Xã hội lố lăng trong ‘Số đỏ’ qua nét vẽ Thành Phong

Ngôn từ trào phúng của Vũ Trọng Phụng kết hợp nét vẽ minh họa của Thành Phong tạo nên ấn bản “Số đỏ” hấp dẫn.Số đỏ là tiểu thuyết của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng. Kể từ khi ra đời đến nay, tác phẩm này đã được nhiều đơn vị phát hành. Mới đây, Công ty sách Đông A liên kết NXB Văn học thực hiện ấn phẩm theo bản in đầu. Sách mang diện mạo mới qua minh họa của Thành Phong. Ảnh: Đông A.

Thanh Phong minh hoa so do anh 1
Thanh Phong minh hoa so do anh 2
Thành Phong là họa sĩ được yêu thích qua các sách tranh thành ngữ hiện đại, truyện tranh dã sử… Lần này, anh thử sức với tác phẩm Số đỏ với bối cảnh những năm 1930. Trong tranh là cảnh bà Phó Đoan và vợ chồng Văn Minh đi vào sân quần vợt.
Thanh Phong minh hoa so do anh 3
Nhân vật chính của tác phẩm là Xuân Tóc Đỏ, từ một kẻ hạ lưu bỗng chốc đổi đời, nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa. Đây là Xuân Tóc Đỏ và Tuyết qua góc nhìn của Thành Phong.
Thanh Phong minh hoa so do anh 4
Ông Phán mọc sừng.
Thanh Phong minh hoa so do anh 5
Ngay trong bản in đầu năm 1938 của nhà Lê Cường, Số đỏ đã được định danh là “hoạt kê tiểu thuyết” (tiểu thuyết khôi hài). Tác giả Vũ Trọng Phụng châm biếm xã hội lố lăng thời đó qua những tình tiết hài hước. Đây là cảnh nhân viên sở Cẩm tới nhà bà Phó Đoan khi nghe có tiếng kêu rên. Bà Phó Đoan nói: “Kêu rên? A à! Thì tôi đương đọc một đoạn chuyện trinh thám cho thầy giáo đây nghe, chứ có gì đâu?”.
Thanh Phong minh hoa so do anh 6
Tính trào phúng lên đến đỉnh điểm khi Vũ Trọng Phụng để “nhà tài tử quần vợt” Xuân Tóc Đỏ nhận Bắc Đẩu Bội Tinh. Bức tranh vẽ minh họa kèm lời chú thích: “Vì cái lòng hy sinh cao quý của các ngài, chính phủ đã đặc biệt ân thưởng cho hai ngài hai cái đệ ngũ đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh”.
Thanh Phong minh hoa so do anh 7
Số đỏ lên án gay gắt xã hội lố lăng đương thời. Bức tranh vẽ cảnh ở tiệm may Âu hóa, với lời của ông nhà báo đang có mặt trong tiệm: “Nếu bà mặc bộ này thì không còn người đàn ông nào lại không chạy theo bà như chạy theo những cô gái ngây thơ”.
Thanh Phong minh hoa so do anh 8
Công kích phong trào Âu hóa mà không hiểu gốc rễ văn minh phương Tây, tác phẩm đồng thời phản ánh những hủ tục tồn tại trong xã hội thời đó. Khi nhân vật “cụ tổ” ốm nặng, con cháu đã mời các thầy lang mang “thuốc thánh xin ở đền” tới. Trong tranh, cụ lang Tỳ giở gói lá, cụ lang Phế cầm lọ nước chữa bệnh.
Thanh Phong minh hoa so do anh 9
Trong khi ông Típ-Phờ-Nờ đã “chế” ra nhiều trang phục “tân tiến” như “Ngây thơ”, “Chinh phục”, “Ỡm ờ”, “Lưỡng lự”, vợ ông vẫn mặc áo dài giản dị, quần trắng kín đáo, đôi giày nhung đen không cầu kỳ. Bà nói: “Chồng tôi áp chế tôi lắm! Tôi không chịu nổi nữa”.
Thanh Phong minh hoa so do anh 10
Cụ cố Hồng nằm ngáp dài bên khay đèn, bên cạnh là cụ bà nhai nhải nói.
Thanh Phong minh hoa so do anh 11

Bức tranh vẽ cảnh đám tang cụ tổ. Đoạn trích Số đỏ này được đưa vào giảng dạy trong nhà trường với tên “Hạnh phúc của một tang gia”.

Tần Tần / Zing

‘Số đỏ’ được xuất bản tại Đức

Tiểu thuyết hoạt kê của Vũ Trọng Phụng sẽ ra mắt bản tiếng Đức vào tháng 12.

Dịch giả Hoàng Đăng Lãnh thông báo tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã được dịch ra tiếng Đức. Tác phẩm do ông dịch, Rodion Ebbighausen hiệu đính, chủ biên, Nhà xuất bản Tauland phát hành vào tháng 12.

Nhà nghiên cứu văn bản Lại Nguyên Ân cho biết từ nhiều năm trước, vợ chồng Rodion Ebbighausen đã tới gặp ông, đề nghị cung cấp một số thông tin về tác gia Vũ Trọng Phụng và tiểu thuyết Số đỏ.Tiểu thuyết Số đỏ do NXB Văn học liên kết công ty Đông A phát hành. Ảnh: Y. N.

So do xuat ban o Duc anh 1
Tiểu thuyết Số đỏ do NXB Văn học liên kết công ty Đông A phát hành. Ảnh: Y. N.

Nhà xuất bản Tauland đã có thông báo chính thức về việc phát hành Số đỏ tiếng Đức vào cuối năm, kèm mã ISBN của sách.

Website nhà xuất bản này đăng tải thông tin: “Tuyệt tác Số đỏ của Vũ Trọng Phụng thể hiện tính hài hước, châm biếm về những tác động của thực dân Pháp đối với xã hội Việt Nam những năm 1930. Đối mặt cú sốc của chủ nghĩa thực dân, bộ phận của giai cấp tư sản và trí thức không thấy con đường nào khác hơn là phải hiện đại hóa triệt để nền văn hóa của mình.

Vũ Trọng Phụng đã lật tẩy một cách hài hước những sai lầm và điều phi lý của sự hưng phấn Âu hóa này bằng cách kể câu chuyện về một thanh niên lém lỉnh, trở thành thành bác sĩ, vận động viên quần vợt chuyên nghiệp và vị cứu tinh của dân tộc”.

Trước đó, vào tháng 9, Số đỏ đã xuất bản tại Trung Quốc. Người dịch là PGS Hạ Lộ (công tác tại Đại học Bắc Kinh). Bà cũng từng chuyển ngữ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh sang tiếng Trung. VOV đưa tin Nhà xuất bản Văn nghệ Tứ Xuyên phát hành lần đầu 5.000 bản Số đỏ.

Năm 2002, Số đỏ cũng được University of Michigan Press phát hành tại Mỹ với tên Dumb Luck. Tác phẩm do vợ chồng giáo sư sử học Peter Zinoman và Nguyễn Nguyệt Cầm dịch. Sách được đưa vào danh mục các tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam tại các giảng đường đại học trên nước Mỹ. Năm 2003, Los Angeles Times chọn Dumb Luck là một trong 50 sách hay nhất năm.

Thông tin từ bà Maria Benimeo – Tùy viên Văn hóa, Đại sứ quán Italy tại Việt Nam – Số đỏ đã xuất bản tại Italy.

So do xuat ban o Duc anh 2

Số đỏ là tiểu thuyết của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở dạng nhiều kỳ trên báo từ năm 1936, được in thành sách lần đầu năm 1938. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường, tác phẩm đã được dựng thành kịch, phim.

Người dịch Số đỏ sang tiếng Đức là dịch giả Hoàng Đăng Lãnh. Ông là con của giáo sư ngôn ngữ Hoàng Tuệ, anh trai của nhà văn Bảo Ninh.

Ông từng dịch một số tác phẩm của văn học Đức sang tiếng Việt như Diệt vong, Đốn hạ (Thomas Bernhard), Thời nắng lịm (Eugen Ruge), Giờ Đức văn (Siegfried Lenz). Trong đó, bản dịch Diệt vong từng được trao giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2018.

Y Nguyên / Zing

TikTok đã có 1 tỷ người dùng, lên kế hoạch thống trị thế giới

TikTok đã có 1 tỷ người dùng, lên kế hoạch thống trị thế giới

Giám đốc điều hành TikTok Vanessa Pappas. (Ảnh: Inc)

GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH TIKTOK VANESSA PAPPAS NÓI VỀ LỘ TRÌNH CỦA ỨNG DỤNG SAU KHI CHẠM MỐC 1 TỶ NGƯỜI DÙNG.

Sớm thôi, TikTok sẽ cung cấp nhiều thứ hơn thay vì chỉ có video thể ngắn.

Mới đây, nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc thông báo đã có 1 tỷ người dùng, đồng nghĩa cứ 8 người thì có 1 người sử dụng mỗi tháng. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Vanessa Pappas cho biết, công ty sẽ không chỉ gắn bó với video thể ngắn – nội dung đã làm nên sức hút của ứng dụng.

Phát biểu tại hội thảo Grace Hopper Celebration, sự kiện thường niên dành cho phụ nữ trong lĩnh vực máy tính, bà Pappas khẳng định “đổi mới sản phẩm là chìa khóa rõ ràng khi nghĩ về cách tiếp tục nâng cao trải nghiệm”. Bà chỉ ra tầm quan trọng của việc liên tục ra mắt các sản phẩm mới để kéo mọi người quay lại nền tảng. “Khi chúng tôi nghĩ về điều làm cho TikTok độc đáo, nó chắc chắn là tất cả những công cụ sản xuất mà chúng tôi đưa ra để sáng tạo nội dung thú vị, giải trí hàng ngày”.

Theo Giám đốc điều hành TikTok, công ty đang phát triển/thử nghiệm một số tính năng mới để hỗ trợ các tác giả sản xuất nội dung mới, bao gồm thực tế tăng cường (AR). Các mạng xã hội khác như Snap, Facebook đều gặt hái một số thành công nhất định khi thêm AR vào nền tảng của họ, cho phép người dùng bổ sung hình động, bộ lọc trong video trực tiếp.

Trang tin TechCrunch tháng trước đưa tin vài người dùng TikTok đã được thử nghiệm công cụ AR khi làm video.

Bà Pappas cũng nhắc đến thương mại điện tử như cơ hội kinh doanh béo bở tiềm năng cho TikTok. Tháng trước, công ty thông báo thương vụ với Shopify để các thương gia thêm được thẻ “Shopping” trên tài khoản TikTok.

Người dùng bấm chuột vào đây để đến cửa hàng của người bán trên Shopify và mua sản phẩm.

“Tôi cho rằng chúng tôi đang thực sự xem xét cách giảm tối đa khoảng cách giữa nhãn hàng và người tiêu dùng”, bà nói.

Bên cạnh đó, TikTok nghiên cứu các định dạng nội dung khác như video thời lượng dài hơn. Bà cũng ngụ ý những tính năng mới sắp ra mắt, không phải dấu chấm hết cho sự đổi mới của TikTok.

Sự nghiệp Zhang Yiming, tỷ phú bí ẩn đứng sau ‘hiện tượng toàn cầu’ TikTok

Sự nghiệp Zhang Yiming, tỷ phú bí ẩn đứng sau ‘hiện tượng toàn cầu’ TikTok
SỨC HÚT CỦA TIKTOK KHÔNG CHỈ TẠO RA THẾ HỆ NGÔI SAO MẠNG XÃ HỘI MỚI, MÀ CÒN BIẾN ĐỒNG SÁNG LẬP ZHANG YIMING THÀNH TỶ PHÚ GIÀU THỨ 33 TRÊN THẾ GIỚI.

Nhà sáng lập ByteDance Zhang Yiming. (Ảnh: Getty Images)

Ông Zhang Yiming sở hữu tài sản 44,5 tỷ USD nhờ đồng sáng lập ByteDance, công ty Trung Quốc đứng sau ứng dụng video ngắn TikTok. Dù là một trong những người giàu nhất thế giới, ông Zhang đặc biệt kín tiếng về cuộc sống cá nhân của mình.

Gần đây, ông thông báo từ chức CEO ByteDance sau khi điều hành gần một thập kỷ, tự nhận “không có tính xã giao” và thiếu kỹ năng quản lý. Ông yêu thích các hoạt động riêng tư như lên mạng, đọc sách nghe nhạc và suy nghĩ về những gì có thể xảy ra hơn.

“Thực tế là tôi thiếu một số kỹ năng làm nên một lãnh đạo lý tưởng”, Reuters dẫn lời ông Zhang. Ông Zhang cho rằng sẽ hỗ trợ công ty tốt hơn nếu không quản lý trực tiếp nhân sự.

Ông Zhang sinh năm 1983 tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Cha mẹ ông là nhân viên nhà nước. Theo SCMP, tên của ông mang ý nghĩa “khiến mọi người bất ngờ ngay từ nỗ lực đầu tiên”. Ông tốt nghiệp Đại học Nankai năm 2005, nơi ông học vi điện tử trước khi chuyển sang chuyên ngành kỹ thuật phần mềm. Ông kết hôn với một người bạn học cùng trường nhưng chưa có con.

Sau đại học, ông Zhang làm tại một startup đặt vé du lịch trực tuyến có tên Kuxun. “Tôi là một trong những nhân viên đầu tiên. Ban đầu, tôi chỉ là kỹ sư bình thường nhưng sang năm thứ hai, tôi phụ trách khoảng 40 đến 50 người làm công nghệ back-end và các nhiệm vụ khác liên quan tới sản phẩm”.

Công việc này giúp ông kỹ năng bán hàng để sau này vận dụng phát triển ByteDance. Ông hồi tưởng trên SCMP: “Tôi còn nhớ cuối năm 2007, tôi đến gặp khách hàng cùng Giám đốc kinh doanh. Trải nghiệm đó giúp tôi biết bán hàng tốt là như thế nào. Khi thành lập Toutiao và tuyển nhân viên, những kinh nghiệm ấy giúp tôi rất nhiều”.

Ông Zhang từng làm việc tại Microsoft trước khi thành lập ByteDance. Công ty mẹ của TikTok ra đời năm 2012 và hiện có giá trị khoảng 250 tỷ USD, là công ty tư nhân lớn nhất thế giới. Không chỉ sở hữu TikTok, ByteDance còn có trong tay một số ứng dụng mạng xã hội khác tại Trung Quốc, chẳng hạn FlipChat, Duoshan.

Sự nghiệp Zhang Yiming, tỷ phú bí ẩn đứng sau ‘hiện tượng toàn cầu’ TikTok - Ảnh 2.

Ông Zhang Yiming trở thành tỷ phú đô-la cùng với thành công của TikTok. (Ảnh: BI)

Sản phẩm đầu tay của ông Zhang tại ByteDance là ứng dụng đọc báo Toutiao. Ông muốn tạo ra một nền tảng tin tức dựa hoàn toàn vào trí tuệ nhân tạo, khác với công cụ tìm kiếm Baidu. Ông cung cấp tin tức dựa trên gợi ý thay vì từ khóa. Dù tập trung vào tin tức, ByteDance thực ra không có nhân viên nào là nhà báo.

Trả lời Bloomberg, ông khẳng định “điều quan trọng nhất là chúng tôi không phải doanh nghiệp tin tức. Chúng tôi giống với doanh nghiệp tìm kiếm hay nền tảng mạng xã hội hơn. Chúng tôi đang làm một việc rất sáng tạo. Chúng tôi không phải bản sao của một công ty Mỹ, cả về sản phẩm lẫn công nghệ”.

Ông Zhang giới thiệu TikTok vào tháng 9/2016 dưới cái tên “Douyin”. Năm 2020, Business Insider đưa tin TikTok là ứng dụng iOS số 1 nước Mỹ (không tính game). Nó là một trong các mạng xã hội phổ biến nhất trong giới trẻ Mỹ, được tải hơn 1 tỷ lượt. Hiện tại, phiên bản Trung Quốc vẫn giữ tên Douyin, còn phiên bản quốc tế là TikTok.

Đồng sáng lập ByteDance không chỉ xem video TikTok mà còn tự làm video riêng. Ông cũng yêu cầu các lãnh đạo công ty làm như vậy. Ông còn đề ra thử thách về số lượt “thả tim” mà họ phải đạt được, nếu không sẽ phải chống đẩy. Tạp chí Time đánh giá phong cách lãnh đạo của ông Zhang là “nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn, logic nhưng đam mê, trẻ trung nhưng khôn ngoan”.

Ông Zhang cho biết sự phổ biến của TikTok trên toàn cầu khiến cuộc sống của ông trở nên thú vị hơn. Ông muốn ứng dụng tiếp tục tăng trưởng và kỳ vọng ByteDance có thể hoạt động không biên giới như Google. Để làm được điều đó, ông Zhang nói “phải chăm chỉ hơn, phải hoàn hảo hơn…. Doanh nhân Trung Quốc phải cải thiện khả năng khi họ đi ra thế giới”.

Dù vậy, ảnh hưởng ngày một lớn của TikTok lại đặt ra nhiều lo ngại từ phía nhà chức trách Mỹ. Tháng 2/2019, công ty đồng ý nộp phạt 5,7 triệu USD cho Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) vì cáo buộc thu thập bất hợp pháp thông tin trẻ dưới 13 tuổi mà chưa có sự cho phép của phụ huynh, vi phạm Đạo luật Bảo vệ Quyền riêng tư trực tuyến của Trẻ em.

Tháng 7/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cấm TikTok vì nguy cơ bảo mật, buộc ByteDance phải đàm phán bán hoạt động của TikTok tại Mỹ cho các người mua tiềm năng. Sự việc khiến ông Zhang bị mạng xã hội Trung Quốc tấn công, gọi ông là kẻ phản bội, hèn nhát. Dù vậy, ByteDance cuối cùng không ký kết thỏa thuận nào sau khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ.

Thành công ngày hôm nay của ông Zhang gắn liền với đạo đức làm việc của mình. Ông Zhang học được giá trị của việc theo đuổi sự xuất sắc khi còn làm công việc đầu tiên.

“Khi đó, tôi phụ trách công nghệ, song khi sản phẩm có vấn đề, tôi cũng chủ động tham gia thảo luận phương án. Nhiều người nói đây là điều tôi không nên làm. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng: tính trách nhiệm của bạn và đam mê làm mọi thứ thật xuất sắc sẽ dẫn dắt bạn làm được nhiều thứ hơn và có thêm kinh nghiệm”.

Tài sản của ông Zhang tăng lên nhanh chóng. Năm 2018, ông kiếm được hơn 12 tỷ USD. Theo tạp chí Forbes, phần lớn tài sản đến từ 24% cổ phần trong ByteDance. Lần đầu tiên ông Zhang được công nhận là tỷ phú đô-la là tháng 3/2018 với tài sản khoảng 4 tỷ USD. Đến nay, tài sản ròng của ông ước đạt 44,5 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới, theo Bloomberg.

Theo ICTNews

Covid và kinh tế VN: Khi ‘giai cấp tiên phong’ bỏ chạy

  • T.K. Tran
  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Stuttgart, Đức
đèo Hải Vân
Chụp lại hình ảnh,Người dân chạy về miền Bắc tạm dừng chân ở đèo Hải Vân tối 06/10

Ngày 4/10, trong dịp ông Kushida Fumio được bầu làm thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện văn chúc mừng, đồng thời Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Kishida Fumio, đất nước Nhật Bản tiếp tục phát triển phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc.”

Văn từ không nhắc tới lý do vì sao ông Fumio lại trở thành thủ tướng mới của Nhật Bản, nhưng ai cũng biết rằng, lý do chính là người tiền nhiệm Yoshihide Suga đã phải ra đi vì thất bại trong nỗ lực chống nạn dịch Covid-19.

“Trông người lại ngẫm đến ta.” Không rõ Thủ tướng Phạm Minh Chính hay lãnh đạo nào khác có dám noi gương của ông Suga vì khả năng phục hồi của Việt Nam trong nạn dịch Covid-19 bị đánh giá là tệ vào hàng nhất thế giới (theo một xếp hạng của Nikkei Asia Review) sau nhiều tháng dùng những biện pháp được xem là hà khắc nhất.

Cũng chính phủ hiện nay ở Việt Nam đặt ra chính sách quy trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu địa phương “nếu để xảy ra dịch bệnh”, nhưng Trung ương thì có trách nhiệm gì không?

NGƯỜI LAO ĐỘNG CHỊU HẬU QUẢ CỦA CHÍNH SÁCH

Dịch Covid xảy ra ở trên toàn thế giới và người dân mọi nơi đều gặp khó khăn, nhưng xem ra người lao động Việt Nam đã và đang tiếp tục gánh chịu hậu quả của những chính sách chống dịch mà Nhà nước ban hành.

Trong thảm kịch dịch Covid-19 thì ngày 1/10 đánh dấu một cột mốc mới, minh chứng sự thất bại của chính sách hỗ trợ nửa vời của chính phủ. Chính sách hỗ trợ này hoặc không đủ, hoặc không đến tay người dân để có thể giữ chân những người lao động ở lại thành phố, ở lại xí nghiệp.

Khi lệnh giãn cách xã hội được dần gỡ bỏ ở TP HCM vào ngày 1/10 người ta thấy hàng trăm ngàn người lao động lại lên đường tìm cách rời bỏ các khu công nghiệp quanh Sài Gòn. Nếu họ may mắn được nằm trong diện đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp thì số tiền cứu trợ ít ỏi mà họ nhận được không đủ để trang trải cuộc sống.

Vì không còn tiền tiết kiệm, không có thực phẩm ăn mỗi ngày và cũng không kham nổi tiền thuê phòng trọ sau nhiều tháng thất nghiệp, bị giam lỏng tại nhà, thì “về quê” đối với họ là chọn lựa “chẳng đặng đừng”.

Một tầng lớp vô sản bần cùng gồm nhiều triệu người đã thực sự thành hình.

Ta hãy xem chính sách bất nhất “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” của nhà nước làm tình trạng thêm rối rắm ra sao.

Ngày 1/10, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải ký công điện gửi các tỉnh phía Nam yêu cầu kiểm soát và phục vụ tốt người dân có nhu cầu về quê.

Thế nhưng, tỉnh An Giang, sau cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh Ủy vào tối cùng ngày, giữ vững quan điểm là không tiếp nhận người về quê theo đường “tự phát”.

Chủ tịch UBND, ông Nguyễn Thanh Bình nói rằng còn có nơi dịch diễn biến phức tạp và các khu tiếp nhận cách ly tập trung đã đầy.

“Điều này đã đặt An Giang vào tình thế là không thể tiếp nhận người dân về trong thời gian tới,” ông được báo Lao Động dẫn lời.

Ngày 5/10 cũng ông Nguyễn Thanh Bình lại nói ngược lại là thông tin “An Giang cấm cửa, không cho công dân về quê” là do các thế lực thù địch xuyên tạc.

Tại tỉnh Sóc Trăng, số người trở về lên tới trên 24.000 người trong vài ngày, vượt quá khả năng cách ly, điều trị của tỉnh.

Người dân
Chụp lại hình ảnh,Trẻ em trong thảm cảnh ‘tháo chạy về quê’

Ngày 3/10, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng gửi văn bản lên Thủ tướng kiến nghị phải siết chặt kiểm soát, không để người dân tự ý ra khỏi TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… trong thời gian 15 ngày để các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long có thì giờ sửa soạn, tổ chức.

Thế là sau phản ứng của các tỉnh, Thủ tướng lại ra lệnh kiểm soát chặt người ra vào các tỉnh thành, cố gắng vận động tuyên truyền để giữ chân người lao động ở lại, theo trang Người Lao Động.

Gần đây nhất, Thủ tướng Việt Nam lại nói quyền về quê là chính đáng và yêu cầu các tỉnh thành “trợ giúp người dân về quê”.

Sự lúng túng trong cách đối phó với tình huống dịch bệnh trong các cấp nhà nước đã thật sự rõ nét. Những ai phải gánh chịu hậu quả của những chính sách bất nhất ấy? Đó không những là hàng triệu người công nhân cùng khổ mà cả các doanh nghiệp cũng khốn đốn.

Ngày 2/10 trong buổi họp với đoàn Đại Biểu Quốc hội TP HCM, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM phải kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương công bố công khai chiến lược phòng chống dịch để doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu sản xuất phù hợp với điều hành của Chính phủ và địa phương.

Vậy những người bị cấm đi là ai?

Họ là giai cấp công nhân, “lực lượng tiên phong của cách mạng, luôn đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH”, theo trích dẫn một bài báo chính thống với nội dung sáo rỗng ca tụng người công nhân như trăm ngàn bài báo khác của nhà nước.

Thế nhưng, coi vậy mà không phải vậy. Nhà nước không hề coi trọng vị thế người lao động trong các chính sách. Bằng chứng là trong văn bản 3355QĐ/BYT của bộ Y tế ký vào tháng 7.2021 về 16 đối tượng ưu tiên được chích ngừa Covid-19 thì người lao động tại các xí nghiệp được xếp hạng 13, người lao động tự do xếp hạng 15.

Trong khi đó quân đội, công an bảo vệ chế độ được xếp ưu tiên 3, 4, chỉ sau lực lượng y tế, chống dịch.

GIAI CẤP CÔNG NHÂN RƠI VÀO CẢNH KHỐN CÙNG

Các chính sách kinh tế chỉ chú trọng tới việc hấp dẫn giới đầu tư, đã ấn định mức lương tối thiểu cực thấp so với mặt bằng cuộc sống.

Chính sách này buộc người công nhân phải làm tăng ca thường xuyên, đầu tắt mặt tối, phải sống trong những điều kiện tạm bợ.

Đó không phải là chính sách đãi ngộ xứng đáng cho giai cấp công nhân “tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chế độ Chủ nghĩa Xã hội”.

Trạm kiểm soát số 5 đặt dưới chân đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) đón hàng trăm người dân vào khai báo y tế lúc 17h ngày 4/10
Chụp lại hình ảnh,Trạm kiểm soát số 5 đặt dưới chân đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) đón hàng trăm người dân vào khai báo y tế lúc 17h ngày 4/10

Trận đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ rõ ràng sự thật về đời sống khốn khó của người lao động Việt Nam và những yếu kém trong cách ứng phó với tình thế của chính quyền do Đảng Cộng sản làm chủ.

“Tính ưu việt” của hệ thống xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước vẫn nói nay nằm ở đâu?

Niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước bị động, xoay như chóng chóng và trái ngược nhau từ trung ương tới địa phương có còn không?

Người công nhân Việt Nam, thường ngày được bộ máy tuyên truyền đề cao là “giai cấp lãnh đạo, là lực lượng sản xuất cơ bản của nền công nghiệp hiện đại”, nay phải bỏ xí nghiệp chạy trở về thôn quê. Những nhà máy không công nhân điều hành thì “nền công nghiệp hiện đại” sắp đi về đâu?

Không cần phải là nhà tiên tri, ta cũng có thể hình dung được tương lai ảm đạm của một nền kinh tế mong manh, chủ yếu dựa trên sức lao động bán rẻ của người dân từ vùng quê .

Vấn đề mấu chốt ở đây là hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam mà như chính họ thừa nhận, đang có đầy các vấn nạn tham nhũng, cửa quyền, có dám thừa nhận một bộ phận nhân dân đã quay lưng lại họ, bỏ chạy về quê, để rút ra kết luận xác đáng cho tầng lớp cầm quyền?

Cùng với nền kinh tế đang bị xáo trộn, tương lai đất nước sắp tới đang bị đặt trước các câu hỏi rất lớn.

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông T.K. Tran, một nhà quan sát các hoạt động nghiệp đoàn, hiện sống tại Stuttgart, CHLB Đức.

BBC

Triển vọng u ám của kinh tế Việt Nam

Xã hội Việt Nam trong những ngày tới sẽ không chỉ tang thương vì dịch bệnh, vì thất nghiệp, vì thiếu đói – hậu quả của việc chống dịch COVID theo cách ngu xuẩn và độc ác của nhà cầm quyền – mà còn rất ngột ngạt, bức bối như trước một cơn bão lớn!

Sự kiện nóng trong nước suốt mấy ngày qua là hàng chục ngàn người dân bồng bế nhau rời Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai trở về quê nhà ở miền Tây, miền Trung, miền Bắc. Phần lớn họ đi xe gắn máy; nhiều người đi xe đạp hoặc lếch thếch đi bộ, vượt hàng trăm hàng ngàn cây số, dưới mưa, trong nắng, màn trời chiếu đất trông rất thảm. Khổ nạn của những gia đình “nhập cư” phải rời bỏ miền đất hứa đã được miêu tả – nhiều khi rất cảm động – trên các trang mạng xã hội và cả trên báo chính thống của nhà nước.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, một trí thức trong nước, viết trên Facebook: “Trong mấy ngày qua đã có hàng vạn người bằng mọi cách kiên quyết về quê. Đến nỗi 500 người đã quyết định đi bộ từ Bình Dương qua Đắk Nông để về Hà Giang xa những 1,800 km. Trong đó có cả phụ nữ mang thai. Chứng tỏ người dân đã ở bước đường cùng.”

Vì người dân đã ở bước đường cùng nên cuộc tháo chạy của họ khỏi thành phố – thậm chí họ phải quỳ giữa đường lạy sống bọn công an, dân phòng của chế độ để được đi về, có nơi xảy ra xô xát – là hoàn toàn cảm thông được, người dân ở cạnh quốc lộ đã đem cơm nước, xăng dầu ra đặt ở ven đường để hỗ trợ người di tản.

Nhưng cuộc chuyển dịch của hàng chục ngàn người cũng đặt ra nhiều hậu quả đáng lo: dịch bệnh sẽ theo chân người về phát tán ra các địa bàn nông thôn, còn các trung tâm công nghiệp sẽ rơi vào cảnh thiếu lao động trầm trọng mà báo chí trong nước gọi một cách hoa mỹ là “đứt gãy thị trường lao động”. Báo Vietnamnet của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đăng bài báo động: “Hàng vạn người kéo nhau về quê, lấy ai cứu doanh nghiệp” (!) Tuy không lý giải được gốc rễ của vấn đề người lao động bỏ về quê, bài báo đã nêu lên một thực tế bế tắc ở các tỉnh được coi là trung tâm công nghiệp của Việt Nam, gồm Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. 

Bộ Công an Việt Nam, không rõ lấy số liệu ở đâu, nói rằng hiện có 3.5 triệu người dân các địa phương cả nước làm việc tại bốn tỉnh thành nói trên, trong đó 2.1 triệu người muốn về quê. Việc hàng triệu lao động đồng loạt bỏ việc chắc chắn sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng, thậm chí có thể dẫn tới một vụ sụp đổ bi thảm của guồng máy kinh tế Việt Nam trong những tháng tới.

Sở dĩ như vậy vì nền kinh tế Việt Nam dựa trên sức lao động của người công nhân tha hương, kết hợp với vốn liếng, kỹ thuật và quản trị thị trường của các ông chủ nước ngoài. Bây giờ nguồn lao động giá rẻ không còn, hoặc thiếu hụt trầm trọng, thì nền kinh tế đó sẽ khó mà vận hành được.

Từ khi thực hiện cái gọi là “đổi mới” từ năm 1985 đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam “trải thảm đỏ” để mời gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (foreign direct investment – FDI). Các nhà tư bản nước ngoài lũ lượt kéo tới Việt Nam mở nhà máy sản xuất đủ loại mặt hàng bán ra thị trường thế giới, tận dụng lực lượng lao động đông đảo, trẻ tuổi và đồng lương thấp để thu lợi tối đa. Sự bùng nổ của khu vực kinh tế FDI góp phần đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, kéo dài, có lẽ chỉ kém Trung Quốc và một vài nước khác.

Đến nay, khu vực FDI đã chiếm tới hơn hai phần ba quy mô kinh tế của Việt Nam; và Việt Nam đã có những sản phẩm quan trọng như máy điện thoại thông minh Samsung, máy in Canon, chip bán dẫn Intel, tai nghe Airpod và nhiều mặt hàng dệt may, giày dép của các thương hiệu nổi tiếng. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam chứng minh thực tế đó: trong sáu tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất nhập cảng $288.68 tỷ hàng hóa; trong đó các công ty FDI có trị giá $200.18 tỷ, chiếm 70% tổng giá trị thương mại của cả nước. Đó là số liệu trước khi nhà cầm quyền ban hành lệnh phong tỏa các thành phố để chống dịch, làm tê liệt cả guồng máy sản xuất và kinh doanh ở “vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” như hiện nay.

Trong khu vực FDI, phần lớn lợi nhuận rơi vào túi các ông chủ tư bản, hầu hết là người Singapore, Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc, người lao động Việt Nam chỉ nhận được phần ít ỏi cho công sức của mình. Tuy vậy, sự bùng nổ FDI cũng giúp người lao động trong nước có được công việc làm; hàng triệu người từ nông thôn đã kéo lên thành phố, sống chen chúc trong các khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, chấp nhận làm việc cật lực với đồng lương bèo bọt chỉ mong dành dụm được chút tiền gửi về nhà phụng dưỡng cha mẹ già, lo cho con cái đi học.

Có thể nói không sợ quá lời rằng sự “phồn vinh” của các đô thị Việt Nam hiện nay được xây dựng chủ yếu trên mồ hôi nước mắt của hàng triệu công nhân tha hương trong các nhà máy FDI và hàng triệu nông dân trồng lúa, nuôi cá ở các vùng đất nước.

Chiến lược chống dịch COVID-19 “như chống giặc” ngu xuẩn của nhà cầm quyền Việt Nam trong mấy tháng qua đã phá nát sự phồn vinh giả tạo đó. Chống dịch nhưng chỉ dựa vào dây thép gai, dùi cui và súng AK47, dựa vào một đám sai nha đông đúc, ngu dốt và độc ác, nhà cầm quyền Việt Nam phong tỏa chặt từng khu nhà, từng hẻm phố, cấm ngặt mọi sự di chuyển suốt bốn tháng qua. Cách chống dịch đó đã đẩy hàng ngàn công ty, nhà máy tới chỗ ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm, mất thu nhập.

Trong thời gian phong tỏa các công ty phải thực hiện “ba tại chỗ”, sắp xếp để công nhân làm việc, ăn ngủ ngay tại nhà máy, xa cách cộng đồng cư dân bên ngoài, phải thực hiện xét nghiệm tìm virus cho công nhân mỗi tuần. Không thể đáp ứng yêu cầu quái đản này của nhà cầm quyền, nhiều công ty quyết định đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng; nhiều công ty FDI quyết định chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam, sang các nước láng giềng hoặc quay trở lại Trung Quốc – nước mà họ mới rời đi để đa dạng hóa nguồn cung và tránh cuộc thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu từ thời Tổng thống Donald Trump.

Công ty Nike Inc. chẳng hạn, sản xuất khoảng một nửa số giày dép của mình tại Việt Nam qua các nhà thầu và mạng lưới nhà máy sử dụng hàng trăm ngàn công nhân. Tuần trước đại diện của Nike cho biết họ đã mất 10 tuần sản xuất do đóng cửa vì lệnh phong tỏa, nghĩa là khoảng 100 triệu đôi giày Nike đã không được xuất xưởng; nguồn cung giày Nike sẽ thiếu hụt trầm trọng trong tám tháng tới. Matt Friend, Giám đốc tài chính của Nike, nói công ty đang tối đa hóa năng lực sản xuất giày dép ở các nước khác và chuyển hoạt động sản xuất hàng may mặc ra khỏi Việt Nam sang những nơi như Trung Quốc. Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam thực hiện hồi cuối Tháng Tám với gần 100 đại diện của các công ty trong lĩnh vực sản xuất cho thấy một phần năm đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Việt Nam. Cuộc tháo chạy khỏi Việt Nam của các nhà đầu tư gần đây đã trở thành tin nóng trên các tờ báo kinh doanh nổi tiếng thế giới như Financial Times, Bloomberg, Nikkei Asia Review  Wall Street Journal.

Khi biện pháp phong tỏa được nới lỏng từ ngày 1 tháng Mười, một số nhà máy rục rịch mở cửa trở lại nhưng phải đối mặt với vô vàn trở ngại: thiếu thợ, thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu và đơn đặt hàng đã chuyển đi nơi khác trong thời gian họ đóng cửa. “Việc mở cửa trở lại và tăng trở lại quy mô sản xuất đầy đủ sẽ mất nhiều thời gian,” ông Matt Friend của Nike cho biết. Với những công ty đã chuyển đi nước khác, mời gọi họ quay lại hầu như là điều không thể.

Người lao động bỏ về quê sau hơn bốn tháng vật vã trong vòng vây phong tỏa ở đô thị, không việc làm, không thu nhập chắc cũng sẽ không sớm tính tới chuyện quay trở lại thành phố sống cuộc sống bần hàn và bấp bênh của người tha phương cầu thực. Nhìn từ phía chủ hay phía thợ, triển vọng của việc làm ăn ở Việt Nam đều bế tắc.

Xem ra, nỗ lực suốt ba chục năm mời gọi đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động đã bị chính phủ của ông Phạm Minh Chính hủy hoại chỉ trong vài tháng do những quyết định chống dịch sai lầm và thiên về bạo lực. Thay vì dành số vaccine ít ỏi mà quốc tế viện trợ tiêm chủng cho những người lao động đang nắm mạch máu kinh tế của đất nước, chế độ Hà Nội đã ưu tiên cho công an, quân đội, nhà báo và quan chức – những kẻ bảo vệ quyền lực của họ – để rồi bây giờ phải chứng kiến một tương lai tối tăm, kinh tế đình trệ, nhà máy ngừng hoạt động, người dân thất nghiệp và đói, không biết đến bao giờ và bằng cách nào để khôi phục trở lại.

Chính quyền cộng sản ở Việt Nam thường xuyên ca ngợi thành tích kinh tế, coi mức tăng trưởng GDP là yếu tố biện minh cho sự độc quyền chính trị của họ. Bây giờ, với nền kinh tế ngấp nghé bờ vực sụp đổ, đời sống người dân ngấp nghé bờ vực thiếu đói, nói gì người dân cũng không tin thì nhà cầm quyền Hà Nội không còn căn cứ nào để tuyên truyền, chắc chắn họ sẽ gia tăng bạo lực, đàn áp thẳng tay những ý kiến đối lập, những tâm trạng bất mãn, những mầm mống phản kháng.

Xã hội Việt Nam trong những ngày tới sẽ không chỉ tang thương vì dịch bệnh, vì thất nghiệp, vì thiếu đói mà còn rất ngột ngạt, bức bối như trước một cơn bão lớn!

Hiếu Chân / Saigon nhỏ