Một lần ghé thăm Phố Cáo trên cao nguyên đá Đồng Văn

Hầu như chưa bị thương mại hóa, Phố Cáo vẫn mang một nét đẹp nguyên sơ, chỉ ghé thăm một lần sẽ khắc ghi mãi mãi vào tâm trí…

Phố Cáo là một xã vùng cao thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây là một địa danh mà du khách không thể bỏ qua trên hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn.

Ấn tượng đầu tiên về Phố Cáo là cảnh sắc nơi đây đẹp như một bức tranh, với những ngôi nhà đơn sơ ẩn hiện bên sườn núi đá hùng vĩ.

Nhà ở Phố Cáo là những ngôi nhà trình tường xây dựng bằng đất theo lối truyền thống. Nơi đây còn lưu giữ được trên dưới 50 ngôi nhà trình tưởng cổ, là nơi sinh sống của các gia đình qua nhiều thế hệ.

Do người dân tộc Mông chiếm đến hơn 90% dân số, nên những đặc trưng văn hóa ở Phố Cáo mang đậm bản sắc dân tộc người Mông. Ngoài người Mông, ở đây còn có các dân tộc khác như dân tộc Dao, dân tộc Hoa, dân tộc Pu Péo…

Các cư dân Phố Cáo sống chủ yếu bằng nghề nông với hai hình thức canh tác là trồng lúa nước và ruộng nương. Ngoài ra họ còn có một số nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn đúc…

Dù còn nghèo nhưng cuộc sống ở Phố Cáo rất bình yên, và đồng bào dân tộc vô cùng thân thiện với khách đến từ phương xa. Họ luôn chào đón du khách bằng nụ cười chân thành, sẵn sàng mở rộng cửa mời khách vào nhà.

Do nằm ven Quốc lộ 4C, trên đường đến thị trấn Đồng Văn, nên từ nhiều năm nay Phố Cáo đã trở thành một điểm dừng chân quen thuộc của giới “phượt thủ” và nhiếp ảnh gia.

Vào dịp cuối thu đầu đông, Phố Cáo thu hút nhiều khách du lịch khi nơi đây khoác lên mình một tấm áo mới được dệt bằng những thảm hoa tam giác mạch, trải dài từ thung lũng cho tới các triền núi.

Khi đi qua Phố Cáo để đến thị trấn Đồng Văn, lữ khách sẽ có dịp trải nghiệm cảm giác hồi hộp, gay cấn khi đi qua dốc Chín Khoánh, một đoạn đường đèo với 9 khúc cua liên tục uốn lượn theo địa hình.

Không giống với các bản làng ở Sa Pa, lượng khách đến với Phố Cáo không nhiều, và nơi đây hầu như chưa bị thương mại hóa. Điều này đem lại cho xã miền cao này một nét đẹp nguyên sơ, chỉ ghé thăm một lần sẽ khắc ghi mãi mãi vào tâm trí…

Một số hình ảnh khác về Phố Cáo Đồng Văn:

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Ngô Đình Nhu nhà lưu trữ Việt Nam thời kỳ 1938 – 1946

Ngô Đình Nhu sinh ngày 7-10-1910 tại xã Phước Qua, tổng Cự Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên trong một gia đình quan lại theo đạo Thiên Chúa. Là con trai út của Ngô Đình Khả, Thượng thư Bộ Lễ dưới triều vua Thành Thái,sau những năm tháng học tập dưới sự dạy dỗ của cha và hội giáo ở Huế, Ngô Đình Nhu sang Paris theo học tại các trường Đại học Văn khoa và Ngôn ngữ phương Đông. Ông thi đỗ vào trường Cổ tự học Quốc gia vào năm 1935 và tốt nghiệp năm 1938 với luận văn về lịch sử Việt Nam lần đầu tiên được bảo vệ tại Pháp có nhan đề Phong tục và tập quán của người Bắc Kỳ từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 18 theo các du khách và các nhà truyền giáo (Moeurs et coutumes des Tonkinois aux XVIlè et XVIIlè siecles d’apres les voyageurs et missionaires). Luận văn của Ngô Đình Nhu đã gây được sự chú ý của Bộ trưởng Bộ giáo dục Quốc gia Pháp và vì thế, ông đã được nhận giải thưởng xuất sắc.

Trở về Việt Nam với hai bằng Lưu trữ – Cổ tự và Cử nhân khoa học, Ngô Đình Nhu được bổ nhiệm Lưu trữ viên – Cổ tự tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương ở Hà Nội. Ngay trong năm làm việc đầu tiên với chức danh Quản thủ viên phó hạng 3 (tháng 12-1938), Ngô Đình Nhu đã được Giám đốc Paul Boudet đánh giá là một “Lưu trữ viên – Cổ tự trẻ đầy triển vọng”.

Chỉ trong một thời gian ngắn làm việc ở Hà Nội (từ tháng 12-1938 đến giữa năm 1942), Ngô Đình Nhu đã chứng tỏ năng lực của mình trong việc cộng tác với Paul Boudet và Remi Bourgeois( Phó Giám đốc) biên soạn và xuất bản các tập 2,3 và 4 của bộ Đông Dương pháp chế toàn tập (Recueil général de Législation et de la Règlementation de l’Indochine). Ngoài ra, Ngô Đình Nhu còn được Paul Boudet giao trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị tài liệu để tham gia các cuộc triển lãm được tổ chức tại Hà Nội và tại Huế.

Không chỉ được nhận xét là “một công chức trẻ có giá trị nhất, hội tụ những đức tính kiên quyết và thẳng thắn, có văn hóa rộng và một khả năng nghề nghiệp hoàn hảo”, Ngô Đình Nhu còn được đánh giá là “bằng chứng của một học thuyết uyên bác, một sự hoạt động không mệt mỏi” và ông đã trở thành “một cộng sự quý báu” của Paul Boudet.

Niềm đam mê trong công tác chuyên môn, năng lực làm việc và sự cộng tác có hiệu quả của Ngô Đình Nhu đã làm sống lại trong Paul Boudet niềm tin vào kế hoạch sắp xếp lại tài liệu các vương triều phong kiến Việt Nam mà Paul Boudet đã từng theo đuổi ngay từ những ngày đầu tiên khi đặt chân đến Đông Dương.

Cũng là một Lưu trữ viên – Cổ tự tốt nghiệp tại trường Cổ tự học Quốc gia Paris như Ngô Đình Nhu, Paul Boudet rất coi trọng các nguồn sử liệu và biện pháp quản chúng. Năm 1906, lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy Tổng đốc và các viên chức bản xứ ở các tỉnh miền Trung “ đem tài liệu lưu trữ, trong đó có cả tài liệu của những năm Minh Mệnh thứ nhất ra phơi nắng to để chống ẩm và đuổi côn trùng”, Paul Boudet đã đặc biệt quan tâm đến nguồn tài liệu vô cùng quý giá đang ở trong tình trạng không được bảo quản theo đúng phương pháp khoa học. Ngay từ thời gian đó, Paul Boudet đã muốn tiếp cận và áp dụng phương pháp phân loại của phương Tây với nguồn tài liệu này, nhằm làm cho chúng được khai thác, nghiên cứu và được sử dụng một cách có ích nhất.

Sau nhiều năm cố gắng mà không có kết quả, mãi cho đến năm 1942, trải qua gần 5 năm cộng tác và chứng kiến khả năng đích thực của Ngô Đình Nhu, Paul Boudet một lần nữa lại quyết tâm thực hiện mục đích của mình. Tháng 9 – 1942, mặc dù “đầy nuối tiếc” nhưng Paul Boudet vẫn phải gửi Ngô Đinh Nhu vào Huế để thành lập một tổ chức Lưu trữ và Thư viện ở Huế và tổ chức lại tài liệu của chính phủ Nam triều vì Paul Boudet cho rằng đây là “một sự nghiệp cần thiết và hiển hách”.

Tuy chính thức trở về Huế vào tháng 9–1942 nhưng trên thực tế, ngay từ tháng 2-1942, Ngô Đình Nhu đã thống nhất với ông Trần Văn Lý, Đổng lý Ngự tiền văn phòng của triều đình một kế hoạch nhằm cứu châu bản đang được cất giữ ở Nội các ra khỏi tình trạng bị hư hỏng nặng do không có người chăm sóc. Bản tấu của ông Trần Văn Lý xin đưa ra tất cả tài liệu trong Nội các ra Viện Văn hóa để có nhân viên chuyên trách trông nom, và xin đề nghị tổ chức một Hội đồng để chỉnh đốn đã được vua Bảo Đại chuẩn y. Hội đồng này do Ngô Đình Nhu làm Chủ tịch, làm việc theo một phương pháp thống nhất: kiểm tra châu bản, chia ra từng loại, sắp xếp theo thứ tự thời gian rồi đóng thành từng tập có tiêu đề rõ ràng.

Trở thành Quản thủ viên của cơ quan Lưu trữ và Thư viện Trung Kỳ ở Huế từ ngày 1-1-1943, Ngô Đình Nhu bắt đầu sự nghiệp mới của mình với không ít khó khăn. Chính trong thời gian thử thách với hai nhiệm vụ nặng nề này, Ngô Đinh Nhu lại một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh của  “một người có học thức, một công chức đặc biệt” với phong cách làm việc “đầy nghị lực, đầy năng động”.

Ngày 29-3-1943, Nghị định tổ chức lại cơ quan Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Bảo hộ và chính phủ Nam triều do Paul Boudet chuẩn bị đã được Toàn quyền Đông Dương ký ban hành. Nghị định quy định: Lưu trữ và Thư viện của chính phủ An Nam được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp về mặt hành chính của Bộ Quốc gia Giáo dục và dưới sự kiểm soát về mặt kỹ thuật của Quản thủ viên Lưu trữ và Thư viện, người được giao nhiệm vụ “làm cố vấn cho chính phủ nhà vua trong mọi lĩnh vực có liên quan đến tài liệu lưu trữ và thư viện”. Nhiệm vụ của Cố vấn – Quản thủ viên này được giao cho Ngô Đình Nhu, theo các điều 3 và 4 của dụ số 61 ngày 11-7 năm Bảo Đại thứ 18(tức ngày 11-8-1943) do vua Bảo Đại ký về thành lập tổ chức Lưu trữ và Thư viện của chính phủ An Nam. Và ngày 29-4-1943, sau hôn lễ với Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Nhu bắt đầu cuộc sống mới tại nhà số 19 đường Alexandre des Rhodes (Huế).

Trong thời gian 3 năm, từ 1942 đến 1944, với vai trò Chủ tịch Hội đồng cứu nguy châu bản và Cố vấn kỹ thuật, Ngô Đình Nhu đã đóng góp một phần quan trọng vào việc tập trung tài liệu của 5 nguồn(Quốc Sử quán, Tàng Thư lâu, Nội các, Viện Cơ mật trước đấy và Thư viện Bảo Đại) vào cơ quan Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Nam triều.

Riêng đối với số châu bản ở Nội các, sau gần 2 năm làm việc dưới sự chỉ đạo của Ngô Đình Nhu, Hội đồng đã làm ra được 3 bản thống kê bằng chữ Hán và Việt: một bản dâng ngự lãm, một bản lưu hồ sơ và một bản gửi cho Viện Văn hóa. Tiếp đó, Hội đồng đã xin Khâm Thiên giám chọn ngày tốt để cung nghênh châu bản ra Viện Văn hóa. Tất cả châu bản sau khi thống kê đều được lưu giữ trên những kệ sách mới đóng và sắp đặt rất có thứ tự.

Vô cùng hài lòng về những kết quả to lớn đó, Paul Boudet đã đánh giá Ngô Đình Nhu là “một cộng sự hạng nhất” vì theo Paul Boudet, Ngô Đình Nhu đã “hội tụ được cùng một lúc văn hóa truyền thống không thể thiếu trong vai trò của một Quản thủ viên Lưu trữ Hoàng triều và một khả năng hoàn hảo về nghề nghiệp nhờ có học thức uyên bác và vững chắc cho tổ chức Lưu trữ và Thư viện An Nam và Lưu trữ của Hoàng triều”(2).

Thật đáng tiếc là công việc đang tiến hành với kết quả ban đầu khả quan như thế thì xảy ra cuộc đảo chính Nhật – Pháp ngày 9-3-1945, rồi chiến tranh kéo dài… Bao nhiêu tài liệu lưu trữ của Hoàng triều đã bị mất, bị hỏng do thiếu người chăm sóc. Theo tục truyền, có rất nhiều châu bản được bày bán công khai tại các chợ Đông Ba, Bao Vinh, Nam Phổ, Sam… Vì vậy, một phần lớn châu bản đã bị mất hẳn, không thể nào tìm lại được.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương đã có một sự thay đổi lớn về tổ chức, bắt đầu từ ngày 18-4-1945 bằng việc thải hồi các nhân viên người Pháp.Theo đề nghị của giáo sư S.Kudo(Giám đốc mới của Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương), Toàn quyền Đông Dương là Yuichi Tsuchihashi đã bổ nhiệm Ngô Đình Nhu làm Phó Giám đốc của Sở. Sau đó, Ngô Đình Nhu đã tới Hà Nội và đã có 3 tuần gặp gỡ với Giáo sư S. Kudo trong cương vị mới. Ngày 31-7-1945, được sự đồng ý của Kudo, Ngô Đình Nhu đã quay trở lại Huế để tiếp tục công việc ở Viện Văn hóa.

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng đã được thành lập. Ngay từ những ngày đầu tiên, Lưu trữ và Thư viện đã được chính quyền cách mạng quan tâm đến. Ngày 8-9-1945, nghĩa là chỉ có 6 ngày sau khi Việt Nam tổ chức lễ tuyên bố độc lập ở Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch chính phủ lâm thời ký 2 sắc lệnh có liên quan đến Thư viện và Lưu trữ. Sắc lệnh thứ nhất sáp nhập các thư viện công (trong đó có Thư viện Pierre Pasquier trực thuộc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương) và một số cơ quan văn hóa khác vào Bộ Quốc gia Giáo dục. Sắc lệnh tiếp theo cử ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc(3). Sắc lệnh này thể hiện chính sách trọng dụng nhân tài của chính quyền cách mạng Việt Nam.

Sau chuyến đi công cán ở Thuận Hóa để tổ chức việc phân tán tài liệu của Viện Văn hóa theo sự vụ lệnh số 125-ND ngày 4-3-1946, Ngô Đình Nhu đã trở lại Hà Nội ngày 20-5-1946, tiếp tục chỉ đạo công việc chuyên môn ở Sở. Tờ trình số 635 ngày 16-11-1946, về công việc của Phòng Thư mục và Pháp chế của Giám đốc Sở Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc(4) gửi Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục với chữ ký tay của Ngô Đình Nhu là bằng chứng cuối cùng về hoạt động của ông trong lĩnh vực Lưu trữ – Thư viện. Có một điều đáng tiếc là vì thiếu tài liệu, chúng ta đã không thể biết rõ quá trình chuyển đổi của Ngô Đình Nhu từ vai trò “cố vấn kỹ thuật về Lưu trữ – Thư viện” sang vai trò “cố vấn chính trị” như thế nào. Nhưng rõ ràng là, bằng những công việc cụ thể được đề cập tới trong bài viết này, Ngô Đình Nhu đã để lại một dấu ấn không nhỏ trong lịch sử Lưu trữ Việt Nam thời kỳ 1938-1946, đặc biệt đối với sự sống còn của tài liệu châu bản triều Nguyễn vô giá của chúng ta.

CHÚ THÍCH:

1.   Những thông tin này được khai thác từ tài liệu của phông Direction des Archives et des Bibliothefques de l’ Indochine(Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương – DABI) của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và từ phần Giới thiệu về châu bản triều Nguyễn của Trần Kim Hòa trong Mục lục châu bản triều Nguyễn(tập thứ I, triều Gia Long), Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, tháng 4-1960.

2.     DABI, hs: 156.

3.     Việt Nam dân quốc công báo, số 1,tr.8.

4.     Từ tháng 11-1946, tên giao dịch chính thức của cơ quan Lưu trữ và Thư viện Việt Nam là Sở Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc

Theo Vusta.VN

Merck và Pfizer khởi đầu chương mới trong cuộc chiến chống Covid-19

Với những công bố khả quan về thuốc điều trị Covid-19, các công ty dược phẩm lớn của Mỹ như Merck và Pfizer đang mở ra một chương mới hứa hẹn trong cuộc chiến chống đại dịch.

Được nghiên cứu kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu bắt đầu, thuốc điều trị Covid-19 dạng viên uống được trông đợi có thể sử dụng ngay khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, giúp bệnh nhân tránh được các trường hợp bệnh tiến triển nặng và phải nhập viện. Sau nhiều tháng nghiên cứu, hai công ty Mỹ là Merck và Pfizer đã tuyên bố những kết quả tích cực trong các bước thử nghiệm lâm sàng, theo AFP.Thuốc Molnupiravir thử nghiệm do Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển. Ảnh: Reuters

thuoc dieu tri Covid-19 anh 1

Thuốc Molnupiravir thử nghiệm do Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển. Ảnh: Reuters.

Thuốc Molnupiravir thử nghiệm do Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển. Ảnh: Reuters.

Kết quả nhiều triển vọng

Đầu tháng 10, Merck cho biết đã xin thủ tục cấp phép sử dụng ở Mỹ cho thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir. Đến hôm 5/11, Pfizer cũng tiếp bước với sản phẩm Paxlovid.

Cả hai đều là thuốc kháng nCoV bằng cách giảm khả năng virus nhân lên, từ đó làm chậm tốc độ tiến triển căn bệnh.

Theo Merck và Pfizer, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy nguy cơ bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải nhập viện giảm mạnh. Đồng thời, bệnh nhân sử dụng thuốc không xuất hiện nhiều tác dụng phụ.

Theo Reuters, Pfizer cho biết đối với bệnh nhân có nguy cơ mắc Covid-19 dạng nặng, kết quả thử nghiệm hôm 5/11 cho thấy sản phẩm của hãng giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong nếu người bệnh được điều trị trong vòng 3 ngày. Con số này sẽ là 85% nếu dùng thuốc trong 5 ngày từ khi có triệu chứng.

Trước đó, vào đầu tháng 10, Merck cho biết Molnupiravir làm giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với bệnh nhân được điều trị trong vòng 5 ngày từ khi Covid-19 khởi phát.

Dù vậy, AFP nhận định do quy trình nghiên cứu khác nhau, việc so sánh trực tiếp tỷ lệ hiệu quả của hai loại thuốc có thể dẫn đến kết quả thiếu chính xác.

Sản phẩm của Pfizer được phát triển từ một loại thuốc kháng virus đã tồn tại, giúp ngăn chặn một enzyme mà nCoV cần cho quá trình nhân lên. Đối với thuốc viên của Merck, Molnupiravir được nghiên cứu cùng với công ty Ridgeback Biotherapeutics với cơ chế đưa các lỗi vào mã di truyền của virus.

Phương pháp điều trị của Merck và Pfizer yêu cầu sử dụng 10 liều trong 5 ngày. Thuốc Paxlovid (Pfizer) dùng 3 viên vào buổi sáng và 3 viên vào buổi tối, còn thuốc Molnupiravir (Merck) cũng uống hai lần/ngày như Paxlovid nhưng với số lượng 4 viên/lần.Các loại thuốc do Merck và Pfizer phát triển đang mang đến những kết quả thử nghiệm khả quan. Ảnh: Reuters.

thuoc dieu tri Covid-19 anh 2
Các loại thuốc do Merck và Pfizer phát triển đang mang đến những kết quả thử nghiệm khả quan. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Brazil trên tạp chí Lancet Global Health vào tháng 10, Fluvoxamine – một loại thuốc chống trầm cảm – cũng cho thấy những kết quả đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng.

Trên thực tế, nếu hiệu quả của những loại thuốc nói trên được kiểm chứng, ngành y tế sẽ tiến một bước lớn trong cuộc chiến chống đại dịch. Như vậy, vaccine cùng các loại thuốc điều trị sẽ củng cố “kho vũ khí” của con người khi đối đầu với virus nCoV.

Khác với các phương pháp điều trị hiện nay, vốn nhắm đến đối tượng đang trải qua các triệu chứng nặng và khó sử dụng, các loại thuốc mới có thể kê đơn nhanh chóng để bệnh nhân dễ dàng uống ngay tại nhà.

Kỷ nguyên mới trong cuộc chiến với đại dịch

Ông Stephen Griffin, chuyên gia virus học người Anh, nói với Science Media Center: “Sự thành công của những loại thuốc kháng virus này có thể đánh dấu một kỷ nguyên mới trong việc ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng từ việc lây nhiễm SARS-CoV-2”.

Ở thời điểm hiện tại, rất khó để đánh giá chính xác về phương pháp điều trị của Merck và Pfizer, do cả hai hãng dược phẩm mới chỉ đưa ra tuyên bố, thay vì công khai dữ liệu về các thử nghiệm lâm sàng.

Bà Karine Lacombe, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Pháp, hồi tháng 9 từng cảnh báo những kiểu thông báo như vậy cần được xem xét “thận trọng” cho đến khi các nghiên cứu đã qua đánh giá kỹ lưỡng.

Theo bà Lacombe, các phương pháp điều trị mới có thể mở ra một thị trường dược phẩm với “tiềm năng to lớn”.

Tuy nhiên, cả Merck và Pfizer dường như không chỉ đưa ra những cam kết suông. Hai công ty đều đã ngừng các thử nghiệm lâm sàng sớm hơn dự kiến ​​vì kết quả rất tốt. Quyết định này cũng nhận được sự đồng ý của các ủy ban giám sát độc lập.

Tại Anh, thuốc Molnupiravir của Merck được phê duyệt với tên gọi Lagevrio. Cơ quan y tế hôm 4/11 đã cho phép sử dụng loại thuốc này trên những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, đặc biệt là người già, người béo phì hoặc tiểu đường.

Các cơ quan y tế của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang khẩn trương xem xét Molnupiravir. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) tuy chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể cũng cam kết “đẩy nhanh” các thủ tục pháp lý.Molnupiravir của Merck đã được phê duyệt ở Anh với tên gọi Lagevrio. Ảnh: Merck.

thuoc dieu tri Covid-19 anh 3
Molnupiravir của Merck đã được phê duyệt ở Anh với tên gọi Lagevrio. Ảnh: Merck.

Mỹ, cùng với một số quốc gia khác, đã đặt hàng dự trữ 1,7 triệu liều Molnupiravir. Trị giá của các đơn hàng lên đến 1,2 tỷ USD.

Đối với Pfizer, mức giá dành cho Paxlovid chưa được công bố. Tuy nhiên, hãng dược phẩm Mỹ cam kết về một con số “phải chăng” và tuân thủ phương pháp định giá theo từng cấp độ, dựa trên mức thu nhập của các quốc gia.

Cả Pfizer và Merck cho biết đang nỗ lực để mở rộng khả năng tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 trên toàn cầu.

Pfizer dự kiến ​sản xuất hơn 180.000 liều vào cuối năm nay, cùng với ít nhất 50 triệu liều được lên kế hoạch cho năm 2022.

Trong khi đó, Merck cho biết sẽ sản xuất 10 triệu liều vào cuối năm nay và trông đợi thêm khoảng 20 triệu liều sẽ xuất xưởng trong năm 2022.

Phamj AAn / Zing

Lenin lần đầu gọi ‘trí thức là phân’ trong thư gửi Gorky

Gorky
Chụp lại hình ảnh,Alexander Bogdanov (trái) chơi cờ với Lenin (phải) khi hai người đến thăm Maxim Gorky ở Capri, Ý năm 1908. Đây là giai đoạn các nhà hoạt động Nga sống lưu vong ở châu Âu

Không phải Mao Trạch Đông mà Lenin mới là nhà cách mạng lần đầu gọi trí thức cũ là ‘cục phân’ trong thư gửi Gorky năm 1919.

Dù câu “Trí thức là cục phân” thường được gán cho lãnh tụ Trung Quốc, ông Mao Trạch Đông, nhưng cách dùng từ này được Vladimir Lenin viết ra trong văn bản từ trước đó.

Trong lá thư viết hôm 15/09/1919, Lenin bàn luận với nhà văn Maxim Gorky về nhà thơ Vladimir Korolenko và lên án “giới trí thức tư sản”.

Mở đầu thư, Lenin cập nhật cho Gorky một số tin nhân sự và giải thích việc bắt nhóm Đảng Dân chủ Lập hiến:

Aleksei Maksimovich thân mến,

Tôi gặp Tankov, và trước khi ông ấy tới thăm, và trước khi nhận thư của anh, chúng tôi đã quyết định tại Tseka (Trung ương Đảng) bổ nhiệm Kamenev và Bukharin vào phụ trách công tác đánh giá lại các vụ bắt giữ bọn trí thức tư sản thuộc nhóm Kadet (Constitutional Democrat), rồi đã cho thả ra.

Điều quá rõ ràng là có những sai lầm đã phạm phải trong vụ việc.

Nhưng cũng rất rõ ràng rằng việc bắt nhóm này là cần thiết và đúng đắn.

Khi đọc ý kiến thẳng thắn của anh[Gorky phản đối việc bắt giữ], tôi nhớ lại cuộc tranh luận của chúng ta ở London, Capri và câu nói của anh khi đó để lại ấn tượng rất mạnh với tôi.

“Bọn văn nghệ sĩ chúng tôi là những kẻ vô trách nhiệm.”

Lenin tìm cách lý giải vụ bắt ” vài trăm quý ông Kadet và giả Kadet” là để phòng ngừa một âm mưu như vụ ở pháo đài Krasnaia Gorka, và nói đó chẳng phải là “bi kịch gì cả”.

Tiếp theo, Lenin chuyển sang câu chuyện về tác phẩm Chiến tranh, Đất mẹ và Nhân loại của Vladimir Korolenko (1853-1921) ấn hành tháng 8/1917.

Trong thư, Lenin gọi Korolenko, người Gorky coi như đàn anh, là kẻ “giả Kadet, gần như là một tay Menshevik”(phái chống Bolshevik trong Đảng Xã hội Nga).

Nhân đó, Lenin lên án “trí thức tư sản” và nói với Gorky rằng chỉ có “tri thức của công nông” mới là sức mạnh thực sự:

Các lực lượng trí thức của công nhân và nông dân đang vươn lên, ngày càng mạnh hơn trong cuộc chiến đấu lật đổ bọn tư sản, những kẻ đồng phạm của chúng –tức là giai cấp có giáo dục, tay sai của đồng vốn tư bản –những kẻ cứ nghĩ chúng là bộ não của dân tộc. Nhưng trên thực tế, chúng không phải là não, mà là cục phân của dân tộc.

Lenin kết thúc lá thư bằng lời kêu gọi Gorky hãy bỏ ngay quan hệ trí thức tư sản càng sớm càng tốt.

Coi trí thức tư sản là ‘cục phân’ trong hoàn cảnh nào?

Nước Nga sau Cách mạng 1917 rơi vào cảnh hỗn loạn, nội chiến và bị bao vây.

Korolenko
Chụp lại hình ảnh,Vladimir Korolenko sinh ở Zhitomir trong gia đình gốc Ukraine – Ba Lan và qua đời tại quê hương sau thời gian thất vọng nặng nề với hành xử của chính quyền Xô Viết

Tháng 2/1919, Maxim Gorki trong “Lời kêu gọi gửi ra toàn thế giới đã ca ngợi Lenin và cách mạng Nga vốn đang phải đối mặt với nhiều kẻ thù:

Lãnh đạo chiến dịch chống lại Nga là Woodrow Wilson. Vladimir Lenin đang nắm chắc ngọn đuốc của Cách mạng Nga trong tay và rọi chiếu ánh sáng ra toàn thế giới. Giai cấp vô sản và người lao động trí thức (intellectual workers) cần chọn giữa những kẻ bảo vệ trật tự cũ, những kẻ đại diện cho chính phủ của thiểu số kiểm soát đa số, chế độ cũ không có tương lai, và những người phá đổ tất cả thứ văn hóa đó, những người kiến tạo lý tưởng xã hội mới, và là hiện thân của của ý tưởng hạnh phúc, việc làm tự do, tình huynh đệ của nhân dân với công nhân.”

Tuy thế, cũng từ năm 1919, Gorky và nhiều trí thức Nga ủng hộ cách mạng đã lo ngại trước làn sóng bắt bớ của chính quyền Lenin nhắm vào nhóm cựu Kadet, gồm nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục Nga nổi tiếng.

Đảng Kadet là lượng chính trị trung hữu, ủng hộ tự do cá nhân, bảo vệ thiểu số Do Thái, có mặt trong Viện Duma Nga từ 1906.

Sau Cách mạng 2/1917, Kadet có bốn thành viên vào chính phủ lâm thời, nhưng sau bị chính quyền Bolshevik cho là bất hợp pháp.

Từ năm 1919, chính quyền của Lenin ra lệnh bắt hàng loạt trí thức, nhà khoa hoặc, văn nghệ sĩ Nga, gồm cả những người theo Kadet.

Chính quyền trục xuất những cựu thành viên Kadet và các đảng Xã hội Chủ nghĩa Cách mạng, Menshevik và Dân tộc chủ nghĩa.

Các đợt trấn áp này bị trí thức từng ủng hộ Cách mạng tháng 10 phản đối.

Vì những người đã bị đuổi sang Phương Tây tiếp tục viết bài, lên tiếng phê phán chế độ ở Nga, Lenin cấm những người ở lại được xuất cảnh.

Lenin qua đời đầu năm 1924 sau thời gian sức khoẻ suy yếu nghiêm trọng.

Hè năm 1918, ông bị nữ đảng viên Xã hội Chủ nghĩa Cách mạng Fanny Kaplan bắn trọng thương trong vụ ám sát không thành.

Cho đến lúc chết năm chưa đến 54 tuổi, trong người Lenin vẫn còn hai viên đạn.

Lenin và vợ, bà Nadezhda Krupskaya
Chụp lại hình ảnh,Lenin và vợ, bà Nadezhda Krupskaya. Lenin qua đời đầu năm 1924 sau thời gian sức khoẻ suy yếu nghiêm trọng vì bị nữ đảng viên Xã hội Chủ nghĩa Cách mạng Fanny Kaplan bắn trọng thương trong vụ ám sát không thành năm 1918.
Những tâm hồn Nga

Ngày nay, nước Nga đã có cái nhìn khác về di sản bạo lực một thời và những nhân vật nổi bật thời kỳ trước và sau năm 1917.

Sau 1990, việc phục hồi các trí thức Kadet và nhiều nhân vật khoa bảng thời trước cách mạng đã diễn ra.

Trên thực tế, dù bị Lenin phê phán, Korolenko vẫn có uy tín lớn với các nhân vật cộng sản châu Âu.

Rosa Luxemburg, một lãnh tụ cộng sản châu Âu gốc Do Thái, đã viết về Korolenko khi ngồi tù ở Breslau (nay là Wroclaw, Ba Lan) tháng 7/1918, ca ngợi và so sánh hai tài năng của văn học tiếng Nga:

Tác phẩm Thời thơ ấu của Maxim Gorky có thể so sánh ở nhiều góc độ với Lịch sử đương đại của Korolenko. Về mặt nghệ thuật, họ thật khác nhau một trời một vực. Korolenko, như Turgenev mà ông luôn ngưỡng mộ, có tâm hồn mẫn cảm, có bản tính đầy chất thơ, con người của nhiều tâm trạng. Gorky, theo đúng truyền thống Dostoevsky, nhìn đời đầy kịch tính, là người đàn ông của các nguồn năng lượng và hành động rất tập trung…

Là bậc đàn anh của Maxim Gorky, Korolenko, nổi tiếng với nhiều tác phẩm trong đó có Russkoe Bogatstvo, đã rút lui về quê nhà ở Ukraine sau cách mạng 1917 và qua đời năm 1921.

Sau khi Lenin chết, Maxim Gorky (sinh năm 1868) thì trở thành gương mặt của văn học công nông Liên Xô, và được Stalin tôn trọng, đề cao.

Tuy thế, các lá thư ông trao đổi với Stalin và Genrikh Yagoda (bộ trưởng an ninh Liên Xô) được công bố trong thập niên 1990 cho thấy Gorky vào những năm cuối đời cũng dần mất hết ảo tưởng rằng tự do có thể tồn tại trong thể chế Xô Viết và viết nhiều hơn về các chủ đề trước cách mạng 1917.

Qua đời năm 1936, đến 1938 tên tuổi Gorky lại bị lôi ra trong một vụ án với cáo buộc chính nói là Yagoda đã chủ mưu giết ông.

Các sử gia ngày nay cho rằng đó chỉ là vụ việc do Stalin dàn dựng.

Theo BBC