Tàn sát chim trời bằng máy nhử chim của Trung Quốc

Liêu Thái/Người Việt

Chưa bao giờ phong trào chơi chim, hốt ổ chim, bẫy chim, ăn thịt chim… lại phát triển đến độ đi đâu ở Việt Nam cũng thấy như vậy!

Chỉ cần một cây chói tre có bôi keo dính chuột, rồi mở máy có tiếng kêu, có thể cả hàng ngàn con chim sa bẫy! (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Ðặc biệt, trò bẫy chim bằng máy nhử chim do Trung Quốc sản xuất đang rất thịnh hành, kiếm tiền mau chóng và vô tâm nhất mà con người có thể làm được.

Với một cây chói rào có nhiều nhánh tua tủa, một ít keo dính chuột bôi lên cây chói rào và một cái máy phát âm có cài âm cố định tiếng của từng loài chim trong đó, người ta có thể mặc sức hái ra tiền từ sinh mệnh nhỏ bé của những con chim tội nghiệp.

Ðạt, người gốc Bình Ðịnh, hiện sống tại Quảng Nam, thuộc hàng nhà nghề trong việc kiếm tiền bằng bẫy chim công nghệ Trung Quốc, cho biết: “Ngày xưa, muốn bẫy chim thì ông bà mình phải nấp trong lùm cây, phải bủa chim mồi, phải ngồi cả buổi mà chờ để khi bẫy được cũng chỉ là một con chim, nhưng bây giờ, tiến bộ rồi, tranh thủ đi chừng nửa buổi, có vài trăm con chim là chuyện bình thường!”

Một chiếc máy được ngụy trang dưới màu lá xanh. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Vừa nói chuyện, vừa bôi keo dính chuột lên cây chói tre, Ðạt kể: “Bây giờ ngoài thị trường bán máy phát âm tiếng chim kêu này nhiều lắm, chừng ba trăm ngàn đồng (tương đương $15) đến năm trăm ngàn đồng ( $25) là có thể khởi nghiệp.”

“Mấy ông cán bộ, đại gia bây giờ thích uống rượu máu chim, ăn thịt chim sẻ và các loại chim lạ lắm, có con vài chục ngàn đồng, có con lên vài triệu đồng, nói chung là đủ hạng, tui bẫy chim sẻ, bán giá sỉ mỗi con năm ngàn đồng (tương đương $0.24), mỗi ngày bán chừng một trăm con, có khi trúng vài trăm con, kiếm cũng khá.”

“Thời buổi bây giờ, nếu cứ sợ sát sanh thì lấy gì nuôi vợ nuôi con, Trung Quốc nó vừa sản xuất máy tụng kinh, vừa sản xuất máy bẫy chim bán cho mình đó thôi. Vả lại, hiền quá, sống trong xã hội này, tụi nó cũng nhai xương mình như xương chim vậy thôi, nên chi miễn bàn chuyện nhân đạo, cứ có tiền trước đã…”

Chúng tôi ngồi quan sát thêm một chút nữa, với chưa đầy 20 phút mà lượng chim sẻ sa bẫy lên đến gần 30 con. Hễ cứ nghe tiếng kêu, đậu lên cây chói là dính vào đấy. Ðạt chỉ tốn công đến vặt lông lấy ra nhúng nước và bỏ vào lồng.

Hùng, người Ðại Lộc, Quảng Nam, vừa làm nghề bẫy chim công nghệ Trung Quốc vừa bẫy chim cảnh theo kiểu người Việt lâu nay, cho biết: “Nhu cầu sử dụng thịt thú rừng, thịt chim rừng, nói chung là sử dụng hàng độc của mấy ông nhà giàu, mấy ông cán bộ đang ngày càng cao, nên mình cũng tranh thủ kiếm chút tiền.”

Những con chim phơi mình chờ chết. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

“Tụi tui làm nghề này cũng khổ tâm lắm, mình dạy con mình sống đạo đức, yêu thương muôn loài mà mình lại đi giết hại sinh cầm như thế thì quá nghịch lý, nhưng vào nghề rồi thì kẹt đủ thứ, vì đi bẫy ít cũng không được, lỡ gặp tay công an nào nó chặn bắt, lấy hết, xem như xong!”

“Mình phải bẫy cho nhiều, chấp nhận đi lâu, đi xa, để có chi còn chung chi cho mấy ổng, nói là lãi nhiều, chứ số tiền còn lại trong túi chẳng bao nhiêu cả. Mà mình bẫy cho nhiều thì chim mau hết, mai mốt không có để bẫy, như vậy, tự mình làm khổ mình thôi! Suy cho cùng, kẻ có tiền, có quyền bao giờ cũng sướng!”

“Bẫy chim, như tụi tui, lâu lâu kiếm mối cho bán cho họ phóng sanh, thì có mua phóng sanh phải có bán, muốn có bán thì bẫy, bây giờ mấy ông bà giàu có mới phóng sanh chứ dân nghèo tiền ăn còn không có lấy đâu mà phóng với sanh! Mấy ông bà cán bộ hay hay hối lộ, tham nhũng là ưa phóng sanh nhất.”

Chao ôi là chim!

Ông Tuấn, một cán bộ ngành quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường ở Quảng Nam cho biết: “Làm sao mà quản lý được hả ông, chim trời cá nước mà, thôi kệ, rừng nằm một chỗ đó mà càng siết chặt quản lý thì càng mau hết, huống chi chim!”

“Ông thử coi có bao nhiêu ông cán bộ, công chức không đi nhậu mỗi chiều? Chắc chắn là không có ông nào không đi nhậu, đã làm cán bộ thì phải biết nhậu mới giữ được ghế, mà đi nhậu thì ít ra cũng vài lần uống máu chim, ăn cháo chim, chim ram, chim nướng, chim chiên mắm, chim chiên xù, chim rô ti, chim nướng lá chanh, lá nghệ… Chao ui là chim!”

Nói đến đây, ông Tuấn chép miệng, lắc đầu.

Huy, dân chuyên bẫy quốc (chim đỗ quyên) bằng công nghệ Tàu, cho biết: “Nói về máy phát ra âm thanh chim đang thách bạn đến đá nhau thì không có ai qua mặt Trung Quốc, tụi này giỏi chuyện này đáo để, bình thường, chim quốc mồi kêu cả buổi nó không tới, nhưng chỉ cần mở máy lên là nó tuông ào ra, sa vào bẫy của mình.”

“Thì ông thấy đó, tụi Trung Quốc nó qua bên mình thuê đất nuôi yến sào, mà thực ra có nuôi cái thá gì đâu, nó xây một căn phòng, có những cái lỗ thông gió cho chim bay vào, sau đó mở máy phát âm tiếng chim yến kêu suốt ngày đêm, riết rồi chim cũng tới đậu, làm tổ trong nhà nó cả bầy này bầy khác!”

“Thật ra thì tụi nó ăn cắp tài nguyên của mình thôi, ông thử xem, đất nước này có 63 tỉnh thành, nó chỉ thuê có mấy chỗ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, để nuôi. Vì sao? Vì những nơi này đều có các đảo có hang chim yến, ví dụ như Quảng Nam, tụi nó thuê gần Hội An, thì có chim từ Cù Lao Chàm bay vào.”

“Với cái đà nhà nước tiếp tay cho tụi Tàu nó qua ăn cắp, khai thác tài nguyên của mình rồi đi đêm với nó… Vậy thì mình chẳng dại gì mà không xào một miếng để có chết cũng thỏa cái chí ông à!”

Mỗi con quốc (đỗ quyên) bị mất tự do và mất mạng, sẽ đổi được 30 ngàn đồng (tương đương $1.5) cho người đàn ông này. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Chuyện bẫy chim và phong trào chơi chim, ăn chim ở Việt Nam hiện nay có thể nói là phì đại và thiên hình vạn trạng, nhưng, nổi cộm nhất vẫn là những thủ đoạn, công nghệ do bàn tay Trung Quốc nhúng vào. Dường như, không có một con chim nào có thể thoát được thứ công nghệ này.

Có thể nói, với đà bắt chim nuôi, bẫy chim ăn thịt, nhử/lừa chim lấy tổ (yến sào) như hiện nay, sẽ không bao lâu nữa, trong câu chuyện cổ của con cháu mai hậu, sẽ có câu mào đầu: “Ngày xửa ngày xưa, nước ta có một loài rất hiền, nó hát rất hay, nó biết bay, ông bà ta gọi nó là chim!”

Và, trong câu chuyện cổ đó cũng có câu: “Có một thời, một giai đoạn lịch sử mà nhà nước chìa tay đón mừng người đến từ nước lạ. Những người từ nước lạ mang đến những phép lạ khiến cho những con chim không lạ có thể bay từ trời cao bay thẳng vào nồi một cách rất lạ!”

@Nguoiviet

Kiều hối chảy về, chất xám chảy đi

Mối quan ngại về “chảy máu” chất xám càng trở nên sâu sắc hơn đối với các nước đang phát triển, khi nguồn lực chất lượng cao “thất thoát” sang nước ngoài. Một số nghiên cứu gần đây tiết lộ cái nhìn mới về chảy máu chất xám thông qua kênh kiều hối.

Nhân lực chất lượng cao ra đi

Hiện tượng một bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước dịch chuyển sang nước khác luôn được cho là một tổn thất lớn, đặc biệt đối với những nước đang phát triển. Bởi lẽ, một nước nghèo hoặc đang phát triển cần hơn lượng chất xám từ nguồn lao động chất lượng cao so với các nước phát triển. Điều này tương tự như “hiệu ứng đuổi kịp” trong kinh tế vĩ mô khi so sánh tầm quan trọng của tư bản đối với tốc độ phát triển của một nước nghèo và một nước giàu.

Nghĩa là, khi được tăng hoặc hiện đại hóa một đơn vị tư bản vào sản xuất,  một nền kinh tế nghèo khi sẽ mang về tốc độ phát triển nhanh hơn so với nền kinh tế giàu. Như vậy, nếu cung cấp thêm cùng một đơn vị chất xám, nước nghèo hoặc đang phát triển sẽ có tốc độ phát triển kinh tế nhanh hơn nước giàu.

Tuy nhiên, xuất phát từ ước mơ thoát nghèo, lao động kĩ thuật cao thường có xu hướng học tập và làm việc ở môi trường được kỳ vọng là thuận lợi nhất. Từ đó, hiện tượng chảy máu chất xám ở các nước nghèo và đang phát triển lại càng đáng quan ngại hơn.

400.000 trí thức, trong đó có 25% du học sinh Việt Nam đang học tập, sinh sống tại xứ người (ảnh minh họa – GDVN).

Số liệu thống kê ước tính có khoảng 400.000 trí thức, trong đó có 25% du học sinh Việt Nam đang học tập, sinh sống tại xứ người. Khảo sát năm 2010 của Viện giáo dục quốc tế IIE thì có đến 60-70% du học sinh có ý định ở lại học tập và công tác ở nước ngoài. Đáng lo hơn là số học sinh du học tự túc chiếm đến 90% tổng số lượng thống kê.

Thêm vào đó, mỗi năm Việt Nam có trung bình 80.000 lượt lao động xuất ngoại. Điều này dường như đồng nghĩa với lượng tiền và chất xám lần lượt “rũ áo ra đi”. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu uy tín đã chỉ ra dòng chảy ngược của kiều hối so với dòng chất xám bị thất thoát. Nói cách khác, lý thuyết về tác hại của chảy máu chất xám đã gặp khó khăn trước lượng tiền cộng đồng hải ngoại gửi về quê hương.

Cộng đồng trí thức Việt Nam chủ yếu tập trung ở Hoa Kỳ, Tây Âu, Nga và Đông Âu, đều là những quốc gia phát triển, với thu nhập cao và tiền lương lý tưởng. Hiệu suất làm việc từ đó cũng cao gấp nhiều lần so với môi trường ở quê nhà.

Bù vào sự lựa chọn ở lại xứ người làm việc, cộng đồng Việt kiều đã đóng góp ngược trở lại quê hương thông qua kiều hối. Xu hướng trở về Việt Nam để phát triển các dự án ngày càng tăng.

Hy vọng “chất xám”… hồi hương

Theo Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, trong vòng 6 năm (6/2005-6/2011), số doanh nghiệp Việt kiều đã tăng hơn hai lần, với tổng vốn điều lệ gần 37.000 tỷ đồng. Hàng năm, có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước không chỉ để thăm người thân mà còn để tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển đất nước. Bằng chứng là có đến 52% lượng kiều hối đổ vào thị trường bất động sản năm vừa qua. Theo thống kê năm 2011 của World Bank, Việt Nam hiện xếp hạng 16 trên thế giới và hạng 2 trong khu vực Đông Nam Á về nhận kiều hối. Nếu như năm 2001 chỉ có 1,75 tỷ USD chuyển về nước nhà thì năm 2011 đã tăng vọt lên 9 tỷ USD.

Từ lượng kiều hối, các gia đình trong nước có thể đầu tư giáo dục cho con cái để tiếp tục xuất ngoại học tập và làm việc. Thoạt nhìn, có vẻ chất xám bị thất thoát nhưng suy xét kỹ thì sự hiện diện của nhân tài nên xứ người không đồng nghĩa với việc chất xám không chảy trở lại quê nhà.

Mỗi cá nhân đều có ý chí và nguyện vọng làm việc trong môi trường phù hợp nhất. Đặc biệt, đối với cộng đồng kiều bào Việt Nam thì nguyện vọng đóng góp cho nước nhà đã và đang thể hiện bằng hành động chứ không phải lời nói. Làm thế nào để biến chảy máu chất xám thành tuần hoàn chất xám, đồng thời không ngừng thu hút kiều hối là bài toán không hề đơn giản.

Thống kê sáu tháng đầu năm 2012 của TP.HCM đã cảnh báo sự sụt giảm 500 triệu USD kiều hối so với cùng kỳ năm ngoái. Hồi chuông cảnh báo này chính là động lực để Việt Nam thay đổi quan niệm và chính sách để tạo điều kiệu cho nhân tài và nguồn ngoại tệ đóng góp 7,26% GDP (năm 2011) này “hồi hương”.

Vân Anh – Thiên Thuật

@vef.vn

Victor Yerofeyev – Đa số dân Nga muốn các cô gái Pussy Riot bị một bản án thật nặng

Phạm Thị Hoài dịch
Hôm qua, ba cô gái trong ban nhạc Pussy Riot đã bị một tòa án Moskva kết án mỗi người 2 năm tù cải tạo. Trong khi làn sóng quốc tế ủng hộ Pussy Riotdâng cao, một nhà văn Nga nổi tiếng, ông Victor Yerofeyev trong một cuộc phỏng vấn của Spiegel cho biết đa số người dân Nga có thái độ gì trong vụ án đang đưa một ban nhạc punk trở thành huyền thoại này. Hệ thống quyền lực của Tổng thống Putin đang dựa trên đa số ấy. Dịch bài phỏng vấn này, tôi nghĩ đến một đa số khác, đa số người dân Việt Nam và quan hệ của họ với hệ thống quyền lực của Đảng Cộng sản.Người dịch

_________________

Nghệ sĩ Nga Pyotr Pavlensky tự khâu miệng đứng trước Nhà thờ Kazan tại Saint Petersburg (Reuters).

Spiegel Online: Ông đánh giá thế nào về bản án dành cho Pussy Riot?

Victor Yerofeyev: Thật là điên rồ. Bản án đó đánh thức hồi ức về những giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử. Nó nhổ vào mặt những ai muốn một nước Nga hiện đại, hội nhập với thế giới. Tôi e rằng sự điên rồ này chỉ có thể chấm dứt khi có một thế hệ các nhà chính trị mới.

Vì sao ông lại nhắc đến những giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử nước Nga?

Vì những cô gái này sẽ đi vào lịch sử nước Nga, như những phiên tòa dằn mặt thời Stalin những năm ba mươi, hay phiên tòa xử nhà thơ Joseph Brodsky. Năm 1964, Brodsky cũng bị truy tố với tội danh gây rối, như Pussy Riot bây giờ. Nhưng thực chất đó là chuyện chính trị, thời đó như vậy và bây giờ cũng như vậy.

Theo ông, bản chất của xung đột này là gì?

Khi xông vào Nhà thờ Chúa Cứu thế với cuộc trình diễn 40 giây, các cô gái Pussy Riot đã vô tình đánh trúng gót chân Achilles của nước Nga hôm nay một cách đầy nghịch lí. Với các cô ấy thì sự kiện trong nhà thờ chỉ là thêm một cuộc trình diễn mang tính khiêu khích. Giống như nhóm Voina (Chiến tranh) đã phóng hình một cái dương vật lên một chiếc cầu ở Saint Petersburg để phản kháng quyền lực của các cơ quan an ninh mật vụ. Bây giờ nghệ thuật ở Nga cũng xuống đường, như ở nhiều nước khác.

Ủng hộ Pussy Riot tại Brazil (AP)

Pussy Riot đã chạm đúng điểm nhạy cảm nào?

Sự hợp nhất giữa hệ tư tưởng của nhà nước và hệ tư tưởng của Nhà thờ Chính thống giáo Nga. Hệt như mô hình Iran: Sự đồng điệu giữa nhà nước và tôn giáo.

Ông có cường điệu quá không?

Nước Nga đang đứng giữa ngã ba đường. Mới cách đây không lâu, có vẻ như chúng tôi đang tìm đường hướng về phương Tây. Tuy vòng vèo và mang nặng hành trang của một quá khứ chuyên chế kéo dài, nhưng vẫn là con đường hướng về phương Tây. Giờ đây thì Putin chọn châu Á với đầy chủ ý. Ở đất nước tôi, hai chữ tự do đã biến thành tiếng chửi. Mà những người theo tinh thần tự do chính là những người phấn đấu cho các giá trị của châu Âu.

Vì sao Putin lại đổi hướng như vậy?

Đó là phản ứng trước những cuộc biểu tình phản kháng rầm rộ của dân chúng. Điện Kremlin quyết định quay lưng lại với các giá trị châu Âu và hướng về một công thức tư tưởng mới: sự hợp nhất giữa nhà nước và nhà thờ, để xây một thế giới không tưởng mới, đó là “nền văn minh chính thống giáo”.

Điện Kremlin theo đuổi mục đích gì với mô hình đó?

Trong một chế độ tôn giáo-chính thống như thế, rất rõ ai là bạn và ai là thù. Nhà nước sẽ giữ được đòn bẩy để điều khiển khí hậu chính trị và khí hậu đạo đức. Việc xiết chặt nhiều điều luật từ khi Putin trở lại ghế tổng thống thoạt tiên chỉ có vẻ như để cân bằng giai đoạn khá cởi mở dưới thời Dmitry Medvedev tiền nhiệm. Nhưng vụ án xử Pussy Riot cho tất cả chúng ta thấy rõ, chính sách đó đã trở thành cương lĩnh chính trị.

Xã hội Nga phản ứng như thế nào về vụ án này?

Đa số dân chúng muốn Pussy Riot bị một bản án thật nặng. Tiếng nói của nhân dân là như vậy đấy. Đó là sự thật khủng khiếp. Dân chúng muốn các cô gái ấy bị xé xác nữa kia. Thế hệ ông bà của chính dân chúng ấy từng hân hoan vỗ tay xem Stalin cho phá tan Nhà thờ Chúa Cứu thế, vì tôn giáo bị coi là thuốc phiện của nhân dân. Nơi các cô gái Pussy Riot xông vào trình diễn là tòa nhà thờ mới được dựng lại từ những năm chín mươi. Thái độ thù hận của những người chống Pussy Riot xuất phát từ sự thiếu kiến thức về tôn giáo. Họ quên rằng Nhà thờ Chính thống giáo có một truyền thống nhân từ. Thậm chí họ còn thấy trong vụ này, thái độ của Nhà thờ Chính thống đối với Pussy Riot là quá mềm mỏng. Có người còn lớn tiếng rằng một vụ như vậy mà ở các nước Hồi giáo thì sẽ bị trừng trị nghiêm khắc hơn nhiều. Tóm lại là hiện nay chúng tôi đang chứng kiến một cuộc nội chiến phủ thảm.

Ủng hộ Pussy Riot tại Moskva (AFP)

Còn phe kia là ai?

Là những bộ phận khai sáng trong xã hội. Những người này không chấp nhận cái hiện trạng đó, không sẵn sàng đi theo mô hình Iran. Và cũng nhiều người dân bình thường không thích thú đường lối này. Họ muốn đi nhảy, họ muốn có những hộp đêm có phụ nữ cởi trần. Mươi năm qua họ đã quen với những thứ đó. Putin từng đảm bảo và không đụng đến tự do cá nhân. Ai muốn sống kiểu gì thì cứ việc sống kiểu đó: Ai thích làm điếm thì làm điếm. Ai thích đi tu thì đi tu.

Trong nội bộ Nhà thờ Chính thống giáo cũng có những tiếng nói phê phán vụ án xử Pussy Riot. Vì sao họ không giành được phần thắng?

Những người cực đoan vây quanh Đại Giáo trưởng đã thắng. Họ đã chớp được cơ hội. Ban đầu Nhà thờ còn do dự, nhưng sau đó thì quyết định không tha thứ mà trừng phạt. Như vậy là Nhà thờ đã không chọn hòa bình mà chọn thanh kiếm từ những lời giáo huấn của Thiên chúa giáo. Không chọn giải pháp hòa giải, mà chọn giải pháp triệt tiêu những cô gái này về mặt đạo đức.

Matthias Schepp thực hiện cuộc phỏng vấn này tại Moskva.

Bản tiếng Đức: Spiegel Online 17.08.2012

Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra