Moskva không tin những giọt nước mắt – Oscar cuối cùng của điện ảnh Xô Viết

Bất chấp những ngày tháng căng thẳng nhất của thời kỳ Chiến tranh lạnh giữa 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô, Liên bang Xô Viết đã từng 3 lần đoạt giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất. Trong đó, Moskva không tin những giọt nước mắt được xem là đỉnh cao quốc tế cuối cùng…

Câu chuyện xoay quanh 3 cô gái tỉnh lẻ cố tìm một cuộc sống mới đầy đủ ở Moskva. Ba người bạn, Antonina, Lyudmila và Katerina sống chung phòng trọ, cùng làm việc cùng chia sẻ buồn vui. Antonina rụt rè, bảo thủ, nhanh chóng kết hôn với một chàng trai làm việc tại trang trại và có một cuộc sống tạm ổn. Lyudmila xinh đẹp và đầy tham vọng thì xem Moskva chẳng khác trò xổ số, mà cô phải chọn chiếc vé may mắn khi kết hôn với một cầu thủ hockey chuyên nghiệp. 20 năm sau anh ta nghiện rượu và thường phải xin tiền cô. Cuộc đời của cô gái thứ ba, Katerina là câu chuyện nàng lọ lem đương đại. Có nhiều đàn ông theo đuổi, nhưng cô lại có thai với tay phóng viên bội bạc, người đã từ chối trách nhiệm làm cha. 20 năm sau, khi trở thành một giám đốc thành đạt, cô tìm tình yêu mới và thật trớ trêu khi cô gặp lại người đàn ông tệ bạc năm xưa…

Mối lương duyên giữa đạo diễn và nhà biên kịch

Cả hai đều bắt đầu vào nghề điện ảnh hầu như cùng một thời gian. Valentin Chernykh viết kịch bản đầu tiên của mình Man In His Own Place, và năm 1972 nó được đạo diễn Sakharov đưa lên màn ảnh với nam diễn viên chính Vladimir Menshov. Bộ phim tham gia LHP Alma-Ata và Menshov đã giành được giải diễn viên xuất sắc nhất. Sau đó Menshov còn xuất hiện trong cả 3 phim mà Chernykh viết kịch bản và trở nên nổi tiếng.

Khi đã có danh tiếng, Menshov dễ dàng thuyết phục được những người đứng đầu các hãng phim để thực hiện giấc mơ trở thành đạo diễn. Ngay lập tức, Menshov thành công lớn và đoạt giải quốc gia với bộ phim đầu tay Practical Joke. Tuy nhiên, bộ phim thứ hai Independent Opiniondo Chernykh viết kịch bản thì lại không thành công. Lúc ấy ở Moskva có tổ chức một cuộc thi sáng tác kịch bản. Chernykh gửi một kịch bản tham gia. Cuộc thi khá buồn tẻ, 2 giải thưởng đầu bị bỏ trống, chỉ có duy nhất giải Ba được trao cho kịch bản Moskva không tin những giọt nước mắtcủa Chernykh.

Khi viết kịch bản này, Chernykh bị một trận cúm khủng khiếp và tưởng chừng không thể qua khỏi. Để kịp tham dự cuộc thi, ông đã phải viết một cách vội vã. Nhưng có lẽ sự hối thúc một cách gấp gáp ấy đã giúp ông viết ra được nhiều tình huống quan trọng nhất của phim. Toàn bộ kịch bản được hoàn thành chỉ trong 18 ngày!

Chất liệu chính để làm nên kịch bản này xuất phát từ những người thân của Chernykh. Họ là những người chị em của mẹ ông. Chernykh phải quan sát chú ý đến từng chi tiết của 5 người với 5 tính cách khác nhau. Ông tập hợp được những câu chuyện về thế hệ người Moskva đầu tiên từ tỉnh lẻ lên, cách họ làm thế nào để bắt đầu cuộc sống và thành đạt ở đây.

Menshov rất thích kịch bản này, nhưng Chernykh lại không muốn giao cho anh bởi vẫn còn ám ảnh thất bại của bộ phim trước. Nhưng vợ của Chernykh lại rất yêu quý Menshov và tin rằng anh là một diễn viên và đạo diễn có tài. Khi Chernykh đi làm, vợ ông lén giao kịch bản cho Menshov. Thấy mọi chuyện đã lỡ, Chernykh đồng ý làm việc cùng Menshov với bộ phim này. Một quyết định miễn cưỡng, nhưng sau này Chernykh sẽ không phải hối hận.

Thử thách cam go

Ngân sách dành cho bộ phim rất hạn chế do hãng Mosfilm danh tiếng chỉ đồng ý chi khoảng nửa triệu rúp. Để bù đắp khoảng thiếu hụt này, Menshov và một vài người nữa phải chạy vạy kiếm thêm tiền ở khắp nơi. Mọi việc chi tiêu đều phải tính toán rất chi li dè sẻn.

Việc quan trọng kế tiếp là phân vai. Đầu tiên Menshov đặt vấn đề với diễn viên nổi tiếng Irina Kupchenko, Margarita Jerekhova và một số vai diễn phụ khác. Sau rất nhiều cân nhắc – trong đó nan giải nhất là kinh phí – cuối cùng Menshov quyết định chọn… vợ mình, diễn viên sân khấu Vera Alentova, thủ vai nữ chính Katerina. Thật sự ngay từ đầu, không ai trong số các ứng cử viên lại nhiệt tình với vai diễn này như… vợ của đạo diễn! Nhưng cũng phải nói là Vera gặp may do bộ phim thiếu kinh phí nên ngôi sao Irina Kupchenko từ chối đóng vai này.

Nhưng điều quan trọng cần làm là phải tìm một gương mặt nam diễn viên tầm cỡ để vào vai Gosha. Lúc ấy trên truyền hình đang chiếu bộ phim My Dear One, Menshov tình cờ xem qua và nảy ra ý định: “Tại sao lại không mời Batalov nhỉ?”. Sự có mặt của một tên tuổi lớn như Aleksey Batalov trong vai nam chính sẽ là thỏi nam châm của bộ phim. Khán giả Liên bang Xô viết từ thập niên 1950 vẫn chưa quên và rất yêu thích diễn xuất tinh tế của ông trong các bộ phim: A Big Family(1954), The Rumyantsev Case(1955), và nhất là The Cranes Are Flying(1957 – Khi đàn sếu bay qua)…

Nhưng chọn Batalov là một quyết định liều lĩnh bởi lúc ấy ông vẫn đang là một ngôi sao nổi tiếng. Kinh phí bèo bọt của bộ phim này không cho phép mời một tên tuổi lớn như vậy. Batalov đọc kịch bản xong và từ chối với lý do rất bận. Menshov rất thất vọng vì biết đó chỉ là một lời từ chối lịch sự. Ông dự tính chuyển sang mời diễn viên Tikhonov, thì một đêm nọ Batalov bất ngờ gọi lại và nói ông cần đọc lại kịch bản lần nữa. Menshov mừng thầm, và không lâu sau Aleksey Batalov đã nhận lời tham gia.

Bộ phim bấm máy vào tháng 8/1978 khi tiết trời ở Moskva bắt đầu trở lạnh, nhưng cảnh trong phim lại diễn ra vào mùa Hè, nên mọi diễn viên đều phải cởi áo khoác để diễn xuất trong nhà cũng như ngoài đường. Đoàn phim gặp khá nhiều khó khăn bởi thời tiết thay đổi lúc tốt lúc xấu liên tục, trong đó có một cảnh rất quan trọng mà đạo diễn Menshov không bao giờ quên: Cảnh ngôi sao Smoktunovsky gặp gỡ những người hâm mộ ở gần rạp chiếu phim.

Bằng uy tín cá nhân, Menshov đã thuyết phục được ngôi sao Smoktunovsky thật xuất hiện chỉ trong một cảnh duy nhất này. Cả đoàn sướng rơn bởi bộ phim cũng rất cần có hình ảnh của Smoktunovsky, lúc ấy anh đang là một thần tượng rất nổi tiếng ở Liên bang Xô viết từ thập niên 1970, đến mãi sau năm 1978, Smoktunovsky vẫn là tâm điểm của khán giả hâm mộ! Sự có mặt ngắn ngủi của anh sẽ thực sự gây ấn tượng với người xem.

Cảnh này quay vào một buổi tối nọ, nhưng trời đổ mưa tuyết nên không thể quay. Menshov lo lắng đứng ngồi không yên, rồi cuối cùng ông đành phải thương lượng lại với Smoktunovsky và 2 ngày sau anh lại đến. Cảnh quay hôm đó diễn ra giữa lúc trời trở gió mạnh, nhiệt độ xuống thấp hơn bình thường. Tất cả mọi người trong đoàn đều phải mặc áo ấm, vậy mà Smoktunovsky và các diễn viên phụ phải phong phanh vì cảnh này đang là đêm mùa Hè! Không thể muối mặt hẹn với Smoktunovsky một lần nữa vì bất cứ lý do gì, nên đạo diễn Menshov và đoàn phim phải quay thật khẩn trương bởi những cảnh này rất quan trọng với bộ phim, không thể bỏ được. Thật hú hồn khi vừa quay xong thì tuyết bắt đầu rơi.

Nói chung tuy kinh phí ít ỏi, nhưng Menshov lại may mắn có trong tay một đội ngũ làm phim chuyên nghiệp đã làm rất tốt công việc của mình, giúp bộ phim đã hoàn thành đúng kế hoạch quay trong 4 tháng thu hình. Khung cảnh của bộ phim được tái tạo lại rất đẹp thông qua trang phục, kiểu tóc, mẫu mốt, cửa hàng, khách bộ hành. Cảnh những xe điện ngầm, chuyên chở chim bồ câu hay những chú thỏ… Tất cả đều rất thực tế như chính bản thân bộ phim.

Bộ phim quan trọng cuối cùng của Liên bang Xô viết

Tháng 2/1980, bộ phim được chiếu ra mắt tại rạp Pushkinsky và được người xem hưởng ứng nồng nhiệt, bởi nó toát lên tính chân thực rất rõ nét. Hai ngày sau, cả Moskva chỉ bàn tán về nó. Các quầy vé kín đặc khán giả xếp hàng dài, mặc cho tiết trời buốt giá. Để mua được vé có khi họ phải đợi 4 tiếng đồng hồ hoặc hơn. Hàng triệu khán giả chen lấn xô đẩy để vào kín các rạp chiếu phim ở thủ đô Moskva. Cơn sốt lan nhanh và cả Liên bang Xô viết đều muốn xem phim này. Chỉ trong thời gian ngắn bộ phim đã đứng thứ nhì doanh thu mọi thời đại tại Liên bang Xô viết, chỉ xếp sau Những tên cướp biển thế kỷ 20 (1979) của đạo diễn Boris Durov.

Mọi người ồ ạt đi xem để suy ngẫm lại quá khứ mà thực tế đã từng diễn ra trong cuộc sống của họ. Xem phim cũng là dịp để hồi tưởng lại thời thanh niên, bởi những sự việc đó vẫn luôn tồn tại ở đâu đây. Đạo diễn Menshov nhớ lại: “Tất cả mọi người đều mong muốn xem bộ phim của tôi. Phải nói rằng, trong suốt cuộc đời của mình, tôi chưa bao giờ gặp được niềm hạnh phúc lớn như thế này!”.

Bộ phim quan trọng đến mức đầu thập niên 1980, tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã xem phim này vài lần, trước cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev, để tăng thêm phần hiểu biết về “Tâm hồn Nga”!

Năm 1980, bộ phim đã đoạt Giải Thưởng Lớn (Grand Priz) tại LHP quốc tế Bồ Đào Nha. Năm 1981, Vera Alentova đoạt giải Saint-Michel tại LHP quốc tế Brussels (Bỉ), và giải USSR State tại Liên bang Xô viết dành cho nữ diễn viên xuất sắc. Nhưng quan trọng hơn cả là bộ phim đã đoạt giải Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất (1980). Trong lịch sử, đây chỉ mới là lần thứ ba, và cũng là lần cuối cùng một bộ phim của Liên bang Xô viết đoạt được giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới này. Như lời nói của một sinh viên ngôn ngữ người Nga: “Đây là một bộ phim kinh điển, tôi không nghĩ rằng sau này nước Nga có thể làm được bộ phim tuyệt vời như vậy nữa”.

Theo BÁ VŨ / THỂ THAO & VĂN HÓA

10 năm sau khi tốt nghiệp, tôi nghiệm ra: Lương càng thấp, khả năng chi phối cuộc sống càng thấp. Tức là, năng lực của bạn thế nào, thế giới trong tay bạn sẽ thế ấy

10 năm sau khi tốt nghiệp, tôi nghiệm ra: Lương càng thấp, khả năng chi phối cuộc sống càng thấp. Tức là, năng lực của bạn thế nào, thế giới trong tay bạn sẽ thế ấy

Khi bạn bè thành công còn mình chẳng có gì, bạn nghĩ họ có người chống lưng, có chồng là đại gia, có nền tảng gia đình vững chắc. Thật ra không phải bạn nghi ngờ tài năng của họ, bạn chỉ đang viện lý do để an ủi con tim tan vỡ của mình.

Tôi nhớ mãi có một câu nói thế này: “Một ngày của bạn ra sao cả đời sẽ như thế.” Nhiều lúc chúng ta cứ nghĩ việc thay đổi bản thân quan trọng như thế để ngày mai hãy bắt đầu, nhưng ngày mai lại hẹn ngày mai nữa, rồi ngày này qua ngày khác lười biếng tạo cho mình một cuộc sống tầm thường vô vị.

Một ngày qua đi khoảng cách giữa những người tài giỏi trong công ty và chúng ta một xa hơn; sau mười năm khoảng cách ấy đã đủ để chúng ta xách dép chạy theo họ cũng không kịp. Bạn cho rằng thành công của họ là nhờ vào nền tảng gia đình, do nịnh bợ cấp trên hoặc nguyên nhân nào khác bạn không biết?

10 năm sau khi tốt nghiệp, tôi nghiệm ra: Lương càng thấp, khả năng chi phối cuộc sống càng thấp. Tức là, năng lực của bạn thế nào, thế giới trong tay bạn sẽ thế ấy - Ảnh 1.

1. Đố kỵ chỉ khiến bạn dậm chân tại chỗ, thậm chí tụt lùi, trong khi cuộc sống của những người bạn đố kỵ ngày càng tốt hơn. Người thông minh dành thời gian học hỏi, kẻ vô dụng chỉ biết gièm pha.

2. Không công bằng với bản thân là một loại công bằng. Kẻ mạnh luôn đề cao sự lựa chọn tự nhiên, người thích hợp mới tồn tại, chỉ có kẻ yếu mới ngày ngày kêu gào đòi công bằng.

3. Nỗ lực sẽ rất vất vả, có khi còn khiến bạn thất vọng, không nỗ lực thì nhẹ nhàng thoải mái hơn. Còn gì tuyệt vời hơn ngày ngày nằm xem ti vi cắn hạt dưa, nhưng khi người khác có được thành tựu, bạn đừng sốt ruột đấy nhé.

4. Cách tốt nhất để giải quyết mọi phiền não là không đòi hỏi quá nhiều. Thay vì bực bội khi người khác không giúp đỡ, sao bạn không cố gắng giành lấy bằng chính sức mình? Lý do gì họ phải giúp đỡ bạn?

5. Bạn không làm được không có nghĩa người khác cũng không làm được. Tầm nhìn quyết định hoài bão, nhận thức quyết định bạn có thể đi được bao xa.

6. Khởi điểm càng thấp càng phải nỗ lực. Nếu xuất phát điểm của bạn không bằng người khác, cách duy nhất để bạn vượt qua họ là nỗ lực gấp trăm gấp nghìn lần họ.

7. Lương càng cao càng ít thời gian rảnh. Người khác nhiều tiền, phong thái đĩnh đạc khiến bạn cảm thấy ngưỡng mộ, nhưng bạn có biết khi bạn nằm ườn ra giường buôn chuyện thì họ đang vất vả làm việc bên ngoài.

8. Lương càng thấp, khả năng chi phối cuộc sống càng thấp. Khách quan mà nói, năng lực của bạn thế nào, thế giới trong tay bạn sẽ thế ấy. Bạn thấy mức lương của mình quá thấp bởi bạn đang đứng ở góc độ chính bản thân mình. Nếu một ngày bạn lên làm ông chủ, nhớ lại ngày đó, bạn sẽ biết ơn ông chủ đã quá ưu ái bạn.

9. Tìm thêm ưu điểm, quên đi khuyết điểm của người khác. Học hỏi điểm mạnh của người khác sẽ giúp bạn tiến bộ từng ngày; còn chỉ nhìn vào thiếu sót của người khác, bạn sẽ trở thành một kẻ hẹp hòi.

10. Đừng coi thường những kẻ nịnh bợ, đó cũng là một loại năng lực. Nếu bạn lên làm lãnh đạo, bạn có thích nghe người khác nịnh bợ mình không? Điều bạn ghét chính là người khác có thể khiến sếp vui lòng, giúp bầu không khí vui vẻ, trong khi bạn không thể làm được điều đó.

11. Một ngày bạn sống thế nào, cả đời bạn sẽ như thế. Ngày mai mình sẽ bắt đầu đọc sách, bắt đầu học, bắt đầu dậy sớm đi làm. Những việc lên kế hoạch cho ngày mai, cả đời này khó mà thực hiện được, chi bằng bây giờ bắt tay vào làm ngay!

12. Lãnh đạo thích những người mang lại hiệu quả công việc. Điều này cũng giống như giáo viên ở trường thích học sinh giỏi vậy. Ai cũng thích những người ưu tú, không ai thích kẻ đi bằng đầu gối cả. Đừng nghĩ thế giới này không công bằng, khi bạn giỏi giang, bạn sẽ thấy đời rất công bằng.

13. Nơi làm việc nào cũng có đấu đá, bạn không chấp nhận được thì về nhà mà nằm. Đâu đâu cũng có cạm bẫy, những trò đấu đá lẫn nhau, có cố gắng cũng chẳng cách nào thay đổi được.

14. Đừng coi sếp là giáo viên chủ nhiệm, lúc nào cũng phải nhắc nhở, yêu thương, dạy dỗ bạn. Sếp không có nghĩa vụ phải dạy dỗ bạn, họ còn có gia đình, con cái cần chăm lo. Nếu bạn may mắn có được người sếp tận tình bảo ban, hãy cảm ơn họ tử tế.

15. Đừng chỉ nghĩ theo chiều hướng an ủi mình. Khi bạn bè thành công còn mình chẳng có gì, bạn nghĩ họ có người chống lưng, có chồng là đại gia, có nền tảng gia đình vững chắc. Thật ra không phải bạn nghi ngờ tài năng của họ, bạn chỉ đang viện lý do để an ủi con tim tan vỡ của mình.

16. Muốn thay đổi thế giới, trước tiên cần thay đổi chính mình. Ai cũng muốn thay đổi cả thế giới, nhưng thói hư tật xấu của mình còn không sửa được thì làm được việc gì.

10 năm sau khi tốt nghiệp, tôi nghiệm ra: Lương càng thấp, khả năng chi phối cuộc sống càng thấp. Tức là, năng lực của bạn thế nào, thế giới trong tay bạn sẽ thế ấy - Ảnh 2.

Mười sáu câu nói này tôi đã tự mình đúc kết sau những trải nghiệm của bản thân suốt mười năm qua. Mỗi điều trong đó đều nhắc nhở tôi, cho dù cuộc sống hiện giờ có thuận buồm xuôi gió, cũng đừng bao giờ ngừng nỗ lực và quên đi khó khăn đã qua.

Người thầy của tôi từng nói: “Bảy năm là cả một đời.” Bảy năm là một vòng luân hồi của đời người, đủ để thay đổi cuộc sống của bạn. Và tôi tin rằng mỗi ngày một tiến bộ thì sau mười năm cuộc đời sẽ hoàn toàn mới.

Theo H.Chanh / Trí thức trẻ

Cuộc đời bi kịch của “đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp” Kim Dung

Cuộc đời bi kịch của "đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp" Kim Dung

Thành công với những tiểu thuyết kiếm hiệp nhưng nhà văn Kim Dung lại không có được cuộc sống hôn nhân viên mãn và cả đời phải day dứt về cái chết của con trai cả.

Kim Dung (6/2/1924-30/10/2018), tên thật là Tra Lương Dung, là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Từ năm 1955 đến 1972, ông đã viết tổng cộng 15 cuốn tiểu thuyết võ hiệp. Hơn 3 triệu bản in của những bộ truyện đó đã khiến ông được xem là Đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp Trung Quốc.

Trong bảng xếp hạng những tác phẩm sách có ảnh hưởng nhất với nền kinh tế, xã hội, chính trị và hệ tư tưởng Trung Quốc trong 40 năm qua, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung xếp thứ 7. Từ lâu, cái tên Kim Dung đã quá quen thuộc với những người mê tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc. Tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm kinh điển như Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệp, Thiên long bát bộ hay Lộc đỉnh ký… Không chỉ là những cuốn tiểu thuyết gối đầu giường, các tác phẩm này còn được chuyển thể thành phim, game và đều đạt thành công vang dội.

Sự nghiệp thành công vang dội nhưng cuộc đời của đệ nhất  tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung lại đầy bi kịch  - Ảnh 1.

Nhà văn Kim Dung chụp chung “Tiểu Long Nữ” (Lưu Diệc Phi) và “Dương Quá” (Huỳnh Hiểu Minh).

Năm 1959, ông cùng người vợ thứ 2 thành lập tờ Minh báo. Sau vài chục năm, Minh Báo trở thành một trong ba tờ báo hàng đầu Hong Kong.

Sự nghiệp lừng lẫy nhưng cuộc sống riêng tư của đại nhà văn Kim Dung lại không mấy yên ả. Trong cuộc đời, ông có hai sự tiếc nuối: đó là cái chết của con trai lớn – Tra Truyền Hiệp và sự dứt tình với người vợ thứ hai – Chu Mai.

Hôn nhân không trọn vẹn với 3 lần đò

Người vợ đầu tiên của tiểu thuyết gia Kim Dung là Đỗ Dã Phần. Năm 1947, Kim Dung làm việc tại tòa soạn báo ở Thượng Hải và quen biết Đỗ Dã Thu, vốn là độc giả của tờ báo mà Kim Dung đang làm việc.

Khi đến nhà bạn chơi, Kim Dung đã phải lòng chị gái của bạn là Đỗ Dã Phần. Họ cưới nhau vào năm 1948 và chuyển tới Hong Kong sinh sống. Tại Hong Kong, Kim Dung quá bận rộn công việc, không có thời gian chăm sóc vợ, cùng với cuộc sống khó khăn đã khiến Đỗ Dã Phần bỏ về nhà cha mẹ đẻ. Đến năm 1951, hai người ly hôn. Sau này, mỗi khi nhắc lại cuộc hôn nhân ngắn ngủi này, Kim Dung cho rằng người vợ đầu tiên đã phản bội ông.

Sự nghiệp thành công vang dội nhưng cuộc đời của đệ nhất  tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung lại đầy bi kịch  - Ảnh 2.

Nhà văn Kim Dung và người vợ đầu Đỗ Dã Phần.

Cuộc hôn nhân thứ 2 với Chu Mai – người đã sinh cho Kim Dung 4 người con là mối tình “khắc cốt ghi tâm” nhất. Hai người kết hôn năm 1953 tại Hong Kong. Chu Mai là một phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang và thành thạo ngoại ngữ nên bà đã hỗ trợ chồng rất nhiều trong sự nghiệp.

Năm 1959, Kim Dung và vợ cùng sáng lập tờ Minh Báo. Kim Dung là Tổng biên tập còn Chu Mai là phóng viên duy nhất. Bà vừa là trợ thủ của chồng trong công việc, vừa đảm nhận vai trò làm vợ, làm mẹ.

Kể lại quãng thời gian này, Kim Dung từng nói đó là thời gian hạnh phúc nhất dù cuộc sống thiếu thốn đến mức một ly cà phê hai vợ chồng phải uống chung.

Năm 1970, sự nghiệp của Kim Dung khởi sắc. Ông hoàn thành 14 cuốn tiểu thuyết dài và vừa, Minh Báo phát triển thành tờ báo bán chạy nhất Hong Kong. Nhưng cũng từ đây hôn nhân của ông bắt đầu rạn nứt do những mâu thuẫn trong tính cách và cuộc sống.

Cùng lúc đó, Chu Mai phát hiện ra Kim Dung đang say đắm nữ minh tinh Hạ Mộng và một người phụ nữ khác. Năm 1976, Chu Mai yêu cầu ly hôn với 2 yêu cầu: một là bồi thường vật chất cho bà, hai là không được sinh thêm con và được Kim Dung chấp thuận.

Sau ly hôn, Chu Mai sống cuộc sống nghèo khó và cô độc bủa vây. Sau này khi gặp lại, Kim Dung đã đề nghị Chu Mai về chung sống với gia đình ông nhưng bà từ chối. Bà qua đời tháng 11/1998 tại bệnh viện. Đến lúc lìa đời, bà chỉ có một mình, không chồng, không con. Khi 90 tuổi, nói về Chu Mai trong một cuộc phỏng vấn Kim Dung đã bật khóc. Đó là niềm ân hận, day dứt nhất trong cuộc đời của ông.

Người vợ thứ 3 của tiểu thuyết gia là Lâm Nhạc Di, kém ông 29 tuổi. Hai người quen biết khi Kim Dung đi uống rượu giải sầu, còn Nhạc Di là nhân viên trong quán. Hai người trò chuyện hợp ý và dần trở nên thân thiết và trở thành vợ chồng. Trong những lần ít ỏi xuất hiện trước truyền thông, cặp vợ chồng lệch tuổi tỏ ra rất tình cảm và có nhiều cử chỉ thân mật với nhau.

Sự nghiệp thành công vang dội nhưng cuộc đời của đệ nhất  tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung lại đầy bi kịch  - Ảnh 3.

Nhà văn Kim Dung và người vợ thứ 3, Lâm Nhạc Di.

Dằn vặt về cái chết của con trai cả

Kim Dung có 4 người con (2 nam, 2 nữ), tất cả đều là con của người vợ thứ 2, Chu Mai. Trong 4 người con, chỉ có con trưởng Tra Truyền Hiệp là thừa hưởng tài năng văn chương của Kim Dung. Đáng tiếc, anh lại qua đời từ khi còn rất trẻ.

Sự nghiệp thành công vang dội nhưng cuộc đời của đệ nhất  tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung lại đầy bi kịch  - Ảnh 4.

Con trai trưởng Tra Truyền Hiệp của Kim Dung được gọi là “thần đồng văn học”.

Từ khi còn rất nhỏ, Tra Truyền Hiệp đã bộc lộ tài năng hơn người trong lĩnh vực văn chương. Năm 4 tuổi, Truyền Hiệp đã thuộc Tam Tự Kinh, 6 tuổi đọc thơ lưu loát, 11 tuổi có tác phẩm đầu tay “Cuộc đời ta là vì cái gì”…

Kim Dung rất tự hào về con trai. Ông đánh giá Truyền Hiệp có suy nghĩ tưởng thành, chín chắn, tư tưởng thông tuệ hơn các bạn đồng lứa khác. Mặc dù vậy, nhiều người nhận xét rằng, văn phong của Truyền Hiệp có vẻ quá u uất so với lứa tuổi, điều đó có thể cho thấy cuộc sống của cậu bé đang có nhiều áp lực.

Năm 1976, Tra Truyền Hiệp thắt cổ tự tử tại Mỹ khi mới 19 tuổi, đang học Đại học Columbia. Theo nguồn tin, chàng trai trẻ tuổi tìm đến cái chết sau khi cãi nhau với bạn gái. Tuy nhiên, nhiều người khác lại cho rằng, Truyền Hiệp quá sốc trước tin cha mẹ muốn ly hôn. Cùng với tác động tâm lý từ chuyện tình cảm nên đã làm việc dại dột.

Cái chết của người con trai yêu quý thực sự là một đòn giáng tinh thần đau đớn với Kim Dung. Ông đã khóc như một đứa trẻ lúc nhận được tin dữ, theo Chinanews năm 2004.

Từ sau cái chết của con trai, Kim Dung dường như tìm đến Phật giáo để kiếm sự thanh thản trong tâm hồn. Các tác phẩm sau này của ông cũng đều có các yếu tố Phật giáo. Năm 1991, ông đã bán lại tòa soạn Minh Báo cho Vu Phẩm Hải chỉ vì người này có những nét giống con trai đã mất của ông.

Minh An / Theo Thời đại/Tổng hợp

Hà Nội mở rộng sân bay Nội Bài lên 100 triệu khách/năm

Hà Nội mở rộng sân bay Nội Bài lên 100 triệu khách/năm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án mở rộng và điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, khắc phục tình trạng quá tải hiện nay.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện đã khai thác vượt quá công suất thiết kế của các nhà ga, năm 2018 đã xuất hiện tình trạng quá tải; một số công trình (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ) đã xuất hiện hư hỏng, xuống cấp, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ dẫn đến bị động, tình trạng hư hỏng sẽ trầm trọng hơn.

Để bảo đảm mục tiêu phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ động làm việc với các tổ chức tư vấn có năng lực rà soát quy hoạch phát triển của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trước mắt, rà soát Quy hoạch khu vực phía Bắc để nâng quy mô công suất khai thác đạt 50 triệu hành khách/năm; đồng thời, nghiên cứu phát triển về phía Nam, bảo đảm đến năm 2050 đạt 80 – 100 triệu hành khách/năm.

Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Pháp theo đúng quy định để nghiên cứu phương án mở rộng và điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quản lý quỹ đất cho đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo tầm nhìn Quy hoạch đến năm 2050, dự kiến phương án giải phóng mặt bằng, quỹ đất tái định cư; đồng thời, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu Quy hoạch đô thị sân bay, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Bộ Giao thông vận tải chủ động đề xuất nguồn vốn và chỉ đạo thực hiện, khắc phục ngay các vị trí hư hỏng tại khu bay Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đồng thời, chuẩn bị triển khai thực hiện đầu tư giai đoạn 2 Dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lan Nhi / Theo Trí thức trẻ

THỬ TÌM HIỂU TẦNG LỚP TRÍ THỨC VIỆT NAM

Hoàng Dũng: Đây là bài viết công bố từ năm 2010 của Chu Hảo. Vụ kỷ luật anh làm cho câu cuối cùng trong bài viết có một ý vị đặc biệt: “Không có tự do ngôn luận thì những người “có học” chỉ có thể là những người lao động trí óc (thậm chí rất giỏi) nhưng không thể trở thành một tầng lớp trí thức mà các xã hội văn minh coi là tinh hoa”.
Chu Hảo

I. Trí thức và tầng lớp trí thức

Ở nước ta hiện nay có một số khá đông người được xã hội, hoặc tự mình, coi là trí thức. Nhưng “thế nào là một trí thức?” thì hình như chưa bao giờ được cắt nghĩa một cách rõ ràng. Có thể đã có nhiều cá nhân trí thức, nhưng những con người đơn lẻ ấy đã quy tụ lại (chủ yếu là thông qua diễn đàn, dư luận) thành một giai tầng của xã hội như là tầng lớp trí thức chưa? Đặc điểm, tính cách của trí thức Việt Nam là gì? Vai trò và trách nhiệm của trí thức trước vận mệnh của dân tộc ta trong thời đại mới – thời đại kinh tế tri thức, thời đại hội nhập toàn cầu, là như thế nào?

Mỗi câu hỏi trên đây đều đặt ra một vấn đề thảo luận rất nghiêm túc và lý thú, có ý nghĩa quan trọng đối với việc huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong quá trình đổi mới – hội nhập – phát triển. Để đi đến đồng thuận chắc cần phải có thời gian. Ở đây chúng tôi chỉ xin đặt vấn đề và gợi mở, mong các bạn đọc cùng chia sẻ.
Ai là trí thức? Đã từ lâu, ở nước ta tồn tại một khái niệm đơn giản: Những người lao động trí óc là trí thức, chỉ cốt để phân biệt với những người lao động chân tay như công nhân và nông dân. Một quan niệm bớt đơn giản hơn một chút thì cho rằng hễ có trình độ học vấn từ cấp cao đẳng, đại học trở lên là trí thức. Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc viết năm 1947 Hồ Chủ tịch đã dùng định nghĩa này. Theo chỗ tôi hiểu thì Người đã cố tình giải thích khái niệm này (cũng như một số khái niệm khác) một cách hết sức đơn giản, dễ hiểu, thích hợp với trình độ dân trí của nước ta thời đó. Ngày nay, chúng ta không nên quá câu nệ vào việc giữ nguyên định nghĩa này của Bác Hồ.
Thật ra ngay từ khi từ “tầng lớp trí thức” (intelligentsia) xuất hiện lần đầu tiên ở Nga vào nửa đầu thế kỷ 19, và sau đó là từ “người trí thức” (intellectuel) xuất hiện ở Pháp sau công xã Paris (1871), đã mang một ý nghĩa khá rõ ràng: đó là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị – xã hội nóng bỏng của thời cuộc. Cũng trong tinh thần cách mạng ấy Karl Marx đã coi trí thức là những người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội nên họ phải là những người: “phê bình không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”. Cần phải hiểu rằng ở đây Marx chỉ muốn nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của người trí thức. “Những gì đang hiện hữu” là những bất cập của các chính sách xã hội hiện hành, chứ không thể là những chính sách hợp lý, tiến bộ. Người trí thức có năng lực phê phán và có tầm nhìn xa nên thường hay tỏ sự bất bình trước sự trì trệ và bất hợp lý một cách công khai và thẳng thắn.
Với những hiểu biết trên đây, chúng ta có thể suy ra rằng tầng lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau: 1) Tiếp thu và truyền bá tri thức khoa học & công nghệ hoặc văn hóa & nghệ thuật; 2) Sáng tạo các giá trị mới của tri thức khoa học & công nghệ hoặc văn hóa & nghệ thuật; 3) Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội; 4) Dự báo và định hướng dư luận xã hội.
Trong đó, hai điểm đầu tiên là chung cho những người lao động trí óc. Còn hai điểm sau chủ yếu là riêng cho tầng lớp trí thức.
Quan niệm về trí thức trên đây là phổ quát đến với các xã hội văn minh cận, hiện đại. Riêng ở nước ta, từ khi có lịch sử thành văn cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quan niệm này có lẽ chỉ thích hợp trong một giai đoạn phát triển ngắn ngủi, từ đầu đến giữa thế kỷ 20, khi xuất hiện tình huống giới trí thức mới (dùng chữ quốc ngữ) có cơ hội trở thành một tầng lớp xã hội khá độc lập với chính quyền về hoạt động nghề nghiệp và chính kiến. Ngoài giai đoạn này, chúng tôi e rằng chưa bao giờ ở nước ta thực sự có một tầng lớp trí thức như cách hiểu thông thường của thế giới.
Thường ở ta, trí thức được gán một cách không đúng cho những người gọi là “có học”, chỉ xuất hiện ở xã hội Việt Nam ở buổi đầu công nguyên từ khi nhà Hán du nhập Nho giáo vào Việt Nam với mục đích giáo hóa và đào tạo quan lại bản xứ. Sau khi giành được độc lập vào năm 939, các triều đại phong kiến ngày càng tôn sùng Nho giáo; và đến đời nhà Trần (thế kỷ 13) thì Nho giáo đã được coi là hệ tư tưởng chính thống cho đến hết các triều Nguyễn (đầu thế kỷ 20). Suốt gần một nghìn năm ấy chỉ có một thứ được dạy và được học (một cách có hệ thống) là Nho giáo (khác với sự chuyên biệt hạn hẹp của Phật giáo và Đạo giáo). Các Nho sĩ sau khi đỗ đạt sẽ được bổ nhiệm làm các quan lớn, nhỏ trong hệ thống cai trị của Nhà nước phong kiến. Các Nho sĩ thi trượt thì trở lại làng quê vừa dạy “chữ thánh hiền” như một kế sinh nhai, vừa “dùi mài kinh sử” đợi kỳ thi sau, đợi được đi làm quan để “cả họ được nhờ”!
Cái cơ hội “đổi đời” dường như duy nhất ấy đã tạo ra, một mặt là cái mà chúng ta vẫn thường tự ca ngợi là truyền thống hiếu học của dân ta, mặt khác, quan trọng hơn đã tạo nên sự lệ thuộc đến nô dịch của những người “có học” vào Nhà nước phong kiến. Và do đó, có thể nói rằng dưới các triều đại phong kiến ở nước ta chưa bao giờ tồn tại một tầng lớp trí thức theo cách hiểu đúng đắn của từ này. Các sĩ phu là những người “có học” có danh tiếng của các thời đại phong kiến, do vậy hầu hết cũng chỉ là các “quan văn” mang sứ mệnh “phò chính thống” mà thôi – họ không hẳn là người trí thức, hoặc tầng lớp trí thức, như cách hiểu thông thường.
Đến giữa thế kỷ 19 cùng với sự suy đồi của triều Nguyễn, sự xâm lược của thực dân Pháp và bước đầu tiếp cận với nền văn minh công nghiệp phương tây, tầng lớp Nho sĩ ở nước ta đã phân hóa sâu sắc và xuất hiện những nhóm sĩ phu tiến bộ có đầu óc canh tân – tiền thân của nhóm trí thức đầu tiên của nước ta nửa đầu thế kỷ 20. Những nhân vật điển hình có thể kể đến là Vũ Tông Phan (1800-1851, cùng với Hội Hướng thiện); Nguyễn Trường Tộ (1828-1871); Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895); Nguyễn Tư Giản (1823-1890); Phạm Phú Thứ (1820- 1883), v.v. Đó chính là những sĩ phu có đầu óc canh tân đầu tiên trong lịch sử nước ta, đặt nền móng cho cuộc vận động giải phóng dân tộc vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 dù là theo đường lối bạo lực, như các phong trào Cần Vương (Phan Đình Phùng, 1844-1895), và Đông Du (Phan Bội Châu, 1867-1940); hay chủ trương tiến hành một cuộc cách mạng văn hóa – giáo dục như phong trào Duy Tân (Phan Châu Trinh, 1872-1920), và Đông Kinh nghĩa thục (Lương Văn Can, 1854-1927).
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, cùng với sự tàn lụi của chế độ phong kiến và sự thiết lập chế độ của thực dân, ảnh hưởng của tư tưởng Dân chủ tư sản và khoa học – kỹ thuật phương Tây đã tràn vào xã hội Việt Nam thông qua Nhật Bản và Trung Hoa. Trong bối cảnh đó phong trào Duy Tân và Đông Kinh nghĩa thục đã quy tụ được một tầng lớp sĩ phu trí thức bao gồm các nho sĩ cách tân (Huỳnh Thúc Kháng, 1876-1947; Trần Quý Cáp, 1870- 1908; Đào Nguyên Phổ, 1861-1907, v.v.), và các trí thức mới dùng quốc ngữ và tiếng Pháp (Trương Vĩnh Ký, 1837-1898; Phan Khôi, 1887- 1960; Nguyễn Văn Vĩnh, 1882-1936; Phạm Quỳnh, 1892-1945; Nguyễn Văn Tố, 1889-1947, v.v.). Đây chính là tầng lớp trí thức đầu tiên của nước ta.
Hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra cho một số người điều kiện có chỗ đứng khá độc lập với chính quyền, có thể sống bằng nghề lao động trí óc của mình chứ không nhất thiết phải ra “làm quan”, và tiếng nói của họ càng ngày càng có uy tín trong xã hội. Họ phần đông là người hành nghề tự do như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thầy giáo, nhà báo, nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ, và nghệ sĩ… Những phần tử ưu tú trong số đó chính là tầng lớp trí thức mới, và nhiều người đã đóng vai trò nòng cốt trong các tổ chức văn hóa hoạt động công khai. Đó là các hội, chẳng hạn Trí Tri, Khai trí Tiến đức, Truyền bá Quốc ngữ và Tự lực Văn đoàn, v.v. Là các báo hoặc tạp chí, chẳng hạn Đông Dương, Nam Phong, Tiếng Dân, Tri Tân, Thanh Nghị, Khoa học, v.v. Tình trạng này đã tiếp diễn cho đến năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được tầng lớp trí thức ấy tham gia vào chính quyền cách mạng non trẻ của mình. Những nhân vật tiêu biểu như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phạm Khắc Hoè, Vũ Đình Hòe… (xuất thân từ các sĩ phu Nho học); Tạ Quang Bửu, Trần Đăng Khoa, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Xiển, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên…. (xuất thân từ tầng lớp trí thức “Tây học”) đã và sẽ luôn là tấm guơng mẫu mực về phẩm tính cao quý của người tri thức.
Tiếc rằng từ đầu những năm 50 của đầu thế kỷ trước, ngay khi còn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tầng lớp trí thức của chúng ta với những nhân cách văn hoá đẹp đẽ ấy, lại rơi vào một thời kỳ phát triển đặc biệt mà chắc còn cần phải tốn nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu một cách nghiêm túc sự tồn tại và vai trò của họ trong xã hội. Thời kỳ phát triển đặc biệt này có thể phân kỳ thành ba giai đoạn 1945-1950 là thời kỳ cách mạng và kháng chiến nhưng hết sức “lãng mạn” của tầng lớp trí thức yêu nước, 1950-1965 là thời kỳ du nhập một cách hoàn chỉnh ý thức hệ đấu tranh giai cấp và phương pháp tư tưởng Maoist vào Việt Nam, qua các phong trào chính huấn tư tưởng, cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, phê phán Nhân văn Giai phẩm và chống “xét lại”; 1965-1975 là thời chiến mọi nhu cầu tinh thần và các giá trị văn hóa đều hướng vào mục tiêu giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước; 1976-1986 là thời kỳ quan liêu bao cấp, đặc biệt là về mặt tư tưởng; 1986 cho đến nay là thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Mỗi giai đoạn trên đây đều có hoàn cảnh chính trị – kinh tế – xã hội khá đặc biệt đối với sinh hoạt tinh thần – tư tưởng của tầng lớp có học.
Sau giai đoạn giao thời 1945-1950, có lẽ tầng lớp trí thức trước cách mạng đã không tồn tại nữa. Từ năm 1950 trở đi tầng lớp có học ngày càng đông; các cá nhân trí thức thì lúc nào cũng tồn tại, có lúc hết sức hiếm hoi như giai đoạn 1950-1965; nhưng tầng lớp trí thức thì không tồn tại, ít nhất là cho đến trước đổi mới (1986). Từ năm 1986 đến nay tầng lớp có học có bằng cấp cao ngày càng đông nhưng phẩm tính trí thức thì chỉ thấy ở những cá nhân lẻ tẻ. Những cá nhân này ngày càng đông cùng với quá trình mở rộng dân chủ trong sinh hoạt xã hội, nhưng điều kiện để cho họ tự liên kết lại thành một tầng lớp có vị trí xác định trong xã hội dân sự thì chưa đủ.
Cần phải có những nghiên cứu nghiêm chỉnh về tầng lớp “có học” từ sau Cách mạng tháng Tám cho đến nay để có được bức tranh hoàn chỉnh về trí thức Việt Nam từ khi có độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Muốn vậy ngoài việc thống kê đầy đủ sự biến động về số lượng và tính chất hoạt động của những người có học vấn nói chung, cần phải nghiên cứu hồ sơ của những trí thức tiêu biểu qua từng thời kỳ. Hồ sơ của những người như: Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Nguyễn Đình Thi… cũng như của Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường… sẽ nói lên được rất nhiều điều đáng quan tâm.
Vì chưa có điều kiện tìm hiểu một cách có hệ thống nên ở đây chúng tôi đã không đề cập đến tầng lớp trí thức (hoặc “có học”) ở miền Nam trong giai đoạn 1954 – 1975.

II. Phẩm tính “trí thức” Việt Nam

Đã là trí thức thì ở nước nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, đều có tính cách chung là: Tôn thờ lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ; Độc lập tư duy; Hoài nghi lành mạnh; và Tự do sáng tạo. Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có tính cách riêng, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc cũng có bản sắc riêng. Chúng ta thường nghe nói: trí thức Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí thức Nga sâu sắc đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã, v.v. Vậy trí thức Việt Nam có đặc điểm gì? Chúng ta đã từng nghe nói đến tính cách “phò chính thống”; và tính cách “quan văn”, tựu chung lại là tính “thích được chính quyền sử dụng”. Có nhiều người nói là tính cách “tuỳ thời”, nghe có vẻ dễ chịu hơn chữ “cơ hội” hay là “hèn” mà một số bạn đồng nghiệp của chúng ta không ngại ngần khẳng định. Nguyên cớ gì mà phải “hèn”? Đã “hèn” làm sao có nhân cách? Thiếu nhân cách liệu có xứng đáng là trí thức? Nhiều ý kiến cho rằng bi kịch của giới “trí thức” Việt Nam chính là ở chỗ này!
Nhưng như vậy có lẽ chưa được công bằng cho lắm! Bởi lẽ, còn có một thực tế khác nữa cần phải xem xét. Đó là tính cách uyển chuyển, kết hợp “hành” và “tàng” của sĩ phu – trí thức nước nhà. Điều kiện cho phép thì bung ra hoạt động; lúc khó khăn thì tạm ẩn dật chờ thời, có khi “tàng” ngay trong lòng cường quyền với tâm trạng “cấp lưu, dũng thoái” (trước dòng nước xiết, can đảm thoái lui). Thế nhưng ranh giới giữa thái độ đúng đắn này với cái sự hèn thật là mong manh; chỉ “ ự mình, mình biết cho mình” chứ khó lòng mà phán xét từ phía ngoài. Vậy thực sự trí thức Việt Nam có phẩm tính gì?
Phẩm tính cao quý nhất của người trí thức là Tôn thờ lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ, không bị gò bó bởi ý thức hệ, dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, không khuất phục trước uy quyền và không bị tha hóa bởi danh lợi. Nếu trong một xã hội có nhiều người có học vấn cao đồng thời có những phẩm tính như vậy lại liên kết được với nhau (chủ yếu bằng diễn đàn và giao lưu tư tưởng chứ không phải bằng các hội đoàn) thành một tầng lớp, thì đấy là một xã hội dân sự lành mạnh, có nhiều tiềm năng phát triển.
Tạm gác sang một bên khái niệm “tầng lớp trí thức” như cần được làm rõ ở mục I., chúng ta hãy xem xét tầng lớp những người “có học” trong giai đoạn hiện nay phù hợp với đối tượng điều chỉnh của NQTW7 khóa 10, mà từ những năm 60 thế kỷ trước được Đảng và Nhà nước coi là “tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa”. Trước Cách mạng tháng Tám, tầng lớp “có học”, như được xã hội đương thời công nhận, có thể bao gồm những người có học vấn từ trung học, thậm chí tiểu học, trở lên. Ngày nay, những người có bằng cấp từ đại học, cao đẳng trở lên, được coi là tầng lớp “trí thức”. Con số này vào khoảng 2,6 triệu. Trong đó có bằng Tiến sĩ khoảng 16 nghìn, Thạc sĩ 20 nghìn, Giáo sư khoảng 1, 2 nghìn và Phó Giáo sư khoảng 7 nghìn. Lực lượng này nằm đông nhất là trong các cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước, sau đó là ở các trường học, bệnh viện, các lực lượng quân đội an ninh, và doanh nghiệp. Lực lượng này cũng được tập hợp trong một số Hội hoặc Liên hiệp hội như: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam…
Những nét đặc trưng của “tầng lớp trí thức XHCN” này là gì? Ngoài những đặc tính được Đảng và Nhà nước và phần nào là xã hội thừa nhận là ưu điểm, là tích cực như: Yêu Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội; Trung thành với Đảng và Nhân dân; Cần cù, thông minh, sáng tạo; Không ngại khó khăn gian khổ… thì những tiêu cực không thể phủ nhận được là hết sức điển hình. Đó là:
1. Hời hợt trong tư duy và thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu.
2. Tính cơ hội, thực dụng và vụ lợi trong hành xử.
3. Ưa thành tích và chấp nhận sự giả dối một cách dễ dàng.
4. Thiếu tinh thần hợp tác và ít lòng vị tha.
Tất cả những mặt tiêu cực điển hình của tầng lớp có học nói trên đều xuất phát từ một nguyên nhân chính là sự mất dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng, trước hết trong nội bộ Đảng, rồi từ đó trong toàn xã hội. Sự mất dân chủ này đã bắt đầu từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, sau chiến dịch Biên giới, khi ý thức hệ đấu tranh giai cấp và phương pháp tư tưởng Mao Trạch Đông, tràn vào Việt Nam theo con đường chính thống, được một bộ phận chủ chốt của Đảng tiếp thu và áp dụng một cách rốt ráo cho đến tận trước Đại hội VI.
Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, phát huy dân chủ và tự do tư tưởng đã được Đảng đề xướng (qua chủ trương “cởi trói” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) và được toàn dân hân hoan đón nhận, nhất là tầng lớp “có học”, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ “được cởi trói”. Nhưng tiếc rằng chỉ ít năm sau đó không khí dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng dần dần bị loãng hẳn đi cho đến trước Đại hội 10. Khi Đảng chủ trương lấy ý kiến của quần chúng đóng góp cho văn kiện Đại hội 10, bầu không khí dân chủ lại đuợc thổi vào một luồng sinh khí mới từ nhân dân. Tiếc rằng ngay sau Đại hội 10 cho đến nay, càng ngày càng có những biểu hiện đáng lo ngại về thực chất của nền dân chủ của chúng ta. Điều này được thể hiện khá rõ trong việc quản lý các hoạt động báo chí và xuất bản gần đây.
Báo chí và xuất bản là mặt tiền, là thước đo của mỗi nền dân chủ. Chúng ta muốn xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản dân chủ và công bằng. Sách và báo chí còn là vật mang, là phương tiện trường tồn của các nền văn hóa. Chúng ta muốn có một nền văn hóa tiên tiến, thấm đượm bản sắc dân tộc thì một lần nữa, trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản tiên tiến và nhân bản. Những nhiệm vụ nặng nề ấy không phải của riêng ai mà của tất cả: Nhà nước, cộng đồng người viết và cộng đồng người đọc.

III. Quan điểm, định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng tầng lớp trí thức ở Việt Nam

1. Các bài học lịch sử

Khẩu hiệu “Trí, phú, địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ ”, nghe nói có từ thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhưng hình như không có văn bản nào chứng tỏ đó là chủ trương chính thức của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên sau Cách mạng tháng Tám, nhất là sau Đại hội lần thứ 2, nói chung khẩu hiệu này đã được thực hiện ở các mức độ khác nhau, trừ một số trường hợp được chính phủ Cụ Hồ trọng dụng, nâng đỡ ngay từ đầu hoặc có hoàn cảnh đặc biệt mà cách mạng không thể bỏ qua. Cùng với thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chúng ta đã trả giá đến tận ngày nay cho thái độ kỳ thị của cách mạng đối với các tầng lớp trí thức, công thương gia và địa chủ.

Thái độ kỳ thị này cũng giống hệt như thái độ của những người cộng sản Nga từ sau Cách mạng tháng 10 đối với tầng lớp trí thức của nước họ. Ngay sau Cách mạng tháng 10, hàng ngàn gia đình trí thức Nga đã buộc phải lưu vong ra nước ngoài. Số còn lại hầu hết đã trở thành đối tượng của cách mạng và dần dần không còn tồn tại như một tầng lớp xã hội nữa: Số muốn giữ nhân cách trí thức thì bị đàn áp không những về mặt tư tưởng mà thậm chí bị tù tội ở các khu cải tạo; số khác tự đánh mất mình bằng thái độ “trùm chăn” hoặc cơ hội chính trị. Trong cuốn sách Về trí thức Nga (ở mục Tài liệu tham khảo) các tác giả cũng phân tích khá sâu sắc sự hình thành về phẩm chất và thái độ chính trị của tầng lớp có học (mà có người gọi là “trí thức nửa mùa”) trong suốt thời kỳ Xô Viết cũ. Họ chỉ ra rằng nhà nước Xô Viết cũ đã thực hiện chính sách “cào bằng giá trị” và “đồng nhất xã hội” để không còn tồn tại tầng lớp tinh hoa – tầng lớp trí thức không đáng tin cậy dưới con mắt của tầng lớp lãnh đạo. Một số nhỏ cá nhân trí thức tiêu biểu đã chỉ được sử dụng như những bông hoa làm cảnh cho chế độ mà thôi!
Tình trạng này không khác mấy so với các biến cố đã xảy ra ở Trung Quốc đối với tầng lớp trí thức, nhất là trong cuộc cách mạng văn hóa hồi những năm 60 và cuộc vận động dân chủ hồi cuối những năm 80. Tầng lớp trí thức ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu cũng như vậy, cũng hầu như tan rã sau những biến cố thăng trầm.
Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao tất cả các nước theo xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của các Đảng Cộng sản đều có một kết cục như nhau đối với tầng lớp trí thức như vậy? Câu trả lời có thể là: Vì trong tất cả các nước ấy đã không thực sự có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng. Tình trạng đó đã bắt đầu từ khi Lenin áp dụng nguyên tắc Tập trung Dân chủ trong Đảng Cộng sản Nga trước và sau Cách mạng tháng 10 và trở thành truyền thống của các Đảng Cộng sản. Thay vì Dân chủ Tập trung, tức là trước hết phải thực hành Dân chủ, tôn trọng các ý kiến khác nhau kể cả khi tuân theo nguyên tắc: thiểu số phục tùng đa số, cấp dưói phục tùng cấp trên, v.v. các Đảng Cộng sản đã áp dụng nguyên tắc Tập trung là chủ yếu, Dân chủ chỉ là thêm vào. Sau khi nắm chính quyền, nguyên tắc Tập trung Dân chủ sai lầm này lại được áp dụng trong toàn bộ máy Nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội.
Cơ chế mất dân chủ này đã xiết chặt cái “vòng kim cô” mất lập trường giai cấp và chệch hướng XHCN lên toàn bộ sinh hoạt tinh thần – tư tưởng trong nội bộ Đảng và toàn xã hội ở tất cả các nước đã áp dụng mô hình chủ nghĩa theo kiểu Xô Viết.
Cơ chế mất dân chủ với cái “vòng kim cô” ấy đã kìm hãm sự phát triển của đất nước ta đặc biệt từ khi giải phóng miền Nam: Đất nước đã thống nhất, nhưng lòng dân vẫn chưa quy tụ về một mối, khối đại đoàn kết dân tộc không được như chúng ta mong muốn, nhiều khi không có sự đồng thuận xã hội trong những vấn đề quan trọng của đất nước.
2. Quan điểm và định hướng
Trong quan điểm và định hướng nhất thiết chúng ta phải khẳng định rằng: Cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho tầng lớp trí thức thực thụ được hình thành và phát triển như Nghị quyết của Trung ương Đảng về Xây dựng đội ngũ trí thức đã nêu rõ. Muốn vậy, điều cốt lõi là phải thực hành nghiêm chỉnh chế độ dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng.
Phát huy dân chủ phải được đặt trên nền tảng mục đích chung của dân tộc là xây dựng một quốc gia “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Mục đích chung ấy là quyền lợi của dân tộc, phải được đặt lên trên hết, trên mọi chủ thuyết, mọi ý thức hệ và mọi lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau.
Dân chủ không phải là sản phẩm chỉ của phương Tây (dù là Hy Lạp cổ đại hay Tây Âu và Bắc Mỹ hiện đại) mà là sản phẩm của cả nhân loại, trong đó có phương Đông. Phật giáo hết sức đề cao Đối thoại và Khoan dung, là cốt lõi sâu xa của Dân chủ. Dân chủ là một chế độ, trong đó mọi công dân thực có quyền được nhận xét, phê phán và chất vấn trực tiếp các cấp lãnh đạo (ở nước ta là của Đảng và của Nhà nước). Đúng như lời của Nelson Mandela nói: “Bất cứ ai muốn phát biểu có thể được nói. Đó là Dân chủ trong hình thức thuần tuý nhất. Có thể không tránh khỏi tình trạng dẳng cấp giữa vị trí quan trọng của người này với người kia, nhưng dù là lãnh tụ hay dân thường, tướng tá hay thày thuốc, buôn bán hay nông dân, đại chủ hay tá điền, người nào cũng được nói… chính đó là nền tảng của Dân chủ: Tất cả mọi người đều được tự do phát biểu ý kiến của mình và tất cả đều bình đẳng như là công dân ”.
Định hướng quan trọng nhất mà chúng ta cần là phải làm rõ nội dung công thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Về công thức Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, chúng ta cũng đã từng đưa ra từ rất lâu, ngày nay cũng vẫn được nhắc lại như cũ. Nếu không làm rõ nội hàm của những mối quan hệ đó thì vẫn lâm vào tình trạng nói một đằng làm một nẻo. Chúng ta tiếp tục lúng túng và khó tránh khỏi sẽ lại phạm vào những sai lầm trong việc đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân, trong khi thường xuyên nói đến công thức kể trên như một cách để nói, chứ không phải nói để làm, nói vậy mà không phải vậy. Thực chất nội dung của công thức đó chính là đảm bảo quyền Dân chủ trong Đảng, xây dựng được Nhà nước pháp quyền vững mạnh, phát huy quyền tự do Dân chủ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Rút kinh nghiệm từ những bài học lịch sử, căn cứ vào những quan điểm và định hướng kể trên, để nâng cao chất lượng thực hành Dân chủ đối với đội ngũ trí thức (hay là “có học” như nói ở trên) cần thiết phải có các giải pháp sau đây:
3.1. Trước hết phải thực hành Dân chủ ở trong nội bộ Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, trên thực tế Đảng lãnh đạo và chi phối toàn bộ hoạt động của xã hội. Nếu trong Đảng mà không thực sự có Dân chủ thì ngoài xã hội không thể có Dân chủ.
Trước hết trong Đảng phải thực sự tôn trọng nguyên tắc Dân chủ Tập trung chứ không phải Tập trung Dân chủ. Đại hội đại biểu của Đảng là cơ quan quyền lực cao nhất, sau đó đến Ban chấp hành Trung ương, rồi mới tới Bộ Chính trị. Nguyên tắc này lâu nay bị vi phạm, thường là Bộ Chính trị có quyền hạn tuyệt đối không những trong nội bộ Đảng, mà còn đối với mọi vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước mà lẽ ra phải là trách nhiệm của Quốc hội.
Trong nội bộ Đảng, mọi Đảng viên nên đều phải được phát biểu và bảo vệ chính kiến của mình song song với nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cần phải tôn trọng và tạo mọi điều kiện để ý kiến của thiểu số được thảo luận một cách công khai và bình đẳng.
Cơ chế dân chủ trực tiếp cần phải được phát huy tối đa trong các cuộc bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Việc bổ nhiệm đảng viên vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Nhà nước phải được tiến hành một cách dân chủ hơn. Không áp đặt tiêu chuẩn cấp uỷ Đảng vào tiêu chuẩn lãnh đạo các cấp nhà nước. Một vị trí lãnh đạo nhà nước có thể tiến cử hai Đảng viên có ý kiến khác nhau về chủ trương về cách thực hiện để Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước lựa chọn, v.v.
Chỉ trong những điều kiện tối thiểu như trên thì tầng lớp trí thực thực thụ của nước ta mới có thể tự hình thành và phát triển một cách lành mạnh được.
3.2. Phải từng bước xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh.
Trong điều kiện chế độ chính trị có một Đảng lãnh đạo, những khiếm khuyết do chế độ toàn trị gây ra có thể được khắc phục, điều chỉnh một cách hữu hiệu bằng xã hội dân sự. Xã hội dân sự lành mạnh là đối trọng, chứ không phải là đối lập với Nhà nước. Sự đồng thuận xã hội được giải quyết chủ yếu thông qua xã hội dân sự.
Trước mắt phải xây dựng được một Luật về Hội. Các hội nghề nghiệp và quần chúng là thành phần quan trọng nhất của xã hội dân sự. Quyền tự do thành lập Hội được ghi trong Hiến pháp phải được thể hiện đầy đủ trong Luật về Hội.
Chỉ trong một xã hôi dân sự lành mạnh như vậy tầng lớp trí thức mới phát huy được phẩm tính trí thức của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3.3. Phải thực sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân như được ghi trong Hiến pháp.
Tự do ngôn luận là quyền được bình đẳng phát biểu công khai ý kiến của mỗi công dân. Đó là cốt lõi của Dân chủ, không có tự do ngôn luận thì không thể dân chủ.
Báo chí và xuất bản sách là công cụ chủ yếu để thực hiện tự do ngôn luận. Luật về Báo chí và Xuất bản cần được cải thiện hơn nữa, hướng tới chấp nhận nền báo chí và xuất bản tư nhân và mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm về các ấn phẩm của mình.
Không có tự do ngôn luận thì những người “có học” chỉ có thể là những người lao động trí óc (thậm chí rất giỏi) nhưng không thể trở thành một tầng lớp trí thức mà các xã hội văn minh coi là tinh hoa.

Hà Nội, tháng 6 năm 2010
CHU HẢO

Vì sao Vụ Kỷ Luật Giáo sư Chu Hảo nổ lớn?

Sự kiện Ủy ban kiểm tra trung ương đảng CSVN hôm 25 tháng 10 đưa ra biện pháp kỷ luật đối với Giáo sư Chu Hảo, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ-Môi trường trước đây và hiện là Giám đốc nhà xuất bản Tri Thức đã làm dậy sóng dư luận, chỉ hai ngày sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đăng đàn làm Chủ tịch nước.
Dựa trên một số sách chính trị được xuất bản nhiều năm trước đây của nhà xuất bản Tri Thức, Ủy ban kiểm tra cáo buộc Giáo sư Chu Hảo đã “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vì đi ngược lại chủ trương, đường lối của đảng. Những lý cớ nói trên là một sự tránh né của ông Trọng và Ủy ban kiểm tra trung ương. Thực chất, Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật một phần là từ thái độ chống bá quyền phương Bắc.
Ngày 10 tháng 11 năm 2015, trên trang web Nguyễn Xuân Diện, Giáo sư Chu Hảo đã công bố lá thư gửi đến các đại biểu quốc hội CSVN về việc đón tiếp Tập Cận Bình đang viếng thăm Việt Nam. Trong lá thư, Giáo sư Chu Hảo đã viết: “Vì sao quý vị không có bất kỳ hành động công khai nào phản đối, ngăn chặn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đăng đàn phát biểu tại Quốc hội nước ta, thực chất là với tư cách kẻ xâm lược, đại diện cho bè lũ bá quyền Đại Hán chưa khi nào rời bỏ âm mưu thôn tính Đất nước ta và nô dịch Dân tộc ta?… Quý vị có thấy hổ thẹn với tiền nhân khi cam chịu tham gia đón tiếp long trọng đại diện cho bè lũ xâm lược tại phòng họp mang tên Diên Hồng – biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm?”
Có ít nhất ba người đã tuyên bố từ bỏ đảng CSVN ngay sau khi Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật là Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Mạc Văn Trang và ông Trần Nam. Cả ba vị đều cho rằng những cáo buộc của Ủy ban kiểm tra trung ương “thực chất là một hành động vu khống”. Hiện nay số người tuyên bố bỏ đảng, bỏ đoàn đã gia tăng và một số trí thức đã lên tiếng trong lá thư ngỏ phổ biến vào sáng ngày 27 tháng 10, cho rằng biện pháp kỷ luật của Ủy ban kiểm tra trung ương là “không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo.”
Câu hỏi đặt ra là tại sao Ủy ban kiểm tra trung ương và nhất là ông Nguyễn Phú Trọng vừa mới nắm trong tay hai quyền lực đảng và nhà nước, lại mở đầu cuộc tuyên chiến với giới trí thức trong lúc xã hội tiềm ẩn rất nhiều bất ổn về mặt dân sinh.
Mặc dù Ủy ban kiểm tra trung ương và Ban bí thư chưa đưa ra biện pháp kỷ luật nào đối với Giáo sư Chu Hảo, ngoài những cáo buộc “suy thoái về tư tưởng chính trị”, “tự chuyển hóa”, nhưng rõ ràng là ông Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm đang bắt đầu thử nghiệm chiến dịch đốt lò nhắm vào thành phần trí thức, văn nghệ sĩ, kể cả giới báo chí, vừa cổ súy dân chủ hóa đất nước, vừa chống lại những hành động bá quyền Bắc Kinh, sau đợt đốt lò “chống tham ô nhũng lạm” (mà thực chất là diệt trừ mầm mống đối lập) trong hai năm vừa qua.
Cách đây 6 năm, trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ học tập Nghị Quyết 4 về “những vấn đề cấp bách xây dựng đảng” vào ngày 27 tháng 2 năm 2012, ông Trọng đã cho rằng bài học xương máu về công tác xây dựng đảng rút ra từ biến cố tan rã của Liên Xô không chỉ là tập trung phòng chống tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, lãng phí, bè phái, cục bộ, mà chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức của cán bộ, phai nhạt lý tưởng cách mạng.
Theo ông, tham nhũng chỉ là diện, suy thoái về tư tưởng mới là điểm dẫn đến sụp đổ chế độ. Vì thế, ông Trọng đã coi việc “ngăn chận, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, là khâu đột phá trong toàn bộ công tác xây dựng đảng.”
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng cũng thấy rằng không thể công khai tuyên chiến trên mặt trận tư tưởng khi mà nạn tham nhũng đang phát triển như những bầy sâu trong mọi cơ quan đảng và nhà nước, với sự xuất hiện một giai cấp quý tộc đỏ. Vì thế mà sau khi loại được phe cánh Nguyễn Tấn Dũng trong Đại Hội 12 vào tháng 1 năm 2016, ông Trọng mới tiến hành chiến dịch đốt lò, đưa hơn 250 cán bộ cao cấp, trong đó có gần 50 cán bộ cấp Trung Uơng, vào những biện pháp kỷ luật như bị tù, tước chức vụ, sa thải khỏi đảng vân, vân…
Những biện pháp kỷ luật đối với các tham quan như Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son… đi cùng với các bài viết tâng bốc về thân thế thanh liêm, trong sạch của ông Trọng được cho phổ biến rộng rãi trên các báo, giúp ông Trọng tóm thu quyền lực vào trong tay một cách nhanh chóng. Nói cách khác, nhờ sự thu tóm quyền lực này đã giúp cho ông Trọng có một cơ hội quý hiếm, nắm trong tay hai thứ quyền lực đảng và nhà nước, trở thành một lãnh tụ có nhiều uy quyền nhất tại Việt Nam hiện nay, kể từ sau khi ông Hồ chết vào năm 1969.
Vì thế mà sau khi được Trung ương đảng bỏ phiếu 100% đề cử chức danh Chủ tịch nước thay thế ông Trần Đại Quang hôm 3 tháng 10, ông Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu tiến hành khâu “đột phá” trong toàn bộ chiến dịch đốt lò. Đó là thanh trừng giới trí thức có lập trường chống Tàu và việc Giáo sư Chu Hảo bị mang ra “đấu tố” đầu tiên trong phiên họp lần thứ 30 của Ủy ban kiểm tra trung ương đảng từ ngày 17 đến 19 tháng 10 chỉ là bước thử nghiệm nhằm đo lường phản ứng của dư luận.
Suốt trong 30 kỳ họp xem xét và kiểm tra những vi phạm kỷ luật do các cấp đề xuất, đa số những vụ án mà Ủy ban kiểm tra trung ương đưa ra các biện pháp kỷ luật đều đã được tung lên mặt báo trước đó khá lâu và phần lớn là những vụ tham ô, chạy chức. Riêng đối với việc kiểm tra những vi phạm của Giáo sư Chu Hảo, có thể Ủy ban đã chuẩn bị từ trước, nhưng đối với công luận thì đây là yếu tố bất ngờ.
Kết luận về những điều gọi là vi phạm của Giáo sư Chu Hảo, Ủy ban kiểm tra đã cho rằng “khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.” Dựa theo kinh nghiệm của các vụ án thì khi Ủy ban dùng đến các từ ngữ “rất nghiêm trọng”, “đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật” thì Giáo sư Chu Hảo khó có thể tiếp tục điều hành Nhà xuất bản Tri Thức và có thể bị lột chức Thứ trưởng.
Là một người từng học ở Liên Xô và bỏ nhiều năm nghiên cứu về “xây dựng đảng”, ông Nguyễn Phú Trọng đã coi vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị và chống bá quyền phương Bắc là nguyên nhân chính yếu làm tan rã đảng, thì trận chiến đối đầu với giới trí thức đang bước vào một khúc quanh mới. Ông Trọng và đảng CSVN sẽ đối diện với hai vấn đề: làn sóng kêu gọi bỏ đảng sẽ ngày càng gia tăng, và phong trào chống bá quyền Bắc Kinh sẽ bộc phát mạnh mẽ ở trong đảng và ngoài xã hội trong thời gian tới.
Nói tóm lại, việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo không phải là một “kiểm tra vi phạm” bình thường, mà phải coi đây là trận chiến mới mà ông Trọng và phe nhóm đang chuẩn bị triệt hạ những mầm phản kháng trong giới trí thức, nhà văn nhà báo, sau khi đã thu tóm trong tay quyền kiểm soát đảng và nhà nước như Tập Cận Bình đã và đang làm ở Trung Quốc. Tuy nhiên cả ông Trọng và ông Tập có thể triệt hạ những quan tham bằng các thủ đoạn khống chế phe nhóm; nhưng triệt hạ giới trí thức để bịt miệng xã hội là một thách đố mà chưa có chế độ độc tài nào thành công.
Lý Thái Hùng / (FB Việt Tân)