Thị – một đời người một hương thơm – Ký của Nguyễn Tiến Nghĩa

Vanvn- Thị là Thị. Thị không đẹp. Thị bình thường như bao người thiếu nữ khác. Suốt từ thuở hàn vi Thị gắn với những hủ tục, định kiến đày đọa trên đôi vai trắng ngần một nét hằn mình vì những trận long trời lở đất của chuyển giao văn hóa, những chấn động ban sơ đến những sự phóng khoáng trong cảm thức thời đại, Thị luôn mang cho mình một nét đẹp riêng…

Cây bút trẻ Nguyễn Tiến Nghĩa

Tôi theo Thị lên chợ trong một buổi sáng mai, đường làng khi ấy trong tâm thức của một đứa trẻ mười một, mười hai nó trong trẻo tươi sáng như cách tôi vẫn thơ ngây chưa hề đá động gì về những góc tối trong xã hội mà phải thêm hai, ba tuổi nữa tôi mới có dịp chạm vào nó trong nhận thức của chính mình. Tôi nhìn Thị, Thị vẫn xách tay tôi, vẫn nhanh nhẹn như mọi ngày, ai lại hình dung được người phụ nữ này đã phải trải qua những biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời để tôi luyện được cái vẻ nhanh nhẹn, kiên cường đến thế.

Lúc mới sinh ra, nhiều người đã chậc lưỡi, không hài lòng chào đón một sự sống mới xuất hiện, vì Thị là con gái, những quan niệm cổ hủ khi ấy vẫn còn ăn sâu trong đầu của những người dân quê nơi đây, Thị đã không được chào đón ngay từ khi mới lọt lòng. Từ thuở tôi 3 – 4 tuổi, Thị phải đội những mâm sương sâm, sương sáo chạy vòng vòng khu chợ nhà mình để bán. Trong tâm thức tôi, Thị như một bông hoa hồng được đặt trong một khuôn thủy tinh, vì Thị thích hoa, và vì cuộc sống khi ấy, nét thơ ngây vốn có của Thị đã phải cất đi nhường chỗ cho sự phòng thủ yếu ớt, chật vật từ thời thơ ấu khi phải hứng chịu những đòi roi của mẹ những lần ba mình đi ngoại tình, vì những lần gia đình Thị không được êm ấm. Có hôm tôi đi về, thấy Thị bất giác ngồi rửa chén, đôi mắt long lanh vì vừa hứng chịu một trận đòn roi từ mẹ, bất giác tay tôi run run lên, như là đang đứng trước một bông hoa đã phá vỡ cái lớp thủy tinh bên ngoài, trưng trổ những vết xước trên thân thể để chính từ những vết xước ấy mọc ra những sợi gai, từ từ và nhiều chút, gồng mình để sống trong chính ngôi nhà đầy ải khắc nghiệt đọa đày.

Lớn lên một chút, tôi đã là một cậu bé mười bốn, mười lăm, Thị đã thành một thiếu nữ xinh đẹp, tôi cứ thấy buồn cười, Thị như dậy thì ngược vậy. Càng lớn Thị càng trong trẻo, tươi vui và hoạt bát hơn. Đó cũng là thứ vũ khí để trở thành một người lanh lợi. Khi phải lớn lên trong một khu chợ phố như nhà của Thị, cuộc sống xung quanh đã nhào nặn Thị trở thành một cô gái đôi mươi dung dị, xinh đẹp lại cởi mở, hào sảng , biết chắt chiu và chịu thương chịu khó từng ngày. Thị hay dúi vào tay tôi 5 nghìn, 10 nghìn đi mua những bao sinh tố nhỏ nhỏ để ăn, mua những thứ đồ chơi mà tôi thích. Có hôm tôi bị bắt nạt, Thị lao ra ẳm tôi về và không quên trừng mắt với tụi con nít trong xóm. Thị yêu thương tôi như thế, thỉnh thoảng cũng la tôi, gọi tôi bằng “cưng”, nhưng mà cái “cưng” của Thị nó đáng yêu, nó chăm chút và với riêng tôi, nó thiêng liêng đến thế. Bởi lẽ sau này lớn lên rồi, tôi không còn nghe Thị gọi tôi như thế nữa… vì Thị phải trải qua nhiều hơn, phải sống nhiều hơn, không chỉ cho Thị, cho gia đình của Thị mà còn sống cho họ hàng, và cho cả những người không liên quan…

“Thị” được so sánh vui là cái chợ – đúng, không khó để nghe được những lời nhận xét ấy. “Hai ba người đàn bà thì sẽ ồn ào, nhiều chuyện và sẽ thành…cái chợ”, thành một cái gì đặc trưng vốn có trong xã hội theo cách nhìn nhận của Nho Giáo nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhưng với Thị, Thị không phải là thành phần cấu thành cái “chợ” đó. Thị giữ cho mình nét im lặng, không phân bua, không nhiều chuyện, không nói nhiều. Thị chỉ cười, chuyện vui cũng cười, chuyện buồn cũng cười, một nụ cười khó đoán, nhưng bất giác lại hợp lí vì tính tình của Thị dịu mềm, ôn hòa phù hợp với mọi hoàn cảnh, mọi môi trường. Thị không gai góc vì phần gai góc Thị đã để lại cho tuổi thơ của mình. Lớn lên Thị phải khác, phải sống khác đi, phải mềm mỏng lại vì đã sừng sổ, gai góc quá nhiều… Tôi thương Thị, như một tượng đài không tên trong lòng tôi.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều

Bẵng đi một thời gian không về quê hương, mọi thứ dần dà thay đổi, nhưng những tiềm thức trẻ thơ của tôi vẫn đâu đó còn lại trên mảnh đất Long An, về những buổi sáng trời trong, quang mây, về những đồng năm nghìn, mười nghìn Thị cho, về gói xôi bắp mỗi sáng Thị múc ra cái gáo dừa… À, Thị có con rồi, “món quà” của một cuộc tình không mong muốn đã được trao tận tay đến Thị. Thị lại phải mang tiếng “gái độc không chồng”, những gì lăn loàn nhất, trắc nết nhất đổ lên vai người con gái hai mươi bốn tuổi. Tôi tự nhận thấy vì sao lại hà khắc đến thế, vì sao lại đánh giá, miệt thị người khác đến thế khi Thị chẳng làm hại đến ai, và Thị đang là người bị hại? Vì sao cũng là đàn bà, phụ nữ như nhau mà lại gieo vào đầu nhau những cay nghiệt, những độc đoán từ những cổ hủ từ tận đời nảo đời nao. Nhưng rồi Thị vẫn là Thị đó thôi, vẫn kiên cường, mạnh mẽ, vẫn sống vì người khác mà chưa nghĩ cho bản thân ngày nào, vẫn đón lấy những điều tồi tệ, xấu xa và trả vào đời những đồng từ thiện cho những người ăn xin.

Thị cảm thức được đời sống hiện tại, những mối quan hệ vô hình giữa người với người. Thị tự nhận thức phải trả nghĩa cho cuộc đời này, cho những người kém may mắn hơn, và cũng trả vào đời những lời ru mà có lẽ khi nhỏ Thị hằng ao ước. Thôi cuộc đời đã quá cay nghiệt như thế, hãy để cho con mình sống một cuộc đời mới hơn. Thị yêu con, mong con sẽ sống trong sự bảo bọc của Thị bởi chính Thị mới biết những gì tốt nhất dành cho con của mình.

Thị là Thị. Thị không đẹp. Thị bình thường như bao người thiếu nữ khác. Suốt từ thuở hàn vi Thị gắn với những hủ tục, định kiến đày đọa trên đôi vai trắng ngần một nét gằn mình vì những trận long trời lở đất của chuyển giao văn hóa, những chấn động ban sơ đến những sự phóng khoáng trong cảm thức thời đại, Thị luôn mang cho mình một nét đẹp riêng.

Mặc những lời nói không cánh từ những chiếc lưỡi không xương, Thị vẫn lèo lái, vớt vát gồng mình kéo lên cái lưới trong “cái biển tên” của mình, cho kỳ được cái dấu nặng từ cái tên “Thị”. Giá mà Thị được ví như Thi – nghĩa là thơ ca, một nét đẹp đẽ, vô khuôn mẫu sẵn, lại có vần, có điệu, có tính thẩm mỹ, được ưa chuộng, gọt giũa tối đa và được tôn thờ, thì có lẽ Thị đã mang cho mình một hình hài, một số phận, một quả ngọt khác…

Tuần sau là 9 năm ngày giỗ của Thị. Một tuần sau khi sinh Thị không qua khỏi. Cuộc đời người con gái từ lúc sinh ra đã phải gồng mình hứng chịu, khi lớn lên đã mất đi ước vọng tình yêu đầu đời, phải trả lại những quả ngọt dù đời cho mình những quả đắng, lúc cận kề nhất vẫn không có lấy người bạn đời bên cạnh, vượt qua những lúc sinh tử. Những lời trăn trối cuối cùng của Thị làm tôi muốn bé lại, từ cái thuở Thị bỏ mình vào giỏ xe chở đi, đi chợ dư vài đồng dúi vào tay tôi, bảo vệ tôi khỏi sự ức hiếp của kẻ mạnh. Tôi nhớ rất rõ cái nụ cười ban sơ ấy, một nụ cười từng trải, hồn nhiên chứng kiến bao nhiêu cay đắng xảy đến trong cuộc đời. Đến giây phút sinh tử Thị mới khóc. Lần đầu tôi thấy giọt nước mắt Thị rơi, nhưng cơ mặt vẫn bình thản. Tại sao Thị lại có thể cứng rắn đến thế, tại sao Thị lại khổ đến thế? Giá như Thị đừng là con gái, đừng là phụ nữ, Thị sẽ không phải chịu những điều nặng nề đấy…

Tôi không thích cái cách những người hàng xóm tôn thờ người chết trong khi họ sống thì chính Thị – chị tôi lại bị những cái miệng mồm cay nghiệt đày đọa. Khi giỗ 49 ngày đầu của Thị, tôi đã đủ lớn, đủ để hiểu được phân bua đúng sai. Đám tang ấy có tôi, có Thị, có người nhà, có hàng xóm đến vây quanh. Tôi mời họ về, những gì còn lại trong tôi quá lớn, nhưng tôi vẫn đủ lí trí để phân định đâu là điều nên làm. Tôi không thích sự gỡ gạt “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại” hay đại loại là “Người chết rồi có sống lại được đâu”, tôi không quá căm giận họ vì họ cũng chỉ là nạn nhân của cái mang danh phong tục tập quán, của lề thói xã hội cũ, nhưng suy đi nghĩ lại, việc mời về của tôi còn quá nhẹ so với những gì Thị đã hứng chịu.

Đứa con gái của Thị trên tay tôi, vẫn kháu khỉnh, đáng yêu. Nụ cười bé gái giống mẹ như đúc. Và thay Thị, tôi biết những gì nên làm để nó không phải chịu những điều tiêu cực mang danh trí thức, văn hóa một cách cực đoan ấy ngấm vào người và phá hủy cả cuộc đời của nó.

Một hôm dắt con bé ra đồng nhìn những cánh diều no gió trên trời, bất giác tôi nhớ đến Thị. Khi con bé chạy lại ôm tôi từ đằng sau rồi bịt mắt tôi cười khúc khích, tôi vẫn cảm nhận được hơi ấm của bàn tay đó, mắt tôi rưng rưng một lúc, ngước lên khoảng trời xanh cao rộng. Đâu đó Thị vẫn ở trong cô con gái nhỏ của mình, một cách âm thầm và vững chãi như những âm thầm, vững chãi Thị đã dùng để đối đãi với cuộc đời đầy thăng trầm và lấm lem.

Thảo thơm một nét vuông tròn

Thị thơm một tấm lòng son với đời!

Tôi xin phép giấu tên chị của tôi và dành sự tôn trọng cao nhất đối với “Thị” – từ gọi chung những người thiếu nữ đến phụ nữ không may trở thành nạn nhân xấu số cho những định kiến đội lốt văn hóa, thuần phong mỹ tục áp đặt lên người phụ nữ và biến họ thành nạn nhân, đẩy họ xuống tận cùng của sự chịu đựng mà vẫn tỏa ngát hương thơm như trái thị sai quả trong những ngày hè oi bức.

NGUYỄN TIẾN NGHĨA

Bình luận về bài viết này