Lượm lặt tin 28-1-16

Phát minh ‘con đường năng lượng Mặt Trời’ có thể thay đổi hoàn toàn giao thông tương lai

Năng lượng Mặt Trời không chỉ là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường mà còn vô cùng dồi dào cho chúng ta khai thác. Một cặp đôi người Mỹ đã đưa ra ý tưởng về con đường lát tấm năng lượng Mặt Trời, mở ra cơ hội mới cho một cuộc sống hiện đại và tốt đẹp hơn.

Công ty Solar Roadways do một cặp vợ chồng người Mỹ sáng lập – Julie và Scott Brusaw đã chế tạo ra một con đường lát tấm năng lượng mặt trời, có khả năng thay thế những con đường trải nhựa thông thường.

Con đường này không những hấp thụ năng lượng Mặt Trời mà còn có thể phát điện để làm tan tuyết. Hơn nữa, mặt đường được gắn các tấm LED được cài đặt để hiển thị bất kì hình vẽ nào. Khi hỏng, người ta chỉ cần thay một tấm là lại có thể hoạt động bình thường. Điều này quả là tuyệt vời!

Hơn nữa, do sử dụng các nguyên liệu tái chế, đường năng lượng Mặt Trời còn giảm đáng kể lượng chất thải CO2. Công nghệ mới này hứa hẹn sẽ mang đến cho chúng ta niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng!

Để thực hiện ý tưởng của mình, Julie và Scott đã kêu gọi giúp đỡ tài chính từ Indiegogo, và thật bất không ngờ khi họ nhận được hơn 2 triệu USD để nghiên cứu và phát triển công nghệ này.

Hai "nhà sáng chế" Julie và Scott tại Nhà Trắng. Đường năng lượng Mặt Trời của họ đã được Popular Science bầu chọn vào danh sách 100 phát minh lớn nhất của năm 2014 (Ảnh: Indiegogo)
Hai “nhà sáng chế” Julie và Scott tại Nhà Trắng. Đường năng lượng Mặt Trời của họ đã được Popular Science bầu chọn vào danh sách 100 phát minh lớn nhất của năm. (Ảnh: Indiegogo)

Và bây giờ, hãy cùng xem đường năng lượng Mặt Trời sẽ mang đến cho chúng ta những tiện ích nào nhé!

Các tấm lát đường có thể tự phát sáng và tạo vạch giao thông để điều tiết xe cộ:

Đường năng lượng Mặt Trời
(Ảnh: Indiegogo)
(Ảnh: Indiegogo)
(Ảnh: Indiegogo)
duong-nang-luong-mat-troi-solar-roadway-9
(Ảnh minh họa: Indiegogo)

Có khả năng cảm ứng lực: phát tín hiệu báo khi có động vật qua đường, đá lở trên đường…

(Ảnh: Indiegogo)
(Ảnh minh họa: Indiegogo)

Phát nhiệt làm tan lớp băng tuyết trên đường:

(Ảnh: Indiegogo)
(Ảnh: Indiegogo)

Giảm lượng rác thải và thân thiện với môi trường do sử dụng các nguyên liệu tái chế:

Thủy tinh tái chế được sử dụng để chế tạo các tấm lát đường (Ảnh: Indiegogo)
Thủy tinh tái chế được sử dụng để chế tạo các tấm lát đường (Ảnh: Indiegogo)

Nếu phát minh này được ứng dụng rộng rãi và tối ưu hoá hiệu suất chuyển hoá ánh sáng thành điện, không chừng trong tương lai, phát minh này sẽ đóng góp đáng kể và lượng điện tiêu thụ cho quốc gia.

———————

“Lầu Năm Góc” của Trung Quốc, tòa nhà bỏ hoang lớn nhất thế giới

Phiên bản "Lầu Năm Góc" của Trung Quốc, một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải, với chi phí xây dựng được cho là lên đến 200 triệu USD (Ảnh: YouTube)

Phiên bản “Lầu Năm Góc” của Trung Quốc, một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải, với chi phí xây dựng được cho là lên đến 200 triệu USD (Ảnh: YouTube)

Trung Quốc đã nỗ lực bằng mọi cách để thể hiện uy quyền trước “đế quốc” Mỹ. Bằng cách nào? Đó là xây dựng một trung tâm thương mại giống y như Lầu Năm Góc của Mỹ. Công trình này đã giành được danh hiệu đáng thất vọng là tòa nhà bỏ hoang lớn nhất Trung Quốc.

Bong bóng bất động sản của Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng, còn những khoản đầu tư khổng lồ, đã vỗ béo trên giấy GDP của Trung Quốc, đang bắt đầu tàn phá nền kinh tế do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.

Ở Trung Quốc, từ lâu người ta đã biết có những thị trấn ma tồn tại, ước tính khoảng hơn 64 triệu căn hộ trống không. Những căn hộ này có lẽ sẽ không bao giờ được mua vì giá của chúng quá cao so với sức mua của dân thường Trung Quốc. Và hiện nay, còn một tòa nhà nổi tiếng hơn một chút được gọi là “Lầu Năm Góc ma”.

Tòa nhà có tổng diện tích 500.000 mét vuông được xây với nỗi ám ảnh đánh bại “chủ nghĩa đế quốc”. Tuy thế, việc thiếu trách nhiệm trong quản lý chi tiêu của đã khiến cho khoản đầu tư từ thuế của  người dân này không hiệu quả.

Như tin đã đưa của BBC, Trung tâm thương mại Lầu Năm Góc – một công trình xây dựng ở Thượng Hải vào năm 2009 – lấy cảm hứng từ tòa Lầu Năm Góc của Mỹ – hiện đã giành được danh hiệu đáng buồn là tòa nhà hoang trống rỗng lớn nhất của Trung Quốc.

———————

Bật mí những món đồ Tổng thống Obama luôn mang trong túi

 Tổng thống Mỹ Obama mới tiết lộ những đồ vật yêu thích mà ông luôn mang theo bên mình và ý nghĩa của chúng.
Chuỗi hạt có hình cây Thánh giá, một bức tượng Phật nhỏ, một miếng chip chơi bài Poker và bức tượng thần khỉ Hanuman là 4 món đồ Tổng thống Obama luôn mang theo bên mình. Tổng thống Obama cho hay những thứ ông luôn mang theo bên mình trên là để nhắc nhở bản thân luôn nhớ về những người ông đã từng gặp gỡ trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Bat mi nhung mon do Tong thong Obama luon mang trong tui
 Ông Obama cầm trên tay bức tượng Phật nhỏ.
Tổng thống Barack Obama cho hay ông đựng tất cả những đồ vật lặt vặt này vào một chiếc bát tô và một vài thứ trong số đó luôn được ông mang theo bên mình khi ở Nhà Trắng. Theo chia sẻ của ông chủ Nhà Trắng này, những đồ vật trên có giá trị khích lệ tinh thần ông mỗi khi ông cảm thấy “mệt mỏi hay nản lòng”.
Trong số 4 đồ vật luôn mang theo bên mình, đầu tiên phải kể tới chuỗi hạt có hình cây Thánh giá mà Đức Giáo Hoàng Francis đã tặng cho Tổng thống Obama. Đây là đồ vật rất có ý nghĩa với Tổng thống Obama không chỉ vì ông luôn ngưỡng mộ Đức Giáo Hoàng Francis mà còn bởi vì nó khiến ông nghĩ tới “hòa bình và thúc đẩy sự hiểu biết về hành vi và đạo đức”.
Tiếp theo là một bức tượng nhỏ của Đức Phật mà Tổng thống Obama được một Phật tử tặng cho. Kế đến là miếng chip chơi bài Poker mà một người lái mô tô đã tặng Tổng thống Obama trong chiến dịch tranh cử Tổng thống đầu tiên của mình.
Bat mi nhung mon do Tong thong Obama luon mang trong tui-Hinh-2
 Chuỗi hạt có hình cây Thánh giá mà Tổng thống Obama luôn mang trong túi.
Bat mi nhung mon do Tong thong Obama luon mang trong tui-Hinh-3
Bức tượng thần khỉ Hanuman ông nhận được ở Ethiopia.
Bat mi nhung mon do Tong thong Obama luon mang trong tui-Hinh-4
 Tổng thống Obama cầm trên tay một biểu tượng thập giá.
Bat mi nhung mon do Tong thong Obama luon mang trong tui-Hinh-5
 Miếng chip may mắn của Tổng thống Obama.

“Đây là miếng chip may mắn làm bằng kim loại mà người đàn ông lái xe mô tô tặng cho tôi. Ông ấy có vẻ hơi hói đầu với bộ ria mép dày và có rất nhiều hình xăm. Khi đó tôi đang ở Iowa năm 2007. Đây là miếng chip may mắn của tôi”, Tổng thống Obama cho biết.

Theo chia sẻ của Tổng thống Obama, một bức tượng Phật nhỏ và bức tượng thần khỉ Hanuman cũng luôn được ông mang trong túi. Vị tổng thống này cho hay ông mang theo những món đồ này bên mình không phải vì ông là một người quá mê tín dị đoan mà đơn giản chỉ vì ông muốn nhắc nhở bản thân rằng người ta đã đặt lòng tin vào ông như thế nào.
“Tôi không phải là người mê tín dị đoan. Nó không phải là những thứ tôi bắt buộc luôn phải mang theo bên mình. Tuy nhiên, những món đồ này nhắc nhở tôi về tất cả những người mà tôi đã gặp và họ đã đặt niềm tin vào tôi như thế nào. Nếu tôi cảm thấy mệt mỏi hay nản lòng thì tôi sẽ cho tay vào túi, lấy những đồ vật nhỏ này ra và nói “đây là những thứ giúp mình có thể vượt qua, bởi những người đã tặng cho mình đồ vật này họ tin tưởng rằng mình có thể giải quyết những công việc có ảnh hưởng trực tiếp tới họ’. Vì vậy, tôi tiếp tục quay lại làm việc”, Tổng thống Obama nói.

Vì sao con của anh Ba X được vô Trung ương?

FB Trương Nhân Tuấn

Nguyễn Thanh Nghị, con trai ông Nguyễn Tấn Dũng. (Hình: VNN)

Cho phép được góp ý thêm với GS Nguyễn Mạnh Hùng. Vì sao con của anh Ba X được vô TƯ ? Theo tôi, Nghị được vô TƯ, là đúng như lời của GS Hùng: có một sự thương lượng nào đó giữa X và Lú.

Vấn đề là tại sao có sự thương lượng? Tại sao Lú không “nhổ cỏ tận gốc” để diệt trừ hậu hoạn? Theo tôi, vấn đề là hiện nay ở VN, chỉ có X là đủ khả năng khuynh đảo, làm rối loạn trật tự xã hội và gây một cuộc khủng hoảng về kinh tế lâu dài.

Nhớ lại các cuộc biểu tình dữ dội chống TQ năm trước, đến nay một số người “cầm đầu” bị bắt và bị tù, nhưng không ai biết “tác giả” phía sau là ai? Phải nhìn nhận rằng, nếu có những cuộc biểu tình tương tự như vậy xảy ra hiện nay, chắc chắn công an sẽ mở ra một cuộc “tắm máu” để đem lại trật tự. Nếu không thì xã hội sẽ bạo loạn, kiểu Roumania. Theo tôi, X là người đứng phía sau.

Di sản của X để lại, mai mốt sẽ thấy rõ hơn, nhưng tôi cho rằng chỉ toàn là “tiêu sản”, tức chỉ toàn là nợ. Nợ công và thâm thủng ngân sách hiện nay là hai gánh nặng khiến VN khó phát triển lành mạnh. Mười năm X trên ngôi thủ tướng, nạn tham nhũng tràn lan, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Không nơi nào, không sinh hoạt nào lại không có tham nhũng. Giáo dục đào tạo phá sản toàn diện, đào tạo toàn thất nghiệp, kỹ sư VN nước ngoài không ai sử dụng. Có nơi cả làng phải đi ăn mày. Có nơi cả làng phải đi làm lao công cho nước ngoài (lao động xuất khẩu). Tài nguyên khai thác cạn kiệt. Những mỏ kim loại quí thì lọt vào tay các tập đoàn (thuộc ảnh hưởng của X). Còn môi trường ô nhiễm, trên sông cá bè nuôi chết hàng loạt, mà con người cũng uống nước trên sông đó. Có làng toàn bộ con người đều bị ung thư.

Di sản của X để lại cho người kế nhiệm là trái bom nổ chậm. X nắm trong tay ngòi nổ của trái bom này. Vì vậy, Lú (thực ra không lú lắm đâu) buộc phải nhượng bộ X, vì sợ “ném chuột thì bể đồ”. Nhưng theo tôi, để Nghị lên là Lú muốn câu giờ, sau khi dọn dẹp đồ quí trong nhà thì sẽ ra tay đập chuột.

Còn về lý do vì sao người dân “ủng hộ” ông X. Theo tôi thì đây là hiện tượng thuộc về “tâm lý đám đông”. Thời gian qua ta thấy có bao nhiêu trang web, bao nhiêu “dư luận viên”, “nhà trí thức”, “nhà dân chủ”… nổi tiếng “đánh” ông Lú và ủng hộ ông X ? Nhiều vô số.

Có bao nhiêu trang web được lập ra để ủng hộ ông Lú, đánh ông X ? Không có trang nào hết.

Ta thấy, những “nhà báo nổi tiếng”, “trí thức nổi tiếng”… trang facebook của họ có cả trăm ngàn người “fan”. Một tiếng nói của họ ủng hộ ông X là có cả ngàn, chục ngàn người hưởng ứng.

Trong thời kỳ đen tối nhứt lịch sử VN, việc đấu tố cũng diễn ra tương tự. Ý kiến của số đông đâu phải là chân lý? Nhưng trong một xã hội tù túng như VN, dân chúng đa phần chưa biết đâu là phải, là trái, là đúng, là sai… tất cả chỉ hành động theo cảm tính, hay theo các động tác của con đầu đàn.

Phe X rất rành về hiệu ứng tâm lý này.

Yếu tố thân Tàu cũng vậy. Nó cũng bị bóp méo, cho rằng Lú thân Tàu, X thân Mỹ. GS Hùng, cũng như tôi và nhiều người khác, đều thấy rằng việc này không có cái gì chứng minh hết cả.

Riêng về việc cải tổ. Tôi thì tin tưởng ông Lú hơn ông X. Nếu để cho X làm việc này thì bao nhiêu tài sản của nhân dân sẽ lọt vào tay của phe X. Dĩ công vi tư. Các tập đoàn lớn, khi giải tư, chỉ có phe X là biết hết mọi yếu tố sinh tử của tập đoàn. Họ sẽ mua rẻ những phần “ngon ăn”, còn phần “xương xẩu” thì để lại cho người khác. Của cải của dân sẽ trở thành của cải của phe X.

Bộ Quốc phòng có nhiều ủy viên Trung ương nhất

Với 20 người được bầu, Bộ Quốc phòng là khối có nhiều ủy viên nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Còn Bộ Y tế không có đại diện nào.

Danh sách 200 ủy viên Trung ương khoá XII đã được đại hội bỏ phiếu bầu chiều 26/1. Theo đó, cơ cấu ủy viên có nhiều điểm đáng chú ý.

19 người dưới 45 tuổi

Số lượng người trẻ trong Ban Chấp hành Trung ương chiếm một tỷ lệ đáng kể. Trong đó, hai ủy viên chính thức trẻ tuổi nhất là ông Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Kiên Giang) và ông Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Đà Nẵng) đều có học vị tiến sĩ, tu nghiệp nước ngoài. Các ông cũng là những Bí thư tỉnh ủy trẻ nhất hiện nay.

Ủy viên dự khuyết có 4 người từ 40 tuổi trở xuống, trong đó trẻ nhất là Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong (38 tuổi). Ba người cùng 40 tuổi là Nguyễn Văn Hiếu (Bí thư quận 2, TP HCM), Đặng Quốc Khánh (Phó chủ tịch Hà Tĩnh) và Nguyễn Hải Ninh (Phó chủ tịch Đắk Lắk).

bo-quoc-phong-co-nhieu-uy-vien-trung-uong-nhat

Thông tin chi tiết 200 ủy viên Trung ương khóa XII

16 ủy viên chính thức khoá XI được giới thiệu nhưng không tái đắc cử

Trong đó, mặc dù là một trong 4 trường hợp quá tuổi theo quy định nhưng được Ban Chấp hành cũ đề cử vào danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (sinh năm 1955) không nhận được đủ phiếu bầu.

7 ủy viên Bộ Chính trị tái cử

Số người tái đắc cử là 100 trong đó có 7 Ủy viên Bộ Chính trị gồm: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Hà Tĩnh có số lượng ủy viên nhiều nhất với 16 người

Đó là các ông: Nguyễn Thanh Bình (Phó trưởng Ban tổ chức trung ương), Nguyễn Chí Dũng (Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư), Phan Xuân Dũng (Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường), Trần Hồng Hà (Thứ trưởng Tài nguyên – Môi trường), Nguyễn Mạnh Hùng (Bí thư Bình Thuận), Lê Minh Hưng (Phó chánh Văn phòng Trung ương), Thuận Hữu (Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam), Uông Chu Lưu (Phó chủ tịch Quốc hội), Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), Lê Đình Sơn (Bí thư Hà Tĩnh), Nguyễn Đức Thanh (Bí thư Ninh Thuận), Trần Cẩm Tú (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Võ Trọng Việt (Thứ trưởng Quốc phòng).

Các ủy viên dự khuyết cũng là người Hà Tĩnh gồm: Đoàn Minh Huấn (Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I), Đặng Quốc Khánh (Phó chủ tịch Hà Tĩnh), Lê Quang Tùng (Phó chủ tịch Quảng Ninh).

Bộ Quốc phòng có 20 ủy viên

Đây là Bộ có nhiều người vào Ban Chấp hành khóa mới nhất. Đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ngô Xuân Lịch, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Lương Cường, Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ, các Thứ trưởng Lê Chiêm, Trần Đơn, Bế Xuân Trường, Vũ Trọng Việt, Nguyễn Chí Vịnh, cùng nhiều tư lệnh, phó tư lệnh, chính ủy, phó chính ủy quân khu. Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cũng nằm trong danh sách ủy viên chính thức.

Bộ Công an có 5 ủy viên

Các ủy viên công tác trong ngành Công an gồm có: Bộ trưởng Trần Đại Quang và 4 thứ trưởng Bùi Văn Nam, Tô Lâm, Nguyễn Văn Thành, Lê Quý Vương.

Bộ Y tế không có đại diện

Hai đại diện của ngành Y tế trong danh sách đề cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long. Tuy nhiên, cả hai vị này đều không trúng cử. Đây là ngành duy nhất không có đại diện trong Ban Chấp hành khóa mới.

16 thành viên Chính phủ không có trong danh sách Ban Chấp hành mới

Ngoài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin rút khỏi danh sách đề cử, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và 14 bộ trưởng không phải là ủy viên Trung ương.

Đó là: Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son; Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; Bộ trưởng Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Minh Quang và Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Những thành viên Chính phủ này đã đến tuổi nghỉ hưu.

Điều này đồng nghĩa với việc 14 bộ trên sẽ có bộ trưởng mới vào kỳ họp giữa năm 2016 sau khi Thủ tướng trình nội các mới.

Hoàng Thùy / vnExpress

TBT Trọng tái cử: phân bổ nhân sự và đường lối

Đại hội ĐCSVN 12
Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944 tái cử chức Tổng Bí thư Đảng CSVN tại Đại hội 12 hôm 27/01/2016.

Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử vào chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ở kỳ Đại hội lần thứ 12, tuy nhiên còn có các câu hỏi nào để ngỏ và cần đặt ra về sắp xếp nhân sự và đường lối, chính sách của đảng và nhà nước Việt Nam từ sau Đại hội này.

Trước hết TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Chiến lược Quốc tế và Viện Đông Nam Á của Singapore, bình luận về khả năng phân bổ của các ứng viên Bộ Chính trị được bầu tại kỳ Đại hội diễn ra từ ngày 21-28/01/2016.

Nhà nghiên cứu phân tích một số điểm mới về nhân sự mới của Đảng CSVN với Tọa đàm:

“Danh sách này có mấy việc đặc biệt như thế này, tức là trường hợp của bà Trương Thị Mai, trở thành Ủy viên Bộ Chính trị là một trường hợp đặc biệt. Như vậy là trong Bộ Chính trị của Đảng CSVN có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử là có 3 ủy viên Bộ Chính trị là nữ, ngoài bà Mai thì có bà Tòng Thị Phóng, rồi bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Đây là một trường hợp rất thú vị.

“Thứ hai là trường hợp của ông Phạm Bình Minh đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, nó nói lên một điều rằng cái khóa 11, trong cả khóa 11 thì đã có mấy lần bỏ phiếu giữa kỳ để ông Minh trở thành (ủy viên) Bộ Chính trị, nhưng mà lại không quá bán, thì lần này ông đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, thì đấy là một sự kiện mới, nó có thể nói lên nhiều điều về mặt đối ngoại của Việt Nam, cũng như thực hành đối ngoại của Việt Nam trong mấy năm tới.

“Điểm thứ ba, trong dự kiến trước đây, chúng tôi thấy là có ông Phan Đình Trạc (Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Đảng) cũng được dự kiến để bầu vào Bộ Chính trị, nhưng mà lần này không thấy, có lẽ là đã chưa vào được, thì đấy là một sự kiện, vì nếu trường hợp để ông Trạc vào thì sẽ nắm Ban Nội chính, cũng là Ban quan trọng về mặt chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy sẽ nảy sinh ra vấn đề là sắp tới đây ai sẽ là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Ban nội chính đó?

“Trường hợp ông Trương Hòa Bình, thì tôi thấy rằng cũng có khả năng ông sẽ về làm Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh và cũng có thể ông làm về Ban Nội chính chăng? Đó là một suy đoán.

TS Hà Hoàng Hợp
TS Hà Hoàng Hợp bình luận các khả năng và khía cạnh mới về phân công nhân sự Bộ Chính trị Đảng CSVN ở ĐH12.

“Còn những trường hợp khác như là trường hợp của Đại tướng Trần Đại Quang, của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì như chúng ta đã biết, báo chí cũng đã đưa, rằng là sẽ giới thiệu để ba người đó, ông Quang trở thành Chủ tịch Nước, bà Ngân thì giới thiệu để sau khi bầu cử Quốc hội thì sẽ bầu làm Chủ tịch Quốc hội, và ông Nguyễn Xuân Phúc, thì sau bầu cử Quốc hội sẽ giới thiệu làm Thủ tướng.

“Trường hợp khác như ông Nguyễn Văn Bình thì có khả năng sẽ làm Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế, tài chính, như là vị trí mà bây giờ ông Vũ Văn Ninh đang làm.”

Ứng viên Bí thư Hà Nội?

Về một số trường hợp nhân sự cao cấp khác, nhà phân tích chính trị Việt Nam, TS. Hà Hoàng Hợp bình luận tiếp từ Hà Nội:

“Nếu ông Trương Hòa Bình về TP. Hồ Chí Minh, thì ông (Võ Văn) Thưởng (Phó Bí thư Thường trực TPHCM), vì đã trong lịch sử từng có lúc mà TP. Hồ Chí Minh có 2 Ủy viên Bộ chính trị, thậm chí chỉ cần một Ủy viên Bộ Chính trị mà ông Trương Hòa Bình ngồi vào đó, thì có thể ông Thưởng sẽ điều ra trung ương làm cái gì đó chẳng hạn…

“Trường hợp của ông Hoàng Trung Hải rất là quan trọng vì ông Hoàng Trung Hải là người đã làm Phó Thủ tướng 2 kỳ và lần này đưa vào Bộ Chính trị là một bước tiến vô cùng quan trọng trong việc xem xét về nhân thân, và có nghe nói là có khả năng ông Hải sẽ là một trong những ứng cử viên để về làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội… Vì trước đây người ta có nói là gia đình có người gốc Hoa.

“Quy chế trước đây thì người ta không muốn đưa những người gốc Hoa vào trong bộ máy, nay thì quy chế đó đã được xem xét và ông Hải được đánh giá cao về mặt hiệu quả công tác, cũng như về mặt thành tích công tác, cũng như là tầm lãnh đạo của ông Hải. Nên bầu ông Hải vào (Bộ Chính trị) kỳ này là một thay đổi rất lớn về mặt chính sách nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam.”

“Về ông Tô Lâm…, theo quy hoạch, Bộ Công an chỉ được một Ủy viên Bộ Chính trị thôi, trường hợp ông Trần Đại Quang lên Chủ tịch Nước thì quy hoạch và cơ cấu để ông Tô Lâm lên làm Bộ trưởng (Bộ Công an). Cũng như trường hợp ông Phạm Bình Minh, ông Phạm Bình Minh sẽ giữ, vẫn giữ chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng ngoại giao.

“Đấy là cơ cấu cứng, thì cả ba bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng phải được cơ cấu vào Ủy viên Bộ Chính trị. Và như thế ông Ngô Xuân Lịch, khả năng rất cao sẽ thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng hiện nay mới có một Ủy viên Bộ Chính trị thôi…”

Đại hội 12
Một số ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư kế nhiệm ông Trọng trong thời gian tới đây, khi ông có thể bàn giao trong 1 năm hoặc hơn, đang được giới quan sát bình luận và đề cập.

Về khả năng bố trí nhân sự cao cấp khác cho một số Ban quan trọng của Đảng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức và Nội chính, bên cạnh một số ứng viên Bộ chính trị khác, ông Hà Hoàng Hợp bình luận tiếp:

“Ví dụ trường hợp của ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì tôi chắc hôm nay đã bầu rồi và bầu khả năng lớn là bầu ông Trần Quốc Vượng, vì cái đấy cũng nằm trong cơ cấu và quy hoạch.

“Còn chức vụ khả năng mà ông Đinh La Thăng nắm thì có thể là Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề kinh tế như là chức vụ hiện nay mà ông Hoàng Trung Hải đang làm, bởi vì ông Hoàng Trung Hải theo quy chế bây giờ, lẽ ra làm Phó Thủ tướng 2 kỳ rồi, thì sẽ không làm Phó Thủ tướng đến kỳ thứ ba nữa, mà sẽ chuyển đi đâu đó.

“Ban Nội chính… thì hiện chưa biết bởi vì… lẽ ra là bầu một người để vào Bộ Chính trị để phụ trách (ban) đấy, tức là ông Phó Trưởng ban Thường trực Ban nội chính, nhưng mà ông ấy dường như lại không trúng, hay là chưa chúng…”

Ai ‘rốt cuộc’ sẽ là TBT?

Đại hội 12
Đại hội 12 đã chứng kiến việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra đi.

Trước câu hỏi nếu ông Nguyễn Phú Trọng, người vừa được tái cử vào chức Tổng Bí thư Đảng CSVN ở Đại hội 12, chỉ tại vị thêm từ 1-2 năm như một số dự phóng, thì rốt cục ai sẽ thay ông Trọng khi ông Trọng ra đi trong thời gian tới đây, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp trả lời:

“Tôi nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng ở lại làm Tổng bí thư lần này và cũng nghe nói là ở lại một thời gian ngắn thôi, tức là khoảng từ một năm cho đến hơn một năm một tí, thì cái đó là để thực hiện cái việc làm sao chuyển giao quyền lực Tổng bí thư cho một người nào đó trong số những người vừa mới được bầu vào Bộ Chính trị.

“Cũng theo dự kiến và cơ cấu quy hoạch của Đại hội 11, thì thấy có tên ông Trần Đại Quang.

“Cũng có thể là sẽ có thêm một người nữa vào quy hoạch để có thể chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư, có thể đấy là ông (Đinh Thế) Huynh, hoặc là một người nào nữa đó thì chúng ta chưa thẩy rõ, nhưng mà nếu căn cứ vào quy hoạch cũ thì khả năng là sẽ có bàn giao giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trần Đại Quang.

“Và khi đó có thể ông Trần Đại Quang sẽ bàn giao chức vụ Chủ tịch Nước cho một người khác.”

Chia sẻ với BBC tại Tọa đàm, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà Báo độc lập Việt Nam, từ Sài Gòn nói:

“Trước Đại hội 12, BBC có phỏng vấn tôi và có làm một chương trình dự đoán về vai trò của Tổng bí thư, lúc đó tôi có dự đoán ông Trần Đại Quang có nhiều cơ hội nhất để trở thành ông Tổng Bí thư, nhưng mà bây giờ ông Trần Đại Quang chỉ là nhân vật số hai, ông Nguyễn Phú Trọng mới là nhân vật số một.

“Thành thử tôi phải nói là tôi đã sai trong dự đoán của mình. Đó là điều thứ nhất.”

Cuộc chiến Hai Hoa Hồng

nhà báo độc lập đồng thời là nhà quan sát, vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, bình luận tiếp:

“Điều thứ hai, tôi đánh giá là việc phe ông Nguyễn Phú Trọng thắng lợi mà không chỉ thắng lợi, mà đây là một thắng lợi lớn, cho thấy là đã kết thúc một cuộc chiến mà tôi gọi là cuộc chiến Hai Hoa Hồng kéo dài suốt từ những năm 2010, 2011 cho đến nay. Và nếu chúng ta có thể thấy cuộc chiến Hai Hoa Hồng nó tồn tại trong thời kỳ Trung Cổ, thì Đại hội 12 này cũng tung ra đủ thứ là đơn thư tố cáo và các thủ đoạn, kể cả tài liệu chính trị nội bộ. Tôi cho là cũng gần gần như là thời Trung Cổ.

TS Phạm Chí Dũng
Đã có ‘một cuộc chiến’ Hai Hoa Hồng xảy ra từ năm 2010 tới nay mà ‘thắng lợi to lớn’ rút cuộc đã nghiêng về phe Đảng ở Đại hội 12, theo TS. Phạm Chí Dũng.

“Nhưng mà nó có một điểm đặc trưng là như thế này, là chưa bao giờ quyền lực của một Tổng bí thư lại tập trung như bây giờ, tôi muốn dùng lại cái từ là ‘tập trung’ của ông Nguyễn Phú Trọng, ‘rất tập trung’. Kể từ thời Nông Đức Mạnh, thời cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho tới nay, ông Nông Đức Mạnh không thể có những thế lực mạnh như ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay.

“Chúng ta nhìn cái dàn hiện nay là cánh ở bên ông Trọng, từ các ban Đảng cho tới các tướng lĩnh quân đội, như là Ngô Xuân Lịch, kể cả Đỗ Bá Tị, như là Trần Đại Quang, kể cả Tô Lâm và Vương Đình Huệ… Vương Đình Huệ năm 2013 bị trượt Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng mà kỳ này vào. Mà tôi tin là Vương Đình Huệ kỳ này sẽ góp một tay khá khá cho Nguyễn Phú Trọng về khâu điều chỉnh một số vấn đề về kinh tế và kể cả Phạm Bình Minh.

“Và tôi chỉ đặt thêm một câu hỏi là tại sao vào năm 2013 khi mà Nguyễn Tấn Dũng còn thì Phạm Bình Minh không được vào Bộ Chính trị, còn nay Nguyễn Tấn Dũng không còn thì Phạm Bình Minh lại vào Ủy viên Bộ Chính trị? Tôi muốn trở lại vấn đề đó để cho thấy thế này, đã có một sự thay đổi và sự thay đổi này có lợi cho phe Đảng và tập trung quyền lực vào cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng.

“Kể từ Đại hội 12 trở đi, không biết bao lâu thì cuộc chiến Hai Hoa Hồng, cuộc chiến giữa hai phe nó đã thực sự chấm dứt và hiện nay chỉ còn có một phe mà thôi. Mà quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng, tôi muốn nhắc lại là, Cuộc Bình luận của BBC lần trước, chúng ta đã nói khá nhiều về Quyết định 244, thì phải nói rằng một trong những đòn bẩy kích thích tố lớn nhất để cho ông Trọng giành chiến thắng quyết định trong trận cuối cùng này, đó chính là Quyết định 244.

“Và tôi tin rằng bên cạnh ông Trọng có một tham mưu rất đắc lực nữa, đó là ông Tô Huy Rứa và ông Rứa đã giúp cho ông Trọng làm mọi công tác tổ chức có thể được, chặt chẽ đến mức để cho những người khác không cục cựa được gì hết,” TS. Phạm Chí Dũng nói với Tọa đàm của BBC.

Không có chuyện thân TQ

Bình luận với Bàn tròn về tác động hay điều chỉnh chính sách, chiến lược của Việt Nam sau Đại hội 12 với dàn lãnh đạo mới trong đó có Tổng Bí thư tái cử Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt về chính sách đối ngoại, phóng viên Nguyễn Hoàng của BBC Việt ngữ, người đã đang theo dõi, tường thuật Đại hội trực tiếp từ Hà Nội, nói:

“Tôi muốn bổ sung thêm một chút về ý của anh Hà Hoàng Hợp nói rằng tới đây chính sách ngoại giao của Việt Nam cũng không có gì thay đổi, nhưng mà theo tôi, dựa vào những cuộc nói chuyện của tôi, giữa tôi với một số nhà quan sát, học giả tại Việt Nam, khi mà chúng ta nói về ‘foreign policy’, tức là chính sách đối ngoại, thì rõ ràng vẫn là Trung Quốc và Mỹ.

“Thế thì tới đây, điều quan trọng tức là bây giờ giải quyết vấn đề Biển Đông như thế nào? Thì rõ ràng là Trung Quốc không ở lập trường để đàm phán rồi, còn tới đây nó là như thế nào và người ta nói rất nhiều về sự cố Giàn khoan 981, là kể từ đó cái gọi là ‘4 tốt, 16 chữ vàng’ càng rõ ràng là giới lãnh đạo Đảng và nhà nước, trong đó có các Ủy viên Bộ Chính trị đã nhìn ra cái đó rồi.

Phóng viên Nguyễn Hoàng
Theo một số nhà bình luận và quan sát trong nước thì ‘không có chuyện’ có nhà lãnh đạo A hay là B ‘thân Trung Quốc’ như là trên mạng nói, phóng viên Nguyễn Hoàng nói với Tọa đàm.

“Và người ta cũng nói thêm là không có cái mà một số người nói rằng là ông A hay là ông B thân Trung Quốc, thì cái đó phải để thời gian kiểm chứng… nhưng ít nhất là có một số người người ta nói là không có những chuyện như vậy. Tức là nó trái hẳn với những đồn đoán trên mạng là có ông A hay là ông B thân Trung Quốc.

“Thì các học giả ở trong nước, hay một số nhà quan sát, họ nói là không có chuyện đó,” nhà báo Nguyễn Hoàng nói với Tọa đàm.

Trước đó, bình luận về đường lối đối ngoại và đối nội của Việt Nam trong ‘nhiệm kỳ kéo dài’ của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TS. Hà Hoàng Hợp nói:

“Tôi nghĩ rằng chính sách đối ngoại của ngành đối ngoại Việt Nam trong 5 năm tới sẽ không thay đổi lớn.

“Cái thay đổi xảy ra ở chỗ sẽ có những hoạt động đối ngoại năng động hơn, chủ động và tích cực hơn, nhưng đường lối thì sẽ không có thay đổi. Vì cái đường lối này nó đã được xác định từ rất lâu rồi và nó được khẳng định trong khóa 11 với sự đóng góp rất lớn của Chính phủ.

“Tôi nhấn mạnh sự đóng góp rất lớn của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và của Bộ Ngoại giao cũng như của các Bộ khác như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.”

Ba vấn đề đối nội

Về đối nội, nhà phân tích Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm:

“Đối nội thì có những vấn đề lớn và là lập tức phải đổi mới vì không có con đường nào khác cả là phải đổi mới tiếp tục.

“Đổi mới tiếp tục ở ba khu vực thế này: thứ nhất là tiếp tục xây dựng cái nhà nước pháp quyền, thứ hai là tiếp tục xây dựng nền kinh tế Việt Nam nó độc lập hơn, tự chủ hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn hay nói đúng hơn là hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó có cả hội nhập chính trị.

“Và thứ ba là tạo tiếp tục một nền tảng vững chắc hơn cho việc phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam,” Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với Bàn tròn của BBC.

Tin cho hay, vị trí Tổng bí thư ở Đại hội 12 thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi, người được tái đắc cử nhằm mục đích bảo đảm “kế thừa và đoàn kết” trong nội bộ Đảng CSVN.

Hôm thứ Tư 27/1, Đại hội XII nghỉ họp, trong khi các ủy viên mới được bầu hôm 26/1 họp Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, bỏ phiếu chọn ra cơ quan lãnh đạo cao nhất của mình. Bộ Chính trị mới được nói có 19 vị, tăng ba người so với trước.

Danh sách Bộ Chính trị cho tới tận trước khi bầu gây nhiều chú ý và đồn đoán, vì dựa vào đó có thể suy luận ra ai sẽ đứng đầu các lĩnh vực quan trọng nhất của nền chính trị, kinh tế và xã hội Việt Nam.

Cuộc Tọa đàm Bàn tròn đặc biệt nhân sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng được tái cử chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra hôm thứ Tư, 27/01 với các vị khách mời là nhà báo, nhà bình luận, phân tích và quan sát tình hình thời sự chính trị, xã hội Việt Nam.

@bbc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, củng cố thêm quyền lực

Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng bí thư.

Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng bí thư.

Hoài Hương / VOA

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử cho vị trí lãnh đạo cao nhất
Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn đương kim Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho vị trí lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam cho một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai, theo thông tấn xã chính thức của nhà nước VNN.

Quyết định tái cử ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là một thủ tục sau khi danh sách Ban Chấp Hành Trung ương Đảng khóa XII được công bố chiều hôm qua, 26/1, với 200 uỷ viên, gồm 180 uỷ viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.

Bản tin của AP hôm nay nói rằng kết quả tất nhiên này sẽ cho phép ông Trọng, một nhân vật bảo thủ thân Trung Quốc, củng cố quyền lực của ông.

Tin được chính thức loan báo trên trang mạng của VNN hôm qua, theo AP, còn cho hay Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng được bầu vào Bộ Chính Trị và sẽ nắm chức vụ Thủ Tướng, thay thế đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi đại hội chấp nhận ‘nguyện vọng xin rút lui’ của ông Nguyễn Tấn Dũng, và đa số các đại biểu tham gia hội nghị ‘chấp thuận nguyện vọng’ của ông.

Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng cho tới cuối năm nay.

Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng được bầu vào Bộ Chính Trị và sẽ nắm chức vụ Thủ Tướng, thay thế đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng được bầu vào Bộ Chính Trị và sẽ nắm chức vụ Thủ Tướng, thay thế đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhân vật quan trọng thứ ba được bầu vào Bộ Chính trị là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, dự kiến sẽ trở thành Chủ tịch nước, thay thế ông Trương Tấn Sang, theo các giới chức Việt Nam xin dấu danh tính, được AP dẫn lời.

Chức vụ cao cấp thứ Tư trong ‘tứ trụ’ là Chủ tịch Quốc hội, được tin là sẽ về tay bà Nguyễn thị Kim Ngân.

Bất chấp những sự đấu đá ở bên trong -gay cấn tới phút chót, Đảng Cộng sản Việt Nam trong những ngày tới sẽ cố gắng trình làng một bộ mặt đoàn kết với ‘tứ trụ triều đình’ mới.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, 66 tuổi, từng được giới quan sát đánh giá là đã đạt thành công nhất định trong các nỗ lực nhằm cải cách và tự do hoá nền kinh tế. Bài báo đăng trên tờ New York Times nói rằng nhiều nhà phân tích dự đoán sự ra đi của ông sẽ làm chậm lại hơn nữa tiến trình tự do hoá kinh tế của Việt Nam vốn đã chậm chạp, một khi Việt Nam dưới quyền tứ trụ mới do ông Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật giáo điều cộng sản, chi phối.

Chức vụ cao cấp thứ Tư trong 'Tứ trụ' là Chủ tịch Quốc hội, được cho là sẽ về tay bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chức vụ cao cấp thứ Tư trong ‘Tứ trụ’ là Chủ tịch Quốc hội, được cho là sẽ về tay bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Nhưng một số nhà quan sát khác cho rằng với những thay đổi nhân sự mới ở cấp cao nhất, hướng đi tương lai của Việt Nam sẽ không thay đổi bao nhiêu. Ông Trọng theo dự liệy sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách kinh tế của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA, cô Phương Nguyễn, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (CSIS) nói rằng dưới hàng ngũ lãnh đạo mới, Việt Nam sẽ tiếp tục các chính sách kinh tế, và chính sách đối ngoại như cũ.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liệu những sự đấu đá giữa các phe cánh trong Đảng Cộng sản Việt Nam vừa rồi sẽ tác động ra sao tới Đảng Cộng sản và tương lai của Việt Nam, cô Phương Nguyễn nói:

“Một mặt, những sự tranh chấp giữa các phe phái chính trị (trong đảng) đã dẫn tới kết quả là ông Nguyễn Phú Trọng duy trì chức Tổng Bí Thư để ngăn không ông Dũng cạnh tranh để phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng về mặt chính sách, tôi thấy có sự đồng thuận khá cao trong giới lãnh đạo, là các chính sách của Việt Nam trong 5 năm tới đã được quyết định và đồng ý bởi hầu như tuyệt đại đa số các nhà lãnh đạo Việt Nam.”

Về thành phần nhân sự mới, cô Phương Nguyễn nói ông Nguyễn Phú Trọng đã không thay thế toàn bộ, mà có rất nhiều đại biểu trong chính phủ đương thời được chọn vào cơ quan quyền lực cao nhất nước.

“Những gì diễn ra cho thấy là không phải ông Trọng đã thay thế toàn bộ nhân sự với những người thuộc phe cánh của ông…Hơn nữa chúng ta còn phải lưu ý tới nội dung của Đại hội Đảng cho tới ngày hôm nay: Họ đã thảo luận về các mục tiêu phát triển xã hội kinh tế cho 5 năm tới, họ thảo luận Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và giải pháp đồng thuận là Việt Nam phải thực hiện những cải cách đó. Việt Nam đã đề ra chỉ tiêu là xây dựng một khu vực tư nhân vững mạnh hơn để đóng một vai trò thiết yếu trong nền kinh tế, dọn đường cho một nền pháp trị, và thực thi những cải cách để cho phép Việt Nam trở thành một thành viên của Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.”

Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng cho tới cuối năm nay.

Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng cho tới cuối năm nay.

Ông Nguyễn Tấn Dũng được nhiều người xem là một nhân vật thân Mỹ, muốn cởi trói kinh tế, có lập trường cứng rắn, mạnh mẽ hơn trước ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, liệu sự ra đi của ông có tác động gì tới đường hướng tương lai của Việt Nam? Cô Phương Nguyễn nói:

“Tôi đồng ý là nhiều người có ấn tượng như thế về đương kim Thủ Tướng Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải lưu ý rằng Việt Nam theo chế độ lãnh đạo tập thể, ngay cả về chính sách đối ngoại của Việt Nam trong mấy năm gần đây, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có nỗ lực xích lại gần Hoa Kỳ, nhưng tôi có thể nói là Việt Nam đã không tiến xa như vậy nếu không có sự đồng thuận trong Đảng Cộng sản và quân đội Việt Nam.”

Một số nhà quan sát tin rằng trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang cố gắng trình làng một bộ mặt đoàn kết, nhưng e rằng trong những tháng, những năm tới, phe cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng có thể dần dà bị thanh trừng. Cô Phương Nguyễn nhận định:

“Một cuộc gọi là thanh trừng ông Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông sẽ không phục vụ quyền lợi của mọi người.”

Trong khi giới quan sát quốc tế bày tỏ quan ngại về các chính sách của Việt Nam trong 5 năm tới dưới ban lãnh đạo mới, và về sự ra đi của vị thủ tướng được coi là thân phương Tây, ủng hộ cải cách, thì cũng có những người – trong đó có ông Cù Huy Hà Vũ, không bày tỏ tiếc nuối về sự ra đi của ông Nguyễn Tấn Dũng, là người mà theo ông, phần nào phải chịu trách nhiệm về những vụ tham nhũng, làm ăn thua lỗ của các công ty nhà nước như Vinashin, và các dự án tại các địa điểm xung yếu giao cho Trung Quốc.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, cựu tù lương tâm hiện đang sống ở Hoa Kỳ, và là người đã từng kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho biết ý kiến của ông về Việt Nam dưới nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói:

“Việt Nam trong thời gian tới dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách Tổng Bí Thư Đảng dù muốn hay không cũng phải cải thiện nhân quyền để đi tới chấm dứt đàn áp nhân quyền và trên cơ sở đó sẽ mở ra một vận hội dân chủ hoá cho Việt Nam. Tôi lạc quan với sự cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng trên cơ sở 2 phẩm chất chính của ông, đó là chống tham nhũng và có tinh thần dân tộc chống Trung Quốc xâm lược.”

Ý kiến này dường như đi ngược lại nhận định của nhiều người, cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật thân Bắc Kinh, và đã tỏ ra mềm yếu hơn, so với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trước các hành động hung hăng của Trung Quốc gần đây để thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông.