CƯỚP – thơ Nguyễn Duy

CƯỚP

thơ Nguyễn Duy 

con ơi mẹ dặn câu này
cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)


Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
có con dấu đóng đỏ tươi
có còng có súng dùi cui nhà tù


cướp xưa lén lút tù mù
cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
con trời bay lả bay la
cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng


dân oan tuôn lệ ròng ròng
mất nhà mất đất nát lòng miền quê
tiếng than vang động bốn bề
cướp từ thôn xóm tiến về thành đô


ai qua thành phố Bác Hồ
mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
bây giờ mẹ phải dặn thêm
quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

Sài thành, tháng 9.2018
Nguyễn Duy

Tiếng Việt ngày nay ‘bá đạo’ ‘vãi lúa’

Tiếng Việt có ba từ chỉ mức độ cao hay được dùng là rất, quá, lắm. Vừa qua, xem chừng chưa diễn tả được hết mức độ nên thêm cực kì, cực. Cũng chưa đủ, đã có thêm trên cả tuyệt vời và hiện giờ có… bá đạo, vãi.

Đó là ý kiến của GS. TS Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học) khi nói về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên truyền thông hiện nay.

Ông khẳng định có những nhà báo sáng tạo thật sự và ít nhiều thành công dù “luôn phải đứng trước lựa chọn không đơn giản là chọn ngôn từ cũ, cách viết cũ, an toàn hay lựa chọn ngôn từ mới, sáng tạo để dễ bị coi là dùng sai, thậm chí bị ném đá là làm hỏng tiếng Việt”.

Ngôn ngữ “an toàn” và “thời trang phá cách”

Tuy nhiên, GS. TS Nguyễn Văn Khang sau khi nêu hai chiều hướng cực đoan tiêu biểu trong sử dụng tiếng Việt là dùng ngôn ngữ an toàn và “thời trang, phá cách”, ông lo ngại thật sự trước một số chiều hướng có nguy cơ làm suy yếu tiếng Việt trên truyền thông.

Cụ thể không ít cơ quan truyền thông thích dùng những tính từ mạnh bạo mà không đúng, thậm chí sai lệch với nội dung bài viết để làm tên, tựa đề bài báo.

Ông nêu: “Có lẽ chưa bao giờ từ tuyệt vời được dùng với tần số cao như hiện nay trong sự phung phí đến mức xa xỉ của những phát ngôn khen xuất hiện trên truyền thông. Trong tiếng Việt có ba từ chỉ mức độ cao hay được dùng là rất, quá, lắm. Nhưng giờ đây xem chừng ba từ này chưa diễn tả được hết mức độ, nên tiếng Việt được cấp thêm cực kì, cực. Vẫn chưa thoả mãn, tiếng Việt lại được cấp thêm từ trên cả tuyệt vời và hiện nay đã có thêm bá đạo, vãi”.

“Nếu theo truyền thống thì vua, vương, hoàng đế mỗi thời chỉ có một, nhưng nay các từ này lại được dùng để chỉ các danh hiệu cao như vua bóng đá, vua sex, nữ hoàng sexy, ông hoàng nhạc nhẹ, nữ hoàng thời trang, nam vương, á vương…

Hay chữ tặc là yếu tố Hán Việt có nghĩa là kẻ cắp, kẻ trộm chỉ xuất hiện trong tiếng Việt trong từ mượn nguyên khối là hải tặc nhưng nay được dùng để tạo ra hàng loạt từ mới như cát tặc, game tặc, cẩu tặc, sưa tặc, đinh tặc…”

Ông nói nửa đùa nửa thiệt: “Theo dự đoán, hoàn toàn có thể có… tình tặc”.

50% bài báo mắc lỗi khi dùng tiếng Việt

Mức độ phổ biến và đáng báo động về những lỗi sai khi dùng tiếng Việt trên truyền thông được PGS. TS Đào Thanh Lan, khoa ngôn ngữ học (ĐH KHXH&NV HN) nêu: Khảo sát 130 bài phóng sự, tường thuật, ký, điều tra, phỏng vấn, dịch thuật trên nhiều tờ báo từ năm 2000-2004 thì có 61 bài có lỗi (50% bài có lỗi).

Xét về kiểu lỗi thì có 4 lỗi thuộc phạm vi văn bản (lỗi đặt tiêu đề chưa phù hợp với nội dung văn bản, lỗi phân đoạn, lỗi dùng phép liên kết giữa các câu, các đoạn trong văn bản) và 93 lỗi thuộc phạm vi câu. Xét về mức độ phạm lỗi trong một bài thì có 39 bài có 1 lỗi; 11 bài có 3 lỗi; 5 bài có 4 lỗi; 2 bài có 5 lỗi; 2 bài có 7 lỗi…

Theo TUỔI TRẺ ONLINE (2016)

Công trình nghìn tỷ bị “lãng quên” giữa Thủ đô Hà Nội

Công trình nghìn tỷ bị "lãng quên" giữa Thủ đô Hà Nội

Được đầu tư xây dựng lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng cho đến thời điểm hiện tại Bảo tàng Hà Nội gần như không hoạt động và trở thành “ngôi nhà hoang” lớn nhất Thủ đô.

Công trình nghìn tỷ bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1.
Bảo tàng Hà Nội mới nằm trong khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia (tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có kết cấu hình kim tự tháp ngược, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần.
Công trình nghìn tỷ bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 2.
Đây là một trong những công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với mức đầu tư rất lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Công trình nghìn tỷ bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 3.
Bảo tàng được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 54.000 m², cao 30,7m. Công trình gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích xây dựng xấp xỉ 12.000m², diện tích sàn hơn 30.000m² (kể cả tầng hầm và tầng mái).
Công trình nghìn tỷ bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 4.
Tuy nhiên, từ ngày khánh thành (6/10/2010) đến nay đã 8 năm, công trình này rất ít hoạt động và gần như chưa mang lại lợi ích tương ứng với số tiền bỏ ra xây dựng.
Công trình nghìn tỷ bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 5.
Bên ngoài khuôn viên của Bảo tàng gần như bỏ hoang, chỉ có một góc nhỏ cho phiên chợ đồ cũ thuê và mở vào những ngày cuối tuần.
Công trình nghìn tỷ bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 6.
Được biết, Bảo tàng Hà Nội có tổng mức đầu tư lên tới 2.400 tỷ đồng trong đó giai đoạn 1 là toà nhà “kim tự tháp ngược” đã hoàn thành với tổng trị giá 1.600 tỷ đồng.
Công trình nghìn tỷ bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 7.
Giai đoạn hai tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, gồm nội dung trưng bày hiện vật, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nay được điều chỉnh nên kéo dài đến 2019.
Công trình nghìn tỷ bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 8.
Cửa hầm của Bảo tàng Hà Nội luôn đóng kín.
Công trình nghìn tỷ bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 9.
Với mức đầu tư lớn như vậy nhưng hiện nay mỗi ngày Bảo tàng Hà Nội đón được rất ít khách, chủ yếu là du khách nước ngoài tới tham quan.
Công trình nghìn tỷ bị lãng quên giữa Thủ đô Hà Nội - Ảnh 10.
Nhiều người ví rằng Bảo tàng Hà Nội hiện nay đã trở thành “ngôi nhà hoang” lớn nhất Thủ đô.

Theo Hoàng Nam / ICTnews

Đề nghị xây ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’ 2000 tỷ tại Thủ Thiêm

Tiếp theo đề nghị xây nhà hát giao hưởng hàng ngàn tỷ đồng gây tranh cãi, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 12/10 vừa có đề nghi đặt tên Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’.
Tượng Hồ Chí Minh trước văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/5/2016
Theo báo trong nước, ‘Quảng trường Hồ Chí Minh’ dự kiến rộng 27 hecta, bao gồm các hạng mục như cột cờ tổ quốc, nhà trưng bày về chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn và ao cá, công viên bờ sông, cầu đi bộ nối Thủ Thiêm với Quận 1.
Quảng trường trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được nói sẽ là quảng trường lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư cho dự án được công bố gần 2.000 tỷ đồng.
Theo truyền thông trong nước, với sức chứa tối đa 430.000 người, đây sẽ là nơi diễn ra các sự kiện chính trị lớn và giao lưu văn hóa được nói nhằm ‘tạo hình ảnh một thành phố kinh tế năng động, một trung tâm văn hóa hài hòa truyền thống và hiện đại.’
Dự án này sẽ được Công ty Đại Quang Minh thực hiện theo phương thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao, và do một công ty của Pháp là Defrain Souquet Deso thiết kế.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích là 930 ha, nằm bên bờ sông Sài Gòn. Từ đầu những năm 2010, thành phố đã bắt đầu tiến hành việc giải toả, xây dựng khu vực này thành một khu đô thị mới. Việc di dời, giải toả đã ảnh hưởng đến khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 người. Nhiều người dân ở đây từ 20 năm nay đã khiếu kiện lên trung ương về việc giải toả, quy hoạch mà họ cho là sai trái của chính quyền địa phương.
Hôm 8/10, Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh biểu quyết 100% đồng ý xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Nhiều ý kiến của người dân trên mạng sau đó đã phản đối việc xây dựng nhà hát giao hưởng tốn kém vì cho rằng còn nhiều cơ sở hạ tầng khác người dân thành phố cần hơn vào lúc này.
(RFA)

Sau ‘trưởng tiểu ban nhân sự đại hội 13’ sẽ là gì?

Trong 5 tiểu ban được thành lập tại Hội nghị Trung ương 8 để chuẩn bị cho đại hội 13 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra vào năm 2021, Tiểu ban Nhân sự tuy được xếp ở vị trí cuối nhưng thực ra là quan trọng nhất, và luôn quan trọng nhất trong lịch sử lục đục và nhộn nhạo của chính thể một đảng cai trị này.
 
Cái chết của ông Quang mở đường cho ông Trọng nắm cả hai quyền lực.
‘Tiểu ban Nhân sự’ quan trọng đến thế nào?
Còn hơn hai năm nữa mới đến đại hội 13, nhưng Tổng bí thư Trọng đã nắm luôn không chỉ Tiểu ban Nhân sự mà còn Tiểu ban Văn kiện – một tiểu ban chấp bút định hướng những đường lối đối nội và đối ngoại then chốt nhất của ‘đảng ta’. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban Kinh tế xã hội, còn Tiểu ban Điều lệ đảng do Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban.
Như vậy, một lần nữa Tổng bí thư Trọng lại được làm trưởng tiểu ban Nhân sự.
Vào khoảng thời gian năm 2015 khi ‘toàn đảng, toàn quân và toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12’ và trong bầu không khí đua tranh quyết liệt cùng đủ thứ đơn thư tố cáo lẫn nhau được tung lên mạng xã hội, ông Trọng – trên cương vị tổng bí thư – cũng đã ‘chủ động’ làm trưởng tiểu ban Nhân sự.
Theo nguyên tắc của đảng cầm quyền, nhân sự chủ chốt trong Bộ Chính trị Ban Bí thư, Tổng bí thư và kể cả Ban chấp hành trung ương sẽ được ‘chọn’ theo 3 phương án nhân sự: một danh sách do tổng bí thư đưa ra, một danh sách khác do ‘tập thể Bộ Chính trị’ đưa ra, và danh sách còn lại là phần của Ban chấp hành trung ương. Theo ‘thông lệ’, phương án nhân sự do tổng bí thư đưa ra là mang tính chi phối nhất, mà nhiều thông tin cho biết đó chính là phương án mang tính quyết định trước đại hội 12, sau đó mới tuần tự đến ‘tập thể Bộ Chính trị’ và Ban chấp hành trung ương.
Tại các hội nghị trung ương 13 và 14 diễn ra vào nửa cuối năm 2015, mặc dù đã nắm được vai trò trưởng tiểu ban Nhân sự, nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn bị cạnh tranh và thách thức quyết liệt bởi Nguyễn Tấn Dũng – đối thủ mà mới chỉ vào đầu năm 2015 đã vọt lên xếp đầu bảng trong cuộc đua ‘bỏ phiếu thăm dò uy tín tổng bí thư cho đại hội 12’, trong lúc ông Trọng chỉ đứng thứ 8 – theo nhiều thông tin không chính thức nhưng cho tới giờ vẫn không được bất kỳ cơ quan nào của đảng hay khối chính phủ đính chính hoặc cải chính. Chỉ đến khi còn ít tháng nữa sẽ diễn ra đại hội 12, Thủ tướng Dũng mới phải làm một bản giải trình dài cho tổng bí thư, Bộ Chính trị và Ủy ban Kiểm tra trung ương về 12 vấn đề nhạy cảm liên quan đến con cái, phát ngôn và tài sản của ông. Hầu như ngay sau đó, bản giải trình này đã được chụp ảnh nguyên trạng và tung lên mạng xã hội, lan truyền với tốc độ chóng mặt nhưng không rõ nhằm dụng ý gì. Chính bản giải trình này, cùng với một quy định nội bộ đảng theo cách mà Thủ tướng Dũng không thể ngờ ‘đảng viên không được từ ứng cử’ đã khiến Nguyễn Tấn Dũng ‘một đi không trở lại’ và làm cho phương án nhân sự tổng bí thư tuyệt đối trống vắng cái tên ‘đồng chí X’.
Còn giờ đây, Nguyễn Phú Trọng đang ‘thừa thắng xông lên’, sau lời cảm thán ‘tôi bất ngờ’ khi ông Trọng bày tỏ nỗi ngạc nhiên vì nhận được đến 100% phiếu thuận của đại hội 12 cho ứng cử viên tổng bí thư duy nhất chính là ông ta.
Sẽ sửa đổi hiến pháp?
Tháng Mười năm 2018 và như cách thức vận động của giới chuyên gia và quan chức cận thần của đảng về ‘thời điểm chín muồi để hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư’, ngay sau cái chết của Trần Đại Quang là sự kiện Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị và một lần nữa ‘100% Ban chấp hành trung ương’ đề cử trở thành chủ tịch nước, để chẳng bao lâu sau đó sẽ có một quốc hội quen ‘gật’ chẳng hề khó khăn chấp thuận cái chức danh vừa cũ vừa mới ấy.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên kể từ sau đại hội 12, ước vọng và tương lai chính trị của ông Trọng đã hiện rõ hơn nhiều: không chỉ quá cần đến tính ‘chính danh’ của chủ tịch nước trong những đợt công du đối ngoại, ông Trọng còn được xem là tập trung và thâu tóm quyền lực chưa từng có kể từ thời Tổng bí thư Lê Duẩn – một hiện tượng đặc biệt mà đã trở thành đầu đề của cả báo chí quốc tế.
Nhưng vẫn chưa hết, và có lẽ còn lâu mới hết. Điều cốt yếu hơn cả và có thể khiến giới quan sát chính trị thêm một lần nữa cảm thấy sốc là dường như thâm tâm ông Trọng còn đang tính đến khả năng ông sẽ tiếp tục làm tổng bí thư, và tất nhiên ‘kiêm chủ tịch nước’ – thêm một nhiệm kỳ nữa tại đại hội 13, dù hiến pháp và điều lệ đảng hiện thời chỉ giới hạn tổng bí thư và chủ tịch nước tối đa là hai nhiệm kỳ.
Việc ‘chủ động’ nhận lãnh trách nhiệm phụ trách trưởng hai tiểu ban nhân sự và văn kiện cho đại hội 13 của ông Trọng là một chỉ dấu mạnh mẽ và lộ liễu cho thấy nếu muốn và khi sức khỏe còn cho phép, chính ông sẽ ngồi vào ghế tổng bí thư – chủ tịch nước vào năm 2021 ở tuổi 77. Còn từ đây đến đó sẽ là công việc… sửa hiến pháp.
Một tham khảo rất gần gũi là hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – được hầu như toàn bộ quốc hội nước này ‘gật’ – đã được sửa ngay tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2017, trong đó đã chính thức bãi bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ chủ tịch nước, dọn đường cho Tập Cận Bình trở thành ‘hoàng đế’ suốt đời’ hoặc có thể nắm quyền lực tối cao cho tới lúc chết.
Nếu ngay cả một chuyên gia quốc tế được xem là rất am hiểu về chính trị nội bộ của Việt Nam như giáo sư Carl Thayer còn phải thừa nhận rằng ông đã bất ngờ trước kịch bản Tổng bí thư Trọng ngồi ngay vào cái ghế chủ tịch nước ngay sau cái chết của Trần Đại Quang, chẳng có đột biến nào là quá khó khăn để không xảy ra trong những năm tới.
Với đà vận động thần tốc tại ‘thời điểm chín muồi’ mà những gương mặt cận thần không thay đổi như Nguyễn Đình Hương, Vũ Mão… cùng những cây viết truyền thông quen mặt như Huy Đức, có lẽ sẽ chẳng có lực cản nào đủ lớn để khiến công cuộc vận động sửa đổi hiến pháp về thay đổi nhiệm kỳ tổng bí thư và chủ tịch nước – sẽ được đặt trên bàn Ủy ban Thường vụ quốc hội vào một thời điểm chín muồi – bị tổn thương mà không thể trót lọt.
Khi đó và ngược hẳn với thời Nguyễn Tấn Dũng bất thần ngã ngựa, một đảng viên thậm chí còn có thể tự ứng cử hay nhận đề cử nếu không được ‘tập thể đề nghị’, hoặc chẳng cần sự chấp thuận của bất kỳ thể đảng viên nào – nếu điều lệ đảng được sửa đổi theo hướng ‘cách mạng’ như thế.
Phạm Chí Dũng  / (Blog VOA)

Tiết lộ “bí mật khủng khiếp” của Putin: Mỏ vàng Nga sẽ “chết” trong thời gian tới?

Tiết lộ “bí mật khủng khiếp” của Putin: Mỏ vàng Nga sẽ “chết” trong thời gian tới?

Ông Putin đang là cái gai trong mắt Mỹ và phương Tây

Hoàng tử Arabia Saudi và cố vấn của tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ một “bí mật khủng khiếp” của ông Putin, chuyên gia phân tích chính trị Ivan Danilov nhận xét về mưu đồ chống tổng thống Nga Vladimir Putin.

Một sự trùng hợp kỳ lạ là trong vòng vài ngày qua, Hoàng tử Arabia Saudi Mohammed bin Salman al-Saud và cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ Larry Kudlow đều dự báo rằng, ngành dầu mỏ của Nga sẽ “yếu” hoặc “chết” trong thời gian tới và Nga sẽ mất vị thế siêu cường trong lĩnh vực năng lượng.

Hoàng tử Arabia Saudi dự đoán về việc Nga sắp rút khỏi thị trường dầu mỏ và ông Larry Kudlow nói rằng đối với Mỹ “cách tốt nhất để đối đầu với Mátxcơva” là trở thành cường quốc năng lượng mạnh nhất và loại Nga ra khỏi thị trường năng lượng châu Âu.

Mặc dù Hoàng tử Ảrập và quan chức Mỹ đang theo đuổi các mục tiêu khác nhau, sự liên kết của họ đối phó Nga là rất linh hoạt và bao gồm hai ý kiến bổ sung cho nhau: Thứ nhất, Nga sẽ cạn kiệt dầu trong tương lai gần, và thứ hai, Nga sẽ bị các đối thủ dầu mỏ khác sớm thay thế trong thị trường năng lượng toàn cầu.

Về vấn đề này ông Kudlow và Hoàng tử Mohammed Al Saud có ý kiến khác nhau: người Mỹ tin rằng, Mỹ sẽ chiếm ưu thế, còn Hoàng tử khó có thể đồng ý với ông vì có quan điểm khác về triển vọng cách mạng dầu đá phiến của Mỹ.

Theo chuyên gia Nga, về nguyên tắc, những người muốn thấy chính quyền tổng thống Putin sắp sụp đổ sẽ hài lòng với dự báo của Hoàng tử Mohammed Al Saud về việc Matxcơva sắp rút khỏi thị trường dầu mỏ do sản lượng giảm, cũng như với dự báo của ông Kudlow về việc Nga sắp ra khỏi thị trường năng lượng châu Âu.

Những người này muốn tin rằng, một bí mật khủng khiếp của Nga đã được tiết lộ. Có nghĩa là, ngay sau khi Nga cạn kiệt dầu mỏ Matxcơva sẽ không có khả năng tiếp tục đường lối địa chính trị hiện tại và không thể duy trì cấu trúc chính trị của Nga.

Ông Danilov mỉa mai: “Chúng tôi xin lỗi vì gây thất vọng cho những người mơ ước về việc Nga không còn là một siêu cường năng lượng. Kịch bản về sự sụp đổ của ngành dầu khí Nga có thể được mô tả bằng câu nói của ông Putin: đây là một sự chờ đợi mãi mãi không có kết quả.

Theo chuyên gia Nga, giả thiết vô cùng phi thực tế của Hoàng tử dựa trên niềm tin rằng, bắt đầu từ ngày mai, Nga sẽ không bao giờ tìm thấy dầu mỏ ở bất cứ nơi nào, trữ lượng dầu mỏ của Nga sẽ không được thăm dò và xác thực, và Nga sẽ mãi mãi ở mức công nghệ sản xuất hiện tại không cho phép tiếp cận các mỏ dầu được coi là không mang lại lợi nhuận kinh tế.

Ngoài ra, kịch bản này không thể thực hiện được có chú ý đến triển vọng khai thác dầu khí ở vùng Bắc Cực và Siberia của Nga. Một bằng chứng về tiềm năng to lớn của khu vực này là những nỗ lực tích cực các cộng đồng chuyên gia Mỹ và Canada đang thảo luận về ý tưởng giành lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên tại vùng Bắc Cực của Nga.

Tình hình với dự báo của cố vấn kinh tế của ông Trump lại khác. Trên thực tế ở đây nói về những hành động cực kỳ không thân thiện chống lại Matxcơva. Khi phát biểu trên Hill TV, ông Kudlow đã nói thẳng: “Chúng tôi cần cung cấp khí đốt cho châu Âu và thách thức quyền bá chủ của Nga trong lĩnh vực khí tự nhiên và LNG”.

Chuyên gia Nga lưu ý đến hai điểm: Đầu tiên, quan chức Mỹ thực sự thừa nhận rằng, Mỹ không thành thật khi quả quyết về “sự độc lập năng lượng của châu Âu” và ý muốn đấu tranh vì lợi ích của Ukraine để khí đốt Nga quá cảnh thông qua Ukraine.

Ông cho rằng Mỹ chỉ quan tâm đến việc thay thế khí đốt của Nga bằng LNG của Mỹ và không có gì khác. Thứ hai, ông Kudlow thừa nhận một tội lỗi mà các quan chức Mỹ cáo buộc ban lãnh đạo Nga: Cụ thể là sử dụng năng lượng như một vũ khí địa chính trị.

Trên thực tế, trong kịch bản của ông Kudlow có hai vấn đề nghiêm trọng. Bấp chấp áp lực của Mỹ lên Liên minh châu Âu, đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 đang được xây dựng thành công, và theo báo cáo của Gazprom, dự án đường ống dẫn khí được tài trợ gần 70%.

Rất khó để ngăn cản dự án ở giai đoạn này, và nếu cần thiết, phía Nga cũng có thể cấp chi phí để hoàn thành nó. Nỗ lực của Mỹ ép buộc người châu Âu mua LNG Mỹ đắt tiền gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế của họ, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ Âu-Mỹ cực kỳ phức tạp và cuộc chiến thương mại của Mỹ chống EU.

Các giả định của ông Kudlow về việc Nga sẽ bị đẩy khỏi thị trường khí đốt thế giới mâu thuẫn với tình hình thực tế trên thị trường: Khí hóa lỏng của Nga được sản xuất ở Bắc Cực (Mỹ đã cố gắng ngăn chặn dự án này bằng các biện pháp trừng phạt) được xuất khẩu sang Mỹ.

Chuyên Danilov khẳng định Nga là một siêu cường năng lượng. Ý muốn của một số quan chức nước ngoài đẩy Nga khỏi thị trường này chỉ cho thấy tầm quan trọng của việc Nga đang hiện diện trên các thị trường năng lượng quan trọng nhất trên hành tinh. Không có cách nào để loại Matxcơva ra khỏi các thị trường này.

theo Viettimes

Trước áp lực của Trump, Hội đàm Trump–Tập sắp quay trở lại

China's President Xi Jinping shakes hands with US President Donald Trump (L) during a business leaders event at the Great Hall of the People in Beijing on November 9, 2017. Donald Trump urged Chinese leader Xi Jinping to work 'hard' and act fast to help resolve the North Korean nuclear crisis, during their meeting in Beijing on November 9, warning that 'time is quickly running out'. / AFP PHOTO / Nicolas ASFOURI        (Photo credit should read NICOLAS ASFOURI/AFP/Getty Images)
Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh (Ảnh từ Getty Images)

Hội đàm Trump – Tập sẽ ra mắt cuối tháng Mười Một

Theo CNBC, hôm thứ Năm (11/10) giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow cho biết, Nhà Trắng đã sắp xếp Hội đàm Trump – Tập: “Sẽ có một số động thái khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng tới tại Argentina”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng sẽ không “cụ thể hóa” chủ đề đàm phán hoặc vấn đề hai nhà lãnh đạo thảo luận.

Còn Nhật báo Phố Wall (WSJ) và Washington Post đều đưa tin vào ngày 11/10 rằng, hai lãnh đạo Trump và Tập Cận Bình đã đồng ý gặp nhau vào tháng tới.

Theo tờ WSJ, gần đây chính quyền Trump đã thông báo cho Bắc Kinh rằng họ quyết định tiếp tục triển khai hội đàm thượng đỉnh, còn Bắc Kinh cũng bày tỏ hy vọng rằng hội đàm này sẽ tạo cơ hội cho hai bên giải quyết tranh chấp thương mại. Ông Trump và ông Tập có thể gặp nhau vào cuối tháng Mười Một tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thủ đô Buenos Aires của Argentina.

Đội hình của cả hai bên

Theo thông tin, về phía Mỹ, Hội đàm Trump – Tập do Bộ trưởng Tài chính Stephen Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow đề xướng, trong số nhân vật tham gia có cả cháu nội của cựu Tổng thống Nixon là Christopher Nixon.

Về phía Bắc Kinh, một trong những nhân vật quan trọng nhất là Lưu Hạc, Đặc sứ kinh tế của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thông tin chỉ ra rằng đây là một nỗ lực của cả hai bên để tránh tranh chấp thương mại leo thang. Một quan chức Trung Quốc cho biết ông Tập Cận Bình tin rằng Trung Quốc có nhiều lý do để duy trì mối quan hệ ổn định với Mỹ.

Hàng loạt áp lực của Trump

Có quan điểm cho rằng Hội đàm Trump – Tập trở lại là kết quả của một loạt áp lực mạnh mẽ từ chính quyền Trump.

Vào ngày 24/9, chính phủ Tổng thống Trump áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD (Đô la Mỹ) và đe dọa sẽ áp đặt mức thuế cao hơn nếu Trung Quốc trả đũa. Về vấn đề này, Trung Quốc đáp lại ngay trong cùng ngày với 60 tỷ USD.

Ngày 04/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có bài diễn thuyết cho biết chính sách với Trung Quốc của chính phủ Trump ngày càng cứng rắn, sẽ tấn công Bắc Kinh toàn diện, đồng thời chỉ rõ cần tách biệt giữa “Trung Quốc” và “Đảng Cộng sản Trung Quốc”, vì Trung Quốc chỉ có một đảng duy nhất nắm quyền lực.

Vào ngày 08/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Bộ Tài chính chú ý đến đồng nhân dân tệ đã giảm giá mạnh trong năm nay, hy vọng sẽ đưa vấn đề này vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung. Vào tháng Tư và tháng Mười hàng năm, Bộ Tài chính Mỹ đều xác định những quốc gia nào là “quốc gia thao túng tiền tệ”. Khi chuyện “thao túng tiền tệ” được xác nhận thì cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ sẽ mở rộng đến các khu vực rộng lớn hơn: trừng phạt tài chính, trừng phạt thị trường vốn, cuộc chiến tỷ giá hối đoái, tài sản của Trung Quốc có thể bị đóng băng, một số hàng hóa nhất định bị cấm trên thế giới và hoạt động kinh tế đối ngoại của Trung Quốc sẽ gặp rắc rối.

Vào ngày 9/10, ông Trump một lần nữa cảnh báo rằng sẽ thêm thuế quan hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD.

Vào ngày 10/10, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết rằng nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, Bắc Kinh nên sớm đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ để giải quyết các vấn đề kinh tế của họ.

Ngày 10/10, Bộ Tư pháp Mỹ công bố, Từ Diên Quân (Xu Yanjun), Phó Giám đốc Cục 6 Văn phòng An ninh Quốc gia tại tỉnh Giang Tô bị bắt tại Bỉ đã bị dẫn độ sang Mỹ. Từ Diên Quân bị cáo buộc tội đánh cắp sở hữu trí tuệ của nhiều công ty hàng không vũ trụ Mỹ. Đây là lần đầu tiên một điệp viên của Chính phủ Trung Quốc bị dẫn độ sang Mỹ để xét xử. Đã có nhiều chuyên gia gốc Hoa trong “kế hoạch 1000 người” tài năng được ĐCSTQ chiêu mộ bị bắt giữ. Trước đó, các quan chức của chính phủ Trump tiết lộ rằng họ sẽ công bố nhiều bằng chứng phơi bày hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh.

Vào ngày 10/10, chính quyền Trump đã công bố một dự án thí điểm và các quy định tạm thời để mở rộng việc đánh giá của Chính phủ đối với các công ty Mỹ có đầu tư nước ngoài. Thí điểm hạn chế đầu tư nước ngoài trong 27 ngành. Giới thạo tin cho biết rằng động thái này chủ yếu là ngăn cản Bắc Kinh mua lại công nghệ của Mỹ hoặc nâng cấp cuộc chiến thương mại.

Vào ngày 11/10, ông Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Hãng tin Fox, “Đó là một đòn mạnh mẽ, nền kinh tế của họ đã giảm đáng kể, và nếu cần thiết thì tôi có thể hành động mạnh hơn nữa.” Ông Trump cũng nói, “Tôi không muốn làm điều này, nhưng họ phải quay trở lại bàn đàm phán”. Ông cho rằng Trung Quốc muốn đàm phán, nhưng chần chừ vì muốn giữ thể diện. Ông phàn nàn rằng các tổng thống trước đây của Mỹ đã chịu đựng các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh, ông muốn nói với Bắc Kinh rằng điều tốt đẹp này không thể tiếp diễn.

Ông Trump nhấn mạnh “Những ngày tháng may mắn của Trung Quốc đã quá dài, tôi đoán họ nghĩ rằng người Mỹ là kẻ ngốc nghếch. Người Mỹ không phải là kẻ ngốc. Về phương diện thương mại trong quá khứ, chỉ là những người đứng đầu của chúng tôi quá kém.”

Về kinh tế Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức thấp nhất trong lịch sử. Trong cuộc chiến thương mại ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, vào thứ Ba (ngày 9/10) Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ giọng đối với dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và 2019. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng sụt giảm, và ông Trump cũng chỉ trích Fed vì tăng lãi suất.

Kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng hơn

Một số dữ liệu kinh tế cho thấy trong chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, Trung Quốc bị tác động nghiêm trọng hơn so với Mỹ. Trong tháng Bảy, doanh thu bán lẻ quan trọng hơn xuất khẩu của nền kinh tế Trung Quốc thấp hơn dự kiến, mức thấp nhất trong vòng gần 14 năm qua.

Trong một báo cáo của hãng tài chính Nhật Bản Nomura, các nhà kinh tế cho biết rằng nền kinh tế Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tồi tệ hơn.

Trong tháng Bảy, độ tăng trưởng trong hoạt động sản xuất tại Trung Quốc giảm xuống còn 6%, lợi nhuận của các công ty sụt giảm. Độ tăng trưởng đầu tư vào các nhà máy và tài sản cố định khác đã ở mức thấp nhất trong 19 năm.

Vào giữa tháng Tám, chỉ số chuẩn của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 25% so với mức đỉnh hồi tháng Một. Các loại cổ phiếu có mức sụt giảm mạnh nhất là bất động sản, xây dựng và các công ty khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các khoản vay của chính phủ.

Thanh Vân / Trithucvn