Những sát thủ đáng sợ nhất trong thế giới thằn lằn

Phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và Australia, họ Kỳ đà (Varanidae) gồm những loài thằn lằn lớn nhất còn tồn tại. Là những kẻ săn mồi nhanh nhẹn, chúng có thân dài, chân khỏe, một số loài tiết nước bọt có độc.

Kỳ đà thạch nam (Varanus rosenbergi) dài 1,5 mét, phân bố gần bờ biển phía Nam Australia. Loài kỳ đà này đào bới rất khỏe. Nhanh nhẹn và dẻo dai, chúng có thể săn những con mồi khá lớn.

Kỳ đà hoa (Varanus salvator) dài 2 mét, sống trong rừng mưa và các sinh cảnh ẩm ướt ở Nam Á, thường cư trú gần nguồn nước. Kích thước lớn cho phép chúng săn được nhiều loại con mồi khác nhau.

Kỳ đà vân (Varanus bengalensis) dài 1,7 mét, phân bố rộng rãi ở khu vực Đông Nam Á và tiểu lục địa Ấn Độ. Con non của chúng chủ yếu ăn thực vật, trong khi con trưởng thành săn côn trùng, động vật có xương sống nhỏ và trứng chim.

Kỳ đà xavan (Varanus exanthematicus) dài 1,3 mét, sống trong sinh cảnh xavan ở khu vực châu Phi Hạ Sahara. Chúng có các chi mạnh mẽ dùng để đào bới, bộ hàm khỏe và răng cùn, giống như răng cưa.

Kỳ đà khổng lồ Úc (Varanus Giganteus) dài 2,5 mét, là loài thằn lằn lớn nhất Australia, sống ở các vùng khô hạn của châu lục này. Dù kích thước lớn, chúng khá nhút nhát. Nước bọt của loài này có độc tính nhẹ.

Kỳ đà sông Nile (Varanus niloticus) dài 2 mét, là loài bò sát lớn thứ hai châu Phi, chỉ sau cá sấu. Chúng ăn cả xác thối bên cạnh các loại thức ăn thông thường của kỳ đà.

Kỳ đà cát (Varanus gouldii) dài 1,4 mét, sống ở các khu rừng thưa hay đồng cỏ khắp Australia. Chúng tích cực săn đuổi bất cứ động vật nào nhỏ hơn mình.

Kỳ đà đốm vàng (Varanus panoptes) dài 1,4 mét, phân bố ở Australia và phía Nam đảo New Guinea. Chúng săn các loài bò sát khác và hiếm khi xuất hiện xa nguồn nước.

Chùm ảnh: Những sát thủ đáng sợ nhất trong thế giới thằn lằn

Rồng komodo (Varanus komodoensis) dài 3,1 mét, là loài thằn lằn lớn nhất thế giới, chỉ có ở một số hòn đảo của Indonesia. Là loài săn mồi đáng gờm, chúng chuyên săn những con thú lớn bằng cú đớp mạnh, nước bọt có độc tính.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Abdulrazak Gurnah – người viết về hậu thuộc địa – đạt Nobel Văn chương

Nhà văn gốc Tanzania Abdulrazak Gurnah, người chuyên viết về những trải nghiệm của người tị nạn, di cư và hoàn cảnh hậu thuộc địa, là chủ nhân giải Nobel Văn chương 2021.

Ủy ban Nobel ngày 7/10 công bố giải Nobel Văn chương năm 2021 thuộc về tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah “vì sự thâm nhập kiên định và nhân ái của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”.

Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948 và lớn lên trên đảo Zanzibar nhưng đến Anh tị nạn vào cuối những năm 1960. Cho đến khi nghỉ hưu gần đây, ông là Giáo sư tiếng Anh và Văn học Hậu thuộc địa tại Đại học Kent, Canterbury.

Abdulrazak Gurnah bắt đầu viết văn khi mới 21 tuổi trong lúc lưu vong, đến nay đã xuất bản 10 tiểu thuyết và một số truyện ngắn. Người tị nạn là chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của ông. Dù tiếng Swahili là tiếng mẹ đẻ của ông, tiếng Anh đã trở thành công cụ văn học của ông.

Theo British Council Literature, các nhân vật của Gurnah bị kẹt giữa các nền văn hóa và lục địa, và luôn sống trong trạng thái không an toàn mà họ không bao giờ có thể giải quyết được. Họ phải liên tục đổi mới bản thân để phù hợp với môi trường mới của họ. Họ không ngừng tìm cách dung hợp giữa cuộc sống mới và quá khứ.

Gurnah, giống như các nhân vật của mình, đã phải rời quê hương Zanzibar và di cư đến Anh khi mới 17 tuổi, danh tính là một vấn đề luôn thay đổi. Các nhân vật chính của ông luôn tìm cách để xáo trộn danh tính cố định của những người họ gặp được tại nơi mà họ di cư đến.Chân dung Abdulrazak Gurnah. Ảnh: Viện hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển.

Nobel Van hoc 2021 anh 1

Nhà phê bình văn hóa Paul Gilroy đã chỉ ra: “Khi bản sắc quốc gia và dân tộc được đại diện và thể hiện là thuần khiết, thì việc tiếp xúc với sự khác biệt sẽ đe dọa những bản sắc này, pha loãng và làm ảnh hưởng đến sự tinh khiết quý giá của chúng, khiến chúng có khả năng bị ô nhiễm. Phải đề phòng sự giao nhau như hỗn hợp và chuyển động”. Các nhân vật chính trong tiểu thuyết của Gurnah thể hiện sự ô nhiễm danh tính của người khác thông qua sự khác biệt của họ.

Theo đó, khi người kể chuyện giấu tên trong cuốn Admiring Silence (1996) đến gặp bố mẹ của bạn gái để nói với họ rằng con gái họ đang mang thai, họ nhìn anh ta với sự căm ghét vì giờ đây con gái họ sẽ “phải sống với một loại ô nhiễm trong suốt phần đời còn lại. Cô gái sẽ không thể trở thành một phụ nữ Anh bình thường để sống đơn giản ở Anh giữa những người Anh nữa”.

Là một người nhập cư đến một đất nước xa lạ, Gurnah ý thức rằng “đối với một số độc giả tiềm năng của tôi, có một cách nhìn nhận về tôi mà tôi phải tính đến. Tôi nhận thức được rằng tôi sẽ đại diện cho bản thân trước những độc giả có lẽ coi bản thân là chuẩn mực, không có văn hóa hay sắc tộc, không có sự khác biệt”.

Nobel Van hoc 2021 anh 2

Abdulrazak Gurnah có ý thức phá vỡ quy ước, thay đổi quan điểm thuộc địa để làm nổi bật quan điểm của các cộng đồng bản địa. Vì vậy, cuốn tiểu thuyết Desertion (2005) của ông về việc ngoại tình đã trở thành một sự mâu thuẫn thẳng thừng với cái mà ông gọi là “mối tình lãng mạn”.

Cuốn tiểu thuyết thứ tư Paradise (1994) là bước đột phá của ông với tư cách là một nhà văn, được phát triển từ một chuyến đi nghiên cứu đến Đông Phi vào khoảng năm 1990. Đó là một câu chuyện về tuổi mới lớn và một câu chuyện tình buồn trong đó xảy ra va cham giữa những thế giới và hệ thống niềm tin khác nhau.

Năm trước, Nobel Văn chương 2020 được trao cho nhà thơ người Mỹ Louise Glück “vì giọng thơ độc đáo không thể nhầm lẫn, với vẻ đẹp khắc khổ làm cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát”.

Mỗi năm, Ủy ban Nobel trao các giải thưởng trong 6 lĩnh vực gồm y sinh học, vật lý, hóa học, văn học, khoa học kinh tế và hòa bình. Người giành giải Nobel sẽ được trao bằng chứng nhận, huy chương giải Nobel, và giải thưởng bằng tiền trị giá khoảng 1,1 triệu USD.

Hồng Ngọc / Zing

Từ tiểu thuyết ‘Tắt lửa lòng’ của Nguyễn Công Hoan đến ‘Chuyện tình ‘Lan và Điệp’

“Tôi kể người nghe, đời Lan và Điệp, một chuyện tình cay đắng. Lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ đem viết thành bài ca…”. Khác với những ca khúc lấy cảm hứng từ kho tàng truyện cổ, 3 bản Chuyện tình Lan và Điệp lại được lấy cảm tác từ một cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn đầu thế kỷ 20: tiểu thuyết Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan.

Trong 3 bản Chuyện tình Lan và Điệp thì ca khúc 1 rất quen thuộc với công chúng, nhất là ở phía Nam. Nó được mở đầu bằng câu: “Tôi kể người nghe, đời Lan và Điệp, một chuyện tình cay đắng. Lúc tuổi còn thơ tôi vẫn thường mộng mơ đem viết thành bài ca…”. Nhiều người nhầm tưởng là nhạc sĩ đã được nghe một câu chuyện truyền khẩu và kể lại bằng âm nhạc, nhưng thực ra câu chuyện bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan (xuất bản năm 1933).

Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) quê quán làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên). Ngay từ lúc văn học quốc ngữ còn non nớt, ông đã đóng góp tích cực cho sự phát triển văn xuôi Việt Nam, xứng đáng là một trong những con chim đầu đàn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Suốt hơn 50 năm cầm bút, di sản văn học của ông để lại thật phong phú với đủ các thể loại như tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, hồi ký…

Tác phẩm chính: Kiếp hồng nhan (1923), Tắt lửa lòng (1933), Lệ Dung (1934), Kép Tư Bền (1935), Ông chủ; Bà chủ (1935), Bơ vơ (1936), Nhật ký cô làm công (1936), Bước đường cùng (1938), Thanh Đạm (1942), Nông dân và địa chủ (1955), Tranh tối tranh sáng (1956), Hỗn canh hỗn cư (1961), Đống rác cũ (tập I – 1963), Đời viết văn của tôi (1971) và rất nhiều truyện ngắn.

Riêng tiểu thuyết Tắt lửa lòng có thể tóm tắt như sau: Điệp – một học sinh nghèo tỉnh lẻ và Lan, con gái một ông Tú làng – ân nhân của gia đình Điệp. Điệp và Lan được gia đình hai bên hứa hôn, họ thương yêu nhau rất mực bằng một tình cảm trong sáng, trân trọng nhau. Tuy nhiên, do mắc mưu của một quan phủ, Điệp phải phụ tình Lan để cưới Thúy Liễu, con gái ông quan phủ. Lan ôm mối tình tuyệt vọng, vào chùa cắt tóc đi tu… Sau này, quá chán ngán mối lương duyên hờ với Thúy Liễu nên Điệp đã li dị. Chàng sống một mình, tu tâm học hành và trở thành một bác sĩ giỏi. Điệp đã nhiều lần đến chùa tìm Lan nhưng không gặp được…

Mãi đến mười mấy năm sau, khi Lan lâm bạo bệnh do quá sầu não, chàng mới được phép đưa nàng về nhà chữa trị, nhưng đó cũng là những giây phút cuối cùng của Lan. Nàng lìa đời bỏ lại một mối tình đầy ray rứt.

…đến trường ca Chuyện tình Lan và Điệp

Tác giả của 3 ca khúc Chuyện tình Lan và Điệp là Mạc Phong Linh – Mai Thiết Lĩnh (đây là một trong những bút danh của nhóm Lê Minh Bằng, gồm 3 nhạc sĩ: Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Tuy ký tên chung nhưng hầu hết những sáng tác của nhóm đều do Anh Bằng viết, 2 người kia chỉ góp ý, sửa chữa chút ít).

Nhạc sĩ Lê Dinh giải thích việc sở dĩ nhóm này lấy nhiều bút danh (Lê Minh Bằng, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Cầm, Tôn Nữ Thụy Khương, Giang Minh Sơn…) như sau: “Chúng tôi muốn thử nghiệm một loại nhạc hợp với đa số người thưởng thức, giản dị, nhạc dễ nhớ, lời dễ hiểu, dễ thuộc… nếu nó có được khán thính giả chấp nhận thì là một điều hay, còn nếu không thì cũng chẳng sao, không ảnh hưởng gì đến tên tuổi của 3 anh em chúng tôi. Nhưng chúng tôi không ngờ, những bài như Chuyện Tình Lan và Điệp 1Cô Hàng Xóm và nhiều bài khác – cũng thuộc loại bài có lời ca hợp với đa số người bình dân – lại được phần đông mến chuộng. Bằng cớ là mỗi lần xuất bản 10.000 bản, chỉ trong vòng một tuần lễ là hết sạch, các đại lý yêu cầu tái bản tới tấp, chúng tôi phải có mặt suốt đêm ở nhà in Tương Lai, đường Trần Hưng Đạo, để lo in cho kịp, có nhiều bài mức phát hành lên đến cả trăm ngàn bản…”.

Nếu trong tiểu thuyết, nhà văn kể lại các sự việc qua góc nhìn của Điệp thì trong các ca khúc, nhạc sĩ lại tập trung vào tâm trạng của Lan, và có những “điểm nhấn” khác nhau. Ở ca khúc 1, là câu “…Lần cuối gặp nhau Lan khẽ nói: Thương mãi nghe anh, em yêu anh chân tình, nếu duyên không thành –  Điệp ơi, Lan cắt tóc quên đời vì anh…” nghe vừa dễ thương vừa xót xa, thương cảm.

Ở ca khúc 2 là: “…Những chiều phai nắng, nàng thường ra ngồi gốc bồ đề, đem bao tâm sự gửi vào hư vô, vì Lan cố tìm quên. Nhưng một ngày kia nàng bắt bướm đặt kề bên cánh lan. Hoa cùng với bướm, ép chung một trang sách chôn cùng một nấm mồ… Ai đã từng yêu, cảm thông nỗi niềm đau thương với nàng. Mối tình đầu tiên nàng đành chôn vùi theo đôi bướm hoa…”. Tuy đã quy y, lánh xa cõi trần, nhưng “Nàng không sao xóa tình yêu xưa cũ, dẫu cho con thuyền neo bến đường tu…” nên đã bắt một con bướm (Điệp) đặt nằm kề bên cánh hoa lan (mình) trên trang giấy, rồi đem chôn chung. Cảnh tượng thật mủi lòng.

1

Ở ca khúc 3 là: “…Chiều nay cũng như bao lần rồi Lan ra sân đứng khóc cô đơn. Chợt nghe tiếng chuông reo từng hồi xa xa, ai đến viếng thăm chùa. Trời vô tình đã khiến xui nên cơn ly tan, cớ sao vẫn còn xúi người yêu đi thăm Lan. Điệp nhìn Lan không nói, đôi lòng chung đắng cay ứa lệ không lời… Điệp ơi, duyên lỡ làng rồi thôi đành chờ kiếp sau, đừng đem ân tình thương nhớ đến đây chỉ thêm sầu. Cánh cửa trần tu, khép lại rồi mà chuông còn reo mãi, Lan giận đời nên nàng cắt đứt giây chuông từ lưu luyến…”.

Cả 3 ca khúc được thể hiện bằng điệu Bolero dễ hát, nên được phổ biến rộng rãi trong công chúng, nhất là tầng lớp bình dân. Kể từ lúc sáng tác (năm 1965) đến nay đã hơn nửa thế kỷ, và hứa hẹn sẽ còn sống mãi…

Năm 2016 tại TPHCM, một ca sĩ trẻ là Hamlet Trương đã “thử sức” mình khi viết tiếp Chuyện tình Lan và Điệp 4, là góc nhìn từ phía Điệp trong một chiều lên thăm Lan ở chùa. Tuy nhiên, còn quá sớm để đánh giá về ca khúc rất mới này.

Hà Đình Nguyên / (Nguồn : thesaigontimes.vn)

Chuyện về một nữ khoa học gia gốc Việt của Hải Quân Hoa Kỳ

“Tôi may mắn không chỉ có gia đình mà còn nhiều bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ để có sự thành công ngày hôm nay. Tôi phải chia sẻ lại, giúp đỡ lại cho thế hệ sau để họ cũng có cơ hội làm việc tốt. Đó là cách tôi hoài niệm cuộc sống!

Nữ khoa học gia người Mỹ gốc Việt Sharon Nicholas (Nguyễn Uyên Trang) tại Trung Tâm Tác Chiến Mặt Nước của Hải Quân Mỹ. Ảnh: Nathan Fite/US Navy

CORONA, CA  – “Lúc nào cũng phải cố gắng hết khả năng của mình, quan trọng là phải biết chấp nhận thất bại, biết điểm yếu của mình. Khi thành công rồi thì chia sẻ, hướng dẫn lại cho thế hệ sau.” Quan điểm này được nữ khoa học người Mỹ gốc Việt Sharon Nicholas (tên Việt là Nguyễn Uyên Trang), làm việc ở Trung Tâm Tác Chiến Mặt Nước của Hải Quân Mỹ (Naval Surface Warface Center – NSWC) ở Corona, CA, gọi là “một cách hoài niệm cuộc sống.”

Vượt qua nhiều thử thách

Như những gia đình Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) khác, sau biến cố 1975, cha của Sharon Nicholas, ông Nguyễn Phú Tấn, vốn là sĩ quan Hải Quân VNCH, phải chịu năm năm “tù cả tạo.” Đó là thời gian vô cùng khó khăn cho gia đình ông, khi để lại nhà người vợ vất vả nuôi bốn người con khôn lớn.

“Tất cả đều bị chế độ mới lấy hết. Chị em tôi còn nhỏ, nhưng đều phải phụ giúp mẹ làm mọi chuyện để sống qua ngày. Mẹ tôi làm rất nhiều việc để có tiền. Tôi là con thứ, nên vừa học vừa làm phụ mẹ vừa chăm em. Ví dụ như bán trái cây để phụ tiền mua gạo,” cô Sharon kể lại những năm tuổi thơ của mình.

Sharon không quên sự nhọc nhằn mà mẹ cô phải trải qua suốt những năm tháng đó. Ngoài việc “chạy ăn” từng bữa, nuôi bốn người con gái khôn lớn, bà phải chắt chiu tiền để đi thăm chồng đang “tù cải tạo” ở Kon Tum.

“Mỗi lần đi phải đón xe khuya từ Biên Hoà đến Kon Tum, có những ngày mưa gió nữa, rất cực,” cô nói.

Mẹ của Sharon Nicolas và năm người con gái. Ảnh: Sharon Nicolas cung cấp

“Người phụ nữ Việt Nam, nhất là người vợ, người mẹ của lính VNCH phải hy sinh rất nhiều. Mẹ của tôi cũng như thế. Bà vừa phải một mình nuôi bốn chị em tôi, vừa thăm nuôi chồng trong năm năm. Rồi sau khi cha tôi trở về, 10 năm sau đó, bà tiếp tục nuôi con một mình.”

Sau năm năm “tù cải tạo”, cha của cô “được” trở về nhà. Khó khăn cho ông và gia đình chưa dừng ở đó. Khi ấy, thẻ căn cước (chứng minh nhân dân) đối với người lính Việt Nam Cộng Hoà hay người tù cải tạo là điều “không thể mơ ước”. Cha của Sharon không ngoại lệ. Không có thẻ căn cước đồng nghĩa với việc nhân thân “không hợp lệ” đồng nghĩa với việc không thể tìm việc làm. Chị em của Sharon cũng chỉ có thể học hết trung học rồi đi tìm việc làm. Giảng đường đại học là giấc mơ xa vời với chị em cô vì “muốn thi vào đại học thì phải có đơn ký nhận của chính quyền địa phương chấp nhận cho mình có được đi thi hay không.”

Cha của Sharon quyết định phải tìm một nơi nào đó để sống và nuôi gia đình. Quyết định đó không gì khác hơn, là “vượt biên” vào năm 1980. Khi ấy, mẹ của Sharon đang mang thai người con gái thứ năm.

“May mắn là ông đã đến nơi an toàn vào. Ông được hàng không mẫu hạm USS Robinson (DDG12) của Hải Quân Mỹ cứu vớt. Ông cùng với USS Robinson trải qua 45 ngày phục hồi ở Thái Lan. Sau đó, ông lại được đưa sang Malaysia để dạy tiếng Anh cho những thuyền nhân Việt ở đó. Một thời gian sau thì ông đến Mỹ,” Sharon kể lại.

Khoảng mười năm sau, năm 1991, cũng vào Tháng Tư, gia đình cô trùng phùng ở Mỹ.

Ông Nguyễn Phú Tấn (trái) trên mẫu hạm USS Robinson đã cứu ông. Ảnh: Sharon Nicolas cung cấp.

Tin vào một chữ ‘Duyên’

Khi được hỏi: “Điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của cô khi đặt chân đến Mỹ là gì?” Sharon trả lời ngay: “Đó là phải học tiếp!”

Cũng như những người gốc Việt không sinh trưởng ở Mỹ, tiếng Anh là rào cản lớn nhất với Sharon. Do đó, cô tự nhủ với bản thân phải “cố gắng gấp 10 lần người khác.”

Cô gái 19 tuổi thông minh, nghị lực tìm đủ mọi cách để vượt qua trở ngại đó. Một trong những cách “đỡ tốn kém” và nhanh nhất là “lấy kiến thức đổi ngôn ngữ.”

“May mắn cho tôi là khi tôi học ở college, tôi giỏi về Toán, Hoá, Lý. Thời gian rảnh, tôi làm ‘tutor’ cho các bạn sinh viên người Mỹ, ngược lại họ dạy tôi tiếng Anh. Đó là cách tôi học Anh ngữ nhanh hơn.”

Tấm bằng tốt nghiệp cử nhân Toán của trường University of California, Riverside là kết quả đẹp và hoàn toàn xứng đáng với sự nỗ lực không ngừng của cô con gái của người lính VNCH. Nhưng, may mắn chưa thật sự mỉm cười với Sharon. Bài toán cuộc đời kế tiếp cô phải giải là tìm việc làm đúng với chuyên ngành.

“Khi ra trường, ngành Toán của tôi rất khó tìm việc, trừ khi mình học lên tiếp lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ hoặc mình phải đổi nghề. Trong thời gian đi học, mấy chị em tôi có lấy tấm bằng về làm đẹp (cosmetic). Thế là có cơ hội lấy ra dùng. Tôi đi làm trong một tiệm nail salon, và tự nhủ mình chưa có duyên tìm được việc,” cô kể lại giai đoạn thử thách của 20 năm trước.

Cô vui vẻ đón nhận những gì cuộc đời trao đến và tin vào chữ “duyên” của công việc sẽ đến. Nhớ lại những ngày đó, Sharon biết ơn người chủ tiệm nail tốt bụng đã luôn thông cảm cho cô tân cử nhân chưa tìm được việc làm, nên ưu ái cho cô được vắng mặt bất cứ khi nào cô có cuộc gọi phỏng vấn

Sharon Nicolas và gia đình trong ngày cưới. Ảnh: Sharon Nicolas cung cấp.

Hàng trăm lá đơn xin việc được gửi ra. Sharon không nản chí. Cho đến một ngày, sự bền chí của cô được đền đáp. Tình cờ, một người khách của cô là nhân viên phòng nhân sự của Quest Diagnostics America cho biết công ty đang tuyển nhân viên. Thế là, lá đơn xin việc của cô gái với chuyên ngành Toán, và giỏi về Lý, Hoá được gửi đến. Cô được nhận vào làm nhân viên của Quest.

Vẫn chưa hết, vì đây là lúc “duyên” thật sự đến với Sharon. Cô kể:

“Tôi làm ở Quest được một năm. Rồi cũng là cái duyên, một chú người Việt cùng làm ở Quest biết được ‘major’ của tôi, khuyến khích tôi nộp Resumé vào NSWC. Năm đó, nhiều căn cứ Hải Quân Mỹ trong tình trạng thiếu người. Căn cứ ở Corona đang cần người có chuyên ngành về Toán. Thế là tôi được nhận và làm cho NSWC đến nay là 20 năm.”

Cô cười nói vui: “Khi duyên chưa đến, thì 200, 300 lá đơn xin việc không ai để ý. Khi duyên đến thì nó đến tới tấp.”

Quyết định độ an toàn của thiết bị kỹ thuật thuộc Hải Quân Mỹ

Sharon Nicolas là một trong những nữ khoa học gia hiếm hoi gốc Việt của Hải Quân Hoa Kỳ. Nhóm làm việc của cô có trách nhiệm phân tích dữ liệu, kiểm tra tính chuẩn xác, an toàn của các thiết bị kỹ thuật của hàng không mẫu hạm Mỹ cũng như của toàn bộ binh chủng Hải Quân Mỹ.

Trong phạm vi của những gì có thể chia sẻ, Sharon nói rõ hơn về công việc “nặng ký” này:

“Tất cả những dụng cụ, trang thiết bị của hải quân đều phải qua nhóm của tôi để kiểm tra, bảo dưỡng đúng thời hạn. Hãy hình dung thế này, mình chạy một chiếc xe, để cho nó vận hành tốt, an toàn thì mình phải đưa xe đi bảo trì thường xuyên. Những trang thiết bị của hải quân cũng thế. Nhóm của tôi làm việc chung với nhóm kỹ sư để kiểm tra, thu thập dữ liệu của các máy móc đó, đảm bảo độ an toàn, chính xác của máy móc trên tàu trong suốt thời gian các mẫu hạm đi triển khai quân sự.”

Các hàng không mẫu hạm Mỹ luôn có nhiệm vụ triển khai diễn tập quân sự (deploy), thường kéo dài từ vài tháng đến một năm. Áp lực của nhóm các khoa học gia, trong đó có Sharon, cũng chính là đây. Theo lời cô kể, cũng vài lần, khi một hạm đội chuẩn bị đi làm nhiệm vụ mà dụng cụ trên tàu mua về không kịp thời gian để chuẩn bị dữ liệu, đo lường độ chính xác.

“Đó là những áp lực mà hầu như tháng nào nhóm tôi cũng gặp phải. Mỗi khi có thiết bị kỹ thuật mới về cho mẫu hạm nào đó, chúng tôi có nhiệm vụ thiết lập thông số kỹ thuật cho máy đó,” cô nói.

Trong thời gian các hàng không mẫu hạm đi triển khai quân sự, nếu các dụng cụ kỹ thuật trên tàu bị lỗi vận hành, tàu sẽ gửi dữ liệu về nhóm của Sharon. Cô và các đồng nghiệp sẽ “chữa bệnh” từ xa, từ NSWC.

“Sau khi xem xét, chúng tôi sẽ quyết định sửa chữa hay đề nghị mua thiết bị mới,” cô nói.

Sharon Nicolas còn là thành viên nhóm Vietnamese American Community ở Garden Grove và Free Wheelchair Mission, là nhóm hỗ trợ xe lăn cho những đồng bào khuyết tật khó khăn trong nước. Ảnh: Sharon Nicolas cung cấp.

‘Ơn đền nghĩa trả’

Hạnh phúc của cô gái đầy nghị lực này còn mang một ý nghĩa khác lớn hơn, đó là ngày xưa, cha của cô là lính Hải Quân VNCH, được hàng không mẫu hạm USS Robinson cứu vớt. Ngày nay, tuy không là lính hải quân, nhưng cô được vinh dự phục vụ cho Hải Quân Mỹ, trả ơn cho đất nước đã cưu mang gia đình cô.

“Nước Mỹ mang đến cho mọi người, trong đó có tôi nhiều cơ hội để vươn lên và thành công. Điều quan trọng với tôi là mình phải ‘give back’ cho thế hệ sau. Có nhiều cách, ví dụ như mình là người đi trước, hướng dẫn, chỉ dạy cho các em. Trong phòng ban của tôi có nhiều người trẻ mới vào, mình phải tận tâm chỉ cho họ cách làm việc sao cho đúng. Thành quả công việc tốt, cũng là cách mình trả ơn cho nước Mỹ,” cô chia sẻ về cách sống mà cô hướng đến.

Đó là trong công việc, còn ngoài xã hội, cô luôn tự nhủ “những gì chúng ta có thể giúp được người khác thì nên làm.”

Sharon Nicolas là thành viên nhóm Vietnamese American Community ở Garden Grove và Free Wheelchair Mission, là nhóm hỗ trợ xe lăn cho những đồng bào khuyết tật khó khăn trong nước.

“Tôi may mắn không chỉ có gia đình mà còn nhiều bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ để có sự thành công ngày hôm nay. Tôi phải chia sẻ lại, giúp đỡ lại cho thế hệ sau để họ cũng có cơ hội làm việc tốt. Đó là cách tôi hoài niệm cuộc sống,” Sharon Nicolas nói.


Kalynh Ngô
 / Saigon Nhỏ

Facebook bị “đánh” hội đồng, Mark Zuckerberg chìm trong tâm bão chỉ trích

Facebook bị "đánh" hội đồng, Mark Zuckerberg chìm trong tâm bão chỉ trích
MẠNG XÃ HỘI LỚN NHẤT THẾ GIỚI ĐANG BỊ CÁC NHÀ LẬP PHÁP, NGƯỜI DÙNG CÀ THẬM CHÍ CẢ NHỮNG NHÀ ĐẦU TƯ ĐƯA VÀO TẦM NGẮM VÌ NHỮNG BÊ BỐI LIÊN TIẾP.

Quá khứ tai tiếng

Các chính trị gia từ cả 2 đảng đều đang tỏ ra khó chịu sau khi một loạt các tài liệu nội bộ của Facebook bị rò rỉ cho thấy mạng xã hội này cố tình làm ngơ những tác động tiêu cực từ ứng dụng của mình. Trong khi đó, người dùng nổi đóa khi nó bất ngờ tê liệt trong 6 giờ hôm đầu tuần, thời gian ngừng hoạt động lâu nhất trong 13 năm.

Các nhà đầu tư, thường là những người cuối cùng nhảy tàu, cũng đang nói chuyện bằng cách nhìn vào ví tiền của họ. Giá cổ phiếu Facebook đã giảm 12% trong 3 tuần qua, mức giảm gấp gần 3 lần so với mức giảm 4,5% của Nasdaq trong cùng giai đoạn.

Facebook đang đối mặt với một làn sóng phẫn nộ tương tự như những gì đã xảy ra vào tháng 3/2018 khi xuất hiện báo cáo cho thấy Cambridge Analytica đã truy cập trái phép vào dữ liệu của 87 triệu tài khoản Facebook và sử dụng những thông tin đó để nhắm mục tiêu quảng cáo cho chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.

Facebook bị đánh hội đồng, Mark Zuckerberg chìm trong tâm bão chỉ trích - Ảnh 1.

Người dùng thể hiện sự phản đối trong vụ bê bối Cambridge Analytica.

Vụ bê bối đó đã tạo ra một vết nhơ lớn cho Facebook và khiến mạng xã hội này phải chịu đựng sự săm soi. Rất nhiều người kêu gọi ngừng sử dụng Facebook trong khi các cuộc điều tra chống độc quyền dẫn tới án phạt kỷ lục 5 tỷ USD từ Ủy ban Thương mại Liên bang của Mỹ.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Facebook vẫn trôi chảy và nó cũng chẳng thay đổi gì nhiều. Trước cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, những thông tin sai lệch vẫn rất phổ biến. Trong đại dịch Covid-19, những kẻ bài vắc xin và phản đối đeo khẩu trang mặc sức hoành hành. Thuật toán của Facebook giúp những thuyết âm mưu hoàn toàn không có căn cứ được lan truyền rộng rãi.

Bê bối bắt nguồn từ “người thổi còi”

Cuộc khủng hoảng mới nhất bắt đầu từ báo cáo của The Wall Street Journal cho thấy Facebook hiểu rõ bản chất “gây nghiện” trong các sản phẩm của mình nhưng lại sử dụng hiểu biết đó của họ để kiếm tiền nhiều hơn thay vì ngăn chặn điều đó. Đặc biệt, Facebook cũng biết Instagram có thể gây hại cho sức khỏe của thanh thiếu niên.

“Facebook cũng giống như Big Tobacco (những công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp thuốc lá), thúc đẩy một sản phẩm mà họ biết là có hại cho sức khỏe người trẻ tuổi miễn là họ có thể kiếm được nhiều tiền”, Thượng nghị sĩ Ed Markey, một người Dân chủ, chỉ trích mạng xã hội lớn nhất hành tinh trong phiên điều trần tuần trước của Tiểu ban Thương mại Thượng viện Mỹ về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đại diện của Facebook là bà Antigone Davis, người phụ trách an toàn của công ty trên quy mô toàn cầu. Bà Davis đã được yêu cầu giải thích những thông tin trong tài liệu nội bộ do một “người thổi còi” cung cấp.

Facebook bị đánh hội đồng, Mark Zuckerberg chìm trong tâm bão chỉ trích - Ảnh 2.

Frances Haugen, một cựu giám đốc sản phẩm của Facebook, người tố cáo mạng xã hội lớn nhất hành tinh trước Thượng viện Mỹ.

Không lâu sau, “người thổi còi” tự công khai danh tính. Đó là Frances Haugen, một cựu giám đốc sản phẩm của Facebook. Trước khi rời mạng xã hội lớn nhất thế giới hồi tháng 5, Haugen đã sao chép ít nhất 209 slides về kết qua nghiên cứu nội bộ do chính mạng xã hội này tiến hành.

Sự phản đối kịch liệt của công chúng đã buộc Facebook phải tạm dừng kế hoạch phát triển ứng dụng Instagram Kids, một phiên bản của ứng dụng Instagram hướng tới trẻ em dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, Facebook chưa từ bỏ ý định phát triển sản phẩm này.

Các cuộc điều trần của Facebook đang dần trở nên quen thuộc ở Đồi Capitol. Tuy nhiên, sự kiện lần này có vẻ khác. Trước các nhà lập pháp, người thổi còi Haugen đã chỉ trích gay gắt Facebook và nói rằng mạng xã hội này luôn ưu tiên lợi nhuận của chính họ hơn sức khỏe và sự an toàn của người dùng. Thậm chí, Facebook thường hướng tới những bài đăng có mức độ tương tác cao dù họ biết chúng có hại.

Các Thượng nghị sĩ thì chỉ trích nhà sáng lập kiêm CEO Facebook Mark Zuckerberg vì không phản hồi các câu hỏi của họ và không làm gì để thỏa mãn công chúng sau khi báo cáo này được WSJ đăng tải. Cuối phiên điều trần, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện, ông Richard Blumenthal, nói rằng vẫn còn quá sớm để có trát yêu cầu Zuckerberg trình diện. Tuy nhiên, vị Thượng nghị sĩ Dân chủ này nói rằng ông chủ Facebook nên xuất hiện trước Quốc hội “một cách tự nguyện”.

“Anh ta có trách nhiệm trả lời công khai những câu hỏi này”, ông Blumenthal nói.

Chờ đợi gì từ sự thay đổi của Facebook?

Tuy nhiên, Zuckerberg có vẻ sẽ không làm vậy. Trong một bài viết trên chính nền tảng của mình, CEO Facebook đã bác bỏ cáo buộc của Haugen và WSJ.

“Trọng tâm của những lời buộc tội này nói rằng chúng tôi ưu tiên lợi nhuận hơn sự an toàn và hạnh phúc. Điều đó không đúng sự thật”, Zuckerberg lập luận thêm thật phi lý khi nói rằng Facebook cố tình đẩy người dùng tiếp cận những nội dung mà nó sẽ khiến họ tức giận.

“Chúng tôi kiếm tiền từ quảng cáo và các nhà quảng cáo luôn nói với chúng tôi rằng họ không muốn nội dung quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh những nội dung gây hại hoặc có thể tạo ra sự phẫn nộ”, Zuckerberg nói.

Facebook bị đánh hội đồng, Mark Zuckerberg chìm trong tâm bão chỉ trích - Ảnh 3.

Tuy nhiên, khi bê bối này chưa được giải quyết, một tai họa khác lại ập xuống. Mạng xã hội này đã gặp sự cố không thể truy cập tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Dường như xuất phát từ nội bộ, hàng loạt các dịch vụ của công ty, từ Facebook, Instagram tới WhatsApp, đều không thể hoạt động trong 6 giờ.

Thậm chí, sự cố này khiến Facebook không thể giải quyết vấn đề từ xa. Các nhân viên và đối tác của công ty cũng không thể truy cập vào hệ thống. Theo một ước tính, sự cố này có thể làm Facebook thiệt hại 110 triệu đến 120 triệu USD doanh thu quảng cáo. Con số này chỉ chiếm 0,4% doanh thu mà Facebook tạo ra trong quý 4 năm ngoái.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không nghĩ như vậy. Ngay trong ngày đầu tuần, cổ phiếu Facebook đã bị bán tháo với mức giảm gần 5%. Ngay cả khi tăng 2%, cổ phiếu Facebook vẫn giảm hơn 12% so với phiên giao dịch ngày 13/9, ngay trước khi WSJ bắt đầu đăng tải loạt bài của mình.

Facebook vẫn có thể phục hồi và tiếp tục tăng trường như trước đây. Tuy nhiên, mối khi khủng hoảng xảy ra, các nhà đầu tư lại có thêm lý do để đặt ra những câu hỏi về tính bền vững của mô hình kinh doanh này.

“Hết lần này tới lần khác, chúng tôi phải đối mặt với những tin tức tiêu cực. Tuy nhiên, vấn đề mới nhất này khiến chúng tôi cảm thấy khác. Văn hóa ở Facebook cần phải thay đổi và nếu họ không thể tự khắc phục, có thể sẽ có những biện pháp bắt buộc nhằm vào Facebook. Đó là tin xấu”, Jim Cramer của CNBC chia sẻ với các thành viên trong câu lạc bộ đầu tư của mình.

Linh Anh / Theo Doanh nghiệp và Tiếp thi