Hà Nội vào đông

Đầu tháng 11 tiết trời Hà Nội đã trở lạnh, hoàng hôn tắt nắng nhanh hơn và cúc họa mi bắt đầu nở rộ báo hiệu mùa đông đang đến.

Những ngày này, lang thang phố phường nếu bạn thấy thấp thoáng gánh hàng bán cúc họa mi thì đó là lúc Hà Nội đã vào đông. Được biết tới là loài hoa “báo đông” độc đáo của đất Hà Thành, cúc họa mi mang đến vẻ đẹp trong sáng, tinh khôi và chỉ rộ nở vào khoảng hai tuần trong tháng 11.

Dường như năm nay mùa đông tới sớm, một vài đợt gió mùa kéo về từ cuối tháng 10 khiến người dân diện áo ấm cũng sớm hơn.

Những ngày này, không chỉ có cúc họa mi, các xe bán hoa còn ngập tràn sắc trắng và tím hồng của thạch thảo thu hút nhiều người mua. Nếu cúc họa mi đầu mùa khoảng 50.000 – 100.000 đồng/bó thì thạch thảo bông nhỏ và nhiều hơn có giá chừng 30.000 đồng/bó.

Cúc họa mi không chỉ “dạo” phố trên các hàng hoa mà còn xuất hiện trong nhiều quán cà phê, điểm xuyết sắc màu mùa đông cho các không gian từ cổ kính đến hiện đại. Ảnh: Trung Nghĩa

Bước lên những bậc cầu thang tập thể cũ để vào Đinh, một quán cà phê phố cổ ven hồ Gươm, chiều cuối tuần vắng khách nhưng không thể thiếu bình cúc họa mi trong góc ngồi quen thuộc. Như nhiều quán cà phê ở Hà Nội, Đinh không mùa nào thiếu hoa, nếu mùa hè là sen, mùa thu là hồng, cúc nhiều màu thì đầu đông luôn là cúc họa mi.

Tiết lập đông năm nay bắt đầu vào ngày 8/11, Hà Nội đang dần khoác lên mình những gam màu trầm hơn, bầu trời dần mang sắc xám đặc trưng và các tán cây có dấu hiệu úa tàn.

Không oi ả như những ngày hè, cũng không còn nồng nàn mùi hương hoa sữa như thu, mùa đông năm nay ở thủ đô bắt đầu với các đợt rét nhẹ nhàng kèm mưa nhưng vẫn lẻ loi đôi ngày nắng bất chợt.

Từng đợt rét ngọt đầu mùa và những ngày nắng hanh khô khốc hòa trong cơn gió lành lạnh dễ làm người ta nhớ nhung như nhạc sĩ Đỗ Bảo: “Hà Nội của tôi những mùa đông giá lạnh/Những con đường thanh vắng trong sương/Bước chân người đi không hối hả, những khuôn mặt không vất vả”.

Tranh thủ những thời điểm nắng lên ít ỏi và sau nhiều tháng giãn cách mà các con phố thơ mộng như Phan Đình Phùng, quanh Hồ Gươm, Hồ Tây… lại trở thành điểm hẹn hò, chụp ảnh của những bạn trẻ.

Mùa đông về, chiều buông trên Hồ Tây nhanh hơn, những buổi hoàng hôn ít dần và cũng tắt sớm vào khoảng 17h. Nhưng đón gió đông ở Hà Nội hẳn ai cũng có lần dạo xe một vòng hồ để tận hưởng chút nắng cuối ngày và không gian yên bình.

Khánh Trần / Vietnam Express

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Nhà văn Dược sĩ Trần Thanh Cảnh

Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng vừa công bố kỷ luật một loạt cán bộ của ngành y tế. Đủ cả đương chức và cựu. Từ cựu bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đến đương kim thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và cả dàn cán bộ bên dưới. Trước đó, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi làm việc với đương kim thứ trưởng phụ trách dược Trương Quốc Cường, vì liên quan đến vụ nhập thuốc ung thư giả tại Công ty VN pharma. Đây là vụ án đã kéo dài khá lâu, qua nhiều lần xét xử, gây nhức nhối trong dư luận xã hội.

Nhìn vào bản danh sách dài các nhân vật trong ngành y tế vừa bị xướng tên kỷ luật, có người hả hê căm giận, nhưng có người thương cảm xót xa. Mỗi người đều có lý do của mình. Và không ít người tự đặt ra câu hỏi: vì sao lại đến nông nỗi này?

Trước khi trả lời câu hỏi trên, ta hãy cùng nhau điểm lại đôi điều về vụ án tại Công ty VN Pharma mà vì nó, thứ trưởng Cường đang vướng vòng lao lý. VN Pharma xin được giấy phép của Bộ Y tế, cụ thể là Cục Dược, lúc đó Trương Quốc Cường làm cục trưởng nhập khẩu thuốc chống ung thư H-Capita 500mg với hoạt chất chính là capecitabine. Theo tờ khai của công ty này tại Cục Dược, đây là sản phẩm của Công ty dược Helix bên Canada. Nhưng đến khi sự vụ vỡ lở ra, bên Canada chẳng có công ty dược nào mang tên Helix: là công ty ma. Mà thực chất đó là sản phẩm của một nhà sản xuất từ Ấn Độ. Họ đặt hàng thuốc từ Ấn Độ nhưng dán nhãn Canada nhập về Việt Nam. Các bạn phải biết rằng, với cùng một loại thuốc, có tác dụng sinh học tương đương nhưng nếu thuốc sản xuất tại Ấn Độ sẽ có giá trung bình bằng khoảng 1/10 so với giá thuốc sản xuất từ các nước G7, đây cụ thể là Canada! Chính vì vậy những kẻ gian thương đã móc nối với các quan chức biến chất của Cục Dược để phù phép biến thuốc sản xuất ở Ấn Độ thành thuốc sản xuất ở Canada. Và chúng công nhiên bắt những bệnh nhân ung thư đang dở sống dở chết kia phải trả một cái giá thuốc gấp nhiều lần giá trị thực. Cái ác tâm chính là ở đó. Bọn chúng đã không đếm xỉa gì đến tình cảnh của bệnh nhân ung thư thường phải điều trị lâu dài. Chúng thẳng tay làm tiền, khiến cho không những bệnh nhân suy sụp mà còn kéo theo cả gia đình cũng khánh kiệt nợ nần vì gánh nặng chạy chữa quá sức. Và rồi vì kiệt quệ kinh tế bệnh nhân không thể theo nổi liệu trình điều trị, bỏ ngang, tử vong! Bọn họ đã phạm vào điều khoản quy định của cả Luật Dược Việt Nam lẫn quy định của WHO (tổ chức y tế thế giới): buôn bán thuốc giả!

Nhưng cũng cần phải nói rõ cho sòng phẳng, bọn họ phạm tội buôn bán thuốc giả là rõ ràng, không chối cãi được. Nhưng đó là giả nguồn gốc xuất xứ để trục lợi quá đáng đến vô luân trên lưng bệnh nhân, chứ H-Capita 500mg có hàm lượng hoạt chất chữa bệnh capecitabine theo kiểm nghiệm đạt 97%, ở góc độ nào đó vẫn có tác dụng chữa bệnh, chứ không gây chết người ngay hay vô tác dụng như nhiều người lầm tưởng.

Thế nhưng với ông Cục trưởng Cục Dược rồi lên làm thứ trưởng phụ trách dược Trương Quốc Cường, không chỉ có vụ VN Pharma như cơ quan công an đã phanh phui thành án. Ông này còn rất nhiều điều, nhiều vụ để cho cơ quan điều tra dịp này hỏi đến. Vụ nhập khẩu tới 9 tấn hoạt chất salbutamol trong hai năm 2014-2015 là một ví dụ điển hình. Bất kỳ ai trong ngành dược đều biết salbutamol là hoạt chất để chữa hen phế quản, dùng dạng xịt hoặc dạng thuốc viên với hàm lượng rất nhỏ. Tổng lượng sử dụng một năm cho thị trường thuốc chữa bệnh nước ta chỉ vào khoảng vài chục kg đến 100 kg là bão hòa. Nhưng tại sao chỉ dùng hết 100 kg mà Cục Dược mà cụ thể ở đây là Trương Quốc Cường vẫn nhắm mắt ký cho nhập đến 9 tấn! Một số lượng khổng lồ mà nếu dân cả nước Việt bị hen ráo cũng không dùng hết! Không, họ nhập về là để bán cho những kẻ bất lương trộn vào thức ăn nuôi gia súc để tăng cân nhanh và tạo nạc, siêu tăng trọng. Vì salbutamol thúc đẩy tiêu mỡ và tạo cơ bắp (thịt nạc). Nên bọn bất lương đã trộn vô tội vạ vào thức ăn cho gia súc, đặc biệt là lợn. Phát hiện ra vấn đề này, cả WHO và FAO (tổ chức nông lương thế giới) từ năm 2001 đều liệt salbutamol vào danh mục chất cấm, không được làm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Bởi ở liều chữa bệnh rất thấp cho người, salbutamol làm giãn phế quản, cắt cơn hen nhanh chóng rồi thải trừ hết ra khỏi cơ thể. Nhưng với liều cao tích lũy từ thịt gia súc nuôi bằng thức ăn trộn salbutamol, người ta ăn vào sẽ bị nhiều tác dụng phụ nguy hiểm về tim mạch, huyết áp. Đó là chưa kể hiện đang có nhiều nghiên cứu cảnh báo về nguy cơ có thể gây ung thư, nếu bị nạp nhiều, thường xuyên, liều cao salbutamol thông qua dư lượng lớn trong thịt gia súc.

Khi vụ nhập quá nhiều salbutamol bị phanh phui, các cơ quan báo chí đã chất vấn Trương Quốc Cường tại sao cho nhập chất cấm bán cho công nghiệp chế biến thức ăn gia súc. Ông này đã trả lời ráo hoảnh là không biết đó là chất cấm! Điều này tuyệt đối không thể chấp nhận được với một tiến sĩ dược học đứng đầu cơ quan quản lý dược phẩm của đất nước, khi danh mục đó đã được công bố từ năm 2001 bởi ngay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Một câu trả lời vô luân đến cùng cực! Nếu Trương Quốc Cường dốt nát thì rõ ràng cũng không xứng đáng đứng đầu một cơ quan trọng yếu như vậy. Nhưng sau đó ông ta vẫn lên chức, trở thành thứ trưởng phụ trách ngành dược cả nước kia. Nhưng rất, rất ít người tin là trong trường hợp này Trương Quốc Cường ký vì dốt, vì không biết. Mà ký vì món lợi nhuận khổng lồ do 9 tấn salbutamol kia mang lại. Khi nó được trộn vào thức ăn gia súc, chăn nuôi lợn siêu tăng trọng, siêu nạc. Thế rồi xẻ thịt ra bán, đầu độc nhân dân. Một món lợi nhuận khổng lồ khi chúng ta biết rằng, salbutamol chỉ là một hóa chất dễ tổng hợp và rẻ tiền trên thị trường thế giới. Chính món siêu lợi nhuận kia đã khiến cho họ trở nên dốt nát, mù, câm, điếc… Họ chỉ biết đến có tiền. Nên đã nhắm mắt ký bừa. Ký và ký! Tiền và tiền! Bạn cứ thử hình dung xem: đặt 100 kg nhu cầu thực chữa bệnh bằng salbutamol bên một đống 9 tấn họ nhập về sẽ thấy nó chênh lệch khủng khiếp đến thế nào! Một cái sự vô lý mà một đứa trẻ tiểu học cũng nhận ra chứ chưa nói là toàn những người được học hành đào tạo kỹ lưỡng ở các trường dược nữa. Nên chỉ có thể giải thích: tiền đã làm mờ mắt bọn họ. Và đó cũng là lời giải thích chính xác nhất cho cái sự vụ án VN Pharma phanh phui từ lâu mà xử mãi chưa xong, còn vụ salbutamol tưởng như đã chìm xuồng. Tiền và rất nhiêu tiền đã làm cái công việc xưa nay người ta hay nói, đi đâm toạc tờ giấy! Ở đây là những giấy tờ nhân danh công lý! Nhưng thật may, dân cả nước Việt mấy hôm nay thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng thì núi tiền ăn trên lưng bệnh nhân ung thư khốn khổ, ăn trên sức khỏe của nhân dân cả nước hình như cũng không có tác dụng mấy. Quyết định khởi tố bị can Trương Quốc Cường đã được ban ra. Chúng ta đã có hy vọng về công lý sẽ được thực thi…

Tôi vốn là một dược sĩ nên hiểu những cơ chế vận hành hiện tại của ngành dược nước nhà. Dược là bộ phận hậu cần trong ngành y tế. Nhưng vai trò của Cục Dược lại là vị trí tiên phong, gác cổng cho ngành, để đảm bảo cho các sản phẩm thuốc tới tay bác sĩ điều trị cho bệnh nhân phải có chất lượng và hiệu quả. Bởi nếu không có thuốc tốt, bác sĩ cũng bó tay mà thôi. Nên Cục Dược có vai trò cực kỳ quan trọng. Nhất là trong môi trường dược phẩm cạnh tranh tự do như hiện nay, các hãng dược đều rất muốn thậm chí là bằng mọi giá sản phẩm thuốc của mình thâm nhập và sử dụng trong hệ thống điều trị. Và mọi con đường đều phải qua Cục Dược trước tiên. Tôi đã là người trong ngành, tôi hiểu rõ điều đó. Và đặc biệt hiểu những cái ‘ghế’ ngồi ở Cục Dược nó thơm tho màu mỡ và cũng nóng bỏng, nguy hiểm đến thế nào. Ngày trước, đã từng có lãnh đạo cục phải treo cổ tự tử khi đương chức thì các bạn đủ biết. Bởi đó là cái ghế xoay ra tiền nhanh bậc nhất nước này nếu người ngồi lên không có đủ tư cách của một thầy thuốc và chỉ nghĩ đến tiền! Vâng, nếu ngồi trên cái ghế quyền lực của Cục Dược, xử lý công việc nghiêm túc, đúng luật canh giữ cho hệ thống hậu cần của ngành y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngăn các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, độc hại lọt lưới vào nước ta thì thực sự mang lại lợi ích cho nhân dân không kể xiết. Thế nhưng khi một kẻ đầu chỉ nghĩ đến kiếm tiền, không nghĩ gì đến phục vụ nhân dân thì thật là thảm họa. Và thảm họa đã xảy ra như chúng ta đã thấy. Mà tôi dám chắc, vụ VN Pharma hay 9 tấn salbutamol mới chỉ là những ví dụ. Tôi tin rằng với nghiệp vụ của mình, cơ quan công an rồi đây sẽ còn lôi ra nhiều vụ kinh hoàng khác nữa, không loại trừ là liên quan đến cả đợt chống dịch covid đã và đang diễn ra. Cho nên nhìn vào thực tế công việc của các quan chức ngành y vừa nhúng chàm và suy luận logic của một dược sĩ, tôi cho rằng bọn họ có kết cục ngày hôm nay là do đã đánh rơi cái tâm đức của người thầy thuốc, người cán bộ ngành y tế từ lâu. Trong họ chỉ còn có mỗi cái tâm niệm kiếm tiền bằng mọi giá. Chính vì vậy mới dẫn đến kết cục này!

Thật đáng buồn thay.

Còn với suy tưởng của một nhà văn, tôi cứ băn khoăn mãi, họ bằng mọi cách kiếm quá nhiều tiền như thế để làm gì? Khi mà chỉ cần làm hết lương tâm của một thầy thuốc giỏi, thực thi hết trách nhiệm của một quan chức mẫn cán, họ cũng thừa tiền để sống một cuộc đời sung túc kia mà. Tại sao phải đi làm những việc đại nghịch vô đạo, hút máu mủ đồng bào mình như thế được nhỉ?

Theo Tễu Blog

Nguyễn Vỹ kể kỷ niệm với Nguyễn Tuân và Lưu Trọng Lư

Nguyễn Vỹ là nhà báo, nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Các bút hiệu khác của ông là: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Ông là tác giả hai bài thơ: “Gởi Trương Tửu” và “Sương rơi”, từng gây tiếng vang trong nền thơ ca đương thời. Năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san Phổ Thông, chú trọng về nghệ thuật và văn học, tạp chí này được kể là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam. Ngoài ra, ông còn cho ra tuần báo Bông Lúa, tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm.

Nguyễn Tuân và Luu Trong Lư Hồi tôi chưa gặp Nguyễn Tuân, tôi đã biết vài ba người bạn chơi thân với anh đều có cảm tưởng chung về anh như thế nầy

– Nguyễn Tuân gàn lắm !

Cho đến Lưu Trọng Lư, là anh chàng mơ mộng nhất trong làng Thơ làng Văn lúc bấy giờ, – mơ mộng cũng gần như là gàn rồi còn gì ! – mà cũng phê bình Nguyễn Tuân :

– Thằng ấy gàn thật !

Một buổi tối, Lư hỏi tôi :

– Toa muốn gặp Nguyễn Tuân không ? Đi đến nhà nó chơi đi !

Tôi hỏi Lư :

– Có phải nó gàn lắm không ?

Lư cười ranh mảnh :

– Nó bảo nó không gàn. Nó bảo toa gàn.

– Nếu thế thì đến xem đứa nào gàn.

Lư đi với tôi. Hai người đi tàu điện từ Chợ Hôm lên đến giữa phố hàng Bông, xuống ngay đầu phố Nhà Thờ.

Lư bảo :

– Nó ở nhà thằng Nguyễn Đàm là em ruột của nó, ở con đường nầy đây.

– Đàm là ai ?

– Đã bảo Nguyễn Đàm là em ruột Nguyễn Tuân, mà còn hỏi ! Thế là đích thị cậu mầy gàn rồi !

– Nhưng Nguyễn Đàm làm nghề gì chứ ?

– Nó là con rể của Vũ Đình Long, chủ nhiệm Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Nếu không phải con rể thì là em rể. Nếu không phải em rể thì là cháu rể … Nếu không phải cháu rể nữa thì thôi, tao chịu !

– Chính chú mầy mới thật là gàn đấy ! Làm rể ông Vũ Đình Long mà cũng là một cái nghề à ?

Lư cười sặc sụa, chỉ ngón tay ốm teo vào mặt tôi :

– Mi gàn mà mi bảo tao gàn ! Làm rể ông Vũ Đình Long thì mới được làm quản lý nhà in và nhà báo của Vũ Đình Long chứ !

Hai đứa tôi vừa đi vừa cãi đùa chưa hết câu chuyện thì đã đến trước một căn nhà thắp đèn “manchon” chiếu một màu sáng xanh xanh.

Lư vào trước, nắm tay một chàng đang đứng trong nhà, và cười ngó ra tôi. Tôi vừa bước vào. Lư nắm cả tay tôi, bảo chàng kia :

– Nó bảo mày gàn, mày bảo nó gàn, thế là đứa nào gàn ?

Nguyễn Tuân (1910-1987) (trái) và Lưu Trọng Lư (1911-1991).

Chưa biết chàng ấy là ai, chỉ nhận thấy một điều ngay trước mắt, là chàng có một đầu tóc bờm xờm kinh khủng. Giống hệt cái đầu của Jean Cocteau, Thi sĩ Pháp. Chàng mập mạp, coi bộ to lớn rền rang hơn tôi nhiều, và chắc chắn là nhiều tuổi hơn tôi. Chàng có một nét cười chúm chím rất hóm hỉnh, và đôi mắt ranh mảnh lạ thường, nhưng nụ cười và đôi mắt đều vô cùng khả ái. Tôi có cảm tình ngay khi chàng nhìn tôi

– Cho mình biết tên thì mình biết ngay là đứa nào gàn !

Tôi cười :

– Tụi mình chơi với nhau mà không cần biết tên, có được không ?

– Được lắm chứ. Mình cũng thích như thế đấy.

Lưu Trọng Lư cười hả hả :

– Đích thị hai đứa bay đều gàn bát sách cả hai !

Thế là Nguyễn Tuân và tôi quen nhau và mến nhau từ tối hôm ấy trong một trận cười rổn rảng, mà chưa đứa nào chính thức biết tên đứa nào.

Nửa giờ sau, Nguyễn Tuân mặc áo, đeo cà vạt, đi chơi với chúng tôi, lang thang trên phố Hàng Gai rồi rẽ ra Hồ Hoàn Kiếm. Chúng tôi ngồi chung quanh bàn nhỏ ăn kem, bên một mành liễu từ trên cung trăng buông xuống. Chàng kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện lý thú hồi đời xửa đời xưa … Câu chuyện tình duyên trắc trở giữa một nghệ sĩ mù và một nàng Công Chúa. Tiếng nói trầm trầm như mặt nước hồ thu, thỉnh thoảng nổi dậy một đợt cười xao xát như làn sóng chập chờn khẽ tạt vào bờ.

Khuya rồi, khách thừa lương đã tản mác, ba đứa tôi còn ngồi dưới gốc liễu duỗi chân trên cỏ, nhìn xuống mặt hồ. Nguyễn Tuân bảo :

– Tiếc rằng tớ không biết làm thơ như hai cậu. Nhưng cần gì biết làm thơ nhỉ ? Mình cho rằng thưởng thức được trọn vẹn những ý thơ của gió trăng, hòa mình vào với hồn thơ của cây cỏ ấy là biết làm thơ rồi… Người đời xưa, đã mấy ai làm thơ, nhưng họ toàn sống trong cảnh thơ và cảnh mộng. Mình tiếc không làm được người nghệ sĩ mù. Mình tiếc không gặp được nàng Công Chúa, nhưng mình biết chuyện họ, mình sống lại với họ, thế là mình tạo ra chàng nghệ sĩ cho mình và nàng Công Chúa cho mình… Hai anh chắc đã có hai nàng công chúa, hay là hai chục nàng công chúa, còn tôi, tôi chỉ sống trong vang bóng một thời… Tôi chỉ yêu những nàng công chúa ở tận đời xửa đời xưa…

Lưu Trọng Lư bỗng phá tan giấc mộng của anh chàng có đầu tóc bờm xờm :

– Đi lên Khâm Thiên ăn thịt chó chơi, tụi bay !

Nguyễn Tuân cười chúm chím (nụ cười quen của chàng) :

– Ừ, đi.

Tôi bảo :

– Hai anh đi, tôi về.

– Không ăn được chó à ?

– Tớ không có duyên với thịt chó.

Tuân bảo :

– Khỏi lo. Gắp một miếng chả chó bỏ vào miệng, nhai thong thả để thưởng thức cho hết mùi thơm của nó, rồi hớp một ngụm rượu, nuốt cái ực vào là có duyên ngay.

– Nhưng tớ cũng không uống được rượu.

Lư ngó tôi :

– Cứ đi, rồi mình bày cho cách uống rượu.

– Thì… đi !

Đêm ấy, ở quán bán thịt cầy nơi góc Ô chợ Dừa, Lưu Trọng Lư và Nguyễn Tuân ra về say khướt. Mặc dầu Nguyễn Tuân bảo “mùi thịt chó rất nên thơ,” tôi cũng không sao chịu nổi mùi thơ ấy.

Sau đó, tôi có gặp Nguyễn Tuân bốn năm lần. Nguyễn Tuân uống rượu thật nhiều, nhưng tôi chưa thấy Nguyễn Tuân nói bậy bạ như Lưu Trọng Lư lúc say mèm. Tuân người Thanh Hóa, tính nết hay nghiêm nghị, và làm gì cũng đắn đo nhưng rút cuộc không làm được theo ý mình. Chất nghệ sĩ của Nguyễn Tuân là mơ, nhưng không phải cái mơ huyền ảo bông lông, mà chỉ là cái mơ ước thực tế, giản dị, gần gủi nhưng vẫn ít khi thực hiện được. Mơ một cuộc du lịch mà không có tiền, rồi xách va li ra ga xe lửa để tưởng tượng là đi du lịch, mơ có một nàng công chúa để yêu, nhưng không có nàng công chúa, rồi lấy bút vẽ ra một mỹ nhân để tưởng tượng đó là nàng công chúa. Những quyển tùy bút của Nguyễn Tuân hầu như là những trang giấy ghi chép các giấc mơ không thành của con người văn nghệ ưa phiêu lưu ấy. Trong quyển “Chiếc lư đồng mắt cua” loại giấy tốt của anh gởi tặng tôi, anh có đề một câu sau đây, mà tôi vẫn chưa quên được :

“Chúng ta là những con người ta của người ta.

“Chỉ có giấc mơ của mình là của mình.

“Phải không anh Nguyễn Vỹ.”

Phải lắm anh Tuân ạ.

Cho nên ngày nay, tôi biết anh còn sống ở đất Bắc nhưng tôi biết anh đã chết rồi. Vì cái “con người ta” của anh, anh đã biết là không phải của anh, cũng như “giấc mơ của mình” đâu còn “là của mình” nữa ?

Than ôi, Nguyễn Tuân ! Tôi thương Lưu Trọng Lư ít, mà tôi thương anh nhiều. Vì Lư vẫn không bao giờ tin tưởng nơi cái gì cả và cả nơi Lư, chứ Nguyễn Tuân… Xưa kia… Chàng còn tin tưởng nơi giấc mơ xinh đẹp của con người Văn nghệ.

Có gì thê thảm bằng sự tan rã của giấc mơ duyên ?

N.V

(Trích Phổ Thông bộ mới số 16, ra ngày 30.7.1959, mục Văn sĩ Thi sĩ Tiền Chiến) (Sưu tầm của thantri)

Lịch sử sóng gió của chữ quốc ngữ

Ngày 1/1/1882, chính quyền thực dân Pháp đã buộc người Việt ở Nam kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”. Nội dung quan trọng này nằm trong nghị định ra ngày 6/4/1878 “về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” do thống đốc Nam kỳ Lafont ký.

Lịch sử sóng gió của chữ quốc ngữ

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes.

Nghị định trên ra đời sau 20 năm Pháp xâm chiếm nước ta và sau thế kỷ ra đời và phát triển của chữ Việt.

Vì sao người Pháp ra nghị định 6/4/1878?

Điều này được nói rõ trong nội dung nghị định. Nguyên văn như sau:

“Xét rằng chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin ngày nay đã khá phổ thông trong các tỉnh Nam kỳ, là thứ chữ dễ học hơn chữ Nho và tiện lợi nhiều so với chữ Nho trong việc làm cho những giao dịch giữa các quan cai trị với dân bản xứ được trực tiếp hơn. Xét rằng việc dùng hợp pháp thứ chữ đó chỉ làm cho dân chúng dễ đồng hóa với chính quyền ta, và vì thế thật là một đường lối chính trị tốt nếu bắt buộc dùng nó trong các giao dịch chính thức. Tuy nhiên, xét rằng một cải cách quan trọng như thế không thể thực hiện được ngay tức khắc, và để thực hiện nó cần có sự cộng tác của những tầng lớp lãnh đạo trong dân chúng. Chiếu đề nghị của quyền giám đốc nội vụ, sau khi hội đồng tư vấn đã được hội ý kiến, nay ra nghị định:

Điều 1: kể từ ngày 1/1/1882 tất cả những văn kiện chính thức, nghị định, quyết định, sắc lệnh, phán quyết, chỉ thị… sẽ được viết, ký và công bố bằng chữ mẫu tự Latin.

Điều 2: kể từ ngày trên, không một tuyển dụng nào được thi hành, không một thăng trật nào được cho phép, trong ngạch phủ, huyện, tổng đối với bất cứ ai không ở trong tình trạng viết được chữ quốc ngữ. (Nguyễn Văn Trung – Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc).

Đến đầu năm 1881, thống đốc Nam kỳ lúc đó là Le Myre de Vilers đã ký quyết định “nhắc lại” việc dùng chữ quốc ngữ trong hệ thống hành chính. “Vì lời nghị ngày mồng 6 tháng 4/1878, từ ngày mồng 1 janvier 1882, về các tờ giấy làm việc quan buộc phải viết ra bằng quốc âm chữ Langsa; Xét vì lời nghị nầy phải thi hành lần lần, vì trong lúc người ta biết chữ quốc âm Langsa đủ dùng trong các tổng” (Gia Định Báo ngày 21/2/1881). Và ngày 24/10/1881 cũng trên tờ Gia Định Báo phần tạp vụ, văn phòng Nha nội vụ đã đăng thông báo “nhắc lại”. “Ông directeur de l’interieur (giám đốc Nha nội vụ, người đương thời gọi là quan lại bộ thượng thơ), làm lời rao cho ai nấy đặng hay, lời nghị ngày mồng 6 avril 1878, buộc từ ngày mồng 1 janvier 1882 trong những giấy lá việc quan mà viết theo tiếng An Nam đều phải dùng chữ Langsa mà thôi”.

Và ngày 30/1/1882, thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers ra nghị định nhắc lại lần cuối cùng: “kể từ ngày hôm nay, việc chỉ dùng những mẫu tự Pháp trở thành bắt buộc trên toàn cõi Nam kỳ thuộc Pháp, trong những giấy tờ chính thức viết bằng tiếng An Nam”. (Nguyễn Văn Trung – Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc).

Có thể nói, kể từ ngày 1/1/1882, người Việt bắt đầu chính thức sử dụng thứ chữ viết từng được gọi là “chữ quốc ngữ, quốc ngữ hay tiếng An Nam dùng chữ Langsa”, thứ chữ viết hôm nay người Việt dù sống ở đâu, trên đất nước Việt Nam hay nơi nào đó trên thế giới đều xem là văn tự chính thống của người Việt.

Để có được điều đó, chữ Việt đã trải qua nhiều thăng trầm.

Ngược dòng chữ Việt

Chúng ta đều biết chữ Việt do những giáo sĩ phương Tây tới Việt Nam truyền đạo sáng tạo vào thế kỷ 17. Và người được vinh danh nhiều nhất chính là giáo sĩ Alexandre de Rhodes.

Ngoài bức tượng nhỏ của ông dựng trong khuôn viên 161 Lý Chính Thắng (Quận 3), ông còn có tên đường ở ngay trung tâm TP.HCM. Thực tế có phải Alexandre de Rhodes là người duy nhất sáng tạo chữ Việt? Không hoàn toàn như vậy.

Sáng tạo ra chữ Việt là công trình của nhiều người với mục đích ban đầu chỉ để truyền đạo. Theo Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên của Nguyễn Khắc Xuyên, chữ Việt manh nha xuất hiện từ năm 1625-1626 trong một bức thư của giáo sĩ F. Buzomi, người Ý. Năm 1627, giáo sĩ Baldinotti đã xuất bản một bản Điều trần về xứ Đàng Ngoài có ghi một vài chữ quốc ngữ. Năm 1631, trong quyển Điều trần về xứ Đàng Trong của giáo sĩ Cristoforo Borri, người Ý, đã xuất hiện nhiều câu quốc ngữ như Scin (xin), Ciàm (chẳng), Gnoo (nhỏ), Chiam (chăng), Tlom (trong), Bua (vua)…

Tuy nhiên, công lớn lại thuộc về các giáo sĩ Bồ Đào Nha. Giáo sĩ được đương thời coi là “thầy tiếng Việt” là Francesco de Pina. Hai “học trò” của Pina được thừa nhận có công lớn là giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa. Hai giáo sĩ này là người đầu tiên viết từ điển Việt – Bồ và Bồ – Việt. Hai ông sau khi rời Hội An, định cư ở Macau gần 10 năm. Không may Gaspar d’Amaral tử nạn trên biển Macau vào tháng 2/1646 khi trên đường đến Việt Nam. Antonio Barbosa cũng mất một năm sau đó.

Trước khi mất họ để lại trong nhà thờ San Pauli ở Macau những quyển từ điển Việt – Bồ – Latin mà họ đã sáng tạo. Và giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người mang từ điển đó về châu Âu (Phạm Văn Hường – Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ). Đến năm 1651, quyển Từ điển Việt – Bồ – La ra đời dưới cái tên tác giả Alexandre de Rhodes. Và đây là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên xuất hiện trên thế giới và ông Đắc Lộ (tên tiếng Việt của Alexandre de Rhodes) được công nhận là người có công trong việc sáng tạo chữ Việt.

Những sáng tạo của các giáo sĩ phương Tây không thể không có sự góp phần của người bản xứ. Nhiều tài liệu đã nhắc tới “những người thầy không tên” của các giáo sĩ. Theo xơ Jean Berchmans Minh Nguyệt trong tập san MISS của Vatican, giáo sĩ Đắc Lộ đã học tiếng Việt với “một người thầy trạc 10-12 tuổi”, người sau này trở thành thầy giảng đạo giúp việc cho các giáo sĩ.

Giáo sĩ Đắc Lộ đã nói về “thầy” của mình: “Chỉ trong vòng ba tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ”.

Những tài liệu khác cũng cho biết “thầy” của các giáo sĩ Amaral và Barbosa có tới 14 người. Những cái tên như Trâm, Văn Triều, Sang, Văn Tang, Cai, Văn Nhất… xuất hiện trong một tài liệu của Dòng Tên mang tên “Chung quanh mô thức rửa tội bằng thổ ngữ An Nam” (Huỳnh Ái Tông – Nguồn gốc chữ quốc ngữ).

Chữ Việt thời kỳ đầu khác xa với chữ Việt hôm nay, thậm chí hôm qua. Những từ “oũ” (ông), “kẻ hằii” (kẻ hầu), “bên đoũ đa” (bên Đống Đa)… vẫn còn nhiều âm hưởng nước ngoài đối với người Việt. Tới khi xuất hiện trong Từ điển Việt – Bồ – La năm 1651 cũng còn những khoảng cách xa với chữ Việt mà chúng ta đang dùng: “bao nheo” (bao nhiêu), “tôi blả bấy nheo” (tôi trả bấy nhiêu), “muấn” (muốn), “đức chúa Blời” (đức Chúa Trời), “iêo” (yêu), “khoăn đã nao” (khoan đã nào), “nếo” (nếu)…

Không chỉ có Từ điển Việt – Bồ – La, giáo sĩ Đắc Lộ còn được ghi nhận là có công đầu trong việc sáng tạo chữ Việt từ quyển Phép giảng tám ngày (1651) và phần “tiểu lược về tiếng An Nam hay tiếng Bắc kỳ” còn gọi là cuốn văn phạm Việt Nam đầu tiên (in chung với cuốn từ điển). Nếu Phép giảng tám ngày là cuốn sách chuyên về đạo đầu tiên của quốc ngữ thì cuốn văn phạm là sự sáng tạo không còn nghi ngờ gì nữa và là của riêng ông.

“Tất cả tinh thần của tiếng nói là ở các dấu lên xuống” – giáo sĩ Đắc Lộ nhận xét. Có thể chính nhờ cuốn văn phạm này mà các giáo sĩ, người học chữ Việt đời sau cảm thấy dễ dàng hơn.

Sau Filiphé Bỉnh là những ai đã học chữ Việt? Ít nhất chúng ta biết được một người, đó là linh mục Phillipe Phan Văn Minh, người đã góp sức cùng giáo sĩ Taberd viết cuốn Tư vị Taberd tại Ấn Độ và cũng là người mang cuốn sách này về Việt Nam.

Hiện có rất ít tài liệu chứng minh ai là người đầu tiên theo học chữ Việt sau Đắc Lộ…

Những người Việt trong nhà thờ

Theo Đỗ Quang Chính ghi nhận trong văn khố Dòng Tên ở Roma có “một bức thư của thầy Igesco Văn Tín gửi cho linh mục Marini, viết ngày 12/9/1659” và “một tập lược sử nước Annam và một lá thư viết ngày 25/10/1659 của thầy Bento Thiện gửi linh mục Marini” hoàn toàn bằng chữ Việt (tập Lịch sử nước Annam).

Những chữ Việt trong các tài liệu này tuy khác xa với chữ viết hôm nay nhưng tiếng Việt thời này đã thành một hệ thống đủ để thông tin và ghi chép. Thầy Văn Tín viết “ơn Thài xưa dạy dõ tôy nhèu đàng cho nên thàn mà ráp cậi thày cho nen chãng hai bai giờ vứang thày tôy càng buồn hơn nữa mà ướoc au cho được thai mạt Thài như con tlon mẹ vè cho được bú bại…” (ơn thầy xưa dạy dỗ tôi nhiều đàng cho nên thánh mà ráp cậy thầy cho nên chẳng hay bây giờ vắng thầy tôi càng buồn hơn nữa mà ước ao cho được thấy mặt thầy như con trông mẹ về cho được bú vậy).

Thứ hai là bức thư của thầy giảng Biển Đức Thiện (Bento Thiện) viết tại Đàng Ngoài (ở Thăng Long) ngày 25/10/1659 cũng gửi cho linh mục G.F.de Marini cùng một thời gian với thư của thầy Văn Tín nên chữ viết tương tự. Đáng chú ý là tập Lịch sử Annam bằng tiếng Việt. Chỉ dài có 12 trang chữ nhỏ li ti khổ 19×28 (trang cuối khổ 12×6 và chỉ có chín dòng chữ) nhưng chứa đựng khá nhiều thông tin về lịch sử nước Việt ở các lĩnh vực chính trị, xã hội, thi cử, hành chính từ thời Lạc Long Quân cho đến thời Trịnh Nguyễn. Có thể coi đây là bản sơ thảo về lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ Việt sau khi quyển từ điển tiếng Việt đầu tiên ra đời năm 1651.

Còn Thanh Lãng trong Biểu nhất lãm văn học cận đại phát hiện Filiphé Bỉnh (1759-1832), một linh mục Dòng Tên người Việt, là người viết chữ Việt, hơn 100 năm sau đó. Filiphé Bỉnh có thể rời Việt Nam năm 1794 và cư ngụ tại Bồ Đào Nha 30 năm. Thanh Lãng chưa tìm thấy tiểu sử của Filiphé Bỉnh nhưng tìm thấy khá nhiều tài liệu bằng chữ Việt của ông lưu trữ tại Lisbon, Bồ Đào Nha.

Tới thành Macao thơ có lẽ là bài thơ bằng tiếng Việt đầu tiên do Filiphé Bỉnh sáng tác vào ngày 4 tháng chạp năm 1794. “Tôi đang gưỡi gắp (gửi gắm) chốn Ma cao. Hai chữ thanh nhàn xiết kễ bao. Hôm sớm phần hồn dầu mặc sức. Tháng ngày việc chác chẳng tơ hào. Xây dần (xoay vần) ám tiết hằng no ấm. Đáp đổi tứ mùa khỏi khát khao. Gần chợ gần soũ (sông) gần núi bể. Trăm mùi khôn chút vẻ tanh tao”.

Vào thế kỷ 18 mà chữ nghĩa của Filiphé Bỉnh đã tiến gần với chữ Việt ngày nay cho thấy sự phát triển của chữ Việt khá mạnh mẽ trong suốt 100 năm trước đó.

Sau Filiphé Bỉnh là những ai đã học chữ Việt? Ít nhất chúng ta biết được một người, đó là linh mục Phillipe Phan Văn Minh, người đã góp sức cùng giáo sĩ Taberd viết cuốn Tư vị Taberd tại Ấn Độ và cũng là người mang cuốn sách này về Việt Nam. Linh mục Phan Văn Minh (1815-1853) đồng hương với Trương Vĩnh Ký ở Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay là Bến Tre).

Linh mục đã góp phần viết Khái luận về tiểu từ và đại từ (Tractatus de variis particulus et pronominibus), Cách đếm (Nomina numeralia, 10 trang), Thực vật chí Đàng Trong (Hortus Floridus Cocincinœ), Lược bày niêm luật làm văn làm thơ (Compendium versificationis anamiticœ)… Ông còn để lại một số tác phẩm bằng quốc ngữ như Nước trời ca, Phi năng thi tập…

Sau linh mục Phan Văn Minh là ai nữa? Chưa biết. Nhưng chúng ta biết chắc rằng chữ Việt đã được gieo, nảy mầm và lớn lên trong lòng người Việt.

Theo bước Đắc Lộ

Hơn 100 năm sau, giám mục D’Adran tức giáo sĩ người Pháp Pierre Pigneaux de Béhaine còn được gọi là Bá Đa Lộc hay đức Cha cả (sinh năm 1741 tại Pháp, mất năm 1799 tại Sài Gòn), người từng giúp Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn, là người phương Tây học chữ Việt tiếp theo mà chúng ta biết. Ông đã biên soạn bộ tự vị Việt – La tại Sài Gòn từ tháng 9/1772 đến tháng 6/1773, với sự giúp đỡ của một số giáo sĩ người Việt và Pháp. Phần chính văn 662 trang là từ điển song ngữ, tiếng Việt được ghi theo hai lối viết (Nôm và quốc ngữ) xếp theo vần a, b, c, được giải nghĩa bằng tiếng Latin.

Điểm đáng lưu ý là chữ quốc ngữ trong bộ tự vị này gần như hoàn toàn giống với chữ quốc ngữ hôm nay, các phụ âm đôi như bl, ml… của tiếng Việt thế kỷ 17 đã biến mất hẳn. “Điều thú vị là tuy biên soạn cách đây hơn 200 năm nhưng khi lật lại cuốn từ điển này, chúng ta không chỉ thấy được diện mạo của tiếng Việt thế kỷ 18, không chỉ phần nào hiểu được bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị nước ta vào thời kỳ đó mà còn thấy được từ ngữ cơ bản trong tiếng Việt hiện đại” (Võ Thị Minh Hà – tạp chí Ngôn Ngữ và Đời Sống số 7/2006).

“Cái mới của tự vị Bá Đa Lộc là loại hẳn cách viết của Đắc Lộ và không còn thấy những nhóm phụ âm đầu mnhầm, mlầm. Nhóm bl như trong blái cũng không còn. Nhóm tl chỉ còn một từ tla. Sách có “lầm” mà không có “nhầm”, có “lanh” mà không có “nhanh”, có “lời” mà không có “nhời”. Có “nhơn” mà không có “nhân”; có “ơn” mà không có “ân”; nhưng vừa có “mần” vừa có “làm”…(Mien Ngoc – sachxưa.net).

Sau Bá Đa Lộc, “học trò chữ Việt” là giáo sĩ Taberd. Ông này đã soạn bộ Nam Việt dương hiệp tự vị, thường được gọi là Tự điển Taberd, in năm 1838 tại Ấn Độ. Từ điển Taberd gồm ba phần. Phần mở đầu có 46 trang văn phạm, nghiên cứu âm vị tiếng Việt, mô tả tiếng Việt, nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, mô tả cấu trúc lời nói, câu văn tiếng Việt và chỉ dẫn cách làm thơ.

Phần thứ hai: chính văn gồm 620 trang, mỗi trang hai cột, thu thập 4.959 mục tự theo vần a, b, c, mỗi mục xếp theo trật tự Nôm – quốc ngữ và dịch nghĩa bằng tiếng Latin, tiếp theo là dẫn ra các từ ghép có chứa từ mục tự (từ đơn) nêu trên, ví dụ: mục tự “dương” được dẫn ra các từ ghép như: “thới dương, khí dương, dương gian, dương thế…”.

Phần ba: có 39 trang phụ lục về tên gọi các loại cây cỏ, hoa trái miền Nam và công dụng của nó trong y thuật và 135 trang phụ lục ghi các từ Hán Việt thông dụng. “Một lần nữa người làm từ điển muốn điển chế hóa tiếng nói và chữ viết Việt Nam (ở phía Nam, ở Sài Gòn).

Mọi từ tiếng Việt trong từ điển đều ghi bằng hai thứ chữ Nôm và quốc ngữ, được phân bố theo thứ tự a, b, c và được dịch nghĩa tương đương sang tiếng Latin… Chữ Nôm của Taberd cũng như của De Béhaine vẫn được phân bố lệ thuộc theo âm quốc ngữ chứ không được phân bố theo số nét và các bộ chữ Hán” (Trần Văn Giàu, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt – Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh tập II, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh 1988).

Nét đặc biệt của Tự vị Taberd là “dạy làm thơ, hò vè, phú…” điều mà hầu như chưa có từ điển nào làm.

Thế nhưng suốt 200 năm, kể từ 1651-1861, do chính quyền cấm đạo, do giới trí thức nho học bỏ qua hoặc không để ý tới, do bị nghi kỵ thứ “chữ của người nước ngoài”, chữ Việt vẫn chìm trong “bí mật” và chỉ phát triển quanh quẩn trong các nhà thờ, các xứ đạo Thiên Chúa giáo. Trong thời gian này, chữ Việt dần hoàn thiện. Những học trò chữ Việt sau đó như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký đã góp phần làm cho chữ Việt hoàn chỉnh một bước nữa. Và đến khi chữ Việt được xuất hiện công khai trên tờ Gia Định báo năm 1865 thì đã tiến gần sát với chữ Việt ngày nay.

Không chỉ thúc ép đội quân viễn chinh Pháp trong việc bắt buộc triều đình nhà Nguyễn chấp nhận điều khoản mà cả triều đình lẫn giới sĩ phu lúc bấy giờ không chịu chấp nhận là “tự do truyền đạo”, mà các thừa sai còn thúc ép Pháp phải buộc người Việt “sử dụng chữ quốc ngữ”.

Thế nhưng đâu là nguyên nhân chính? Bởi đã là người chiến thắng, Pháp có nhiều hơn một trong việc lựa chọn ngôn ngữ để cai trị, ngoài chữ nho. Trong đó tiếng Pháp cũng là một lựa chọn.

Thế nhưng người Pháp đã chọn chữ quốc ngữ.

Vì sao người Pháp chọn quốc ngữ?

Đây là phần “tối” nhất trong nhiều nghiên cứu về quốc ngữ trong văn học sử của nước ta. Có không nhiều nghiên cứu nêu rõ nguyên nhân, lý do thực dân Pháp “quyết liệt” ép người Nam kỳ học quốc ngữ thay vì tiếng Pháp. Chúng tôi tìm thấy trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Trung vấn đề này.

“Ở đây cần để ý một điều là trước khi người Pháp xâm chiếm nước ta, các nhà truyền giáo thuộc nhiều quốc tịch châu Âu đã theo đường lối “tôn trọng thích nghi văn hóa, phong tục những nước bị truyền giáo (nhất là các nhà truyền giáo thuộc Dòng Tên)”. Chính trong tinh thần đó mà họ sáng chế ra chữ quốc ngữ. Đến thời Pháp xâm lược, các nhà truyền giáo Dòng Tên phải nhường chỗ cho Hội thừa sai Paris và những người này đều là người Pháp, theo một đường lối truyền giáo cứng rắn chủ trương xóa bỏ, tiêu diệt tất cả những gì là phong tục, văn hóa, tư tưởng của các nước bị truyền giáo không hợp với giáo lý Thiên Chúa. Hơn nữa, họ còn đồng hóa quyền lợi nước Pháp với quyền lợi của đạo nên họ đã tích cực góp phần vào việc thiết lập chế độ thực dân”. (Nguyễn Văn Trung – Chữ, văn quốc ngữ thời đầu Pháp thuộc).

Với tinh thần đó, các giáo sĩ đã thúc ép chính quyền Pháp chọn chữ quốc ngữ thay vì chữ Pháp.

Không chỉ thúc ép đội quân viễn chinh Pháp trong việc bắt buộc triều đình nhà Nguyễn chấp nhận điều khoản mà cả triều đình lẫn giới sĩ phu lúc bấy giờ không chịu chấp nhận là “tự do truyền đạo”, mà các thừa sai còn thúc ép Pháp phải buộc người Việt “sử dụng chữ quốc ngữ”.

Theo Nguyễn Văn Trung, Lanessan đã ghi: “Tôi còn giữ trong tay một thư của giám mục Puginier, trong đó ngài trình bày mục đích việc phiên âm bằng chữ Latin một cách thật rõ rệt. Ngài nói khi thay thế chữ nho bằng chữ quốc ngữ, Hội thừa sai nhằm mục đích cô lập các giáo hữu. Những người này sẽ không còn có thể đọc được những tác phẩm dễ đọc nhất của Trung Hoa và sẽ không thể thư từ gì được với bất cứ một sĩ phu Tàu hay ta nào”.

Đó là nhận định của người Việt và giới giáo sĩ. Còn quan điểm của chính quyền Pháp? Có không nhiều tài liệu để thẩm tra vấn đề này. Có lẽ thông tư ngày 10/4/1878 của giám đốc Nha nội vụ Béliard thể hiện rõ nhất quan điểm của Pháp: “Chúng ta sẽ rất lợi cả về mặt chính trị lẫn thực tế, nếu làm tiêu tan dần dần chữ nho mà việc dùng thứ chữ đó chỉ có thể có một ảnh hưởng tai hại đối với công trình đồng hóa mà chính phủ đang dồn mọi nỗ lực thực hiện”.

Tháng 9/1864, đô đốc Lagrandière đã báo cáo: “Tôi có mọi lý do để hi vọng, nếu việc theo học các trường của chúng ta tiếp tục, chúng ta sẽ có ít nhất, trong chưa đầy một năm, một nghìn thanh niên An Nam biết đọc và biết viết ngôn ngữ của họ bằng mẫu tự Latin; nhờ đó chúng ta sẽ tống một cú đánh chết người vào chế độ quan lại, và chúng ta sẽ tự mình gỡ bỏ được lớp văn thân là các kẻ luôn luôn có khuynh hướng gây xáo trộn” (Milton E Osborne – Giáo dục và chữ quốc ngữ – sự phát triển một trật tự mới 1859-1905 do Ngô Bắc dịch).

Chính vì vậy, ngay sau khi Hòa ước Nhâm Tuất ký chưa ráo mực, khi ba tỉnh miền Tây còn nằm trong tầm ngắm và đang lăm le đánh chiếm thì Pháp đã cho ra đời tờ báo tiếng Việt ở Sài Gòn. Đó là tờ Gia Định báo. Tờ báo này do E. Potteaux, thông ngôn tiếng Việt hạng nhất của đô đốc, làm “tổng tài” (tổng biên tập).

Sự phản kháng

Song việc “quốc ngữ hóa” Nam kỳ diễn ra không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Phía những người theo Pháp và những người được coi là giàu có không phải ai cũng dễ dàng cho con em đi học chữ quốc ngữ.

Có thể do những lời đồn thổi về việc “người Công giáo không thờ cúng ông bà” xuất phát từ chuyện Đông cung Cảnh, học trò của Bá Đa Lộc, sau khi từ Pháp về theo đạo Công giáo và “từ chối đến tông miếu” (thực lục nhà Nguyễn) nên nhiều người Nam kỳ sợ con cháu mất gốc mà trốn tránh việc đi học chữ quốc ngữ, còn vì đó là chữ của đạo Công giáo, những người đi theo Pháp ngay khi Pháp tới Nam kỳ.

Chưa kể người có liêm sỉ thì khó thể chấp nhận bất cứ điều gì của quân cướp nước đề ra ngay trong lúc nhục mất nước còn nóng hôi hổi!

Do vậy, việc đi học rất ư là hành chính. Thực dân ra lệnh tận làng xã “bắt trẻ con đi học chữ quốc ngữ như bắt lính”. Còn hương chức hội tề thì “khuyến dụ, cưỡng ép trẻ con đi học” để được thăng thưởng. Rất nhiều người đã mướn hoặc bắt đầy tớ trong nhà đi học thay con em mình. Câu ca dao chống việc học chữ quốc ngữ phổ biến khá rộng ở miền Nam có thể xuất phát từ thời bấy giờ: Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu. Anh về đi học chữ nhu. Chín trăng em đợi mười thu em chờ. Phải học chữ nhu (chữ nho) thì em mới chờ còn không thì sẽ…

Eliacin Luro, thanh tra bản xứ vụ trong chính quyền Pháp mới đặt ở Nam kỳ, tác giả giáo trình về hành chính Việt Nam dùng cho trường các viên chức tập sự Pháp, đã thừa nhận trong bài giáo dục số 38 về Giáo dục quốc dân viết năm 1873: “Rồi chúng ta bắt mỗi làng phải gửi một số học sinh quy định đến trường…

Hậu quả là các làng mộ học sinh cho các trường quốc ngữ của chúng ta kiểu như họ mộ lính, bằng cách trả tiền cho gia đình của học sinh và công cuộc bắt buộc giáo dục của chúng ta tính như một thứ thuế đánh thêm vào dân” (Nguyễn Phú Phong – tranh luận về việc áp dụng chữ quốc ngữ). Gia Định báo số ra ngày 8/3/1874 ghi “các ông ấy cũng biết nhà trường lập ra đây để cho các học trò Annam học thì có nhiều điều ngăn trở kể chẳng xiết”.

Phía các sĩ phu, sự chống đối diễn ra dữ dội hơn. Năm 1885, một số thân hào nhân sĩ đã gửi thư thỉnh nguyện đến Hội đồng quản hạt Nam kỳ “đề nghị bãi bỏ chữ quốc ngữ”. “…Theo thiển ý chúng tôi, hiện nay chỉ có hai thứ tiếng có thể được ở Nam kỳ, tiếng Pháp mà chúng tôi muốn học và tiếng Annam nôm na mà chúng tôi đều biết viết bằng chữ Nôm… Quý vị hãy đoán xem chúng tôi lúng túng thế nào mỗi khi chúng tôi nhận được những lệnh viết bằng thứ chữ (quốc ngữ) trên, chúng tôi phải chạy kiếm hàng chục người thông ngôn mà chúng tôi phải trả tiền, để rồi rốt cục họ đã làm chúng tôi hiểu hoàn toàn ngược lại với những gì người ta muốn truyền lệnh cho chúng tôi”.

Nổi bật trong thời kỳ này là nhà thơ Phan Văn Trị với cuộc bút chiến giữa ông và Tôn Thọ Tường, một trí thức Hán học đi theo thực dân Pháp. Cuộc bút chiến diễn ra khá gay gắt của hai phe trở thành giai thoại trong làng văn ở Nam kỳ.

Với Phan Văn Trị và các đồng chí của ông như Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Quang Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa…việc theo Pháp của người trí thức là không thể chấp nhận được.

Chính quyền Pháp đã chuẩn bị đến 20 năm (1862-1882) trước khi thực hiện nghị định cưỡng bách dùng quốc ngữ. Ngoài việc cho phổ biến chữ Việt bằng báo chí, họ đã cho mở các trường học dạy tiếng Việt và tiếng Pháp, từ đó hình thành một nền giáo dục Việt – Pháp ở nước ta.

D’ Adran và trường học giáo hội

“Ngày 17/2/1859, ngay khi đổ bộ lên Sài Gòn, đô đốc R. de Genouilly đã thấy có mặt tại đây một chủng viện và một trường học gọi là Trường D’Adran do hội truyền giáo nước ngoài thiết lập. Học sinh trường này học đọc và học viết chữ quốc ngữ. Họ cũng được học tiếng Latin, đôi khi vài chữ tiếng Pháp” (Nguyễn Phú Phong – Chữ quốc ngữ bành trướng từ Nam ra Bắc). Trong “Khảo luận về nền học chính tại Nam kỳ” đọc tại buổi họp của Hội nghiên cứu Đông Dương ngày 23/10/1899 của E. Roucoules, nguyên hiệu trưởng Trường Chasseloup Laubat (Lại Như Bằng dịch), cũng xác định D’Adran là trường học dành “cho dân bản xứ theo đạo Gia Tô học đọc và viết tiếng nói Annam bằng chữ mẫu tự Latin”.

Như vậy, D’Adran là trường học đầu tiên dạy chữ Việt ở Sài Gòn cũng như Việt Nam. Để có người làm thông ngôn trong giai đoạn đầu tiên, ngay trong năm 1861 sau khi chiếm Sài Gòn, Bonard đã quyết định “tài trợ” một phần chi phí và sau đó “nâng cấp trường (D’Adran) thành một trường cao đẳng với tên đầy đủ là Collège Annamite-Français de Monseigneur l’Évêque d’Adran” (ngày 8/5/1862) với nhiệm vụ dạy chữ Việt cho “các thông ngôn gốc Âu xuất thân từ quân đội hay hải quân” và nhiệm vụ này Trường D’Adran làm đến năm 1871 mới chấm dứt. Chương trình học đơn giản và kéo dài chín tháng. Các học viên phải trải qua một kỳ thi, nếu không đậu thì bị trả về quân ngũ. Ngày 1/2/1866, đô đốc Lagrandière quyết định “thành lập một trường Pháp tại Sài Gòn, giao cho các tu sĩ điều hành, được tổ chức ngay trong Trường D’Adran” (Khảo luận về nền học chính Nam kỳ – E. Roucoules).

Không rõ cái tên D’Adran tồn tại cho tới năm nào, nhưng trên nền trường này sau đó mọc lên hai ngôi trường trung học khá nổi tiếng ở Sài Gòn, đó là Trường Võ Trường Toản và Trường Trưng Vương.

Ngày 18/7/1864, đô đốc Lagrandière quyết định “mở ra tại các trung tâm tỉnh lỵ chính, các trường tiểu học dùng chữ mẫu Âu Tây và giao cho các thông ngôn, thư ký đảm nhiệm dạy học hai giờ mỗi ngày”. Quyết định này cũng quy định những người dạy “được lãnh lương phụ trội thêm một franc một ngày dạy” và học sinh thì “được thưởng thêm một franc nếu biết đọc biết viết” và “nửa franc nếu chỉ biết đọc”. Quyết định cũng “miễn phí tiền học, sách vở dụng cụ thông thường do nhà nước cấp”. Cũng trong năm này, Trường La Saint Enfent (trong khuôn viên tu viện Saint Paul) được xác định là trường nữ duy nhất. Trường sau này trở thành Trường nữ Saint Paul nằm trên đường Tôn Đức Thắng.

Trong năm 1864, với sự tài trợ của Pháp, giáo hội đã mở hàng loạt trường học ở các tỉnh quan trọng như Mỹ Tho, Chợ Lớn, Vĩnh Long. Và sau đó ở Cần Giuộc, Cần Thơ, Sóc Trăng, Gò Công, Tân An, Rạch Giá, Ích Thạnh (Thủ Đức), Long Hưng (địa phương thuộc Bến Tre), Mỹ Thuận, cù lao Mây (cù lao ở khoảng giữa Cần Thơ và Kế Sách), Bò Hút (nay là Thốt Nốt, TP Cần Thơ)… Tháng 9/1864, đô đốc Lagrandière báo cáo đã có “20 trường học được mở và có 300 học sinh đã biết đọc biết viết” chữ quốc ngữ. Còn “vào tháng 3/1869, đô đốc Ohier báo cáo có 104 trường tại thuộc địa, được theo học bởi 3.200 học trò. Sáu trong các trường này, chủ yếu những trường tại Sài Gòn, được dạy bằng tiếng Pháp cũng như quốc ngữ. Sau đó trong cùng năm này, sĩ số theo học các trường tổ chức bởi chính quyền Pháp được báo cáo là 4.481 học trò tại 120 trường”. (Milton E Osborne – Giáo dục và chữ quốc ngữ 1859-1905 – Ngô Bắc dịch).

Trở thành thứ chữ của người Việt

Năm 1868, đô đốc Lagrandière ký nghị định thành lập một trường trung học tỉnh, ngoại trú, đặt dưới sự kiểm tra của Nha nội vụ. Đây là trường đầu tiên không liên can tới giáo hội.

Đến cuối năm 1870, chính quyền địa phương không muốn lệ thuộc vào giáo hội nữa, muốn tự tuyển chọn và đào tạo giáo viên hệ thống giáo dục phi tôn giáo được triển khai. Ngày 10/7/1871, Dupré ra ba quyết định quan trọng. Đó là thành lập trường sư phạm thuộc địa, một trường tiểu học và thành lập một ủy ban có nhiệm vụ soạn chương trình học và sách cho giáo viên. Đồng thời nâng lương cho các giáo viên cùng nhiều biện pháp tài chính đối với học sinh. Trường tiểu học có quy định “hiệu trưởng và ba giáo sư phải có bằng cấp đại học hay chức vụ thông ngôn”. “Hạn tuổi để thâu nhận vào trường là 16 tuổi tối thiểu, 25 tuổi tối đa. 60 học sinh của trường theo quy chế nội trú và hoàn toàn được chính quyền thuộc địa chu cấp nuôi dưỡng ăn mặc. Chùa Barbet được giao cho trường làm cơ sở, mỗi thí sinh được nhận vào trường lãnh 25 franc làm chi phí nhập trường” (Roucoules – Nền học chánh Nam kỳ). Cũng theo Roucoules, “chùa Barbet được giao cho trường làm cơ sở” chính là đất của chùa Khải Tường. Có lẽ vì vậy mà trường được gọi là Trường Khải Tường.

Gia Định báo ngày 15/12/1874 có đăng danh sách 84 học sinh của Trường Khải Tường tốt nghiệp và được bổ làm thông ngôn các nơi. Khải Tường là tên một ngôi chùa nằm ven thành Gia Định. Đây là nơi ngày xưa Nguyễn Ánh từng đóng quân và vua Minh Mạng sau này được sinh ra tại đây. Sau khi lên ngôi, Minh Mạng đã ban cho chùa tên “Quốc Ân Khải Tường”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khuôn viên chùa ngày nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, số 28 Võ Văn Tần. Theo chúng tôi, khuôn viên chùa ngày xưa có lẽ phải lớn hơn nhiều. Và Trường Khải Tường có thể đặt ở một góc của chùa, nền của trường này từ năm 1874-1877 đã xây dựng thành ngôi trường đầu tiên của Sài Gòn: Trường Lê Quý Đôn hiện nay.

Cuối năm 1874, các trường chữ nho bị bãi bỏ biến thành các trường dạy chữ quốc ngữ và gom về các trung tâm tỉnh lỵ lớn là Sài Gòn, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Sóc Trăng và Bến Tre. Nhân viên của các trường này gồm một hiệu trưởng người Pháp biết nói tiếng Việt và các giáo viên bản xứ biết nói tiếng Pháp.

Năm 1879, thống đốc Nam kỳ Lafont quyết định thành lập nền học chánh Pháp – Việt với ba cấp học là sơ đẳng, tiểu học và cao đẳng tiểu học. Ở cấp thứ nhất, học sinh sau ba năm chỉ cần nghe, viết được vài câu đơn giản, đọc một trang sách sơ đẳng và biết bốn phép tính. Cấp thứ hai chủ yếu là tiếng Pháp và số học, hình học. Cấp thứ ba nới rộng chương trình tiếng Pháp, khái niệm các môn vật lý, toán, khoa học tự nhiên…

Như vậy, đến năm 1879, thực dân Pháp căn bản đã hoàn thành “đại chúng hóa” việc giáo dục toàn Nam kỳ và chữ quốc ngữ căn bản đã trở thành thứ chữ “được học và phải học” của bất cứ ai muốn đi học. Nói một cách khác, với nền học chính bằng tiếng Việt viết theo mẫu tự Latinh, chữ Việt đã lấn át gần như hoàn toàn chữ nho. Và thế hệ thanh niên cắp sách đến trường kể từ năm 1862 trở đi ở Nam kỳ, chữ Việt đã trở thành thứ chữ của người Việt, chứ không còn là chữ của đạo Thiên Chúa nữa.

Ở miền Bắc, việc mở mang trường học đi chậm hơn gần 10 năm. Đến tháng 4/1886, cả miền Bắc chỉ có ba trường Pháp. Nhưng qua năm 1887 đã có một trường thông ngôn, chín trường tiểu học nam, bốn trường tiểu học nữ, một trường tư dạy vẽ và 117 trường tư dạy chữ quốc ngữ.

Khác với nhiều nước phương Tây, nền văn học chữ Việt nước ta, đặc biệt là ở Nam kỳ, được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định “xuất phát từ báo chí”.

Để khơi gợi lòng yêu nước, đồng thời mở mang dân trí, kêu gọi mọi người đều được đi học, đều biết chữ, giới sĩ phu Việt Nam đã cho ra đời Đông Kinh nghĩa thục.

Đây cũng là một trong những chủ đích của phong trào Duy Tân mà Nguyễn Lộ Trạch và Phan Chu Trinh trước đó đã nhắm tới, nên có thể coi Đông Kinh nghĩa thục là một phần của phong trào Duy Tân vậy.

Mở trường khai trí cho dân

Ðông Kinh nghĩa thục là tên một trường học miễn phí, sau trở thành tên một phong trào. “Trường nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ, khắp ba mươi sáu phố Hà thành, gái trai nô nức học hành. Giáo sư tám lớp học sinh non ngàn”. Và “Trước hết phải học ngay quốc ngữ, Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau. Chữ ta, ta đã thuộc làu. Nói ra nên tiếng,viết câu nên bài. Sẵn cơ sở để khai tâm trí”. Các câu ca này xác định hoạt động của Ðông Kinh nghĩa thục và tiêu chí của phong trào.

Theo Nguyễn Hiến Lê, Ðông Kinh nghĩa thục thành lập năm 1906 theo gợi ý của Phan Chu Trinh tại nhà riêng của Lương Văn Can ở phố Hàng Ðào (Hà Nội). Lương Văn Can làm thục trưởng, Nguyễn Quyền làm giám học. Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn chịu trách nhiệm xin giấy phép. Mục đích của Ðông Kinh nghĩa thục là “mở trường khai trí cho dân”, “dạy học không lấy tiền”. “Trường sẽ dạy cả Việt văn, Hán văn, Pháp văn”, “bỏ lối học từ chương khoa cử mà chú trọng vào thường thức và thực nghiệp”, “thầy dạy không lấy tiền công”.

Trong khi chờ giấy phép, hai lớp học một nam, một nữ với sáu, bảy chục học sinh được thành lập tại nhà số 4 Hàng Ðào, Hà Nội. Sau vài tháng xin phép, tháng 5/1907 trường mới có giấy phép và số lớp cũng tăng lên độ “20 lớp với khoảng hơn 500 học sinh” (theo Nguyễn Thìn Xuân trong bài 100 năm Ðông Kinh nghĩa thục thì trường thành lập vào tháng 3/1907). Chương trình tiểu học dạy những người mới biết chữ quốc ngữ, trung học và đại học dạy những người đã thông chữ Hán hoặc muốn học chữ Pháp. Các môn học có sử ký, địa lý nước nhà, toán, vẽ, một chút khoa học.

Ðể có sách mà dạy, trường thành lập một ban tu thư để soạn sách do Phạm Tư Trực, Dương Bá Trạc, Lương Trúc Ðàm, Phương Sơn (phần soạn sách) và Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Ðôn Phục, ông cử làng Ðông Tác, Hoàng Tích Phụng (phần dịch sách). Soạn và dịch xong lại giao cho một ban khắc in và in ra hàng trăm bản để phát cho học sinh và đồng chí các nơi.

Các loại sách được dịch chủ yếu là “tân thư” như Ðại đồng thư của Khang Hữu Vi, nhất là bộ sách Ẩm Băng Thất tùng thư của Lương Khải Siêu, Mậu Tuất chính biến ký, còn có một số sách có tính cách là những tập vịnh sử, ký sự về tình hình hiện đại của Nhật Bản như Nhật Bản duy tân tam thập niên sử (bản dịch chữ Hán của La Hiếu Cao).

Nhiều tập sách nêu những tấm gương chiến đấu của các chí sĩ, các nhà hoạt động chính trị, hoạt động cách mạng của toàn thế giới cũng được các nhà nho đón đọc một cách say sưa. Có tập như Cận thế chi quái kiệt, đề cập đủ loại anh hùng, đều là những người anh hùng có công đổi mới đất nước của họ, dù đó là vua chúa hay tổng thống, giám quốc: Vua Bỉ Ðắc (Pierre le Giand) ở Nga, Hoa Thịnh Ðốn (Washington) ở Mỹ, Nã Phá Luân (Napoléon) ở Pháp, Tỉ Sĩ Mạch(Bismarck) ở Ðức…

Bộ phận soạn, viết rất nhiều các bài thơ cổ động, dùng vần điệu lục bát, nhắc nhở quần chúng về từng nhiệm vụ duy tân cụ thể. Họ có sáng kiến tìm những đầu đề hấp dẫn, khêu gợi, rất hợp với tâm lý quần chúng. Bài thơ ngắn này là Kêu hồn nước, bài ca trù gọn nhẹ kia là để hú hồn thanh niên. Ðây là bản Cáo hủ lậu văn, kia là bản Giác thế tân thanh, rồi đến những bài Khuyên học quốc ngữ, học chuyên môn, học công nghệ, học buôn bán. Kia là những bài khuyên đoàn kết, khuyên hợp quần. Tất cả những gì cần thiết cho sự đổi mới, Ðông Kinh nghĩa thục đều đề cập một cách gọn gàng, thiết thực (Chương Thâu – Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20). Những bài Gọi lính tập, Tiếng gọi thanh niên thức tỉnh trước thời cuộc, hùng hồn mà súc tích.

“Làm lòng dân náo động”

Bên cạnh việc đẩy mạnh học chữ quốc ngữ, Ðông Kinh nghĩa thục thường tổ chức sinh hoạt, học tập tuyên truyền về lịch sử nước nhà, về địa lý, toán học, cách trí, vệ sinh… Ðặc biệt ban cổ động, tuyên truyền của trường lại hô hào mọi người dân Việt Nam phải có lòng yêu nước, nhớ đến cội nguồn con Rồng cháu Tiên, phải biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lấy nhau, đào tạo những con người có ích cho đất nước, dùng hàng nội hóa, bài trừ mọi hủ tục mê tín dị đoan. Ngoài việc chống tư tưởng lạc hậu, Ðông Kinh nghĩa thục còn mạnh dạn kêu gọi noi gương Nhật Bản và nền văn minh Âu Tây. Ðể truyền bá tư tưởng học thuật mới, Ðông Kinh nghĩa thục rất chú trọng tới việc học chữ quốc ngữ và làm cho chữ quốc ngữ được phát triển, dần dần thay thế chữ Nho, chữ Nôm khó học (Nguyễn Thìn Xuân – 100 năm Ðông Kinh nghĩa thục), “chê cái tục để búi tóc củ hành, móng tay lá lan, liên tưởng tới những hủ tục khác như nhuộm răng, chọn ngày tốt để tắm…” (Nguyễn Hiến Lê – Ðông Kinh nghĩa thục).

Đông Kinh nghĩa thục còn tổ chức diễn thuyết thường xuyên ở Hà Nội và các vùng xung quanh. Các buổi diễn thuyết chủ yếu là kêu gọi lòng yêu nước, đả phá hủ tục, cổ động học chữ quốc ngữ… và lời kêu gọi được hưởng ứng chính là “cắt bỏ búi tóc” lan mạnh ở Hà thành.

Thấy hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục sau hơn một năm mỗi ngày mỗi hăng, ảnh hưởng lớn dần, chính quyền thực dân cho mở Trường Tân Quy để cạnh tranh. Trường này do Nguyễn Tái Tích, anh ruột nhà thơ Tản Đà, làm hiệu trưởng, khai giảng ngày 11/11/1907 nhưng chỉ có 50 sinh viên đăng ký học (Chương Thâu). Không cạnh tranh được, chính quyền thực dân liền đàn áp. Tháng chạp năm Đinh Mùi 1908, giấy phép của Đông Kinh nghĩa thục bị thu hồi với cái cớ “có thể làm lòng dân náo động” và nhân có nhiều cuộc nổi dậy ở nhiều nơi trong nước, thực dân bắt hầu hết những người liên quan và có quan hệ với Đông Kinh nghĩa thục đày ra Côn Đảo.

Ở miền Nam, những người đầu tiên tiếp xúc và hưởng ứng Đông Kinh nghĩa thục là Nguyễn An Khương (Khang), Nguyễn An Cư và Trần Chánh Chiếu. Các ông biết phong trào qua những bài ca yêu nước và tiếp xúc với những liên lạc viên của phong trào Đông Du từ Nhật, Thái Lan và Trung Quốc đi về trong nước. Còn Trần Chánh Chiếu biết phong trào qua con trai là Trần Văn Tuyết, từng học ở Hương Cảng (Hong Kong), mang những bản hiệu triệu bằng Hán văn của Phan Bội Châu về nước. Nhờ đó mà những bài ca ái quốc của Đông Kinh nghĩa thục được truyền bá và thu hút một số thanh niên như Trương Duy Toản, Nguyễn Háo Vĩnh, Đỗ Văn Y… Những người này sau tham gia phong trào Đông Du và được đưa qua Nhật học tập. Những vị bị đày ra Côn Đảo khoảng năm 1910 thì bị đưa đi an trí các nơi, chủ yếu là ở miền Nam. Dương Bá Trạc, Lương Văn Can bị an trí ở Nam Vang (Campuchia), Lê Đại ở Long Xuyên, Võ Hoành ở Sa Đéc…

Tuy tồn tại không lâu, hơn một năm, nhưng ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục khá lớn. Tác động của phong trào đã kích thích nhiều hoạt động khác về sau trong việc chấn hưng đất nước, đặc biệt là chấn hưng quốc ngữ.

Có thể coi truyền bá quốc ngữ là một phong trào nối tiếp Đông Kinh nghĩa thục nhưng rộng hơn và do Đảng Cộng sản chỉ đạo. Buổi họp ở nhà anh Phan Thanh, trong đó có các anh Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và tôi cùng mấy nhân sĩ là Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Tố… Hội nghị đi tới việc xin phép thành lập một hội”.

Trong “Hồi ký” về thời kỳ “Mặt trận Dân chủ Đông Dương”, Trần Huy Liệu viết: “Theo quyết nghị của Đảng, để tiến tới một tổ chức chống nạn thất học, chúng tôi, một số đồng chí đã họp với một số nhân sĩ để bàn về việc này. Buổi họp ở nhà anh Phan Thanh, trong đó có các anh Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và tôi cùng mấy nhân sĩ là Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Tố… Hội nghị đi tới việc xin phép thành lập một hội”.

Ra đời và lan rộng

Hội Truyền bá quốc ngữ ra đời ngày 25/5/1938 tại hội quán thể thao An Nam (CSA) trên phố Khúc Hạo, Hà Nội, do Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng, Bùi Kỷ – phó hội trưởng, Phan Thanh – thư ký, Quản Xuân Nam – phó thư ký, Đặng Thai Mai – thủ quỹ, Võ Nguyên Giáp – phó thủ quỹ. Cố vấn: Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Lê Thước.

Tại buổi thành lập, ngoài đông đảo quần chúng còn có Hoàng Xuân Hãn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Phan Thanh, Hằng Phương (vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan)… Mục đích của hội là “Dạy cho đồng bào Việt Nam biết đọc, biết viết tiếng của mình để dễ đọc được những điều thường thức cần dùng cho sự sinh hoạt hằng ngày. Cốt cho mọi người viết chữ quốc ngữ giống nhau”.

Với chương trình là mở lớp học gồm bậc sơ đẳng dạy vỡ lòng cho học viên đọc, viết chữ quốc ngữ và làm được hai phép tính cộng, trừ. Bậc cao đẳng luyện cho học viên đọc, viết thông chữ quốc ngữ và dạy thêm ít điều thường thức và bốn phép tính.

Để việc truyền bá chữ quốc ngữ nhanh chóng, hội yêu cầu những người đã được hội dạy cho biết chữ phải cố gắng dạy lại cho một số người thất học khác xung quanh mình. Hội tổ chức các cuộc diễn thuyết nhằm giảng dạy, phổ biến những điều thường thức cho đồng bào. Xuất bản sách nhằm bổ khuyết việc học ở lớp, hội chủ trương biên soạn và xuất bản loại sách thường thức phổ thông về sử ký, địa lý, vệ sinh, khoa học… phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn lúc ấy đang giảng dạy tại Trường Bưởi, đã được hội mời làm cố vấn tham gia ban tu thư. Ông chính là người soạn quyển sách học vần nổi tiếng cho hội. Những câu “I tờ hai móc cả hai. I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà. Ô thời đội mũ, ơ là thêm râu” và “huyền ngang, sắc dọc, nặng tròn; hỏi lom khom đứng, ngã buồn… nằm ngang” (Hoàng Xuân Hãn – Nhớ lại Hội Truyền bá quốc ngữ nhân kỷ niệm 50 năm, đăng trên báo Đoàn Kết năm 1988) cho tới nay vẫn còn có người thuộc. Những câu học vần đơn giản, dễ nhớ này chỉ nghe qua đôi lần là thuộc.

Quyển học vần này cũng được tiếp tục sử dụng trong phong trào Bình dân học vụ năm 1945. Sách được hội in và phát không cho giáo viên. “Để có tiền in sách, mua giấy bút cho giáo viên và người học, ban tài chính rải khắp Hà Nội, lạc quyên những người hằng sản hằng tâm, hoặc tiền, hoặc đồ vật. Nhiều thanh niên thanh nữ tình nguyện dạy những lớp tối cho trẻ em nghèo, những lao động nam nữ thất học”. (Hoàng Xuân Hãn).

Hoạt động của hội thời kỳ đầu cũng bị thực dân theo dõi song được nhân dân ủng hộ nên phát triển lan dần từ thành thị tới nông thôn. Ngày 5/1/1939, thành lập hội ở Huế, tới năm 1943, cả Trung kỳ có hội. Và ngày 5/11/1944, Nam kỳ mới có hội do Nguyễn Văn Vĩ làm trưởng ban.

“Chữ Việt còn thì nước ta còn”

“Hội Truyền bá quốc ngữ là một trường đào tạo, giáo dục thanh niên ngoài xã hội. Một mặt nó luyện cho thanh niên những đức tính cần thiết trong cuộc sống (tinh thần đoàn thể, óc tổ chức, kỷ luật, kiên quyết hi sanh…). Mặt khác, nó giúp thanh niên tránh được những cuộc vui chơi không lành mạnh (cờ bạc, trai gái, rượu chè…).

Bên cạnh đó, cũng giúp các thanh niên trí thức có dịp tiếp xúc, đi sâu, tìm hiểu cuộc sống cơ cực của quần chúng công nông lao động. Thu hút thanh niên vào một số hoạt động xã hội do Đảng lãnh đạo”. (Hà Thị Sương – Hội Truyền bá quốc ngữ).

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chính phủ lâm thời đảm trách công việc của Hội Truyền bá quốc ngữ với tên Bình dân học vụ với các chủ trương mục tiêu không khác trước. Ngay sau khi cách mạng thành công, Chính phủ lâm thời Dân chủ cộng hòa đã có sắc lệnh số 20 ngày 8/9/1945 do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Võ Nguyên Giáp ký: “Trong khi đợi lập được nên tiểu học cưỡng bách, việc học chữ quốc ngữ từ năm nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người (khoản 1). Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên tám tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ sẽ bị phạt tiền (khoản 2).

Không chỉ vậy, tháng 10/1945, đích thân Bác Hồ đưa ra Lời kêu gọi chống nạn thất học có đoạn “Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95%, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ. Như thế thì tiến bộ làm sao được?… Chính phủ đã lập một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của nhân dân… Mọi người Việt Nam… phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho người chưa biết chữ, hãy góp sức vào Bình dân học vụ” (Hồ Chí Minh – NXB Sự Thật 8/1975).

Điều này cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã quan tâm nhiều đến dân trí ngay từ lúc cách mạng chưa thành công và tiếp tục đẩy mạnh khuyến học sau khi cách mạng đã thành công.

Đến nay, đã 130 năm đi qua tính từ ngày 1/1/1882, chữ quốc ngữ trải qua bao sóng gió để trở thành thứ chữ của người Việt Nam. Dù bạn sống ở đâu trên địa cầu thì chữ quốc ngữ, chữ Việt vẫn là phần không thể thiếu trong đời sống.

Và nói như Nguyễn Văn Vĩnh đã nói “chữ Việt còn thì nước ta còn”.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

“Mộ đá chết” ở láng giềng Việt Nam: Trùm đứng sau là cha đẻ các dự án làm rung chuyển TQ

Ông Gordon Wu Ying-sheung là chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cơ sở hạ tầng châu Á tại Hồng Kông: Hopewell Holdings Ltd.

CẦU HỒNG KÔNG – CHU HẢI – MA CAO

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khánh thành cây cầu lớn nối Hồng Kông, Chu Hải và Ma Cao năm 2018 (HZMB), ông trùm bất động sản Gordon Wu Ying-sheung cuối cùng cũng đã được tận mắt chiêm ngưỡng một dự án do ông khởi xướng cách đó 35 năm.

Đây được coi là dự án trên biển dài nhất thế giới, bao gồm 1 cây cầu thép dài 22.9km, hai hòn đảo nhân tạo, một đường hầm chìm dưới biển có độ dài 6.7km và ở độ sâu 40m, cũng như các cây cầu dẫn nối cầu này với các thành phố.

Mộ đá chết ở láng giềng Việt Nam: Trùm đứng sau là cha đẻ các dự án làm rung chuyển TQ - Ảnh 1.

Ảnh: CGTN

Người sáng lập đồng thời là chủ tịch của Tập đoàn Hopewell Holdings, ông Gordon Wu, là một trong số 700 khách mời có mặt tại buổi khánh thành dự án. Dự án được đánh giá là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực hội nhập khu vực rộng lớn hơn của Bắc Kinh. Ông Gordon Wu đã đưa ra ý tưởng về một cây cầu với chính quyền thành phố Chu Hải vào năm 1983.

“Chất lượng cây cầu rất tốt, từ thiết kế cho đến xây dựng. Nó thực hiện giấc mơ, giấc mơ của người dân Vùng Vịnh lớn,” ông Gordon Wu nói, đề cập tới kế hoạch phát triển quốc gia trong đó kết hợp Hồng Kông, Ma Cao và 9 thành phố ở tỉnh Quảng Đông để sánh ngang với Thung lũng Silicon ở Mỹ.

Ông Wu được biết đến như một người tiên phong, một trong những làn sóng đầu tiên của các nhà đầu tư Hồng Kông đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Quảng Đông trong những năm 1980.

Năm 1983, ông Wu đã thúc đẩy ý tưởng xây dựng một cây cầu ở Đồng bằng sông Châu Giang. Gần 20 năm sau đó (vào năm 2002), ông nói với Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) rằng cây cầu có thể củng cố vị thế của Hồng Kông như một cảng lớn ở khu vực đồng bằng.

Mãi đến năm 2003, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và chính quyền Hồng Kông mới tiến hành nghiên cứu về những tuyến đường nối cần thiết trên toàn khu vực sông Châu Giang.

Dự án bắt đầu vào năm 2009 ở Trung Quốc Đại lục và vào năm 2011 ở Hồng Kông.

Câu cầu nối 3 thành phố Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao dài 55km và khiến 3 thành phố này chỉ cách nhau 1 giờ di chuyển.

DỰ ÁN lantau tomorrow vision

Ông trùm bất động sản tiếp tục là người đề xuất dự án quy mô rất lớn, tạo ra 2.600ha đất làm nhà ở phía Đông đảo Lantau (Đại Nhĩ Sơn) và 445ha khác ở gần đảo Lamma ở Hồng Kông.

Mộ đá chết ở láng giềng Việt Nam: Trùm đứng sau là cha đẻ các dự án làm rung chuyển TQ - Ảnh 2.

Ông Gordon Wu

Đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga công bố dự án Lantau Tomorrow Vision trong bài phát biểu về chính sách của mình vào năm 2018, tuy nhiên nguồn gốc của ý tưởng này được cho là có từ nhiều thập kỷ trước.

Kế hoạch của bà Lâm đưa kế hoạch của người tiền nhiệm Lương Chấn Anh tiến thêm bước nữa. Kế hoạch của ông Lương Chấn Anh được công bố trong bài phát biểu chính sách của ông vào năm 2014, đề xuất một “Đại đô thị phía Đông đảo Đại Nhĩ Sơn” với một hòn đảo nhân tạo rộng 1.000ha.

Ý tưởng này đã từng được nhắc tới nhiều năm trước đây. Vào những năm 1980, ông trùm bất động sản Gordon Wu Ying-sheung đã yêu cầu chính quyền xem xét việc cải tạo quy mô lớn ở khu vực này, tạo đất cho các cảng, sân bay và 400.000 căn hộ. Sau đó, vào năm 1997, ông Wu đã đệ trình đề xuất này lên Đặc khu trưởng Hồng Kông Đổng Kiến Hoa, đề xuất khai hoang 3.280 ha trong khu vực này.

Kế hoạch của ông Wu mang mục tiêu liên kết các vùng đất hiện có trong vùng biển của Hồng Kông. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ SCMP, ông Wu cho biết thật đáng tiếc khi không gian sống trung bình tính trên đầu người của Hồng Kông chỉ là khoảng hơn 53 mét vuông. “Rất nhiều người trẻ không có đủ tiền để mua một căn hộ khi giá bất động sản tăng mạnh và một số nhà phát triển bất động sản nắm giữ một số lượng đất đáng kể.

Theo kế hoạch được ông Wu đề xuất, việc khai hoang ở Đại Nhĩ Sơn sẽ tạo ra tổng cộng 2.600ha đất và không để lại kênh dẫn nước nào giữa các đảo. Kế hoạch của ông dựa trên giả định rằng dân số Hồng Kông sẽ đạt 10 triệu người trong những thập kỷ tới.

“Mộ đá chết” giữa lòng Thái Lan

Hệ thống đường tàu và đường trên cao Bangkok (BERTS) hay còn được biết đến với tên gọi Dự án Hopewell (theo tên nhà thầu chính Hopewell Holdings), là một dự án thất bại trong việc xây dựng đường cao tốc và đường sắt trên cao từ trung tâm Bangkok đến Sân bay Quốc tế Don Mueang.

Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1990 nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần sau đó bị đình chỉ vĩnh viễn vào năm 1997 và bị hủy bỏ hoàn toàn vào năm 1998.

Ông Gordon Wu của công ty Hopewell đổ lỗi cho chính phủ Thái Lan về việc thu hồi đất chậm, trong khi các quan chức Thái Lan tuyên bố rằng Hopewell đã hết tiền. Cả hai bên đều yêu cầu bồi thường tài chính và đe dọa sẽ kiện bên kia vì vi phạm hợp đồng.

Theo Thúy / Doanh nghiệp & Tiếp thi