Ngôi nhà như pháo đài kiên cố

NHẬT BẢNCăn nhà ở Tokyo gồm 4 tầng xếp chồng theo cấu trúc bất đối xứng, có những bậc thang trồng cây xanh và sân thượng dốc độc đáo.

Ngôi nhà nằm trong khu hỗn hợp văn phòng – dân cư Sendagaya gần sân vận động quốc gia Tokyo, bao gồm 4 tầng, hai tầng cho thuê và hai tầng dành cho gia chủ.

Hình dáng của công trình như một pháo đài nổi bật nhờ các tầng xếp chồng lên nhau theo phong cách bất đối xứng. Phía bên ngoài, thảm thực vật tại các bậc cầu thang tạo ra sự liên tục của “vòng lặp ba chiều”, trở thành điểm nhấn độc đáo cho không gian sống.

Thách thức đặt ra của các kiến trúc sư là làm thế nào để xây dựng căn nhà thích hợp trong phạm vi hạn chế của khu đất 269 m2, vốn chỉ cho phép tỷ lệ diện tích sàn tối đa là 160% do mặt tiền hẹp.

(Đính chính: Do sơ suất trong việc chuyển đổi số liệu, trong lần xuất bản trước BTV đã ghi sai diện tích của căn nhà là 39 m2. Chính xác là 269 m2. Xin chân thành cáo lỗi cùng quý độc giả)

Gia chủ là một gia đình 5 người từng sống trong một ngôi nhà biệt lập rộng rãi có vườn. Họ lo ngại về chất lượng không gian của ngôi nhà mới với diện tích sàn ít hơn và nằm trong một khu dân cư đông đúc hơn.

“Do đó chúng tôi đã cố gắng làm cho không gian mở, rộng rãi nhất có thể bằng cách tích cực kết hợp các không gian ngoài trời, bất chấp những hạn chế về vị trí, tối đa hóa khối lượng công trình, mang lại tầm nhìn rộng mở xung quanh căn hộ với nhiều tầng bậc thang phong phú”, kiến trúc sư Komuro, người đứng đầu nhóm thiết kế nói.

Cấu trúc từng tầng được xây dựng lệch nhau theo tiêu chuẩn bóng râm và trình tự không gian chiều dọc.

Sự xếp chồng các tầng này tạo ra các phần nhô ra có công năng che nắng, đồng thời tạo ra các không gian ngoài trời khác nhau như hành lang bên ngoài và sân thượng.

Bên trong căn nhà được bố trí theo phong cách thoáng đãng, sáng sủa. Những tầng lửng có chức năng như một “lớp đệm”, cung cấp thêm công năng cho tầng trên và tầng dưới, cho phép không gian chính cởi mở, linh hoạt hơn.

Bên cạnh mục tiêu vừa cho thuê văn phòng vừa để ở, các kiến trúc sư còn hiện thực hóa không gian sống gần gũi thiên nhiên tại trung tâm thành phố Tokyo cho gia chủ. Hệ thống cửa trượt mở rộng ra hai bên thông thoáng giúp gia chủ có thể ngắm nhìn những khoảng sân trồng cây xanh bên ngoài.

Sân thượng xoắn ốc được bao phủ bởi cỏ nhân tạo có thể được tận dụng thêm công năng làm sân chơi cho trẻ em. “Những đứa trẻ có thoải mái chạy nhảy, vui chơi, trong không gian tràn ngập ánh sáng. Chúng tôi cảm thấy ghen tị khi họ được tận hưởng không gian sống phong phú trong bối cảnh đô thị chật hẹp như vậy”, kiến trúc sư cho biết.

Phần hiên trồng cây xanh trở thành ngoại thất độc đáo của căn nhà. Chúng được phân bổ ở mỗi phần sân từng tầng tạo thành một dãy vườn thẳng đứng nối tiếp nhau, giống như một hẻm núi kéo dài từ dưới đất lên trời.

Từ phòng cách, các thành viên trong gia đình dễ dàng vui chơi ở khu vực sân bên ngoài. Mặc dù có diện tích nhỏ, các tầng vẫn tràn ngập ánh sáng, đầy đủ công năng. Thiết kế mở giúp xóa bỏ ranh giới giữa bên trong và bên ngoài căn hộ.

Không gian tầng trên cùng được thiết kế hình tam giác, với một phòng đơn rộng rãi.

Giá sách, bàn học và bếp của căn hộ thông tầng – không gian chính do gia chủ sử dụng trong tòa nhà.

Công trình hoàn thiện năm 2021.

Hà Mi (theo Designboom, Architecturephoto)
Ảnh: Atelier Vincent Hecht
Thiết kế: KOMPAS

Bàn về thân xác và sự tự do của con người

Phải chăng con người chỉ là một khối xương thịt – như một cỗ máy tự động – nhưng biết tư duy như có thêm một… phụ tùng?

Bàn về thân xác và sự tự do của con người

Trở lại với quan niệm về con người, ta không thể không nhắc đến René Descartes (1596 – 1650) và Immanuel Kant (1724 – 1804).

Ông trước được tôn vinh là cha đẻ của triết học hiện đại. Ông sau cũng là một đại triết gia, đồng thời là người thực sự khai sinh môn nhân học, tức khoa học về con người, theo nghĩa hiện đại.

“Cỗ máy người”?

Ta thường biết rằng Descartes phân chia mọi thứ trên đời thành hai loại bản thể: bản thể vật chất có quảng tính và bản thể tư duy, vì thế được gọi là thuyết nhị nguyên. Vậy, sự kết hợp hai loại bản thể này nơi con người như thế nào?

Trước hết, nhờ xét thân thể con người như là một bản thể vật chất, Descartes đã mở đường cho việc nghiên cứu khách quan về cơ thể con người và của mọi sinh vật nói chung. Trước đây, quan niệm thân thể con người là cái gì linh thiêng, bất khả xúc phạm có ưu điểm của nó, nhưng cũng đã cản trở không ít cho sự phát triển của các bộ môn như cơ thể học, sinh lý học và nhất là khoa giải phẫu.

Nhiều câu chuyện ly kỳ được truyền tụng về nhiều nhà y học và thầy thuốc trong thế giới Arập (lúc đó tiến bộ hơn châu Âu nhiều!), vì yêu khoa học và do nhu cầu chữa trị, đã phải lén lút mổ tử thi dù biết sẽ bị trừng phạt nặng nề theo pháp luật. Với quan niệm mới mẻ của Descartes, con đường đã rộng mở! Descartes đã có công lao rất lớn, còn việc khắc phục sự cực đoan để hướng đến quan niệm chẩn đoán và điều trị bệnh nhân một cách toàn diện (tâm thể kết hợp) như ngày nay là câu chuyện khác!

Thế còn bản thể tư duy thì sao? Phải chăng con người chỉ là một khối xương thịt – như một cỗ máy tự động – nhưng biết tư duy như có thêm một… phụ tùng? Không, người đã cực đoan hoá và chủ trương xoá bỏ thuyết nhị nguyên của Descartes để xem con người chỉ đơn thuần là cỗ máy biết tư duy chính là La Mettri (1709 – 1751) trong tác phẩm L’Homme machine (Con người – cỗ máy) (1748).

Quan niệm duy vật cơ giới của La Mettri không nhận ra dụng ý tinh tế trong thuyết nhị nguyên của Descartes. Theo Descartes, con người khác với cỗ máy tự động ở chỗ có năng lực tư duy để, thông qua ngôn ngữ, có thể trao đổi với người khác. Nhờ tính chất phổ quát của lý tính, con người có thể vượt ra khỏi những hoàn cảnh nhất định, biểu lộ suy nghĩ của mình về sự vật và có sự tự do lựa chọn. Chỉ trong tính chất ấy, con người mới có thể chịu trách nhiệm cũng như có thể bị quy trách nhiệm về hành động của mình.

Con người là tự do! Ngược lại, thú vật và những cỗ máy tự động thì dửng dưng và trung lập về luân lý, đạo đức. Về mặt lịch sử tư tưởng, chính từ học thuyết của Descartes, ta mới hiểu được lý do hình thành các loại chủ trương khác nhau về con người từ thế kỷ 18 trở đi với nào là thuyết duy linh, thuyết duy tâm, thuyết duy vật, thuyết duy vật cơ giới v.v.

Nhân học: khoa học về tự do

Từ “nhân học” (anthropology) được Magnus Hundt, người Đức, sử dụng lần đầu tiên vào năm 1501, sau đó là Otto Casmann vào năm 1596. Vào thế kỷ 18, trong khi J. F. Blumenbach (1752 – 1840) sáng lập môn nhân học theo hướng khoa học tự nhiên, thì Immanuel Kant là người khai sinh môn nhân học triết học với bài giảng đầu tiên năm 1772 về “Các chủng tộc khác nhau của loài người”. Đến năm 1798, bộ giáo trình đồ sộ của ông về “Nhân học trong giác độ thực tiễn” mới thực sự là công trình vạch thời đại.

“Triết học theo nghĩa công dân thế giới gồm bốn câu hỏi: Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Tôi được phép hy vọng gì? Con người là gì? Siêu hình học trả lời câu hỏi thứ nhất, luân lý trả lời câu thứ hai, tôn giáo câu thứ ba và nhân học câu thứ tư. Nhưng tất cả đều có thể quy về nhân học, bởi cả ba câu trước gắn liền với câu sau cùng” – Immanuel Kant

Ngay trong Lời tựa, rõ ràng theo chân Descartes, Kant phân biệt giữa nhân học sinh lý như “những gì thiên nhiên tạo ra từ con người” với nhân học thực tiễn như “những gì con người, với tư cách sinh vật tự do hành động, tự tạo ra hoặc có thể và phải tạo ra từ chính mình”.

Về mặt nhân học sinh lý, đúng theo thuyết bất khả tri của ông về “vật – tự thân”, Kant không tin rằng ta có thể hiểu biết trọn vẹn về cơ thể con người, một nhận định mà nền công nghệ sinh học ngày nay đang cố gắng cải chính! Tuy vậy, bản thân những nghiên cứu phong phú của ông về bản năng, tính khí, nhân tướng, giới tính, chủng tộc v.v. đã góp phần tích cực cho môn nhân học sinh lý, nhất là các lĩnh vực tâm lý học xã hội, tâm lý bệnh học…

Đóng góp lớn của Kant là đã nối kết các chủ đề này với tính cách và vận mệnh triết học của con người với tư cách là sinh vật luân lý và có lý trí. Con người không phải là sinh vật “thuần lý” như thánh thần, cũng không phải như cỗ máy tinh vi nhưng vô tình của “trí tuệ nhân tạo”, trái lại, là sinh vật – tự nhiên có thân xác, hữu tình, với bao dục vọng và yếu đuối, nên chỉ là sinh vật “có năng lực lý tính” mà thôi.

Vì thế, con người không có cách nào khác hơn là phải biết sử dụng lý trí của mình để “thông qua nghệ thuật và khoa học, sống chung trong xã hội với những người khác nhằm văn hoá, văn minh hoá và đạo đức hoá, thoát ra khỏi bản tính thô lậu và xứng đáng làm người”. Kant đặt câu hỏi: Vậy môn nhân học và môn sư phạm phải làm gì để phát triển tiềm lực đạo đức để nó không xung đột với bản tính tự nhiên của con người?

Theo ông, trước hết, nhân học phải dựa trên kinh nghiệm nội tâm. Sau đó, tiến hành khảo sát cặn kẽ mọi mặt của đời sống con người, rút ra những quy tắc tuy không thể hoàn toàn chính xác nhưng hữu dụng. Nhân học “từ giác độ thực tiễn” thực chất là một thứ tâm lý học và xã hội học thường nghiệm nhưng được sắp xếp, hệ thống hoá và định hướng bằng triết học.

Thật thế, nền nhân học ấy, gắn liền với “nhận thức về con người với tư cách là công dân thế giới”, không thể tiến hành theo kiểu tiên nghiệm, cũng không bằng thí nghiệm theo kiểu khoa học tự nhiên, mà phải bằng con đường nghiệm sinh với mọi thông tin có thể có được, từ du khảo, du ký, tiểu sử, văn hoá, nghệ thuật, lịch sử thế giới… trước khi có cái nhìn thống quan của triết học.

“Thịt xương là sông núi”?

Những gợi ý của Kant được hậu thế tiếp thu và đánh giá khác nhau, nhưng dường như ai cũng thâm cảm rằng: thân xác tự nhiên là ranh giới, nói lên sự hữu hạn của con người, thậm chí “chia biệt người ra từng xứ cô đơn” (Huy Cận), nhưng chính nó mới làm cho sự tự do của con người được đặt ra một cách bức thiết, đồng thời được đặt ra trong tình liên đới xã hội giữa những phận người.

Theo BÙI VĂN NAM SƠN / SÀI GÒN TIẾP THỊ

Xuất khẩu văn hóa đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Hàn Quốc ra sao?

Có thể nói Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu văn hóa đại chúng hàng đầu thế giới. Đây cũng là cách để xứ kim chi phát triển “sức mạnh mềm”.

Xuất khẩu văn hóa đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Hàn Quốc ra sao?

Từ giữa những năm 1990, khái niệm Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) đã xuất hiện, thể hiện sự phát triển phi thường của văn hóa nước này, bao gồm âm nhạc, điện ảnh, phim truyền hình, ẩm thực…

Đầu tiên, làn sóng ấy lan rộng sang Trung Quốc và Nhật Bản, sau đó đến Đông Nam Á và tiếp tục tác động mạnh mẽ trên toàn cầu. Cơ quan quản lý phát thanh truyền hình của Hàn Quốc luôn tích cực trong việc cử đoàn đại biểu đi quảng bá nhiều chương trình truyền hình và nội dung văn hóa ở các nước.

Hallyu mang lại khối lợi nhuận khổng lồ, là “sứ giả” văn hóa và quảng bá hình ảnh quốc gia. Từ đầu năm 1999, nó trở thành một trong những hiện tượng văn hóa lớn nhất châu Á. Hiệu ứng của Hallyu: Đóng góp vào 0,2% GDP vào năm 2004, ước tính khoảng 1,87 tỷ USD. Năm 2019, con số này tăng lên 12,3 tỷ USD.

Để làn sóng lan xa

Các phương tiện truyền thông nổi tiếng trong khu vực cho rằng, Hallyu bắt nguồn từ một số bộ phim điện ảnh và truyền hình như Trái tim mùa thu (năm 2000), Cô nàng ngổ ngáo (2001) và Bản tình ca mùa đông (2004). Tất cả đều trở nên rất nổi tiếng không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… Thành công của các sản phẩm giải trí này tạo ra tiếng vang lớn và thu hút sự chú ý về văn hóa Hàn Quốc.

Dưới đây là những yếu tố chính đóng góp lớn vào sự phát triển của làn sóng Hàn Quốc:

Bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài đối với người dân: Có lẽ yếu tố quan trọng nhất mở đường cho Hallyu là quyết định của Chính phủ vào đầu những năm 1990 nhằm dỡ bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài đối với người dân. Điều này tạo tiền đề cho một số người Hàn Quốc khám phá thế giới phương Tây, chủ yếu là Mỹ và châu Âu.

Nhiều người theo đuổi con đường học vấn hay bắt đầu sự nghiệp tại các công ty có uy tín ở châu Âu và Mỹ trước khi về nước vào cuối những năm 1990. Họ mang theo quan điểm mới về kinh doanh, sự tinh tế và cách diễn giải mới đối với nghệ thuật, điện ảnh và âm nhạc cũng như các hình thức biểu đạt sáng tạo. Điều này đã tạo ra một đội ngũ nhân tài mới, trẻ và có trình độ cao đang chờ nắm bắt các cơ hội ở Hàn Quốc.

Các chaebol (đại tập đoàn gia đình) tái cơ cấu: Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 tác động nặng nề tới các chaebol của Hàn Quốc. Những tập đoàn này hoạt động trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất chip đến đóng tàu. Cuộc khủng hoảng buộc họ phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh, tập trung vào năng lực cốt lõi. Hàn Quốc hiểu rằng, nếu các chaebol thất bại, đất nước sẽ thất bại.

Tổng thống bấy giờ là ông Kim Dae-Jung đã coi việc thúc đẩy công nghệ thông tin và văn hóa đại chúng là 2 động lực chính cho tương lai của Hàn Quốc. Công nghệ sẽ tạo ra các ngành công nghiệp mới và văn hóa đại chúng có thể trở thành ngành xuất khẩu quan trọng trị giá hàng tỷ USD, đồng thời giúp xây dựng thương hiệu Hàn Quốc.

Cấm kiểm duyệt: Luật kiểm duyệt của Hàn Quốc đã cấm các nhà làm phim và nghệ sĩ khai thác những chủ đề gây tranh cãi. Điều này đã kiềm chế sự sáng tạo của họ trong thời gian dài. Năm 1996, tòa án Hiến pháp cấm việc kiểm duyệt và mở ra một loạt chủ đề độc đáo để nghệ sĩ tự do khám phá. Động thái này mang đến những cơ hội cho thế hệ trẻ thể hiện các ý tưởng mới và táo bạo hơn thông qua điện ảnh và âm nhạc.

Chú trọng xây dựng thương hiệu của các công ty hàng đầu: Một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu vào giữa những năm 1990, đặc biệt tập trung vào chất lượng, thiết kế, tiếp thị và xây dựng thương hiệu trên quy mô toàn cầu… Tất cả nhằm cải thiện chất lượng tổng thể, cung cấp hàng hóa cao cấp cho thị trường thế giới.

Tăng cường cơ sở hạ tầng: Chính phủ chi ngân sách đáng kể để phát triển cơ sở hạ tầng Internet công nghệ cao vì họ tin rằng, mọi người dân sẽ được hưởng lợi từ việc kết nối với toàn cầu. Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào các công ty khởi nghiệp. Ví dụ năm 2012, các quỹ chính phủ chiếm hơn 25% tổng số tiền đầu tư mạo hiểm giải ngân. 1/3 tổng số vốn đầu tư mạo hiểm được chi cho ngành giải trí.

Nền tảng gồm những thanh niên năng động, đầy sức sống và sáng tạo trong việc biểu đạt những ý tưởng mới và táo bạo thông qua ngôn ngữ điện ảnh và âm nhạc. Môi trường rất thuận lợi nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ khiến âm nhạc, phim truyền hình và điện ảnh xứ kim chi tạo ra cơn sốt trong khu vực.

Điện ảnh với sứ mệnh bảo vệ văn hóa quốc gia

Điện ảnh được coi là một trong những kênh quan trọng nhằm gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa Hàn Quốc. Nước này khẳng định quan điểm đưa nhiệm vụ bảo vệ văn hóa quốc gia lên hàng đầu. Nếu sản phẩm chỉ có tính giải trí phổ thông, không bao hàm cơ sở văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc thì đó chỉ là sự bắt chước, không bền vững, không được đánh giá cao. Các đài truyền hình luôn cạnh tranh khốc liệt nhưng mục đích chung đều hướng tới quảng bá văn hóa của đất nước.

Đồng thời, Hàn Quốc chủ trương việc học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đã có nhiều sản phẩm điện ảnh được sản xuất theo hướng kết hợp giữa nội dung là những câu chuyện thấm đẫm tình yêu đất nước với phong cách làm phim “bom tấn” của Hollywood, hấp dẫn hàng triệu khán giả, tạo ra những cơn sốt phòng vé và gây được tiếng vang lớn.

Đầu những năm 1990, Hàn Quốc đã bắt tay thực hiện chính sách cải tổ điện ảnh toàn diện. Phương án tối ưu được lựa chọn là đầu tư vào con người. Hơn 300 người từ 18 – 25 tuổi được chính phủ gửi sang Mỹ đào tạo bằng ngân sách. Việc tiếp xúc với tư tưởng mới từ Mỹ và thế giới đã “khai thông” tư tưởng cho các nhà làm phim, thổi luồng gió tươi trẻ vào điện ảnh.

Điện ảnh Hàn Quốc trở thành một trong những nền điện ảnh đứng đầu châu Á, đẩy lùi phim Hollywood tại thị trường nội địa, tràn sang chiếm lĩnh thị trường của hàng loạt quốc gia trên thế giới.

Một bộ phận của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tập trung vào nhạc pop, thời trang, giải trí, phim ảnh… Bộ phận này cùng với 3 bộ phận khác được gọi là Văn phòng nội dung văn hóa nhận ngân sách khổng lồ với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu ngành công nghiệp văn hóa.

Chính phủ cũng rất tích cực tổ chức các lễ hội văn hóa, thực hiện các chiến dịch quảng bá để công bố sự độc đáo của Hàn Quốc, và gián tiếp tạo môi trường thuận lợi cho ngành công nghiệp giải trí. Tính đến tháng 8/2020, 32 Trung tâm văn hóa Hàn Quốc đã được mở tại 28 quốc gia ở khắp châu Phi, châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ.

Công nghiệp điện ảnh phát triển còn nhờ nỗ lực đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn lớn và chính phủ đều góp phần quan trọng trong việc tài trợ, sản xuất, phân phối và công chiếu các bộ phim.

Gần đây, Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc đặt ra mục tiêu tập trung phát triển theo chiều sâu, nuôi dưỡng tài năng từ cộng đồng các nhà làm phim trẻ độc lập. Trong quá trình này, doanh thu không phải là tiêu chí chính nữa mà là chất lượng phim và các giải thưởng quốc tế uy tín…, dựa trên chất lượng tác phẩm chứ không chỉ danh tiếng của nhà làm phim.

Chính phủ và các nhà làm phim tin tưởng rằng, những hình ảnh đẹp về đất nước và con người Hàn Quốc sẽ thu hút du khách, qua đó góp phần quảng bá văn hóa rộng rãi trên khắp thế giới.

Theo VIETNAMNET 

Chỉ một từ này đã lý giải vì sao Google được yêu mến nhất giới công nghệ – Apple, Amazon, Microsoft có nằm mơ cũng khó đạt được

Chỉ một từ này đã lý giải vì sao Google được yêu mến nhất giới công nghệ - Apple, Amazon, Microsoft có nằm mơ cũng khó đạt được
TRONG CUỘC KHẢO SÁT MỚI ĐÂY CỦA THE VERGE, GOOGLE TRỞ THÀNH THƯƠNG HIỆU CÔNG NGHỆ ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI YÊU THÍCH NHẤT. VÌ SAO?

Hôm thứ 4 (9/7), The Verge công bố “khảo sát về niềm tin” thường niên của các thương hiệu công nghệ. Có rất nhiều thông tin thú vị về việc người dùng có cảm nhận gì với các công ty công nghệ nhưng điểm thú vị nhất đến từ việc Google được xướng tên là thương hiệu công nghệ được người dùng yêu thích nhất.

Một điểm bất ngờ khác là thương hiệu đứng thứ 2 trong danh sách này là YouTube, thuộc sở hữu của Google. Apple, Microsoft hay Amazon đều xếp sau 2 thương hiệu này.

Người dùng yêu iPhone, mua sắm hàng ngày trên Amazon – đặc biệt trong giai đoạn Covid. Có đến hàng triệu công ty phụ thuộc vào hệ điều hành và dịch vụ doanh nghiệp của Microsoft. Tuy nhiên, khi được yêu cầu chấm điểm các công ty công nghệ, Google nhận điểm cao nhất.

Điều này có được một phần là nhờ Google ít phải hứng chịu các scandal khổng lồ như các đối thủ. Họ không để lộ dữ liệu người dùng, công cụ tìm kiếm cũng không dẫn người dùng đến các thông tin sai lệch như Facebook. Họ ít phải hứng chịu sự chỉ trích của người dùng nhất trong khi thực tế là Google cũng khai thác dữ liệu từ người dùng với số lượng khổng lồ.

Có một lý giải cho vấn đề này và nó thực sự đơn giản. Trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống con người, Google là “mặc định”. Đó là một từ cực kỳ quyền lực và giá trị với bất cứ doanh nghiệp nào.

Google là công cụ tìm kiếm mặc định của nhiều người, dịch vụ email mặc định của nhiều người, trình duyệt web mặc định của nhiều người. Đó cũng là nơi người dùng tìm đến đầu tiên nếu muốn chỉ đường, tìm quán ăn gần nhà hay lên các kế hoạch đi du lịch.javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(2010032);}else{parent.admSspPageRg.draw(2010032);}

“Mặc định” là một từ quyền lực và đó là lý do khiến người dùng đánh giá cao Google đến vậy, so với các hãng công nghệ khác. Người ta sử dụng dịch vụ của Goole một cách tự nhiên mà gần như không còn nghĩ đến đó là sản phẩm của ai, hơn kém đối thủ ra sao.

Google Search là ví dụ hoàn hảo. Công cụ này không chỉ chiếm đến 92% thị phần tìm kiếm mà còn chiếm 100% thị phần trong tâm trí người dùng. Khi được hỏi một câu hỏi dạng như: “Tôi có thể tìm kiếm thông tin này ở đâu” – “Google đi” sẽ là câu trả lời mặc định.

“Mặc định” chính là vị trí cao nhất một công ty có thể đạt được trong tâm trí của người tiêu dùng.

Apple có thể tạo ra chiếc smartphone phổ biến nhất thế giới nhưng iPhone không phải mặc định. Rất nhiều người không bao giờ mua một chiếc iPhone hay MacBook. Cũng có nhiều người chọn mua hàng từ Target, Taobao hơn là Amazon.

Tất nhiên, Apple vẫn là công ty có vốn hoá lớn nhất trên hành tinh này còn Amazon là nền tảng mua sắm online lớn nhất, nhưng họ không đạt được vị trí như Google trong tâm trí người dùng.

Đó là lý do quan trọng khiến 90% người được hỏi cho biết họ có cái nhìn tích cực về Google và 70% tin rằng Google tạo ra tác động tích cực lên xã hội. Google tạo thêm giá trị cho cuộc sống của họ. Kết quả là, nhiều người vui vẻ giữ Google ở vị trí mặc định trong tâm trí họ. Và đó là thành quả tuyệt vời cho một công ty công nghệ.

Đức Nam / Theo Doanh nghiệp và Tiếp thi

Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc đang bị “tấn công” từ mọi phía

Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc đang bị "tấn công" từ mọi phía
NHỮNG NGÀY NÀY, KINH TẾ TRUNG QUỐC PHẢI TIẾP NHẬN MỘT LOẠT TIN XẤU: THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN LAO DỐC, KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG, NIỀM TIN TIÊU DÙNG YẾU ĐI TRONG KHI CHI PHÍ NGUYÊN VẬT LIỆU TĂNG CAO. CÁC DỮ LIỆU ĐƯỢC CHÍNH PHỦ NƯỚC NÀY CÔNG BỐ VÀO ĐẦU TUẦN SAU SẼ CHO THẤY CỤ THỂ TÌNH HÌNH XẤU ĐẾN ĐÂU.

Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong quý III, giảm mạnh so với mức 7,9% của quý II. Các chỉ số theo tháng như sản lượng công nghiệp và đầu tư cũng sẽ yếu đi trong tháng 9. Doanh số bán lẻ có thể tăng nhẹ vì Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh.

Những tháng gần đây, triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xấu đi đáng kể do những bất ổn trên thị trường bất động sản và cuộc khủng hoảng thiếu điện buộc nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn. Do đó nhiều chuyên gia kinh tế đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm 2021. Nomura đưa ra con số 7,7%, với những tác động lan tỏa ra toàn bộ kinh tế thế giới.

Theo Liu Peiqian, chuyên gia kinh tế trưởng tại Natwest Markets, bức tranh càng ảm đạm hơn khi mà giờ đây chính phủ Trung Quốc sẽ ưu tiên các mục tiêu cải cách dài hạn hơn là tập trung vào những mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn.

Lĩnh vực bất động sản

Để giảm rủi ro tài chính, Bắc Kinh đã mạnh tay siết chặt các chính sách ghìm cương thị trường bất động sản, khiến hoạt động xây dựng sụt giảm rất mạnh và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thanh khoản tại tập đoàn China Evergrande.

Tháng 9, tổng doanh số của 100 nhà phát triển top đầu đã giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái dù thông thường đây là mùa cao điểm trong năm. Điều này gây ra những tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế. Goldman Sachs ước tính lĩnh vực bất động sản và các ngành liên quan đóng góp tới gần 1/4 GDP Trung Quốc.

Với dòng tiền cạn kiệt, các công ty bất động sản khó có thể triển khai các dự án đầu tư mới. Tăng trưởng đầu tư bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2021 được dự báo giảm xuống còn 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 10,9% của tháng 8.

Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc đang bị tấn công từ mọi phía - Ảnh 1.

Trong tháng 9, số nhà mới bán ra giảm mạnh so với 1 năm trước.

Khủng hoảng thiếu điện

Trên khắp cả nước, nhiều nhà máy đã buộc phải ngừng sản xuất trong nửa cuối tháng 9 vì thiếu điện trầm trọng. Kết quả là chỉ số PMI của Trung Quốc đã giảm xuống ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên kể từ khi bùng dịch. Tuy nhiên, số liệu về xuất khẩu khá khỏe mạnh và tình trạng thiếu điện đã được giải tỏa phần nào, do đó cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ tác động trái chiều lên hoạt động sản xuất công nghiệp.

Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc đang bị tấn công từ mọi phía - Ảnh 2.

Lượng điện tiêu thụ vẫn tăng trong tháng 9.

Theo nhóm chuyên gia phân tích của Goldman Sachs, lượng điện mà các ngành công nghiệp thứ cấp tiêu thụ đã tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hoạt động công nghiệp vẫn khỏe mạnh bất chấp tình trạng thiếu điện. Tuy nhiên đây là dữ liệu có độ biến động cao và có thể không phản ánh chính xác các xu hướng trên thực tế.

Các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo tháng 9 sản lượng công nghiệp của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với tốc độ của thời điểm tháng 4/2020.

Người tiêu dùng thận trọng

Trung Quốc vừa phải đối phó với đợt bùng dịch lớn nhất kể từ đầu dịch, trong đó biến thể delta đã lây lan từ giữa tháng 7. Nước này đã nhanh chóng dập dịch thành công, nhưng chính chiến lược zero Covid nghiêm ngặt đã khiến tiêu dùng bị ảnh hưởng khá nặng.

Từ cuối tháng 8 các địa phương mới bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống dịch, do đó doanh số bán lẻ có thể cải thiện trong tháng 9. Chuyên gia dự báo doanh số bán lẻ tháng 9 sẽ tăng trưởng khoảng 3,5%, so với mức 2,5% của tháng trước.

Xuất khẩu bùng nổ

Tăng trưởng mạnh trong tháng 9, xuất khẩu bất ngờ trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc. Nhu cầu đối với hàng Trung Quốc của các nền kinh tế phát triển vẫn rất mạnh, một phần bởi các nước xuất khẩu ở Đông Nam Á bị biến chủng Delta ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người mua cũng đang cố gắng tích trữ hàng cho mùa mua sắm cuối năm khi mà chuỗi cung ứng toàn cầu đang có quá nhiều vấn đề như hiện nay.

Thặng dư thương mại tăng là một trong những lý do giải thích tại sao đồng nhân dân tệ tiếp tục tăng giá mạnh trong năm 2021 bất chấp triển vọng tăng trưởng xấu đi.

Tham khảo Bloomberg / Thu Hương / Doanh nghiệp & Tiếp thị