20 nghịch lý cuộc sống bạn nên biết

Dưới đây là 20 nghịch lý tôi đã gặp, và luôn đúng:

1. Bạn càng ghét một tính cách nào đó của người khác, thì càng có nghĩa là bạn đang chối bỏ tính cách ấy bên trong mình. Nhà tâm lí học Carl Jung tin rằng tính cách của người khác làm bạn khó chịu chỉ đơn giản là hình ảnh phản chiếu của tính cách bản thân mà bạn đang chối bỏ mà thôi. Freud gọi nó là “sự phóng chiếu (projection).” Ví dụ, một người cảm thấy thiếu an toàn vì cân nặng của bạn thân thường sẽ gọi người khác là “mập.” Một người cảm thấy bất an vì túi tiền sẽ phê phán cách dùng tiền và kiếm tiền của người khác.

2. Người nào không tin được ai thì không đáng tin. Những người thường thấy bất an sẽ dễ phá hủy mối quan hệ. Ta sẽ thường thấy trong những người này xuất hiện triệu chứng nhân vật chính (tức là cảm thấy đời mình khó khăn, mình là nhân vật chính và phải đương đầu nhiều khó khăn hơn, trong khi người khác là nhân vật phụ, họ cũng phải hỗ trợ cho ta giải quyết khó khăn của đời mình). Mà hơn nữa, một cách để bảo vệ mình khỏi bị tổn thương là làm tổn thương người khác trước.

3. Bạn càng cố gây ấn tượng với ai, họ càng ít ấn tượng với bạn. Không ai thích nhây hết.

4. Càng thất bại nhiều, càng có khả năng thành công. Cứ lấy bất kì câu danh ngôn thành công của người nổi tiếng nào làm ví dụ. Bạn nghe nhiều rồi. Edison đã thử 10 nghìn lần trước khi tạo được bóng đèn. Michael Jordan bị đuổi khỏi đội bóng rổ trường trung học. Thành công đến từ sự tiến bộ; sự tiến bộ đến từ thất bại. Không có đường tắt đâu.

5. Thứ gì càng đáng sợ, thứ đó càng đáng làm. Dĩ nhiên là trừ những thứ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng (mà cơ thể tự động né nhờ bản năng). Ví dụ: bắt chuyện với một người dễ thương, cold call (tạm hiểu là gọi cho người lạ) một người nào đó để tìm việc mới, nói trước công chúng, mở công ty, nói điều ngược lại với cách nghĩ thông thường, thành thực tuyệt đối với ai đó… Tất cả những thứ này bạn đều sợ, và bạn sợ thường là vì đó là những thứ bạn nên làm.

6. Càng sợ chết, càng khó tận hưởng cuộc sống. Tôi rất thích câu này: “Cuộc đời tỉ lệ với sự dũng cảm của mỗi người.”

7. Càng học nhiều, càng thấy mình biết ít. Đây là ý của Socrates. Mỗi lần hiểu biết thêm điều gì, thì tư duy ta lại tạo ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

8. Bạn càng ít quan tâm đến người khác, thì cũng càng ít quan tâm đến chính mình. Tôi biết điều này sẽ đi ngược lại nhận thức của nhiều người. Bạn sẽ tưởng tượng ra mấy thằng khốn ích kỷ chỉ biết đến mình. Nhưng mà này, con người thường đối xử với người khác theo cách họ đối xử với chính mình. Có thể bề ngoài thì không đúng, nhưng sâu bên trong, ai càng đối xử tồi với người khác thì cũng càng đối xử tồi với chính mình.

9. Càng kết nối, càng cô đơn. Tuy ta càng ngày càng giao tiếp thường xuyên, nhưng nhiều nhà khoa học khám phá ra rằng con người ta ngày càng cảm thấy cô đơn và buồn khổ trong xã hội hiện đại mấy chục năm gần đây.

10. Càng sợ thất bại, càng dễ thất bại. Dựa trên thuyết lời tiên tri tự hoàn thành (self-fulfilling prophecy). Nói cách khác, cầu được ước thấy.

11. Càng cố làm điều gì, điều ấy càng khó đạt. Khi ta nghĩ rằng một việc gì đó là khó làm, thì trong vô thức ta làm nó khó hơn. Ví dụ, mấy năm trời tôi nghĩ bắt chuyện với người lạ là một việc bất thường và khó khăn. Kết quả là tôi bỏ rất nhiều thời gian lên chiến lược và nghiên cứu kế hoạch bắt chuyện với người lạ. Tôi không biết rằng tôi chỉ cần chào một tiếng và hỏi vài câu thông thường là đã có 90% bắt chuyện thành công. Nhưng vì tôi nghĩ rằng nó khó, nên tôi đã làm mọi thứ khó khăn hơn rất nhiều.

12. Thứ gì càng nhiều, bạn càng ít muốn có. Con người rất hay bị thiên kiến khan hiếm (scarcity bias). Trong vô thức, ta cho rằng những thứ khan hiếm mới có giá trị, còn thứ gì đầy rẫy thì lại không. Sự thật không phải như vậy (hãy nghĩ đến không khí đi, rất nhiều, nhưng rất có giá trị, không tin bạn cứ thử nín thở).

13. Cách tốt nhất để ở bên ai đó là không cần phải ở bên người ấy mãi. Nguyên tắc của tôi là không tham lam. Cách tốt nhất để duy trì một mối quan hệ tình cảm tốt là đầu tư vào chính mình, để vẫn có thể vui vẻ trong những lúc không có người yêu ở bên.

14. Càng thành thật về lỗi lầm của mình, người ta càng nghĩ bạn hoàn hảo. Bạn càng thoải mái với việc mình không phải là người giỏi giang, vĩ đại, thì người khác lại càng nghĩ bạn chắc là thần thánh phương nào!

15. Càng cố níu kéo ai đó kề bên, bạn càng khó giữ. Một nguyên lý về sự ganh tị: khi các hành động hay cảm xúc trở thành nghĩa vụ, thì nó mất đi hết ý nghĩa. Nếu bạn gái của bạn cảm thấy buộc phải bỏ hết cuối tuần ra để ở với anh người yêu, thì thời gian mà hai bạn ở bên nhau đã hóa vô nghĩa rồi.

16. Càng cố tranh cãi, càng khó thuyết phục. Vấn đề là đa số luận điểm về bản chất đều cảm tính. Khi tranh cãi, nghĩa là nền tảng giá trị hay nhận thức của một người nào đó đang bị xâm phạm. Logic chỉ dùng để đánh giá những thứ nằm ngoài niềm tin mà thôi. Người ta thường không thay đổi quan điểm về niềm tin của mình vì người đối diện nói rất khách quan hay logic. Để thực sự tranh luận, tất cả các bên phải thực lòng bỏ cái tôi sang một bên và chỉ làm việc với dữ liệu trên bàn. Rất khó xảy ra chuyện này, nhất là đối với những người hay chém gió trên mạng.

17. Càng có nhiều lựa chọn, càng khó hài lòng. Đây gọi là nghịch lí của sự lựa chọn. Người ta nghiên cứu thấy rằng, càng có nhiều lựa chọn, thì ta càng ít hài lòng với mỗi lựa chọn. Lí do là khi có nhiều lựa chọn, thì chi phí cơ hội của mỗi lựa chọn càng lớn (nói dễ hiểu nghĩa là ta có cảm giác phải từ bỏ nhiều lựa chọn khác cũng hấp dẫn không kém), thế nên chọn cách nào cũng không vui.

18. Càng nghĩ rằng mình đúng thì càng không biết gì. Có một mối tương quan trực tiếp giữa việc thoải mái đón nhận những luồng ý tưởng khác biệt và mức độ hiểu biết. Bertrand Russell đã nói: “Thế giới này gặp vấn đề là vì mấy thằng ngu thì cứ chắc chắn, còn những người thông minh lại hay nghi ngờ.”

19. Thứ duy nhất chắc chắn là không điều gì là chắc chắn. Tôi nhận ra điều này năm 17 tuổi, và khi đó suýt nữa thì tôi điên luôn.

20. Thứ duy nhất không thay đổi là sự thay đổi. Đây là một câu nói có vẻ như quá rõ ràng, nhưng thực sự lại không có nghĩa gì rõ ràng cả. Nhưng… nó đúng!

Theo ECOBLADER.COM

Chọn mua lại những biệt thự Pháp cổ – Xu hướng mới của giới siêu giàu Hà Nội


Trụ sở chính của Cty CP Du lịch Kim Liên có địa chỉ tại 57 Trần Phú.

Theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hiện nay trên khắp các tuyến phố tại Thủ đô như: Chu Văn An, Trần Phú hay Cao Bá Quát… những căn biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc đang được chuyển quyền sở hữu và sau đó là “thay màu áo mới”.

Được biết, giá bán hiện nay của những căn biệt thự cổ này có thể khiến người ta hoảng hốt và giật mình, dù nhìn bề ngoài căn biệt thự không quá khang trang, thậm chí còn cũ kỹ, xập xệ vì tuổi thọ đã khá cao. Những căn biệt thự này thường có giá khởi điểm không dưới 300 – 400 triệu đồng/m2, tùy vào vị trí và diện tích sử dụng, đặc biệt có căn lên tới cả tỷ đồng mỗi m2.

Cũng theo tìm hiểu được biết, có những căn biệt thự tuy diện tích nhỏ nhưng do nằm ở vị trí “đắc địa” nên giá cũng khá đắt đỏ, điển hình như căn biệt thự số 33A Bà Triệu nằm ngay ngã tư Lý Thường Kiệt – Bà Triệu có giá lên tới cả tỷ đồng/m2. Biệt thự này đã được Tập đoàn Alphanam cải tạo lại để làm văn phòng. Cách đó không xa, tại số 19 Chu Văn An và 57 Trần Phú, căn biệt thự Pháp cổ cũng vừa được tân trang để làm văn phòng đại diện của Cty CP du lịch Kim Liên. Ngoài ra, trên con phố Cao Bá Quát, chỉ một đoạn ngắn thôi cũng có rất nhiều các biệt thự được các doanh nghiệp có tiếng ở Hà Nội bỏ tiền đầu tư để sở hữu dinh thự riêng cho mình.

Việc các biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp bị giới siêu giàu thâu tóm cho thấy độ “chịu chơi” của các đại gia Hà Thành, nhưng bên cạnh đó cũng làm mất đi vẻ đẹp cổ xưa của những căn biệt thự này.

Dưới đây là hình ảnh về những ngôi biệt thự cổ thời Pháp thuộc đã và đang được cải tạo tân trang lại ở Hà Nội:


Biệt thự số 5A Cao Bá Quát.


Biệt thự số 33A Bà Triệu.


Biệt thự số 6 phố Cao Bá Quát.


Văn phòng của Cty CP du lịch Kim Liên có địa chỉ tại số 19 Chu Văn An.


Căn biệt thự được xây dựng vào thế kỷ XX trên phố Cao Bá Quát.

Quang Dương / Xây Dựng

Chiếc lò vĩ đại của Tổng bí thư có thật vĩ đại?

Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy

Hình portrait minh họa Nguyễn Phú Trọng 

Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam

Trong suốt hai năm qua, truyền thông trong nước đã không ngừng đưa tin về các vụ đại án tham nhũng và cố ý làm trái gây chấn động như vụ Ngân hàng Đại dương Oceanbank, Vụ Tập đoàn Dầu khí PVC-PVN, vụ đường đánh bạc công nghệ cao Rikvip v.v…

Kéo theo đó là những tên tuổi của hàng loạt các quan chức cấp cao, xử lý cả một thành viên trong Bộ Chính trị – một nhóm hội đồng tưởng chừng như ‘không để đụng đến’.

Đây là những vụ đại án, những khúc củi to nhất trong chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư và nay Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Kể từ khi khởi động vào sau Đại hội Đảng thứ 12 vào cuối 2016, với sự ra đi của đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng, có thể nói ông Trọng đã đạt được thế thiên thời địa lợi nhân hòa để tiến hành một trong những chiến dịch chống tham nhũng quy mô nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chiến dịch ‘đốt lò’ này được các nhà quan sát cho là một nỗ lực của Đảng trong việc giành lại quyền lực và uy thế cũng như củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền và sự dẫn dắt sáng suốt của Đảng.

Truyền thông trong nước không ngừng ca ngợi về quy mô về sự thành công của chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang tiếp diễn một cách mạnh mẽ.

Nhưng liệu chiến dịch này đã thực sự thành công trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng, cũng như thực sự phục hồi được tính chính danh của Đảng Cộng sản trong mắt cộng đồng quốc tế cũng như niềm tin của người dân?

Dựa trên một số số liệu thu thập được qua truyền thông Việt Nam, BBC đã tổng hợp lại một số vụ đại án chính trị lớn nhất trong vòng hai năm trở lại đây để xem xét quy mô vi phạm cũng như mức độ xử lý các cá nhân tổ chức vi phạm để đánh giá chiến dịch chống tham nhũng một cách tổng quan nhất.

Tổ chức Đảng và Đảng viên bị kỷ luật vì vi phạm từ 2013-2018. 2013 (Không có số liệu tổ chức Đảng bị kỷ luật, và dựa trên báo cáo hôm 21/8), 1.580 thành viên Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, 19.542 thành viên Tổ chức Đảng. Giai đoạn 2014-2016 (Theo báo cáo công bố hôm 25/6/2018), 1.420 thành viên Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, 23.120 thành viên Tổ chức Đảng, 350 tổ chức Đảng viên. Giai đoạn 2016-2018 (Theo báo cáo công bố hôm 25/6 và 21/8,2018), 1.300 thành viên Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, 35.000 thành viên Tổ chức Đảng, 490 tổ chức Đảng viên.Hai dữ liệu gần đây nhất được thu thập dựa trên hai báo cáo vào tháng Sáu và tháng Tám, 2018 do chính Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc công bố.

Từ giai đoạn 2014-2016 đến giai đoạn 2016-giữa 2018, có thể thấy số lượng Đảng viên bị kỷ luật đã tăng lên đáng kể, gần 7000 Đảng viên, tổ chức Đảng bị kỷ luật cũng tăng lên 140 tổ chức.

Số Đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái chênh lệch không quá nhiều.

Tuy nhiên để nói đây là chiến dịch chống tham nhũng trong hai năm qua là lớn nhất về quy mô và số lượng Đảng viên bị kỷ luật thì có lẽ không chính xác.

Nếu xét với số liệu năm 2013 (trừ ra từ số liệu 2013-2018 và 2014-2018), thì thực tế số lượng Đảng viên bị kỷ luật, nhất là vì tham nhũng, cố ý làm trái vào hai giai đoạn sau đều không bằng.

Chỉ riêng 2013, đã có tới 19.542 Đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 1.580 người bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái.

Cũng vẫn theo Trưởng Ban Nội chính TW Phan Đình Trạc, tổng số Đảng viên bị kỷ luật trong 5 năm qua là 77.662 trên tổng số khoảng 4,9 triệu Đảng viên, tức chỉ chiếm 1,6%. Trong đó có 4.300 bị kỷ luật vì tham nhũng, cố ý làm trái, tức chỉ 0,09%.

Con số này có thực sự phản ánh thực tế? Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS thì “thiên về quan điểm cho rằng đó chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm”.

Có một thực tế phải là tất cả số liệu trên do phía chính quyền công bố mà không có bất kỳ một tổ chức nào có thể đứng ra kiểm chứng một cách độc lập, hầu hết chỉ mang tính chất tham khảo.

Trong những năm qua, các số liệu về chiến dịch chống tham nhũng được công bố một cách rời rạc, không nhất.

“Với một hệ thống tương đối là đóng và không có trách nhiệm giải trình, không minh bạch về con số báo cáo, con số hệ thống, thì rất khó để định giá xem là liệu con số Đảng viên bị kỷ luật là lớn hay nhỏ,” Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VERP nói.

Tuy nhiên cần phải chỉ ra rằng nhiều Đảng viên không nắm giữ vị trí lãnh đạo, tức ít cơ hội cũng như điều kiện để tham nhũng, cố ý làm trái.

Các vụ án tham nhũng, cố ý làm trái và một số đối tượng nổi bật*Nhiều vụ án vẫn đang tiếp tục xét xử, như vụ việc Vũ Nhôm, Rikvip, Mobifone-AVG … khiến hình thức xử lý, kỷ luật các cán bộ Đảng viên dựa trên thông tin có được vào thời điểm bài viết được đăng. BBC sẽ tiếp tục cập nhật thông tin các vụ việc.

Nhìn trên biểu đồ trên, không phải bong bóng lớn nào cũng nằm trong hạng mục tù giam hay hạng mục tử hình. Nói lên một điều rằng không phải sai phạm lớn, hình thức xử lý, kỷ luật cũng tương đương.

Cụ thể các vụ sai phạm trong vụ Mobifone-AVG, gây thiệt hại khoảng 8000 tỷ đồng, gấp 4 lần vụ Oceanbank, tuy nhiên chưa một quan chức, cán bộ nào chịu hình phạt xử lý hình sự.

Trong khi đó, cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đã chịu tổng cộng 31 năm tù giam cho hai vụ án tham nhũng cố ý làm trái liên quan đến PVN.

Cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm chịu bản án chung thân còn Nguyễn Xuân Sơn thì chịu hình phạt cao nhất là tử hình, với vai trò của ông là Tổng giám đốc Oceanbank trong vụ Oceanbank.

Một mũi tên trúng hai đích?

Không ít trong các vụ đại án tham nhũng trên liên quan đến những cái tên “được cho là tay chân thân cận” của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, trong 10 năm cầm quyền, ông Dũng cũng có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế Việt Nam nhưng trong đó, ông cũng đã để lại nhiều di sản không tốt cho đất nước.

Như ngoài các gánh nặng nợ nần, các doanh nghiệp kém hiệu quả, một vấn đề khác là tình trạng tham nhũng nảy nở lan rộng từ 2006-2016, diễn ra tình trạng sự liên kết giữa các chính trị gia và doanh nghiệp để bòn rút các tài sản công của nhà nước, hay là các công ty sân sau của các lãnh đạo, qua đó nhiều quan chức sa ngã vào các hoạt động phạm pháp.

“Trong chiến dịch, vừa rồi có nhiều quan chức có thể được xếp là có quan hệ gần gũi với ông Dũng đã ‘ngã ngựa’, trở thành nạn nhân của chiến dịch này.

Chân dung của Lê Hồng Hiệp

Đập chuột là chống tham nhũng, không vỡ bình là để không làm sao ảnh hưởng đến sự cầm quyền của ĐCS VN. Chống tham nhũng quyết liệt quá thì bộ máy sẽ sứt mẻ, dẫn đến sự mất đoàn kết, gây ra chống đối làm ảnh hưởng đến sức mạnh của nhà cầm quyền.

Lê Hồng Hiệp, Nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS

“Tiêu biểu là ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị, giờ đã lĩnh án tù tương đối dài.

Thứ hai là các vụ việc ở tập đoàn Mobifone với AVG cũng có những quan chức được coi là thân thiết với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…,” ông Hiệp nói.

Nhưng theo ông Hiệp, cũng nên thận trọng không nên kết luận rằng chiến dịch chỉ nhắm vào tay chân đồng minh thân tín của ông Dũng mà các vụ án còn có các đối tượng bị truy tố, xét xử đa dạng như quan chức chính phủ, doanh nhân, tướng lĩnh quân đội công an đến các quan chức ở các cấp độ ở trung ương đến địa phương…

“Có bằng chứng xác lập rằng những người này đã có các vi phạm tham nhũng thực sự.

“Tôi nhận định đây là một cuộc chiến có động cơ chủ yếu giảm mức độ tham nhũng trong bộ máy… Đương nhiên, trong quá trình có mục tiêu thứ yếu hơn là tìm cách để thanh lọc loại bỏ các đối thủ chính trị và củng cố quyền lực cho ông Trọng và đồng minh.”

“Một mũi tên trúng hai đích, đích quan trọng nhất vẫn là giảm tình trạng chống tham nhũng trong Đảng,” ông Hiệp đánh giá.

Liệu có đã khắc phục được lòng tin?

Các nhà quan sát nhận định nhìn chung chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng có đạt được một số thành công đáng kể, đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử một ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Giang nói phần lớn mức kỷ luật cộm cán chủ yếu ở cấp Trung ương, cấp tỉnh.

“Một vấn đề cũng khá quan trọng đó là việc xử lý kỷ luật cán bộ cấp sở, cấp xã cấp huyện, đây là những người trực tiếp tác động đến người dân.

“Có thể quy mô tham nhũng ở cấp dưới không lớn như cấp cao, tuy nhiên trực tiếp tác động lâu dài và mang tính tiêu cực đến cảm nghĩ của người dân về Đảng.”

“Trong thời gian xử lý các cán bộ cấp cao thì nên minh bạch, đẩy mạnh xử lý các lãnh đạo cấp cơ sở, kết hợp cả hai để tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh.”

Có thực sự giải quyết được vấn nạn tham nhũng?

Các nhà quan sát đều cho rằng chiến dịch tham nhũng tuy quy mô, đạt một số thành công nhưng vẫn chưa thể thực sự khiến hệ thống minh bạch hơn.

“Theo quan điểm tôi thì chiến dịch chống tham nhũng tạo ra một bàn đạp rất là lớn, từ đó các cấp lãnh đạo đưa ra đề xuất, cải cách, giải pháp cho hệ thống, đảm bảo cái tính minh bạch,” Nguyễn Khắc Giang nói.

Chân dung của Zachary Abuza

Trung Quốc và Việt Nam không thực sự cam kết muốn loại trừ tham nhũng, vì tham nhũng chính là nhiên liệu giúp vận hành hệ thống chính trị của họ.

Zachary Abuza, nhà nghiên cứu Đông Nam Á từ National War College, Hoa Kỳ

“Chiến dịch này chỉ thành công dài hạn nếu nó đảm bảo rằng thể chế sẽ tự chạy hệ thống chống tham nhũng sẽ tự chạy, và nó cần có sự giám sát của người dân, của các hội, các cơ quan kiểm tra độc lập và với cơ chế đóng hiện tại thì rõ ràng không thể thực hiện được.”

“Nếu nhìn vào thảo luận của Quốc hội thì Quốc hội cũng đang hướng tới điều này, tức là tăng cường nhiều mạnh hơn việc các bên thứ ba, qua tổ chức xã hội và qua người dân. Nếu chỉ chống bằng con đường từ trên xuống, bằng bàn tay thép thì tôi nghĩ là không hiệu quả lâu dài.”

Trong khi đó, chuyên gia Abuza Zachary, National War College thì nói rằng ông “không thấy chiến dịch chống tham nhũng này thành công trong việc biến đổi nền kinh tế Việt Nam và giải quyết tình trạng tham nhũng.”

“Trung Quốc và Việt Nam không thực sự cam kết muốn loại trừ tham nhũng, vì tham nhũng chính là nhiên liệu giúp vận hành hệ thống chính trị của họ.”

“Chừng nào nhà nước còn có quá nhiều sự kiểm soát đối với nền kinh tế, đối với tài sản công, khả năng tiếp cận vốn, với đất đai… chừng nào mọi quyết định về kinh tế vẫn còn tùy thuộc vào sự ảnh hưởng của đảng thì, anh vẫn sẽ có tham nhũng.

“Chừng nào anh không cho phép một nền báo chí tự do điều tra các vụ việc tham nhũng và kiểm duyệt mạng xã hội, chừng nào cái chế độ luật lệ hà khắc đối với việc phản đối ôn hòa nơi công cộng thì anh sẽ vẫn còn tham nhũng.

“Đó là lý do tại sao tôi rất hoài nghi rằng bất cứ điều gì ông Trọng đang làm là thực sự để làm sạch tình trạng tham nhũng trong nền kinh tế chính trị của Việt Nam.”

Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ tiếp tục

Vào 23/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam, sau khi đạt được tỷ lệ phiếu bầu 99,79% từ các đại biểu Quốc hội.

Điều này có thể thay đổi hoàn toàn thế cục của cuộc chiến chống tham nhũng với trong khi mọi tham vọng quyền lực đang hướng về Đại hội Đảng lần thứ 13.

“Sau khi được bầu giữ chức chủ tịch nước, ông Trọng càng có nhiều quyền lực hơn và cấu trúc quyền lực dưới sự lãnh đạo của ông cũng mang tính tập trung hơn,” Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói.

“Điều này ở một mức độ nhất định có thể có lợi cho cuộc chiến chống tham nhũng, nhất là khi người lãnh đạo cuộc chiến đó lại chính là ông Trọng,”

Cụ thể hơn là theo ông Nguyễn Khắc Giang, giờ đây với tư cách chủ tịch nước, ông Trọng sẽ phần nào nắm bắt được hoạt động của bên hành pháp và lập pháp.

Chân dung của Nguyễn Khắc Giang

Chưa thể đánh giá được quy mô và mức độ xử lý, nhưng các sự việc trong hai năm qua cho thấy ông Trọng giữ lời hứa trong việc nói ‘không có vùng cấm’ trong chống tham nhũng.

Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VERP

Quyền lực hiến định của Chủ tịch nước – cùng với chức danh Tổng Bí thư – cũng cho phép ông Trọng củng cố ảnh hưởng trong quân đội và công an.

Trong khi đó Abuza Zachary cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng chắc chắn sẽ được tiếp tục nhưng là để củng cố quyền lực của Đảng, cụ thể là của phe ông Trọng.

“Ông Trọng và các đồng minh của ông ta đang sử dụng nó cực kỳ hiệu quả để loại bỏ các đối thủ trong Ủy ban Trung ương.

“Ông Trọng đang ở một vị trí không thể đánh bại trong bối cảnh hướng tới Đại hội đảng lần thứ 13, và ông ta sẽ muốn đảm bảo rằng người học trò của mình, Trần Quốc Vượng, tiếp nối mình.”

“Tôi chắc chắn Trọng đã không thúc đẩy cho việc sáp nhập hai vị trí nếu ông ta không tự tin về điều này.”

Có lẽ mức độ thành công của chiến dịch này tới đâu thì cần phải xem xét thêm, nhưng không thể phủ nhận Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra một hình ảnh, có hành động rất cụ thể để diệt trừ tham nhũng trong bộ máy, những bản án được đưa ra cho thấy một chiến dịch thực chất chứ không chỉ là khẩu hiệu sáo rỗng.

Nhưng có xây dựng được một cơ chế mà nó sẽ thành công, sẽ tiếp tục với một vị lãnh đạo khác hay không, có lẽ tất cả vẫn sẽ vẫn phải chờ xem.

BBC

ĐỘ BỀN CỦA NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC

Gần đây tôi được gặp Cụ Trần Đình Hiến (1933), một trong những dịch giả tiếng Trung giàu kinh nghiệm nhất hiện nay, một người đã sống liên tục ở Trung Quốc mấy chục năm với nhiệm vụ làm phiên dịch chính trị cho các lãnh đạo cao cấp Việt nam mỗi khi sang TQ. Cụ có hiểu biết sâu sắc về con người, văn hóa và đất nước TQ. Trong lúc uống trà chúng tôi nhờ Cụ dự đoán xem TQ sẽ đi về đâu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay. Cụ xoay xoay chén trà nóng trong tay, ngắm nhìn làn hơi nước đang nhẹ nhàng bốc lên, nâng chén trà lên ngang miệng thoáng ngửi, định uống rồi lại đặt xuống, rồi cụ chậm rãi nói từng từ một cách dứt khoát rằng:  “Nhất đinh nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ”. Cụ không giải thích thêm vì sao. Cụ chỉ khẳng định vậy.

2.Mô hình Trung Hoa

Ý kiến của Cụ Trần Đình Hiến liên quan đến một câu hỏi lớn hơn “Tại sao đế chế Trung Hoa có thể tồn tại mấy ngàn năm, từ thời Tần Thủy Hoàng đến nay, nhiều triều đại đã hình thành và sụp đổ, nhưng đất nước ấy ngày càng to thêm, bành trướng ngày càng rộng ra, đôi khi có tỏa sáng văn hóa như là một trung tâm văn minh mang tính khu vực?”.

Thực vậy, trên thế giới có nhiều đế chế. Thời cổ thì có Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Babylon, …. Thời hiện đại thì có Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Ottoman, thực dân Anh Pháp … Các đế chế ấy đều đã sụp đổ hoặc cải biến hết. Riêng nước TQ đã tồn tại và phát triển với tư cách một đế quốc kéo dài từ cổ đại hơn 22 thế kỷ đến ngày hôm nay.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sở dĩ đế chế TQ tồn tại lâu dài vì nó được xây dựng trên mô hình Hoàng đế. Hoàng đế có “thiên mệnh” quản trị thiên hạ. Thiên mệnh là một thuật ngữ được sáng tạo bởi người TQ. Sự sáng tạo ra thuật ngữ ấy để biện minh cho tính chính danh của các triều đại. Thiên mệnh cũng biện minh cho khái niệm thinh suy trị loạn đắp đổi. Khái niệm thịnh suy trị loạn đắp đổi giải thích cho sự sụp đổ của một triều đại thối nát, được thay thế bởi một triều đại mới, với một Hoàng đế mới có thiên mệnh thay thế Hoàng đế cũ. Sự giải thích ấy mơ hồ và mê tín, thực ra thịnh suy là do mâu thuẫn giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị đã lên đến đỉnh điểm.

Thay thế khái niệm “thiên mệnh” bởi khái niệm “mâu thuẫn” thì ta thấy đế chế TQ đã kéo dài hai mấy thế kỷ những gồm những giai đoạn thịnh suy khác nhau. Thịnh suy trị loạn là do mâu thuẫn ở bên trong cái thực thể TQ đó. Sau khi hết loạn thì Hoàng đế mới lại dùng lại cơ chế quản trị và văn hóa của xã hội cũ để duy trì sự truyền ngôi trong dòng tộc mình.

Như vậy, cơ chế quản trị xã hội và văn hóa TQ có một sự bền vững nhất định nào đó. Cơ chế quản trị xã hội và văn hóa TQ đã được gợi ý bởi Khổng tử. Ông cho rằng Vua là bậc chí tôn, nghĩa vụ của dân là tuân thủ mọi mệnh lệnh của Vua, dù cho mệnh lệnh ấy đi ngược lại quyền sống của dân (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Theo lý thuyết Nho Giáo thì tự do của bậc Vua chúa là không giới hạn. Vạn vật trong trời đất đều thuộc về quyền định đoạt của Vua. Còn tự do của dân là tự do hạn chế. Người dân, đặc biệt các bậc hiền tài có quyền tự do tích lũy tri thức và năng lực của mình để thi thố với Vua. Nhờ quyền tự do hạn chế ấy một người bất kỳ có thể leo đến vị trí cao nào đó trong cơ cấu quản trị xã hội, vị trí ấy được định danh là “dưới một người trên vạn người”. Đó là vị trí của các quan. Dòng dõi của quan (ADN của người ấy) không có tính chất “thiên mệnh”.

Tóm lại xã hội TQ là một xã hội “tự do sơ khai”, trong đó quyền tự do của Vua là vô hạn, quyền tự do của dân là hữu hạn. Sự hài hòa giữa tự do hữu hạn và tự do vô hạn là cơ sở của một giai đoạn thịnh trị. Sự hài hòa ấy thường xuất hiện khi có một vị Vua hiểu biết, thường gọi là Minh Quân, biết tự hạn chế cái vô hạn của mình. Ngược lại, khi cường độ của mâu thuẫn giữa tự do vô hạn và tự do hữu hạn đạt đến một mức nào đó thì xã hội bắt đầu loạn lạc, và triều đại đó dần dần suy tàn. Lịch sử mấy ngàn năm qua của TQ là lịch sử của các giai đoạn thịnh trị và loạn lạc kế tiếp nhau. Mỗi khi triều đại mới thay thế triều đại cũ thì các vị mua mới lại tái sử dụng cơ chế quản trị xã hội cũ, cơ chế “tự do sơ khai”.

Việc tái sử dụng cơ chế “tự do sơ khai” của các triều đại đã kéo dài hơn hai ngàn năm từ thời Tần Thủy Hoàng đến nay. Người nghiên cứu cho rằng sự kéo dài ấy có nguyên nhân văn hóa. Rằng cái hay cái đẹp của văn hóa TQ làm cho các vị vua luôn thích tái sử dụng cơ chế “tự do sơ khai”.

Cơ chế “tự do sơ khai” cũng có thể ví như cái lồng (bu gà) mà Hoàng đế chụp lên toàn bộ xã hội, chụp lên mọi thân phận, mọi cuộc đời, mọi quan hệ. Người dân chỉ có quyền tự do leo lên từng nấc bậc nào đó trong những mắt lưới của cái lồng  ấy, và có thể bị hất xuống bất kỳ lúc nào.

Theo các thuật ngữ hiện đại, nguyên nhân của việc tái sử dụng cơ chế tự do sơ khai, hay tái sử dụng bu gà, nằm ở tính hiệu quả cái bu gà. Thứ nhất ý chí tự do của Vua cũng không lớn lắm. Ông ta cũng chỉ dùng quyền tự do vô hạn của mình vào các mục đích cá nhân như thể hiện uy quyền, yến tiệc, săn bắn, làm thơ, chơi gái,…. Sản vật thu được trong vương quốc đủ để thỏa mãn các nhu cầu của Vua. Mặt khác, quyền tự do vô hạn của Vua luôn bị thu hẹp bởi các quan hệ phức tạp giữa các quan, các thế lực cung đình, các bà vợ Vua, các Hoàng tử,…Còn dân thì sử dụng quyền tự do hạn chế của mình vào việc mưu cầu sống. Người dân nếu đủ khôn khéo thì cũng tạm sống. Thứ hai, chi phí bảo vệ quyền tự do không quá lớn. Vua cần một hệ thống quan lại và quân đội “vừa phải” là giữ được ngai, tức giữ được tự do (giữ được vị trí độc tài của mình). Còn “thiên mệnh” thì được bảo vệ bởi lý thuyết Nho Giáo. Thực tế, để bảo vệ tự do của mình, Vua ít khi phải dùng con bài phủ quyết là thu hẹp tối đa tự do của dân, vốn đã rất hạn chế.

Như vậy, việc tái sử dụng cơ chế “tự do sơ khai” chỉ chứng minh rằng cơ chế ấy có tính hiệu quả khá cao trong điều kiện dân trí thấp.

Tuy vậy, nhận định này chỉ đúng trong nửa đầu của lịch sử đế chế TQ từ Tần Thủy Hoàng đến năm 1127 (Năm nhà Bắc Tống mất).

Từ đời Nam Tống (sau năm 1127), cơ chế “tự do sơ khai” luôn luôn bị thách thức bởi các mẫu thuẫn mang tính toàn cầu, chứ không chỉ riêng bởi các mâu thuẫn nội tại nữa.

Thực vây, cơ chế “tư do sơ khai” đã bị đạp đổ (hay cái bu gà đã bị hất tung) nhiều lần trong nửa sau của đế chế:

-Lần thứ nhất bởi sức mạnh cơ bắp của vó ngựa Mông Cổ (năm 1279, nhà Nam Tống mất). Người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ là Thành Cát Tư Hãn. Ông là người có ý chí cao và có những đội kỵ binh vô cùng mạnh mẽ. Vó ngựa của quân Mông Cổ đã tràn khắp lục địa Á-Âu, và đã đạp đổ đế chế “tự do sơ khai” của Trung Quốc.

-Lần thứ hai bởi sức mạnh tổ chức của Mãn Thanh. Nhà Thanh khởi đầu là một dân tộc thiểu số ở Đông Bắc Trung quốc, thuộc về tộc người Nữ Chân. Họ giỏi chịu rét, rất có kỷ luật. Vua của họ chia tất cả các người dân thuộc vào một trong tám đội quân. Mỗi đội quân mang một loại cờ có mầu khác nhau. Có tất cả tám mầu cờ. Cả nước bao gồm tám binh đoàn thiện chiến, gọi là Bát Kỳ. Tổ chức chặt chẽ ấy đã đánh bại nhà Minh và lập ra nhà Thanh, đế chế cuối cùng và là đế chế rộng lớn nhất trên đất Trung Hoa.

-Lần thứ ba bởi sức mạnh hơi nước của liệt cường vào nửa sau thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20. Sức mạnh hơi nước là cách nói tắt về cuộc cách mạng công nghiệp của phương Tây. Khi đó, Phương Tây đã trải qua mấy cuộc cách mạng xã hội ở Pháp, ở Anh. Các cuộc cách mạng ấy đã tạo ra các nước tư bản có trình độ tự do cao hơn “tự do sơ khai” rất nhiều. Các nhà tư bản tổ chức sản xuất hàng hóa ở quy mô công nghiệp ngày càng lớn. Họ luôn luôn cần thị trường, tức luôn cần bán hàng. Họ dùng các đội thuyền buôn chay bằng tàu hơi nước để bán hàng, họ đàm phán thương mại để bán hàng, họ xâm chiếm thuộc địa để bán hàng. Lúc đó nhà Thanh không mở cửa và đã bị sức mạnh hơi nước đánh sập.

  1. Sự thu hẹp tự do ở Trung Quốc hiện đại

Ba lần sập đổ của cơ chế “tự do sơ khai” kể trên chứng tỏ rằng cơ chế ấy không có sức bền vĩnh viễn. Hay nói khác đi mô hình Hoàng đế của Trung Hoa không còn có thể tái sử dụng trong thời đại mới. Hơn nữa thời đại mới, thời đại của công nghệ, chính là thời đại có tự do lớn nhất trong lịch sử nhân loại, trong đó mọi người đều có quyền tự do sáng tạo tối đa, không bị hạn chế bởi bất cứ cái gì, thậm chí quyền tự do sáng tạo của một người bình thường còn lớn hơn quyền tự do giết người của các vị Hoàng đế Trung Hoa cổ đại.

Trong khi đó, sau khi thành lập nước Công Hòa nhân dân Trung Hoa năm 1949, ĐCS đã tái sử dụng lại cơ chế “tự do sơ khai” để quản trị đất nước. Bây giờ Hoàng đế không còn là một người duy nhất, nhưng lại là một tập thể bộ Chính trị với hạt nhân là Tổng bí thư. Tuy vậy, có những sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, tự do cá nhân của chủ tịch Mao còn lớn hơn tự do của các vị Hoàng đế. Mặt khác, tự do hạn chế của nhân dân còn bị cắt xén mạnh hơn thời vua chúa. Dưới thời Mao, nhân dân không những không thể tích lũy tài năng và kiến thức để vươn lên các vị trí cao trong xã hội, mà họ còn bị tước đoạt quyền sống cơ bản là quyền tự do kinh doanh (kinh doanh theo nghĩa cơ bản nhất là tìm cái cho vào miệng, nên người ta gọi kinh doanh là làm ăn). Nhân dân chỉ còn có thể kiếm sống trong các HTX và các xí nghiệp nhà nước.

Sau khi Mao chết, nước Trung Quốc có sự thay đổi về tự do cho nhân dân đôi chút. Người dân đã có thể được tự do kinh doanh để sống no đủ hơn. Ngược lại, giới tư bản thân hữu có tự do nhiều hơn dân thường và họ nhanh chóng giàu lên. Tài lực quốc gia của TQ vì vậy tăng nhanh chóng. TQ đã trở thành nước giàu thứ hai trên thế giới về kinh tế. Cùng lúc đó, chi phí để bảo vệ tự do của ĐCS tăng cao. Họ đã phải giết người để bảo vệ tự do của ĐCS (như ở Thiên An Môn, ở Tân Cương, ở Tây Tạng, hoặc giết mổ nội tạng của học viên Pháp Luân Công,….). Họ đã phải ăn cắp tự do vốn rất hạn chế của nhân dân để tăng tự do của ĐCS bằng cách thu hẹp tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản. Cho nên, mặc dù tái sử dụng mô hình bu gà, tái sử dụng cơ chế “tự do sơ khai”, ĐCS đã tái sử dụng phiên bản kém nhất của các Hoàng đế, phiên bản nô lệ. Để duy trì chế độ tự do cho riêng mình, ĐCS đã phải sử dụng một lực lượng lớn nhân viên an ninh, cảnh sát, quân đội, các hội đoàn thân đảng….

Trong khi đó, ở các nước dân chủ tiến bộ, tự do đang được phổ cập cho mọi thành viên. Nếu muốn làm chính trị, ai cũng có thể tự do phấn đấu để trở thành Tổng Thống, thậm chí là người da mầu như Obama. Nếu muốn làm giầu, ai cũng có tự do để trở thành người giàu nhất hành tinh như Bill Gate, Steve Jobs….  Nếu muốn đi vào vũ trụ, ai cũng có tự do phóng tên lửa như Elon Musk. …. Quyền tự do của một vị tổng thống và một người dân thương thực tế là bằng nhau. Lực lượng bảo vệ tự do là tất cả mọi người dân, thông qua lá phiếu của mình, chứ không phải đơn giản là các lực lượng cầm súng.

Ngược lại, ở TQ chênh lệch tự do ngày càng lớn. Sự chênh lệch ấy, trong điều kiện tức thời, là đòn bẩy độc tài làm cho kinh tế TQ giàu lên. Nhưng khi đã giàu lên, thì Hoàng đế Trung Hoa hiện đại Tập Cận Bình lại muốn áp dụng mô hình ấy ra toàn thế giới bằng “ước mơ Trung Hoa”, bằng sáng kiến “một vành đai, một con đường”. Nhưng thưa ông Tập Cận Bình, không thể áp dụng mô hình tự do thấp cho một thế giới tự do cao. Chính vì vậy, theo cụ Trần Đình Hiến, kinh tế Trung Quốc nhất định sụp đổ. Nó sẽ sụp đổ không phải vì Tổng Thống Mỹ Donald Trump, mà vì chính ý chí muốn áp đặt tự do thấp cho một hệ tự do cao. Cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang tiến hành chỉ là phản ứng của hệ tự do cao đối với ý đồ của Trung Quốc.

Nguyễn Thế Hùng

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 13-11-18

Phó tổng thống Pence đổ bộ châu Á, Mỹ hừng hực “đoạt thế trận” của TQ trước ASEAN, APEC

Phó tổng thống Pence đổ bộ châu Á, Mỹ hừng hực "đoạt thế trận" của TQ trước ASEAN, APEC
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (Ảnh: AP)

Chính quyền tổng thống Donald Trump cấp tập triển khai giai đoạn tiếp theo trong lộ trình hoàn thiện chiến lược châu Á của Mỹ, được gọi là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ công kích mạnh vào “Vành đai, Con đường”

Đại diện các quốc gia Thái Bình Dương sẽ tập trung ở thủ đô của Papua New Guinea vào tuần tới, với sự góp mặt của phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Nhiệm vụ của ông Pence là thuyết phục các đối tác Đông Nam Á rằng Mỹ cùng đồng minh của Mỹ có thể mang lại nhiều lựa chọn tốt hơn là để khu vực lọt vào sự kiểm soát kinh tế của Trung Quốc.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ vừa kết thúc hôm 7/11, với kết quả đảng Cộng hòa của ông Trump bảo vệ thành công thế đa số tại Thượng viện, giúp chính quyền duy trì thuận lợi nhất định trong quản trị đất nước.

Trong khi các cuộc đối thoại Mỹ-Trung đã được tái khởi động nhằm hạ nhiệt căng thẳng song phương, chính quyền Trump đang có bước ngoặt cơ bản về chính sách đối ngoại.

Tổng thống Trump sẽ đến Argentina vào cuối tháng để dự hội nghị thượng đỉnh G20. Ngoại trưởng Mike Pompeo đang nỗ lực dàn xếp cuộc thượng đỉnh thứ hai giữa ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Còn phó tổng thống Pence, người gây bão với lập trường tiếp cận gay gắt nhằm vào Trung Quốc hồi cuối tháng 10, thực hiện chuyến công du châu Á kéo dài đến 1 tuần (11-18/11) và đặc biệt được kỳ vọng trong bài phát biểu về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ trước lãnh đạo các thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea.

Phó tổng thống Pence đổ bộ châu Á, Mỹ hừng hực đoạt thế trận của TQ trước ASEAN, APEC - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Trump và phó tổng thống Pence (Ảnh: EPA)

Trong chuyến công du châu Á lần thứ ba này, ông Pence sẽ tới Nhật Bản, Singapore và Australia, đại diện cho Mỹ tại hội nghị cấp cao ASEAN và hội nghị cấp cao Đông Á(EAS) – sự kiện thường niên quan trọng của các lãnh đạo châu Á. Ông cũng có lịch trình gặp gỡ lãnh đạo Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam, Australia, Malaysia và New Zealand.

Chuyến đi diễn ra vào thời điểm then chốt trong quan hệ giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á, và tiến trình thực thi chiến lược của chính quyền Trump với Trung Quốc.

“Ông ấy (Mike Pence) sẽ đến khu vực [Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương] với thông điệp quyết đoán rằng Mỹ và các đối tác đang hành động trên cả khu vực để củng cố khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở,” tờ Washington Post trích lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng.

Ông Pence được cho là sẽ thực hiện sứ mệnh “đắp da đắp thịt” để làm rõ hơn cho thế giới về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà tổng thống Trump lần đầu đề cập khi tới Việt Nam dự hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 năm ngoái.

Theo WaPo, ông Mike Pence sẽ không chỉ trích trực diện chính phủ Trung Quốc như ông đã làm trong bài phát biểu gần đây tại Mỹ. Kế hoạch của ông là củng cố luận điểm rằng tầm nhìn của Mỹ với khu vực là tốt hơn đối với các đối tác, cả về kinh tế và chính trị, và sự cam kết của Washington với khu vực là thực tế.

Các cuộc đàm phán Mỹ-Trung cũng tái khởi động trước thời điểm nóng ông Mike Pence công du châu Á. Hai cường quốc hy vọng tìm ra giải pháp vượt qua mâu thuẫn trong nhiều lĩnh vực từ thương mại tới quân sự.

Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad nói rằng Washington không cố tình đối đầu với Trung Quốc để trục lợi.

Ông Branstad nói, “Chúng tôi muốn đây là một mối quan hệ mang tính xây dựng, hướng tới kết quả với phía Trung Quốc. Mỹ không cố gắng đối đầu với Trung Quốc, nhưng chúng tôi muốn công bằng và có đi có lại.”

Dù vậy, việc các nước Đông Nam Á tin vào khả năng của chính quyền Trump hay lời hứa gây dựng một giải pháp đối trọng với sự bành trướng toàn diện của Trung Quốc lại là một câu hỏi khác.

Bắc Kinh đã đổ nhiều tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, cũng như đầu tư mạnh tay trong nhiều lĩnh vực khác thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường. Cho đến nay, các chính sách đối trọng của Mỹ chưa phát huy được nhiều tác dụng.

Các quan chức Mỹ cho hay, phó tổng thống Pence sẽ đưa những tuyên bố khẳng định rằng nguồn vốn tư nhân từ các công ty Mỹ, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ cho phát triển hạ tầng công nghệ, là “lành mạnh” hơn các chương trình cho vay vốn dễ dãi của Bắc Kinh.

“Vành đai và Con đường là đường một chiều,” một quan chức chính phủ Mỹ bình luận. “Đây là quân bài chính trị và địa chiến lược của chính phủ Trung Quốc nhằm thâm nhập vào nền chính trị các nước và tăng cường các lựa chọn đặt căn cứ quân sự dưới vỏ bọc hỗ trợ phát triển.”

Phó tổng thống Pence đổ bộ châu Á, Mỹ hừng hực đoạt thế trận của TQ trước ASEAN, APEC - Ảnh 2.

Ông Mike Pence ngồi cạnh thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông 2018 ở Pyeongchang, Hàn Quốc (Ảnh: AP)

Trung Quốc củng cố “thế trận” ở châu Á

Trong khi đó, ban lãnh đạo Trung Quốc cũng triển khai các chiến dịch ngoại giao quy mô để củng cố sự ủng hộ từ các đối tác tại những hội nghị quốc tế quan trọng sắp tới.

Trước tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại và các hậu quả của chiến tranh thương mại với Mỹ đang nổi lên, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới Singapore từ ngày thứ Hai (13/11) để tiến hành chuyến công du 5 ngày, bao gồm việc tham dự hội nghị cấp cao ASEAN.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Papua New Guinea vào cuối tuần, nơi ông có cơ hội tiếp xúc với phó tổng thống Mỹ Pence.

Chuyến thăm Singapore của ông Lý, giống như nhiều chuyến công du của các lãnh đạo Trung Quốc, được mở đường bằng một bài viết ký tên ông, đăng trên truyền thông bản địa. Ở bài xã luận gửi báo Strait Times, ông Lý Khắc Cường nêu rõ lập trường chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

“Mở cửa là điều bắt buộc phải kiên trì theo đuổi, bởi vì đây không chỉ là một giải pháp mà còn là một quan niệm – điều phải trải qua thử thách mới có thể trở nên vững chãi hơn,” thủ tướng Trung Quốc viết.

“Trung Quốc đã mở cửa với thế giới. Chúng tôi sẽ không bao giờ đóng lại, thậm chí sẽ còn mở rộng cửa hơn nữa.”

Phó tổng thống Pence đổ bộ châu Á, Mỹ hừng hực đoạt thế trận của TQ trước ASEAN, APEC - Ảnh 3.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường duyệt đội danh dự cùng thủ tướng chủ nhà Lý Hiển Long khi đến thăm Singapore, ngày 12/11 (Ảnh: Reuters)

Hồi tuần trước, ông Mike Pence đã có thông điệp được cho là gián tiếp nhằm vào Bắc Kinh, đồng thời trấn an đồng minh ở châu Á về mức độ cam kết của Washington.

“An ninh và thịnh vượng của đất nước chúng ta phụ thuộc vào khu vực quan trọng này, và Mỹ sẽ tiếp tục bảo đảm rằng tất cả các nước, dù là nước lớn hay nước nhỏ, có thể phát triển thịnh vượng trong một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở,” ông Pence viết trên báo WaPo.

“Những nước chèn ép chính người dân của họ thì cũng thường xuyên xâm phạm chủ quyền của các láng giềng. Chủ nghĩa bá quyền và gây hấn không có chỗ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Liu Weidong, chuyên viên phân tích các sự vụ Mỹ-Trung thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), cảnh báo ông Pence đến châu Á với mục đích lôi kéo các láng giềng của Trung Quốc gia nhập quỹ đạo Mỹ.

“Ông Pence đang cố cạnh tranh chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tô đậm mối đe dọa từ Trung Quốc và cam kết của Mỹ với khu vực,” Liu nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).

Còn theo Song Junying, chuyên gia về vấn đề Đông Nam Á của CASS, các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc sẽ tìm giải pháp thu hẹp khác biệt Mỹ-Trung, hơn là để bị kéo vào cuộc cạnh tranh có thể dẫn tới sụt giảm tăng trưởng trên diện rộng.

“Dù chiến tranh thương mại khiến Mỹ mở cửa nhiều hơn với hàng hóa nhập khẩu từ những nước khác, gồm các nước Đông Nam Á, song căng thẳng Mỹ-Trung sẽ làm tất cả các nước thiệt hại nếu còn tiếp diễn,” Song nói.

Mỹ và Trung Quốc có mâu thuẫn lợi ích trong nhiều vấn đề như biển Đông và Đài Loan, được thể hiện trong nhiều trao đổi cấp cao thời gian qua.

Tiếp xúc cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hồi tuần trước, ông Tập Cận bình nói Trung Quốc muốn giải quyết bất đồng với Mỹ bằng đối thoại, nhưng Mỹ cần tôn trọng những lợi ích và con đường phát triển riêng của Bắc Kinh.

Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung lần 2, diễn ra hôm 9/11, giữa bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và chủ nhiệm Ủy ban công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, cũng thể hiện điều tương tự.

Theo ông Dương, Trung Quốc tin rằng “không quốc gia nào nên lợi dụng bất kỳ cái cớ nào để thúc đẩy quân sự hóa trong khu vực”, trong khi ông Mattis nói Mỹ chia sẻ “mối quan ngại tiếp diễn về hoạt động và hành vi quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông”.

Theo Thời đại