Bạn sẽ không còn thấy những vật dụng này trong tương lai nữa

Chắc hẳn bạn sẽ nhận thấy rằng khá nhiều đồ vật mà ta từng yêu thích, phát cuồng muốn sở hữu bằng được như đầu đĩa walkman, đĩa CD, điện thoại nắp gập… đã dần trở thành dĩ vãng. Giờ đây chúng đã được thay thế bởi những thiết bị tiện lợi, tinh tế hơn.

Với công nghệ khoa học ngày càng phát triển, bạn có thắc mắc những thiết bị, vật dụng nào sẽ tiếp bước chịu chung số phận này trong tương lai không?

1. Gương chiếu hậu


Hãng xe Audi mới đây đã tung giới thiệu sản phẩm xe điện Audi E-tron không gương chiếu hậu, được quan sát bằng camera và màn hình trong cabin
http://intermati.com/micro1405/2018/8/114.1.jpg

Dự kiến khoảng 20 năm nữa, các hãng xe ô tô sẽ dùng camera trong cabin, hệ thống thông minh để cảnh báo tài xế về nguy hiểm có thể xảy đến. Ngoài ra, xe số sàn và xe chạy bằng xăng không lâu nữa cũng sớm biến mất, hướng đến phương tiện giao thông thân thiện với môi trường hơn.

2. Điều khiển từ xa


Thập kỉ gần đây, công nghệ thông minh, thiết bị điều khiển từ xa đã trở thành một phần của cuộc sống.

http://intermati.com/micro1405/2018/8/114.2.jpg

Nhưng trong tương lai, thói quen này sẽ biến mất, thay vào đó là chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng được tích hợp thêm chức năng điều khiển. Điều đó có nghĩa là những thiết bị điều khiển từ xa thông thường ngày nay sẽ không còn cần thiết nữa.

3. Tiền giấy và thẻ tín dụng


Vào năm 2017, công ty xử lý giao dịch thẻ tín dụng TSYS đã tiến hành khảo sát nhằm xác định phương thức thanh toán được ưa chuộng nhất tại Mỹ.

http://intermati.com/micro1405/2018/8/114.3.jpg

Kết quả là chỉ có 120/1.000 người tham gia khảo sát thích dùng tiền mặt, số còn lại đều chọn thẻ tín dụng. 

Tuy nhiên trong thời đại bùng nổ smartphone như hiện nay, thẻ tín dụng cũng sắp bị quên lãng vì ta hoàn toàn có thể thanh toán qua ví điện tử từ điện thoại thông minh và các thiết bị khác.

4. Chìa khóa nhà


Chỉ trong 20 năm nữa thôi, ta sẽ hoàn toàn quên ngay hình ảnh của chiếc chìa khóa nhà, chìa khóa xe thông thường nữa.

http://intermati.com/micro1405/2018/8/114.4.jpg

Bởi lúc đó, bạn có thể mở khoá nhà bằng ứng dụng điện thoại, ra lệnh bằng giọng nói hoặc quét võng mạc.

5. Kim tiêm


Cùng sự phát triển của y học thế giới, kim tiêm sẽ được thay thế bằng công nghệ – tiêm không đau microjet hoặc thuốc dạng viên con nhộng.

http://intermati.com/micro1405/2018/8/114.5.jpg

Với tiêm không đau, các microjet sẽ phun tia laser đẩy thuốc vào sâu dưới da với tốc độ ánh sáng và không gây đau đớn. Trong khi đó, thuốc viên sẽ chứa những mũi kim tí hon, được hệ tiêu hóa hấp thụ và đẩy thuốc vào máu.

6. Chữ ký


Vai trò của giấy, bút ngày 1 mai một, được thay thế bởi điện thoại thông minh, máy tính bảng…

http://intermati.com/micro1405/2018/8/114.6.jpg

Trong tương lai, chữ ký sẽ biến mất – con người cũng sẽ sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt, mống mắt, vân tay để xác nhận chi trả hóa đơn, hoạt động cần có giấy tờtuỳ thân…

Việt Nam đang già đi trước khi trở nên giàu có

Dân số nhiều nước ở châu Á đều đang già đi một cách nhanh chóng. Nhưng già đi trước khi trở nên giàu có làm cho các vấn đề của Việt Nam càng lớn hơn.

(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh

Mặc dù dân số Việt Nam chỉ có tuổi trung bình là 26. Nhưng tốc độ già hóa lại đang diễn ra nhanh chóng. Những người trên 60 tuổi đang chiếm khoảng 12% dân số, và được dự báo sẽ tăng lên đến 21% vào năm 2040, một trong những mức tăng nhanh nhất trên thế giới.

Điều đó một phần là vì tuổi thọ bình quân của người Việt đã tăng từ 60 tuổi năm 1970 lên 76 tuổi hiện nay, nhờ thu nhập gia tăng. Bên cạnh đó, mức sống tăng lên cũng đã làm giảm tỷ lệ sinh trong cùng khoảng thời gian từ khoảng 7 trẻ em trên một phụ nữ xuống còn hai trẻ. Một trong những lý do của sự suy giảm nhanh chóng này là chính quyền ĐCSVN đã thực thi chính sách một con vào những năm 1980. Mặc dù ít nghiêm ngặt hơn so với Trung Quốc, nhưng điều này cũng đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ sinh của Việt Nam.

Nhân khẩu học đang thay đổi theo những cách tương tự tại nhiều nước châu Á khác. Tuy nhiên, khác biệt ở Việt Nam là nó xảy ra trong khi đất nước vẫn còn nghèo.

Khi tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động tăng lên cao nhất ở Hàn Quốc và Nhật Bản, GDP bình quân đầu người (theo sức mua thực tế) của hai quốc gia này lần lượt đứng ở mức 32.585 USD và 31.718 USD. Ngay cả Trung Quốc cũng đã đạt được mức 9.526 USD. Ở Việt Nam, khi đạt được cột mốc tương tự vào năm 2013, thu nhập trung bình chỉ là 5.024 USD. Trong khi Indonesia và Philippines dự kiến ​​sẽ đạt được “tỷ lệ vàng” dân số trong vài thập kỷ tới, với mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với Việt Nam.

Đặt ra nhiều thách thức

Sự thay đổi trong nhân khẩu học này đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Thứ nhất, liệu chính phủ có khả năng hỗ trợ cho hàng triệu người trong độ tuổi già? Hiện chỉ có những người rất nghèo và người trên 80 tuổi (tổng cộng chiếm khoảng 30% số người già) là được hưởng tiền trợ cấp với khoảng vài trăm nghìn đồng/tháng.

Cuộc khảo sát gần đây nhất trên những người già, vào năm 2011, chỉ ra rằng có đến 90% trong số họ không có khoản tiền tiết kiệm nào đáng kể, trong khi nợ là phổ biến.

ban hang rong
Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vẫn thuộc nhóm trung bình thấp. (Ảnh: Shutterstock)

Do đó, việc hỗ trợ người già trở nên tiêu tốn hơn bao giờ hết. IMF dự báo chi phí hưu trí, ở mức hiện tại, có thể làm tăng tỷ lệ chi tiêu của chính phủ/GDP lên 8 điểm phần trăm vào năm 2050 – mức nhanh nhất trong số 12 quốc gia châu Á được IMF khảo sát.

Vấn đề còn nghiêm trọng hơn ở vùng nông thôn, nơi mà hầu hết là người già đang sinh sống. Nếu như trước đây người trẻ sẽ phụng dưỡng cha mẹ khi về già, thì nay họ có xu hướng rời bỏ cuộc sống làng quê để lên thành phố kiếm sống. Khảo sát cho thấy tỷ lệ người già sống một mình đang tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Nhiều người già vẫn còn làm lụng để kiếm sống cho đến khi họ mất.

Việt Nam hiện có khoảng 40% nam giới ở nông thôn đang ở độ tuổi 75, cao hơn gấp đôi tỷ lệ ở khu vực thành thị. Trong khi ở Anh tỷ lệ này chỉ là 3%. Thường thì họ làm các công việc chân tay nặng nhọc như trồng lúa hoặc đánh bắt cá.

Một lo ngại khác là vấn đề đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người già. Bệnh Alzheimer, bệnh tim và các bệnh liên quan đến tuổi già đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Trong khi có khoảng 1/3 số người già ngoài 60 tuổi không có bảo hiểm y tế, gây áp lực lớn về chi phí điều trị. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện tại các tỉnh vẫn chưa có khoa lão chuyên biệt dành cho người già.

Chưa hết, ước tính số dư Quỹ Bảo hiểm Y tế còn chưa tới 40.000 tỷ đồng trong khi đã bội chi hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, với tốc độ này, cơ quan chức năng cho biết quỹ chỉ còn đảm bảo cân đối đến năm 2020

Giải pháp của chính phủ

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đang bắt đầu thực thi các chính sách để giảm gánh nặng tài chính và cải thiện đời sống cho người cao tuổi. Theo đó, vào tháng 5/2018, Chính phủ đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ và 60 lên 62 tuổi đối với nam giới, và cải cách chương trình lương hưu để cung cấp bảo hiểm đến nhiều người hơn nữa. Dự kiến trong năm tới, Chính phủ cũng sẽ xem xét lại toàn bộ hệ thống bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ sẽ thay đổi cấu trúc nền kinh tế hiện tại – vốn là điều quan trọng trong cải cách. Thông thường, khi các quốc gia leo lên bậc thang thu nhập, họ có xu hướng chuyển từ canh tác nông nghiệp sang các lĩnh vực có năng suất cao hơn, như dịch vụ. Bằng thước đo này, Việt Nam đang tụt hậu so với các nước láng giềng.

Cụ thể, vào thời kỳ dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh vào năm 2013, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam chiếm tới 18% toàn bộ nền kinh tế. Cùng thời điểm đó ở Trung Quốc, nông nghiệp chỉ chiếm 10% GDP. Đáng ngại hơn nữa, sản lượng sản xuất của nông dân đang có xu hướng giảm dần theo độ tuổi, chứ không giống như điều mà các quan chức hay nói.

Sự phụ thuộc quá mức vào nông nghiệp phần nào giải thích lý do tại sao có tới 3/4 số lao động Việt Nam làm việc trong công việc mà họ trở nên kém hiệu quả hơn khi họ già đi. Trong khi ở Malaysia, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 1/2 lực lượng lao động.

Tăng năng suất sẽ chỉ là lời nói suông chừng nào Chính phủ vẫn còn gắn bó với chủ nghĩa xã hội. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp nhà nước – khu vực hoạt động kém hiệu quả nhất – lại đang chiếm lĩnh nhiều ngành công nghiệp. Trong khi đó, hầu hết sinh viên đại học đều lãng phí ít nhất một năm để học lý thuyết Mác – Lenin.

Dân số nhiều nước ở châu Á đều đang già đi một cách nhanh chóng. Nhưng già đi trước khi trở nên giàu có làm cho các vấn đề của Việt Nam càng lớn hơn

      Tường Văn /Theo The Economist,

Tính toán sai, khoe “móng vuốt” quá sớm khiến giờ đây Trung Quốc phải chịu “đòn” từ Mỹ

Lần đầu tiên, lãnh đạo Trung Quốc đã phải thừa nhận những khó khăn hiện tại của nền kinh tế do chiến tranh thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng.

Cú “bẻ lái” của Trung Quốc tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Thượng Hải

Một ngày trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ở Thượng Hải, trung tâm kinh tế của đất nước, tổ chức sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm: Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc đầu tiên.

Theo kế hoạch, hội chợ nhập khẩu được cho là cơ hội gửi thông điệp chính trị về sự nghiêm túc của Trung Quốc trong việc cắt giảm thặng dư thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Địa điểm được chọn là Thượng Hải, nơi ông Tập Cận Bình từng là Bí thư thành ủy trước khi trở thành lãnh đạo hàng đầu của đất nước.

Vì đây không chỉ là một hội chợ thương mại mà là một sự kiện ngoại giao quan trọng đối với quan hệ của Bắc Kinh với Washington, đích thân ông Tập Cận Bình chứ không phải Thủ tướng Lý Khắc Cường – người phụ trách các vấn đề kinh tế – đã chủ trì sự kiện này.

Tính toán sai, khoe móng vuốt quá sớm khiến giờ đây Trung Quốc phải chịu đòn từ Mỹ - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Thượng Hải. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Trong bài phát biểu của mình, mặc dù không đề cập trực tiếp đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ hay Washington nhưng thông điệp của ông Tập Cận Bình vẫn được truyền tải một cách kín đáo.

“Các nước cần cải thiện môi trường kinh doanh của họ bằng cách giải quyết các vấn đề của họ. Họ không nên đổ lỗi cho người khác để che giấu các vấn đề của họ”, ông Tập Cận Bình nói.

Trong bài phát biểu tại Thượng Hải, ông Tập Cận Bình cũng thừa nhận những khó khăn kinh tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt.

“Tình hình kinh tế trong và ngoài nước đã tạo ra một số thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, như sự bất ổn trong một số lĩnh vực, doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn và rủi ro ngày càng tăng trong một số lĩnh vực nhất định”.

Một sự thừa nhận thẳng thắn về những khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt tại một sự kiện quốc tế lớn là rất hiếm ở Trung Quốc, đồng thời cũng phản ánh những khó khăn hiện tại của ông Tập.

Những thông tin về cuộc chiến thương mại đã được kiểm soát cẩn thận ở Trung Quốc, với mục đích duy trì ổn định xã hội.

Đường phố ở Thượng Hải vẫn tràn ngập ánh sáng lấp lánh và nhộn nhịp vào ban đêm. Nhà hàng đông đúc thực khách như bình thường. Nhiều người bình thường vẫn không cảm thấy tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Nhưng tác động gần đây đã quá nghiêm trọng đến nỗi Bắc Kinh không thể “phớt lờ” được nữa.

Tính toán sai, khoe móng vuốt quá sớm khiến giờ đây Trung Quốc phải chịu đòn từ Mỹ - Ảnh 3.

Nền kinh tế Trung Quốc đang bị “mây đen” bao phủ. Ảnh: Nikkei.

Ông Tập Cận Bình cũng thay đổi quan điểm của mình về các công ty tư nhân. Vào ngày 1/11, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tham dự một cuộc thảo luận với các doanh nghiệp tư nhân và khẳng định, trong khi khu vực công vẫn giữ một “vị thế thống trị” trong nền kinh tế, ông cũng sẽ chú trọng đến khu vực tư nhân.

Đây là sự thay đổi khá lớn với nhà lãnh đạo Trung Quốc, người luôn ủng hộ các công ty nhà nước. Nhưng với những đám “mây đen” đang bao phủ nền kinh tế, ông Tập Cận Bình cần phải xoa dịu các doanh nghiệp trực tiếp với tư cách lãnh đạo quốc gia.

Bản chất của hội chợ triển lãm nhập khẩu, ban đầu có nghĩa là tăng cường quan hệ với Mỹ, nhưng đã ngay lập tức thay đổi sau khi chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục củng cố quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, mà bước ngoặt là bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence hôm 4/10.

Nước cờ sai lầm

Nguyên nhân làm tăng “cơn thịnh nộ” của Tổng thống Trump, tờ báo Nhật Nikkei lý giải, đỉnh điểm là tuyên bố của ông Tập tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017 rằng đất nước “về cơ bản sẽ hiện đại hóa vào năm 2035”.

Điều này có nghĩa là, Trung Quốc sẽ bắt kịp với Mỹ, ít nhất là về mặt kinh tế, trong vòng 17 năm nữa.

Chính Tổng thống Mỹ đã thừa nhận điều này. Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên rằng ông nghĩ chính sách công nghiệp “Made in China 2025” của Bắc Kinh là một sự “xúc phạm”.

“Made in China ’25 có nghĩa là vào năm 2025, họ sẽ tiếp quản kinh tế thế giới. Điều này sẽ không xảy ra”, ông Trump nói.

Bốn thập niên trước, ông Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng chính sách kinh tế “cải cách và mở cửa”. Về mặt đối ngoại, ông Đặng ủng hộ chính sách “ẩn mình chờ thời”, có nghĩa là giữ một cái đầu lạnh, che giấu móng vuốt và không bao giờ cố gắng dẫn đầu trong một thời gian.

Nhưng kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, ông Tập Cận Bình nghiêng về chính sách “quyền lực nước lớn”, đặt Trung Quốc là một cường quốc tương đương với Mỹ.

Nhưng ông Tập Cận Bình đã tính sai. Ông đã đánh giá thấp ông Trump, một Tổng thống doanh nhân của Mỹ.

Mỹ muốn giữ nguyên vị trí số 1 thế giới. Về vấn đề này, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều có chung quan điểm. Việc công khai ý định vượt qua Mỹ đã làm Washington “nóng mặt”. Và Trung Quốc hiện đang trả giá đắt vì vội vàng giương ra “móng vuốt” của mình.

theo Thời đại

Tư liệu Xây dựng trái phép trên “Long mạch”, hàng loạt quan chức Trung Quốc ngã ngựa

Xây dựng trái phép trên “Long mạch”, hàng loạt quan chức Trung Quốc ngã ngựa
Hàng trăm biệt thự xây dựng trái phép ở Tần Lĩnh đang bị phá dỡ, điều kỳ quặc là nhiều tòa nhà đắt tiền này không có ai nhận là chủ nhân.

Những ngày này, dư luận Trung Quốc đang sôi lên bởi việc hàng loạt quan chức ở tỉnh Thiểm Tây liên tục ngã ngựa. Tiếp sau việc, ngày 1.11, Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Tiền Dẫn An bị bãi chức thì ngày 7.11, đến lượt Thị trưởng Tây An Thượng Quan Cát Khánh và nguyên Chủ tịch Chính Hiệp thành phố Trình Quần Lực cũng bị xử lý.

Báo chí cho biết, nguyên nhân khiến 3 quan chức này ngã ngựa có liên quan đến việc mấy trăm ngôi biệt thự được xây dựng trái phép tại Tần Lĩnh – nơi “phong thủy đắc địa”, được coi là “Long mạch Hoa Hạ” và cũng là “Lá phổi xanh của tỉnh Thiểm Tây”. Đích thân ông Tập Cận Bình từng 6 lần bút phê phá dỡ mà không xong, lần này “sấm sét đã giáng xuống” cố đô Tây An: một chiến dịch tháo dỡ rầm rộ đang được cơ quan Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương chỉ đạo tiến hành, các quan chức liên đới thì liên tiếp bị quật ngã…

Các quan chức liên tiếp ngã ngựa

Báo chí Trung Quốc ngày 8.11 đưa tin, ngày 1.11, ông Tiền Dẫn An, Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Thiểm Tây bị thẩm tra và điều tra. Ngay sau đó, Vệ Húc Phong Cục trưởng Tài nguyên đất đai thành phố Tây An – một bộ hạ cũ của Tiền Dẫn An bị điều tra. Trước đó, Sử Phàm, Bí thư đảng ủy khu Ngư Hóa, cũng bị đưa đi điều tra.

Sáng 5.11, một cuộc hội nghị được tổ chức để thông báo quyết định quyết định của trung ương điều tra Tiền Dẫn An và việc xử lý các ông Thượng Quan Cát Khánh, Phó bí thư, Thị trưởng Tây An và Trình Lập Quần, nguyên Chủ tịch Chính Hiệp Tây An. Ngoài ra, báo chí cũng đưa tin Bí thư thành ủy Tây An Vương Vĩnh Khang bị điều đi giữ chức Phó thị trưởng Thiên Tân, Cựu thị trưởng Trần Bảo Căn bị giáng cấp xuống làm nhân viên cấp ban và đang bị điều tra.

Xây dựng trái phép trên “Long mạch”, hàng loạt quan chức Trung Quốc ngã ngựa - Ảnh 1.

Các biệt thự xây dựng trái phép ở Tần Lĩnh bị phá dỡ.

Vùng đất “Long mạch” bị chiếm đoạt

Tất cả những người trên đều có liên quan đến vụ hàng ngàn biệt thự xây dựng trái phép ở dãy Tần Lĩnh .

Tần Lĩnh là đường phân giới khí hậu giữa Bắc – Nam Trung Quốc và là tấm bình phong an toàn sinh thái quan trọng; được các đời hoàng đế Trung Hoa từ xưa coi là “Long mạch của văn minh Hoa Hạ”, chiếm địa vị đặc biệt quan trọng. Khu Trường An thuộc Tần Lĩnh cũng là nơi có tài nguyên phong phú. Nắm được điều này, Tiền Dẫn An sau khi thành lập khu (quận) Trường An, năm 2003 được cử làm Bí thư khu ủy, đã mạnh tay chi tiền hoạch định ra “Chiến lược Trường An mới”. Trong đó, bao gồm “Bàn đạp kinh tế Bắc Lệ”. Bắt đầu từ đó, hoạt động xây dựng biệt thự ở Bắc Lệ diễn ra với một quy mô và tốc độ được mô tả là “điên cuồng”. Các ông chủ giới địa ốc lấy lý do khai thác du lịch để thuê đất, mượn đất rồi huy động phương tiện phá rừng, đào hồ, tạo sơn, trồng cây để xây dựng các khu biệt thự cao cấp.

Theo báo chí, qua điều tra thấy có tới hơn 300 ngôi biệt thự đã được xây dựng  rải rác khắp khu vực Bắc Lệ rộng 5.000 km2, phá hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái. Chủ của hơn 300 ngôi biệt thự này “phi phú tắc quý”, toàn cánh chủ tư nhân giàu có, giới quyền quý và cán bộ đảng viên.

Sau khi bị báo chí phát hiện đưa tin, các công trình này không những không dừng lại mà vẫn tiếp tục hoàn thiện, mọc thêm, thậm chí công khai quảng cáo rao bán… Cuối năm 2014, địa phương đã tiến hành dỡ bỏ hoặc tịch thu, cải tạo 202 biệt thự, xử lý 28 người có liên quan, 110 người bị kỷ luật đảng, 90 người bị xử lý về mặt tổ chức, 3 quan chức cấp cục bị lập án điều tra.

Xây dựng trái phép trên “Long mạch”, hàng loạt quan chức Trung Quốc ngã ngựa - Ảnh 2.

Ông Từ Lệnh Nghĩa, Phó Bí thư UBKTKLTW trực tiếp chỉ đạo việc phá dỡ các biệt thự.

Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2017, Tổ tuần thị trung ương tiến hành tái thanh tra tỉnh Thiểm Tây, trong thông báo vẫn nhắc đến vấn đề biệt thự xây dựng trái phép ở Tần Lĩnh, cựu Bí thư Tây An Ngụy Dân Châu bị xét xử cũng liên đới trách nhiệm.

Ngày 30.7.2018, Hội nghị chuyên đề động viên quán triệt công tác xử lý vấn đề biệt thự xây dựng trái phép ở Bắc Lệ, Tần Lĩnh được tổ chức tại Tây An dưới sự chủ trì của ông Từ Lệnh Nghĩa, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng (UBKTKLTW). Được biết, hội nghị này diễn ra sau khi ông Tập Cận Bình đã 6 lần bút phê, chỉ thị về việc xử lý các biệt thự xây dựng trái phép ở Bắc Lệ phá hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái và công tác bảo vệ sinh thái Tần Lĩnh, nhưng “chỉnh mà không trị, cấm mà không tiệt” được.

Việc ông Tập Cận Bình 6 lần chỉ thị, Phó Bí thư UBKTKLTW đích thân xuống “áp trận” cho thấy tính chất nghiêm trọng  của vấn đề và sự phẫn nộ của trung ương.

Trước ngày hội nghị họp, ông Từ Lệnh Nghĩa đã về đây điều tra 1 tuần. Ông tức giận phê phán: “Có cán bộ lãnh đạo tạo nên quan hệ kiểu nhóm lợi ích chính trị – kinh doanh.

Có ông chủ đánh thông trên dưới, dùng tiền rải đường, tạo mối quan hệ. Có cán bộ nhận tiền làm việc, phê duyệt sai phép, dùng quyền công cho việc tư, tham ô nhận hối lộ”.

Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây Hồ Hòa Bình phát biểu tại hội nghị: “Bất kể là ai, chức vụ cao đến đâu, quyền lực lớn đến mấy, dù là công chức hay người ngoài, dù đang giữ chức hay đã nghỉ cũng đều điều tra, xử lý nghiêm, quyết không cho qua”.

Sau khi kết thúc hội nghị, bắt đầu từ trung tuần tháng 8, chính quyền huy động một lực lượng lớn người và thiết bị máy móc bắt đầu tiến hành phá dỡ quy mô lớn các biệt thự xây dựng trái phép ở Tần Lĩnh. Tính đến ngày 24.10, toàn bộ khu Trường An đã phá dỡ 724 vụ xây dựng trái phép với tổng diện tích 790.000 m2. Trong đó, có 292 tòa biệt thự với 370 nhà, diện tích 182.000 m2.

Xây dựng trái phép trên “Long mạch”, hàng loạt quan chức Trung Quốc ngã ngựa - Ảnh 4.

Ông Tiền Dẫn An, Ủy viên thường vụ,Tổng thư ký tỉnh ủy Thiểm Tây đã bị bắt để điều tra.

Nhiều biệt thự không ai dám nhận

Trong vụ việc nghiêm trọng này, Tiền Dẫn An có trách nhiệm rất lớn. Tháng 3.2007, ông An được điều khỏi khu Trường An đi giữ chức Bí thư khu Nhạn Tháp. Tháng 12.2009, ông lên làm Phó thị trưởng Tây An. Từ 12.2013 đến đầu 2017 đi giữ các chức Phó bí thư, Thị trưởng rồi Bí thư thành ủy Bảo Kê. Tháng 5.2017, ông được thăng chức Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Thiểm Tây, cấp phó bộ.

Vụ việc biệt thự Tần Lĩnh cho thấy thực trạng đối đầu giữa chính quyền trung ương và địa phương. Gần đây trung ương Trung Quốc nêu yêu cầu “định ư nhất tôn” (có ý tôn sùng ông Tập Cận Bình là người lãnh đạo tuyệt đối, cao nhất). Một số quan chức địa phương tuy bề ngoài phát biểu bày tỏ trung thành với quyền uy hạt nhân của ông Tập Cận Bình nhưng với tâm lý cho rằng “trời cao hoàng đế xa”, ngoài miệng bày tỏ trung thành, nhưng khi thực hiện thì lại quan tâm lợi ích địa phương và thành tích cá nhân.

Chính vì vậy, đồng thời với việc phá dỡ các công trình xây dựng trái phép, việc xử lý các quan chức liên đới cũng được tiến hành. Người đầu tiên là Vệ Húc Phong, Cục trưởng Tài nguyên đất đai thành phố Tây An, người nắm quyền xem xét phê duyệt, bộ hạ cũ của Tiền Dẫn An bị bắt điều tra sau khi Sử Phàm, Bí thư khu phố Ngư Hóa cũng đã bị bắt.

Những người tiếp theo bị xử lý là Thượng Quan Cát Khánh – Thị trưởng Tây An. Khi Thượng Quan Cát Khánh là Bí thư thành ủy Bảo Kê thì Tiền Dẫn An là Thị trưởng Bảo Kê, hai người là một cặp, cộng tác chặt chẽ với nhau. Tuy sau này Tiền Dẫn An vượt lên, nhưng lần này thì cả hai ắt “cùng chết”. Cùng bị xử lý còn Trình Quần Lực, nguyên Chủ tịch Chính Hiệp thành phố Tây An, người đã nghỉ hưu 2 năm. Lực từng giữ chức Bí thư Trường An, Cục trưởng Dân chính Tây An, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên truyền thành ủy, Phó bí thư thành ủy Tây An.

Xây dựng trái phép trên “Long mạch”, hàng loạt quan chức Trung Quốc ngã ngựa - Ảnh 5.

Thượng Quan Cát Khánh, Phó bí thư, Thị trưởng Tây An (trái) và Trình Lập Quần, nguyên Chủ tịch Chính Hiệp Tây An đang bị điều tra vì liên đới đến việc xây dựng các biệt thự trái phép ở Tần Lĩnh

Tờ Sina cho rằng, vụ việc biệt thự Tần Lĩnh, bề ngoài là xây dựng trái phép, nhưng thực tế là chống tham nhũng . Việc một loạt biệt thự xa hoa sang trọng bị đập mà không ai nhận là chủ đã cho thấy rõ điều này…Tạp chí “Trung Quốc kỷ kiểm giám sát” từng tiết lộ: “ông W. Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhận một biệt thự của ông chủ nọ với ý định mời mẹ đến ở. Nhưng bà mẹ kiên quyết không đến vì cho rằng đó là nhà người khác, không thể ở được. Nhưng W. không nghe lời mẹ, cứ nhận nhà, kết quả là đã ngã ngựa”. Nhân vật W. không nghe lời mẹ này.sau này được xác nhận là Ngụy Dân Châu, nguyên Bí thư thành ủy Tây An. Vụ nhận biệt thự xây dựng trái phép ở Tần Lĩnh chính là “dây cháy chậm” dẫn đến việc ông ta bị quật ngã.

Dư luận cho rằng, có thể còn có những quan chức cấp cao hơn, thậm chí là “Hổ lớn” liên đới đến vụ này. Với việc một loạt quan chức bị điều tra, tới đây có thể sẽ tiếp tục lộ diện thêm những nhân vật quan trọng mới.

theo Viettimes