Vườn trăm loài hoa của người phụ nữ Việt ở Mỹ

Nhìn thấy những cây hoa dẫu gió dập, tuyết vùi vẫn bật chồi sống dậy, chị Jacqueline Đỗ dặn mình phải sống mãnh liệt và rực rỡ như chúng.

Chị Jacqueline Đỗ sang Mỹ hơn 20 năm trước, sống trong ngôi nhà ở California chỉ có cây xanh và thảm cỏ. Năm năm trước, một biến cố khiến chị mắc trầm cảm, sống không niềm vui, không nhiệt huyết.

Đọc một cuốn sách tâm lý khuyên thay những bông hoa lụa trong nhà bằng hoa tươi để được tiếp năng lượng, chị làm theo. “Tôi cảm nhận rõ sự thay đổi trong tâm trí và lập tức bắt tay xới đất trồng hoa. Từ bé tôi đã yêu hoa cỏ, nhưng niềm đam mê bị những bận rộn cuộc sống vùi lấp mất”, chị nói.

Trong khu vườn rộng 800 m2, trước và sau nhà, chị Jacqueline Đỗ trồng hàng trăm loại hoa. Hiểu rõ đặc tính của từng loài và quy luật thời tiết, chị chọn lọc trồng để lúc nào trong vườn cũng có vài chục loại hoa nở. Những lúc giao mùa, ít hoa, chị cắm hoa sen đá, cắm lá.

Quá trình làm vườn, chị chủ phát hiện một hạt hoa cúc rớt xuống khe đá cũng nảy mầm ra hoa. Những cây hồng rễ trần tưởng chết khô nhưng vẫn bật dậy. “Đến nhành cây, ngọn cỏ dẫu trong điều kiện khắc nghiệt cũng khát khao sống, thì tại sao không mình lại không trân trọng cuộc sống? Không chỉ sống, mà phải sống đẹp, sống rực rỡ như những đóa hoa”, chị ngộ ra.

Từ đó, chị suy nghĩ tích cực hơn, chăm chút cho bản thân và xác định rõ mục tiêu sống của đời mình. “Trồng hoa giúp tôi rèn luyện tính kiên nhẫn, ý thức được ở đời mọi thứ đều có quy luật riêng của nó, học cách chấp nhận và thay đổi mình cho phù hợp”, chị nói.

Hoa chị Jaqueline Đỗ trồng khắp nơi trong vườn, trổ ra đường đỏ rực. Hàng xóm đi bộ thể dục ngang cũng dừng lại ngắm, trầm trồ.

Người phụ nữ từng học ngành hóa sinh ưu tiên trồng hoa theo phương pháp thuận tự nhiên, tránh sử dụng hóa chất. Theo chị, vị trí đón nắng có vai trò quyết định hoa phát triển hay không. “Nơi trồng hoa phải có ít nhất mỗi ngày 6 tiếng chiếu sáng, thoáng đãng”, chị tư vấn.

Không chỉ bà chị chủ vườn, các con chị cũng yêu hoa cỏ, thuộc tên trăm loài trong vườn. Thi thoảng chị Jacqueline Đỗ hái những bông hoa pansy tím biếc trang trí cho bữa cơm để thu hút các con, dùng cánh hoa chế biến món ăn.

Những bức ảnh hoa trong vườn nhà chị Jacqueline Đỗ đăng lên mạng xã hội được nhiều bạn bè tán thưởng. Điều chị tự hào là lan tỏa được niềm đam mê trồng hoa đến mọi người. Có người còn đùa chị mang đến một ‘virus nghiện hoa’, chưa có vaccine điều trị.

“Nếu không có một khu vườn để trồng hoa, hãy bắt đầu bằng những chậu cây nhỏ bên cửa sổ, để dành tiền mua hoa tươi và làm đẹp cho những gì quanh mình. Đó là cách tìm kiếm niềm vui rất giản dị, nhưng mang đến năng lượng tuyệt vời”, chị nói.

Lịch sinh hoạt hàng ngày của chị Jacqueline Đỗ là thức dậy lúc 6h sáng, ra vườn hái hoa cắm khắp nhà, rồi xỏ giầy làm vườn. “Hoa cỏ giúp tôi tràn đầy năng lượng”, người phụ nữ quê Lâm Đồng nói.

Phạm Nga / Ảnh: Jacqueline Do

Cà Mau ‘thảm sát đàn chó’ : Các góc độ dịch tễ, pháp lý và tình người

Bùi Thư / BBC News Tiếng Việt

Hành trình về quê cuối cùng của 15 chú chó

Từ cuối tuần qua, câu chuyện đàn chó 15 con của một cặp vợ chồng đem về quê tránh dịch nhưng bị chính quyền Cà Mau tiêu hủy đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam và quốc tế.

Theo các bác sĩ và luật sư, có cách thức khác để giải quyết vấn đề này mà vẫn giữ được an toàn cho cộng đồng về mặt dịch tễ hơn là tiêu hủy một lúc cả đàn chó.

Vụ việc không chỉ gây phẫn nộ trong một phần dư luận Việt Nam mà đã thành tin quốc tế, được các báo Hong Kong, Thái Lan, Malaysia và một hãng thông tấn của Đức đăng tải.

Các trang mạng xã hội tiếng Anh những giờ qua cũng có nhiều người chia sẻ tin ‘Vietnam brutally killed 15 dogs”, hoặc “15 innocent dogs got beaten to death in Vietnam”.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 11/10, BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) nói về tiêu hủy đàn chó nhà ông Phạm Minh Hùng đưa từ Long An về Cà Mau:

“Tôi không biết được chi tiết vì sao chính quyền Cà Mau lại chọn tiêu hủy, nếu về mặt dịch tễ, chúng ta có thể tách riêng đàn chó ra, tắm rửa và nuôi riêng thì sẽ an toàn, chứ còn vội vã như vậy thì rất là khó. Tuy nhiên, tình huống này, cũng phải xét việc ai là người chăm sóc đàn chó, khi mà chủ phải đi cách ly trong bệnh viện.”

Còn về góc nhìn pháp lý, luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC hôm 11/10:

“Về pháp lý thì ko có quy định nào cho phép giết thú nuôi khi chủ bị lây nhiễm virus Corona cả. Thú nuôi là tài sản của người dân. Việc giết thú nuôi vô hại là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người dân.”

Hiểu sai về dịch tễ

Tại buổi họp báo, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND H.Trần Văn Thời (nơi xảy ra vụ việc), khẳng định lý do không cách ly dài ngày đối với đàn chó mà tiêu hủy ngay là vì sợ lây nhiễm, bởi chống lây nhiễm bệnh là việc trên hết, theo Thanh Niên.

Ông Công xác định, số lượng chó tiêu hủy tổng cộng là 15 con, trong đó 8 chó con, 4 chó lớn của ông Hùng và 3 con chó, 1 con mèo của ông Khanh.

“Lý do vì sao chúng tôi không cách ly dài ngày đối với đàn chó thì vẫn là quan điểm chống dịch là trên hết. Sợ lây nhiễm, chống lây nhiễm là việc trên hết. Vấn đề tiêu hủy nhận được đồng tình của bà con. Bà con mừng lắm, nếu không khéo thì đàn chó này chạy ra bên ngoài hay cắn người nào đó; trong khi chủ thì nằm điều trị ở bệnh viện, không ai chịu trách nhiệm về hậu quả”, ông Công nói tại cuộc họp báo.

Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh thì cho rằng, về dịch tễ, virus từ chó mèo không thể lây sang người:

“Nguyên tắc của virus học là từng dòng có ký chủ riêng của nó, động vật có corona động vật và con người có corona con người. Chỉ con người khi ăn động vật quá nhiều và trong thời gian dài thì chủng từ động vật biến thể qua con người, điển hình là virus corona. Và khi đã là corona trên người, nó không lây ngược qua các dòng ký chủ khác. Thế nên, có thể nói, corona ký chủ chó mèo khác hẳn với ký chủ ở người.”

“Khi virus này từ động vật sang người thì không thể xâm nhập vào tế bào và bị loại ra ngay. Hoặc có trường hợp virus vô một lần quá nhiều thì sẽ giết luôn ký chủ đó, nhưng nó không lây lan được nữa, điển hình là cúm gà. Nếu nói corona lây qua chó mèo và chó mèo lây ngược lại cho người là không đúng.” bác sĩ giải thích.

Tuy nhiên, ông Khanh cũng nói thêm, đối với Covid-19, động vật có thể là trung gian như đồ vật, hàng hóa bằng hình thức mang giọt bắn của người mắc bệnh trên da thịt, lông, móng.

“Rồi người khác ôm hôn thì bị lây nhiễm, chứ không phải con chó, con mèo mắc bệnh rồi lây cho người.” ông Khanh lý giải.

Từ đó, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhận định: “Trong vụ tiêu hủy đàn chó ở Cà Mau, chúng ta có thể tách riêng đàn chó ra, tắm rửa và nuôi riêng thì sẽ an toàn. Tuy nhiên, tình huống này cũng phải xét việc ai là người chăm sóc đàn chó này, khi mà chủ phải đi cách ly trong bệnh viện. Đó là điều khó khăn cho họ, đâu thể mang cả đàn chó vô bệnh viện.”

“Tôi không biết được chi tiết vì sao chính quyền Cà Mau lại chọn tiêu hủy, có thể họ không có cách làm nào khác vì ai là người nuôi đàn chó đó trong khi đội ngũ đang đi chống dịch. Trong khi một cơ sở để nhận 15 con chó cùng một lúc là rất khó ở Việt Nam nhưng vội vã tiêu hủy ngay là không nên.” bác sĩ khẳng định.

Trước đó, trả lời BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales, Australia cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rõ rằng chó không lây truyền SARS-CoV-2 cho người.

Theo Giáo sư Tuấn, ông rất sốc và không thể nào tưởng tượng một vụ việc như vậy lại xảy ra. Theo ông, nếu như ở Australia, thì người ra quyết định tiêu diệt 15 con chó này chắc chắn sẽ bị truy tố ra toà và bị phạt rất nặng.

Giáo sư Tuấn cho rằng các nhà chức trách phải xem xét trách nhiệm của người này và có lời giải thích cho công chúng biết.

Cơ sở pháp lý

Cũng trong buổi họp báo trên, ông Trần Tấn Công khẳng định địa phương làm đúng về mặt pháp lý:

“Công tác phòng chống dịch là trước hết, trên hết. Việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng, chống lây nhiễm, đặc biệt là lây nhiễm chéo trong khu cách ly là vấn đề quan tâm số 1. Đó là nói về cái lý để chúng tôi tổ chức tiêu hủy”.

Tuy nhiên, luật sư Đặng Đình Mạnh lại nói rằng, về y tế thì hiện nay, chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác nhận thú nuôi có khả năng lây nhiễm virus corona và trở thành nguồn lây nhiễm cho người.

Ông Mạnh nói: “Về pháp lý thì ko có quy định nào cho phép giết thú nuôi khi chủ bị lây nhiễm virus Corona cả. Thú nuôi là tài sản của người dân. Việc giết thú nuôi vô hại là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người dân.”

Luật sư Mạnh cũng đề cập về phương diện đạo đức xã hội. Ông cho rằng: “Chó hay mèo là loại thú nuôi thông minh, có nghĩa, được chủ nuôi coi như thành viên trong gia đình. Thế nên, việc xâm hại đến thú nuôi không chỉ làm tổn thất về tài sản, mà còn làm tổn thương về tinh thần của người chủ nuôi.”

“Do đó, về dân sự, phát sinh trách nhiệm của người gây ra sự việc phải bồi thường tổn thất vật chất và tổn thương tinh thần cho người bị thiệt hại. Đồng thời, về trách nhiệm hình sự cũng phải xem xét căn cứ vào giá trị tài sản bị thiệt hại thông qua định giá tư pháp.” LS nói.

Đồng thời, luật sư Mạnh cho rằng cán bộ, công chức chỉ được phép hành xử theo quy định của pháp luật.

“Thừa nhận thiếu sót là cách nói khác của nhận hành xử sai pháp luật. Hành xử sai gây thiệt hại thì phải khắc phục bằng cách bồi thường và xử lý người làm sai. Trong trường hợp chính quyền chỉ nhận sai mà không thực hiện việc khắc phục thì người dân nên chủ động tiến hành thủ tục yêu cầu bồi thường và xử lý.”

Theo đó, người dân có thể lựa chọn thủ tục khiếu nại hoặc tố cáo việc vi phạm pháp luật đến cơ quan chức năng cho thẩm quyền. Vì theo ông, việc chính quyền nhận sai, về tương quan là mặt thuận lợi cho người dân quyết định theo đuổi việc khiếu nại hay tố cáo.

Đòn giáng vào niềm tin

Vụ chính quyền Cà Mau tiêu hủy đàn chó 15 con mà chủ mang về quê tránh dịch làm chấn động dư luận Việt Nam

Vụ việc chính quyền Cà Mau tiêu hủy 15 con chó và một con mèo với danh nghĩa chống dịch đã thổi bùng cơn giận dữ của nhiều người. Các bình luận như: “man rợ”, “ác tâm”, “mất hết tính người” là các từ khóa được dùng nhiều nhất trên mạng xã hội.

Diễn viên Hồng Ánh, thành viên của Tổ chức FOUR PAWS – Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu, viết trên Facebook cá nhân rằng, đây là quyết định “dã man” và cô sẽ gửi đơn kiến nghị cho Tổ chức FOUR PAWS về việc này.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu viết trên Facebook cá nhân rằng, ông thấy sốc về vụ việc và chút niềm tin còn sót lại giữa đại dịch cũng bị tiêu hủy.

“Hãy nhìn vào hành trang của họ, không có gì ngoài xô cũ, hộp nhựa cũ kỹ và đàn chó nhưng họ vẫn tươi vui dọc đường về. Tôi tin họ có niềm vui và tình yêu thương từ đàn chó. Đó là năng lượng sống của họ.

Giờ đây chút niềm tin, năng lượng sót lại trong hành trang đường về nhà bị mang đi tiêu hủy. Thật khó tưởng tượng được cảm xúc của hai vợ chồng ấy. Với tôi, người dưng mà tôi cảm giác nghẹn yết hầu.” Bài viết của ông đã được gần 60.000 lượt yêu thích, bình luận và chia sẻ.

Chấn động dư luận

Ngay khi tin đàn chó, và cả một chú mèo, bị quan chức Cà Mau đem đi thiêu, lộ ra, hàng loạt ý kiến của cộng đồng dùng mạng xã hội tiếng Việt ở VN và nước ngoài đã bùng nổ.

BBC News Tiếng Việt ghi nhận những bình luận: “đau lòng, mất ngủ”, “tàn bạo quá”, “cai trị độc ác”, cho tới những hình ảnh do trẻ em vẽ, mô tả “đàn chó bị thiêu trong lồng sắt, có những người đứng xung quanh hô ‘Giết, giết’ và nhiều cảm xúc khác.

Trước đó, hình ảnh vợ chồng ông Hùng chở những chú chó trên xe máy chất lỉnh kỉnh đồ đạc để về quê tránh dịch được chia sẻ rất nhiều trên mạng.

Dân mạng vô cùng xúc động trước tình cảm vợ chồng này dành cho những chú chó.

Nhiều trang mạng cũng vẽ lại hình ảnh cặp vợ chồng và đàn chó như một cách chia sẻ với sự mất mát của gia đình ông Phạm Minh Hùng.

Facebook người dùng tên Tran Thanh Tung bình luận rằng, đối với những người nuôi chó mèo thì chó mèo như thành viên trong gia đình, chứ không phải động vật nữa. “Vì vậy, việc bạn mất đi 15 người thân cùng một lúc là nỗi đau thấu tận trời xanh”.

Từ Berlin, cây bút Kiều Thị An Giang viết trên Facebook cá nhân:

“Thỉnh thoảng báo chí cũng đưa tin Đức, hay Mỹ, có những con chó tấn công người, thậm chí, giết người. Những con chó mất nhân tính, ý lộn, mất chó tính ấy, sẽ bị tiêu hủy. Nhưng ngay cả thế, cũng không có chuyện đập đầu nhấn nước. Thi hành án tử là tước đoạt mạng sống của một cá thể, nhưng không hành xử theo lỗi dã man mông muội như thế được…”

Một số người khác thì cho rằng, chính chính sách “chống dịch như chống giặc” đã khiến cho những địa phương nhỏ, trong tình hình dịch tễ phức tạp và số người được tiêm vaccine còn nhỏ giọt như Cà Mau cảm thấy sợ hãi.

“Khi sợ hãi tột cùng và thiếu kiến thức, người ta sẽ hành xử một cách tùy tiện, thậm chí có phần ác tâm. Nếu như ở Bình Dương, người ta có thể phá cửa, xông vào nhà để khoá tay một người phụ nữ đi trước mặt đứa con nhỏ, làm những chuyện nhẫn tâm với ngay chính đồng loại mình thì họ sá gì một đàn chó.” một người dân ở TP HCM nhận xét với BBC News Tiếng Việt.

Hình ảnh hai vợ chồng ông Hùng dắt díu nhau cùng đàn chó 15 con trên chiếc xe máy gây xúc động cư dân mạng

Trên Facebook, ông Lê Nguyễn Duy Hậu cũng nêu ý kiến tương tự:

“Mình không nghĩ người quyết định tiêu huỷ chó là máu lạnh hay không có tính người. Mình nghĩ đơn giản vì họ sợ và để cho cái nỗi sợ đó quyết định hành vi. Cụm từ dễ mô tả nhất trong trường hợp này đó là “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”.

“…Chính vì việc không hiểu rõ một chính quyền có quyền làm gì, đâu là giới hạn thoả đáng để bảo vệ lợi ích cao hơn, còn đâu đơn giản là sự tuỳ tiện… mà những người ra quyết định tiêu huỷ chó đã đưa ra một chính sách rất trái nguyên tắc (và có khi còn phản khoa học). Vì vậy, tuy có thể thông cảm về tình ở một mức nào đó, thì cũng vẫn phải chấp nhận với nhau rằng biện pháp trên là lạm quyền và phải nói cho họ biết điều đó.”

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, cần thông cảm cho nỗi sợ của chính quyền Cà Mau và quyền sống, sự an nguy của cộng đồng là tối thượng, chính quyền có quyền làm mọi tứ để bảo vệ quyền sống trên, kể cả tiêu hủy động vật.

Trong khuôn khổ buổi họp báo nói trên, khi được hỏi về nội dung như cách tiêu hủy đàn chó như thế nào, các quyết định tiêu hủy; có lấy mẫu xét nghiệm cho đàn chó trước khi tiêu hủy; ai là người chịu trách nhiệm cho việc tiêu hủy… thì lãnh đạo huyện nói để trả lời sau bằng văn bản.

Trong khi đó, một số thông tin cho rằng, đàn chó bị trùm bao, trấn nước trước khi đem đi đốt.

 bbc.com

“Tâm hồn giản dị”: 10 cách để có quyết định sáng suốt hơn

HÍT MỘT HƠI SÂU. TẬP TRUNG VÀO HIỆN TẠI VÀ TỰ HỎI BẢN THÂN, NGAY GIÂY PHÚT NÀY ĐÂY, ĐIỀU GÌ MỚI LÀ QUAN TRỌNG – GREG MCKEOWN, ESSENTIALISM

Mỗi ngày chúng ta đưa ra hàng nghìn quyết định. Dù có một số quyết định là dựa trên trực giác, số còn lại đòi hỏi phải xử lý vấn đề và tốn chất xám nhiều hơn. Những lựa chọn thường khiến ta mệt mỏi vì phải quyết định. Bắt đầu từ việc đầu tiên ta làm trong buổi sáng. Mình nên ngủ dậy hay tắt chuông báo thức? Uống cà phê hay đi tắm trước? Mình nên mặc gì? Đôi giày này có hợp với cái quần kia không nhỉ? Ăn sáng với ngũ cốc hay trứng? Mà mình có muốn ăn sáng không cơ chứ?

Thật may là ta còn được tự do lựa chọn, nhưng theo Barry Schwartz, tác giả của quyển The Paradox of Choice: Why More is Less (tạm dịch: Nghịch lý của sự lựa chọn: Vì sao nhiều hơn lại là ít hơn), chẳng phải vì thế mà ta được hạnh phúc hơn đâu.

Tâm hồn giản dị:  10 cách để có quyết định sáng suốt hơn - 1

Schwartz nói: “Khi không có lựa chọn nào, người ta gần như không chịu đựng nổi cuộc sống. Khi số lượng lựa chọn có sẵn tăng lên, như trong văn hóa tiêu dùng của chúng ta vậy, quyền tự quyết, sự kiểm soát và tự do mà sự đa dạng này đem lại có tác động mạnh mẽ và tích cực. Nhưng khi số lượng lựa chọn cứ tăng dần, các ảnh hưởng tiêu cực của việc có vô vàn phương án bắt đầu xuất hiện. Khi số lượng lựa chọn tăng lên hơn nữa, các mặt tiêu cực leo thang cho đến khi ta bị quá tải. Lúc đó, sự lựa chọn không đem lại cho ta tự do nữa, chỉ có suy nhược mà thôi”.

Nếu đưa ra ít quyết định hơn, liệu ta có thể quyết định sáng suốt hơn chăng? Tôi đã thử giảm bớt đồ dùng trong sinh hoạt và ăn mặc, có ít lựa chọn hơn và câu trả lời tôi khám phá được là “có”. Khi ta vạch rõ giới hạn giữa những thứ khiến mình xao nhãng với những điều hết sức quan trọng, mức độ tập trung vào những điều mình thật sự quan tâm của chúng ta sẽ trở nên vô tận.

Bạn có thể xoa dịu sự mệt mỏi vì phải quyết định và được trang bị tốt hơn cho những ngày có vô vàn quyết định nhờ tinh giản tâm hồn. Hãy tự động hóa quá trình ra quyết định của bạn. Hãy giải phóng một phần năng lượng tinh thần quý báu để dành cho các quyết định và việc làm khác. Bạn làm bằng cách nào?

1. Bắt đầu từ thực phẩm. Hàng ngày ta phải lựa chọn thực phẩm, và nếu tính cả việc lựa chọn nhà hàng, các món trong thực đơn, thời gian và địa điểm dùng bữa và vì sao ta lại thấy đói vào cùng với bốn mươi bảy ngàn lựa chọn khác ở cửa hàng tạp hóa, bạn sẽ bắt đầu hiểu sự mệt mỏi vì phải đưa ra quyết định được hình thành ra sao. Thay vì vậy, hãy đi mua sắm ở vùng rìa của cửa hàng, ăn các món tương tự nhau mỗi ngày và đừng đi mua thực phẩm mà không có danh sách hay kế hoạch mua sắm.

2. Vờ bị rớt mạng. Chán ư? Lên mạng chơi game đi. Lạc đường à? Hãy tra Google. Thấy cô đơn? Hãy tìm bạn bè trên Facebook. Mạng Internet có vô vàn phương án và lựa chọn dẫn dụ ta tin rằng muốn có giải pháp hữu hiệu, chỉ cần một cú nhấp chuột là xong (rồi lại cần một cú nhấp chuột nữa, rồi cú nữa). Vấn đề là ta không có cơ hội tìm giải pháp cho tình trạng buồn chán, tình huống bị lạc đường hay cảm giác cô đơn. Sự sáng tạo và suy nghĩ sáng suốt của ta bị hàng đống câu hỏi và sự lựa chọn nghiền nát. Quá nhiều lựa chọn là một vấn đề. Hãy nói với cả nhà rằng đường truyền Internet bị rớt vào mỗi Chủ nhật hoặc bất cứ ngày nào phù hợp với bạn và tận hưởng một ngày nghỉ không có thiết bị kỹ thuật số.

3. Kiểm soát hộp thư đến. E-mail làm cho bạn phải ra quyết định nhiều quá mức cần thiết. Hồi âm? Xóa? Nhấn nút gửi? Đọc hết thư? Đồng ý? Từ chối? Tất cả các câu hỏi và ý kiến nảy sinh từ e-mail chiếm hết tâm trí bạn và làm sự minh mẫn vào sáng sớm của bạn mụ mẫm đi. Dù có các phương pháp có thể giúp giảm nhẹ sự căng thẳng mà e-mail đem lại, nhưng cách hay nhất để kiểm soát là chỉ mở hộp thư từ một đến ba lần một ngày.

4. Nhờ người giúp đỡ. Thay vì tra tấn bản thân để cố đưa ra quyết định, hay tệ hơn là hoàn toàn né tránh việc quyết định vì bạn thấy sợ hãi hay bị quá tải mỗi khi cần đưa ra lựa chọn, hãy nhờ ai đó giúp đỡ. Đôi khi, để người khác góp sức giúp bạn quyết định sáng suốt hơn. Ghi chú: Có một hoặc hai người đáp lại là được rồi. Đừng lập cả một hội đồng hoặc chần chừ không dám nhờ vả ai.

5. Bỏ danh sách việc cần làm đi. Nguyên nhân ta không biết phải ưu tiên việc gì là vì có quá nhiều việc phải làm, đến nỗi ta không nhận thức được mình muốn phân bổ thời gian ra sao. Chúng ta không bao giờ hoàn thành được, hãy lập một danh sách việc cần làm chủ chốt mà thôi. Trước khi đi ngủ, hãy đưa ra một đến ba việc cần làm ngày mai. Khi hoàn thành rồi, hãy xem lại danh sách hoặc đi dạo một vòng.

6. Hãy nghĩ rằng những đứa trẻ không phát triển toàn diện cũng rất tuyệt vời. Nào là học đàn vi-ô-lông để tăng sức tập trung, chơi các môn thể thao đồng đội để có tính bền bỉ, đi học thêm để môn nào cũng giỏi và hàng loạt hoạt động khác có thể biến con cái của chúng ta thành những đứa trẻ phát triển toàn diện. Chúng ta đang định hình nên một cuộc sống mà có lẽ bọn trẻ không hề mong muốn. Con cái và cha mẹ đều kiệt sức. Hãy chọn một hoạt động thôi, đừng chọn tất cả. Thay vì bắt con cái phải phát triển toàn diện, hãy để chúng biết yêu thương và được yêu thương.

7. Tạo tủ quần áo sao cho bạn không cần quyết định nên mặc gì. Mỗi ngày có bao nhiêu quyết định liên quan đến thời trang? Khi sáng nào cũng phải bận tâm chuyện lựa chọn trang phục và cuối tuần thì đi đến trung tâm thương mại tìm hàng khuyến mãi và những món đồ đang mốt, chúng ta trở thành nô lệ của thời trang ngay cả khi không thật sự quan tâm đến thời trang. Hãy tạo một tủ quần áo cơ bản và lựa chọn từ một tủ quần áo gọn nhẹ được tuyển chọn theo mùa. Tôi đề nghị chỉ nên có ba mươi ba món đồ hoặc ít hơn.

8. Sắp xếp chuỗi thói quen cho quy trình buổi sáng. Nếu bạn biết phải làm gì trong mấy tiếng đồng hồ buổi sáng và dành khoảng thời gian đó cho các thói quen lành mạnh, bạn sẽ bớt mệt mỏi vì phải ra quyết định ngay từ khi còn chưa rời giường vào mỗi sáng.

Tâm hồn giản dị:  10 cách để có quyết định sáng suốt hơn - 2

9. Loại bỏ những thứ không quan trọng. Đơn giản hóa mọi thứ tạo ra một môi trường đòi hỏi ít lựa chọn hơn và giúp ta duy trì được nhiều sinh lực và sức tập trung để đưa ra các quyết định cần thiết. Khi từ bỏ và buông tay, chúng ta có thể bỏ lỡ đôi điều, nhưng bạn không cần bận tâm đâu, vì thật hạnh phúc biết bao khi được sống cùng những thứ mình yêu thích và có thể đưa ra được những lựa chọn đem lại lợi ích lớn lao hơn nhiều so với việc lựa chọn món ngũ cốc hoàn hảo cho bữa sáng.

10. Quay lại với bài luyện tập cho trái tim. Hãy tạo ra và trân trọng những khoảnh khắc được kết nối với trái tim mình. Cứ tiếp tục hỏi: “Điều này có quan trọng không?”. Nếu bạn muốn làm nhiều hơn là chỉ lướt qua những phần quan trọng nhất trong đời mình, hãy xây dựng một cuộc sống có ít lựa chọn và có ít những việc gây xao nhãng hơn. Điều đó sẽ giúp sức khỏe, công việc và các mối quan hệ của bạn được cải thiện đáng kể.

Theo “Tâm hồn giản dị” /NXB First News

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao?

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao?
THOMAS BEATIE NĂM ĐÓ KHIẾN TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI XÔN XAO, AI NẤY ĐỀU LẠ LẪM KHI LẦN ĐẦU ĐƯỢC NHÌN THẤY MỘT ANH CHÀNG RÂU RIA, NAM TÍNH MANG CHIẾC BỤNG BẦU LỚN.

Khoảng năm 2007, bức ảnh một người đàn ông cực kì nam tính đang mang bụng bầu lớn được đăng tải khiến không chỉ dư luận Mỹ mà nhiều nơi trên thế giới đều ngỡ ngàng. Nhân vật chính trong bức hình đó chính là anh Thomas Beatie hiện 47 tuổi đến từ Hawaii, Texas.

Hồi đó, ai nấy đều tỏ ra lạ lẫm khi một người đàn ông râu ria lại bụng mang dạ chửa đầy kì quái, nghi ngờ có khi nào đây là sản phẩm photoshop, nhưng không hề, Thomas sau đó còn được thế giới nhắc đến với danh xưng “người đàn ông đầu tiên mang bầu và sinh con”.

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 2.

Người đàn ông đầu tiên trên thế giới mang bầu và sinh con

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 3.

Hình ảnh gây lạ lẫm 13 năm trước

Sau khi tìm hiểu, được biết, thực tế Thomas từng là một người phụ nữ rất xinh đẹp làm nghề mẫu ảnh. Sau đó, anh quyết định chuyển giới thành đàn ông nhưng vẫn quyết định giữ lại buồng trứng và bộ phận sinh dục. Đó chính là lý do tại sao anh vẫn có thể mang bầu và đẻ con như bất kì người phụ nữ nào.

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 4.
Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 5.

Thomas thực tế là người chuyển giới nam, trước đó anh là một mẫu nữ xinh đẹp

Thomas kết hôn cùng Nancy năm 2003. Sau này họ phát hiện, cô Nancy bị vô sinh nên Thomas đã chấp nhận thay vợ gánh trọng trách này. Cặp đôi sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, nhờ đến tinh trùng của người hiến. Năm 2007, Thomas thành công thụ thai và mang bầu. Năm 2008, anh hạ sinh một bé gái hoàn toàn khỏe mạnh, và đặt tên là Susan.

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 6.

Anh hạ sinh con gái đầu lòng năm 2018

Kể từ đó, Thomas trở thành “tâm điểm” bàn tán của dư luận khắp nơi. Đi đến đâu, anh đều được mọi người nhận ra và hỏi thăm, tuy nhiên cũng không ít những thành kiến cho rằng anh đi ngược lại quy luật tự nhiên, cổ xúy tư tưởng hôn nhân sai trái. Mặc dù vậy, Thomas từng lên tiếng cho rằng, việc đàn ông gánh vác trọng trách nặng nề cho vợ là vô cùng thiêng liêng, anh tin chắc nhiều người đàn ông khác nếu được cũng sẽ không ngần ngại làm điều tương tự.

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 7.

Thomas và Nancy sau đó không dừng lại mà còn sinh liên tiếp thêm 2 bé. Tổng cộng, cặp đôi có 1 con gái đầu lòng và 2 cậu con trai chỉ cách nhau 1 tuổi. Tuy nhiên, sau 12 năm chung sống, cặp đôi chia tay năm 2015. Năm 2016, anh tái hôn cùng vợ mới là cô Amber Nicholas. Năm 2018, anh xuất hiện trở lại trên truyền thông và cho biết có kế hoạch sinh thêm đứa thứ 4 nếu vợ muốn. Tuy nhiên, lần này các bác sĩ khuyên anh nên dừng lại vì anh đã hoàn thành quá trình chuyển giới, nếu tiếp tục mang bầu sẽ phải mổ lấy con.

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 8.

Hình ảnh Thomas cùng vợ cũ và 3 người con của anh

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 9.

13 năm đã trôi qua kể từ sau khi hình ảnh “quý ông mang bầu” của Thomas được lan truyền rộng rãi, cuộc sống của anh cũng như gia đình đã có nhiều thay đổi. Anh hiện đang là diễn giả nổi tiếng ủng hộ cộng đồng người chuyển giới và vấn đề sinh sản của họ.

Những đứa con do chính anh sinh ra cũng đã lớn khôn. Susan 13 tuổi, Austin 11 tuổi và Jensen 10 tuổi đã lớn lên thành những đứa trẻ khỏe mạnh, hiếu động và vui vẻ. Những hình ảnh cực dễ thương, thân thiết của cả gia đình họ khiến ai cũng ngưỡng mộ. Thomas từng nói các con anh là tài sản quý giá nhất cuộc đời của anh.

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 10.

Thomas có tận 3 đứa trẻ do chính anh sinh ra

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 11.

Cả 3 đứa trẻ đều lớn lên xinh đẹp, khoẻ mạnh và hiếu động

Người đàn ông đầu tiên mang bầu rồi sinh con khiến cả thế giới ngỡ ngàng 13 năm trước giờ ra sao? - Ảnh 12.

Thomas cùng cô công chúa đầu lòng do chính anh sinh ra

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trung Quốc: Tên chủ nợ cá mập ranh ma nhất thế giới

Trung Quốc đang siết chặt cổ Lào (trong ảnh là Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm quan hệ Trung Quốc-Lào tổ chức tại Bắc Kinh ngày 21 Tháng Tư 2021 (ảnh: Yue Yuewei/Xinhua/Getty Images)

Loạt bằng chứng mới đều cho thấy các ngân hàng Trung Quốc đã chi hơn gấp đôi số tiền phát triển cho các nước nghèo so với Mỹ và các nước giàu khác, nhưng phần lớn số tiền này không phải viện trợ không hoàn lại mà đến dưới hình thức cho vay nặng lãi ẩn chứa nguy cơ không trả được nợ. Với thủ đoạn tinh vi này, các “nhà hảo tâm Trung Quốc thật sự là “con cá mập cho vay” (loan shark), nói rõ hơn là “kẻ cho vay cắt cổ”.

Cái mồm ngoác rộng của con cá mập

Tổng số tiền Trung Quốc cho các nước ngoài vay đến nay đã gây sửng sốt và nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều chủ nợ khác. Cách đây không lâu Trung Quốc còn phải nhận viện trợ nước ngoài, thậm chí thuộc thế giới đang phát triển được nhận ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Nhưng bây giờ tình thế đã xoay chuyển. Với kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ gom được nhờ bóc lột sức lao động của người dân, trả lương không đúng với công việc, chính phủ Trung Quốc đã biết lợi dụng khoản tích lũy để “bắt tiền đẻ ra tiền” và gánh nặng đặt trên vai những nước lỡ “vay dễ” từ Trung Quốc.

Theo phòng nghiên cứu AidData thuộc trường Đại học William & Mary ở tiểu bang Virginia, trong 18 năm qua, Trung Quốc đã cấp vốn hoặc cho vay 13,427 dự án cơ sở hạ tầng với tổng trị giá $843 tỷ tại 165 quốc gia. Phần lớn số tiền này dành cho “sáng kiến” tham vọng “Vành đai và Con đường” (Belt and Road-BRI) của Tập Cận Bình. Từ năm 2013, Trung Quốc đã tận dụng cái gọi là “kinh nghiệm chuyên môn” về cơ sở hạ tầng và nguồn ngoại tệ dồi dào để hợp tác xây dựng các tuyến thương mại toàn cầu mới bằng tiền cho vay và các đóng góp khác. Biểu đồ của AidData cho thấy các khoản cho vay phát triển quốc tế của Trung Quốc đã vượt Mỹ.

Nhiều nhà quan sát tin rằng tiền vay hào phóng nhưng lãi suất cao của Trung Quốc dưới lớp áo “tài trợ phát triển” cho nhiều dự án đang đẩy một số quốc gia vào “bẫy nợ nần”, trong khi tiền vay bị thất thoát do quản lý kém và tham ô, lãng phí. Ngay cả các quan chức chính phủ Trung Quốc cũng bất ngờ về những gì AidData phát hiện trong bốn năm theo dõi tất cả khoản cho vay và chi tiêu toàn cầu của Trung Quốc ở bên ngoài quốc gia.

Những nước đang có các dự án “Vành đai và Con đường” với Trung Quốc (tỉ đôla – tính đến Tháng Chín 2021)
Những quốc gia dính vào bẫy nợ của Trung Quốc, tính theo tỉ trọng GDP – theo khảo sát mới nhất “Global Chinese Official Finance Dataset” của AidData công bố ngày 29 Tháng Chín 2021
Những quốc gia dính vào bẫy nợ của Trung Quốc, tính theo tỉ đôla – theo khảo sát mới nhất “Global Chinese Official Finance Dataset” của AidData công bố ngày 29 Tháng Chín 2021

Bài học từ Lào

Tuyến đường sắt ngoằn ngoèo Yumo nối Trung Quốc và Lào, quốc gia láng giềng, thường được xem là “điển hình về hoạt động cho vay nước ngoài của Trung Quốc”. Trong nhiều thập niên, các chính trị gia luôn nghi ngờ về sự cần thiết của con đường kết nối trực tiếp vùng Tây Nam Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á, trong khi các kỹ sư cảnh báo chi phí sẽ rất lớn vì đường ray sẽ phải chạy qua những đồi núi dốc, qua hàng chục cây cầu và đường hầm. Lào là một trong những quốc gia nghèo ở khu vực và ít dân nên không có khả năng chi trả, dù chỉ một phần nhỏ chi phí cho tuyến đường.

Hiểu mối lo này, các chủ ngân hàng của Trung Quốc nhảy ngay vào với sự hỗ trợ của một nhóm công ty nhà nước và một tập đoàn các chủ nợ quốc doanh. Kết quả là vào Tháng Mười Hai năm nay, tuyến đường sắt $5.9 tỷ sẽ bắt đầu đi vào hoạt động. Đổi lại, Lào đã phải vay $480 triệu của một ngân hàng Trung Quốc để tài trợ cho một phần nhỏ vốn sở hữu của mình và sẽ phải dùng lợi nhuận ít ỏi thu được từ các mỏ quặng kali, để trả nợ đáo hạn. Phần sở hữu lớn còn lại của tuyến đường thuộc về một tập đoàn đường sắt liên doanh do Trung Quốc chi phối với các điều khoản ngầm trong thoả thuận buộc chính phủ Lào phải chịu trách nhiệm cuối cùng về khoản nợ tuyến đường.

Chính các điều khoản ngầm không công bằng này đã khiến các chủ nợ quốc tế hạ bậc “tín nhiệm tín dụng” của Lào xuống mức… “rác” (junk), tức là chẳng có thể vay ai khác, ngoài… Trung Quốc! Tháng Chín, 2020, khi trên bờ vực phá sản, Lào đã phải bán một tài sản lớn cho Trung Quốc. Đó là một phần lưới điện với giá $600 triệu để xóa nợ từ các chủ nợ Trung Quốc. Nhưng tuyến đường sắt của Lào không phải là dự án rủi ro duy nhất được các ngân hàng nhà nước Trung Quốc tài trợ, vì theo AidData, Trung Quốc vẫn là nhà tài trợ chính cho nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Brad Parks nhận định: “Tính bình quân mỗi năm, các cam kết tài trợ phát triển của Trung Quốc lên tới $85 tỷ.

Mánh khóe láu cá

Tháng Năm 2019, trong lễ khai mạc Hội nghị Đối thoại các nền văn minh châu Á tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã cố trấn an các con nợ sau khi bị chỉ trích về ý đồ đằng sau các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước nghèo. Trong quá khứ, khi Trung Quốc còn nghèo, các nước phương Tây từng bị kết tội đưa các nước châu Phi vào cảnh nợ nần chồng chất. Rút kinh nghiệm, lần này Trung Quốc cũng làm như thế nhưng “ranh ma” hơn: Thay vì nhà nước đứng ra viện trợ hoặc cho vay tiền các dự án, hầu như tất cả số tiền đều được trao dưới dạng vay của các ngân hàng nhà nước hoặc tư nhân Trung Quốc và không hiển thị trong tài khoản nợ chính thức của chính phủ.

Các tổ chức chính phủ trung ương thường không có tên trong rất nhiều thương vụ do các ngân hàng Trung Quốc thực hiện. Những thỏa thuận tài trợ cho nước ngoài cũng nằm ngoài bảng cân đối kế toán của chính phủ và được giữ bí mật theo luật bảo mật để không cho bên ngoài biết chính xác nội dung của thỏa thuận được ký sau cánh cửa đóng kín. AidData cho biết số nợ không được báo cáo chính thức đã lên tới $385 tỷ! Nhiều khoản nợ phát triển cho nước ngoài bị buộc tuân thủ các hình thức thế chấp bất thường và chính phủ Trung Quốc không giữ vai trò pháp nhân khi xảy ra tranh tụng.

Một thủ đoạn khác là các khoản vay của Trung Quốc thường yêu cầu bên vay phải hứa trả bằng lợi nhuận ít ỏi từ việc bán tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn, một thỏa thuận cho Venezuela vay đã yêu cầu nước này gửi thẳng số ngoại tệ kiếm được từ bán dầu vào tài khoản ngân hàng do Trung Quốc kiểm soát. Khi lãi đáo hạn nhưng không trả được, chủ nợ (Trung Quốc) có quyền rút ngay tiền mặt có sẵn trong tài khoản chung. Brad Parks giải thích: Với chiến lược ban phát bánh mì và bơ, Trung Quốc ngầm báo hiệu cho người vay rằng họ mới là ông chủ lớn, với lời cảnh báo: “Các ngài sẽ phải ưu tiên trả nợ cho chúng tôi trước những con nợ khác”.

Phương Tây vào cuộc nhưng quá chậm

Một câu hỏi đặt ra là “Trung Quốc có thông minh không, khi ứng xử ranh ma như thế?”. Anna Gelpern, giáo sư luật Đại học Georgetown, người từng có chân trong nhóm nghiên cứu của AidData hồi đầu năm nay về các hợp đồng cho vay phát triển của Trung Quốc, trả lời: “Chúng tôi có thể kết luận là Trung Quốc đã rất ‘cơ bắp’ và ‘tinh vi’ trong việc thương lượng hợp đồng cho vay với tôn chỉ: Hãy bảo vệ lợi ích của mình trước đã! Các quốc gia khó khăn sẽ có lúc phải dùng một tài sản vật chất có sẵn như rừng, khoáng sản và cảng biển để thanh toán nợ”.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ sớm phải đối mặt với cạnh tranh cho vay quốc tế. Tại một cuộc họp của nhóm G7, Mỹ và các đồng minh thông báo đã thông qua kế hoạch chi tiêu để cạnh tranh với ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, trong đó có cả các khoản tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng với tiêu chí: Bền vững về tài chính và môi trường. Nhưng theo nhiều nhà quan sát, kế hoạch có vẻ đã quá muộn!

David Dollar, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings và là cựu đại diện Bộ Tài chính Hoa Kỳ tại Trung Quốc, nhận định: “Tôi không tin các sáng kiến ​​của phương Tây sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược cho vay của Trung Quốc. Ngoài việc số tiền cho vay của G7 không lớn lắm để giải quyết hết các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, các nhà tài chính lớn phương Tây còn có thói quen làm việc rất quan liêu nên sẽ mất thời gian dài mới hoàn tất một thỏa thuận”.

Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ

Việt Nam nợ Trung Quốc bao nhiêu tiền?

Từ một nước nhận viện trợ, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trở thành nước cho vay và viện trợ lớn nhất thế giới. Việt Nam là một trong nhiều nước vay vốn của Trung Quốc, nhưng ít ai biết được quy mô của món nợ, mục đích vay vốn và cái giá chính trị phải trả cho món vay đó.

Dữ liệu về viện trợ và cho vay của Trung Quốc được Bắc Kinh cho là “bí mật quốc gia” được giữ rất kỹ; ngay cả những hợp đồng cho vay giữa Trung Quốc và các nước cũng có những điều khoản bảo mật, khiến cho việc phân tích, đánh giá về hoạt động cho vay của Trung Quốc rất khó khăn.

Mới đây, Trung Tâm AidData của đại học College of William & Mary ở Virginia hợp tác với các nhà nghiên cứu của đại học Harvard University và đại học Heidelberg University ở Đức đã lần đầu tiên đưa ra một bức tranh toàn cảnh về hoạt động cho vay của Trung Quốc và tác động của nó đến tình hình thế giới.

Báo cáo của AidData cho thấy, cho đến năm 2008, viện trợ và cho vay của Trung Quốc vẫn kém xa Hoa Kỳ, nhưng từ năm 2009 xu thế đó bị đảo ngược và từ đó Trung Quốc cho vay nhiều hơn hẳn so với Hoa Kỳ; ví dụ năm 2009 Trung Quốc cho nước ngoài vay $70 tỷ, gấp đôi mức $35 tỷ của Hoa Kỳ.

Dữ liệu của AidData ghi nhận trong 18 năm (2000-2017), Trung Quốc đã viện trợ hoặc cho vay thực hiện 13,427 dự án, trị giá $843 tỷ ở 165 quốc gia; đa số các dự án này nằm trong sáng kiến Vành Đai và Con Đường (BRI) – chiến lược trọng tâm của ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc.

Nhưng đáng chú ý là Trung Quốc và phương Tây phân phối tiền vay theo hai cách hết sức khác nhau. Phần lớn (93%) viện trợ và cho vay của phương Tây thực hiện đúng định nghĩa quốc tế về hỗ trợ phát triển chính thức (official development assistance – ODA) nhằm phát triển kinh tế và phúc lợi của nước đi vay, tức là các nước đang phát triển có thu nhập trung bình và thấp (low and middle income countries – LMIC); khoảng 25% tổng số tiền là viện trợ trực tiếp không hoàn lại (direct grant).

Trung Quốc rất hiếm khi viện trợ không hoàn lại, chỉ dành 21% cho các khoản vay ODA, phần lớn là cho vay thương mại mà nước vay phải trả lại với lãi suất cao, thuật ngữ tài chính gọi là OOF (Official Other Flows). Khi cho nước khác vay, Trung Quốc không chỉ nhắm mở rộng ảnh hưởng chính trị mà còn đặt mục tiêu thu lợi về kinh tế, chiếm những nguồn tài nguyên và thực hiện chiến lược bá chủ trên toàn cầu.

Là một trong những quốc gia gần gũi Trung Quốc, Việt Nam đã vay bao nhiêu tiền của nước láng giềng? Câu hỏi đó không dễ trả lời. Theo Tiến Sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên gia tài chính của Liên Hiệp Quốc, kể từ năm 2011, Bộ Tài Chính Việt Nam chỉ công bố tổng số nợ nước ngoài và chấm dứt việc công bố nợ từng nước.

“Bản tin nợ nước ngoài số 7 công bố năm 2011 cho thấy tổng số nợ của chính phủ Việt Nam với Trung Quốc tính đến hết năm 2010 lên đến $552 triệu và khoản nợ do chính phủ bảo lãnh là $1.12 tỷ. Như vậy tổng số nợ Trung Quốc tính đến cuối năm 2010 mà chính phủ trách nhiệm là $1.64 tỷ,” ông Việt viết trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn năm 2018.

Nhưng theo dữ liệu công bố ngày 29 Tháng Chín vừa qua của Trung Tâm AidData, Việt Nam đã vay của Trung Quốc $18.37 tỷ trong thời gian 2000-2017, trong số này có $16.35 tỷ là vay thương mại và chỉ có $1.37 tỷ là vốn ODA. Việt Nam xếp thứ tám trong các nước vay nhiều vốn Trung Quốc nhất. Khối nợ này cao hơn nhiều lần so với dữ liệu công bố của chính quyền và chiếm khoảng 5.8% GDP của Việt Nam.

Ai là người vay nợ của Trung Quốc? Về đại thể, chính phủ Việt Nam thường vay nợ để bù vào khoản thâm hụt ngân sách do thường xuyên chi nhiều hơn thu; chính phủ cũng đứng ra “bảo lãnh” để các tập đoàn, công ty quốc doanh của nhà nước vay tiền thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng hoặc nhà máy xí nghiệp theo các kế hoạch kinh tế mà chính phủ Hà Nội đề ra. Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) thường được nói tới như là con nợ lớn nhất và hầu hết các dự án xây dựng nhà máy điện của tập đoàn này đều sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Các tập đoàn Hóa Chất, Thép, Đường Sắt… và hàng chục tập đoàn công ty khác cũng dựa vào nguồn vốn vay của Trung Quốc. Các “quả đấm thép” – nói theo từ ngữ của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, hầu như đều làm ăn thua lỗ, đốt tiền thuế của dân như đốt vàng mã nhưng vẫn được chính phủ ưu ái vì cho rằng, đó là thành phần kinh tế “chủ đạo” của một quốc gia xã hội chủ nghĩa.

Về phía người cho vay, chính phủ Trung Quốc không đứng ra trực tiếp cho vay mà thông qua các ngân hàng của nhà nước Bắc Kinh, chủ yếu là ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc (China Eximbank) ngân hàng Phát Triển Trung Quốc (China Development Bank) hoặc các tập đoàn tư nhân như Huawei Technologies. Đa số các món nợ do vậy không hiển thị trong sổ sách kế toán chính thức của chính phủ Bắc Kinh. Dữ liệu AidData ghi nhận có đến $385 tỷ được cho vay dưới hình thức này và khi xảy ra tranh tụng thì chính phủ Trung Quốc không dính dáng tới. AidData gọi số nợ $385 tỷ này là “nợ giấu” (hidden debt) và chứa nhiều nguy cơ cho các nước vay nợ. AidData cũng cho biết trong số nợ thương mại $16.35 tỷ của Việt Nam có một nửa là hidden debt.

Vay nợ của Trung Quốc không hề rẻ. Lãi suất các khoản mà Trung Quốc cho nước khác vay thường ngang với lãi suất thị trường, khoảng 3%/năm, cộng thêm 0.5% phí quản lý, 0.5% phí cam kết, tổng số khoảng 4.0%. Mức tiền lời này cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất 0% của Đan Mạch, 0.2% của Tây Ban Nha, 0.6-1.2% của Nhật, 1.04% của Pháp, 0.75% của Đức, 1.75% của Ấn Độ và 0.9% của các tổ chức tài chính quốc tế, theo dữ liệu của tiến sĩ Việt.

Trung Quốc buộc các nước vay nợ phải thế chấp (cầm cố) bằng tài nguyên khoáng sản, các cơ sở hạ tầng thiết yếu, đất đai và tài khoản ngoại tệ quốc gia để khi không trả được vốn và lãi, Trung Quốc sẽ chiếm các tài sản thế chấp đó để trừ nợ. Trường hợp của Lào phải giao cho một công ty Trung Quốc quyền điều hành mạng lưới điện quốc gia sau khi vay tiền Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt Yumo nối Lào với tỉnh Vân Nam Trung Quốc, hay trường hợp của Sri Lanka phải giao cho Trung Quốc cảng Hambantota sau khi vay tiền để mở rộng hải cảng này là những ví dụ về “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Và như vừa nói trên, phần lớn tiền Việt Nam vay của Trung Quốc là tín dụng thương mại, nước đi vay phải chịu nhiều điều kiện ràng buộc rất bất lợi, chẳng hạn như phải sử dụng nhà thầu và công nhân Trung Quốc, phải mua thiết bị và công nghệ Trung Quốc – gồm cả những thiết bị và công nghệ mà Trung Quốc thải ra, như trường hợp các nhà máy nhiệt điện đốt than đang được xây dựng ồ ạt ở các tỉnh ven biển Việt Nam. Việc cho phép hàng chục ngàn người lao động Trung Quốc sang Việt Nam “thực hiện dự án,” phần đông đều không quay về nước mà định cư lấy vợ sinh con ở Việt Nam đã và đang đặt ra những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia và gây phẫn nộ trong dân chúng địa phương.

Các nhà thầu Trung Quốc có nhiều tai tiếng về làm chậm tiến độ, nâng giá dự án lên gấp đôi gấp ba, thiếu minh bạch và phẩm chất công trình kém cỏi. Công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội bị đội vốn từ $419 triệu lên $866 triệu và sau 13 năm vẫn chưa hoàn thành đoạn đường chỉ dài 13 cây số là một ví dụ tiêu biểu cho các dự án vay vốn Trung Quốc khiến dư luận hết sức bất bình.

Theo AidData, Việt Nam là nước chậm trễ thứ năm trong việc thực hiện các dự án kinh tế sử dụng vốn vay của Trung Quốc, bình quân mỗi dự án bị chậm trễ 1,783 ngày (4.9 năm); Việt Nam cũng xếp thứ tư trong 10 quốc gia có các dự án đầy “tai tiếng, tham nhũng.”

Theo Tiến Sĩ Vũ Quang Việt, từ lâu các cán bộ tài chính Việt Nam đã nhìn thấy thực tế đó và “định hướng trong thời gian tới đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc.” Nhưng chính quyền Việt Nam chẳng những không xem xét cân nhắc mà càng ngày càng lún sâu vào cái bẫy nợ mà Bắc Kinh đã giăng ra. Tại sao lại như vậy?

Giáo Sư Zachary Abuza của đại học National War College ở Washington, DC, nhận xét, Việt Nam hy vọng gắn bó mật thiết hơn với Trung Quốc sẽ giúp hạn chế hành vi đe dọa, bắt nạt và xâm lấn của Bắc Kinh. Có thể như vậy, nhưng có một lý do khác không kém phần quan trọng là các món vay của Trung Quốc không có ràng buộc về cải cách quản trị, về dân chủ, nhân quyền, về tính minh bạch chống tham nhũng như điều kiện vay vốn từ các nước phương Tây. Nói cách khác, Trung Quốc rất biết lấy lòng các nhà lãnh đạo độc tài. Ngoài ra, các doanh nhân Trung Quốc rất giỏi đút lót, đưa hối lộ cho các quan chức cầm quyền để thực hiện ý đồ; còn các quan chức Việt Nam thì chẳng quan tâm tới chất lượng dự án hay bẫy nợ mà chỉ cần tiền tham nhũng để vinh thân phì gia trước khi hạ cánh an toàn.”

Trung tâm AidData cảnh báo nguồn vốn và cho vay của Trung Quốc đang lôi kéo các nước nghèo lảng tránh các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới (WB) hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), củng cố các chế độ độc tài, tham nhũng và xói mòn công cuộc dân chủ hóa. Ở Việt Nam, món nợ ngày càng lớn với Trung Quốc còn đặt ra nhiều rủi ro chính trị và tác động tới chính sách của Việt Nam trước những hành vi đe dọa, cưỡng bức và xâm lấn của nước láng giềng phương Bắc, nhất là trong vấn đề Biển Đông.

Sợi xích ràng buộc chủ nợ-con nợ cùng với sự tương đồng về thể chế chính trị độc tài đảng trị sẽ khiến Việt Nam khó mà thoát ra khỏi sự khống chế của Trung Quốc.

Hiếu Chân / Người Viêt