Tìm hiểu về Nguyễn Phú Trọng

Nguoisantin : Có rất nhiều dư luận quanh ông Nguyễn Phú Trọng.Người ta mạt sát ông rất nhiều.Để rộng đường dư luận qua các trang mạng tôi đã cố gắng tìm hiểu xem ông Nguyễn Phú Trọng là con người thế nào, gia đình, con cái ông ra sao ? Nhưng chỉ tìm được ít thông tin ít ỏi.Đăng lên đây để các bạn biết và kiểm chứng.

Tiểu sử ông Nguyễn Phú Trọng qua Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944) là một chính khách Việt Nam. Trước khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 19 tháng 1 năm 2011, ông từng giữ chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ ngày 26 tháng 6 năm 2006 đến ngày 23 tháng 7 năm 2011. Ông cũng là một Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng), Cử nhân Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông Nguyễn Phú Trọng còn giữ chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương và Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ông sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1957 đến năm 1963, ông học trường cấp II rồi cấp III Nguyễn Gia Thiều đóng tại huyện Gia Lâm nay là quận Long Biên Hà Nội.

Năm 1963, ông học Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ năm 1965 đến năm 1967, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái – nay là Thái Nguyên). Ông tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương.

Năm 1967, ông trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông công tác tại tạp chí Học tập (tiền thân của tạp chí Cộng sản), một trong ba cơ quan tuyên truyền quan trọng và chuyên chính nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam (cùng với báo Nhân DânQuân Đội Nhân Dân).

Năm 1973, ông được cử đi học lớp nghiên cứu sinh về kinh tế chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Năm 1981, ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô).

Tháng 8 năm 1983, ông về nước, tiếp tục công tác ở Ban Xây dựng Đảng của tạp chí Cộng sản. Được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10 năm 1983), Trưởng ban (tháng 9 năm 1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3 năm 1989), Phó tổng biên tập (tháng 5 năm 1990) rồi Tổng biên tập tạp chí Cộng sản (tháng 8 năm 1991).

Năm 1992, ông được phong học hàm Phó giáo sư và 10 năm sau (2002) ông được phong học hàm Giáo sư.

Từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 1 năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, họp tại Hà Nội, ông cùng với 19 người khác được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII.

Tháng 8 năm 1996, ông làm Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Đại học[1], phụ trách công tác tuyên giáo của Thành ủy.

Tháng 2 năm 1998, ông phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa và khoa giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Hiệu phó trường KHXH và Nhân Văn.

Từ tháng 8 năm 1999 cho tới hết nhiệm kì của Đại hội VIII, ông tham gia Thường trực Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII; trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn Văn kiện Đại hội IX của Đảng.

Tháng 1 năm 2000, ông làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Tháng 11 năm 2001, ông kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng. Từ đầu năm 2003, ông trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết 20 năm đổi mới, chuẩn bị và biên soạn văn kiện Đại hội X của Đảng.

Ngày 26 tháng 6 năm 2006, ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quốc hội thay ông Nguyễn Văn An, xin từ nhiệm. Hai ngày sau, Bộ Chính trị đã chỉ định ông Phạm Quang Nghị, người vừa được Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội kế nhiệm.

Nguyễn Phú Trọng và Thủ Tướng Nga Dmitry Anatolyevich Medvedev

Tại kì họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII, ông tái đắc cử chức Chủ tịch Quốc hội.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 19 tháng 1 năm 2011. Ông Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, như việc đề ra Nghị quyết Trung ương 4 với phong trào “Phê bình và tự phê bình”.

——————–

Bài viết từ trường Đại học Quốc gia Hanoi.

GS. Nguyễn Phú Trọng, từ sinh viên Đại học Tổng hợp đến Bí thư Thành uỷ Hà Nội

Tôi nghe nói về GS. Nguyễn Phú Trọng đã lâu, nhưng gần đây mới có dịp được gặp. Căn phòng làm việc của ông tại trụ sở Thành uỷ Hà Nội thật đơn sơ, bình dị. Là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, dù đang rất bận rộn với công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và biết bao công việc của Thành phố, nhưng ông vẫn cởi mở, chân tình tiếp tôi như với một người đã từng thân quen từ lâu. Với chất giọng trầm ấm, ông lần lượt trao đổi theo vấn đề tôi nêu, mà lại như những câu chuyện tự sự sâu lắng…

GS. Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14.4.1944, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Hai cụ thân sinh đều làm ruộng, sống ngay thẳng, nhân hậu và giữ nếp gia phong. Các anh chị em đều thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Năm 1947, ông theo gia đình tản cư lên Thái Nguyên. Năm 1950, ông hồi cư về sống trong vùng tề, hàng ngày chứng kiến biết bao cảnh đói khổ, giặc Pháp lùng sục, vây ráp, bắt bớ, tra tấn cán bộ du kích, Việt Minh. Làng xóm lúc nào cũng nơm nớp, lo sợ. Năm 1952, Nguyễn Phú Trọng bắt đầu đi học ông giáo trường làng – một ông giáo già đức độ nhưng nghiêm khắc. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quê hương giải phóng, Nguyễn Phú Trọng được đi học trong không khí hoà bình, phấn khởi. Lớp 2 và lớp 3 ông học ở xã nhà. Khi lên lớp 4 thì ông phải đi học xa, vì hai xã mới có một lớp. Trời rét cắt da cắt thịt cũng chỉ có vài manh áo mỏng, chân đi đất, phải đốt than bỏ vào ống bơ để sưởi ấm dọc đường. Lớp học là một gian “tảo mạc” tuềnh toàng của khu đình cổ. Được cái ông học rất “sáng dạ” nên năm nào cũng đứng ở tốp dẫn đầu lớp.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Phú Trọng, cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, thăm gia đình đã đùm bọc ông và các sinh viên ĐHTHHN trong thời kỳ Trường sơ tán tại Đại Từ, Thái Nguyên

Từ năm 1957 đến năm 1963, ông học trường cấp II rồi cấp III Nguyễn Gia Thiều đóng tại Gia Lâm, Hà Nội. Nhà xa, lại cách trở con sông Đuống, ông và các bạn phải đi học từ 3 – 4 giờ sáng. Mùa hè còn đỡ, mùa đông rất vất vả, nhiều hôm trời mưa, đò không chở sớm, ông đành đến lớp muộn. Được một thời gian, phải trọ học. Vài ba anh em ở nhờ một nhà dân, tự lo cơm nước và giúp đỡ nhau học tập. Ăn uống kham khổ, thiếu thốn, nhiều lúc ông phải vừa học vừa tự lao động kiếm sống. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Phú Trọng đã sớm có ý thức tự lập và có ý chí vươn lên.

Ngay từ nhỏ, ông đã rất thích văn học dân gian và thường ước mơ được theo nghề văn hoặc nghề báo. Ham học lại thông minh nên học hết lớp 10, ông thi đỗ ngay vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoá 1963 – 1967). Trường sở lúc này còn phân tán. Năm đầu học ở khu Chùa Láng, năm sau chuyển về khu Mễ Trì. Từ năm 1965 đến năm 1967, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Đó là giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang hồi quyết liệt, nhưng thầy và trò nhà trường vẫn nêu cao quyết tâm dạy tốt và học tốt. Mỗi khi nhớ lại những tháng ngày học tập tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS. Nguyễn Phú Trọng không khỏi bồi hồi xúc động pha lẫn sự tự hào. Ông kể: “Vào một buổi sáng đẹp trời, đầu tháng 9.1963, chúng tôi tập trung ở giảng đường 1 – phố Lê Thánh Tông (tức khu 19 Lê Thánh Tông bây giờ). Trước lúc điểm danh, tôi đứng chơi dưới vườn Tao đàn. Ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ “Trường Đại học Việt Nam” sao mà cảm thấy lâng lâng, hãnh diện. Gặp nhau buổi đầu còn bỡ ngỡ, làm quen còn rụt rè, nhưng thấy bạn hữu ai cũng “siêu” cả, không học sinh giỏi nhất, nhì Văn toàn miền Bắc (lúc đó miền Nam chưa được giải phóng) thì cũng đứng đầu hàng tỉnh“. Cuối năm 1964 – đầu năm 1965, trong không khí sục sôi đánh Mỹ, thanh niên học sinh đua nhau viết đơn bằng máu tình nguyện xin vào Nam chiến đấu, hối hả luyện tập, tập trận giả, tập hành quân, báo động, đào hào, đào hầm… Một số thanh niên lớp ông lên đường vào Nam chiến đấu, một số “phải ở lại” để tiếp tục học tập – chuẩn bị hành trang tri thức phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Ông thuộc nhóm thứ hai. Mái trường đại học đã chắp cánh cho ước mơ của ông. Ông được học Văn học – ngành mà ông hằng yêu thích. Ông đặc biệt say mê đọc, học thơ ca dân gian, truyện cổ dân gian, thơ Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu… những hồn thơ thấm đậm chất dân gian. Ông học vào loại giỏi, lao động cừ, tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp và Đoàn thanh niên. Năm 1967, với sự hướng dẫn của GS. Đinh Gia Khánh, cậu sinh viên năm thứ tư Nguyễn Phú Trọng đã bảo vệ thành công khoá luận tốt nghiệp về đề tài: “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” với điểm tối ưu duy nhất của khoá đó. Cùng năm này (1967), ông vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, một điều rất hiếm đối với sinh viên thời bấy giờ.

Nhà trường có ý định giữ ông lại làm cán bộ giảng dạy. Ông cảm thấy rất vui và hồi hộp chờ đợi. Nhưng rồi thực tế lại diễn ra theo chiều hướng khác: ông được điều động về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) – cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông hoàn toàn bất ngờ và không khỏi băn khoăn, lo lắng, nhưng đã là đảng viên thì phải chấp hành sự phân công của tổ chức.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Phú Trọng trồng cây tại Trường THPT Vạn Thọ (Đại Từ, Thái Nguyên)

Nguyễn Phú Trọng bắt đầu sự nghiệp ở Tạp chí Học tập bằng việc đọc, phân loại, ghi phích, làm công tác tư liệu. Ông kể: “Thú thật là những ngày đầu tôi thấy nản vì công việc khô khan, đơn điệu. Tôi ngỏ ý muốn được làm công tác nghiên cứu và biên tập về lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng các đồng chí lãnh đạo trả lời là làm gì thì cũng phải làm tư liệu, bắt đầu từ tích luỹ kiến thức. Tôi nghe thấy có lý và cố quen dần với công việc”. Từ đó, cùng với việc làm tư liệu, ông đặt cho mình nhiệm vụ viết bài, bắt đầu từ những chuyên đề nhỏ. Thế rồi bài báo đầu tiên của ông đã ra đời sau hàng năm trời thai nghén, ấp ủ (Bài “Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu” đăng trên Tạp chí Văn học số 11.1968). Được các đồng nghiệp trong tạp chí động viên, giúp đỡ tận tình, cộng với sự cầu thị, ham học hỏi, ông tiến bộ khá nhanh.

Năm 1971, theo chủ trương chung, ông được cơ quan phái đi thực tế dài hạn (1 năm) ở xã Phú Lãm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông ở nhà dân, ăn chung với dân, cũng “bám đội, lội đồng”, tham gia lao động và sinh hoạt Đảng như một xã viên, đảng viên của xã.

Năm 1973, ông được cử đi học lớp nghiên cứu sinh Kinh tế chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Là học viên trẻ của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ, nhưng ông đi học đúng vào thời điểm bố ốm nặng do bị tai biến mạch máu não, vợ mới sinh con, bản thân vừa mới phục hồi sức khoẻ sau một thời gian bị chảy máu dạ dày nên ông gặp không ít khó khăn. Điều lý thú và bổ ích đối với ông lúc đó là được rảnh rang công việc, tập trung nghiên cứu trực tiếp các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin. Riêng bộ “Tư bản” ông đã được học, được nghiên cứu trong gần một năm. Đó là một dịp hết sức hiếm và quý để ông có thể tự trau dồi thêm kiến thức, lấy đó làm nền tảng cho sự nghiệp sau này.

Năm 1981, ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô). Ông lại đứng trước một loạt khó khăn mới: ngôn ngữ mới, ngành học mới; làm sao trong hai năm vừa nghe giảng, vừa thi, hoàn tất phần minimum về Xây dựng đảng, vừa viết và bảo vệ luận án tiến sĩ. Ông thực sự lo lắng và chẳng có cách nào khác là lại phải quyết tâm “trần lưng ra chịu trận”. Cuối cùng ông đã đạt được kết quả xứng đáng với công sức bỏ ra: thi đỗ phần minimum với điểm tuyệt đối và là người đầu tiên của Khoa bảo vệ thành công luận án, trước thời hạn hai tháng.

Tháng 8.1983, ông về nước, tiếp tục công tác ở Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản. Được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10.1983), Trưởng ban (tháng 9.1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3.1989), Phó tổng biên tập (tháng 5.1990) rồi Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (tháng 8.1991).

Ông còn nhớ, hồi học phổ thông ông thích nghề làm báo chỉ đơn giản là do cảm tính, thấy “được bay nhảy”, “được đi đây đi đó”, nhưng càng về sau này, qua thực tế công việc, ông càng hiểu nghề báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề báo hơn. Gần 30 năm công tác tại Tạp chí Cộng sản, GS. Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều công việc và đã viết, biên tập hàng trăm bài báo lý luận với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực… với tất cả sự trải nghiệm và tâm huyết của mình với nghề. Ông bảo: “Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Nhà báo phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác. Những người làm ở tạp chí lý luận chính trị như Tạp chí Cộng sản càng phải có cố gắng lớn, quyết tâm cao và thực sự có lòng say mê, yêu nghề, ham học hỏi và đặc biệt là có một phương pháp làm việc đúng”.

GS. Nguyễn Phú Trọng đã gắn bó và có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển của Tạp chí Cộng sản, nhất là từ khi ông làm Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập, Tạp chí đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các bài viết đã bớt tính kinh viện, bám sát các vấn đề của cuộc sống, có thêm nhiều hàm lượng thông tin; nhiều bài viết đã đi sâu vào thực tiễn, phục vụ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Năm 1992, ông được phong học hàm Phó giáo sư và 10 năm sau (2002) ông được phong học hàm Giáo sư.

Tháng 8.1996, GS. Nguyễn Phú Trọng được Trung ương điều về làm Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Đại học, phụ trách công tác tuyên giáo của Thành uỷ.

Tháng 2.1998, ông được điều lên Trung ương phụ trách công tác tư tưởng – văn hoá và khoa giáo của Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Từ tháng 8.1999 tham gia Thường trực Bộ Chính trị; trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn Văn kiện Đại hội IX của Đảng.

Tháng 1.2000, ông lại được điều về làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Ông đã cùng tập thể Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ đề xuất nhiều chủ trương đúng, và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với phong cách dân chủ, quyết liệt, tạo nên những chuyển biến tiến bộ rõ rệt của Thủ đô. Tháng 11.2001, Bộ Chính trị phân công ông kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng. Từ đầu năm 2003, ông trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết 20 năm đổi mới, chuẩn bị và biên soạn văn kiện Đại hội X của Đảng.

Trong 20 năm qua, GS. Nguyễn Phú Trọng đã tham gia nghiên cứu, tổng kết, biên tập nhiều văn kiện quan trọng của Trung ương như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng năm 1991, Báo cáo chính trị các đại hội VII, VIII, IX, X; một số nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khoá VII), Báo cáo tổng kết 20 năm công tác xây dựng Đảng (1975 – 1995); Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 – 2006)…

Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, IX; Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII và IX; Đại biểu Quốc hội khoá XI. Và mới đây, khi cuốn sách này chuẩn bị được đưa tới Nhà in, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã thành công, ông lại được tín nhiệm bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá X.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục lý luận, đào tạo cán bộ, GS. Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp làm chủ nhiệm một số đề tài và chương trình nghiên cứu khoa học xã hội cấp nhà nước và cấp Thành phố; giảng dạy một số chuyên đề cho cán bộ lãnh đạo cao cấp, nghiên cứu sinh, giảng viên các trường đại học; hướng dẫn một số nghiên cứu sinh làm và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ… Từ năm 1990 đến nay, ông đã xuất bản hơn 10 cuốn sách và gần 30 chuyên đề in trong nhiều tác phẩm. Đáng chú ý là các cuốn: “Sự lãnh đạo và hoạt động của Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường” (năm 1995); “Vì một nền văn hoá Việt Nam dân tộc, hiện đại” (2002); “Phát huy hào khí Thăng Long – Hà Nội, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại” (2003); “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng – một số vấn đề lý luận và thực tiễn” (2005)… Đặc biệt, cuốn “Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước” xuất bản năm 2002, tái bản năm 2005 và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Khi tôi hỏi về mối liên hệ giữa những kiến thức lý luận về Văn học, Kinh tế, Chính trị, Xây dựng Đảng ông đã lĩnh hội được từ nhà trường với công việc chỉ đạo trong thực tiễn hiện tại, ông cho biết: Từ khi về công tác ở Thành uỷ Hà Nội, ông có nhiều điều kiện để kiểm nghiệm những vấn đề lý luận trong thực tiễn. Được đào tạo tương đối có hệ thống và bài bản ở nhà trường, đó là một điều cực kỳ may mắn đối với ông. Nhờ được học Triết mà ông có được phương pháp nhận thức và tư duy lý luận tương đối biện chứng, mạch lạc; nhờ được học Văn mà ông có thể thể hiện rõ hơn suy nghĩ của mình. Kiến thức Kinh tế, Chính trị và Xây dựng Đảng giúp ông rất nhiều trong việc nhìn nhận thực tiễn, phát hiện vấn đề để chỉ đạo, quyết định công việc. Ngược lại, thực tiễn phong phú của cuộc sống lại giúp ông củng cố, bổ sung nhận thức lý luận, thấy được “cái được” và “chưa được” để sửa chữa.

Nhiều năm gắn bó với Thành uỷ Hà Nội ở nhiều cương vị công tác, GS. Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô. Những định hướng, những quyết sách mà ông và các đồng chí lãnh đạo Thành uỷ Hà Nội đề ra trong thời gian qua đã góp phần quan trọng đưa lại cho thủ đô Hà Nội một diện mạo mới. Theo đánh giá của các đại biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XIV vừa qua, nhiều lĩnh vực hoạt động của Hà Nội đã có những bước phát triển khởi sắc, tạo tiền đề để Thành phố tiếp tục đi lên trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tại Đại hội này, GS. Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhiệm kỳ 2005 – 2010 với tín nhiệm rất cao.

GS. Nguyễn Phú Trọng và các bạn đồng môn trong Văn Miếu, Quốc Tử Giám

Cán bộ và nhân dân Hà Nội quý mến, tin tưởng ông, bởi trí tuệ, phong cách, tinh thần làm việc, tính khiêm nhường và sự nhạy bén linh hoạt trong giải quyết công việc của ông. Nhiều người đã gửi thư bày tỏ tình cảm, sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có cá nhân ông. Những người cùng làm việc hoặc đã từng gần gũi GS. Nguyễn Phú Trọng cho biết, ông sống rất giản dị, chân thành, tôn trọng, gần gũi anh em, đồng nghiệp, sâu sát thực tế, luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng. Ông dường như chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Thứ bảy, chủ nhật ông “thư giãn” bằng cách đi cơ sở, xuống tiếp xúc với dân, khảo sát thực tế hoặc đi thăm bạn bè. Báo chí đã kể nhiều về những chuyến đi của ông xuống tận địa bàn để tìm hiểu, kiểm tra và giải quyết những vấn đề khúc mắc, như: khu “xóm liều” Thanh Nhàn, khu xử lý rác thải Sóc Sơn, Công ty Vận tải xe buýt… những chuyến thăm viện dưỡng lão, trung tâm cai nghiện ma tuý, trung tâm bảo trợ xã hội, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Ông là người có ý thức giữ gìn phẩm chất, đạo đức, không lợi dụng chức quyền để vun vén riêng tư cho cá nhân và gia đình. Đi làm, trưa ông vẫn thường ăn cơm ở nhà bếp tập thể cơ quan cùng anh em; những cuộc họp lớp gặp gỡ bạn cũ ông vẫn “mày tao chi tớ”, sôi nổi như thủa sinh viên. Ông thường bảo: “Con người ta mỗi người một số phận, hôm nay làm việc này, ngày mai có thể làm việc khác, sống với nhau cốt ở cái nghĩa, cái tình“. Ông còn bộc bạch: “Tôi biết có nhiều việc mình chưa làm được, nhiều dự định chưa hoàn thành, trong công tác còn nhiều khuyết điểm; ở cương vị của người chèo lái, tuyệt đối không được phép chủ quan; trái lại phải cố gắng, nỗ lực hết mình mới có thể hoàn thành nhiệm vụ“.

Nguyễn Phú Trọng – anh sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm nào nay là một Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Đó là cả một chặng đường dài nỗ lực phấn đấu, không ngừng học hỏi, rèn luyện để vươn lên. Năm 2000, cô Đặng Thị Phúc – giáo viên đã từng dạy GS. Nguyễn Phú Trọng 50 năm về trước, khi ông học lớp 4 – với tất cả tình cảm trìu mến, đã viết tặng ông bài thơ có đoạn:

Ngờ đâu trò nhỏ năm nào

Nay thành cán bộ cấp cao giúp đời

Nhìn em như ngắm hoa tươi

Bõ công chăm sóc từ thời ấu thơ

(Người trò nhỏ năm xưa)

 Đó chính là hạnh phúc của “người lái đò” như cô giáo Đặng Thị Phúc và cũng là hạnh phúc của người học trò “qua sông” đang ngày đêm miệt mài, tận tụy đem sức mình đóng góp cho đất nước, cho quê hương như GS. Nguyễn Phú Trọng!

Lưu Mai Anh [100 Years-VietNam National University,HaNoi]

 

TBT Trọng tái cử là ‘mang tính thừa kế’

BBC

Việc giới thiệu TBT Nguyễn Phú Trọng ở lại vào chức TBT là "mang tính kế thừa", tướng Võ Tiến Trung trả lời báo chí hôm 23/1. Photo: Getty

Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc buổi làm việc chiều ngày 23/1 với biểu quyết thông qua số lượng 200 Ủy viên Trung ương khoá 12 gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.

Trả lời báo chí trong nước, Thượng tướng Võ Tiến Trung – Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng – đã nói tới một trường hợp “đặc biệt để tái cử”:

“Trung ương khoá 11 giới thiệu bốn người ở lại, cùng với đồng chí Nguyễn Phú Trọng là năm. Nhưng cả bốn người, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, đều báo cáo xin rút”, tướng Trung nói, và việc giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại là “mang tính kế thừa, giữ vững ổn định chính trị và nhất là giữ đoàn kết, thống nhất trong Đảng.”

Vẫn theo tướng Trung cho biết thì “Ban chấp hành Trung ương làm rất là dân chủ. Bộ Chính trị không có quyền cho rút và Bộ Chính trị đưa cả bốn đồng chí đó ra Trung ương bỏ phiếu kín về việc có cho phép rút không.

“Sau đó Hội nghị Trung ương 14 đã kết luận là cho cả bốn đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, được phép rút. Như vậy là chỉ còn lại đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị nhất trí giới thiệu.”

Tướng Trung giải thích thêm là tuy cả bốn vị “hoàn toàn tự nguyện xin rút, nhưng Trung ương chưa cho rút thì phải bỏ phiếu kín. Trung ương cũng đã hết sức dân chủ, đoàn kiểm phiếu 22 đồng chí đã kiểm phiếu mới có kết quả là đồng ý cho 4 đồng chí này rút”, và chỉ có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “lớn tuổi nhưng được Trung ương đồng ý là trường hợp đặc biệt để tái cử vào chức danh Tổng Bí thư khóa XII.”

‘Đại hội có quyền quyết định cao nhất’

Tuy nhiên với quy chế đề cử, ứng cử hiện nay thì không có nghĩa là bốn vị lãnh đạo đã được Trung ương đồng ý cho rút, sẽ không có khả năng được bầu lại.

Tướng Võ Tiến Trung giải thích, trong trường hợp tại Đại hội Đảng lần thứ 12 có đại biểu ngoài Trung ương đề cử mà bốn vị này vẫn muốn rút thì “Đại hội vẫn sẽ phải bỏ phiếu hoặc biểu quyết (đó là do quyền của đoàn chủ tịch) để đưa ra quyết định cuối cùng là có cho rút hay không”.

“Đại hội là cơ quan có quyền quyết định cao nhất. Trường hợp Đại hội bỏ phiếu quá bán không cho rút thì các đồng chí đó lại tiếp tục ứng cử,” tướng Trung nói.

Theo Quy chế bầu cử đã được thông qua thì số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu, và hiện Ban chấp hành Trung ương khoá 11 đã chuẩn bị số lượng đề cử có số dư hơn 10%, nên danh sách ứng cử, đề cử nếu số dư nhiều hơn 30% thì Đoàn chủ tịch sẽ lấy phiếu xin ý kiến Đại hội về các ứng cử viên mới (nằm ngoài danh sách Ban chấp hành Trung ương đề cử) để lấy cho đủ số dư tối đa 30%, tướng Trung giải thích.

Hiện chưa có thông tin hay được biết có ai tự ứng cử.

Lịch trình

  • Ngày 24/1 các đoàn sẽ thảo luận cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và ghi phiếu đề cử, ứng cử.
  • Sáng 25/1 các đại biểu sẽ ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử (nếu có) và chiều 25/1 Đại hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút.
  • Việc bỏ phiếu bầu chính thức sẽ diễn ra vào sáng ngày 26/1 và chiều cũng ngày tiến hành kiểm phiếu và công bố danh sách người trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
  • Ngày 27/1, Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại trụ sở Trung ương Đảng.
  • Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đọc diễn văn bế mạc Đại hội vào sáng 28/1.

Thông tin về nhân sự chủ chốt sẽ được thông báo trong buổi họp báo ngay sau khi Đại hội bế mạc.

Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không (V)?

Blog RFA

Nguyễn Thị Từ Huy

Tiếp theo Phần I  —  Phần II   —   Phần III   —   Phần IV

Bây giờ ta sẽ nói đến cái lý do khiến cho TBT Nguyễn Phú Trọng lệ thuộc vào Trung Quốc. Lý do đó là sự kiên định trong việc lựa chọn mô hình chủ nghĩa xã hội và thể chế chính trị độc đảng.

Mô hình này khiến cho Trung Quốc và Bắc Triều tiên trở thành hai đồng minh ít ỏi của Việt Nam, khiến cho Việt Nam tự đẩy mình vào thế bị cô lập không những trên phạm vi thế giới mà còn cả trong khu vực.

Nhân hôm qua, khi đọc để phân tích bài diễn văn khai mạc của TBT, tôi tìm lại tất cả những diễn văn khai mạc của những kỳ đại hội đảng trước đây còn được lưu giữ. Tôi sẽ trở lại với việc phân tích các diễn văn khi có dịp, ở đây chỉ nêu lên một điểm. Nếu so với đại hội lần thứ V, năm 1982, thì Việt Nam ngày nay thật đơn độc. Hồi đó, trong diễn văn khai mạc, ông Trường Chinh liệt kê đến 45 đoàn đại biểu đến từ các nước liên minh chính trị với Việt Nam trên toàn thế giới, trong đó cả Gorbatchev, TBT ĐCS Liên Xô, nhưng hồi đó không có đoàn đại biểu của Trung Quốc. 45 nước ấy giờ đây đã dân chủ hóa hết rồi, họ không còn đến với đại hội của ĐCS Việt Nam với tư cách là những người cùng chiến tuyến nữa.

Thay vì lựa chọn xu hướng phát triển chung cùng với các nước trong hệ thống cũ, lãnh đạo Việt Nam chọn Trung Quốc, nhưng chọn Trung Quốc là chọn một gọng kìm, chọn một sự sỉ nhục. Chỉ cần nhìn vào sự việc : đảng cộng sản Trung Quốc không cử đoàn đại biểu sang tham dự đại hội của đảng cộng sản Việt Nam lần này. Trái lại, trước đại hội, Tập Cận Bình sang để phát biểu trước Quốc hội Việt Nam và sỉ nhục Quốc hội Việt Nam bằng cách dùng ngạn ngữ để ví von : « ngàn vàng mua láng giềng gần », ví von này nếu không phải là một sự sỉ nhục thì là gì ? Chẳng phải đằng sau đó ám chỉ mối quan hệ thiết lập trên sự mua chuộc? Và chỉ một ngày sau, sang Singapore, ông ta tuyên bố rằng các vùng đảo đang tranh chấp thuộc về Trung Quốc trong lịch sử. Và trong khi Việt Nam đại hội đảng thì giàn khoan Trung Quốc vào hoạt động trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Nếu Quốc hội Việt Nam, nếu lãnh đạo Việt Nam, và nếu Việt Nam nói chung chấp nhận để cho Tập Cận Bình dùng ngàn vàng để mua, thì đấy có phải là bán mình không, đấy có phải tự sỉ nhục mình không ?

Ông Nguyễn Phú Trọng, nếu quả thực cho đến giờ phút này ông vẫn giữ được một sự độc lập nhất định trước sự chi phối của Trung Quốc do không bị nắm đằng chuôi trong các phi vụ làm ăn kinh tế, đã phân tích, nếu quả thực ông hiểu rằng chỉ có thể cứu đảng khi giữ được độc lập dân tộc, thì dường như ông vẫn còn chưa hiểu điều này : Việt Nam không thể lấy đại cục (mô hình xã hội chủ nghĩa ) cùng Trung Quốc làm trọng. Việt Nam cần phải xem sự phát triển nội lực là mục tiêu hàng đầu. Bởi chỉ có phát triển nội lực, trở thành một nước giàu về kinh tế, mạnh về khoa học và quân sự, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… thì Việt Nam mới giữ được độc lập. Và muốn phát triển về nội lực, Việt Nam phải thoát Trung. Không có con đường nào khác. Và khi Việt Nam phát triển mạnh thì Trung Quốc buộc phải tôn trọng và coi Việt Nam là một láng giềng thực sự, chứ không phải là một chư hầu như hiện nay.

Điều cấp bách nhất của Việt Nam hiện nay để thoát Trung là thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế. Các nhà kinh tế học có lương tâm cần phải cho dân chúng biết các nguyên nhân thực sự khiến kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc, và nhất là phải chỉ ra những ai là người phải chịu trách nhiệm cụ thể về việc đã để cho kinh tế Việt Nam lún sâu đến mức như hiện nay trong vòng kiềm tỏa của Trung Quốc.

Chúng ta đang hy vọng rằng TPP sẽ giúp Việt Nam tránh được sự chi phối của Trung Quốc bằng con đường kinh tế. Nhưng có thể Trung Quốc đã có những kế hoạch để tiếp tục chi phối kinh tế Việt Nam, lách qua các quy định của TPP, và thông qua các nhân sự Việt Nam mà họ mua chuộc được bằng các loại « hoa hồng ».

Điều này có lẽ những người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất và những người  nghiên cứu về kinh tế ở Việt Nam đã nhìn thấy. Nhưng làm sao để họ có thể nói ra và để có biện pháp phòng ngừa ? Một viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế như ông Trần Đình Thiên lẽ ra cần phải cho người dân biết tình trạng thực sự và nguyên nhân thực sự của nền kinh tế Việt Nam, kèm theo các con số thực sự, chứ không chỉ là những phát biểu quá chung chung như ông vẫn nói. Tuy nhiên, để ông Trần Đình Thiên có thể làm điều mà ta đòi hỏi, trước tiên ông ấy phải có được những nghiên cứu trung thực với các số liệu trung thực, tiếp đó ông ấy phải được đảm bảo an toàn khi công bố các kết quả nghiên cứu ấy. Nếu không thì ông chỉ nói chung chung như vậy thôi. Và ông cứ tiếp tục làm nghiên cứu mặc cho sự vận hành của nền kinh tế trong thực tế có thể rất khác với các nghiên cứu của ông.

Điều này dẫn đến luận điểm sau đây :

Việt Nam không thể thoát Trung về kinh tế, không thể phát triển nội lực, nếu không cải cách chính trị. Chỉ khi có tam quyền phân lập, chỉ khi ngành tư pháp hoàn toàn độc lập với quyền lực chính trị, thì ông Trần Đình Thiên mới có thể làm công việc nghiên cứu một cách đúng nghĩa và có thể công bố các con số thật về nền kinh tế quốc dân mà không phải sợ hãi và không phải trả giá.

Việt Nam chỉ có thể thoát Trung về phương diện kinh tế KHI VÀ CHỈ KHI thoát Trung về phương diện chính trị.

Thoát Trung về phương diện chính trị có nghĩa là phải thoát khỏi ý thức hệ của chính mình, thoát khỏi cái thòng lọng ý thức hệ mà các lãnh đạo dùng để tự buộc vào cổ mình. Hiện tại, cho đến thời điểm này, ông TBT là người nắm cái nút của sợi dây thừng đó.

Vì thế, ông TBT là người có điều kiện để tháo cái nút ấy ra một cách nhẹ nhàng nhất, không làm sây sát, không làm chảy máu của cả dân tộc.

Trong bài diễn văn khai mạc đại hội XII, TBT vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là ông Trọng vẫn kiên định quàng cái dây thòng lọng lên cổ mình và lên toàn bộ dân tộc. Một điều mà ông chưa thấy là : nếu vì không tham nhũng mà ông giữ được phần nào độc lập, không để cho Trung Quốc điều khiển, thì khi ông làm TBT, cái dây thòng lọng này là do ông nắm giữ. Nhưng nếu chức TBT rơi vào thay một người bị Trung Quốc điều khiển, thì cái dây thòng lọng sẽ bị nắm hai đầu : bởi TBT và Trung Quốc. Dường như ông Nguyễn Phú Trọng chưa nhìn thấy nguy cơ này, hoặc chưa nhìn thấy rõ.

Cần hiểu rằng diễn văn khai mạc là văn bản thể hiện tư tưởng chung của toàn bộ BCHTW, nó phải được thông qua trước BCHTW. Vì vậy, sau đại hội, dù ông Trọng rời khỏi chức vụ hay tiếp tục chức vụ TBT, ta có thể thấy, sẽ không có sự thay đổi về cơ chế chính trị.

Tuy nhiên, câu hỏi mà tôi đặt ra trong loạt bài này không phải là về sự thay đổi cơ chế chính trị.

Bất kỳ người nào có biết chút ít về chính trị và về tình hình Việt Nam đều hiểu rằng ở thời điểm này không thể có sự thay đổi về cơ chế chính trị, và đều hiểu rằng quyền lực chính trị hiện tại ở Việt Nam đang rất vững chắc. Hy vọng vào một sự thay đổi căn bản của chính trị Việt Nam vào lúc này là một hy vọng không có cơ sở.

Câu hỏi của tôi là : Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không ?

(Còn tiếp)

Paris, 22/1/2016

Nguyễn Thị Từ Huy

Ông Nguyễn Phú Trọng có thể thực hiện cải cách về thể chế chính trị?

Quốc Việt

TBT Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: báo PetroTimes

Qua một thời gian theo dõi các diễn biến về chính trị tại Việt Nam và nhân sự kiện đại hội đảng đang diễn ra tại Việt Nam để bầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tôi muốn gửi một bài viết cá nhân về xu hướng chính trị Việt Nam trong thời gian tới.

Tôi thường hay có những dự đoán ngược với số đông và thông thường những dự đoán đó lại khá chính xác. Tất nhiên những dự đoán đều phải dựa vào những logic nhất đinh. Lần này tôi có cảm nhận người có thể thực hiện cải cách về thể chế chính trị lại chính là ông Nguyễn Phú Trọng. Tôi muốn viết trước dự đoán này để xem lần này có tiếp tục chính xác hay không.

Trước đây khi phần lớn mọi người nói rằng thủ tướng đang rất mạnh và có khả năng trở thành Tổng thống đầu tiên. Tôi đã nói với một số bạn bè rằng chắc ông ấy sẽ thất bại và hầu hết mọi người đều không tin điều này. Logic của tôi lúc đó đơn giản là thủ tướng đã đi sai nước cờ chính trị sau khi trang web “Chân dung quyền lực” xuất hiện. Với sự hiện diện của trang web này đã ngầm định ông tuyên chiến với hầu hết các thành viên bộ chính trị còn lại. Trong khi đó phía bộ công an thì ông cũng không nắm được bộ trưởng công an vì ông Trần Đại Quang trước khi lên bộ trưởng cũng đã có thời kỳ không được thủ tướng tin dùng và ông Quang cũng khá hiểu con người thủ tướng. Các “đệ tử” khác của thủ tướng phần lớn đều chỉ có thể chi phối về lợi ích chứ không có ai tuyệt đối trung thành với ông. Trong khi đó ông thủ tướng lại có quá nhiều yếu điểm để các đối thủ khác dễ bề tấn công, từ quản lý điều hành kinh tế, xã hội, đến các vấn đề gia đình. Nên khi thủ tướng chọn phương án đối đầu với hầu hết các đối thủ chính trị còn lại thì khả năng thất bại rất cao.

Về ông Nguyễn Phú Trọng, thời gian đầu ông lên nắm quyền tổng bí thư, tôi cảm thấy hơi khó hiểu về ông ta. Vì thông thường một con người sẽ hành động theo hai xu hướng. Một là cho bản thân mình, hai là công hiến cho xã hội để mang lại tiếng thơm sau này. Nhưng ông ta đã không thực hiện cả hai điều này. Nếu ông ta chỉ mong muốn vun vén cho mình thì tốt nhất khi lên chức tổng bí thư không nên tìm cách đấu đá làm gì cả, để cho thủ tướng tự tung tự tác và chắc chắn ông Tổng sẽ được chia sẻ những bổng lộc không nhỏ cho cá nhân và gia đình để hưởng cuộc sống an nhàn sau này và nếu kinh tế xã hội không tốt thì người đời chỉ có trách thủ tướng là người điều hành đất nước. Nhưng đằng này ông Tổng lại ra sức tìm mọi cách để chống tham nhũng, loại bỏ những thành phần “lợi ích” gây tổn hại cho đất nước. Nếu ông ta muốn hành động để lại tiếng thơm sau này thì ông ta phải tích cực ủng hộ dân chủ, ủng hộ cải cách. Nếu chỉ nhìn các hành động của ông Trọng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua thì chúng ta khó nhìn thấy tư tưởng cải cách của ông.

Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát tôi nhận thấy có lẽ ông Trọng sẽ là người đầu tiên thực hiện việc cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam. Nhận định của tôi dựa trên các dữ kiện sau đây.

– Ông Trọng là người cẩn trọng và có tính toán bước đi khá chặt chẽ. Ông ta là người quyết tâm thực hiện ý tưởng tới cùng. Bước đi của ông ta theo tôi đầu tiên là loại bỏ những nguy cơ mà ông cho rằng sẽ cản đường cho sự phát triển đất nước đó là tham nhũng và “nhóm lợi ích”. Sau khi hoàn thành bước một này thì sẽ chuyển sang thực hiện việc cải cách đổi mới toàn diện. Tôi cảm nhận điều này qua nhiều diễn biến nhưng có lẽ rõ ràng nhất vẫn là bài báo trên tạp chí công sản đăng về cảnh báo nguy cơ về “lợi ích nhóm”. Trong đó có phân tích khá rõ ràng và lo sợ Việt nam sẽ rơi vào tay của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Trong khi đó bài bài lại khen chủ nghĩa tư bản hiện đại là có nhiều mặt tiến bộ mà Việt Nam cần học tập.

– Ông Trọng là người khôn ngoan chứ không hề “Lú”. Nếu nhìn những phát biểu của ông thì có nhiều người sẽ nói ông ta vẫn chưa thoát khỏi lý thuyết cộng sản. Tuy nhiên, phân tích một cách kỹ càng thì có thể nhận thấy. Một người không phải là hoàng tử đỏ, cũng không phải là công thần của chế độ từ thời chiến tranh mà leo lên tới chức chủ tịch quốc hội rồi tổng bí thư thì cũng phải là người có nhận thức khá tốt. Với bất cứ đảng viên cộng sản bình thường nào cũng đều có thể biết là chủ nghĩa cộng sản “vứt vào sọt rác” thì đương nhiên ông Trọng không thể nào không biết điều này. Chẳng qua ông giữ chức vụ Tổng bí thư nên chưa thể nói khác được, khi mà chế độ cộng sản vẫn đang là bình phong cho nhiều người để giữ quyền lợi và bổng lộc. Ông có một số phát biểu mà qua đó chúng ta có thể thấy ngụ ý của ông trong đó ví như “chủ nghĩa xã hội không biết xây đến bao giờ mới được”. Trong chính trị ông Trong là người khôn ngoan, ông đã từng bước lôi kéo các thành viên khác của bộ chính trị theo phe của mình, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các đảng viên kỳ cựu lão thành và đưa ra các nghị quyết, nghị định từng bước trói chân đối thủ chính trị của mình. Tôi có cảm tưởng như các thế trận mà ông giăng ra khá chặt chẽ mà đối thủ của ông khó thể nào chống lại được.

– Tôi không cho rằng ông Trọng là người thân Trung Quốc. Bởi nếu thân Trung Quốc ông phải được lợi lộc gì đó. Ông ta lại không phải loại người hám lợi nên việc thân Trung Quốc đâu có lợi gì cho ông mà chỉ để lại tiếng xấu. Tuy nhiên ông không phải là người muốn dùng ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc nên hay bị chỉ trích là thân Trung Quốc. Ngoại giao Việt Nam luôn là ngoại giao theo hướng cân bằng. Ông cũng là tổng bí thư Việt Nam đầu tiên tới thăm Mỹ và có những trao đổi khá cới mở, thẳng thắn với tổng thống Mỹ.

– Điểm cải cách và đột phá của ông Trọng trong nhiệm kỳ vừa rồi là đang cố gắng trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Chúng ta dễ nhận thấy nhiều lãnh đạo tỉnh thành, các bộ và sở có những cán bộ khá trẻ. Những người trẻ thường được đào tạo bản bản và có kiến thức hơn thế hệ lãnh đạo trước, dễ tiếp thu cái mới và dám thử thách. Đây là điểm khởi đầu cho một bước chuyển tiếp cho cải cách đổi mới toàn diện đất nước.

– Điểm cuối cùng là tại sao ông Trọng vẫn mong muốn tiếp tục nắm chức Tổng bí thư thêm một vài năm. Rõ ràng ông ta không phải là người muốn duy trì tiếp quyền lực để hám lợi, vì nếu muốn như vậy thì nhiệm kỳ 5 năm vừa rồi ông ấy đã phải vun vén cho mình rồi. Nếu ông Trọng về hưu tại thời điểm này thì rõ ràng tiếng xấu thuộc về ông khá nhiều và ông chưa thực hiện được tâm nguyện của mình. Do vậy, ông chỉ có thể về hưu khi ông đã thực hiện xong ý nguyện của ông và chí ít cũng phải để lại một điều gì đó ấn tượng đối với nhân dân Việt Nam.

Dựa trên những cơ sở nêu trên thì tôi nhận định ông Trọng có thể là người tổng bí thư Việt Nam đầu tiên thực hiện cải cách về thể chế chính trị. Lãnh đạo Miến Điện từng được cho là quân phiệt và bảo thủ nhưng họ đã bất ngờ có những cải cách mà không ai có thể ngờ tới. Lãnh đạo Việt Nam dẫu sao cũng vẫn ôn hòa và Việt Nam thực hiện hội nhập sớm hơn Miến Điện rất lâu nên việc một lãnh đạo tưởng chừng như bảo thủ có thể thực hiện cải cách chính trị là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

‘Chưa hề có biểu hiện tranh giành quyền lực’

BBC

Nguyễn Hoàng

BBC tiếng Việt, Hà Nội

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: internet

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương bác bỏ những đồn thổi về “tranh giành ghế của nhau” và “đấu đá đến hồi gay cấn” đối với nhân sự cấp cao Đại hội 12.

Trả lời phỏng vấn BBC tiếng Việt tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng nói rằng mặc dù bỏ phiếu kín nhưng các đại biểu khi thảo luận nhân sự cấp cao có thể nói thẳng ý kiến của mình.

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Tôi đã làm lãnh đạo báo chí của ba Đại hội: 10,11 và 12. Về cơ sở vật chất kỹ thuật thì lần này cơ bản cũng có những đổi mới. Nhưng điều quan trọng là lần này báo chí nước ngoài đăng ký tham dự đưa tin tương đối nhiều hơn. Hầu như các hãng lớn đều cử phóng viên tới tác nghiệp tại Đại hội này.

BBC: Có thể ông đã có dịp đọc một số bài của truyền thông nước ngoài bình về điều họ gọi là hai ứng viên cho chức vụ tổng bí thư là ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng? Ông có đánh giá gì về các bài báo này?

H1Ảnh: Hoang Dinh Nam AFP

Tôi nghĩ là quyền đưa tin là quyền của các bạn phóng viên và báo chí nước ngoài. Còn tại Đại hội khi thực hiện công tác nhân sự thì các Đại biểu của Đại hội có Quy chế Bầu cử được thông qua trong phiên trù bị và đương nhiên là có chuẩn bị trước đó trong Hội nghị Trung ương 14. Tôi nghĩ là những vấn đề về nhân sự nhất là nhân sự chủ chốt mà người ta quan tâm là tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội này được bầu ra là ai. Không chỉ là phóng viên nước ngoài đâu mà dư luận và báo chí trong nước cũng quan tâm. Nhưng theo tôi thì chúng ta phải chờ xem Đại hội thực hiện quy chế đó như thế nào. Ngày 26/01 bầu thì cũng có thể nói là cuối chiều ngày 26/01 hoặc ngày 27/01 biết được kết quả.

BBC: Trước khi khai mạc Đại hội ông có nói về thông tin “xấu độc” và các luồng tin không chính thống liên quan tới lãnh đạo cao cấp của Đảng. Vậy Việt Nam có kế hoạch gì để điều tra các nguồn tin “xấu độc” này?

Thực ra thông tin không chính thống hay ngay cả nhóm thông tin không đúng, sai sự thật cũng phải chia ra nhiều dạng. Có những dạng người ta không hiểu biết thì người ta cũng đồn thổi trên mạng xã hội hoặc trên trang cá nhân của người ta. Điều này cũng thể hiện là thông tin ở Việt Nam hiện nay rất là thoải mái, tự do, cũng chẳng ai cấm đoán gì đâu.

Đại hội thì có rất nhiều nội dung nhưng thực ra thì nội dung nhân sự luôn luôn được quan tâm. Nhất là nhân sự cấp cao gồm những ai. Và trong số những người cấp cao đấy thì ai sẽ là người cao nhất thì người ta quan tâm thì tôi cho rằng điều này dễ hiểu. Tuy rằng khi mà đồn thổi thì cũng có thông tin đồn thổi sai. Tất nhiên là có những người suy đoán theo chủ quan của mình, theo mong muốn của mình. Nhưng cũng có người suy đoán có thể đi theo hướng bôi nhọ người này mà tâng bốc người kia thì cái điều này gọi là miệng lưỡi thế gian. Nhưng mà cũng có một số thông tin được coi là “xấu độc” tức là “xuyên tạc” mà cho là “nội bộ mất đoàn kết”. Thậm chí là “tranh giành quyền lực”, “tranh giành ghế của nhau”, “đấu đá đang đến hồi gay cấn” thì tôi cho rằng nói như thế thì không đúng.

H1Photo: AFP

Chúng ta đã biết là khi thảo luận văn kiện và kể cả về nhân sự thì có trao đổi thẳng thắn và có thể nói rằng những vấn đề mà cần phải thể hiện quan điểm hay là một chính kiến của Ủy viên Trung ương thì Trung ương cũng đưa ra để cho các thành viên giới thiệu.

Trong số các vị hiện nay thì ai nên tiếp tục làm, ai nên nghỉ và đương nhiên là mong muốn đổi mới cái bộ máy lãnh đạo để trẻ hóa hơn để đáp ứng được yêu cầu, tốc độ phát triển của đất nước và công cuộc đổi mới. Chứ còn nói là đấu đá nhau và mất đoàn kết thì không có. Còn trong thảo luận thì cũng có thể có những tranh luận, cũng có thể có ý kiến có khi là gay gắt. Tôi cho rằng tinh thần thì cũng vì sự nghiệp chung thôi. Còn ai đó mà cứ đưa những thông tin để mà kích động, bôi nhọ, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ thì đó được gọi là những thông tin độc hại.

BBC: Nhưng trong chính trị thì việc tranh giành quyền lực cũng là việc bình thường, thưa ông.

Ở Việt Nam thì khái niệm tranh giành, trong tiếng Việt của chúng ta cái từ tranh giành thì nó vốn không có nghĩa tích cực. Tức là anh có cái mong muốn được vươn lên ở vị trí cao. Vị trí mà anh có thể thể hiện được năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm đối với với đất nước, đối với Đảng thì cũng không ai gọi là tranh giành. Mà đây là cái bản lĩnh, cái mong muốn, cũng có thể là ý chí. Nhưng mà nếu như mà tranh giành theo kiểu anh làm cho sự việc nó rối tinh lên. Có thể nhiều khi không phải anh không đủ năng lực, anh không đủ tiêu chuẩn, anh không đủ phẩm chất nhưng mà anh cũng nhảy ra và cũng làm cho tình hình nó phức tạp lên. Anh không chịu sự điều chỉnh của tổ chức. Nhất là những tổ chức chính trị thì bao giờ người ta cũng có những qui định, điều lệ của người ta thì nếu vượt ra khỏi những điều đó thì có thể gọi là tranh giành. Thì tôi cho rằng chưa hề có biểu hiện tranh giành.

BBC: Lá phiếu của 1510 đại biểu được mô tả là có tính quyết định, tức là kể như có sự gay cấn?

H1Photo: AFP

Tuy nhiên đấy là quyền tối cao của Đại hội và quyền của Đại biểu và điều này cũng thể hiện sự dân chủ trong Đảng. Thế còn khi chọn các phương án, chẳng hạn 200 Ủy viên Trung ương, trong đó có 180 chính thức, 20 dự khuyết thì ngay cả dự kiến như thế thì mới chỉ là đề án thôi.

Từ 23/01 trở đi thì sẽ có thảo luận về nhân sự. Thì các Đại biểu biểu quyết hoặc bằng giơ tay hoặc là bằng lá phiếu là dự định của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 11 nêu ra là như thế có phù hợp không, có tăng giảm gì không. Thì rõ ràng là Đại biểu vẫn có thể thể hiện ý kiến của mình bằng cái việc như thế. Còn chọn ai thì thế này, các Đại biểu sẽ thảo luận theo chương trình của Đại hội ở các đoàn. Vì số dư có thể là 30%, tức là cũng khá cao thì rõ ràng là trong danh sách đấy đương nhiên bỏ phiếu cho ai là quyền của Đại biểu, và đây là bỏ phiếu kín mà.

Nhưng mà các Đại biểu có thể trao đổi với nhau. Tức là tại sao có thể bỏ phiếu cho người A mà không cho người B chẳng hạn. Thế thì có thể nói lý do tại sao với nhau rất là thoải mái. Anh A đáp ứng được yêu cầu này trong khi anh B không đáp ứng được. Mà nếu vị trí đó anh A làm thì có thể tốt hơn anh B. Tức là cái thảo luận này cũng là cần thiết và thể hiện cái dân chủ và trách nhiệm. Tức là có thể nói thẳng ý kiến của mình với những người tham gia Đại hội chứ không phải chỉ nung nấu, giấu trong đầu của mình mà có thể nói ra quan điểm của mình.