dịch âm tính.

Các giải Nobel Hòa bình và Kinh tế sẽ lần lượt được công bố vào 4,5/10. Năm 2018 hoãn trao giải Nobel Văn học

Shoha

Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada có điều khoản cấm “chơi” với Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Trump vừa đạt được thỏa thuận thương mại quan trọng với hai nước láng giềng Canada và Mexico.

Theo đó, Hiệp định USMCA có điều khoản cấm các nước thành viên ký kết hiệp định thương mại song phương với các nước “phi thị trường”.

Cụ thể, Hiệp định USMCA có điều khoản quy định rằng nếu một trong những đối tác trong hiệp định tham gia một thỏa thuận thương mại tự do với một nước “phi thị trường” như Trung Quốc, thì phải thông báo cho những quốc gia khác 3 tháng trước khi tham gia vào các cuộc đàm phán đó. Đồng thời, hai quốc gia còn lại có thể rút khỏi hiệp định và hình thành hiệp ước thương mại song phương của riêng họ, tức loại bỏ nước kia ra khỏi hiệp định.

Điều khoản này được cho là phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế và ngăn chặn các công ty Trung Quốc sử dụng Canada hoặc Mexico làm “cửa hậu” để xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ.

Tờ Reuters dẫn lời ông Derek Scissors, một học giả Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, nói rằng điều khoản này đã cho phép chính quyền Tổng thống Trump có quyền phủ quyết hiệu quả đối với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc bởi Canada hay Mexico.

Nếu điều khoản này được lặp lại trong các cuộc đàm phán khác của Hoa Kỳ với Liên minh châu Âu và Nhật Bản, nó có thể khởi tác dụng cô lập chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Theo ông Scissors, cả Canada và Mexico đều có khả năng ký kết hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc trong tương lai, nhưng điều khoản của USMCA là một cách rất tinh tế để đối phó với điều đó. “Không có thỏa thuận nào với Trung Quốc đáng để mất một USMCA đã được phê chuẩn”, ông Scissors nói.

Trước đó, chính quyền Bắc Kinh nhiều lần yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận họ là một “nền kinh tế thị trường”. Mặc dù vậy, Mỹ và Liên minh châu Âu lập luận rằng ĐCS Trung Quốc đã trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước gia tăng sản xuất dư thừa, loại trừ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài cũng như các hành động khác là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế phi thị trường.

Tường Văn / trithucvn

TT Trump chơi rắn, biến thỏa thuận “tồi tệ nhất” thành “tốt nhất trong mọi thời đại lịch sử”

TT Trump chơi rắn, biến thỏa thuận "tồi tệ nhất" thành "tốt nhất trong mọi thời đại lịch sử"
TT Trump chủ trương xoá sổ NAFTA thì giờ đã đạt được mục tiêu ấy bằng cách có thoả thuận mới khác thay thế. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận mới đã đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump đến được bến bờ của mong ước. Ông cần dấu ấn cầm quyền riêng thì giờ cũng đã có.

Trước khi thời hạn đề ra kết thúc, Mỹ và Canada đã đạt được sự nhất trí cần thiết cho thoả thuận về vừa thương mại tự do song phương lại vừa tương thích với thoả thuận tương tự mà Mỹ và Mexico đã có được với nhau hồi đầu tháng 8 vừa qua.

Cả hai gộp lại tạo thành thoả thuận ba bên mới về hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại với tên gọi là United States Mexico Canada Agreement – Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada, viết tắt là USMCA. Sau khi được ký kết chính thức và được phê chuẩn ở cả 3 nước, USMCA sẽ thay thế thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực từ năm 1994.

Mới nhưng không nới cũGiới kinh tế, tài chính và thương mại ở bên ngoài khu vực Bắc Mỹ thở phào nhẹ nhõm vì Bắc Mỹ sẽ vẫn tiếp tục là không gian kinh tế chung và là thị trường chung, có khác so với NAFTA nhưng không bị tan ra thành ba thị trường quốc gia riêng rẽ.

TT Trump chơi rắn, biến thỏa thuận tồi tệ nhất thành tốt nhất trong mọi thời đại lịch sử - Ảnh 1.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer mỉm cười trong một cuộc họp báo chung về việc kết thúc vòng đàm phán NAFTA lần thứ 7 tại Mexico City, Mexico ngày 5/3/2018. Ảnh: Reuters

SMCA đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump đến được bến bờ của mong ước. Ông Trump vốn coi NAFTA là “thoả thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay đối với nước Mỹ” thì nay tán dương USMCA là “thoả thuận tốt nhất trong mọi thời đại lịch sử của nước Mỹ”.

Ông Trump chủ trương xoá sổ NAFTA thì giờ đã đạt được mục tiêu ấy bằng cách có thoả thuận mới khác thay thế. Ông Trump chủ trương bảo hộ thương mại và chống tự do hoá thương mại thì trong tên gọi chính thức của thoả thuận mới không có cụm từ “thương mại tự do” nữa.

Ông Trump muốn ép buộc các đối tác phải luỵ theo mình thì Mexico và Canada cũng đã chịu. Ông Trump cần dấu ấn cầm quyền riêng thì giờ cũng đã có.

Ông sẽ dùng USMCA làm bằng chứng về tính đúng đắn và thành công của chính sách gây xung khắc thương mại và gia tăng áp lực tối đa với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ cũng như biểu hiện cho việc thực hiện khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”.

Cho nên có thể thấy USMCA sẽ khích lệ ông Trump còn găng hơn nữa và quyết liệt hơn nữa trong xung khắc thương mại hiện tại với Trung Quốc, cứng rắn và không dễ khoan nhượng với Nhật Bản trong đàm phán về thoả thuận hợp tác thương mại song phương mà hai bên vừa nhất trí tiến hành cũng như sẽ tương tự như vậy với EU và các đối tác kinh tế, thương mại của Mỹ trên thế giới.

Ông Trump sẽ không ngại ngần gì mà không khai thác triệt để ý nghĩa của USMCA phục vụ cho cuộc vận động bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Thoả thuận mới có tên gọi mới, nhưng nội dung của nó không hẳn hoàn toàn mới cho dù ở đây cũng không phải có chuyện tạo bình mới đựng rượu cũ mà trong thực chất là có mới nhưng không hẳn hoàn toàn nới cũ.

Đa số những nội dung cơ bản của NAFTA vẫn hiện diện trong USMCA.

Đa phần trong số những nội dung mới chẳng khác gì “sao y bản chính” từ thoả thuận mà Mỹ đã đàm phán và ký kết với 11 đối tác về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump đã lật ngược vì cho rằng cũng thuộc diện những thoả thuận “tồi tệ nhất đối với nước Mỹ”.

Trong đó có đặc biệt là những quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, đánh thuế những chương trình phần mềm và sản phẩm của công nghệ số….

Chỉ có những nội dung liên quan đến ô tô và mức lương tối thiểu là hoàn toàn mới. Theo đó, ô tô từ Canada và Mexico muốn được xuất khẩu miễn thuế vào Mỹ thì 75% giá trị phải được chế tạo ở Bắc Mỹ chứ không còn chỉ có 62,5% như trong NAFTA và phải được chế tạo trong những xí nghiệp có mức lương lao động tối thiểu là 16 USD / giờ.

Các đối tác bên ngoài sẽ phải sản xuất trực tiếp nhiều hơn và chấp nhận trả lương lao động cao hơn ở Mexico và Canada hay ở Mỹ.

Qua chuyện bỏ NAFTA để có USMCA này có thể thấy ông Trump quan tâm hàng đầu đến việc các đối tác phải chấp nhận nhượng bộ Mỹ, nhượng bộ cụ thể nào đấy mà không cần nhất khoát phải nhượng bộ những nội dung mang tính nguyên tắc.

Ông Trump muốn có hình ảnh và cảm nhận là các đối tác phải chịu khuất phục trước áp lực và cách thức bất chấp của Mỹ. Canada và Mexico xem ra đã khôn khéo và thực dụng hơn hẳn EU trong xử lý xung khắc thương mại với ông Trump.

Trung Quốc nếu không chịu nhún nhường chút thì sẽ rất khó giải quyết được ồn thoả xung khắc thương mại và kinh tế hiện tại với Mỹ. Còn Nhật Bản và các đối tác khác chắc chắn sẽ phải rút ra được từ chuyện này những bài học kinh nghiệm về xử lý quan hệ của họ với ông Trump như thế nào cho ổn thoả nhất và có lợi nhất.

Đại sứ Trần Đức Mậu / Shoha