4 quán cà phê chụp ảnh đẹp ở Sài Gòn

TP HCMNON Coffee & Tea, Beanthere – DIY House, Cheese Coffee… là những quán cà phê có không gian đẹp, có thể chụp ảnh với nhiều trang phục, phụ kiện khác nhau.6

NON Coffee & Tea có địa chỉ tại 117/5, Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12. Nơi này gây ấn tượng bằng không gian rộng rãi, tươi sáng với sắc trắng, cam, nâu nhạt chủ đạo, thỉnh thoảng chen ngang màu xanh lá mát dịu. Ảnh: Mai Thanh Tùng

Thực đơn tại quán đa số là các món trà trái cây, trà sữa, cà phê… Thực khách Mai Thanh Tùng gợi ý bạn có thể thử qua trà dâu với vị thanh, chua ngọt hài hòa và được trang trí đẹp mắt. Quán mở cửa từ 7h hàng ngày. Ảnh: Mai Thanh Tùng

Beanthere – DIY House, địa chỉ ở 42/7 Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1. Không gian quán được chia làm hai khu vực, bên trong mang phong cách nhẹ nhàng, màu sắc tươi sáng và rộng rãi. Thực đơn tại đây có cà phê, trà sữa, cơm trưa văn phòng… với giá dao động 40.000 đồng đến 60.000 đồng/phần. Ảnh: Thanh Phat Le

Bên ngoài quán như một khu vườn rộng với nhiều loại cây lớn nhỏ, bàn ghế thiết kế đơn giản hòa vào mảng xanh của khu vườn, không gian xung quanh yên tĩnh. Quán mở cửa từ 9h đến 17h hàng ngày. Ảnh: Thanh Phat Le

Cheese Coffee ở số 9, Công trường Lam Sơn, quận 1 là góc cà phê nhỏ xinh với sắc vàng và nâu đất chủ đạo. Bàn ghế, kệ, tủ… trong quán đều làm bằng gỗ, kết hợp với ánh đèn vàng mang lại cảm giác ấm cúng. Ảnh: Trần Ngọc Quí

Vật dụng nhỏ xinh như hoa cỏ, nón cói, túi vải… cũng được mang ra trang trí rất tự nhiên. Quán mở cửa từ 7h, chuyên phục vụ các món cà phê, trà sữa, trà trái cây… giá từ 35.000 đồng. Ảnh: Trần Ngọc Quí

90s The Coffee ở số 71, Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh nổi bật với tông màu trắng chủ đạo, bàn ghế, cửa kính cũng được chọn lựa phù hợp với màu sơn tường, trong suốt hoặc đen, xám. Ảnh: Quán cà phê

Không gian sáng, khách dễ có bức ảnh đẹp với các loại trang phục, phụ kiện khác nhau. Quán mở cửa từ 9h mỗi ngày. Đồ uống chủ yếu là các món trà trái cây, cà phê, nước trái cây… giá từ 29.000 đồng đến 55.000 đồng/phần. Thực khách đánh giá nước uống được pha chế vừa miệng, không quá ngọt và được chăm chút, trang trí đẹp mắt về hình thức. Ảnh: Quán cà phê

Huỳnh Nhi/ Vietnam Express

Tham vọng ‘đế chế giải trí’ toàn cầu của Hàn Quốc

Điện ảnh và âm nhạc Hàn Quốc là một phần không thể thiếu của nhiều thế hệ giới trẻ châu Á. Đối với người Hàn, điều này là chưa đủ. Họ muốn tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Tại một trường quay tối tăm ở ngoại ô thủ đô Seoul, bộ phim “Bulgasal” đang được thực hiện. Bộ phim sẽ lên sóng Netflix vào tháng 12 tới. Đạo diễn Jang Young Woo kỳ vọng bộ phim sẽ trở thành một hiện tượng và nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Dù “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) đã “càn quét” châu Á và mở rộng ra toàn cầu từ nhiều năm qua, nước này vẫn thiếu đi một sản phẩm văn hóa mang tính đột phá. Đối với nhiều người phương Tây, họ chỉ biết đến Hàn Quốc qua các công ty điện tử như Samsung hay LG.

Tuy vậy, sau khi nhóm nhạc Black Pink và hai bộ phim phim “Squid Game”, “Parasite” trở thành những hiện tượng toàn cầu, phương Tây có cái nhìn mới về Hàn Quốc: Một đất nước với tầm ảnh hưởng văn hóa toàn cầu.

BƯỚC RA THẾ GIỚI

Nửa thế kỷ trước, người Hàn Quốc nhìn vào Mỹ và Nhật Bản để học tập cách công nghiệp hóa đất nước. Gần đây, các nhà sản xuất phim xứ sở kimchi nhìn sang Hollywood và các trung tâm giải trí khác, học tập mô hình và bổ sung các yếu tố đặc sắc Hàn Quốc. Nhờ các nền tảng toàn cầu như Netflix, Hàn Quốc chuyển mình thành một “cường quốc giải trí toàn cầu”.

Năm 2019, Hàn Quốc khiến thế giới sững sờ khi ra mắt bộ phim đình đám “Parasite”. Hai năm sau, bộ phim “Squid Game” một lần nữa trở thành hiện tượng toàn cầu. Nước này cũng đang sở hữu hai trong số các nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới: BTS và Black Pink.Trường quay bộ phim “Bulgasal” ở ngoại ô Seoul. Ảnh: New York Times.

van hoa han quoc anh 1

“Khi làm phim ‘Quý ngài Ánh dương’, ‘Hạ cánh nơi anh’ hay ‘Sweet Home’, chúng tôi không có tư duy toàn cầu”, đạo diễn Jang, người tham gia sản xuất vào đạo diễn cả ba bộ phim trên, chia sẻ.

“Chúng tôi chỉ cố gắng làm hay nhất, ý nghĩa nhất có thể. Thế giới đã thấu hiểu và cảm nhận những cảm xúc mà chúng tôi tạo ra”, ông nói.

“Thế hệ chúng tôi rất yêu thích các bộ phim Mỹ như ‘The Six Million Dollar Man’ và ‘Miami Vice’. Chúng tôi học các quy tắc cơ bản từ đó và thử nghiệm bổ sung các yếu tố Hàn Quốc”, biên kịch Seo Jea Won của “Bulgasal” nói. “Khi các nền tảng như Netflix xuất hiện và kéo theo cuộc cách mạng về phim truyền hình, chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh”.

Nếu xét theo quy mô kinh tế, xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các sản phẩm khác. Tuy vậy, các văn hóa phẩm giúp Hàn Quốc có thêm sức mạnh mềm khó có thể đong đếm.

Thành công của Hàn Quốc không đến từ những nỗ lực trong một sớm một chiều. Trong nhiều năm qua, các nhóm nhạc và bộ phim Hàn Quốc đã khuấy đảo thị trường châu Á. Tuy vậy, Big Bang hay Girls’ Generation chưa thể vươn ra cấp độ toàn cầu. “Gangnam Style” làm được điều này, nhưng chỉ là hiện tượng đơn lẻ.

“Chúng tôi muốn kể câu chuyện của mình và có nhiều câu chuyện hay để kể”, ông Kim Young Kyu, Giám đốc điều hành Studio Dragon, công ty sản xuất và phân phối phim truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, chia sẻ. “Tuy vậy, thị trường nội địa quá bé nhỏ và chật chội. Chúng tôi cần vươn ra thế giới”.”Parasite” là bộ phim tiếng nước ngoài đầu tiên đoạt tượng vàng Oscar cho phim hay nhất. Ảnh: New York Times.

van hoa han quoc anh 2
“Parasite” là bộ phim tiếng nước ngoài đầu tiên đoạt tượng vàng Oscar cho phim hay nhất. Ảnh: New York Times.

Phải đến khi “Parasite” trở thành bộ phim nước ngoài đầu tiên giành giải Oscar, khán giả quốc tế mới thực sự chú ý đến sản phẩm văn hóa Hàn Quốc, dù các sản phẩm tương tự xuất hiện từ nhiều năm trước.

“Thế giới không biết đến chúng cho đến khi các nền tảng trực tuyến như Netflix hay YouTube đưa ra ánh sáng”, giáo sư Kang Yu Jung tại Đại học Kangnam, Hàn Quốc, nói.

LÝ GIẢI THÀNH CÔNG

Theo các nhà sản xuất, chính sách kiểm duyệt các cảnh bạo lực hoặc tình dục trên phim truyền hình của Hàn Quốc buộc họ suy nghĩ thấu đáo hơn, xây dựng nội dung và nhân vật có chiều sâu hơn.

Các cảnh phim Hàn Quốc thường rất giàu cảm xúc. Anh hùng thường có xuất thân bình thường, không hoàn hảo. Các nhà làm phim cho biết họ muốn mọi nhân vật “có tính người”.

Khi xã hội Hàn Quốc thay đổi trong những thập kỷ qua, các nhà làm phim luôn lắng nghe mong muốn của người xem. Các bộ phim đình đám thường nói về những vấn đề mà người dân phải đối mặt, từ bất bình đẳng, sự tuyệt vọng hay xung đột giai cấp.

Ông Hwang Dong Hyuk, đạo diễn “Squid Game”, làm nên tên tuổi nhờ bộ phim “Dogani” năm 2011. Bộ phim này kể về một vụ bê bối lạm dụng tình dục trong trường học có thật. Sau khi phim lên sóng, áp lực từ dư luận buộc chính phủ mở chiến dịch điều tra những giáo viên từng lạm dụng tình dục trẻ khuyết tật.

Dù K-pop ít khi đề cập đến chính trị, thể loại nhạc này là một phần không thể thiếu trong văn hóa phản kháng của giới trẻ Hàn Quốc.Ban nhạc Black Pink, một trong những thương hiệu văn hóa Hàn Quốc nổi tiếng nhất trên thế giới. Ảnh: Guardian.

van hoa han quoc anh 3

Trong một cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2016 tại Đại học Ewha, Seoul, người biểu tình hát bài “Into the New World” của Girls’ Generation. Bài hát “One Candle” của nhóm nhạc g.o.d được coi là bài ca không chính thức của cuộc biểu tình kéo theo việc Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất năm 2017.

“Một đặc điểm chủ đạo của nội dung văn hóa Hàn Quốc là tính chiến đấu”, ông Lim Myeong Mook, tác giả một cuốn sách về văn hóa trẻ Hàn Quốc, nhận định. “Nó nói đến những mong muốn vô vọng của con người như leo lên các nấc thang xã hội, cũng như sự tức giận và động lực tham gia các phong trào quần chúng của họ”.

Với việc nhiều người cảm thấy căng thẳng, lo lắng do đại dịch, thông điệp này dễ dàng được cộng đồng quốc tế đón nhận.

“Các nhà sản xuất Hàn Quốc rất giỏi học tập những điều thú vị từ nước ngoài và khiến chúng hấp dẫn hơn”, giáo sư Lee Hark Joon tại Đại học Kyungil nhận xét.

Tại phim trường ở ngoại ô Seoul, bộ phim của đạo diễn Jang có nội dung siêu tự nhiên giống như các bộ phim nổi tiếng của Mỹ như “X-Files” hay “Stranger Thing”. Tuy vậy, đạo diễn Jang đưa thêm quan niệm về “nghiệp chướng” của người Hàn Quốc vào phim.

Qua các câu chuyện thành công gần đây của văn hóa Hàn Quốc, đạo diễn Jang kỳ vọng khán giả sẽ đổ xô đến xem bộ phim của ông.

“Điều tôi rút ra là: Cái gì được đón nhận ở Hàn Quốc sẽ được đón nhận trên thế giới”, đạo diễn Jang nói.

Việt Hà ( Theo New York times)

Văn Cao, một phiến tài tình giữa cô đơn

Nếu sinh vào thời khác, hoặc ở một xứ khác, có lẽ Văn Cao đã là một nghệ sĩ lớn của nhân loại. Nhưng, ông đã không là Văn Cao của Việt Nam.

Nỗi thiệt thòi của ông cũng là một may mắn lớn cho chúng ta, và hôm nay, ta nhớ tới ông với lòng tri ân và nỗi ái ngại cho một phiến tài tình đã sống một đời cô đơn, với nghệ thuật chưa được đi tới tuyệt đỉnh đáng lẽ phải tới của ông…

Văn Cao sinh năm 1923, tại bến Bính bên dòng sông Cấm và từ thiếu thời đi học tại Hải Phòng đã là người có nhiều năng khiếu nghệ thuật. Sau này, Văn Cao vẽ tranh, làm thơ, viết văn, vẽ phông, dựng kịch, và soạn nhạc, bộ môn nào ông cũng có nét tài hoa. Sinh sau Phạm Duy nhưng đi trước vào tân nhạc, Văn Cao đã sớm thổi vào nhạc thanh niên hướng đạo đầu thập niên 40 cả chất thơ lẫn hào khí lịch sử, cho nên đã mở ra một kích thước mới cho loại này, và báo trước các tác phẩm lớn về thể tài yêu nước như Thăng Long Hành Khúc, Gò Ðống Ða, Chiến Sĩ Việt Nam, Bắc Sơn,  bản Trường Ca Sông Lô bất hủ.

Nhưng, cùng với nhạc hùng, Văn Cao đã viết Trào Lòng, Thu Cô Liêu, Buồn Tàn Thu  Cung Ðàn Xưa, các tình khúc lãng mạn sẽ báo hiệu Suối Mơ, Bến Xuân  Thiên Thai cùng Trương Chi, là bốn tác phẩm trác tuyệt của tình ca Việt Nam…

***

Văn Cao là người đa tài, ăn nói có duyên và cư xử mã thượng, nhưng lại không ồn ào bộc lộ. Ông sống nhiều vì nội tâm và có lẽ gửi gấm bao nhiêu gió bão của cuộc đời vào nhạc, cho nên ngay trong truyện ca xuất phát từ điển cố Trung Hoa như Thiên Thai, hay Việt Nam như Trương Chi, ta cũng ngờ là ông tâm sự về tự truyện của mình. Tự truyện đó có thể là nỗi cô đơn của người nghệ sĩ tài hoa.

“Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta” là như thế chăng?…

Dù chưa là tác phẩm lớn của Văn Cao về nhạc thuật, bài Buồn Tàn Thu đã được yêu thích từ khi xuất hiện nhờ lời ca đã thần diệu kết hợp hai cảm xúc lay động hồn người khi đó, là tâm tư lãng mạn với điều mới mẻ và lòng hoài niệm nét cổ phong của một thời đang mất. Trong tiềm thức dân ta thì hình ảnh ủ ê của “chinh phụ đan áo nhớ người đi ngoài sương gió” đã được tác giả khơi dậy với lời ca đầy ước lệ trên cung thứ, trải dài từ đầu đến cuối tác phẩm. Xin quý thính giả nghe lại Buồn Tàn Thu, qua tiếng hát Ánh Tuyết.

Cung Ðàn Xưa là tác phẩm chuyển tiếp đưa Văn Cao từ không khí cổ phong đến các tác phẩm lớn về sau, với bốn phân đoạn công phu trong một bài ngắn viết theo nhịp 3/4 rộn ràng về một mùa Xuân ảm đạm như lúc tàn Thu. Có lẽ nhịp điệu lôi cuốn với lời từ ai oán mà diễm lệ Ðường thi đã minh họa từ trước cái nỗi hận thiên thu của Trương Chi. Chúng ta hãy nghe Cung Ðàn Xưa qua tiếng hát Thái Hiền, ái nữ của Phạm Duy…

Với một tên khác là Bài Thơ Bên Suối, ca khúc Suối Mơ là bài thơ hay nhất mà Văn Cao đã viết bằng nhạc cho một con suối vào Thu.

Ban đầu, ca khúc này được Quỳnh Giao chọn làm nhạc hiệu cho chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc của chúng ta vì ý thơ thanh thoát, lời ca man mác không u uất, và vì nét nhạc mở đầu với cung thứ lãng đãng buồn, để dạt dào với cung trưởng trong sáng hơn. Xin quý thính giả hãy cùng lắng nghe Suối Mơ qua tiếng hát Mai Hương…

Bến Xuân là bản tình ca đẹp nhất và ấm áp chứ không lạnh buốt nỗi đau như các tình khúc khác của Văn Cao. Lời tiếc nuối e ấp bay lượn trên nét nhạc u hoài trang nhã và tứ thơ lung linh màu sắc như một bức họa ấn tượng đã khiến Bến Xuân là nơi hội ngộ kỳ diệu của thơ, họa và nhạc trong một khúc tình ca. Tác phẩm là đỉnh cao của tân nhạc thời lãng mạn duy nhiên, và cả trăm năm nữa vẫn làm ngất ngây lòng người. Lời hai của tác phẩm có lẽ đã do Phạm Duy viết, trước khi Bến Xuân thành nơi chắp cánh cho Ðàn Chim Việt bay vào thời chinh chiến. Quỳnh Giao xin trang trọng trình bày Bến Xuân với hòa âm công phu của Duy Cường, con trai Phạm Duy.

Ðã tự ngàn xưa, con người ta mơ ước đi vào cõi tiên. Nhờ Văn Cao giấc mơ đó đã thành một tác phẩm lớn của tân nhạc…

Thiên Thai là một bản trường ca nhỏ, được viết như nhạc cảnh với các đoạn chuyển cung lẫn chuyển ý thần tình, để vẽ lên tám bức tranh hư ảo của câu truyện cổ. Nhưng, trong tranh Văn Cao có nhạc và trong nhạc có vũ, trong khúc Nghê Thường đã có phím tơ lưu luyến lúc biệt ly, và trong điệu sáo Thiên Thai mơ hồ đã có lời ca ngư phủ của Trương Chi.

“Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian, ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần…”

Trong tột đỉnh cuồng mê của tự truyện, người nghệ sĩ tài hoa đã thổ lộ cho ta cái cõi huyền diệu đó của giao cảm tiên tục, cho nên Thiên Thai quả là tác phẩm lãng mạn nhất trong khí hậu cổ phong mà ông dựng lại thật tài tình. Chúng ta sẽ thưởng thức lại Thiên Thai qua tiếng hát Lê Dung…

Trương Chi có thể là tâm sự của mọi người, khi gặp bẽ bàng sau phút hoài mong vì mối chân tình lại không được đền đáp. Ở Văn Cao, tâm sự đó có hay không thì là suy đoán về sau, và với ngàn sau hoặc với chính ông, thì điều đó thực không quan trọng.

Với ngàn sau, điều quan trọng là ông đã để lại cho đời và cho cả nhân vật Trương Chi trong truyện tích nước ta một chân dung tuyệt đẹp được viết bằng nhạc, được thêu bằng lời thơ gấm vóc. Y như Thiên Thai, đây là nhạc cảnh với hai đoạn chuyển cung phân biệt tâm sự Trương Chi với nỗi niềm Văn Cao, và với nhiều đoạn chuyển ý nhờ ca từ diễm tuyệt.

Nếu giờ đây ta không còn biết Kiều gảy đàn với tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa là thế nào, thì tại đoạn chuyển cung thứ hai của Trương Chi, Văn Cao đã dùng thang âm ngũ cung cho mưa rơi trên cung đàn bên song cửa Mỵ Nương trầm vút với tiếng gió, nghe như tiếng lòng nức nở… làm bao tiếng cầm ca rung ánh sao mờ.

Bản tình ca bất hủ này khiến từ đó người ta sẽ không thể viết về Trương Chi như đã viết, và từ đó giấc mộng chàng Trương sẽ sống mãi trong tâm khảm của dân ta. Chúng ta hãy nhớ tới ông khi nghe lại Trương Chi, qua tiếng hát Sĩ Phú…

Kính thưa quý vị,

Khi đã nhìn lại những tác phẩm của Văn Cao đã viết cho tân nhạc, trong một thời gian vỏn vẹn có một thập niên, là những tác phẩm trác tuyệt trong từng thể loại, làm sao chúng ta không tiếc cho một bậc tài hoa đã sớm ngừng bay lượn với âm nhạc?

Hình ảnh cô đơn của Văn Cao “vẫn ngồi riêng ta” như trong lời ca có lẽ đã là một định mệnh. Trong nỗi cô đơn nhuốm vẻ cao ngạo đó, ông làm sao khác hơn là giữ im lặng? Văn Cao đã có cuộc sống cơ cực Ðỗ Phủ… mà để lại những khúc thơ phiêu hốt Lý Bạch, rồi như vầng trăng kia, ông sáng trong tịch mịch cuối đời.

Người ta còn có thể buồn mãi về hoàn cảnh đất nước và tâm cảnh riêng ông, khiến sau các ca khúc đã gây xúc động cho cả chiến trường lẫn tình trường, ông lặng lẽ ra khỏi thế giới âm nhạc, dù sống giữa chúng ta cho tới năm ông 72. Người ta có thể tiếc mãi những ca khúc không bao giờ có vì chưa bao giờ viết của ông, và càng nuối tiếc lại càng trân quý các tình khúc Văn Cao…

Và lại càng xót xa cho “cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…” như lời ca của ông.

(Nguồn : amnhac.fm)

Sau công nghệ và bất động sản, đâu sẽ là lĩnh vực tiếp theo lọt vào ‘tầm ngắm’ của Chủ tịch Tập Cận Bình?

Sau công nghệ và bất động sản, đâu sẽ là lĩnh vực tiếp theo lọt vào 'tầm ngắm' của Chủ tịch Tập Cận Bình?
NHỮNG ĐỘNG THÁI SIẾT CHẶT QUY ĐỊNH CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI NHIỀU LĨNH VỰC ĐANG CÓ DẤU HIỆU BỚT CĂNG THẲNG, GIÚP NHÀ ĐẦU TƯ TOÀN CẦU “THỞ PHÀO NHẸ NHÕM”. TUY NHIÊN, MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHO ĐẾN NAY VẪN CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT VÀ ĐIỀU NÀY SẼ CÓ TÁC ĐỘNG LỚN ĐẾN CÁC NGÀNH KHÁC, CÙNG THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH.

Sự căng thẳng của hình phạt đối với Didi trong đợt IPO tại Mỹ là kết quả của cuộc điều tra tham nhũng đối với ngành tài chính Trung Quốc. Ngoài ra, những chi tiết về kế hoạch áp thuế bất động sản chỉ là một trong số những yếu tố sẽ khiến nhà đầu tư lo ngại.

Việc giới chức Trung Quốc giám sát chặt chẽ mọi lĩnh vực, từ công nghệ cho đến gia sư online và bất động sản, đã tạo ra cơn bán tháo khiến các cổ phiếu Trung Quốc giao dịch ở nước ngoài mất 1 nghìn tỷ USD giá trị. Chỉ số MSCI China Index đã giảm 15% trong năm nay, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1998. Hiện tại, Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực cải tổ nền kinh tế, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và giảm thiểu rủi ro tài chính mà không gây ảnh hưởng đến sự ổn định của tăng trưởng.

Dưới đây là một số lĩnh vực trọng tâm trong chiến dịch cải tổ của Bắc Kinh đang được giới đầu tư “truyền tai” nhau:

Công nghệ

Sau vụ việc của Didi, nhà đầu tư đang chờ đợt kết quả của cuộc điều tra đối với hãng gọi xe này, nền tảng logistics Full Truck Alliance và công ty tuyển dụng trực tuyến Kanzhun. Theo báo cáo của Dow Jones vào tháng trước, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc yêu cầu 3 công ty này tìm hiểu về việc bán cổ phần ở Hồng Kông và cuộc điều tra có thể kết thúc vào tháng 11.

Trong khi đó, đối với Ant Group, điều gì xảy ra sau vụ đình chỉ đợt IPO này vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Các ngân hàng lớn cho biết họ đã không nhận được thông tin liên lạc thường xuyên từ công ty và một số dự đoán Ant sẽ lên sàn trước năm 2023. Ở khía cạnh tươi sáng hơn, gần đây, Jack Ma đã có chuyến đi tới châu Âu, điều này cho thấy rằng mối quan hệ của ông với chính phủ đã có sự cải thiện.

Sau công nghệ và bất động sản, đâu sẽ là lĩnh vực tiếp theo lọt vào tầm ngắm của Chủ tịch Tập Cận Bình? - Ảnh 1.

MSCI All-Country World Index và MSCI China Index trong năm vừa qua.

Về big data, Trung Quốc cho biết chính phủ sẽ đóng vai trò trọng tâm trong việc kiểm soát dữ liệu và các công ty tư nhân cần tuân thủ những mối ưu tiên của Bắc Kinh. Chính quyền ông Tập cũng thảo luận về một loạt các đề xuất, từ việc chính phủ kiểm soát dữ liệu cho đến đặt ra các nguyên tắc cho các công ty quản lý dữ liệu của riêng họ.

Ngoài ra, những nỗ lực của giới chức nhằm mở rộng hệ sinh thái do các công ty lớn nhất thống trị đang được theo dõi sát sao. Bắc Kinh đang cân nhắc đề xuất của các công ty từ Tencent cho đến ByteDance, cho phép đối thủ truy cập và hiển thị nội dung của họ trong kết quả tìm kiếm. Động thái này có thể giúp tháo dỡ những rào cản trên các nền tảng trực tuyến và thay đổi không gian quảng cáo trên internet.

Thị trường

Các cơ quan quản lý ở Bắc Kinh vẫn đang hoàn thiện các thay đổi trong quy tắc cho phép họ cấm doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài, ngay cả khi chi nhánh của họ được thành lập ở nước ngoài (mô hình sở hữu đặc biệt – VIE). Động thái này sẽ khép lại “lỗ hổng” mà các gã khổng lồ công nghệ tận dụng để luồn lách những quy định hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực nhạy cảm.

Các công ty có kế hoạch niêm yết tại Hồng Kông có thể sẽ được miễn thuế khi xin phê duyệt từ cơ quan giám sát an ninh mạng của Trung Quốc. Nếu được thông qua, quá trình niêm yết tại Hồng Kông của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn tại Mỹ. Những vấn đề không chắc chắn hiện đang gây áp lực cho thị trường IPO của thành phố này.

Tài chính

Điều tra tham nhũng: Cơ quan chống rửa tiền hàng đầu Trung Quốc đã bắt đầu quá trình thanh tra kéo dài 2 tháng đối với 25 định chế tài chính bao gồm NHTW, cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm, các nhà cho vay và quản lý nợ xấu. Cuộc điều tra này sẽ xem xét liệu các quan chức và ngân hàng có mối liên hệ mật thiết với một số công ty tư nhân hay không, ví dụ như Evergrande, Didi và Ant. Trước đó, cuộc điều tra năm 2015 đã diễn ra sau khi thị trường chứng khoán lao dốc và các chủ ngân hàng, giám đốc điều hành công ty môi giới đã bị bắt giữ.

Tương lai của các công ty môi giới xuyên biên giới của Trung Quốc cũng lọt vào tầm ngắm, sau khi một quan chức NHTW đặt câu hỏi về tính hợp pháp đối với hoạt động của họ. Theo đó, cổ phiếu Futu Holdings Ltd. và Fintech Holding Ltd. lao dốc. Các công ty này đã hoạt động ở thị trường “xám” để né quy định kiểm soát vốn và giao dịch cổ phiếu ở các sàn như Hồng Kông, New York.

Bất động sản

Nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi những thông tin mới về kế hoạch áp thuế bất động sản của Trung Quốc, sau khi thí điểm ở Thượng Hải và Trùng Khánh. Theo Bloomberg, các địa điểm tiếp theo có thể triển khai kế hoạch này là Hải Nam và Thâm Quyến.

Nhà đầu tư đang lo ngại về tác động tiềm tàng của biện pháp này đối với các cổ phiếu ngành bất động sản. Sau khi thông tin về kế hoạch này được đưa ra, một số chỉ số theo dõi các nhà phát triển đã giảm 7 ngày liên tiếp.

Hàng hóa xa xỉ

Chiến dịch “thịnh vượng chung” của ông Tập có nguy cơ ảnh hưởng đến các công ty như Burberry Group Plc và Cie Financiere Richemont SA, nếu giới chức quyết định kiềm chế mức độ mua sắm hàng xa xỉ. Hệ thống thuế của Trung Quốc vẫn có những ưu đãi cho người giàu, do đó có thể mức thuế cao hơn sẽ được áp dụng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không đánh thuế thừa kế. Tuy nhiên, rất ít dấu hiệu cho thấy kế hoạch cải cách thuế đang được thực hiện.

Tham khảo Bloomberg / Vũ Loan / Doanh nhiệp & Tiếp thị