Câu chuyện có thật về cậu bé đánh giày lương thiện trở thành diễn viên nổi tiếng

Một ngày nọ, có một người đàn ông tên là Walter Salles vào thành phố làm việc, ông đi ngang một cậu bé đánh giày khoảng mười mấy tuổi ở quảng trường nhà ga xe lửa, cậu bé đánh giày hỏi ông: “Thưa ông, xin hỏi ông có cần đánh giày không ạ?”

Walter cúi đầu nhìn đôi giày chưa quá bẩn của mình, ông lắc đầu từ chối. Khi Walter chuẩn bị đổi tàu thì cậu bé lúng túng, ngượng ngùng, đôi mắt ánh lên sự cầu xin: “Thưa ông, cả ngày nay cháu chưa ăn gì rồi, xin ông có thể cho cháu vay một chút tiền được không ạ? Cháu sẽ cố gắng đánh giày, một tuần sau cháu sẽ trả lại tiền cho ông!”.

Walter nhìn cậu bé trước mặt mặc bộ quần áo rách rưới, cả người gầy gò, thế là ông móc túi đưa cho cậu bé vài đồng xu. Cậu bé vô cùng cảm kích nói lời cảm ơn ông rồi chạy đi như bay.

Khi đó, Walter nghĩ thầm: “Lại là một thằng nhóc lừa đảo…” và rồi ông đã quên bẵng đi…

cau be danh giay, cậu bé đánh giày
(Ảnh minh họa: Flickr Duey Vu)

Cho đến vài tuần sau, Walter lại đi ngang qua trạm xe lửa, đột nhiên ông nghe thấy giọng nói từ xa vọng lại: “Thưa ông, xin ông đợi một lát!”. Khi đó, ông nhìn thấy một cậu bé gầy gò chạy đến đưa cho ông mấy đồng xu, lúc này Walter mới nhận ra cậu bé này chính là đứa bé đánh giày đã mượn ông tiền.

Cậu bé vừa thở hổn hển vừa nói: “Cháu đã đợi ông ở đây rất lâu rồi, rốt cuộc hôm nay cũng đã trả được tiền cho ông”.

Walter cầm trong tay những đồng xu còn ướt đẫm mồ hôi của cậu bé, đột nhiên ông cảm thấy đứa trẻ này thật đặc biệt. Thế nên bỗng nhiên ông có một suy nghĩ, ông thấy cậu bé này rất phù hợp với hình tượng nam chính trong kịch bản mới của mình.

Hóa ra Walter là một đạo diễn và khi đó ông đang chuẩn bị phần tiền kỳ cho bộ phim, ông đã quan sát các sinh viên của trường diễn xuất không dưới một trăm lần, nhưng đều không vừa ý.

Lúc này, ông nhận ra rằng cậu bé này có thể là nam chính trong bộ phim của ông. Và rồi ông lấy vài đồng xu ra và nói với cậu bé rằng: “Số tiền này là chính tôi muốn cho cháu, không cần trả lại. Ngày mai cháu hãy đến văn phòng đạo diễn ở công ty điện ảnh trong thành phố tìm tôi, tôi sẽ cho cháu một niềm vui bất ngờ lớn hơn”. Nói xong, Walter rời đi, trong lòng cảm thấy rất ấm áp và bắt đầu hy vọng vào cậu bé này.

Hôm sau, bảo vệ công ty điện ảnh nói với Walter rằng trước cửa có một nhóm trẻ con mặc quần áo rách rưới đến. Walter vô cùng ngạc nhiên, ông đi ra cửa thì thấy cậu bé ngày hôm qua chạy đến, vui vẻ nói: “Thưa ông, họ đều cũng là trẻ mồ côi lưu lạc không có cha mẹ giống như cháu, các bạn ấy cũng hy vọng có được niềm vui bất ngờ ạ!”

Walter không thể nào ngờ được một cậu bé vô gia cư nghèo khó lại lương thiện đến thế. Nhưng sau khi quan sát, ông nhận ra quả thật là có vài đứa trẻ khác trong số đó phù hợp với vai nam chính trong kịch bản của ông hơn. Dù vậy cuối cùng Walter đã quyết định chọn cậu bé đánh giày này và ông viết trong hợp đồng lý do mà ông chọn cậu bé là: “Sự lương thiện không cần qua sát hạch”.

Cậu bé này chính là Vinícius de Oliveira người Brazil, cậu chủ nhỏ trong bộ phim “Central Station” (hay “Central do Brasil”) nổi tiếng của đạo diễn Walter Salles, bộ phim này đã nhận được hơn 50 giải thưởng, chiến thắng giải “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” tại Quả Cầu Vàng 1999 và còn nhận được 2 đề cử Oscar năm đó.

su luong thien cua cau be danh giay
Bộ phim “Central Station” do cậu bé đánh giày Vinícius de Oliveira đóng vai chính. (Ảnh: Internet)

Vài năm sau, Vinícius de Oliveira cũng mở một công ty điện ảnh và làm chủ tịch, anh còn viết một quyển tự truyện có tên là “Cuộc đời diễn viên của tôi”.

Trên trang bìa trong của quyển sách có dòng chữ viết tay của ông Walter: “Sự lương thiện không qua sát hạch” và đánh giá của ông về Vinícius de Oliveira: “Vì lòng lương thiện, cậu từng đem cơ hội nhường cho người khác; cũng vì sự lương thiện ấy, cơ hội trong cuộc đời chưa từng bỏ qua cậu”.

Vinícius de Oliveira. (Ảnh:
Diễn viên Vinícius de Oliveira. (Ảnh: Carla Meneghini/G1)

Ngọc Trúc

Kim Jong-un làm thế nào để tiền từ Trung Quốc chảy về Bắc Triều Tiên?

Bất chấp sự phản đối của thế giới, Bắc Triều Tiên vẫn cố phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Điều đáng nói là cho dù nhiều năm trước Liên Hợp Quốc không thông qua nghị quyết xử phạt Bắc Triều Tiên, nhưng cũng không có cách nào ngăn cản Bình Nhưỡng giao dịch mua bán vũ khí hạt nhân với các quốc gia khác. Bắc Triều Tiên vẫn luôn kiếm được rất nhiều tiền cho kế hoạch này. Gần đây, một quan chức cao cấp khi đào thoát khỏi Triều Tiên đã tiết lộ nội tình bên trong việc chính quyền Kim Jong-un kiếm tiền như thế nào.
Một người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên đã tiết lộ, hiện nay tiền gửi từ Trung Quốc Đại Lục đến Bắc Triều Tiên thường qua hai con đường, trong đó một cách là cho tiền mặt vào những chiếc túi lớn, thuê một thuyền trưởng lái tàu chở tiền từ Đại Liên, Trung Quốc nhập cảng Nampo của Bắc Triều Tiên (Ảnh: VOA)

Ông Ri Jong-ho, một cựu quan chức Bắc Triều Tiên đã đào thoát khỏi đất nước này từ ba năm trước và hiện đang sống ở Virginia, Mỹ. Mới đây, ông này đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post rằng ông đã làm công tác 30 năm tại “Văn phòng 39”, một tổ chức bí mật của Triều Tiên có nhiệm vụ chính là kiếm tiền cho chương trình hạt nhân của Đế chế Kim.

Hai cách vận chuyển tiền về Triều Tiên

Ông Ri Jong-ho cho biết, nơi làm việc chính của ông là ở Trung Quốc Đại Lục, mỗi năm từ Trung Quốc có tới hàng triệu USD gửi về Bắc Triều Tiên, do vậy mà từng làn sóng trừng phạt của quốc tế gần như không có tác dụng răn đe với Bắc Triều Tiên.

Theo báo cáo của Washington Post, Ri Jong-ho chuyển tiền về Bắc Triều Tiên qua hai cách, trong đó có một cách là thuê một thuyền trưởng lái tàu chở tiền từ Đại Liên, Trung Quốc nhập cảng Nampo của Bắc Triều Tiên, một cách khác là đưa tiền mặt cho một số người đáng tin cậy đi tàu qua biên giới Trung Quốc – Triều Tiên, để họ mang đến địa điểm được giao.

Ông Ri từng đóng vai trò là chủ tịch một công ty tàu biển, sau đó là công ty vận hành taxi ở Bình Nhưỡng. Tất cả chỉ là vỏ bọc để Triều Tiên chuyển tiền về nước. Vai trò cuối cùng của ông Ri là người đứng đầu một công ty xuất nhập khẩu than đá, hải sản và dầu mỏ. Mục tiêu của công ty là đem về ngoại tệ. Nhưng ông Ri từ chối tiết lộ thêm chi tiết.

Còn trong trường hợp công ty bị liệt vào danh sách trừng phạt, thì làm thế nào để thoát khỏi trừng phạt? Ông Ri Jong-ho nói rằng việc lách lệnh trừng phạt vô cùng đơn giản, “các công ty Triều Tiên đều do nhà nước sở hữu, nên họ chỉ cần đổi tên, thay thương hiệu là thoát lệnh trừng phạt và tiếp tục hoạt động như bình thường”.

Thêm nữa, các đối tác Trung Quốc không mấy quan tâm đến cấm vận. “Khi tôi còn là chủ tịch công ty, các đối tác ở Trung Quốc chỉ nhắc đến lợi nhuận, họ không mấy để ý đến cấm vận. Khi chính phủ yêu cầu họ dừng giao dịch, họ dừng trong vài ngày rồi lại tiếp tục”.

Nhờ vậy mà Triều Tiên vẫn thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm để phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa.

Đài phát thanh Hoa Kỳ VOA cũng đưa tin rằng, ông Ri phụ trách kho bạc của chính quyền họ Kim, kiếm được không ít tiền, cuộc sống vô cùng thoải mái. Ông Ri từng nhận danh hiệu “anh hùng lao động” năm 2002, có TV màu và xe hơi riêng – đặc ân mà bất kỳ ai ở Triều Tiên đều mơ ước. Nhưng đến năm 2014 thì ông Ri Jong-ho quyết định vứt bỏ tất cả đào thoát đến Mỹ, sau khi Kim Jong-un xử tử người chú Jang Song Thaek vì tội phản quốc. Ông Jang là người dẫn đầu trong việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Ông Ri lo ngại mình sẽ là người tiếp theo nên đã bí mật sang Hàn Quốc trước khi dừng chân ở Mỹ.

Ông nói: “Việc Triều Tiên xử tử những người đối lập thì ai cũng nghe nói đến, nhưng thủ đoạn của Kim Jong-un dùng súng phòng không và súng máy để giết tù nhân thì quả thực quá đỗi tàn ác, khiến người ta phải kinh sợ, đến cả người chú của mình cũng không buông tha, thật sự khiến tôi rất sốc.”

“Văn phòng 39”: Kho tiền bí mật của chính quyền họ Kim

Trang News.com.au cho hay, theo thông tin từ Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, “Văn phòng 39” chính là mạng lưới giao dịch của Bắc Triều Tiên với toàn cầu về ma túy, vũ khí, buôn bán người và động vật trái phép.

Văn phòng này mỗi năm đều mang về cho Bình Nhưỡng hàng tỷ USD để Kim Jong-un duy trì việc xây dựng kế hoạch vũ khí hạt nhân, mua xe sang và du thuyền xa hoa cũng như hàng loạt xa xỉ phẩm khác. Đơn cử như, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, ông Ri Jong-ho đã đem về cho Bình Nhưỡng 10 triệu USD. Có nhiều quan chức giống như ông Ri làm việc trong “Văn phòng 39”, chuyên đem tiền về Bình Nhưỡng.

Ông Choi Kun-chol, một người từng làm việc ở “Văn phòng 39” đã đào thoát ra nước ngoài, trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal năm 2014 cũng đã nói nhiệm vụ chính của văn phòng này chính là kiếm tiền gây quỹ cho chính quyền họ Kim. Ông nói thêm, nhiều năm làm việc tại “Văn phòng 39” ông vẫn tin rằng văn phòng này kiếm tiền để xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, chứ không hề biết rằng nó nhằm phục vụ cho “sự nghiệp cách mạng của nhà họ Kim”.

Khi ông Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ đã nhiều lần hối thúc Trung Quốc siết chặt hơn nữa những thương vụ với Bắc Triều Tiên, nhưng nỗ lực này gần như không tác động gì đến Bình Nhưỡng. Ông Ri nhấn mạnh: “Trừ khi Trung Quốc, Nga và Mỹ cùng thống nhất trừng phạt Triều Tiên toàn diện, còn nếu không, ngăn Bình Nhưỡng thu lợi từ nước ngoài là điều không thể.”

TrithucVN

So sánh một đời người ở 3 Châu lục khác nhau.

Một đời của đại đa số người Mỹ

0 – 10 tuổi: Tham gia các loại hoạt động tập thể như khảo sát, khám phá các vùng đất;

10 – 20 tuổi: Theo đuổi ước mơ;

20 – 30 tuổi: Tìm kiếm cho mình một công việc ổn định;

30 – 40 tuổi: Cuối cùng tìm ra được mục tiêu theo đuổi của đời mình, hưởng thụ cuộc sống, có nhà cửa, có xe hơi, có con cái;

40 – 50 tuổi: Thỉnh thoảng trải qua kỳ nghỉ dài sau áp lực công việc;

50 – 60 tuổi: Tận hưởng cuộc sống, du lịch;

60 – 70 tuổi: Bắt dầu viết hồi ký, du lịch;

70 – 80 tuổi: An hưởng tuổi già;

Sau khi mất: Thông thường được đưa vào nghĩa trang công cộng.

Một đời của đại đa số người Mỹ. Ảnh dẫn theo VTV.vn

Một đời của đại đa số người châu Âu

0 – 10 tuổi: Tham gia đội nhạc trong trường, học tập âm nhạc cổ điển;

10 – 20 tuổi: Tổ chức nhóm nhạc của mình, tiến hành thưởng thức các loại âm nhạc;

20 – 30 tuổi: Chịu nhận ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật Gothic;

(Nghệ thuật Gothic là một phong trào nghệ thuật phát triển theo nghệ thuật Rôman ở Pháp vào thế kỷ 12, sau đó đã nhanh chóng lan rộng ra khắp Tây Âu, gần như toàn bộ phía bắc dãy núi Anpơ)

30 – 40 tuổi: Đội nhạc bắt đầu chính thức đi vào tuyến đường “màu kim loại đen”;

40 – 50 tuổi: Nhớ lại sự hồn nhiên của tuổi thơ, bắt đầu trở về cuộc sống “tràn đầy màu sắc”;

50 – 60 tuổi: An định lại, tìm kiếm tình cảm ấm áp, sống cuộc sống bình yên;

60 – 70 tuổi: Đến giáo đường tổng kết một đời của mình;

70 – 80 tuổi: An hưởng tuổi già cùng con cái;

Sau khi chết: Yên tâm nằm ở trên một miếng đất thuộc về mình.

Một đời của đại đa số người châu Âu. Ảnh dẫn theo freyvillageseniorliving.org

Một đời của đại đa số người Trung Quốc

0 – 10 tuổi: Bị ép phải học tập các loại kỹ năng, không ngừng kiểm tra cấp bậc, đa số đều là bởi sĩ diện và mong đợi của bố mẹ;

10 – 20 tuổi: Gặm nhấm cả một núi sách, ứng phó các loại kỳ thi dồn dập kéo đến như sóng biển.

20 – 30 tuổi: Nộp sơ yếu lý lịch khắp nơi, lo lắng bản thân không tìm được công việc;

30 – 40 tuổi: Trở thành nô lệ của nhà cửa, xe cộ;

40 – 50 tuổi: Bận tâm lo lắng cho tương lai của con cái, nhịn ăn nhịn mặc, cố gắng dự trữ tiền bạc;

50 – 60 tuổi: Cuối cùng đã có được cuộc sống của mình, lại phát hiện đã sắp phải nghỉ hưu, lại bắt đầu lo lắng sau khi nghỉ hưu phải làm gì;

60 – 70 tuổi: Bỏ ra phần lớn sức lực để dưỡng sinh, lại phát hiện còn phải trông nom cháu;

70 – 80 tuổi: Cuối cùng an định lại để hưởng ngày tháng cuối đời;

Trước lúc chết: Phát hiện thì ra một một miếng đất ở khu nghĩa trang lại có giá ‘cắt cổ’

Một đời của đại đa số người Trung Quốc. Ảnh dẫn theo hanoimoi.com.vn

Người ta vẫn thường nói rằng, đời người trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Vậy trong những năm tháng của đời mình, bạn đã có lúc nào để tâm mình lắng lại và cảm thấy bình yên hạnh phúc bên gia đình mình; hay phải luôn bôn ba bận rộn chấp nhận làm nô lệ cho vô vàn những thứ khác!

Giữa tiền và gia đình, điều gì thực sự quan trọng hơn, trên những ngã rẽ ấy bạn đã chọn lựa đúng đắn chưa?

Cuối cùng, hành trình của một đời người là trôi qua như vậy, bạn muốn sống như một người Mỹ, Âu châu, hay là một người Trung Quốc như đã kể ở trên? Đều là do bạn quyết định vậy!

Một nửa triệu phú Trung Quốc đang tính kế sang Mỹ sinh sống, lý do vì sao?

 

Nhiều lý khiến các triệu phú Trung Quốc muốn ra nước ngoài sinh sống.
Ảnh: Getty/SCMP
Có tới một nửa số triệu phú của Trung Quốc đang tính kế rời đại lục để ra nước ngoài sinh sống, và Mỹ vẫn là điểm đến ưa thích của họ, kênh CNBC đưa tin, trích dẫn kết quả một cuộc khảo sát chung của tổ chức Hurun Report và Visas Consulting Group.Khảo sát cho thấy, trong số những người có tài sản ròng trên 1,5 triệu USD tại Trung Quốc, một nửa trong số họ hoặc là đã có kế hoạch, hoặc là đang cân nhắc chuyển ra nước ngoài.

Theo cuộc khảo sát, làn sóng những người giàu Trung Quốc và dòng tiền từ Trung Quốc đổ sang Mỹ mua nhà có thể sẽ tiếp tục, góp phần thúc đẩy nhu cầu và giá bất động sản tại một số thị trường, đặc biệt là Mỹ.

Tổ chức Hurun Report cho biết Mỹ vẫn là điểm đến ưa thích nhất để giới nhà giàu Trung Quốc đưa gia đình và tài sản của họ ra nước ngoài.

Canada đứng vị trí thứ hai trong danh sách các điểm “di cư” yêu thích của các triệu phú Trung Quốc, trong khi Anh xếp vị trí thứ ba và Australia đứng thứ tư.

Tại Mỹ, thành phố mà người giàu Trung Quốc thích chuyển đến nhất là Los Angeles, tiếp đến là Seattle, San Francisco và New York.

Khi được hỏi đâu là lý do chính khiến các triệu phú Trung Quốc muốn chuyển ra nước ngoài, họ đưa ra 2 lý do chính là giáo dục và “môi trường sống”.

“Giáo dục và ô nhiễm là các yếu tố thúc đẩy người giàu Trung Quốc di cư”, theo lời ông Rupert Hoogewerf, trưởng nhóm nghiên cứu của tổ chức Hurun Report. “Nếu Trung Quốc có thể giải quyết những vấn đề này, thì động cơ chính để di cư sẽ không còn”.

Ngoài ra, nỗi lo về đồng tiền Trung Quốc bị mất giá cũng khiến nhiều người giàu Trung Quốc chuyển ra nước ngoài, mang theo tài sản của họ.

Có tới 84% số triệu phú Trung Quốc đang lo ngại về sự mất giá của đồng Nhân dân tệ, cao hơn so với tỷ lệ 50% trong cuộc khảo sát năm ngoái. Khoảng 50% số người lo ngại về tỷ giá của đồng USD, các biện pháp kiểm soát ngoại hối của Trung Quốc và bong bóng tài sản ở nước này.

Cho đến nay, lệnh hạn chế nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã không động chạm đến chương trình EB-5, một chương trình yêu thích của những người Trung Quốc giàu có, cho phép họ có thể trở thành công dân của Mỹ bằng việc đầu tư vào một tài sản trị giá 500.000 USD trở lên.

Tuy nhiên, 27% số người giàu Trung Quốc cho biết thời gian chờ đợi là trở ngại lớn nhất đối với việc nhập cư ở nước ngoài của họ.

Hơn 60% số người giàu Trung Quốc vẫn đang “lạc quan” về sự phát triển kinh tế của nước này, nhưng chỉ 22% đánh giá Trung Quốc sẽ giữ được tốc độ phát triển cao, trong khi 44% nhận định kinh tế sẽ giảm tốc.

Theo báo cáo mới đây của Wealth-X, một tổ chức chuyên nghiên cứu về tài sản của các cá nhân siêu giàu, Trung Quốc hiện đang có 16.040 cá nhân siêu giàu sở hữu tổng tài sản 1.950 tỷ USD – đứng thứ 3 thế giới.

Khái niệm siêu giàu của Wealth-X dùng để chỉ những người có tài sản từ 30 triệu USD trở trên, nghĩa là cao gấp 20 lần số tài sản theo khảo sát của tổ chức Hurun Report.

Minh Tuệ/daikynguyen

600.000 tỷ đồng nợ xấu có thể xây 3 sân bay Long Thành

 Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng cho hay, với khoảng 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu có thể xây được 3 sân bay Long Thành.

Thảo luận dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) sáng nay tại Quốc hội, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho biết, việc thu hồi tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu là rất khó khăn. Thực tế thi hành án dân sự có nhiều trường hợp bị thu hồi tài sản quay ra tấn công lại lực lượng thi hành án.

“Vậy TCTD khi thu hồi tài sản phải làm thế nào, họ tự làm hay thuê lực lượng khác, cần có cơ chế rõ ràng. Hơn nữa, trong quá trình thu hồi tài sản nếu có tranh chấp, khiếu nại tố cáo thì giải quyết thế nào? Cần làm rõ những vấn đề này trong nghị quyết nếu không việc xử lý nợ xấu sẽ vào vòng luẩn quẩn và nghị quyết sẽ không có hiệu quả trong thực tế”, bà Trang nói.

ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đồng tình bổ sung vào nghị quyết nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Đồng thời Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm những tổ chức cá nhân có vi phạm trong xử lý nợ xấu.

“Tôi đồng tình rằng mua bán nợ xấu cần theo giá thị trường nhưng phải công khai minh bạch”, ĐB Nguyễn Sơn nêu quan điểm.

nợ xấu,nợ xấu ngân hàng,xử lý nợ xấu
Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Minh Quang

Chủ tịch HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nợ xấu phát sinh trong hoạt động kinh doanh ngân hàng là tất yếu, còn hoạt động cho vay thì còn nợ xấu.

Ông cho biết, tại VN, qua số liệu thống kê cho thấy nợ xấu cao đột biến bắt đầu từ năm 2012, lên tới 17% và tiếp tục phát sinh trong những năm tiếp theo.

Nguyên nhân của tình trạng này là từ khủng hoảng của thị trường bất động sản, chứng khoán và kinh tế tăng trưởng nóng trong giai đoạn trước đó. Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực xử lý, nhưng nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện vẫn chiếm xấp xỉ 600 ngàn tỷ đồng, tức chiếm hơn 10% tổng dư nợ.

Ông Thắng cho hay, trong số 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu, chúng ta phải xác định 90% là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%, nên việc xử lý nợ xấu cấp bách là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tổ chức tín dụng mà là bảo vệ cho người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống TCTD. Làm sao để đưa 600 ngàn tỷ này quay trở lại để phục vụ tăng trưởng kinh tế khi mà nguồn lực còn hạn chế.

Chủ tịch VietinBank ví von rằng, số tiền này có thể làm được nhiều việc, thậm chí có thể xây được 3 sân bay Long Thành mà Quốc hội đang bàn.

5 năm, khởi tố gần 200 cán bộ ngân hàng

Giải trình ý kiến các ĐBQH, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng nêu nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra nợ xấu. Ông thông tin, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2011-2015 bình quân mỗi năm có trên 63.000 DN giải thể và phá sản, cũng là yếu tố làm gia tăng nợ xấu.

nợ xấu,nợ xấu ngân hàng,xử lý nợ xấu
Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng. Ảnh: Minh Quang

Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, quy trình tín dụng của một số tổ chức tín dụng (TCTD) còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng. Chuẩn mực đạo đức cán bộ chưa được quan tâm dẫn đến rủi ro trong việc cho vay…

Về xử lý trách nhiệm nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong dự thảo nghị quyết, Chính phủ đã bàn rất kỹ và không có quy định nào trong dự thảo có thể tạo điều kiện cho các TCTD hay tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi. Các hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ông Hưng cho biết thêm, thời gian qua thông qua công tác thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm pháp luật gây ra tổn thất và nợ xấu cho cơ quan điều tra.

Từ năm 2011-2016, theo thống kê Bộ Công an, lực lượng công an (không bao gồm công an các địa phương) đã phát hiện, khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng.

“Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều người là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT, Phó TGĐ ngân hàng, với nhiều mức án nghiêm khắc như tử hình, chung thân, trên 20 năm…

Riêng tại Agribank, từ năm 2013 đến nay đã xử lý trách thiệm 352 cán bộ. Đặc biệt trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua đã khởi tố điều tra 65 vụ án tại Agribank, xử lý hình sự 122 cán bộ Agribank”, Thống đốc Lê Minh Hưng lấy dẫn chứng.

Hương Quỳnh/VNNet

Donald Trump và bài thuyết giảng giá trị bảo thủ phương Tây

Tờ Thời báo Phố Wall đánh giá phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donlad Trump tại Vác-sa-va, Ba Lan là một bài thuyết giáo về các giá trị và truyền thống phương Tây mà bà Hillary Clinton và bất kỳ chính trị gia Dân chủ nào cũng không bao giờ có thể làm được.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Ba Lan vào ngày 6/7/2017

Nếu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đọc lại lời bài quốc ca Mỹ “Lá cờ sao lấp lánh” trước một trận đấu bóng chày, ông có thể sẽ bị chỉ trích như một kẻ cánh hữu cực đoan. Vì thế mà điều tự nhiên là sau bài phát biểu tuyên dương và bảo vệ các giá trị phương Tây tại Thủ đô Vác-sa-va, Ba Lan, trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức vào tuần trước, những ý kiến chỉ trích Tổng thồng từ phía bên kia của sân khấu chính trị cũng tuôn xuống như mưa.

Chỉ có một vị tổng thống Mỹ đặc biệt như này mới có thể nói, “Tất cả chúng ta hãy chiến đấu như nhân dân Ba Lan vì gia đình, vì tự do, vì đất nước và vì Thiên Chúa”. Vậy mà, những người cánh tả vẫn tấn công ông Trump, họ cho rằng vị tổng thống của đảng Cộng hòa đang gửi những thông điệp quá cao siêu tới những người dân nông thôn đang ủng hộ ông. Còn những người cánh hữu chống Trump thì lại cho rằng bài phát biểu của vị tỷ phú bất động sản này là giả tạo, chỉ bời vì ông ta là người nói nó. Rõ ràng, chúng ta đang phải sống trong một kỷ nguyên của sự hoài nghi.

Angela Stent, giáo sư tại Đại học Georgetown, đã đưa ra một phân tích chính trị ngắn gọn rằng: “Ông [Trump] ít nhất muốn chứng minh cho hội những người ủng hộ ông thấy rằng ông đang làm đúng như tất cả các nguyên tắc mà mình đã phát biểu trong suốt chiến dịch tranh cử”.

“Hội những người ủng hộ Trump”, cái hội đó vẫn còn tồn tại, đúng không?

Trong suốt chiến dịch tranh cử vừa rồi, thông thường người ta nhìn nhận về bộ sậu ứng viên Donald Trump giống một đoàn xe buýt cũ kỹ của những công dân Mỹ ngoài lề xã hội – những người mà ai đó đã từng gọi là những kẻ hư hỏng (deplorables). Nhưng trong cuộc bầu cử đó, khoảng một nửa cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho người đàn ông ấy. Và tại Vác-sa-va, ông ta đã trình bày một bài phát biểu mà đối thủ của ông, bà Hillary Clinton hoặc bất kỳ một đảng viên Dân chủ nào hiện tại sẽ chẳng bao giờ làm như thế.

Nói một cách dễ hiểu: Một phía của cuộc tranh luận [phía Đảng Dân chủ] sẽ không bao giờ được bắt gặp trong các hoạt động xã giao trịnh trọng mà họ sẽ sử dụng cụm từ của sự đàn áp – “phương Tây”.

Để nhận định rõ nét một cách thú vị về sự ghê tởm của cánh tả đối với bài phát biểu của ông Trump, tôi đề xuất các bạn nên đọc bài luận của Robert Merry đăng trên tờ American Conservative có tựa đề: “Bài phát biểu của Trump tại Vác-sa-va đã thách thức tranh luận về nền văn minh phương Tây”. Như tác giả Merry nhận định, đây là một cuộc tranh luận lớn đáng giá, và là một điều mà “hội fan Trump” hiểu được một cách bản năng vào năm 2016.

Trên thực tế, nội dung bài diễn văn ở Vác-sa-va về Văn minh phương Tây thực sự nói về phiên bản tư tưởng hiện tại của đảng Dân chủ và người lãnh đạo chính phủ Mỹ hai nhiệm kỳ qua, ông Barack Obama. Ông Trump có vẻ đã kịp thời ức chế được sự thôi thúc gọi tên người đối lập, do đó hãy cho phép tôi làm điều này.

Những người ủng hộ ông Trump đã biết rằng cuộc bầu cử tổng thống 2016, một cuộc chiến giữa người kế nhiệm của ông Obama và bất cứ ai chống lại bà ta. Đó không chỉ đơn thuần là một cuộc bầu cử nữa. Đó là một  sự kiện quan trọng, quyết định liệu nước Mỹ sẽ đi theo truyền thống phương Tây như nó đã phát triển xuyên suốt lịch sử hay tiếp tục trôi dạt xa khỏi những tư tưởng truyền thống đó.

Những người cấp tiến giành thời gian chế giễu bài phát biểu của ông Trump, coi ông như là một con ngựa hoang với đường lối cánh hữu cực đoan mơ hồ và nhược tiểu. Bởi vì nội dung của bài phát biểu đó đi trệch hoàn toàn khỏi các giá trị chính trị của họ trong suốt 8 năm Obama cầm quyền.

Nếu có một ý thức chỉ huy phương Tây được hình thành qua nhiều thế kỷ ở Châu Âu, bao gồm phương án chiến tranh, đó là cá nhân xứng đáng nhận được sự bảo vệ chính thức trước sức nặng của quyền lực chính trị độc đoán, cho dù quyền lực đó là của vua, giáo sĩ hay nhà độc tài.

Bernard Bailyn, nhà sử học vĩ đại về chính trị Hoa Kỳ thời trước cách mạng thuộc địa, chỉ ra rằng thông qua việc đọc kỹ càng về những bản lưu lại lời tuyên truyền của quân thuộc địa mới thấy được những người Mỹ thời kỳ đầu đó đã rất ghét quyền lực tập trung và xa cách người dân.

Những Nhà lập quốc đã bị ám ảnh với suy nghĩ này và như chúng ta đã thấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ông Jefferson đã chỉ rõ những hành vi sai trái của Vua George, người lãnh đạo của vương Quốc Anh. Jefferson và những Nhà lập quốc đã tạo lập một chính phủ rõ ràng để bảo vệ các thực thể nhỏ hơn như cá nhân và chính quyền địa phương, tránh bị nuốt chửng và áp đảo bởi quyền lực quá mạnh của chính phủ liên bang.

Những người Mỹ cánh tả chưa bao giờ hoàn toàn thoải mái với hệ thống chính trị phân tán và “khó khăn” của Hoa Kỳ. Một khi phe cánh tả xác định được một lợi ích chính trị phổ quát, họ thiếu kiên nhẫn để áp dụng điều đó vào thực tế. Một trong những tư tưởng Mỹ đầu tiên bị phía tả phản đối là chủ nghĩa liên bang: Họ tin rằng các tiểu bang không thể được tin cậy để làm điều đúng đắn.

Điều đó đã xảy ra vào những năm 1950 và 60, khi chính quyền tìm các biện pháp khắc phục nạn phân biệt chủng tộc. Với 8 năm cầm quyền của Obama, xu hướng người dân ghẻ lạnh chủ nghĩa liên bang càng tăng lên. Quyền lực gần như tập trung hoàn toàn vào chính quyền liên bang (Nhà Trắng), trong khi các tiểu bang không có tiếng nói đáng kể ở các vấn đề quan trọng. Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Obama đã áp đặt các quy tắc kiểm soát nhân danh các tuyên bố về khí hậu phổ quát. Bộ Tư pháp do  Eric Holder đứng đầu đưa ra các vụ kiện cáo buộc sự phân biệt về chủng tộc chống lại cảnh sát, các thị trấn và hệ thống trường học địa phương. Bộ lao động Obama cũng đã làm như vậy để ép buộc người sử dụng lao động tư nhân; Bộ trưởng Lao động thời đó là Tom Perez, hiện đang lãnh đạo Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ.

Truyền thống phương Tây về bảo vệ quyền cá nhân đã được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết ở quy định về tiến trình tố tụng và giả định vô tội (cho đến khi bị chứng minh ngược lại), trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Việc tin vào giá trị truyền thống phương Tây này đã ngăn trở các cáo buộc lạm dụng tình dục ở trường học, vậy nên Bộ giáo dục Obama đã ban hành bản “hướng dẫn”, theo đó đảo ngược lại tiến trình tố tụng và hợp pháp hóa giả định có tội.

Rốt cuộc, hội “fan” Trump bằng trực giác biết được rằng một sự tái cấu trúc lâu dài các truyền thống chính trị của của họ đã xảy ra ở xã hội Mỹ.

Sự thay thế tư tưởng cấp tiến cho kinh nghiệm truyền thống phương Tây mở rộng đến khía cạnh văn hóa, đặc biệt là tôn giáo. Khi Donald Trump, trước tất cả mọi người, kể lại rằng những người Ba Lan ở quảng trường Chiến thắng đã hô vang “Chúng tôi muốn Thiên Chúa” vào năm 1979, những lời lẽ ấy đinh tai nhức óc như tiếng móng tay cào lên bảng đen đối với những người cấp tiến hậu hiện đại.

Một cách để hiểu chính trị Mỹ ngày nay là hãy so sánh sự chia rẽ của xã hội Mỹ với nước Mỹ thời kỳ trước cuộc Cách mạng thuộc địa, khi đó phe kích động cho cuộc nổi dậy của 13 bang thuộc địa là Vua George và Quốc hội của ông ta ở London.

Trong thời đại của chúng ta ngày nay, cuộc đấu tranh là sự phản kháng chống lại sự tăng cường sức mạnh quyền lực trung ương đối với quyền tự do của các thực thể nhỏ hơn trong xã hội Mỹ như các tiểu bang, gia đình và mỗi cá nhân. Những người Dân chủ cấp tiến đang đóng vai Vua George mới, họ muốn mở rộng quyền cai trị 50 tiểu bang hậu thuộc địa từ Washington xa xôi. Và hội “fan” của Trump là những người nổi dậy phản đối điều đó.

Tác giả: Daniel Henninger

Đăng lần đầu trên tạp chí Thời báo Phố Wall

Xuân Thành (dịch)

Xem thêm: