Ngô Sỹ Tồn: Trung Quốc chỉ muốn chiếm 80% Biển Đông!?

Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu hôm nay 13/8 đều đăng lại bài The New York Times phỏng vấn Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải – cơ quan nghiên cứu Biển Đông do giới chức Bắc Kinh lập ra, trong đó ông Tồn tuyên bố: Trung Quốc không đòi kiểm soát toàn bộ Biển Đông mà chỉ muốn chiếm 80% diện tích Biển Đông thôi!? Một phát ngôn ngông cuồng, trịch thượng.
Không chỉ hung hăng trên thực địa với sức mạnh quân sự ngày một bành trướng,
hàng ngàn tàu cá đổ ra Biển Đông, trên lĩnh vực truyền thông, đối ngoại Bắc Kinh cũng đang tỏ ra ngày càng manh động
Tờ The New York Times đánh giá, Ngô Sỹ Tồn là một chính trị gia lão luyện và là một người tích cực theo đuổi các tuyên bố (đường lưỡi bò phi lý, phi pháp) đã có từ lâu của Trung Quốc về Biển Đông trong tình hình xung đột ngày càng căng thẳng với một số nước khác trong khu vực.
Trung Quốc gần đây đã thành lập một đơn vị đồn trú quân đội lớn hơn và mở rộng một cơ quan lập pháp tự xưng để quản lý đảo Phú Lâm, cách hơn 320 km về phía đông nam đảo Hải Nam.
Ngô Sỹ Tồn cho hay, mục tiêu của những động thái (leo thang, gây hấn thời gian qua – PV) đó là nhằm giúp Trung Quốc triển khai cái gọi là “thực thi chủ quyền đối với Biển Đông”, trong đó bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng bằng việc điều tàu tuần tra cỡ lớn ra Biển Đông. Trên mặt truyền thông, đối ngoại, lần đầu tiên Bắc Kinh lớn tiếng cảnh cáo Mỹ liên tục trên các tờ báo để yêu cầu Washington ngừng ủng hộ các bên liên quan chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng chỉ trích gay gắt phát biểu của Mỹ về Biển Đông.Lần đầu tiên người ta thấy Bắc Kinh “nổi đóa” với Washington, mặc dù trước đó nhiều vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc bị Mỹ “sờ gáy” cũng chưa bao giờ Bắc Kinh gay gắt như vậy
Theo The New York Times, giới lãnh đạo Bắc Kinh dường như đã bám chặt lấy Biển Đông như là một cách để cố gắng chứng minh cho dân chúng trong nước thấy, Trung Quốc bây giờ đã là một cường quốc khu vực, có thể chiếm đoạt con đường hàng hải quan trọng nhất trong khu vực mà từ lâu họ đã nhận vơ là của mình.
Một số nhà phân tích quan sát và cho rằng các hành động gây gia tăng vì sự chia rẽ trong quá trình chuyển đổi lãnh đạo trước đại hội 18 ĐCS Trung Quốc, giúp giới chức Bắc Kinh phô trương thanh thế trong một thời điểm nhạy cảm.
Chính quyền Obama đã báo động về động thái của Trung Quốc, cho rằng các tranh chấp nên được giải quyết bằng thương lượng. Với vai trò là một trong tuyến giao thương hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới, Biển Đông phải được hưởng sự tự do hàng hải.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong một tuyên bố mạnh mẽ bất thường được đưa ra trong tháng này nhằm mục đích cảnh báo Trung Quốc đã nói rằng Bắc Kinh không nên quá khích. Washington tin rằng những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình, “không ép buộc, không dọa nạt, không đe dọa sử dụng vũ lực và không sử dụng vũ lực.”
Ngô Sỹ Tồn với những phát biểu ngông cuồng, xấc xược và vô giá trị về Biển Đông
Washington đã phản ứng mạnh mẽ này sau khi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN họp tại Campuchia vừa qua kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung do những bất đồng xung quanh vấn đề Biển Đông mà nguyên nhân chính là những động thái chia rẽ ASEAN từ Trung Quốc.
Trong khi đó, The New York Times dẫn nguồn tin Nhân dân nhật báo cho hay, Trung Quốc cho biết họ đã hạ thủy tuần tra mới nhất của mình: một con tàu 5400 tấn. Nó được thiết kế đặc biệt để duy trì cái gọi là “chủ quyền biển” ở Biển Đông.
Các nước láng giềng của Trung Quốc lo lắng hơn nữa khi một tàu khu trục Trung Quốc bị mắc cạn hồi tháng Bảy gần bãi cạn Trăng Khuyết nằm trong quần đảo Trường Sa.
Trả lời tờ The New York Times, Ngô Sỹ Tồn còn ngang nhiên khẳng định, trên Biển Đông “không một hành động nào của Trung Quốc là không đúng lúc”. Trước đó, hồi tháng 6, tại cuộc thảo luận về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington DC, Ngô Sỹ Tồn từng bóp méo sự thật khi tuyên bố, những căng thẳng ở Biển Đông vừa qua “trách nhiệm không thuộc về Trung Quốc.”
Phát biểu của Ngô Sỹ Tồn, một trong những “học giả” hàng đầu do Trung Quốc dựng lên để “nghiên cứu” và tuyên truyền bóp méo sự thật về Biển Đông hết sức phi lý, vô nghĩa. Nó cho thấy bộ mặt thật của cái gọi là “học giả” Trung Quốc về Biển Đông thực tế chỉ biết “cả vú lấp miệng em” chứ không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào có giá trị.
Điều này một lần nữa cho thấy, Trung Quốc đang ngày càng công khai bộc lộ cuồng vọng độc chiếm biển Đông thành ao nhà, cả trên thực địa cũng như trên mặt trận truyền thông, đối ngoại. Nhưng họ không ý thức được rằng, chính điều đó sẽ khiến công luận thế giới thấy rõ chân tướng, bộ mặt thật của giới diều hâu nước này cũng như tuyên bố chủ quyền phi lý, phi pháp và vô hiệu của họ đối với Biển Đông.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ “theo báo Giáo Dục Việt Nam” hoặc “theo Giaoduc.net.vn”. Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục… của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Thủy, Anh Vũ
@GDVN

Cập nhật tin 14-8-2012

Quảng Ninh đề xuất xây dựng hai đặc khu kinh tế

Tỉnh Quảng Ninh muốn được tạo các cơ chế đặc biệt để xây dựng hai đặc khu kinh tế tại Móng Cái và Vân Đồn trong kế hoạch phát triển dài hạn của mình.
Đây là những nội dung quan trọng nhất trong bản đề án về “Phát triển kinh tế xã hội xanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm hai khu hành chính – kinh tế đặc biệt là Móng Cái và Vân Đồn” được chính thức công bố và lấy ý kiến các bộ ngành liên quan tại Hà Nội cuối tuần qua.
Cụ thể, huyện đảo Vân Đồn sẽ được xây dựng thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và trở thành thành phố biển tiêu biểu với các ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch biển đảo, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm thương mại, tài chính và là cửa ngõ giao thương quốc tế.
Theo dự thảo đề án, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Vân Đồn sẽ đạt khoảng 21,9%/năm trong suốt giai đoạn từ nay đến năm 2020 với GDP bình quân đầu người đạt 3.600 USD vào năm 2015 và 9.000 USD vào năm 2020.
Trong khi đó, Móng Cái được định hướng trở thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại, là trung tâm phát triển của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ với các mũi nhọn là thương mại biên giới, là cửa ngõ giao thương trao đổi hàng hóa ASEAN – Trung Quốc, phát triển du lịch biển và du lịch biên giới.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân sẽ tăng 14,8% từ nay đến năm 2020 để GDP bình quân đầu người đạt 7.000 USD vào năm 2015 và 14.000 USD năm 2020.
Để thực hiện được kế hoạch này, tỉnh Quảng Ninh sẽ đề xuất Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương trước khi Chính phủ trình kế hoạch này lên Quốc hội thông qua.
Tỉnh cũng kiến nghị cho phép thực hiện một số cơ chế riêng để tạo nguồn vốn xây dựng các đặc khu kinh tế này, chẳng hạn cho phép để lại 15% nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, để lại 100% thuế các loại đối với ngành than trong thời gian từ 2013-2020, để lại 100% nguồn thu phí tham quan vịnh Hạ Long, cho phép phát hành trái phiếu xây dựng Quảng Ninh…
Tỉnh cũng đề xuất các cơ chế đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư vào hai khu kinh tế đặc biệt này, đặc biệt là các chính sách thuế.
Cụ thể, Tỉnh đề nghị đối với hai đặc khu này, sẽ miễn toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp thành lập mới trong thời gian 15 năm đối với doanh nghiệp công nghệ cao và 20 năm đối với lĩnh vực dịch vụ.
Trong khi đó, đối với thuế thu nhập cá nhân, cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại đây sẽ được giảm tới 70% thuế thu nhập cá nhân trong vòng 15 năm.

————————————————————–

Cảng quốc tế hơn 360 tỷ đồng bỏ hoang

Hoàn thành cách đây 2 năm nhưng cảng Phú Hữu hiện vắng tanh, không có chiếc thuyền nào cập bến vì thiếu đường dẫn. Mỗi năm chủ đầu tư phải chi gần 40 tỷ đồng cho cảng này.

Cảng quốc tế Phú Hữu (khu phố 4, phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM) giai đoạn 1 được xây dựng từ năm 2007 do Công ty TNHH MTV cảng Bến Nghé (thuộc Tổng công ty Samco) làm chủ đầu tư với số vốn 367 tỷ đồng. Mục tiêu là để thay thế cảng Bến Nghé, giải quyết ách tắc giao thông do việc vận chuyển hàng hóa không qua khu vực nội đô TP HCM, góp phần tăng trưởng kinh tế của thành phố và giải quyết công ăn việc làm cho 560 lao động.

Ảnh cảng Phú Hữu bỏ hoang
Những cần cẩu dùng để bóc dở hàng đang phải nằm phơi mưa, phơi nắng ở cảng quốc tế Phú Hữu. Ảnh: H.C.

Đến thời điểm hiện nay, Phú Hữu cơ bản đã xây dựng hoàn chỉnh với hệ thống cầu cảng dạng bến nhô dài 320 m, rộng 33 m, 3 cần cẩu loại lớn cùng một số hạng mục như kè đá bảo vệ, đường nội bộ, bãi container, bãi hàng tổng hợp, nhà văn phòng, nhà kho, nhà xưởng trên diện tích 24 ha… Cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 DWT, công suất 3 triệu tấn hàng/năm. Nơi này cũng đã được Bộ Giao thông vận tải công bố là cảng biển quốc tế và cho phép hoạt động từ tháng 7/2010.

Tuy nhiên, dẫn vào cảng Phú Hữu hiện là một con đường mòn cát trắng, 2 bên cỏ mọc ùm tùm chỉ có trâu bò ăn cỏ, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe chạy qua. Bên trong, toàn bộ nhà xưởng, cầu cảng, cần cầu đang bị bỏ hoang, nhiều chỗ bị xuống cấp. Cả khu đất rộng 24 ha vắng ngắt, không có một hoạt động nào.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Trọng Cừu, Tổng giám đốc công ty cảng Bến Nghé cho biết dù rất xót vì cảng nằm phơi mưa phơi nắng nhưng không thể làm gì hơn vì hiện nay cảng không có đường dẫn để container ra vào.

Theo ông Cừu, vì không có tàu bè ra vào, lại đến thời điểm trả nợ vay và phải khấu hao tài sản nên mỗi năm, Bến Nghé phải bỏ ra gần 40 tỷ đồng cho cảng Phú Hữu.

“Vừa rồi Ban kinh tế Ngân sách cũng có làm việc để giải quyết tình trạng cảng bỏ hoang vì thiếu đường dẫn. Tuy nhiên, họ cũng nắm tình hình để báo cáo UBND thôi chứ giải quyết dứt điểm thì chưa biết khi nào”, ông Cừu cho biết.

Dẫn vào cảng hiện là một đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo toàn cát trắng, 2 bên cỏ mọc um tùm. Ảnh: H.C.

Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Văn Tám – trưởng phòng quản lý xây dựng giao thông Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết, đầu tháng 6/2012 Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 1 đã khởi công xây dựng đường nối từ cảng Phú Hữu và Nhà máy ximăng Hà Tiên đến đường Nguyễn Duy Trinh theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiến công trình hoàn thành vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Cừu, thậm chí ngay cả khi đã làm xong đoạn đường dẫn từ cảng Phú Hữu ra đường Nguyễn Duy Trinh thì tình hình cũng không khả quan hơn. Vì đường Nguyễn Duy Trinh hiện nay quá hẹp với 2 làn xe chỉ chừng 8-9 m, mật độ luôn đông đúc, chẳng ai cho container chạy trên đường này vì nguy cơ tai nạn cao. Nếu có cho phép container chạy vào đi nữa thì chắc chắn cũng sẽ xảy ra ùn tắc.

Trước tình hình đó, Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết đang xem xét kiến nghị UBND thành phố mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh với kinh phí 865 tỷ đồng. Đồng thời, UBND thành phố cũng đã chấp thuận cho nghiên cứu đầu tư 1,5 km đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào đường Vành đai 2, dẫn ra xa lộ Hà Nội.

Đánh giá việc cảng Phú Hữu phải bỏ hoang hơn 2 năm qua do không có đường dẫn, ông Nguyễn Tấn Tuyến, phó Ban kinh tế – ngân sách HĐND thành phố cho rằng đây là một sự lãng phí vì không đồng bộ giữa xây dựng cảng với hệ thống đường giao thông. Như vậy, trong lúc đợi cho đến khi các đường nối vào cảng hoàn thành, cảng quốc tế Phú Hữu sẽ tiếp tục chịu cảnh nằm phơi nắng để chờ đường.

Choáng với cuốn ‘sổ chấm công’ của gái bán dâm ở Quất Lâm

Những tiếng nhẩm đếm của hai cô gái vọng sang và phát ra thông tin: trong vòng 2 ngày “đi khách” được 34 “cuốc” và 1 “cuốc đêm”

Nếu bạn chưa tận mắt chứng kiến về “tần suất đi khách” của những cô gái làm “nghề” buôn phấn bán son tại bãi biển Quất Lâm có lẽ bạn không thể biết được họ phải “làm việc” như thế nào để nhận những đồng tiền chẳng mấy “sạch sẽ” này? Qua cuốn sổ “nhật ký chấm công” của các cô gái bán đâm mà  phóng viên đã ghi lại được ở dưới đây của một cô gái bán dâm ở Quất Lâm thì quả thực là… khủng khiếp…

1h đêm, khi tiếng sóng biển cứ từng đợt liên tiếp thúc đổ ì oạp vào bờ thì cũng chính lúc đó ở trên bờ, hoạt động ở “thiên đường sung sướng” phục vụ quý ông hám sắc cũng dần vắng khách qua lại. Những ki-ốt treo biển “đặc sản biển” cũng tắt đèn đi hơn nửa. Nhưng ở lác đác ki-ốt khác hoạt động “kinh doanh, buôn bán” xem như vẫn rất nhộn nhịp.

Một gái “bán hoa” chờ khách lúc 2h30 ngoài đê kè bờ biển

Dưới ánh điện chiếu xuống con đường trải bê tông dọc theo bờ biển thấp thoáng ở đâu đó những “bóng hồng” mặc quần, váy ngắn sát đùi lượn lờ dọc bãi biển. Phía trong, khoảng vài chục ki-ốt điện vẫn sáng, xe vẫn giăng kín cửa.
Ngồi quan sát, chốc chốc lại xuất hiện một vài chiếc taxi vụt qua táp vào ki-ốt còn điện sáng. Những xe máy đèo 3, không đội mũ bảo hiểm của đám thanh niên í ới rồ ga gầm rú vụt qua, rồi giảm ga bất ngờ dừng khự nơi các cô gái trong trang phục nửa kín, nửa hở đang ngồi chờ…

Tthấy bóng của bất cứ đấng mày râu cuốc bộ bước qua phía trước cửa liền được các cô gái này liền mời chào: “Anh ơi… anh ơi”, rồi đến lời mời gọi lả lướt: “Vào đây đi anh ơi…”.
Vào vai một khách “làng chơi” lang thang một mình đi dạo đón gió biển thì thình lình xuất hiện một cô gái ăn mặc khá sexy tiếp cận và đưa giọng khêu gợi: “Đi đâu một mình cô đơn thế, có cần người tiếp chuyện không anh?”. Tôi  bắt chuyện với cô gái, cô nàng chạy đến bên tôi có vẻ lẹ chân nhưng cũng không dấu được sự ấm ức gì đó vừa xảy ra với ả.
Tôi cũng buông ra những lời thăm dò, bông đùa: “Vừa gặp chuyện gì không vui hả em? mà xem dung nhan có vẻ nhàu nhĩ thế?”. Cô gái chậm chân rồi hồi đáp cùng ánh mắt đong đưa thật thà, than phiền: “Vừa tắm giặt, ăn đêm xong thì khách gọi đi đêm nhưng người ta chờ lâu quá lượn mất tăm rồi”.

Sổ “nhật ký chấm công” của cô gái bán dâm tên P. ở Quất Lâm – Giao Thủy – Nam Định
 “Rẽ vào đường nào thế cho anh bám đuôi với?” – tôi nài nỉ muốn theo. “Ngay đây thôi vào đây uống nước với em” – cô gái liền đáp.
Đi khoảng chừng 50m, cô gái dừng lại trước ki-ốt số 5X… và đon đả tiếp tôi bằng một tuần trà đặc quánh. Phía bàn bên, 2 cô gái khác và 2 thanh niên đang cắm cúi nhẩm nhẩm, tính tính một con số nào đó từ trong cuốn sổ khổ giấy A4 không còn nguyên vẹn.
Cô gái vừa dẫn tôi vào quay sang góp lời: “Được bao nhiêu “cuốc” rồi”. “Chấm công hả em?” – tôi hỏi lại. “Ừ” – cô gái đáp cụt ngủn. Thì ra hai cô gái kia nhăm nhăm cây bút đưa lên, hạ xuống lật giở từng trang giấy ghi ghi, đánh dấu, nhẩm tính lại trong cuốn sổ “nhật ký chấm công” những ngày làm việc ở đây.

Những gái bán dâm ở bãi biển Quất Lâm đang chờ khách ở ki-ốt
 Từ bàn bên, những tiếng nhẩm đếm của hai cô gái vọng sang và phát ra thông tin: trong vòng 2 ngày “đi khách” được 34 “cuốc” và 1 “cuốc đêm”. “Nhiều quá” – tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Như động đến lòng “tự ái”, cô gái dẫn tôi vào giới thiệu tên là P. bỉu môi cầm lại cuốn sổ “nhật ký chấm công” và mở xem lại “thành quả” của mình “đạt được” tại các lần “đi khách” ở bãi biển này.
Tôi chặc lưỡi thêm lời: “Ái chà cũng nhiều đấy, khủng quá ?” thì cô gái này tỏ vẻ hồ hởi mở trang “khoe”: “Để em tính xem được bào nhiêu nha. 1 này, 2 này, 3, 4… 156, 157. Tổng 157 “cuốc” à và 3 lần đi đêm nữa”.
Tôi hỏi: “Bao nhiêu ngày?” thì cô gái tiếp tục rà soát lại sổ nhẩm tính: “1ngày , 2 ngày, 3 ngày, 4 ngày, 5 ngày,  6 ngày… Tất cả 6 ngày thôi”.
Cô gái này còn hào hứng tuyết lộ: “Ngày kỷ lục nhất của em “đi” được 37 “cuốc” “tàu nhanh” và 1 lần đi đêm…”.

Theo cô gái tên P. này cho biết, tại bãi biển Quất Lâm mỗi lần “vui vẻ” cùng khách làng chơi có giá chung “tàu nhanh” 130.000 đồng, qua đêm từ 400.000 – 500.000 đồng. Trong đó, tiền sẽ  được chia làm 3 phần, chủ giữ 2 phần (tiền điều phối và phòng nghỉ – PV), còn lại là tiền “công” của chị em. Như vậy, gái bán dâm ở đây sẻ được khoảng từ 30 – 50 nghìn đồng cho một lần “tàu nhanh” và 150.000 đồng khi đi “tình ái” với khách.
“Đấy chỉ được 30 – 50 nghìn thôi, bèo lắm. Em cũng chỉ làm nốt đến tháng 10 thôi thì nghỉ” – cô gái tên P. than phiền.
@GDVN

Những đại gia quyền lực nhất sàn chứng khoán Việt

Bất chấp sự lao dốc của thị trường suốt thời gian dài vừa qua, những cái tên như Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức… vẫn được nhắc đến như một “đại gia” quyền lực nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Phạm Nhật Vượng

Liên tục hai năm liền 2010 và 2011 giữ vị trí đầu tiên trong danh sách 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, cái tên Phạm Nhật Vượng dường như đã để lại ấn tượng mạnh đối với tất cả những ai quan tâm đến chứng khoán.

Mặc dù năm 2011 được ghi nhận là năm khá khó khăn củathị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên với khả năng tài ba của mình ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup (mã: VIC) đã không ngừng nâng tài sản lên cao.

Bằng chứng là theo thống kê đến cuối năm 2011, tài sản mà ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ đã lên khoảng 16.764 tỷ đồng, tăng 988 tỷ so với năm 2010. Đặc biệt, giá cổ phiếu VIC cũng luôn giữ được mức cao ổn định khi chốt phiên giao dịch ngày 30/12/2011.

Với vị thế mà ông đã tạo được, trải qua 7 tháng đầu năm 2012 cổ phiếu VIC vẫn luôn thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện đang là một trong nhiều mã đóng vai trò chủ chốt quyết định xu hướng của thị trường sàn TP.HCM.

Đoàn Nguyên Đức

Một cái tên cũng đang khá “hot” không chỉ trên sàn chứng khoán mà cả trên sân cỏ đó là Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG).

Mặc dù đang ít hơn tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đến hơn 10.000 tỷ đồng (theo thống kê tài sản trên sàn chứng khoán tính đến cuối năm 2011, nhưng ông Đoàn Nguyên Đức vẫn tiếp tục giữ vững được vị trí thứ 2 trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán. Đây là năm thứ 2 ông giữ ngôi vị này.

Nếu như năm 2010 tài sản của ông Đoàn Nguyên Đức trên sàn chứng khoán lên tới gần 12.000 tỷ đồng, thì đến năm 2011 theo sự trượt giảm của thị trường tài sản này đã sụt hơn 50%, còn có hơn 4.000 tỷ đồng. Mặc dù tài sản bị giảm mạnh như vậy, những nhắc đến cổ phiếu HAG nhiều người vẫn nghĩ ngay đến ông chủ tài đa tài. Đặc biệt hơn, trải qua nhiều khó khăn giá nhiều cổ phiếu đã rơi xuống mức thấp thê thảm 1 – 2 nghìn đồng/cổ phiếu, nhưng HAG vẫn đứng ở mức gần 30 nghìn đồng/cổ phiếu.

Chưa hết, ngoài việc nắm giữ tài sản lớn trên sàn chứng khoán, ông Đoàn Nguyên Đức còn được biết như là một ông “chùm” tài ba trên sàn cỏ. Với tiền đề đó, hồi đầu tháng 10/2008 ông đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực khi là người tiên phong đầu tiên mua máy bay riêng, cất cánh trên bầu trời theo đường bay từ Tân Sơn Nhất tới Gia Lai và quay trở lại.

Đặng Thành Tâm

Được biết đến là một nhân đình đám, cái tên Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Mã chứng khoán: SGT) đã để lại ấn tượng mạnh đối với tất cả các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Bằng chứng là, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp phá sản và chết lâm sàng tăng mạnh, nhưng số tài sản ông Đặng Thành Tâm nắm giữ trên sàn chứng khoán vẫn khá lớn. Không những thế khi nhắc đến ông Đặng Thành Tâm người ta sẽ nghĩ ngay đến việc ông đã từng là người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2009.

Trải qua những năm đầy khó khăn trong 2 năm trở lại đây, trước sự tụt giảm không phanh của thị trường chứng khoán, cổ phiếu SGT theo đó cũng không ngừng trượt giảm. Điều này đã khiến tài sản của ông Đặng Thành Tâm bị hao hụt. Theo danh sách thống kê tài sản trên sàn chứng khoán, năm 2010, ông Đặng Thành Tâm đã rơi xuống vị trí thứ 3 và đến năm 2011 ông đứng ở vị trí thứ 8.

Nguyễn Hoàng Yến

Nếu vị trí dẫn đầu của Top 100 những người giàu nhất sàn chứng khoán luôn ghi nhận sự thăng hoa của phía mạnh với khối lượng tài sản khổng lồ, thì trong cái tên Nguyễn Hoàng Yến lại cho thấy sự lội ngược dòng bất ngờ trong suốt một năm 2011 đầy khó khăn.

Theo thống kê tài sản trên sàn chứng khoán, bà Nguyễn Hoàng Yến – chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ma San (mã ck: MSN) trong năm 2010 chỉ đứng ở vị trí 12 trong Top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên sang tới năm 2012 bà đã vọt lên vị trí thứ 4 với khối lượng tài sản khoảng 1.971 tỷ đồng.

Bước sang năm 2012, mặc dù chưa có những thống kê đầu đủ về tài sản của bà Nguyễn Hoàng Yến, nhưng hiện nay cổ phiếu MSN mà bà đang nắm giữ vẫn luôn được liệt kê vào danh sách những mã có giá trị lớn, góp phần tạo nên xu hướng của thị trường.

Đặc biệt hơn, sau một thời gian dài sóng gió, nhiều cổ phiếu đã rơi xuống mức thấp thê thảm thì cổ phiếu MSN vẫn có mức tăng trưởng tốt. Nếu tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu MSN đã tăng thêm gần 13% (từ mức 88.500 đồng hồi đầu năm lên 100 nghìn đồng/cổ phiếu).

Nguyễn Thị Như Loan

Mặc dù kinh doanh không thành công trong năm 2011, nhưng bà Nguyễn Thị Như Loan – chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Quốc Cường Gia Lai vẫn được nhiều người trên sàn chứng khoán biết đến bởi sự tài ba của mình.

Được biết, cổ phiếu QCG mới lên sàn giữa năm 2010, nhưng ngay sau đó trong trào lưu tìm kênh huy động vốn mới của các công ty bất động sản lập tức lên cao và nhanh chóng thu hút sự chú ý trên thị trường. Đặc biệt, vì trong công ty có một thành viên hội đồng quản trị nổi tiếng, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường – con trai bà Nguyễn Thị Như Loan.

Trải qua một năm 2010 đầy khó khăn khi thị trường chứng khoán liên tục lao dốc cổ phiếu cổ phiếu QCG của Công ty Quốc Cường Gia Lai mà bà Nguyễn Thị Như Loan đang nắm giữ cũng sụt mạnh. Theo thống kê trên sàn chứng khoán, tài sản của bà đã giảm khoảng 50% so với năm 2010. Với sự sụt giảm này đã nhanh chóng kéo bà từ vị trí thứ 4 trong Top 100 những người giàu nhất trên sàn chứng khoán trong năm 2010, lên vị trí thứ 5 trong năm 2011.

Bước sang năm 2012, cùng với sự trồi sụt trên sàn chứng khoán, cổ phiếu QCG cũng không ngừng trượt giảm. Nếu tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã giảm khoảng 35% về giá trị (từ mức 13.900 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, xuống hiện còn 9.000 đồng/cổ phiếu).

(Theo VnMedia)

Úc rà soát an ninh vì Lương Ngọc Anh

Ông Lương Ngọc Anh và bà Elizabeth Masamune

Cơ quan xúc tiến thương mại Úc buộc phải kiểm tra an ninh toàn diện sau cáo buộc một viên chức của họ có quan hệ tình ái bí mật với đại tá công an Việt Nam trong nghi án hối lộ tiền polymer.

Hai phóng viên người Úc Richard Baker và Nick McKenzie, nhóm nhà báo đầu tiên phát giác về vụ bê bối, tiếp tục công bố cáo buộc bà Elizabeth Masamune có quan hệ “thân mật” với ông Lương Ngọc Anh, người bị nghi có thể nhận hối lộ lên tới 20 triệu đôla Úc.

 Sau cáo buộc này, văn phòng Bộ trưởng Thương mại Úc Craig Emerson cho biết quy chế tiếp cận thông tin mật của bà Masamune đang được xem lại.

Tờ báo Úc The Age cho hay mới thứ Sáu tuần trước, bà Masamune đã được Austrade thăng chức phụ trách các hoạt động ở Úc.

Bộ trưởng Thương mại Úc chỉ mới được Austrade thông báo về quan hệ tình cảm cũ của bà và ý nghĩa an ninh của vụ việc cũng vào thứ Sáu tuần trước.

Tờ báo Úc nói các quan chức cao cấp của Austrade đã biết về quan hệ của bà với Đại tá Lương Ngọc Anh “suốt nhiều tháng qua”.

Người phát ngôn cho Bộ trưởng Emerson nói: “Đang có các thủ tục tòa án và việc xem xét quy chế an ninh của bà Masamune, nên bộ trưởng không thể có bình luận trước.”

Nhưng người này cho biết: “Giám đốc hiện nay của Austrade…đã làm việc với bộ trưởng về việc kiểm tra đầy đủ với Austrade mà đang được thực hiện.”

“Giám đốc của Austrade đã yêu cầu nguồn độc lập xem xét lại an ninh tại Austrade từ năm 2010, và các khuyến nghị đang được thực hiện.”

Trong bài báo mới nhất hôm 14/8, tờ The Age còn nói họ “tin rằng còn có những công ty lớn của Úc đã sử dụng hoặc từng nghĩ đến việc sử dụng Đại tá Lương làm người giúp giành hợp đồng ở Việt Nam”.

‘Quan hệ tình ái’

Bài cùng đăng trên tờ The Age và The Sydney Morning Herald hôm 13/8 cho biết vào đầu thập niên 2000, khi đến Hà Nội làm việc trong vị trí tùy viên cao cấp của Austrade, cơ quan thương mại thuộc chính phủ Úc, bà đã quen ông Lương Ngọc Anh.

Ông Ngọc Anh sau bị phát hiện là nhân viên của an ninh Việt Nam, hàm đại tá.

Vào thời điểm đó, ông đang làm việc với công ty in tiền Securency nhằm giúp giành được hợp đồng in tiền polymer cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Năm ngoái, vị đại tá công an này bị công tố viên và cảnh sát liên bang Úc cáo buộc tại tòa rằng đã nhận đến tối đa 20 triệu đôla Úc tiền hối lộ của Securency.

Hai phóng viên điều tra người Úc dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên “xác nhận trong khi bà Masamune khuyến khích Securency trả những khoản đáng kể cho Đại tá Lương để nhờ giúp giành hợp đồng, bà cũng có quan hệ tình cảm với ông này”.

Theo tờ báo, bà không tường trình mối quan hệ này cho Bộ Ngoại giao cũng như cơ quan tình báo Úc.

Công chức xuất sắc

Tờ báo Úc nói khi đó, bà Masamune là viên chức thương mại cao cấp nhất của Úc ở Việt Nam, có quyền được tiếp cận thông tin mật của chính phủ Úc.

Phó Lãnh đạo đảng đối lập Úc, Julie Bishop, tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Úc giải trình về những cáo buộc liên quan bà Masamune.

“Vì những cáo buộc nghiêm trọng này, chính phủ cần phải tiết lộ đầy đủ họ biết gì,” bà Bishop nói.

Từ khi vụ bê bối bị tờ The Age khui ra năm 2009, cảnh sát liên bang Úc vào cuộc nhưng chỉ điều tra cáo buộc liên quan các lãnh đạo công ty Securency và Note Printing Australia.

Vai trò của các cơ quan chính phủ trong bê bối này không được chính thức điều tra.

Tờ báo Úc cho biết khi được họ liên lạc, bà Masamune không đưa ra bình luận nào.

Hiện bà vẫn làm việc cho Austrade, phụ trách thị trường Đông Á, gồm những nước như Trung Quốc, Việt Nam, từ tháng Mười 2011.

Bà là đại diện của Austrade tại Việt Nam từ tháng Sáu 1999 trước khi chuyển sang Hàn Quốc tháng Tám 2002.

Từ năm 2007 đến 2011, bà là đại diện của Austrade tại Nhật Bản.

Năm 2006, bà nhận huân chương Public Service Medal, tặng thưởng cho những công chức Úc xuất sắc.

Visa ‘siêu nhanh’

Đây không phải là lần đầu tiên tờ The Age đưa ra cáo buộc với bà Masamune.

Cuối năm ngoái, tờ này đã cáo buộc bà biết về mối liên hệ giữa Securency và người môi giới tại Việt Nam, Đại tá Lương Ngọc Anh ngay từ năm 2001.

Việc in tiền polymer tại Việt Nam bị cáo buộc dính líu hối lộ

Điều tra khi ấy của hai phóng viên tờ The Age nói rằng ngay từ năm 2001, Securency nói với bà Elizabeth Masamune rằng công ty của ông Lương Ngọc Anh, một đại tá công an, sẽ là “hộp thư” giữa Securency (thuộc Ngân hàng Quốc gia Úc) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo The Age, không ai trong Austrade khuyến cáo Securency rằng công ty có thể đang làm việc phi pháp khi trả tiền cho Đại tá Ngọc Anh và công ty CFTD của ông này.

The Age nói họ có trong tay email trao đổi giữa bà Masamune và cựu giám đốc của Securency, Cliff Gerathy.

Tháng Giêng 2001, theo tờ báo, bà Masamune nói với ông Gerathy rằng bà “sẽ liên lạc với Anh [Đại tá Ngọc Anh] và bàn tiếp về những lá thư mà anh ta cần viết gửi ông liên quan những vấn đề tài chính khác.”

Hai tháng sau, ông Gerathy gửi email cho bà Masamune nói: “Trong trường hợp Việt Nam, chúng tôi đang làm nhiều hơn so với ở bất kỳ nước nào khác, đặc biệt là về cam kết tài chính, mà chúng tôi xem là sự đầu tư.”

Bà Masamune cũng được gửi cho xem các email về kế hoạch của Đại tá Ngọc Anh đi Úc tháng Ba 2001 để “thảo luận và ký văn bản bổ sung về việc ủy nhiệm cho CFTD”.

Theo tờ báo, bà Masamune nói với ông Gerathy rằng bà sẽ vận động Bộ Di trú để cấp visa “siêu nhanh” cho ông Ngọc Anh.

Trong bài mới nhất hôm 13/8, tờ The Age nói bà Masamune giúp dàn xếp một chuyến đi Mỹ cho ông Lương Ngọc Anh và các viên chức Việt Nam, do Securency đài thọ.

@bbc