Khám phá bản sắc Việt trong tranh dân gian

Tranh dân gian là một trong những di sản văn hoá, lưu giữ và phản ánh sắc thái, phong tục, tập quán mỗi vùng miền, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hoá nhưng rất đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Các dòng tranh dân gian Việt Nam hết sức phong phú như: Tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ), Làng Sình (Huế), tranh thờ miền xuôi, tranh thờ của các đồng bào vùng cao dân tộc Dao, Cao Lan, Tày, Nùng… Loại hình nghệ thuật độc đáo này phản ánh không gian sống thường nhật bằng nhiều góc nhìn và kỹ thuật thể hiện đa dạng. Mỗi tác phẩm dân gian mang tới người xem nét trong sáng của con người với cuộc sống, những câu chuyện lịch sử, những ước nguyện về hạnh phúc, tín ngưỡng cộng đồng, hay vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc…

Chiều dài lịch sử, tâm hồn và tài hoa của những nghệ nhân dân gian Đông Hồ đã tạo tác nên những mảng màu, nét bút tinh tế, gợi cảm trong tác phẩm “Gà thư hùng”.

“Trẻ con chơi rồng rắn” – tranh Hàng Trống. Đó là bản giao hưởng giữa cái thực
của đời sống với cái thần trong tư duy mỹ cảm.

Phương pháp tạo hình nổi bật của tranh dân gian được nhiều nghệ nhân quan tâm là tạo sự phong phú bằng những sắc màu tươi sáng và kỹ thuật đồ họa truyền thống.

Những câu chuyện lịch sử được diễn đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, trong sáng
trong tác phẩm tranh Đông Hồ – “Hai Bà Trưng – Bà Triệu”.

Tác phẩm mỹ thuật dân gian tái hiện những chiến công hiển hách của dân tộc.

Điển tích văn học được chuyển tải sinh động vào tranh Hàng Trống.

Ông Hoàng cưỡi cá – Tranh Hàng Trống.

Tín ngưỡng dân gian là một trong những chủ đề chủ đạo của các dòng tranh dân gian.
Trong ảnh là bức tranh “Tứ Phủ” của dòng tranh Hàng Trống.

Tranh thờ của đồng bào các dân tộc vùng cao với những chất liệu hoàn toàn từ thiên nhiên
tạo nên một bản sắc riêng, đại diện cho từng dân tộc.

Tranh Tết và tranh thờ được phát triển qua các thời kỳ, vừa tiếp nhận những ưu điểm của các dòng tranh khác trong khu vực trên cơ sở dân tộc hóa, làm phong phú thêm bản sắc của mình.

Toan tính của người Thái trong cuộc thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam

Bạch Dương / vnExpress
Những thương hiệu bán lẻ ăn sâu vào thói quen mua sắm của người Việt đang lần lượt rơi vào tay các đại gia Thái Lan.

Đầu năm 2016, các đại gia Thái đang liên tục đẩy mạnh tốc độ thâu tóm hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ của Việt Nam. Mới đây nhất, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan – Charoen Sirivadhanabhakdi – tuyên bố muốn mua lại thương hiệu Big C. Chủ thương hiệu này là Casino Group (Pháp) từng đề cập đến việc bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam – thị trường mà Casino không coi là trọng điểm.

toan-tinh-cua-nguoi-thai-truoc-cuoc-thau-tom-mang-phan-phoi-tai-viet-nam

Tỷ phú Thái Lan vừa ngỏ ý mua lại chuỗi bán lẻ Big C.

BJC cũng vừa công bố chi gần 880 triệu USD mua lại hệ thống 19 cửa hàng bán buôn và các danh mục đầu tư bất động sản liên quan thuộc Metro Cash & Carry Việt Nam. Nếu thương vụ thành công, BJC sẽ nắm trong tay hai hệ thống bán lẻ lớn bậc nhất và có lịch sử nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam. Hãng này cũng đã đầu tư vào chuỗi siêu thị Family Mart (nay đổi tên thành B’s Mart).

Trước đó, Power Buy – đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat – đã mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) – đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Đại gia này chính là chủ của chuỗi siêu thị Robins tại Việt Nam với mục tiêu phân phối hàng Thái tại Hà Nội và TP HCM.

Dưới góc độ thương hiệu, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Le Group – cho rằng các đại gia Thái Lan đã đi một nước cờ khá hay. Với cách này, họ có thể giảm bớt kinh phí xây dựng một thương hiệu mới từ đầu, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức. Thêm vào đó, để xây dựng một thương hiệu bán lẻ mới, trong môi trường đã có nhiều thương hiệu lớn thì sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Việc có một giấy phép kinh doanh mới trong lĩnh vực bán lẻ với các đại gia nước ngoài rất phức tạp và khó khăn.

Những thương hiệu mà các đại gia Thái Lan chọn mua đều rất lớn và có lịch sử lâu năm. Ví dụ, Metro có mặt tại Việt Nam từ năm 2002 và BigC từ năm 1998. Những thương hiệu này có hệ thống phân phối trải dài khắp đất nước, đã trở thành thói quen, ăn sâu vào tâm thức tiêu dùng của người Việt.

“Người Thái chọn cách ngắn nhất để đến thành công, đó là đầu tư một số tiền lớn ngay từ ban đầu. Không chỉ người Thái mà rất nhiều các nhà tài phiệt của kinh tế thế giới cũng chọn cách này”, ông Vinh cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội – ông Vũ Vinh Phú – lại lo lắng hơn về tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị sẽ giảm sút sau khi kênh phân phối bán lẻ, bán buôn lần lượt vào tay các đại gia Thái Lan.

“Chắc chắn tỷ lệ 80% hàng Việt trong các siêu thị sẽ tụt xuống, nội lực mình yếu thì phải chịu thua thôi. Tỷ phú Thái Lan khi mua Metro đã tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái trong các siêu thị. Chưa cần đến người Thái thâu tóm, hiện nhiều siêu thị ở Hà Nội đã nhập hàng Thái về bán. Trong kinh doanh ai nắm được kênh phân phối thì người đó sẽ thắng”, ông Phú nhấn mạnh.

Theo đó, trước đây Big C trong tay người Pháp, Metro của người Đức, doanh nghiệp không quá lo lắng trước việc hàng Đức hay hàng hoá của Pháp lấn át hàng Việt là bởi khoảng cách địa lý khá xa, vị thế hàng hoá của họ ở một đẳng cấp khác so với hàng Việt, cơ cấu kinh tế không đồng nhất.

Đến khi kênh phân phối vào tay người Thái, ông Phú lại cho rằng đó là một nguy cơ bởi hàng Thái có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt. Khoảng cách địa lý gần cùng những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ làm cho hàng Thái nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đang nhập khẩu từ Thái Lan đủ các loại mặt hàng từ những chiếc ôtô đắt tiền đến hạt muối, gia vị ăn hàng ngày. Kim ngạch nhập khẩu 11 tháng từ Thái Lan đạt 7,5 tỷ USD. Trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái chỉ chừng 2,9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đang nhập siêu khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ 2014.

Nhiều mặt hàng Thái Lan đã vươn lên vị trí dẫn đầu xuất khẩu vào Việt Nam như ôtô, rau quả-nông sản. Luỹ kế 11 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 23.516 ôtô nguyên chiếc các loại từ Thái Lan.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, người Thái đang biết tận dụng lợi thế của việc miễn giảm thuế quan trong AEC. Việc hàng Thái tràn vào Việt Nam trước hết giúp người tiêu dùng lợi vì được tiếp cận và mua những sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng. Đồng thời, hàng Thái lấn sân cũng tạo ra sức ép tốt cho doanh nghiệp Việt phải cải cách, cạnh tranh và vươn lên. Nếu không có cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ không chịu cải tiến cứ mãi ì ạch.

Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng đây cũng là một thách thức thực sự cho kinh tế Việt Nam nếu không cởi mở, cải cách toàn diện thì doanh nghiệp sẽ lâm vào khó khăn.

Ông Vũ Vinh Phú cũng nhận định đây là một thách thức lớn với doanh nghiệp. Để chống lại xâm lấn của hàng Thái, doanh nghiệp không còn cách nào khác phải liên kết, cải cách toàn diện cho ra những hàng hoá có chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành. “Không thể kêu gọi người Việt dùng hàng Việt khi sản phẩm không tốt và giá cũng không hợp lý”, vị này khẳng định.

Mới đây, hãng tin Nikkei (Nhật) cũng cho rằng hàng Thái đang từng bước hất cẳng hàng Trung Quốc tại Việt Nam. Theo đó, số lượng các cửa hàng tiêu dùng chuyên bán hàng Thái xuất hiện tại Hà Nội và TP HCM ngày càng lớn với mức độ cạnh tranh hơn. Nhận thấy hàng hóa Thái đang bán chạy, nhiều hãng bán lẻ đang hoạt động tại Việt Nam như Aeon, BigC và Lotte Mart đã tăng cường tỷ lệ hàng Thái.

Hãng tin này nhận định, đối với các doanh nghiệp Thái, cơ hội làm ăn tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi hàng rào thuế quan trong AEC dần được gỡ bỏ.

‘Trung ương giới thiệu chưa chắc trúng’

Đại hội XII sẽ khai mạc vào tuần tới

Trước khi Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc vài ngày, dư luận trong nước hết sức chú ý chủ đề nhân sự.

Dàn lãnh đạo cao nhất của Đảng được trông đợi sẽ ra mắt vào đại hội XII, bế mạc ngày 28/1.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14, kết thúc hồi tuần trước, Ban Chấp hành Trung ương được cho là đã thông qua và chốt lại danh sách đề cử cho các vị trí chủ chốt, kể cả vị trí Tổng bí thư.

Báo Tiền Phong hôm 16/1 đăng phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hà, hàm vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, trong đó ông Hà đưa ra quan điểm: “Vừa rồi Trung ương mới chỉ quyết định giới thiệu các đồng chí đủ điều kiện ứng cử, tức là có danh sách đề cử ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Căn cứ vào đó Đại hội XII sẽ tiếp tục đề cử, ứng cử”.

“Như thế bỏ phiếu quyết định trúng hay không trúng vẫn là Đại hội, chứ không phải cứ Trung ương giới thiệu là đã trúng, vì bầu có số dư.”

Dường như ý kiến này bác bỏ dư luận cho rằng sắp xếp nhân sự cao nhất của Đảng “đã an bài” sau Hội nghị 14.

Ngay sau khi hội nghị cuối cùng của Ban chấp hành Trung ương khóa XI kết thúc, các mạng xã hội và “báo lề trái” ồn ào và rối loạn thông tin về nhân sự, nhất là sau khi một số blogger được cho là thuộc giới thạo tin đưa ra các dự đoán của mình.

Các luồng dư luận cũng bàn tán nhiều về một số “trường hợp đặc biệt” tái cử, mà theo họ có thể bao gồm cả vị trí Tổng bí thư.

Đáp lại điều này, ông Nguyễn Đức Hà, thành viên tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nói “việc xem xét các trường hợp “đặc biệt” là cần thiết để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới”.

Ông cũng cho biết: “Những trường hợp “đặc biệt” thuộc nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư được xem xét kỹ hơn những trường hợp Ủy viên Trung ương “đặc biệt” tái cử”.

Tuy nhiên không rõ có bao nhiêu “trường hợp đặc biệt” tái cử trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Đại hội XII bắt đầu ngày 20/1 với một ngày trù bị trước khi khai mạc chính thức.

Đại hội lần này có sự tham gia của 1.510 đại biểu đại diện cho 4 triệu rưỡi đảng viên CS trong toàn quốc.

Thông điệp gửi ĐH12: ‘Không thể không cải cách!’

BBC

TS Vũ Cao Phan

Nhà nghiên cứu, Đại học Bình Dương

Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản khai mạc chính thức ngày 21/01/2016. Photo: EPA

Hội nghị TW lần thứ 14 của Đảng kết thúc, không ít người nói rằng họ đã thở phào nhẹ nhõm.

Người viết những dòng này không có được cảm giác vậy, mà với một đêm ít nhiều trằn trọc.

Đâu thật sự là vấn đề khiến dư luận dành nhiều quan tâm đến các Hội nghị TW cũng như Đại hội 12 của Đảng?

Dường như là vấn đề nhân sự, dường như là vấn đề ai sẽ đứng đầu Đảng? Đúng , mà không phải – nó chỉ phải về mặt hình thức.

Tôi đã không chỉ một lần nói rằng ở đất nước mình bây giờ, ai làm Tổng Bí thư, ai làm người đứng đầu Đảng – nghĩa là người thực chất đứng đầu quốc gia theo Điều 4 của Hiến pháp – cũng được.

Là bởi vì không có khuôn mặt nào thực sự nổi bật trong số những người đang xếp hàng hay cố gắng chen lên.

Đất nước cần ai?

Mà đất nước này cần ai. Cần người thật lòng quả cảm, thực trí thực tài, toàn tâm toàn ý vì nhân dân, vì Tổ quốc. Không thấy. Chưa thấy.

H1Việt Nam cần ‘cải cách hơn nữa’ và ‘thay đổi triệt để’, tự làm ‘cách mạng’ với bản thân nếu muốn chống tham nhũng thực sự, theo tác giả. Photo: Getty

Có một vấn nạn làm đau lòng đất nước, và choán nhiều tâm trí của Đảng suốt nhiều năm qua thì như là bỗng nhiên, đã không dành được mấy sự chú ý của dư luận, ngay ở các Hội nghị TW của Đảng gần đây: câu chuyện tham nhũng và chống tham nhũng.

Vẻ như người ta thối chí rồi. Càng chống, tham nhũng càng dày lên, càng được bao bọc chặt chẽ.

Tám vụ án điểm được bày ra vẫn chỉ nhắm vào chuột, chưa thấy đâu cầy cáo, nói chi đến báo hùm.

Trong tinh thần ấy, hai thành phố lớn nhất, nhiều vấn đề nhất đất nước tự ra thông báo rằng nơi họ không hề có tham nhũng trong suốt cả năm 2015. Vấn đề không phải là biết tin ai mà là không thể làm được gì.

Ông Nguyễn Phú Trọng có thể là một người thật lòng muốn triệt để chống tham nhũng bởi vì ông biết, con trùng này sẽ phá nát Đảng từ bên trong mà không thể biện hộ (đó mới chính là kiểu “tự diễn biến” nguy hiểm nhất).

Ông Trọng từng có một Hội nghị TW 4 và nhiều lời nói thể hiện sự quyết tâm của mình (ít nhất cũng gấp mươi lần người tiền nhiệm).

Nhưng cũng chỉ dừng lại như vậy, ông cũng chưa thể làm được gì. Ông vướng cơ chế, ông vướng thể chế, ông vướng chính đồng chí của ông.

Và ông loay hoay tiến thoái lưỡng nan “sợ làm vỡ bình” (bình nào vậy?).

Thông điệp khách quan

H1Tham nhũng chính là một hình thức của ‘tự diễn biến’ trong Đảng, và cuộc chiến chống tham nhũng của ĐCSVN đã đang gặp bế tắc lâu nay, theo tác giả.

Thì đây, cái thông điệp khách quan nhất được rút ra từ những cuộc bỏ phiếu (bỏ phiếu ở các Hội nghị TW và “bỏ phiếu” bởi dư luận) chính là:

Phải cải cách hơn nữa, phải có sự thay đổi triệt để, phải mạnh dạn làm cách mạng chính mình nếu muốn chống được tham nhũng.

Bài học từ những năm tháng đổi mới vừa qua (mà Đảng đang chuẩn bị kỷ niệm) đã chỉ rõ:

Rất nhiều những tín điều mà chúng ta từng tin sái cổ đã bị hiện thực bác bỏ, đã bị đánh bật không còn chỗ ẩn nấp, vậy thì tại sao chúng ta không thể đổi mới triệt để hơn nữa, kiên quyết hơn nữa?

Một thể chế mà đụng chỗ nào tham nhũng chỗ ấy; chỉ một việc không lớn là minh bạch hóa tài sản (một cách thực chất) cũng không làm nổi; chỉ một việc ai cũng mười mươi biết là ở bất cứ nơi nào trên đất nước này người ta cũng phải bỏ vài trăm triệu cho một xuất gõ đầu trẻ.

Biết mà không thể chỉ ra khiến tham nhũng cười ngạo nghễ… thì xin hỏi, có nên tồn tại?

Người viết không kêu gọi một cuộc đổi tên Đảng, tên nước, cũng không kêu gọi bỏ rơi mục tiêu Xã hội chủ nghĩa nếu những điều này vẫn còn có ích (theo một cách nào đó);

Nhưng không thể không đòi hỏi phải cải cách, phải đổi mới hơn nữa, phải có một thể chế đủ đảm bảo tuyệt đối: luật pháp đứng trên tất cả.

Bài viết thể hiện quan văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà quan sát chính trị từ Đại học Bình Dương, gửi đến BBC từ Hà Nội, hưởng ứng Chuyên đề “ Viết về Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12“. Mời quý vị tham khảo thể lệ gửi bài tại đây. Bài vở, ý kiến cho chuyên mục, diễn đàn này, xin mời quý vị gửi về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk

Trung Quốc phải chăng chỉ khủng hoảng về kinh tế?

Ông Nguyễn Gia Kiểng trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành

Lời giới thiệu: Trung Quốc nuôi mộng vượt qua mặt Hoa Kỳ để thành cường quốc số 1 của thế giới. Mục tiêu đó chưa đạt được nhưng một tiêu khác đạt được: Trung Quốc đã là nước lôi kéo nhiều chú ý nhất trong tuần lễ đầu tiên của năm 2016. Ngày 04-01-2016, ngày đầu tiên trong năm 2016, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phải đóng cửa sau nửa ngày hoạt động vì sụt giá hơn 7%. Ngày thứ năm 07-01 lại phải đóng chỉ sau 15 phút niêm yết vì cũng bị sụt giá hơn 7%.

Trung Quốc còn được đặc biệt chú ý sau khi chế độ cộng sản Triều Tiên, tức Bắc Cao Ly, cho nổ trái bom Hydro đầu tiên ngày 06/01. Mọi con mắt của thế giới đổ về Trung Quốc bởi vì Trung Quốc được coi là quan thày cấp dưỡng của chế độ quái dị này. Chưa hết, cùng với năm 2016 những máy bay đầu tiên của Trung Quốc đáp xuống đảo đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã đánh chiếm của Việt Nam từ năm 1988. Trong suốt năm qua Trung Quốc đã thực hiện những công trình xây dựng rất lớn trên các đá đã chiếm của Việt Nam, biến các đá nhỏ này thành những đảo nhân tạo lớn với dụng ý lộ liễu là tăng cường sự hiện diện tại quần đảo này và giành thế áp đảo trên Biển Đông. Đặc biệt trên đá Chữ Thập Trung Quốc đã xây một phi trường với bãi đáp dài 3.000m.

Từ Paris, ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã trả lời một cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành về những biến động do Trung Quốc gây ra. Sau đây là tóm lược những phát biểu chính. Độc giả có thẻ nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn này dưới đây:

Trần Quang Thành: Xin chào ông Nguyễn Gia Kiểng.

Nguyễn Gia Kiểng: Xin chào ông Trần Quang Thành.

TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng, Vào nửa đầu tháng Giêng năm 2016 này tình hình ở Trung Quốc và 2 nước lân bang của Trung Quốc có nhiều vấn đề khiến thế giới quan tâm.

Tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thẩm Quyến đang sụt giảm nghiêm trọng và có ngày phải đóng cửa. Ô nhiễm mội trường đến mức nghiêm trọng đang dẫn đến hàng nghìn xí nghiệp có nguy cơ phải phá sản. Trung Quốc cải tổ quân sự. Còn ở hai nước lân bang thì phía Đông Bắc Á Bắc Hàn thử thành công bom khinh khí, còn nước 4 tốt của Trung Quốc là Việt Nam ở Đông Nam Á sau một năm đấu đá nhau kịch liệt đang chuẩn bị bước vào đại hội Đảng lần thứ 12. Ông Nguyễn Gia Kiểng có bình luận gì về Trung Quốc và hai nước lân bang này ạ ?

NGK: Trước hết tôi xin có một nhận xét về sự khác biệt giữa Việt Nam và Triều Tiên. Mặc dầu hai nước lệ thuộc Trung Quốc rất nặng nề, nhưng mức độ nặng nề đó khác nhau. Việt Nam thì ban lãnh đạo muốn lệ thuộc Trung Quốc để tồn tại nhưng một phần quan trọng trong đảng cầm quyền – đảng cộng sản – và gần như toàn bộ nhân dân Việt Nam không muốn tình trạng đó. Cho nên mức độ lệ thuộc Trung Quốc khác nhau. Tôi nghĩ là trong một tương lai không xa Việt Nam sẽ không còn lệ thuộc Trung Quốc nữa. Mức độ lệ thuộc Trung Quốc sẽ một ngày một giảm đi. Không giống như chế độ ở Triều Tiên, một chế độ vô lý ở mức mà người ta không thể nghĩ là nó có thực. Vậy thì phải xét bản chất của nó.

Chúng ta nên nhớ lại thời chiến tranh Triều Tiên. Vào mùa hè 1950, chế độ Bắc Triều Tiên mở cuộc tổng tiến công hòng thôn tính quốc gia Nam Cao Ly, bây giờ gọi là Hàn Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn họ đã đẩy lùi được quân đội Hàn Quốc xuống tận cùng phía Nam. Nhưng sau đó gặp sự phản công rất mạnh của quân đội Liên Hợp Quốc, chủ yếu là Hoa Kỳ. Trong một thời gian rất ngắn quân đội Bắc Triều Tiên hầu như đã bị tiêu diệt và khi bị dồn tới tận sông Áp Lục thì chỉ còn khoảng 10 ngàn người mà thôi. Lúc đó Trung Quốc đã quyết định nhảy vào cứu vãn chế độ Triều Tiên. Họ đã gửi gần 2 triệu quân.

Phải nói là quân đội Triều Tiên từ đó thuần túy là quân đội Trung Quốc. Và sau đó họ đỡ đầu chế độ Triều Tiên, sử dụng Triều Tiên như một căn cứ quân sự, một phần của họ, để làm những điều họ không muốn thế giới buộc tội họ vì đã làm. Nhưng dần dần thế giới cũng đã nhìn ra. Càng ngày càng có nhiều quan sát viên, nhiều chính phủ nhận định những việc chế độ Triều Tiên làm thực ra là làm theo chỉ thị ngầm của Trung Quốc. Cho nên khi chế độ Triều Tiên thử bom khinh khí – bom hydrogen – người ta nhìn vấn đề như là chính Trung Quốc thử trái bom đó, mượn tay bắc Triều Tiên để làm áp lực với thế giới. Càng ngày càng có những lập luận buộc tội Trung Quốc. Cho nên tôi nghĩ trong tương lai tình thế có lẽ sẽ khó khăn hơn cho Trung Quốc vì họ không còn giấu giếm và đánh lừa được dư luận thế giới nữa.

Bây giờ trở lại vấn đề thị trường chứng khoán của Trung Quốc. Quả nhiên nó rất trầm trong. Hai tuần lễ đầu năm nay thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 15%. Riêng tại Thẩm Quyến là trung tâm công nghiệp của Trung Quốc thị trường chứng khoán giảm 24%.

Từ đó chúng ta có thể rút ra một vài kết luận :

– Một là kinh tế Trung Quốc suy sụp một cách không thể đảo ngược được. Đây không phải là lần đầu tiên. Trong sáu tháng qua thế giới đã sống trong sự hồi hộp của sự xuống giá của thị trường chứng khoán Trung Quốc ở Thẩm Quyến cũng như ở Thượng Hải.

– Kết luận thứ hai nó cũng có phần quan trọng của nó là nền công nghiệp Trung Quốc sụp đổ; đó là vì nhiều xí nghiệp công nghiệp Trung Quốc chủ yếu được niêm yết giá tại thị trường Thẩm Quyến mà thị trường Thẩm Quyến trong 2 tuần sút giảm 24%. Như vậy là sự sụt giảm quan trọng. Nền kinh tế Trung Quốc cho đến ngày hôm nay có thể tóm tắt một câu là họ dựa trên sản xuất và nhân công rẻ, thực tế là họ xuất khẩu sự nghèo khổ mà chính đảng cộng sản đã là nguyên nhân. Nhưng chính sách đó ngày hôm nay đã thất bại.

Người ta đã nói nhiều tới sự suy sụp của Trung Quốc, vào giờ này tôi nghĩ không còn ai ngờ vực rằng sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc không thể đảo ngược được nữa.

Nói về trường hợp Việt Nam tôi cũng xin nói thêm về tình trạng rất mới nhân sự kiện Trung Quốc gửi các chuyến bay đến quần đảo Trường Sa. Trên 50 chuyến bay của họ đã đáp lên đảo Chữ Thập, một đảo đá họ đã chiếm được của Việt Nam và biến thành một phi trường lớn. Sự kiện này rất nghiêm trọng. Chúng ta đã để cho họ xây căn cứ ở đó thì tất nhiên có ngày máy bay của họ sẽ đáp xuống. Trong tương lai nó có thể là một căn cứ về hàng hải, nhưng cũng có thể nó là môt căn cứ quân sự. Nó sẽ làm thay đổi hẳn những dữ kiện về địa lý chính trị trong vùng. Nó đe dọa một cách nghiêm trọng hải phận của Việt Nam cũng như không phận của Việt Nam.

Một lần nữa chúng ta cần nhắc lại trước năm 1988 Trung Quốc không có hiện diện tại Trường Sa. Trung Quốc chỉ có mặt ởTrường Sa sau khi đã đánh chiếm sáu đảo của Việt Nam. Tôi đã có bài phân tích và nhiều người đã phân tích là cuộc đánh chiếm sáu đảo đá của Việt Nam tại Trường Sa thực ra nó là một sự dàn cảnh của ban lãnh đạo lúc đó do bộ ba Nguyễn Văn Linh – Lê Đức Anh – Đỗ Mười, nhưng chủ yếu là Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh. Họ đã chủ trương dâng một phần quần đào Trường Sa cho Trung Quốc để đổi lấy ơn huệ được lệ thuộc Trung Quốc. Chúng ta đừng quên là quân đội Trung Quốc chỉ đánh chiếm chính thức những đảo này vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1988. Nhưng họ đã đem hải quân đến đó từ tháng Giêng mà Việt Nam không hề có một phản ứng nào hết, và sau khi họ tấn công đánh chiếm sáu hòn đảo tàn sát 74 chiến sĩ hải quân của Việt Nam thì chính quyền Việt Nam chỉ ra một cái thông cáo phản đối chiếu lệ rất ngắn ngủi và sau đó một hai tháng bộ chính trị họp tuyên bố từ này Trung Quốc là bạn. Hiến pháp Việt Nam được sửa đổi để bỏ lời nói đầu coi Trung Quốc là thù địch. Như vậy chúng ta thấy có một sự kiện rất nghịch lý là Trung Quốc trở thành bạn của Việt Nam sau khi xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, đánh chiếm sáu hòn đảo của Việt Nam, tàn sát hải quân của Việt Nam.

Cũng đừng quên là trong khi Trung Quốc đánh chiếm có một sự kiện quân sự rất đáng chú ý là Lê Đức Anh đã ra lệnh cho không quân không được can thiệp. Sự thật lúc đó nếu không quân Việt Nam can thiệp thì có thể tiêu diệt được lực lượng hải quân rất sơ sài của Trung Quốc trong nháy mắt. Sở dĩ Trung Quốc đã chiếm được là vì chính quyền cộng sản Việt Nam, những người cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam đã âm mưu để cho Trung Quốc chiếm. Cho nên ngày hôm nay chúng ta thấy tình trạng trong tương lai rất phức tạp thì húng ta phải nhắc tới trách nhiệm rất nặng nề của Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh. Có lẽ theo tôi, trong thế kỷ 20 này đó là hai người có tội nặng nhất đối với đất nước Việt Nam.

TQT : Người ta chứng kiến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Họ có ba thập niên liên tục tăng trưởng tới 10%. Rồi 5 năm gần đây tuy mức tăng trưởng nó có khựng lại nhưng vẫn là mức 7%. Mức này phải nói rằng nhiều nước mơ mà không được. Phải chăng những con số Trung Quốc đưa ra là ảo. Thực trạng kinh tế Trung Quốc hiện nay là thế nào thưa ông ?

NGK : Trước hết chúng ta đừng nên quên Trung Quốc vẫn là một chế độ cộng sản và đặc tính của mọi chế độ cộng sản là họ bưng bít sự thật. Họ đưa ra những con số dối trá. Nhiều khi dối trá một cách lộ liễu.

Thí dụ năm 2014, ngoại thương của Trung Quốc, xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đã giảm 11% trong khi con số tăng trưởng của Trung Quốc vẫn là 7,5%. Đối với một người có một chút lý luận câu hỏi đặt ra là làm thế nào một nền kinh tế chủ yếu đặt nền tảng trên xuất khẩu lại có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng 7,5% trong khi mức xuất nhập khẩu giảm 11% ? Không thể có. Thực trạng này nó khiêu khích lô-gich nhiều quá, cho nên có một công ty tư vấn về tài chính tại Anh là công ty Lombard Street đã dùng những con số của chính Trung Quốc để tính lại một cách đúng đắn và thấy tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ là 1,7% thôi. Nhưng ngay cả con số 1,7% này cũng không thể tin được vì khi xuất khẩu đã giảm sút nặng nề đến như vậy thì tăng trưởng kinh tế làm gì có, kinh tế phải suy thoái thôi. Những con số của Trung Quốc không đáng tin chút nào.

Đầu tháng 4/2014 tôi có viết bài « Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang trang » tôi đã phân tích rằng tình hình kinh tế Trung Quốc không có thuốc chữa. Nhận xét của tôi có lẽ nó không nghiêm khắc bằng nhận xét của ông Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc. Cũng vào giai đoạn đó ông Lý Khắc Cường nói rằng : « Từ nay chúng ta phải tuyên chiến với mô hình kinh tế và nếp sống của chúng ta », một lời tuyên bố rất nặng nề. Khi nói tuyên chiến với một cái gì đó người ta phải coi nó là thù địch. Ông Lý Khắc Cường tuyên bố mô hình kinh tế của Trung Quốc sai hoàn toàn. Nói chung từ trước đến giờ nó đặt trên nền tảng sản xuất tối đa với giá thật rẻ để xuất khẩu được nhiều. Nói cách khác họ xuất khẩu sự nghèo khổ mà hính họ là nguyên nhân. Thế nhưng mà làm như thế cũng không được về mặt kỹ thuật và kinh tế thuần túy; ngay cả nếu chúng ta bỏ qua khía cạnh chính trị và nhân đạo mô hình đó vẫn là sai. Lý do là vì từ trước đến nay một nền kinh tế lành mạnh luôn luôn phải đặt nền tảng trên một thị trường nội địa lành mạnh. Đó là điều anh em chúng tôi trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định. Vào năm 2001, khi mô hình Trung Quốc được cả thế giới ca tụng, anh em chúng tôi có đưa một dự án chính trị Thành Công Thế Kỷ 21 trong đó chúng tôi đã nhận định mô hình Trung Quốc là rất sai. Đó là mô hình bất chấp con người, bất chấp môi trường và bất chấp cả các qui luật kinh tế. Trong thảo luận anh em chúng tôi còn nói nếu mô hình tăng trưởng của Trung Quốc mà đúng thì phải dẹp hết các trường đại học về kinh tế và hủy bỏ hết các cuốn sách kinh tế. Ngày hôm nay rõ ràng mô hình dựa trên xuất khẩu không thể tiếp tục được. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008 Trung Quốc đã cố gắng phát triển thị trường mội địa. Đây là một cố gắng theo chiều hướng đúng nhưng rất khó khăn. Đặc tính của thị trường nội địa là mình không thể phát triển nó một cách đột ngột như phát triển xuất khẩu được mà phải phát triển nó một cách đều đặn, tuần tự và với nhiều cố gắng kiên nhẫn và liên tục. Nhưng điều đó Trung Quốc không làm. Trung Quốc cho rằng muốn tăng cường thị trường nội địa phải tăng lương cho công nhân để công nhân có tiền mua sắm. Nhưng người công nhân Trung Quốc không được bảo đảm về sức khỏe cho nên khi có được một phần gia tăng về lương bổng thì họ dùng số tiền mới có thêm được để dành, phòng mỗi khi yếu bệnh. Cho nên chính sách phát triển thị trường nội địa một cách nhanh chóng của Trung Quốc đã thất bại. Nó chỉ đưa đến kết quả ngược lại là làm giá cả các hàng hóa của Trung Quốc trở thành đắt đỏ và khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm lại càng giảm đi nhanh hơn. Chính sách phát triển thị trường nội địa tuy vẫn phải tiếp tục nhưng không thể thực hiện dễ dàng như họ nghĩ. Từ đầu mùa hè năm 2014 họ đưa ra một chiến dịch mới để thay thế cho một chiến dịch họ vẫn làm từ trước tức là dùng chi phí công cộng và dùng những công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, dùng các công trình xây dựng bất động sản. Trong một thời gian họ đã giấu được sự suy thoái nhưng cuối cùng họ đã tạo ra những thành phố ma, những chung cư không có người ở, những đường cao tốc không có xe chạy; cuối cùng khiến số nợ công của Trung Quốc gia tăng lên một cách đáng sợ.

Từ mùa Hè năm 2014 họ có một tham vọng mới, đó là biến Thượng Hải và Thẩm Quyến thành những trung tâm tài chính quốc tế tương đương với New York và London. Kết quả là một năm sau, năm 2015, chúng ta chứng kiến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Thượng Hải. Và đầu năm nay sau khi Trung Quốc đã bỏ ra hàng trăm tỷ đô la để cứu vãn thì chúng ta thấy thị trường Trung Quốc nó đi vào một giai đoạn suy thoái mới. Lần này Trung Quốc tuyên bố bỏ cơ chế đóng cửa ở thị trường chứng khoán tự động, nghĩa là cứ để cho thị trường chứng khoán từ từ mà sụt xuống, còn nếu muốn cố gắng cứu vãn thì bơm thêm tiền vào mua những cố phiếu bị đe dọa cứu được phần nào hay phần đó. Nhưng tôi thấy đây chỉ là một sự đầu hàng. Cái gì vừa xảy ra đúng là chứng tỏ thị trường chứng khoán Trung Quốc không cứu vãn nổi và nền kinh tế Trung Quốc nói chung không có lối thoát.

TQT: Cũng trong bài « Khi Thiên triều sụp đổ, và lịch sử sang trang » ông có nói là vấn đề kinh tế không phải là nghiêm trọng lắm đối với Trung Quốc mà vấn đề nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng, đối với Trung Quốc là vấn đề môi trường và chính trị.Tại sao lại như vậy và những nhận định ấy bây giờ còn đúng không thưa ông?

NGK: Bây giờ còn đúng hơn trước, thưa ông Trần Quang Thành. Chúng ta không nên quên là trong tháng 12, tháng cuối cùng của năm 2015, Bắc Kinh đã phải đóng cửa các nhà máy, đóng cửa các trường học, các công sở trong vòng một tuần lễ. Các hoạt động ở Bắc Kinh ngừng trệ trong vòng một tuần lễ là vì ô nhiễm của không khí đã đạt đến mức độ không thể chịu đựng được nữa. Muốn hiểu rõ hơn tình hình bi đát của môi trường Trung Quốc chúng ta hãy tham khảo một vài con số do Tổ Chức Y Tế Thế Giới đưa ra. Mức độ không khí bình thường là từ 10 đến 12 microgram/m3 hạt mịn. Hạt mịn là những hạt cực nhỏ có thể chui vào vào phổi vì đường kính dưới 2,5 micron. Nó chui vào trong phổi làm cho phổi cứng người ta không thở được nữa và nó có thể làm người ta chết vì ung thư hoặc chết vì không thở được nữa.

Theo tổ chức Y Tế Thế Giới mức độ không khí bình thường là từ 10 đến12 microgram hạt mịn trong một mét khối. Mức độ được cho là nguy ngập đến tính mạng là 25 microgram/m3. Nhưng ở Trung Quốc những ngày nào tốt là 80 microgram/m3. Có ngày nó lên tới 200 microgram/m3. Ở tỉnh Hà Bắc có ngày lên tới 1.400 microgram/m3, tức là gần 60 lần mức độ nguy hiểm chết người. Phải nói là tình hình ô nhiễm không khí ở Trung Quốc ghê gớm lắm.

Nhưng đó không phải là tất cả. Trung Quốc cũng là một nước rất thiếu nước. Hiện nay quá nửa các dòng sông ở Trung Quốc không có nước nữa. 400 thành phố hoàn toàn không có nước trên bề mặt phải hút nước từ lòng đất lên để dùng. Chiều sâu để hút được nước ngày càng xuống. Ở các tỉnh như vùng Tân Cương, Sơn Tây phải đào sâu xuống gần 100 mét mới hút được nước lên. Tình trạng nước ở Trung Quốc rất nguy ngập. Đất nước Trung Quốc đang bị phá hủy. Đây là hậu quả chính sách của Trung Quốc trong hơn 30 năm qua trong đó Trung Quốc đã kỹ nghệ hóa tối đa bất chấp môi trường, bất chấp cả con người. Cho nên ngày nay các chuyên gia trên thế giới không nhìn thấy giải đáp.

Năm 2000 Trung Quốc đã bỏ ra hơn 5 tỉ đô-la để nghiên cứu làm sao cứu được sông Dương Tử. Sau khi sài hết 5 tỉ đô-la đó các chuyên gia kết luận là không tài nào cứu được sông Dương Tử cả và mọi sự sống sẽ biến mất. Ngày nay nạn thiếu nước ở Trung Quốc có thể đưa đến nội chiến. Đã có trường hợp có những tỉnh hoặc những huyện trong một tỉnh giao chiến với nhau để giành một con sông. Có thể nói vấn đề môi trường của Trung Quốc cũng không có giải đáp.

Kể từ ngày Tập Cận Bình lên cầm quyền lại có một vấn đề nữa là cuộc khủng hoảng chính trị. Nhìn từ bên ngoài vào, có lẽ vì người Việt Nam chúng ta có quá nhiều vấn đề cho nên chúng ta không quan tấm lắm đến những vấn đề xẩy ra ở Trung Quốc. Thực ra chiến dịch chống tham nhũng mà người Trung Quốc đặt một cái tên rất ngộ nghĩnh là « Đả hổ, diệt ruồi » đã gặp phải một trở ngại không thể tưởng tượng được. Nhóm thân cận của Tập Cận Bình đã không lường trước được mức độ dữ dội của nó. Lúc này Trung Quốc đang sống trong sự nghi vấn rất lớn là chế độ có thể tồn tại như thế này được hay không ? Ông Tập Cận Bình nhân danh chống tham nhũng để phục hồi kinh tế nhưng trên thực tế đời sống nhân dân Trung Quốc đã sút giảm. Ông Tập Cận Bình có thể bị sụp đổ không phải vì ông đã làm gì sai mà vì ông thừa hưởng một di sản mà ông không thể nào cứu chữa được nữa.

Cho đến ngày hôm nay chế độ cộng sản Trung Quốc đã tồn tại dựa trên hai thỏa hiệp bất thành văn :

– Thỏa hiệp thứ nhất là nhân dân Trung Quốc chấp nhận để Đảng Cộng sản tiếp tục chế độ toàn trị và khước từ những tự do căn bản của họ, nhưng với điều kiện là chế độ này vẫn tạo ra được một sự tăng trưởng đều đặn ở mức độ rất cao. Như ông Ôn Gia Bảo thời trước đã nói nếu Trung Quốc không có tăng trưởng trên 8% thì sẽ có bạo loạn. Bây giờ thì không những không có tăng trưởng 8% mà kinh tế vẫn tiếp tục sa sút.

– Nguy cơ thứ hai về chính trị của Trung Quốc, do kinh tế mà đến, là sự ổn vững của Trung Quốc cũng dựa trên một thỏa hiệp bất thành văn thứ hai là người dân Trung Quốc chấp nhận để bị bóc lột, làm nhiều với lương rẻ để tích lũy tư bản cho các công ty có lời nhiều và dùng lợi nhuận đó tiếp tục đầu tư vào kinh tế. Nhưng bây giờ 2/3 những người giàu có của Trung Quốc có ý đồ rời bỏ Trung Quốc hoặc đã rời bỏ Trung Quốc. Nói một cách khác tư bản mà họ đã đổ mồ hôi nước mắt ra để tích lũy được cho các công ty ngày hôm nay đang đào thoát ra nước ngoài. Cho nên có một sự phản bội, phản bội về mô hình kinh tế, phản bội cả về đạo đức chính trị và về lòng yêu nước.

Cho nên Tập Cận Bình đang sống những ngày khó khăn. Tôi nghĩ hiện nay kinh tế tuy khó khăn nhưng nó không bằng hai vấn đề khác : Vấn đề trầm trọng nhất vẫn là môi trường và vấn đề trầm trọng thứ hai là đề khủng hoảng chính trị.

TQT : Ông có nói vấn đề thứ hai là trầm trọng khủng hoảng chính trị. Nhưng tôi thấy dường nhuông Tập Cận Bình đang làm chủ trong vấn đề chính trị. Ông ấy mở chiến dịch chống tham nhũng tràn khắp cả nước. Người bị đụng chạm đến không phải là những quan chức bình thường mà là giới chức cao nhất Trung Quốc kể cả ông Giang Trạch Dân cũng đang có nguy cơ. Ông đang củng cố lại quân đội theo hệ thống quản lý của Quân ủy trung ương. Ông ấy tràn ra Biển Đông chiếm các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam để làm sân bay. Máy bay hạ cánh xuống bất chấp sự phản đối. Vậy phải chăng ông ấy đang làm chủ được về chính trị ?

NGK : Theo như tôi vừa nói vì chúng ta có quá nhiều vấn đề nội bộ nên chúng ta không quan sát kỹ tình hình Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia theo dõi tinh hình Trung Quốc đều nhận định tình hình Trung Quốc rất là căng thẳng. Cố gắng của ông Tập Cập Bình càng ngày càng khó khăn.

Vấn đề là Tập Cận Bình thừa hưởng một đất nước Trung Quốc cũng tan hoang, cũng bị phân hóa từ bên trong như ông Gorbachev đã thừa hưởng ở Liên Xô năm 1985. Gorbachev đã cố gắng để cải tổ toàn diện hệ thống của Liên Xô nhưng đã không cải tổ được. Ông ấy đã thất bại, nhưng ít ra cũng đã giúp cho chế độ cộng sản Liên Xô được giải thể trong hòa bình, giúp Liên Bang Xô Viết hạ cánh an toàn, tuy cũng mất đi một số nước như Ukraine, Georgia, Khazakstan…Trái lại Tập Cận Binh từ chối những cải tổ cần thiết và đang ngày càng tích lũy nhiều khó khăn.

Điều chúng ta đáng lo ngại không phải là Trung Quốc khiêu khích trên Biển Đông hoặc khiêu khích với Nhật Bản. Chúng ta thấy gần đây họ không dám khiêu khích Nhật Bản trên hòn đảo Điếu Ngư nữa và họ cũng muốn hòa dịu với Hàn Quốc. Tại Biển Đông vì Việt Nam gần như là một nước chư hầu của họ và chấp nhận tất cả những gì họ làm nên họ còn lộng hành một tí. Nhưng tôi nghĩ tình trạng này cũng sẽ không kéo dài vì chế độ Trung Quốc đang lung lay từ bên trong theo cái lô-gich bình thường của một chế độ gần giống như một đế quốc, nghĩa là tập trung nhiều lực lượng, nhiều khối không giống nhau, không có nguyện vông sống chung, không tương đồng về mặt văn hóa, địa lý và kinh tế, sản xuất. Khi một đế quốc như vậy gặp khó khăn nó thì co cụm lại chứ nó không khiêu khích với bên ngoài.

Trái với sự lo lắng của nhiều người tôi nghĩ rằng chúng ta không phải lo sợ lắm về tình hình Biển Đông. Trung Quốc sẽ không làm tới ở một mức độ dữ dội. Tôi phải nhắc lại là do một sai lầm không thể tha thứ được của Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh họ đã có măt ở Trường Sa, họ đã xây các đảo nhân tạo trên Trường Sa, họ xây phi trường, họ sẽ hiện diện ở đó. Sự hiện diện đó có thể mạnh trong lúc đầu, nhưng mà nó sẽ không mạnh trong tương lai khi mà Trung Quốc yếu đi. Và nếu chúng ta là một nước Việt Nam dân chủ, khai thác được đầy đủ những tài nguyên của chúng ta thì chúng ta sẽ mạnh lên và sẽ buộc Trung Quốc phải có một thái độ biết điều hơn, khiêm tốn hơn ở Biển Đông. Tôi nghĩ vấn đề Biển Đông mặc dầu là một xúc phạm lớn đối với mọi người Việt Nam nhưng nếu chúng ta có được một chế độ dân chủ lành mạnh thì những vấn đề ấy cũng không đến nỗi quá phức tạp.

TQT : Nói về vấn đề Trung Quốc và Việt Nam. Tình hình Trung Quốc theo ông vấn đề mội trường là cực kỳ nguy hiểm, kinh tế thì đang suy sụp, chính trị thì đang lủng củng từ vấn đề Nội Mông, TâyTạng rồi ra Biển Đông. Những vấn đề ấy có tác động gì đến vấn đề Việt Nam hay không thưa ông ?

NGK : Tôi nghĩ là chúng ta đang chờ đợi một biến cố lớn trong chế độ Cộng sản – Đại hội XII một tuần nữa sẽ mở ra – Vào giờ này chúng ta chưa chính thức biết được những gì họ đã quyết định với nhau, chúng ta chỉ đoán thôi mà tính tôi không thích dự đoán khi mà mình không nắm được những dữ kiện cơ bản. Tôi chỉ nắm được điều đó, tôi nghĩ rằng đã có một sai lầm trong nhận định về thái độ của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc bỏ rơi ông Nguyễn Tấn Dũng vì ông Nguyễn Tấn Dũng chống Trung Quốc. Theo tôi lý do không phải như vậy. Trung Quốc không thể tìm được đồng minh nào lý tưởng hơn ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nguyễn Tấn Dũng trước hết là truyền nhân của ông Lê Đức Anh, kiến trúc sư của chính sách lệ thuộc Trung Quốc. Thứ hai là ông Nguyễn Tấn Dũng trong mười năm qua đã làm tất cả những gì mà một thủ tướng Việt Nam có thể làm để làm vừa lòng Trung Quốc. Ông đã để cho hàng hóa Trung Quốc tràn ngập vào Việt Nam như chỗ không người. Ông đã xuất khẩu một số lượng lớn hàng hóa Trung Quốc mang nhãn Made in Vietnam, đó là một trợ giúp cho Trung Quốc tuy nó cũng có lợi phần nào đối với Việt Nam, ông đã cho thuê rừng đầu nguồn, ông đã cho phép Trung Quốc thành lập những khu gần như tự trị kiểu như Vũng Áng tại Việt Nam.

Và gần đây ngày 30/4/2015 ông đã lên tiếng đanh thép để lên án đế quốc Mỹ, để hô lại một khẩu hiệu mà trong vòng hơn 20 năm qua tôi không thấy một lãnh tụ cộng sản nào hô nữa là khẩu hiệu « Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào », mà chúng ta tưởng đâu đã lùi hẳn vào quá khứ rồi. Nói chung ông Dũng có cảm tưởng là ông ấy bị Trung Quốc bỏ rơi vì thân Mỹ, thân phương Tây nên ông ấy cố gắng lấy lòng Trung Quốc bằng cách lên án, gần như tuyên chiến với Hoa Kỳ. Nhưng cuối cùng thì ông ấy mất tình cảm của các nước dân chủ, của Mỹ, nhưng không tranh thủ được sự ủng hộ của Trung Quốc. Lý do giản dị là vì Tập Cận Bình đang tiến hành môt chính sách dữ dội và khó khăn để chống tham nhũng cho nên Tập Cận Bình không thể ủng hộ ông Dũng được bởi vì ông Dũng đối với dư luận của cả thế giới và của cả mọi người là một người tham nhũng. Ngay cả những người ủng hộ ông Dũng cũng không thể chối cãi sự kiện là ông Dũng rất tham nhũng. Tập Cận Bình hiện đang ở trong tình thế khó khăn nên không thể yểm trợ ông Dũng được dù trọng lượng của Trung Quốc lên Đảng Cộng sản Việt Nam còn khá lớn.

Cho nên vào giờ này tôi có thể nói có một khúc quanh, khúc quanh đó quan trọng đến mức độ nào thì hãy đợi tương lai cho chúng ta biết vì ngay cả những người cộng sản hiện nay cũng chưa biết. Đó là sự thất sủng của ông Dũng có thể tiên liệu được.

Nhân việc nói quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tôi muốn nói tới điều này :

– Cho đến ngày hôm nay tất cả cấp lãnh đạo đảng cộng sản, dù là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng hay bất cứ ai, có thể có quan điểm khác nhau trên nhiều vấn đề nhưng họ đều đồng ý phải dựa Trung Quốc để giữ nguyên chế độ. Điều họ cần nhận định ra trước khi quá trễ là Trung Quốc không còn là chỗ dựa nữa. Trên thực tế họ đang dựa lưng vào môt bức tường bằng giấy.

– Điều thứ hai là đối với những người dân chủ Việt Nam. Nhân đại hội này tôi cũng muốn phát biểu một ý kiến. Cho đến ngày hôm nay có rất nhiều người tuy trong thâm tâm mong muốn một cách rất thành thực dân chủ cho Việt Nam, nhưng nghĩ rằng phong trào dân chủ không có lực lượng, không có tổ chức nên đàng nào dù muốn hay không chế độ này vẫn tiếp tục, cho nên phải thở dài mà thỏa hiệp với nó và hy vọng cải tổ được phần nào hay phần đó từ bên trong.

Nhưng ngày hôm này theo tôi suy nghĩ đó rất sai. Chế độ này đã phân hóa quá rồi. Nó đang sống những ngày cuối cùng và đằng nào cũng sụp đổ. Vậy thì vấn đề đối với những người dân chủ Việt Nam rất giản di : Một là chúng ta để cho đảng và chế độ này sụp đổ trong sự hỗn loạn nhường chỗ cho một khoảng trống chính trị; hai là chúng ta chuẩn bị một giải pháp chuyển hóa về dân chủ trong hòa bình, trong tinh thần anh anh em, trong tình đồng bào, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Như vậy chúng ta phải xây dựng lực lượng. Nếu chúng ta không có lực lượng thì chúng ta phải xây dựng ra lực lượng dân chủ đó vì đàng nào nó cũng cần. Chúng ta không thể dựa vào đảng cộng sản để cải tổ được nữa bởi vì đảng cộng sản đã tích lũy quá nhiều mâu thuẫn, nó đã suy nhược đến mức không thể phục hồi được. Nó đang sống những ngày cuối cùng và đàng nào nó không thể tồn tại.

Điều tôi tin tưởng vào lúc này là có rất nhiều triển vọng Đại hội XII sẽ là đại hội cuối cùng của đảng cộng sản như là một đảng cầm quyền. Sau đó một là nó không còn nữa. Hai là nếu nó còn thì nó cũng chỉ là một đảng bình thường như các chính đảng Việt Nam khác.

TQT : Xin cảm ơn ông Nguyễn Gia Kiểng