Những thiết kế bàn ăn hoàn hảo cho không gian nhỏ

Có rất nhiều bộ bàn ăn nhỏ phù hợp với ngay cả những không gian nhỏ nhất.

Dù sống trong một căn nhà nhỏ không đủ chỗ cho phòng ăn, bạn vẫn có thể tạo ra một không gian ăn uống và tiếp đãi khách khứa, bạn bè. Thực tế, có rất nhiều bộ bàn ăn nhỏ phù hợp với ngay cả những không gian nhỏ nhất. 

Dù là dành cho 2 người, 4 người, hay thậm chí chỉ một người, những bộ bàn ăn nhỏ này vẫn có thể đáp ứng mọi nhu cầu của gia chủ. 

Những thiết kế bàn ăn hoàn hảo cho không gian nhỏ - 1
Bàn ăn này đủ không gian ăn uống dành cho 2 người. Ngoài ra, với thiết kế thông minh, chiếc ghế đẩu có thể được treo gọn gàng trên giá gắn sẵn dưới mặt bàn. Nhờ vậy bạn có thể cất gọn chúng khi không sử dụng. 
Những thiết kế bàn ăn hoàn hảo cho không gian nhỏ - 2
Bộ bàn ghế màu vàng trắng này có thiết kế rất đơn giản và kiểu dáng đẹp. Đặc biệt, chiếc bàn này có phần tấm ván ở cạnh bàn có bản lề có thể hạ xuống để tăng hoặc giảm kích thước tùy thích. 
Những thiết kế bàn ăn hoàn hảo cho không gian nhỏ - 3
Nếu muốn có thêm một chút không gian và đáp ứng nhu cầu cho gia đình nhiều hơn 2 người, bộ bàn ghế 5 món này đi kèm với 4 chiếc ghế đẩu, tất cả đều được đặt gọn gàng dưới bàn.
Những thiết kế bàn ăn hoàn hảo cho không gian nhỏ - 4
Bộ sản phẩm của Ikea này có mặt bàn có thể dễ dàng gấp gọn được, ngăn kéo đựng đồ và hai ghế đẩu kim loại. Nếu muốn tiết kiệm không gian tối đa, bạn có thể gập cả 2 bên mặt bàn, còn nếu muốn dùng cho 2 người ngồi, bạn chỉ cần gập một bên mà thôi. 
Những thiết kế bàn ăn hoàn hảo cho không gian nhỏ - 5
Đối với một không gian đặc biệt hẹp, bộ bàn ăn 3 món này là sự lựa chọn hoàn hảo. Chiếc bàn nhỏ xinh này có thể nhét vừa 2 chiếc ghế để tiết kiệm không gian hơn nữa.
Những thiết kế bàn ăn hoàn hảo cho không gian nhỏ - 6
Một chiếc bàn tròn cao và hẹp là lựa chọn thông minh cho bất kỳ không gian nhỏ nào, đặc biệt là khi kết hợp với hai chiếc ghế đẩu. Ngay cả khi không gian dư thừa duy nhất trong nhà là một ngóc ngách nhỏ, bộ bàn này vẫn có thể phù hợp.
Những thiết kế bàn ăn hoàn hảo cho không gian nhỏ - 7
Đây là một lựa chọn khác dành cho những người muốn có nhiều chỗ hơn một chút để tiếp khách. Chiếc bàn tròn này có bốn ghế đẩu nhưng với đường kính chỉ 800 cm, chiếc bàn này chiếm ít không gian hơn rất nhiều so với một bộ bàn ăn thông thường.
Những thiết kế bàn ăn hoàn hảo cho không gian nhỏ - 8
Nếu bạn cần một giải pháp đặt bàn ăn nhỏ hẹp và một nơi để lưu trữ đồ đạc, chiếc bàn có hai chỗ ngồi này là lựa chọn hoàn hảo. Nó có ba giá và móc sâu cho tất cả các phụ kiện nhà bếp.
Những thiết kế bàn ăn hoàn hảo cho không gian nhỏ - 9
Với hai chiếc ghế và một chiếc bàn nhỏ xinh, thiết kế đơn giản này hoàn hảo để tạo ra một khu vực phòng ăn nhỏ nhưng ấm cúng, ngay cả trong một căn hộ studio.
Những thiết kế bàn ăn hoàn hảo cho không gian nhỏ - 10
Nếu chỉ cần giải pháp cho việc ăn uống, chiếc bàn treo tường có thể dễ dàng gập xuống này là giải pháp tuyệt vời. 

Chi Chi / Theo Housebeautiful / Dân Trí

Truyện vui : Chồng ngốc

Trong làng có một người đàn ông tên là Hám Nhị, bản tính thường ngày ngốc nghếch, ngây độn nhưng nhờ vào sự giàu có của gia đình mà cưới được một cô vợ xinh nhất làng

Vợ anh ta tên là Phượng Anh, không bao lâu sau khi kết hôn, coi thường Hám Nhị là người ngốc nghếch nên âm thầm kết giao với một người hàng xóm ở cách nhà Phượng Anh chỉ một bức tường, rất thuận tiện để lén lút đi lại, hú hí với nhau.

Hôm đó, Phượng Anh tranh thủ lúc Hám Nhị đi làm để đưa tay người tình hàng xóm đến nhà “ăn vụng”. Hai người đang quấn lấy nhau, cuộc mây mưa trên chiếc giường lò, đang vào lúc cao trào thì Phượng Anh lạnh người khi thấy Hám Nhị đột ngột vác cuốc về nhà.

258250819_378538860624756_5805476273014093598_n.jpg -0
Minh họa trong trang của Lê Tâm

Cấp trung sinh trí, khi thấy Hám Nhị quay sang đặt cuốc, Phượng Anh nhanh tay vốc mấy vốc lớn hạt lạc trong cái mẹt đặt trên góc giường lò và ném qua cửa sổ vãi xuống khắp sân. Cô ta tin chắc chắn rằng việc Hám Nhị sẽ phải làm trước tiên là bận rộn đi nhặt lạc.

Quả nhiên, Hám Nhị vừa buông cuốc xuống, quay lại đã thấy hạt lạc rơi vãi đầy một góc sân liền vội vàng cúi xuống nhặt, vừa nhặt vừa bất mãn lẩm bẩm: “Đồ đàn bà hoang toàng, không muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn nữa sao?”.

Khi Hám Nhị nhặt hết lạc thì tay hàng xóm đã biến mất qua cửa sổ sau từ bao giờ. Lúc này, Phượng Anh đã nằm gác chân lên bệ cửa sổ, cười dịu dàng với Hám Nhị: “Ông xã, bộ dạng nhặt lạc của anh thật đáng yêu, em nhìn mãi mà không biết chán!”.

Một buổi sáng, hai vợ chồng trẻ dắt nhau đến nhà bố vợ. Cánh cổng vừa mở ra đã thấy ông bố vợ đang ngồi xổm dưới đất, hí húi nhặt những hạt đậu xanh vung vãi khắp sân. Bố vợ cười nói với Phượng Anh: “Hi, mẹ con bảo thích xem bố nhặt đậu xanh vì trông bộ dạng của bố rất đáng yêu. Chỉ cần nhìn thấy thế này thôi đã khiến bà ấy cảm thấy hết tức giận rồi”.

Linh tính mách bảo Phượng Anh chợt hiểu chuyện gì đã xảy ra liền vội vã chạy thẳng vào nhà, Hám Nhị thấy vậy cũng vội chạy theo vợ. Vào trong nhà, anh ta nhìn thấy một người đàn ông đang hốt hoảng nhảy khỏi chiếc giường lò và vội vàng chạy về phía cửa sổ phía sau.

Phượng Anh kịp lao đến và tát người đàn ông hai cái. Người đàn ông nọ nhanh nhẹn đẩy Phượng Anh ra và ngay lập tức biến mất khỏi cửa sổ phía sau, nhìn sang bên thấy bà mẹ vợ đang cuống quýt, lóng ngóng mặc lại quần áo.

Đến lúc đó, Hám Nhị dường như đột nhiên đã hiểu ra chuyện gì, anh ta im lặng nhìn chằm chằm Phượng Anh một lúc lâu, còn Phượng Anh cũng nghĩ ra điều gì đó và rụt rè nhìn Hám Nhị với vẻ sợ hãi.

Đột nhiên, Hám Nhị thở phào nhẹ nhõm, nói với Phượng Anh: “Này, thật may là hôm trước em đã ném lạc chứ không ném đậu xanh ra sân. Nếu không, anh đã nghĩ rằng lúc đó em đã để người lạ vào trong nhà chúng ta!”.

Bảo Châu (dịch)Truyện vui của Trật Danh (Trung Quốc) / Văn Nghệ CA

Hệ thống chính trị VN hiện nay tả hay hữu?

  • KTS Dương Quốc Chính
  • Hiện sống tại Hà Nội
Đường phố Hà Nội
Chụp lại hình ảnh,Đường phố Hà Nội

Tranh luận trên Facebook, KTS Dương Quốc Chính từ HN nêu ra nhận định một số người Việt Nam vẫn còn rất mù mờ khái niệm tả, hữu trong khoa học chính trị.

Sự phân biệt về tả, hữu như bạn một bạn nữ viết trên Facebook để tranh luận với tôi gần đây, là rất cổ xưa rồi, đấy là khái niệm nguyên bản từ thế kỷ 19, thời tư bản hoang dã.

Cánh tả đấu tranh cho quyền lợi của người lao động, cho nhân quyền và nhân đạo. Cánh hữu bảo vệ quyền lợi của giới chủ, muốn phúc lợi tối thiểu, lợi nhuận trên hết.

Về các định nghĩa cơ bản – tả hay hữu các bạn có thể tra Google, vì khái niệm này tuy không được dạy ở Việt Nam nhưng cũng khá phổ biến trên mạng. Ở đây mình trả lời bạn gái này dựa trên những nội dung phổ quát nhất và coi như người đọc đã biết.

Tôi viết là: Ai sống dựa vào chế độ (CS)… thì thích tả hơn. Bạn trả lời là: Không phải ai thích tả cũng dựa vào chế độ.

Chỗ này bạn hiểu sai về logic rất cơ bản. Mình bảo Vì A nên B, không có nghĩa là Vì B nên A. Bạn đang hiểu sai như vậy. Mình không hề viết ai theo cánh tả cũng dựa vào chế độ.

Có rất nhiều kiểu người thiên tả: Người lười nhác, không muốn làm vẫn muốn có ăn. Người hào phóng, muốn chia sẻ lợi ích. Người sống dựa vào chế độ, ăn lương ngân sách. Người sống dựa vào đám đông… Bạn có lẽ hiểu sai về logic nên phản biện sai.

Người Việt được cho là hay bàn luận các sự kiện chính trị nơi quán xá
Chụp lại hình ảnh,Người Việt được cho là hay bàn luận các sự kiện chính trị nơi quán xá
Tư duy tả hữu cũ và mới nay ra sao?

Hiện nay, tuy nền tảng tư tưởng của hai cánh vẫn giữ nguyên nhưng biểu hiện của nó đã biến tướng rất nhiều. Ví dụ, giới chủ của các đại công ty công nghệ, truyền thông, dược phẩm (Big Tech, Big Media, Big Pharma) đang bị cho là thiên tả. Họ đều là những người cực giàu, là giới chủ đó. Lý do mình đã viết ở status trước, đó là do kiếm tiền dựa vào đám đông nên họ sẽ phục vụ đám đông.

Cánh hữu bây giờ hầu như không còn các ông chủ lớn nữa, mà chỉ còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi mà cách kiếm tiền của họ không dựa trên đám đông nên họ không cần làm vừa lòng cho đám đông.

Rõ ràng giới chủ của các doanh nghiệp khổng lồ đã phải hi sinh bớt quyền lợi cá nhân (lợi nhuận) để ủng hộ cánh tả, tức là chấp nhận phúc lợi xã hội gia tăng. Nhưng vì lợi ích từ đám đông khổng lồ (khách hàng trên toàn cầu) đem lại thì phúc lợi đó vẫn là quá nhỏ khiến họ có thể bỏ qua.

Ví dụ, bạn là chủ một quán phở, bán kính phục vụ khoảng 5km, lợi nhuận chỉ vừa đủ để ông chủ thành trung lưu. Thì việc tăng lương, giảm giờ làm, đóng bảo hiểm cho nhân viên thật cao có thể biến bạn thành lao công cho chính mình. Nhưng nếu bạn là chủ hãng dược, công ty sản xuất nước ngọt quy mô toàn cầu…thì những gì bạn đóng góp cho phúc lợi của quốc gia bạn nó quá ít so với lợi nhuận có được từ khắp thế giới (bao gồm cả những nước có phúc lợi cực thấp như Việt Nam).

Trò chơi điện tử hấp dẫn giới trẻ
Chụp lại hình ảnh,Trò chơi điện tử hấp dẫn giới trẻ

Ví dụ gần gũi hơn là giới showbiz, họ thu được tiền tỷ từ đám đông cần lao, thì họ sẵn sàng làm màu, từ thiện, lội nước trao quà, thậm chí khóc lóc trước cảnh đời éo le nghiệt ngã. Tức là cái họ mất đi quá ít so với cái họ thu được thì tiếc gì mà không làm từ thiện, trao quà và nói lời cao đẹp chứ (toàn là những bài của cánh tả cả đó). Có vài vạn người nhận được quà từ thiện, nhưng người trao quà kiếm được hàng chục tỷ trong hai tháng, thì ai chả muốn theo cánh tả!

Hiện nay, luật lệ về thuế, công đoàn, lương tối thiểu, nhân quyền, phúc lợi xã hội…đã rất chặt chẽ và nhiều thứ đã không thể đảo ngược nên mặt trái của cánh hữu, kiểu tư bản hoang dã, hầu như đã không thể bộc lộ. Nên việc chê bai cánh hữu theo khía cạnh này hầu như là phi thực tế, kiểu chửi ai đó “dã man” vì cụ tổ của người đó “dã man”.

Các vấn đề mà hai cánh vẫn còn đấu tranh chủ yếu là dựa trên quan điểm, không có đúng hay sai tuyệt đối. Ví dụ tăng hay giảm phúc lợi (tất nhiên không thể cắt bỏ rồi) cho một số thành phần. Cho phép nhập cư nhiều hay ít (không thể cấm hay thả tuyệt đối). Học phí, viện phí cao hay thấp (tuỳ loại trường, bệnh viện).

Có nhiều cách để người nghèo có thể tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao. Cánh tả thiên về phúc lợi, tức là lấy tiền ngân sách ra để bao cấp cho tất cả có quyền lợi như nhau. Cánh hữu thiên về bảo hiểm và học bổng. Có nghĩa là nếu bạn có đóng góp (ít hay nhiều) và bạn chăm chỉ học hành và hoàn cảnh khó khăn…, thì bạn vẫn được sử dụng dịch vụ chất lượng cao.

Mặt trái của cánh tả thì vẫn như xưa, tức là tạo nên đám đông ỉ lại, không có động lực làm việc, thích nghèo bền vững để ăn trợ cấp. Thậm chí giả nghèo để lấy trợ cấp.

Khẩu hiệu là một phần không thiếu trong đời sống chính trị Việt Nam?
Chụp lại hình ảnh,Khẩu hiệu là một phần không thiếu trong đời sống chính trị Việt Nam?
CNXH trên thế giới trước đây và VN ngày nay

Tóm lại là mặt trái của cánh hữu thì đã được khắc phục hầu hết. Còn mặt trái của cánh tả thì vẫn y chang. Mặt trái này chỉ có thể được hạn chế phần nào khi dân trí ở mức rất cao. Khi mà mỗi cá nhân phải tự có ý thức làm việc, không sống dựa dẫm và biết xấu hổ khi phải ăn bám. Đó chính là lý do khi thánh tổ cộng sản Karl Marx cho rằng CNCS là giai đoạn sau của CNTB, hay là CNCS phải quá độ qua CNTB, khi mà con người đã có một nền tảng dân trí cao và kinh tế phát triển. Khi người ta vui vẻ làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, chính là như ở Bắc Âu mà bạn ví dụ, đó là điều kiện để có XHCN (không phải CSCN).

Với một quốc gia chậm tiến và dân trí thấp như Việt Nam thì tư tưởng thiên tả nói trên chính là thảm hoạ. Bởi tính tự giác của người dân hầu như không có, chỉ lăm le trục lợi, ăn bám. Xã hội mà đa số có tư tưởng dựa dẫm, luôn há mồm chờ từ thiện, thậm chí CP còn đi kêu gọi người dân cứu trợ thì làm sao mà phát triển được?

Đó là lý do tại sao mình chống lại tư tưởng tả khuynh hay cực tả ở Việt Nam và ủng hộ con đường tuần tự từ độc tài cánh hữu để phát triển đã. Sau đó mới tiến tới dân chủ, phúc lợi cao cùng các giá trị cao đẹp của phương Tây.

Nhưng éo le thay, ở các nước nghèo và dân trí còn thấp người ta lại càng dễ bị lừa phỉnh của các chính trị gia thiên tả. Bởi vì người ta khuếch trương cổ vũ cho các giá trị cao đẹp thì bao giờ chả dễ lừa người hơn là khuyên bảo người khác là cố gắng học hành làm việc chăm chỉ đi thì sẽ giàu có.

Đó là cái vòng luẩn quẩn cho các nước cựu thuộc địa, dân nghèo và ít học thì thích cánh tả và CS, theo tả và CS lại càng nghèo và dốt bị nhồi sọ và ăn bám lẫn nhau. Nước nào trải qua giai đoạn “tàn bạo” của độc tài cánh hữu hoặc tương đương thì mới thoát nghèo được.

Ở Việt Nam, số lượng người có tư tưởng thiên tả là quá đông. Vì lượng người sống dựa vào ngân sách, ăn lộc chế độ là quá đông. Nên đó là cái gốc rễ của sự chậm tiến về kinh tế.

Made in Vietnam là cụm từ được báo chí nhà nước ưa dùng
Chụp lại hình ảnh,Made in Vietnam là cụm từ được báo chí nhà nước ưa dùng
Thử xem chế độ CS 2.0 của Việt Nam và TQ là tả hay hữu?

Để nhận diện tả hay hữu thì cần dựa vào nhiều đặc điểm. Tuy nhiên có một số thể chế lại có tính pha tạp một số đặc điểm của cả hai cánh. Ví dụ điển hình là chế độ phát xít. Đức quốc xã có rất nhiều đặc điểm của chế độ CS, cánh tả, đó là tính toàn trị, nhà nước quản lý hầu hết các mặt của xã hội, đó là đặc trưng CS.

Đặc biệt là khả năng tuyên truyền nhồi sọ thì hai bên ngang nhau. Nhưng Đức Quốc xã (Nazism) vẫn có đặc điểm của cực hữu, đó là tinh thần quốc gia, dân tộc cực đoan và khác cộng sản ở chỗ không thủ tiêu giai cấp bóc lột và không áp dụng kinh tế kế hoạch triệt để. Quốc xã nghĩa là Quốc gia XHCN, bản thân nó lẫn lộn hai màu.

Như vậy, Đức Quốc xã có nhiều đặc điểm của cánh tả và cộng sản hơn là cánh hữu. Còn Trung Quốc và Việt Nam lâu nay cũng có tinh thần dân tộc khá cực đoan. Trước đây, giai đoạn CS 1.0 (nguyên bản), thì tính dân tộc đó còn bị lấn át bởi tính giai cấp. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ thì tính giai cấp đã bị nhạt màu đáng kể.

Dân tộc Kinh và dân tộc Hán cũng có xu hướng đồng hoá các dân tộc khác nhưng chủ yếu thông qua tuyên truyền khéo léo và từ từ kiểu tằm ăn dâu chứ không cực đoan kiểu tiêu diệt, đàn áp như Đức Quốc xã.

Việt Nam và Trung Quốc hiện nay phân biệt giàu nghèo rất cao, phúc lợi xã hội ở mức thấp, chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục công ở mức thấp, dịch vụ tư thì giá khá cao. Đó là một số đặc điểm giống cánh hữu thời tư bản hoang dã.

Nhưng điều đó không hề biến CS 2.0 thành cánh hữu. Bởi vì đây vẫn là chế độ toàn trị, chính quyền của Đảng CS vẫn muốn cai trị mọi mặt của xã hội, chỉ có một số mặt họ KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT thì đành phải thả mà thôi. Ví dụ như ngôn luận và việc thu nhận kiến thức của dân nhờ mạng toàn cầu Internet.

Bộ máy chính quyền và các đoàn thể xã hội sân sau ăn bám rất đông dẫn đến ngân sách không đủ để chi cho lương công chức cũng như phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục công ở mức cao. Thực tế là giá dịch vụ giáo dục và y tế công ở Việt Nam vẫn là tương đối thấp, đổi lại là chất lượng kém. Hai ngành này vẫn thiên về bao cấp, là đặc trưng XHCN.

Áo dài, nón là và cờ thường xuất hiện
Chụp lại hình ảnh,Áo dài, nón là và cờ xuất hiện cùng nhau

Phúc lợi ở Việt Nam kém là do thu ngân sách kém trong khi số dân sống dựa vào ngân sách lại quá đông. Còn phúc lợi của một số doanh nghiệp nước ngoài hay tư nhân thực tế vẫn cao, nhưng đó là cá biệt. Tương tự vậy với lương thưởng. Chính sách thuế, để phục vụ phúc lợi, phải dựa trên đa số nên nói chung nó phải thấp, thì các doanh nghiệp mới không chết vì thuế quá cao.

Tóm lại, phúc lợi ở Việt Nam nói chung thấp là hệ quả của chế độ có bộ máy quá cồng kềnh và không hiệu quả, ngân sách luôn thiếu, giật gấu vá vai. Chứ không phải là do giới chủ cắt giảm phúc lợi để tăng lợi nhuận như cánh hữu thời tư bản hoang dã. Về bản chất là hoàn toàn khác nhau dù hình thức có vẻ giống nhau.

Lưu ý là giới chủ (tư bản nhà nước) không bóc lột nhân công bằng lợi nhuận công khai mà chủ yếu bằng tham nhũng (thu nhập ngầm). Đó cũng là khác biệt về bản chất với tư bản cánh hữu.

Còn tư bản thân hữu, kiểu nhóm mafia Đông Âu, tuy bóc lột nhân công gần giống tư bản cánh hữu nhưng đổi lại lương và phúc lợi đối với nhân công của họ cũng không hề thấp so với mặt bằng chung, do doanh nghiệp có lợi nhuận cao thu được từ sự cấu kết với chính quyền.

Đặc trưng rõ nhất của CS 2.0, cả nước Nga và đa số các nước thuộc Liên Xô cũ là tư bản thân hữu. Thân hữu bản chất cũng là tả bởi nó tạo nên nhóm doanh nghiệp được bao cấp trá hình không khác gì doanh nghiệp nhà nước được bảo hộ, ưu tiên.

Như vậy CS 2.0 không hề là cánh hữu cả về bản chất lẫn bề ngoài (luôn hô hào do dân vì dân) dù họ có vài đặc điểm có vẻ giống với tư bản hoang dã.

Nói cộng sản kiểu mới là cánh hữu là thấy cây mà không thấy rừng, hạ thấp cánh hữu, hoặc không hiểu khái niệm cơ bản của khoa học chính trị.

Bài đã đăng trên trang Facebook cá nhân của KTS Dương Quốc Chính khi tác giả viết ‘TRẢ LỜI MỘT BẠN GÁI CÁNH TẢ’ để giải thích các khái niệm ý thức hệ chính trị tả hoặc hữu, theo cách nhìn riêng. BBC đăng lại và đặt tựa đề mới với sự đồng ý của tác giả.

Theo BBC

Vì sao ông Hoàng Văn Hoan chạy sang Trung Quốc và Cuộc chiến 1979?

Ông Hoàng Văn Hoan (thứ nhì từ trái sang) lãnh đạo phái đoàn Việt Minh đứng cạnh Thứ trưởng Ấn Độ KG Mathur tại Dehli năm 1954
Chụp lại hình ảnh,Ông Hoàng Văn Hoan (thứ nhì từ trái sang) lãnh đạo phái đoàn Việt Minh đứng cạnh Thứ trưởng Ấn Độ KG Mathur (đeo kính) tại Dehli năm 1954, bên trái ông Mathur là ông Hà Văn Lâu

Nhân kỷ niệm Chiến tranh Biên giới Việt – Trung 1979, BBC đăng lại bài của tiến sĩ Balazs Szalontai về số phận ông Hoàng Văn Hoan, người từng là lãnh đạo cao cấp nhưng bị ‘tử hình vắng mặt’ vì chạy theo Trung Quốc:

Khi đã lưu vong ở Trung Quốc (TQ), Hoàng Văn Hoan, nhân vật lãnh đạo vào hàng cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đào thoát ra nước ngoài từ trước tới nay, nói rằng sau cuộc chiến Việt – Trung, có tới 300.000 đảng viên thân Trung Quốc bị phe “thân Liên Xô” của Lê Duẩn loại bỏ.

Một cuộc thanh trừng nội bộ quả đã diễn ra trong 1979-80, nhưng như hồ sơ Hungary tiết lộ, ông Hoan đã phóng đại nhiều về tầm mức.

Việc thanh trừng vừa là nỗ lực bóc tách các “phần tử thân TQ” thật sự và tiềm năng, nhưng nó cũng là biểu hiệu của khủng hoảng kinh tế – xã hội ăn sâu ở VN.

Vai trò cá nhân

Sự đóng góp của ông Hoàng Văn Hoan cho phong trào Cộng sản VN không to lớn như ông nói mà cũng không nhỏ bé như phát ngôn nhân của Hà Nội cáo buộc sau khi ông đã bỏ trốn sang Trung Quốc.

Là thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, ông có thời gian dài ở TQ. Trong cuộc chiến kháng Pháp, ông giữ chức thứ trưởng quốc phòng.

Năm 1948, ông được giao việc thành lập Văn phòng Hải ngoại ở Thái Lan, và sau đó là đại sứ đầu tiên của Bắc Việt ở Trung Quốc.

Mặc dù là thành viên thứ 13 trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1956, và sau này vào Bộ Chính trị, nhưng Hoan không thuộc vào nhóm lãnh đạo chủ chốt nhất.

Vị trí cao nhất ông từng giữ là phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, và không nằm trong Ban Bí thư đầy quyền lực. Kết quả là, vị trí của ông bị lung lay hơn trước biến đổi trong quan hệ Việt – Trung, khi so với Trường Chinh hay Lê Duẩn là những người luôn có thể giữ vị trí, cho dù Hà Nội thân thiện với Bắc Kinh hay không.

Được biết vì tình cảm thân thiện với TQ, ông Hoan đạt đỉnh cao sự nghiệp vào đầu thập niên 1960 khi Bắc Việt tạm thời có thái độ thân TQ trong tranh chấp Liên Xô – TQ. Năm 1963, khi Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm bị thay bằng Xuân Thủy (thân TQ hơn), ông Hoan cũng thành Trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng.

Nhưng trong giai đoạn 1965-66, quan hệ Xô – Việt bắt đầu cải thiện, cùng lúc với căng thẳng gia tăng giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Trong môi trường mới này, ban lãnh đạo cảm thấy cần thay cả Xuân Thủy và Hoàng Văn Hoan bằng những cán bộ ít dính líu hơn đến chính sách thân TQ trước đây của ban lãnh đạo Hà Nội.

Năm 1971-72, Hà Nội bất mãn vì Trung – Mỹ làm hòa, có vẻ càng làm vị thế ông Hoan bị suy giảm.

Dù vậy ông vẫn là nhân vật quan trọng trong quan hệ Việt – Trung.

Ví dụ, năm 1969, chính ông đã giúp hoàn tất cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn quanh viện trợ kinh tế của TQ. Tháng Năm 1973, ông tiến hành hội đàm bí mật tại Bắc Kinh về vấn đề Campuchia.

Năm 1974, ông Hoàng Văn Hoan cùng Nguyễn Côn, Bí thư Trung ương Đảng, đi TQ để “chữa bệnh”, nhưng có thể sứ mạng thực sự lại liên quan đến đàm phán biên giới bí mật Việt – Trung từ tháng Tám tới tháng 11, mà kết quả đã thất bại.

Lãnh tụ Bắc VN, ông Hồ Chí Minh ăn trưa cùng Chủ tịch TQ Lưu Thiếu Kỳ tại Bắc Kinh tháng 8/1959
Chụp lại hình ảnh,Lãnh tụ Bắc VN, ông Hồ Chí Minh ăn trưa cùng Chủ tịch TQ Lưu Thiếu Kỳ tại Bắc Kinh tháng 8/1959

Sự khác biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam về Campuchia và Hoàng Sa đã không thể hàn gắn và làm cho Hoàng Văn Hoan không còn có thể đóng vai trò trung gian thành công.

Lê Duẩn và các đồng chí kết luận họ không còn cần ông nữa. Những liên lạc của ông với Bắc Kinh nay bị xem là rủi ro an ninh.

Sau Cuộc chiến Việt Nam, những cán bộ lãnh đạo mà Lê Duẩn không còn cần hoặc tin tưởng dần dần bị thay thế.

Năm 1975, công chúng không còn thấy Nguyễn Côn, và năm sau, Hoàng Văn Hoan bị ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1979, khi xung đột Việt – Campuchia và Việt – Trung lan rộng thành chiến tranh, vị trí của ông Hoan càng trở nên bấp bênh. Sang tháng 6, ông quyết định đào tẩu.

Lấy cớ ra nước ngoài chữa bệnh, ông đã xuống máy bay ở Pakistan và sang Trung Quốc, ở lại đó cho tới ngày qua đời năm 1991.

Tại nhiều cuộc họp báo, Hoàng Văn Hoan giải thích sự đào tẩu bằng cách nhấn mạnh ông đã từ lâu chống đối chính sách của Lê Duẩn, mà theo ông là đã biến Việt Nam thành vệ tinh Xô Viết, làm người Hoa bị phân biệt đối xử, và dẫn tới việc chiếm đóng Campuchia. Cáo buộc của ông một phần dựa trên sự thật, vì ngay từ tháng Giêng 1977, Đảng Cộng sản VN đã dự định giải tán và tái định cư một phần cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn.

Hiệp ước Việt – Xô 1978 cũng là một phần quan trọng cho sự chuẩn bị đánh Campuchia.

Nhưng mặt khác, ông Hoan và phía bảo trợ là Trung Quốc dễ dàng bỏ qua là năm 1978, Việt Nam vẫn tìm cách tránh phụ thuộc Moscow quá mức bằng việc cải thiện quan hệ VN – Asean, và thảo luận cả khả năng gia nhập Asean trong tương lai.

Sự đào thoát của ông Hoan hẳn làm Bộ Chính trị vô cùng lúng túng vì họ vẫn quen tự mô tả mình là mẫu mực đoàn kết.

Bắc Kinh càng làm vết thương thêm đau rát. Hai ngày sau khi tới Bắc Kinh, Hoàng Văn Hoan được Tổng Bí thư Hoa Quốc Phong đón tiếp, và ông Hoa tuyên bố “những kẻ phá hoại tình hữu nghị Việt – Trung sẽ bị đập vỡ đầu”.

Các ông Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969 ở Hà Nội
Chụp lại hình ảnh,Các ông Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969 ở Hà Nội

Mặc dù Việt Nam nhấn mạnh sự trốn chạy của Hoàng Văn Hoan chỉ là trường hợp riêng lẻ, nhưng Bộ Chính trị biết chính sách của họ không được toàn dân ủng hộ.

Mùa xuân 1979, khi giới chức bắt 8000 Hoa kiều tái định cư từ Hà Nội vào “Vùng Kinh tế Mới”, nhiều người Việt Nam đã không đồng ý khi các đồng đội người Hoa của họ bị buộc ra đi. Khác biệt cũng tồn tại trong nội bộ lãnh đạo.

Tháng Sáu 1978, Trường Chinh và Lê Văn Lương ban đầu phản đối việc thông qua nghị quyết gọi TQ là kẻ thù nguy hiểm nhất của VN.

Khủng hoảng xã hội

Sự thanh trừng không lớn như ông Hoàng Văn Hoan cáo buộc, và cũng không đơn thuần do xung đột Việt – Trung.

Quyết loại bỏ những thành phần “bội phản”, giới chức có những biện pháp khắc nghiệt. Người Mèo và các cộng đồng thiểu số khác một phần đã phải ra đi khỏi các tỉnh miền bắc. Tại phiên họp của Ban Chấp hành Trung ương trong tháng Tám, ban lãnh đạo bàn vụ Hoan trốn thoát và chỉ trích ngành an ninh.

Nhiều cán bộ cao cấp, như Lý Ban, cựu thứ trưởng ngoại thương có gốc Hoa, bị quản thúc. Tháng Giêng 1980, Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn bị buộc về hưu. Kiểm soát ngành an ninh được chuyển sang cho một ủy ban mới thành lập do Lê Đức Thọ đứng đầu. Xuân Thủy, người đã tiễn chân ông Hoan hồi tháng Sáu, cũng bị giáng chức.

Tuy nhiên, sự thanh trừng không lớn như ông Hoan cáo buộc, và cũng không đơn thuần do xung đột Việt – Trung.

Trước hết, các vụ thanh trừng trong hàng ngũ Đảng đã bắt đầu từ những năm trước.

Giai đoạn 1970 – 75, chừng 80.000 đảng viên bị loại khỏi hàng ngũ, còn trong giai đoạn 1976-79, con số này là 74.000.

Chiến tranh Biên giới 1979
Chụp lại hình ảnh,Bộ đội Việt Nam ở Lạng Sơn: cuộc chiến biên giới giết chết hàng vạn người chỉ trong vòng chưa đến 30 ngày

Thứ hai, nhiều người mất thẻ Đảng vì những lý do không liên quan xung đột Việt – Trung.

Việc trục xuất các cá nhân thân Trung Quốc đạt đỉnh cao từ tháng 11-1979 tới tháng Hai 1980, nhưng từ tháng Ba, quá trình này bắt đầu chậm lại, và ưu tiên của chiến dịch sau đó hướng sang chống tham ô, biển thủ và các hành vi tội phạm.

Tại miền Nam, khu vực mà số đảng viên chỉ chiếm một phần ba của đảng, giới lãnh đạo định loại bỏ chừng 5% đảng viên (so với tỉ lệ trung bình cả nước là 3%). Điều này không chỉ chứng tỏ Hà Nội nghi ngờ dân số miền Nam mà đây còn là cố gắng kỷ luật những cán bộ người Bắc đã lạm dụng quyền lực sau khi được bổ nhiệm vào Nam.

Các vấn nạn xã hội, kinh tế và tội phạm mà Đảng Cộng sản Việt Nam phải đương đầu có vẻ khiến họ cố gắng hạn chế thiệt hại hơn là mở đợt thanh trừng chính trị to lớn.

Thất nghiệp và khan hiếm hàng hóa làm trộm cướp gia tăng. Giới chức đã phải huy động quân đội canh giữ ở cảng Hải Phòng nhưng cũng không có kết quả.

Ngược lại, một nhà ngoại giao Hungary nhận xét quân đội khi đó đang trở thành “quân dự bị gồm những kẻ tội phạm”. Không có việc làm, nhiều người lính giải ngũ đã phải ăn trộm ăn cướp để sống.

Trong tình hình đó, ban lãnh đạo cộng sản, dù đã kết án tử hình vắng mặt với Hoàng Văn Hoan năm 1980, chỉ muốn xóa tên ông ra khỏi ký ức công chúng thay vì đưa ông ra cho người dân mắng chửi.

Và đến lúc qua đời, ông cũng đã “hết hạn sử dụng” đối với nước chủ nhà TQ, vì lúc đó, cả Hà Nội và Bắc Kinh đều muốn làm hòa chứ không cãi nhau quanh những sự kiện của quá khứ.

Tiến sĩ Balazs Szalontai là một nhà nghiên cứu độc lập ở Hungary. Ông là tác giả cuốn sách Kim Nhật Thành trong thời kỳ Khruschev (Đại học Stanford và Trung tâm Woodrow Wilson xuất bản, 2006). Bài viết dựa vào kho tư liệu tại Hungary và thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bài đã đăng tháng 4/2010 trên bbcvietnamese.com ở giao diện cũ.

Theo BBC

California, miền đất vàng

Ảnh: Wikipedia

Chiều ngày 28 Tháng Mười Một vừa qua, đường bay non-stop nối liền Sài Gòn với San Francisco đã được thiết lập. Không có chi quá ngạc nhiên vì San Francisco lâu nay vẫn thu hút du khách khắp nơi trên thế giới như từng thu hút hàng hàng lớp lớp những người ấp ủ đi tìm cho mình một cuộc sống mới, tốt đẹp tại “the Golden State”. Có nhiều người phất lên và cũng có rất nhiều người ngậm đắng nuốt cay cho đến khi nhắm mắt lìa đời.
Marshall Gold Discovery State Historic Park (ảnh: cal170.library.ca.gov)
SUTTER’S MILL VÀ DẤU ẤN LỊCH SỬ 170 NĂM TRƯỚC
Sắp tới đây, đại dịch COVID đã là chuyện buồn của ngày hôm qua, bạn sẽ lại lên đường du lịch thế giới và xin nhớ rằng khi tung cánh bay vượt Thái Bình Dương đến San Francisco, bạn nhớ thu xếp một ngày tham quan địa chỉ nổi tiếng này mà lâu nay chưa được nhiều khách Việt biết đến: Công viên Lịch sử Marshall (Marshall Gold Discovery State Historic Park). Cách San Francisco khoảng 124 dặm, nơi này đã chứng kiến một sự kiện lịch sử cách nay 173 năm, góp phần tạo nên lực hút mạnh của tiểu bang California mãi đến ngày nay.
Ông Johann August Sutter (ảnh: Wikipedia)
Vào khoảng năm 1838, một người Thụy Sĩ tên là Johann August Sutter đã đổ bộ xuống cảng San Francisco. Trước mắt ông là vài chục căn nhà gỗ thô sơ bao vây bởi rất nhiều lều bạt dơ bẩn, những con heo gầy trơ xương tự do chạy rong giữa số vài trăm cư dân, một tu sĩ dòng Phanxicô xác xơ vì bị sốt nóng quanh năm nhưng vẫn không quên nhiệm vụ truyền giáo. Không hề nản chí, ông Sutter đi ngược lên phía trên thung lũng, khai hoang xây dựng nông trang bên bờ sông American. Từ đó dần phát triển nên một ngôi làng, mỗi người một nghề ngày ngày ra sức làm việc, cuộc sống tuy không giàu có nhưng bình yên.

Rồi mọi chuyện thay đổi khác hẳn khi vào ngày 24 Tháng Hai 1848, một ông thợ mộc tên James W. Marshall trong lúc đang xây dựng xưởng cưa bên bờ sông American cho ông Sutter thì phát hiện những cục vàng nho nhỏ trong làn nước. Bức điện tín lao vút trên dây điện nên tin nóng phát hiện vàng ở gần “Sutter’s Mill” (xưởng cưa của Sutter) bên California đã nhanh chóng được cả thế giới biết, từ các nước châu Âu qua Nga, Trung Hoa, Nhật tỏa xuống Úc, New Zealand, vùng Nam Mỹ.
Cơn sốt tìm vàng nổ ra, hàng ngàn người nối tiếp hàng ngàn người đã bỏ ngang việc mình đang làm, “khăn gói quả mướp” với chút ít tiền của mà tìm đến “Vùng đất vàng California”. Không ai nghĩ rằng mình đã lao vào một cuộc phiêu lưu với rất nhiều rủi ro có thể mất tính mạng. Ai ai ra đi cũng hy vọng sẽ tìm được vàng để thoát cảnh nghèo khó ở quê nhà. Thời ấy, chẳng có máy bay để bay nhanh như du khách ngày nay chỉ sau một chuyến bay đêm đã thấy mình hạ cánh xuống Los Angeles, San Francisco, San Diego hoặc phi trường Ontario. Người dứt áo ra đi chỉ có ba cách để đến được California, mà cách nào cũng gian nan, nguy hiểm.

Ông James W. Marshall (ảnh: cal170.library.ca.gov)
Một quyển sách về lịch sử California và những cuộc đào vàng (ấn hành năm 2020)
Cách thứ nhất, từ Bờ Đông băng ngang lãnh thổ Mỹ để đến Bờ Tây, tức phải ngồi lưng ngựa hoặc trong xe ngựa, xe bò kéo hợp thành đoàn “caravan” dài vượt qua nhiều con sông, leo qua dãy Rocky, băng đồng cỏ bao la để giúp đỡ, bảo vệ nhau khi bị “mọi da đỏ” tấn công. Đó là hành trình kéo dài hơn ba tháng chịu đói, khát, lạnh, mưa bão.
Cách thứ hai không kém phần hiểm nghèo là đi tàu buồm vòng xuống tận cùng Nam Mỹ, vượt qua Mũi Horn rồi hải hành ngược lên phương Bắc mà đến Vịnh San Francisco. Và cách thứ ba, đi bộ và đi ngựa thông qua bán đảo Panama, luồn vào rừng xanh, chịu áp lực của mưa, muỗi, vắt, đỉa.
DẤU ẤN CÒN LẠI
Vậy mà người ta vẫn đi, trong ánh mắt hiện tia hy vọng từ những viên đá vàng lóng lánh trong ánh nắng Mặt trời. Riêng trong năm 1849, số những “forty-niners” (những người tìm đến California vì hấp lực của vàng năm 1849) đã lên đến con số 90,000 ở hai bờ con sông American. Không có luật pháp nào, không có quy định nào và cũng chẳng có ràng buộc trách nhiệm nào nên mặc ai tìm được miếng đất nào trống là cắm cọc, dựng lều và ra sức đào cát đá trong lòng sông để đãi tìm vàng.
Sang năm 1850 lại có thêm 91,000 người; và đến năm 1855, số người ngoài tiểu bang, ngoài nước Mỹ đến California đào vàng hoặc làm các nghề cần thiết phục vụ cuộc sống của những người lên cơn sốt tìm vàng (không thiếu kẻ bất lương, các cô gái bán dâm, kẻ khai thác sòng bài, quán nhậu quen gọi là Saloon…) đã lên đến 300,000. Cộng chung đã có khoảng 60,000 người Hoa; 7,000 người Mexico…
Xưởng cưa của ông Johann August Sutter tại thung lũng Coloma gần Sacramento, nơi những miếng vàng đầu tiên được phát hiện – tranh khắc gỗ Thế kỷ 19 (ảnh: ullstein bild/Getty Images)
Thực tế có ai đã tìm được vàng? Số liệu ghi chép bởi các quầy cân đo mua vàng cho biết từ năm 1848 đến 1855 đã có 370 tấn vàng ở các dạng viên sỏi, hạt tấm đã được đãi lên từ các bờ sông. Một số những nghiên cứu còn cho thấy tính trung bình trong 20 người đào vàng thì có một người tìm được vàng. Nhưng chắc chắn số người thành đạt bằng những việc làm phục vụ giới đào vàng cao hơn nhiều, thí dụ ông Levi Strauss giàu lên nhờ loại quần cắt may từ vải dày cộp mà nay cả thế giới đều quen gọi là “quần jeans”.
Làn sóng người ngoại quốc từ khắp nơi ập đến California tìm vàng và sinh nhai bằng cách phục vụ những người tìm vàng đã góp phần tạo nên một California trù phú ngày nay với những mảng dấu ấn lịch sử, văn hóa, tập quán của nhiều sắc dân pha trộn. Nhờ vậy mà California,  biệt danh “Tiểu bang vàng” (The Golden State) mãi cho đến nay vẫn là một cục nam châm thu hút người di dân và du khách. Ngành đánh bắt hải sản ở tiểu bang này phát triển mạnh là nhờ công sức của con cháu những người Hoa đầu tiên bị hút đến làm “coolie” trong những ngôi làng, thị trấn bột phát lên từ cơn sốt đào vàng.
Các địa danh vang góp phần cho “vang California” nổi tiếng toàn cầu như Napa Valley, Sonoma Valley, San Bernadino Valley… là trái ngọt của những gia đình nông dân Ý đã đến đây đào vàng rồi khai phá đất hoang, trồng nho. Không có sắc dân nào không có đóng góp cho sự phát triển của toàn vùng đất rộng lớn California như chúng ta biết ngày nay mỗi lần bay đến đây du lịch, từ Los Angeles, San Francisco đến Santa Barbara, Santa Clara, San Diego, San Jose…
Mô hình tái dựng Sutter’s Mill (ảnh: commons.wikimedia.org)
Từ một vùng đất xa lạ là thuộc địa xa xôi của đế quốc Tây Ban Nha rồi trở thành tiểu bang thứ 31 của Mỹ vào ngày 2 Tháng Hai 1848 (do Mexico nhượng lại), California đã có lực cất cánh từ thời Cơn sốt đào vàng 1848-1860 mà thực chất cũng là một cuộc đại di dân và ngày nay, nếu xem California như một quốc gia thì đó là nước giàu có hàng thứ sáu thế giới, hơn cả nước Pháp. 39 triệu người California hãnh diện vì tiểu bang của họ là số một về phát triển công nghệ (Silicon Valley), nông nghiệp (Napa Valley), tài chánh, ca nhạc, điện ảnh (Hollywood) và du lịch (từ cuối thế kỷ 19, những du khách đầu tiên đã đến đây để di chuyển đến Công viên quốc gia Yosemite, thành lập năm 1890). Năm 1862, San Francisco đã là thành phố trù phú với 70,000 cư dân, giới nhà giàu sống trong những căn nhà sang đẹp tưởng chỉ có ở New York hay Chicago.
Có dịp thăm Sutter’s Mill, bạn đừng quên rằng nơi đây từng được nghệ sĩ Dan Fogelberg mô tả trong ca khúc trứ danh Sutter’s Mill vào năm 1984. Và khi du lịch California, bạn sẽ nhớ rằng miền đất vàng này đã được nhắc đến trong nhiều ca khúc nổi tiếng, từ If you’re going to San Francisco (Scott Mackenzie); It never rains in Southern California (Albert Hammond); Ventura Highway (nhóm America)…. và tuyệt tác Hotel Califonia (nhóm The Eagles). Một ca khúc buồn mà nghe thật thấm thía, mô tả di dân với giấc mơ đẹp đã tan vỡ sau nhiều năm xa quê nhà ở tiểu bang Georgia tìm đến San Francisco và rồi bế tắc, ngày ngày chỉ còn ngồi lừ đừ trên bến cảng xem những con tàu vào ra, xem các cơn sóng tan bọt trắng xóa trên bãi cát là tuyệt tác Sitting on the dock of the bay của nam nghệ sĩ blues tài hoa Mỹ da màu Otis Redding!
P.Nguyên Dũng / Saigon Nhỏ

Siêu biến chủng Omicron tiếp tục lan đến nhiều quốc gia

Pháp và Canada là những quốc gia tiếp theo ghi nhận các ca mắc biến chủng Omicron mới, trong bối cảnh nhiều chính phủ vội vã đóng cửa biên giới.
Siêu biến chủng Omicron tiếp tục lan đến nhiều quốc gia - 1
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Đức (Ảnh: AFP).

Canada ngày 28/11 thông báo nước này ghi nhận ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên là những người trở về từ Nigeria.

“Hôm nay, tỉnh Ontario đã xác nhận 2 trường hợp mắc biến chủng Omicron ở Ottawa, cả hai đều là những người đến Nigeria gần đây. Cơ quan Y tế Công cộng Ottawa đang tiến hành truy vết tiếp xúc và các bệnh nhân đang được cách ly”, chính quyền Ontario thông báo.

Canada ngày 26/11 đã cấm nhập cảnh đối với những du khách nước ngoài từng đến 7 quốc gia ở khu vực phía nam châu Phi trong 2 tuần trước đó để giúp ngăn chặn sự lây lan của biến chủng mới. Tuy nhiên, giới chức y tế Canada cho biết số ca mắc biến chủng mới có thể sẽ tiếp tục xuất hiện ở nước này trong thời gian tới.

“Cách phòng thủ tốt nhất để đối phó biến chủng Omicron là ngăn chặn ngay ở biên giới của chúng tôi. Ngoài các biện pháp được công bố gần đây, chúng tôi tiếp tục hối thúc chính phủ liên bang thực hiện các bước cần thiết để bắt buộc xét nghiệm cho tất cả khách du lịch, bất kể họ đến từ đâu để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa trước sự lây lan của biến chủng mới này”, Bộ trưởng Y tế Canada nhấn mạnh.

Bộ Y tế Pháp ngày 28/11 cho biết, họ đã phát hiện 8 ca nghi mắc biến chủng Omicron trên cả nước sau khi chính phủ Pháp tuyên bố sẽ thắt chặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của virus.

“Các trường hợp này được cho là có thể bị nhiễm biến chủng Omicron khi đến khu vực phía nam châu Phi trong 14 ngày qua”, Bộ Y tế Pháp cho biết.

Cuối tuần qua, hàng loạt nước châu Âu thông báo có ca mắc biến chủng Omicron, trong đó chủ yếu là những người trở về từ châu Phi.

Hà Lan hôm nay 28/11 cho biết, trong số 61 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận trên các chuyến bay từ Nam Phi, có 13 người được xác nhận mắc biến chủng Omicron. Đây là các hành khách trên hai chuyến bay từ Nam Phi đến sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam hôm 26/11 trước khi lệnh cấm các chuyến bay với Nam Phi có hiệu lực.

Cùng ngày, Đan Mạch cũng ghi nhận 2 ca mắc biến chủng Omicron là người trên chuyến bay từ Nam Phi đến. Giới chức Đan Mạch cho biết, họ đã lường trước được điều này và tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình.

Áo ngày 28/11 đã phát hiện ca nghi mắc biến chủng Omicron đầu tiên tại khu vực Tirol, là du khách trở về từ Nam Phi vào tuần trước.

Giới chức y tế Australia ngày 28/11 cho biết nước này đã ghi nhận các ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên. Cả 2 hành khách đều trở về từ khu vực phía nam châu Phi và đến Australia trên chuyến bay của hãng hàng không Qatar Airways. 

Anh, Đức, Bỉ, Israel, Italy, Séc cũng thông báo về các trường hợp mắc biến chủng mới. Trước khi lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới, Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana, Nam Phi. Tại châu Á, Hong Kong là nơi ghi nhận ca mắc biến chủng mới.

Omicron (hay B.1.1.529) là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19. WHO vừa xếp Omicron vào nhóm biến chủng “đáng lo ngại” cần nghiên cứu về mức độ gia tăng lây nhiễm hoặc kháng vaccine, né miễn dịch.

Omicron gây lo ngại bởi có khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, gấp đôi số đột biến ở Delta – biến chủng trội toàn cầu hiện nay.

Theo Dân Trí