Ung thư ở Mỹ – Đến TT Nhân Hòa, tâm tình cùng bệnh nhân ung thư

Lạc quan sống cùng ung thư

Ngọc Lan

WESTMINSTER (NV) – “Nghe như sét đánh ngang tai hay trời đất sụp dưới chân mình” gần như là tâm trạng của hầu hết mọi người, dù là đàn ông hay đàn bà, lớn tuổi hay nhỏ tuổi, khi được bác sĩ báo cho biết mình mắc bệnh ung thư.

Thế nhưng suy nghĩ “bị ung thư đồng nghĩa với chuyện cái chết gần kề” dường như đang dần thay đổi trong ý thức của nhiều người.

Tâm tình của một số người tham gia trong “Nhóm Hỗ Trợ Ung Thư” tại Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa đã và đang chiến đấu với căn bệnh ung thư từ nhiều năm qua đưa đến cho mọi người cái nhìn lạc quan và tích cực hơn trong vấn đề điều trị chứng bệnh quái ác này.
Mỗi tháng một lần, vào ngày Thứ Hai, họ, phần lớn là phụ nữ bị ung thư ngực, lại tập trung tại phòng họp của Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa, để tâm tình, san sẻ, kể cho nhau nghe, đặt biệt là cho những người mới đang còn trong giai đoạn chờ đợi kết quả xét nghiệm, những gì mà họ đối diện, trải qua từ ngày “khoác trên mình chiếc áo ung thư.”
Lạ một điều, ngay khi bước chân vào phòng, chỉ cần nhìn nét mặt, là người ta có thể dễ dàng đoán ra được người nào vừa mới “chạm ngõ ung thư”, và người nào đã sống cùng ung thư trong suốt quãng thời gian dài, có khi lên đến 12, 13 năm.
Nụ cười tươi tắn, yêu đời sẽ nở trên môi người “sống cùng ung thư” từ bao năm qua. Nước mắt, sự âu lo, nỗi thẫn thờ là tâm trạng ai cũng trải qua khi biết mình vừa vướng vào căn bệnh oan khiên này.
Tâm trạng người vừa mắc bệnh
Chị Đ.N, ngoài 50 tuổi, từ thành phố Mission Viejo đến tham dự buổi gặp gỡ với “Nhóm Hỗ Trợ Ung Thư” vào một ngày đầu Tháng Tư bằng đôi mắt mọng nước và vẻ hoang mang lộ đầy trên nét mặt.
Chị đang chờ kết quả xét nghiệm hai khối u lấy từ trong phổi. “Nếu là u lành thì mọi chuyện không có gì đáng lo. Nhưng nếu là u ác tính thì tức là tôi đã bị ung thư giai đoạn 4.” Chị Đ.N nói trong nước mắt điều chị được cảnh báo từ bác sĩ.
Người phụ nữ trắng trẻo, có gương mặt thật hiền và thật buồn, cho biết chị vẫn khám bệnh định kỳ đều đặn hằng năm.
Mọi chuyện đều bình thường cho đến Tháng Mười Một, 2012 trong lần đi khám ngực, “bác sĩ khám phá ra có điều gì đó khác thường.” Kết quả làm sinh thiết (biopsy) vào dịp Giáng Sinh 2012 cho biết chị Đ.N “có dấu hiệu ung thư nhưng nhẹ lắm, không lây.”
“Tôi nghĩ mình xui nhưng cũng còn may mắn là nó nhẹ và không lây nên tinh thần tôi không sợ gì hết. Bác sĩ cho mổ và khuyên cắt bỏ ngực phải đi thì tốt hơn và không cần phải làm hóa trị (chemotherapy).” Chị nhớ lại.
Ca phẫu thuật được thực hiện trước Tết Nguyên Đán, và “chỉ 11, 12 ngày sau là tôi đi làm bình thường.”
Vẫn giọng buồn hiu hắt, chị Đ.N kể tiếp “phần ngực được cắt ra bác sĩ cho đi làm sinh thiết tiếp thì lại thấy trong đó có một khối u nhỏ ác tính. Bác sĩ lại đề nghị làm ‘chemo’ để trừ tận gốc, và giải thích cơ bản hạch nách không bị thì không có gì nguy hiểm.”
Tuy nhiên, trước khi làm hóa trị, chị Đ.N được làm kiểm tra tổng quát một lần nữa, kể cả chụp gan, phổi.
“Lần này lại thấy trong phổi có hai cục bướu nhỏ nữa. Tôi đang chờ kết quả xét nghiệm hai cục bướu này. Nếu nó lành thì không sao, nhưng nếu là ác tính thì tức là mình đã bị ung thư giai đoạn 4. Từ hôm bác sĩ nói điều đó đến nay tôi hoàn toàn xuống tinh thần.” Giọng người phụ nữ nghẹn lại.
Mắt đỏ hoe, chị Đ.N nói, “Tôi đang chờ kết quả. Tôi cố gắng mạnh mẽ, nhưng mà từ giai đoạn 1 xuống đến giai đoạn 4 thì tuyệt vọng lắm. Lúc đầu mình cứ tự nói là phải mạnh mẽ, phải mạnh mẽ. Mặc dù tôi rất mau nước mắt nhưng tôi cứ nói không sao, không sao, phải cố gắng. Nhưng giờ thì thấy con đường đi tới sao ngày càng nhỏ lại và khó khăn quá.”
Chị L.N, người giờ đã vượt qua được căn bệnh này, còn khá trẻ, nhớ lại cảm giác lúc nghe báo tin mình bị ung thư ngực, “Tôi choáng váng vì thấy bao nhiêu người bệnh nặng đã qua đời vì chứng bệnh này thì nghĩ mình cũng như vậy thôi. Tôi phải đứng lên xin ôm bác sĩ Mai để cho mình đứng vững, cô ôm tôi, an ủi tôi.”
Bà Năng Đặng, mẹ của một bệnh nhân ung thư tên L.L.Đ cũng “những tưởng đất trời sụp đổ” khi nghe bác sĩ báo con gái mình bị mắc bệnh ung thư.
Cảm giác đó, tâm trạng đó không là của riêng ai khi hay tin mình vướng vào chứng bệnh nan y này.
Lạc quan sống cùng ung thư
“Đừng buồn, đừng sợ, hãy nhìn mọi người chung quanh nè, ráng lên em, em còn trẻ lắm, em sẽ vượt qua mà.” Những lời an ủi, những câu khích lệ của mọi người có mặt gửi đến cho chị Đ.N.
Bằng một giọng nói bình thản, chậm rãi, bà Xuân Trần, người mang trong mình căn bệnh ung thư ngực từ cuối năm 1999, và mắc thêm chứng ung thư ruột từ hai năm qua, hướng về chị Đ.N khuyên, “Đừng sợ chết! Nếu số chết tới thì mình sẽ chết thôi. Nên cứ can đảm sống vui vẻ, đừng sợ gì hết.”
Cuối năm 1999, bà Xuân được phát hiện ung thư ngực, “Tôi sợ lắm, không đi chữa, không cho ai trong nhà biết hết, ngoại trừ ông chồng.”
Theo lời bà Xuân, đầu năm 2000, nhân viên của trung tâm y tế Nhân Hòa gọi điện thoại đến khuyên bà nên đi chữa trị. “Ngày đi mổ, tôi cũng không cho đứa con nào biết hết. Đến khi mổ xong, ba tụi nó nói tụi nó vào thăm, tụi nó khóc quá trời. Bác sĩ cũng nói tôi làm vậy là không đúng.”
Bà Xuân cười hiền lành, “Rồi thì cũng vượt qua được 10 năm. Hai năm trước đi xét nghiệm tôi bị ung thư ruột. Nhưng mà đi tới đây gặp gỡ nói chuyện thường xuyên với mọi người tôi thấy mọi việc lại trở nên bình thường, không có gì khó khăn với mình.”
Bác sĩ Gina của Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa khuyên, “Phải suy nghĩ lạc quan, tinh thần rất quan trọng. Những người đang chữa trị cần nên nghe những lời chia sẻ và lời khuyên của những người đã trải qua rồi. Để cho tinh thần xuống sẽ hại mình kinh khủng. Mỗi ngày mình chọn điều gì đó có ích để làm, phải biết mỗi ngày mình phải sống, chứ sợ quá không muốn sống cứ nghĩ rằng mình sắp chết thì không nên. Ngay cả nghĩ rằng mình còn sống được 2 năm thì hai năm đó cũng phải là hai năm tốt nhất trong cuộc đời của mình.”
Có mặt trong “Nhóm Hỗ Trợ Ung Thư” của trung tâm Y Tế Nhân Hòa là ông Gerard Nguyễn, mà nhiều người trong cộng đồng Việt Nam đều biết đến ông với nghệ danh ca sĩ Quốc Anh.

Ông kể, “Tháng Ba, 2010 tôi bị ung thư ruột già. Khi biết mình mang bệnh, tôi cũng lo sợ và tinh thần suy sụp lắm.”
Tuy nhiên, như lời tâm tình của người ca sĩ này, khi ông đến tham gia sinh hoạt với “Nhóm Hỗ Trợ Ung Thư”, “nhìn những người bệnh xung quanh vui sống thì tại sao tôi lại không làm được, trong khi tôi lại là một người đàn ông, ý chí của tôi phải mạnh hơn chứ. Thế là tinh thần tôi phấn chấn hơn, vì tôi thấy, ồ, thì ra ung thư không phải là chết.”
“Sau khi được các bác sĩ thu xếp nhanh cho làm giải phẫu, tôi thấy mình cũng sinh hoạt bình thường cho đến nay.” Ca sĩ Quốc Anh nói.
Ông nêu kinh nghiệm bản thân, “Ngoài chuyện cầu nguyện, quan trọng theo tôi là phải có sự phấn chấn trong đời sống tinh thần hằng ngày thì mới có thể lướt qua bệnh tật dễ dàng, còn cứ buồn khổ hoài thì bệnh tật sẽ đè nặng mình hơn.

“Chuyện ngày mai để ngày mai lo” Ca sĩ Quốc Anh kết luận bằng nụ cười tươi tắn không chút phiền lo.

Thời cơ đang xuất hiện? Đối lập dân chủ phải làm gì?

Việt Hoàng

Theo eThongLuan

“…Người dân có hiểu biết hãy luôn tâm niệm và hãy nói với những người dân khác xung quanh mình rằng: Nếu không có sự hiện diện của một lực lượng đối lập trong chính trường Việt Nam thì mọi sự thay đổi hay mọi sự hứa hẹn chỉ là giả tạo và không bao giờ là có thực…”

Cục diện chính trị Việt Nam đang xoay chuyển một cách kỳ lạ và nhanh chóng. Trong bản Dự thảo Hiến pháp mà quốc hội Việt Nam đưa ra để lấy ý kiến của người dân có những điều gây tranh cãi gay gắt trong dư luận như việc dự thảo Hiến pháp vẫn giữ nguyên điều 4 (trong đó qui định Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo đất nước), quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng CSVN, không công nhận quyền tư hữu hóa đất đai… Các giáo sư, tiến sĩ, tướng tá ăn lương của đảng lên ti vi và báo chí khăng khăng bảo vệ cho sự đúng đắn của bản dự thảo này. Đùng một cái, sau một cuộc làm việc của thủ tướng với ban soạn thảo hiến pháp thì mọi sự thay đổi đến bất ngờ: Có thể sẽ đổi tên nước, công nhận quyền lập hiến của người dân, sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp, quân đội phải trung thành với tổ quốc và nhân dân sau đó mới đến đảng… Sắp tới đây, có lẽ, sẽ đến việc “công nhận quyền tư hữu đất đai” và “bỏ điều 4 hiến pháp” hai tử huyệt của chế độ cộng sản (như nhận định của GS Hoàng Xuân Phú).

Chuyện gì đang xảy ra? Có những bài viết đáng chú ý như bài “TPP hay khúc quanh Việt – Mỹ?” của tác giả Phạm Chí Dũng, bài “Vì sao sắp có một liên minh chính trị ở Việt Nam” của tác giả Thanh Hương và “lạ lùng” nhất là bài “Khả năng xuất hiện bước ngoặt chính trị ở Việt Nam” của Đảng Dân Chủ Việt Nam. “Lạ lùng” ở chổ dường như nó dọn đường cho Nguyễn Tấn Dũng lên làm tổng thống. Các phân tích của các tác giả trên cho thấy, sau cuộc hạ bệ bất thành thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của liên minh Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang tại hội nghị trung ương 6 thì sinh mệnh chính trị của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Theo các dự đoán thì trong hội nghị trung ương 7 vào tháng 5 tới đây, thủ tướng Dũng sẽ loại bỏ hai nhân vật này khỏi chính trường Việt Nam và lên ngôi “tổng thống” hay một cái gì đấy tương tự.

Quá trình chuyển đổi thể chế chính trị từ mô hình “độc tài đảng trị” sang mô hình “độc tài cá nhân trị” là một diễn tiến tất yếu của lịch sử và là quá trình đào thải của mọi thể chế độc tài, đúng như nhận định của ông Nguyễn Gia Kiểng.

Một sự thay đổi bắt buộc sẽ phải đến vì nó đã chín muồi. Tình hình kinh tế Việt Nam ngày càng bi thảm và khó tránh khỏi một cuộc đổ vỡ trong những ngày sắp tới. Bong bóng bất động sản, bong bóng ngân hàng… đáng ra phải nổ từ lâu nhưng chính quyền vẫn cố giữ, nhưng càng giữ thì khi nổ, hậu quả càng lớn, càng tang thương.

Kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy giảm và sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào các thị trường dân chủ như Mỹ, Nhật, Châu Âu ngày càng lớn và trở nên quan trọng. Những nước này sẽ không bỏ qua cơ hội này để gây áp lực lên vấn đề nhân quyền tồi tệ của Việt Nam. Việt Nam khó lòng tiếp tục chơi trò đu dây giữa Trung Quốc và khối dân chủ, nhất là sau khi Miến Điện đã chuyển đổi thành công một cách ngoạn mục từ độc tài quân sự sang thể chế dân chủ.

Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn sống còn: Thay đổi theo con đường của Miến Điện hay rơi vào hỗn loạn? Nhiều chỉ dấu cho thấy phương án thay đổi đang được đặt ra và quả bóng đang nằm trong chân Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng, liệu ông Dũng có thể làm một nhà độc tài được không? Theo nhận định của xã luận báo Tổ Quốc (số 156) thì: “Không phải ai cũng có thể làm một nhà độc tài. Muốn làm một nhà độc tài cũng phải có tài hùng biện, bản lĩnh chính trị và sức thu hút mà không một lãnh tụ cộng sản Việt Nam nào có cả. Bộ máy sàng lọc của một đảng cộng sản quá lỗi thời đã chỉ để lại những con người mờ nhạt thiếu cả tài đức lẫn nhân cách. Con người nhiều quyền lực nhất hiện nay trong chế độ, ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng là con người ít uy tín nhất trong cả đảng lẫn xã hội. Tình trạng của ĐCSVN hiện nay không khác tình trạng của một bệnh nhân phải giải phẫu khẩn cấp dù chắc chắn không qua khỏi cuộc giải phẫu”.

Câu hỏi quan trọng cần đặt ra cho mọi người Việt còn quan tâm đến vận mệnh dân tộc là: Người dân Việt Nam phải làm gì trước tình thế này? Phong trào dân chủ đối lập cần làm gì khi cơ hội đến?

Với người dân Việt Nam, ngay cả khi không còn cộng sản nữa thì với chế độ độc tài cá nhân trị, tình hình vẫn không có gì thay đổi. Tác giả Thanh Hương nói đúng khi cho rằng: “Nếu ai đó ảo tưởng và hy vọng “tổng thống” Nguyễn Tấn Dũng sẽ phá bỏ cái xã hội chủ nghĩa, cộng sản và lấy đó làm vui mừng thì chính họ sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của “tân tổng thống””. Muốn hay không phải có sự đa nguyên về chính trị, đa đảng trong xã hội thì mới có sự đổi mới thật sự. Chỉ có cạnh tranh mới sinh ra công bằng, đạo đức và lẽ phải. Nếu người dân Việt Nam muốn thay đổi tận gốc rễ cuộc sống bất ổn của mình thì chỉ còn một cách duy nhất là phải ủng hộ một tổ chức dân chủ đối lập lương thiện và có chiều sâu. (Xin xem thêm bài “Vì sao cần ủng hộ một đảng đối lập dân chủ?”)

Người dân có hiểu biết hãy luôn tâm niệm và hãy nói với những người dân khác xung quanh mình rằng: Nếu không có sự hiện diện của một lực lượng đối lập trong chính trường Việt Nam thì mọi sự thay đổi hay mọi sự hứa hẹn chỉ là giả tạo và không bao giờ là có thực.

Và như vậy, phong trào đối lập dân chủ cần phải làm gì trong lúc này? Có một điều rất mừng là dù có bất đồng về cách thức hoạt động và cơ cấu tổ chức… nhưng hầu hết những người quan tâm đến dân chủ cho Việt Nam đều đã đồng ý với nhau rằng, muốn thành công, phải có tổ chức. Tổ chức đây là “tổ chức chính trị”. Điều này ông Nguyễn Gia Kiểng và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã “đề nghị” suốt… 30 năm nay.

Trước thời cơ và trước vận mệnh sống còn của đất nước thì các lực lượng dân chủ phải đoàn kết lại. Đó là điều tất yếu, nhưng muốn các lực lượng dân chủ đoàn kết với nhau thì ngay trong các nhóm dân chủ đó phải có tổ chức và lãnh đạo. Ví dụ nhóm 72 nhân sĩ trí thức tham gia kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992, nhóm “Lời tuyên bố của các công dân tự do”, nhóm “Con đường Việt Nam”…cũng cần thống nhất với nhau về tư tưởng, phương pháp hành động và cơ cấu tổ chức… để có thể điều hành các hoạt động của nhóm một cách suôn sẻ và trôi chảy, tránh những “sự cố” ngoài ý muốn như “sự cố Nguyễn Đình Lộc”.

Người dân Việt Nam nói chung và các nhân vật đấu tranh cho dân chủ nói riêng không nên đặt nặng vấn đề về sự dấn thân vào chính trị của người Việt ở trong hay ngoài nước. Cái quan trọng nhất, theo tôi, miễn là người đó, tổ chức đó lương thiện và làm được việc. Dân chủ hóa đất nước là nhiệm vụ của mọi công dân Việt Nam, dù bất cứ họ đang sống nơi đâu trên thế giới. Mạng Internet đã làm cho con người sống trên mọi miền của thế giới xích lại gần nhau. Người Việt cũng không là ngoại lệ.

Trong bài viết “Ba kịch bản, một kỳ vọng” tác giả Nguyễn Gia Dương đã nhận ra một điều rất quan trọng đang diễn ra tại Việt Nam, đó là bánh xe lịch sử vẫn đang tiến về phía trước. Mặc cho các nhân sĩ trí thức đứng tuổi đang phân vân và tranh cãi thế nào là trí thức? Và trí thức phải làm gì cho đất nước? Trí thức nên hành động như thế nào trước tình thế hiện nay?… thì một lớp người tranh đấu mới, rất trẻ trung và đầy lòng nhiệt huyết đã xuất hiện với những phong cách sinh hoạt khác hẳn với những tập quán cũ trước đây. “Có thể xem họ là những nhà đạo diễn thuộc trào lưu mới. Họ sẽ tích cực góp phần gầy dựng kịch bản tự do chính trị cho Việt Nam. Và các diễn viên chính chắc chắn sẽ là những người tự xem mình như những công dân tự do có quyền và có trách nhiệm đối với đất nước”.

Tôi đồng ý với tác giả rằng: “Phải làm tất cả những gì cần làm để những đạo diễn và những diễn viên này có được cơ hội phát huy tài năng của họ”. “Với thời gian, rất nhiều tổ chức dấn dần biến mất, nhường chỗ lại cho một vài tổ chức có viễn kiến và có định hướng đúng. Khi hai đợt sàng lọc đã hoàn tất công việc của nó, những con người kiên trì còn lại – trong và ngoài nước – chắc chắn sẽ kỳ phùng trong một mặt trận dân chủ”.

Cơ hội cho những người Việt Nam yêu nước, những người muốn phụng sự cho tổ quốc và nhân dân đang ở trước mặt. Liệu chúng ta có quyết tâm và sự sáng suốt để giành lấy chiến thắng cuối cùng này hay không? Liên minh chính trị nào sẽ hình thành? Các lực lượng tiến bộ trong đảng đã sẵn sàng vượt qua những bất đồng chính kiến để kết hợp với các lực lượng chính trị dân chủ ngoài đảng hay chưa?

Việt Hoàng

Chris Brummitt – Việt Nam và Hoa Kỳ quá xa cách về Quyền con người

Chris Brummitt/ABC News

Lê Quốc Tuấn X-CafeVN dịch Việt ngữ

Cuối tuần rồi, để ngăn không cho người hoạt động dân chủ nổi tiếng gặp nhà ngoại giao Mỹ chính quyền Việt Nam đã dùng đến một loại vũ khí bất thường – một nhóm các phụ nữ lớn tuổi.

Những người phụ nữ này bít đường vào nhà của người bất đồng chính kiến, ngăn không cho chiếc xe  Đại sứ quán Mỹ vào. Chiếc xe được dùng chở nhà bất đồng chính kiến ​​đến một khách sạn tại trung tâm thành phố để gặp Phó Trợ lý Ngoại trưởng Dan Baer, ​​người đã cố gắng để có được những giải thích chân thực từ các nhà hoạt động và gia đình của những người bị giam cầm trong một đất nước độc tài độc đảng.

Một người hoạt động khác trên danh sách khách mời bị lôi vào đồn công an cho đến khi khách Mỹ đã rời đi.

Những nỗ lực ngăn chặn họ của chính phủ Việt Nam cho thấy khoảng cách giữa hai quốc gia về quyền con người và tiếp tục là một trở ngại trong việc tạo dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Washington và một quốc gia được coi có thể là đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.

Baer đã ở Việt Nam trong một phần của cuộc “đối thoại nhân quyền” lâu nay giữa hai Chính phủ để chính thức hóa những nỗ lực của Mỹ khiến Việt Nam phải nới lỏng kiểm soát về chính trị và tôn giáo và chấm dứt việc bắt giữ những người thúc đẩy dân chủ đa đảng. Hôm thứ bảy, Baer đã cách gặp gỡ những người bất đồng chính kiến sau khi cuộc đàm phán giữa hai bên về mối quan tâm của Mỹ kết thúc vào ngày thứ Sáu.

“Rõ ràng là việc này làm ô uế tất cả kinh nghiệm đã có giữa hai nước” và đặt ra sự nghi ngờ về lời hứa của chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện tiến bộ về quyền con người, Baer cho biết qua điện thoại từ Oslo, nơi ông dừng chân trước khi trở về từ Hà Nội.

“Những gì có thể là nền tảng vững chắc cho tiến trình đã bị hủy hoại bởi loại hành vi có thể đưa đến các nghi vấn về sự chân thành của bất kỳ cam kết nào mà họ từng hứa hẹn”, ông nói.

Khi gia tăng sự chú ý vào châu Á trong chính sách đối ngoại của mình, Hoa Kỳ muốn các liên kết an ninh, ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ hơn với Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng đã rõ ràng cho phía VN thấy rằng tiến bộ trong thành tích về quyền con người của Việt Nam là cần thiết để sự tham gia này có thể xảy ra nhanh chóng và đầy đủ. Cho đến nay, Đảng Cộng sản cho thấy vài dấu hiệu của nhường nhịn. Trong khi tưởng rằng một số thành viên cởi mở cho các cuộc thảo luận về sự thay đổi dần dần, các nhà lãnh đạo của họ lại không chịu lắng nghe, tiếp tục lo sợ bị mất quyền lực và khả năng truy cập vào phần hấp dẫn của nền kinh tế.

Cuộc Đối thoại nhân quyền năm nay đã bị trì hoãn nhiều tháng do các lo ngại từ phía Mỹ rằng phiên giao dịch trước tại Washington trong tháng 11 năm 2011 đã không mang lại bất kỳ thay đổi nào đáng kể. Theo Human Rights Watch, trong năm 2012 ít nhất đã có 40 nhà bất đồng chính kiến ​​bị kết tội và kết án tù, 40 người khác bị giam giữ trong sáu tuần đầu tiên của năm 2013.

Baer muốn gặp Nguyễn Văn Đài và Phạm Hồng Sơn, hai nhà bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng đối với các chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền. Họ đã từng ngồi tù bốn năm trong quá khứ. Cả hai đều bị giám sát thường xuyên và thường bị quấy rối, nhưng vẫn công khai thách thức đảng CS, sẵn sàng chấp nhận rủi ro cho họ và gia đình khi hành động như thế.

Đài cho biết ông đã thông báo cho các viên chức chính trị tại Đại sứ quán Mỹ biết rằng các công an và nhân viên an ninh khác đã tụ tập ở nhà ông, khiến ông không thể rời nhà đi đến cuộc họp. Viên chức nói với ông rằng họ sẽ lái xe đến nhà để đón ông đi. Nhưng khi đến, chiếc xe đã bị khoảng 10 phụ nữ từ các khu phố được chính quyền đưa ra đứng giữa đường để chặn lại, Đài cho biết.

“Tôi không biết ại sao họ lại sử dụng cách điên rồ này”, Đài nói. “Tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên.”

Khi được yêu cầu bình luận, chính phủ Việt Nam trả lời trong một tuyên bố: “Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho đoàn đại biểu của Daniel Baer để gặp được một số cá nhân mà phía Mỹ quan tâm.”

Baer nói rằng ông đã có thể gặp gia đình của hai tù nhân chính trị – Lê Quốc Quân và Cù Huy Hà Vũ – trong vòng 1 giờ rưỡi hôm thứ Năm, mặc dù chính quyền đã gây khó khăn khiến họ không thể ra khỏi nhà để gặp ông. Quân, một luật sư từng học tại Hoa Kỳ, đã bị bắt vào cuối năm ngoái sau khi ông và gia đình đã phải chịu đựng nhiều tháng bị quấy rối. Baer cũng đã đến một nhà tù để gặp Cha Lý, một linh mục Công giáo đang chịu án tù tám năm.

Bằng cách sử dụng các thành phần công chúng để chặn xe đại sứ quán, có thể chính phủ Việt Nam đã phải tìm cách khéo léo để chối vai trò của họ trong việc ngăn chặn không cho Baer gặp Đài.

 

“Nếu chính phủ không muốn con đường bị chặn, họ đã có thể thông đường,” ông Phil Robertson từ Human Rights Watch nói. “Kết quả họ muốn là đạt được sự ngăn cản mà không gây nên các hậu quả xấu hoặc những lời chỉ trích có thể nhắm vào chính phủ nếu có công an ngăn chặn”.

 

Cả Đài và Sơn đã từng gặp gỡ các quan chức cấp cao của Mỹ trong quá khứ, và Baer ngạc nhiên khi  các cuộc gặp lần này bị ngăn chặn.

“Tôi không có thói quen phải xin phép để gặp gỡ các công dân”, Baer nói. “Ở Mỹ, chúng tôi chắc chắn không hạn chế những ai mà họ muốn gặp.”

Một số nhà báo Việt Nam đã tham dự cuộc họp báo do Baer tổ chức vào tối thứ sáu, nhưng sự kiện này đã không được đưa tin từ các phương tiện truyền thông địa phương, do Đảng Cộng sản sở hữu và kiểm soát. Một bài bình luận đăng trên báo hàng đầu của đảng, Nhân Dân, một vài ngày trước khi đến Baer đã gợi ý là ông sẽ ở trong một chuyến đi khó khăn.”

Nhìn vào vấn đề nhân quyền tại Việt Nam qua con mắt của những kẻ chống cộng cực đoan người Mỹ gốc Việt, chẳng lẽ Daniel Baer không nhìn thấy vấn đề?” tờ Nhân Dân hỏi, lặp đi lặp lại một niềm tin thường được trích dẫn rằng những người miền nam Việt Nam rời đất nước sau chiến tranh Việt Nam là nguồn gốc của sự thù địch đối với Hà Nội tại Hoa Kỳ. “Người ta không thể tin một nhóm người vẫn còn cảm thấy cay đắng về thất bại của gần 40 năm trước đây. Daniel Baer và một số chính trị gia Mỹ nên sớm thay đổi thái độ của họ về vấn đề này.”

Hoa Kỳ có một mục tiêu xác định trong việc tuyên truyền vận động các tiêu chuẩn quyền con người trên toàn thế giới, nhưng một nhóm thành viên Quốc hội có cộng đồng cộng đồng người Việt Nam trên địa bàn của họ đang gây sức ép để chính quyền phải đặc biệt nhấn mạnh vấn đề quyền con người tại Việt Nam. Cộng đồng người tị nạn này trốn sang Mỹ sau thất bại trước quân đội Công Sản Bắc Việt của Hoa Kỳ và đồng minh Nam Việt Nam.

Sơn cho biết ông đã gặp Baer trong năm 2010 và 2012 trong lần ghé thăm trước tại Việt Nam, và mô tả ông Baer là “rất người rất tốt và nhiệt tình trong mối quan tâm về quyền con người ”

Nhà bất đồng chính kiến ​​cho biết công an đã đến nhà mình vào sáng thứ bảy và ra lệnh cho ông phải đến trạm công an địa phương, mặt nổi là vì một người dân đã phàn nàn về một cuộc phỏng vấn mà ông thực hiện với đài phát thanh tiếng Việt của BBC, nơi ông thảo luận về đề nghị thay đổi hiến pháp của đất nước. Ông đã đi cùng với họ, nhưng ở đó chẳng hề có hỏi han gì về những khiếu nại cáo buộc ấy.

“Tôi chỉ cười,” ông nói. “Tôi đã gặp những sự cố tương tự như thế này nhiều lần. Nói rõ hơn là chính phủ của chúng tôi, đảng của chúng tôi có nhiều cách xảo quyệt để quấy rối dân chúng. Đảng không muốn những người như tôi  gặp gỡ những người từ nước ngoài như Tiến sĩ Baer.”

Nguồn: ABC News

Nguyễn Văn Tuấn – Chuyện kì thị Bắc-Nam

Hôm nọ, đọc xong bài này, tôi đã định viết vài dòng ghi chú, nhưng loay hoay với công việc rồi quên. Hôm nay, ngày cuối tuần, nên có chút suy nghĩ về chuyện kì thị. Không cần phải dài dòng: kì thị là chuyện xấu, cần phải dẹp. Trong bài báo dưới đây, tác giả thuật lại câu chuyện của chính tác giả bị chủ quán người miền Nam kì thị, và tác giả qui kết “chiến tranh” như là một lí do cho tình trạng kì thị. Tôi thì nghĩ khác: tôi nghĩ rằng tình trạng người Nam kì thị người Bắc có nguyên nhân sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ những năm đen tối sau 1975.

Tôi đoán trong cộng đồng dân tộc, không ai có kinh nghiệm kì thị bằng những người Việt tị nạn ở nước ngoài. Thời đó (tức đầu thập niên 1980s) khi người Việt bắt đầu đến Úc định cư, thì phong trào kì thị người Việt cũng bắt đầu“sinh sôi nảy nở”. Có dạo người Việt không được vào các club uống bia. Cựu thủ tướng John Howard có thời không ưa người Việt tị nạn. Giáo sư sử học ở Melbourne tên là Goeffrey Blainey còn nói rằng đóng mộc vào trán người Việt và gửi cho họ về VN trên các chuyến tàu chở cừu xuất khẩu. (Ông này sau này bị áp lực phải từ chức). Có thời gian người Việt bị đám du côn Úc chận đường đánh. Anh bạn tôi là một nạn nhân. Nhưng không lâu sau đó thì “phe ta” cũng bắt đầu hình thành băng đảng để chống chọi, và khi phe ta đã ra tay chống trả (toàn súng đạn) thì du côn Úc cũng phải ngán. Bây giờ thì tôi nghĩ nạn kì thị đã giảm đi nhiều khi thế hệ 2 và 3 người Việt lớn lên ở đây đã hoà nhập và ở mức độ nào đó đã thành công.

Nhưng nay lại có nạn người Việt kì thị người Việt. Người Việt tị nạn (chủ yếu là dân miền Nam) kì thị dân miền Bắc. Có người nói hài hước là dân đi tàu kì thị dân đi máy bay :-). Thật ra, tôi không chắc chữ “kì thị” có đúng không nữa, vì trong thực tế chữ “không ưa”, hay thậm chí “ghét”, thì đúng hơn. Vào giữa thập niên 1990s, khi có đồng nghiệp từ VN sang đây học hành và công tác, họ không dám xuống các vùng đông người Việt (như Cabramatta chẳng hạn). Đến đó, chỉ cần nghe giọng “Bắc 75” là chắc chắn gặp “phiền phức”. Có lần tôi dẫn một anh đồng nghiệp ghé Cabramatta chơi, khi vào nhà hàng, tôi phải dành quyền gọi món ăn, chứ không dám cho anh ấy nói, vì tôi biết anh ấy mà mở miệng nói giọng Bắc 75 thì chắc cả tôi và anh chẳng có gì để ăn. Ở Little Saigon, một hôm tôi và anh bạn (cũng Bắc kì 75, dân Thái Bình) vào nhà sách, anh bạn tôi hỏi tìm mua cuốn hồi kí của tướng Trần Văn Trà; trong khi ông chủ thì điềm đạm, nhưng ông khách đang lựa sách, quay sang gằn giọng với anh bạn tôi: “ở đây không có bán sách của Việt cộng. Việt cộng thì về bển mà mua.” Ông chủ tiệm sách vội vàng dàn hoà, và nói sách … bán hết rồi. Thấy tình hình không ổn, tôi kéo anh bạn lui bến.

Nhưng phải nói rằng nay thì đỡ hơn nhiều. Khi làn sóng người miền Bắc sang đây tị nạn vào thập niên 1990s, và đến nay thì người dân hai miền đã cảm thông nhau nhiều hơn. Thời đó, dân tị nạn miền Bắc không thể mở hàng quán ở khu dân tị nạn miền Nam. Nhưng nay thì anh em Nam Bắc đề huề, bên nhau làm ăn. Ở Cabramatta có một quán Bắc chính cống, bán toàn đồ ăn Bắc, và được dân miền Nam ủng hộ hết mình, riết rồi ông chủ nghĩ ông là dân Nam! Sau này thì thêm làn sóng mấy em du học sinh sang đây học, và đi làm thêm, thì chính các hàng quán Việt là những nơi các em ấy nghĩ đến. Tôi nghĩ trong số những em ấy, chắc cũng có nhiều trường hợp cay đắng. Cháu gái tôi nó kể phải làm trong một quán ăn từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm, mà chỉ được trả 8.5 AUD/giờ. Đó là một sự bóc lột trắng trợn. Tôi nghĩ có không ít chủ hàng quán người Việt lợi dụng tình thế bất lợi của mấy em học sinh, sinh viên để bóc lột. Câu chuyện được kể trong bài viết trên tờ laodong.com.vn chắc cũng có phần sự thật, và người chủ kia có lẽ là một trong những kẻ bóc lột đồng hương.

Trong bài này, tác giả đổ thừa cho “vết thương của bao năm chiến tranh vẫn đang dai dẳng hằn sâu trong một bộ phận đồng bào”. Nhưng tôi nghĩ không phải vết thương chiến tranh. Tôi nghĩ lí do sâu xa hơn nữa. Có nhiều lí do tại sao người tị nạn miền Nam không ưa người Bắc. Xin nói thêm là tôi không nằm tron nhóm đó, vì tôi nghĩ mình đã vượt qua được lằn ranh phân định đó, và bằng chứng là tôi có nhiều học trò người Bắc và tôi làm việc với đồng nghiệp ngoài Bắc rất thoải mái.

Trong cái nhìn của phần đông những người tị nạn bên này, người Bắc là thủ phạm gây nên sự điêu tàn của đất nước. Với cái nhìn đó, họ không ưa người miền Bắc. Sau 1975 miền Nam có thể nói là lâm vào cảnh khốn cùng. Gia đình li tán. Chồng con đi “học tập cải tạo” mút mùa. Hàng vạn người chết trong các trại tù cải tạo. Số ra tù thì bệnh tật riết cũng chết. Số còn sống sót đi vượt biên thì có khi làm mồi cho cá mập. Nhà cửa bị ăn cướp. Con cái bị kì thị, học giỏi cách nào cũng không vào đại học được do cái lí lịch “nguỵ”. Có thể nói không ngoa rằng thời đó dân miền Nam bị cán bộ miền Bắc kì thị rất ác. Phải nói là “ác ôn”. Có vay thì có trả, nên chuyện con em người miền Nam bây giờ tỏ ra thiếu cảm tình với đồng môn người Bắc chẳng có gì khó hiểu. Nhưng chỉ buồn là họ thể hiện cái tức giận đó sai đối tượng, vì người Bắc thì cũng là người Việt thôi, cũng đau khổ như mình thôi.

Phải nói rằng thời đó, cái đám cán bộ ngoài Bắc mới vào tiếp quản Sài Gòn quá ư là lố bịch. Chẳng những huênh hoang, khoác lác, mà họ còn tự thể hiện cái dốt của họ. Đó là chưa nói đến vấn nạn đốt sách. Tôi nghĩ nhiều người Việt tị nạn thế hệ I không bao giờ quên được những vấn nạn kinh hoàng thời đó. Bây giờ, trong cái nhìn của họ, những em sinh viên sang đây du học chắc là COCC, mà COCC cũng có nghĩa là tham ô hối lộ. Cũng có thể họ nghĩ đây là những con em của những người từng cướp nhà, từng làm khổ, hay từng giết chết bà con họ. Do đó, họ tỏ thái độ kì thị hay ghét những em sinh viên nói giọng Bắc là có thể hiểu được.

Hôm nọ, ngồi nói chuyện đời với một doanh nhân ở Sài Gòn có vài chuyện thú vị. Anh này thật ra là gốc Bắc 75, nhưng làm ăn ở Sài Gòn. Anh K cho biết rằng thật ra, tất cả các tập đoàn lớn của Nhà nước đều do người “ngoài đó” nắm hết. Tôi nói thế số bộ trưởng cũng có phân bố Bắc Nam cân bằng đó chứ, thì anh mỉm cười nói “hoa lá cành ông ơi, vì ở dưới điều hành thì vẫn là người ngoài đó”. Thử nhìn qua nhân sự của những hải quan, hàng không, dầu khí, và mấy cái “VINAs” thì anh K cũng có lí. Trước đây, có một con số lưu hành cho thấy phần lớn ngân sách Nhà nước là do các tỉnh miền Nam đóng góp (đặc biệt là Sài Gòn, Bình Dương và Vũng Tàu), nhưng đầu tư cho miền Nam thì rất kém. Hình như là từng có đại biểu QH đặt vấn đề này (?). Trong cái nhìn của anh K, người miền Nam vẫn là người bị thiệt thòi và bị thống trị.

Do đó, tôi nghĩ vấn đề không phải là “chiến tranh” gì cả; vấn đề là sự bất bình đẳng Nam – Bắc. Có lẽ người ta không muốn nói ra, nhưng nếu cứ dấu hoài thì có ngày sẽ bùng nổ. Những chuyện “kì thị” mà bài báo dưới đây mô tả không phải do chiến tranh, mà là di sản của một thời bất công và đen tối mà thủ phạm không ai khác hơn là cán bộ miền Bắc sau 1975. Xin nói cho rõ là “cán bộ sau 1975” nhé, chứ không phải người dân miền Bắc. Chỉ khi nào tất cả đều công khai, và có những kênh đối thoại thẳng thắn, thì chúng ta mới hết nạn kì thị. Tôi nghĩ chỉ có đối thoại thì mới cảm thông nhau.

Riêng cá nhân tôi thì tôi open và thoải mái. Tôi không có kì thị, vì bản thân mình từng bị kì thị. Thật ra, khi nói chuyện với các đồng nghiệp ngoài Bắc tôi thấy họ cũng cởi mở và không có đầu óc kì thị dân Nam chút nào cả (còn trong hành động thì tôi không biết). Nhưng nói chuyện với dân trong Nam, kể cả người Bắc trong Nam, thì một số rất cay cú.

Nguồn Blog Nguyễn Văn Tuấn