Hành trình “khó tin” từ VĐV thể hình tới top 8 tỷ phú công nghệ trẻ giàu có nhất thế giới của CEO Airbnb

Brian Chesky thật sự không biết nhiều về công nghệ cho đến khi anh khởi nghiệp với Airbnb. Nhờ ý tưởng táo bạo, dám nghĩ dám làm và chăm chỉ học hỏi mà anh đã trở thành một trong những người sáng lập công nghệ trẻ, giàu có nhất nước Mỹ với khối tài sản 3,8 tỷ USD.

Đến bây giờ, vẫn có nhiều người không thể tin, một anh chàng sinh viên theo học ngành thiết kế công nghiệp, đam mê khúc côn cầu và thể hình lại có thể khởi nghiệp thành công và trở thành tỷ phú công nghệ, lĩnh vực mà anh không có nhiều hiểu biết cũng như kinh nghiệm. Brian Chesky đã chứng minh được một điều rằng khi bạn có sự quyết đoán và suy nghĩ táo bạo thì có thể làm bất cứ việc gì.

Brian Chesky là người đồng sáng lập website Airbnb cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn, căn hộ có vốn điều hành ban đầu lên tới hàng tỷ USD. Brian Chesky sinh ra và lớn lên ở vùng Niskayuna, New York. Từ nhỏ anh có ước mơ trở thành vận động viên khúc côn cầu. Anh cũng thích vẽ và thiết kế nhưng nó lại chẳng liên quan gì đến công nghệ. Brian thích thiết kế những mẫu giày thể thao mang thương hiệu Nike. Ngoài ra, anh cũng dành mối quan tâm đặc biệt đến nghệ thuật.

Tỷ phú trẻ Brian Chesky.

Tỷ phú trẻ Brian Chesky.

Năm 1999, Brian đăng kí tham dự trường đại học công nghiệp Rhode Island, chuyên ngành thiết kế. Tại đây, anh đã gặp gỡ Joe Gebbia, người bạn đồng hành cùng anh sáng lập Airbnb sau này. Joe Gebbia cũng chia sẻ với trang Fortune rằng ngay sau khi tốt nghiệp, anh bàn với Chesky về việc họ sẽ cùng nhau thành lập công ty vào một ngày không xa. Thậm chí, hai anh chàng sinh viên đại học còn lên kế hoạch viết một cuốn sách về hành trình khởi nghiệp của mình.

Tuy nhiên, khoảng thời gian đầu mới ra trường Chesky đã trở thành vận động viên thể hình. Anh còn được biết đến là chàng trai sở hữu cơ bắp cuồn cuộn với khả năng chiến đấu mạnh mẽ. Sau đó, Brian lại được nhận vào làm nhân viên thiết kế của một công ty công nghiệp tại Los Angeles. Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, Chesky đã tìm đến người bạn Gebbia để thực hiện ước mơ thời đại học của mình.

Thời đại học, Brian Chesky không biết nhiều về công nghệ cho đến khi anh khởi nghiệp Airbnb.
Thời đại học, Brian Chesky không biết nhiều về công nghệ cho đến khi anh khởi nghiệp Airbnb.

Khi đặt chân tới San Francisco tham gia hội nghị thiết kế, hai người nhận ra rằng tất cả các khách sạn ở đây đều đã hết phòng. Cũng vì vậy mà Chesky và Gebbia đã nảy ra ý tưởng mở website Airbnb cung cấp dịch vụ thuê phòng, căn hộ khắp nơi trên thế giới. Khách hàng có thể đặt phòng trực tuyến thông qua trang web mà không cần thiết phải đến tận địa điểm thuê phòng.

Cùng với một người bạn tên là Nathan Blecharczyk, ba người thành lập website Airbedandbreakfast.com và sau đó rút ngắn thành Airbnb. Đến năm 2016, website này đã cung cấp dịch vụ thuê phòng mở rộng trên 34.000 thành phố khắp các quốc gia trên thế giới với hơn 60 triệu khách hàng. Hiện Airbnb là công ty khởi nghiệp có giá trị lớn thứ hai của Mỹ với 31 tỷ USD.

Brian Chesky và hai người bạn đồng hành khởi nghiệp Airbnb, cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến.
Brian Chesky và hai người bạn đồng hành khởi nghiệp Airbnb, cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến.

Năm 2015, Brian Chesky lọt vào danh sách một trong những giám đốc điều có ảnh hưởng nhất thế giới của tờ Time 100. Ngay cả vị giám đốc thiết kế kì cựu của Apple như Jonny Ive cũng phải khen ngợi sự táo bạo và nhạy cảm với thiết kế, nghệ thuật của Brian.

Ở tuổi 35, Brian Chesky sở hữu 13% cổ phần của công ty Airbnb với giá trị tài sản ròng lên tới 3,8 tỷ USD. Anh cũng lọt vào top 8 doanh nhân giàu có nhất thế giới dưới 40 tuổi. Và cũng giống với nhiều ông lớn công nghệ như Mark Zuckerberg, nhà sáng lập trẻ của Airbnb công khai tuyên bố sẽ dành tặng hơn 50% tài sản của mình cho quỹ từ thiện của tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett.

Vị giám đốc trẻ tuổi này hiện đang hẹn hò cùng nữ nghệ sĩ Elissa Patel. Mối quan hệ tình cảm của anh không ồn ào nhưng đã kéo dài được hơn 4 năm. Dù bận rộn nhưng Chesky và Patel luôn dành thời gian để cùng nhau tập yoga mỗi tuần.

Họ cũng nuôi một chú chó cưng tên là Sir Richard Parker. Chú chó này chính là người bạn đồng hành theo cặp đôi đi du lịch ở khắp nơi. Đầu năm nay, Chesky và Patel đã có chuyến du lịch lãng mạn tới Ấn Độ.
Họ cũng nuôi một chú chó cưng tên là Sir Richard Parker. Chú chó này chính là người bạn đồng hành theo cặp đôi đi du lịch ở khắp nơi. Đầu năm nay, Chesky và Patel đã có chuyến du lịch lãng mạn tới Ấn Độ.

Nói về dự định tương lai, Brian Chesky cũng thẳng thắn chia sẻ anh đang có ý tưởng biến Airbnb trở thành một công ty du lịch cung cấp đầy đủ mọi dịch vụ. Mặc dù hiện tại, Airbnb vẫn được coi là công ty tư nhân nhưng có lẽ khoảng 3 năm sau nó sẽ được cổ phần hóa để phát triển lớn mạnh hơn.

Nguyễn Linh/Trí thức trẻ/Bussiness Insider

 

Phong cách sống Lagom của người Thụy Điển: ‘Biết đủ chính là tự do’

Đầu năm 2017, giới truyền thông thế giới bỗng nhiên cùng chú ý và khai thác về chủ đề phong cách sống “lagom” của người Thụy Điển, mặc dù đất nước này đã thực hành lối sống đặc trưng của mình từ hơn 1.000 năm qua. Có lẽ trước một thế giới xô bồ và náo nhiệt, với những mảng đối lập đến khó hiểu đồng thời tồn tại của sự thừa thãi và thiếu thốn, sự thèm khát và dửng dưng đến chán chường, chủ nghĩa lagom vốn âm thầm tồn tại bao đời bỗng nhiên được để ý tới chính bởi sự giản dị của nó.
Lagom là một tính từ dùng để chỉ sự vừa phải, không quá nhiều mà cũng chẳng quá ít. Thật khó để có thể chuyển tải hết ý nghĩa của từ lagom sang bất kỳ thứ tiếng nào khác. Người Thụy Điển dùng lagom như một kim chỉ nam chung cho cả dân tộc, hình thành nên phong cách sống, ứng xử, giao tiếp, và thậm chí cả ẩm thực của riêng mình. Lagom là vừa đủ, là thích hợp, là cân bằng nhưng không nhất thiết phải là hoàn hảo nhất.

Người ta truyền tai nhau câu chuyện từ thời Viking để giải thích cho cụm từ lagom, rằng vào thời đó, các chiến binh Viking thường ngồi quanh ngọn lửa và truyền nhau chiếc sừng trâu đựng đầy rượu, và họ phải biết giữ danh dự của mình bằng cách uống vừa đủ lượng rượu để chiếc sừng có thể được truyền tay nhau lâu hơn và ai cũng có phần. Cụm từ “laget om” ra đời là chỉ về sự vừa đủ đó, dần dần nó được thu gọn lại thành lagom nhưng vẫn giữ nguyên nghĩa như vậy.

Người Mỹ và châu Âu đã từng đánh giá chủ nghĩa lagom của Thụy Điển là chiếc rào ngăn cách đất nước này với thế giới hiện đại, khi các quốc gia này theo đuổi chủ nghĩa tiêu dùng và kích cầu để đạt được tăng trưởng kinh tế. Nhưng cho đến khi sự thừa thãi về vật chất, giải trí và kích động tinh thần dần đến cực điểm đã khiến con người mệt mỏi, mất phương hướng, họ bắt đầu tìm tới những giá trị chân thực và lâu dài hơn.

Tinh thần lagom thể hiện ở mọi mặt của cuộc sống Thụy Điển, từ việc chỉ nói ngắn gọn vừa đủ không khoa trương, ở trong những ngôi nhà đơn giản ít đồ đạc và thoáng đãng, ăn những đồ ăn không quá cầu kỳ, thậm chí đến vui chơi cũng không quá ồn ào, náo nhiệt… người Thụy Điển hình thành một sự tiết chế trong mọi việc họ làm, hay có thể nói họ như nắm giữ một bí quyết của cuộc sống:

Nói vừa đủ

Nhiều người đã nói rằng cú sốc văn hóa đầu tiên của họ khi tới Thụy Điển là người dân ở đây có vẻ lạnh lùng, ít nói. Người Thụy Điển không thích sự vòng vo nhưng lại tìm kiếm sự thỏa hiệp và tránh đối đầu, căng thẳng. Họ vừa tôn thờ chủ nghĩa cá nhân nhưng cũng lại tuyên bố rằng “Đừng nghĩ bạn là người đặc biệt”. Người Bắc Âu nói chung lưu truyền bộ quy tắc Jante về hành vi ứng xử của mỗi cá nhân, qua đó hướng tới việc bỏ qua cái tôi to lớn để tạo ra một xã hội thân thiện và hợp tác, nơi sự khiếm tốn và tôn trọng người khác luôn được đánh giá cao. Và chủ nghĩa lagom càng giúp hiện thực hóa bộ quy tắc ứng xử này, người Thụy Điển ít nói và không dùng những từ mạnh mẽ mang sắc thái biểu cảm nhiều bởi họ không muốn trở thành nổi bật hay thể hiện quá nhiều về con người mình, cũng như không muốn đưa ra những kết luận, đánh giá thiếu căn cứ có thể ảnh hưởng tới người khác.

Sự vừa đủ trong lời nói sẽ khiến bạn giảm thiểu nguy cơ sa vào những hiểu lầm và tranh cãi không cần thiết, cũng đồng nghĩa với việc bạn có ít nguy cơ bị ràng buộc bởi những phiền hà không đáng có, và khả năng tránh xa những ràng buộc chính là tự do.

Cảm xúc cũng vừa đủ

Người Thụy Điển nổi tiếng với phương châm bình đẳng, bác ái, với họ bày tỏ lòng yêu nước hay chủ nghĩa dân tộc thái quá là một sự phân biệt chủng tộc, họ sợ rằng sẽ gây ra sự mặc cảm và gián cách đối với người nước ngoài sinh sống tại đất nước mình. Họ đã chứng minh được rằng lưu giữ những truyền thống lâu đời và những giá trị tinh thần tốt đẹp mới là cách bảo vệ dân tộc của mình một cách tốt nhất, chứ không nhất thiết phải giơ cao khẩu hiệu, kích động tinh thần dân tộc một cách trái với lagom. Đó chính là sự rộng lượng và kiểm soát cảm xúc, khi mọi thứ đều được tiết chế vừa đủ thì sẽ khó có cơ hội cho những kích động tiêu cực và lệch lạc cực đoan, xã hội sẽ ổn định và hài hòa mà không cần tới những chế tài cứng nhắc, thiếu chặt chẽ. Và sự vừa đủ một lần nữa lại đem lại tự do cho con người và xã hội.

Vật chất vừa đủ

Tinh thần lagom còn được biết đến nhiều nhất qua phong cách kiến trúc, nội thất và thời trang của người dân nơi đây. Giống như các quốc gia Bắc Âu khác, những ngôi nhà của người Thụy Điển mang đậm phong cách tối giản, tinh tế, thoáng đãng và yên bình. Phong cách nội thất Scandinavian đã trở nên nổi tiếng từ buổi triển lãm Triennale di Milano tại thành phố Milan, Ý từ năm 1947 và ngày nay đang ngày càng lan rộng trên toàn thế giới. Những ngôi nhà của người Thụy Điển đối lập hoàn toàn với phong cách sang trọng và xa xỉ của giới quý tộc châu Âu hay giới tài phiệt Mỹ. Lagom chính là làm cho mọi thứ trở nên đơn giản và vừa đủ, vì vậy không gian sống cũng phải đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được chức năng sử dụng của đồ đạc. Ví dụ nếu bạn cần một chiếc bàn để đặt chiếc máy tính cá nhân và làm việc thì bạn có thể tận dụng bàn ăn dài ở phòng ăn. Nếu bạn cần một chiếc ghế để ngồi thì chiếc sofa dài nhỏ gọn là đủ chứ không nhất thiết phải là ghế hình chữ L chiếm diện tích.

Những thương hiệu thời trang của Thụy Điển cũng rất thanh lịch, đơn giản, ít điểm nhấn với màu sắc chủ đạo là những gam trầm, nền nã. Thương hiệu thời trang H&M và nội thất IKEA là hai trong số nhiều đại diện xuất sắc của Thụy Điển đem lagom tới toàn thế giới. Đồ dùng của IKEA tiện dụng, đa năng, đẹp và tốt, nhưng không quá đắt hay quá bền. Các mẫu thời trang H&M giá cả bình dân và luôn thay đổi nhưng không có nghĩa là chất lượng tồi.

Ăn uống vừa đủ

Lagom trong ẩm thực của người Thụy Điển chính là việc lên kế hoạch nấu nướng và mua sắm cho cả tuần, bạn sẽ không phải mất công nghĩ ngợi về việc làm bếp mỗi ngày. Họ cũng không chế biến những món ăn quá phức tạp mà thiên về việc tận hưởng hương vị tự nhiên nhất của thực phẩm. Việc để thừa thức ăn và lưu cữu trong tủ lạnh là điều tối kỵ, bởi biết vừa đủ sẽ khiến bạn luôn kiểm soát được việc không lãng phí đồ ăn nói riêng và những thứ phục vụ cuộc sống của bạn nói chung. Bạn sẽ không phải lo tái chế đồ thừa như thế nào, vứt chúng đi với tâm trạng áy náy ra sao, và thế là bạn lại đạt được sự tự do ở phương diện này.

Và vừa đủ chính là để có được nhiều hơn

Thụy Điển cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới có trung tâm thương mại chuyên bán những món hàng đã qua sử dụng. Đây là kết quả của triết lý lagom trong kinh doanh bền vững, thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm vật liệu và năng lượng, đồng thời giảm thiểu gánh nặng xử lý rác thải cho chính quyền địa phương. Con người cũng chỉ là một “thành viên” trên Trái đất này, việc hủy hoại thiên nhiên chẳng khác gì thắt chiếc thòng lòng vào cổ mình ngày một chặt hơn. Thật may mắn, triết lý vừa đủ khiến con người ta bớt chạy theo những đòi hỏi ngày càng nhiều hơn đối với tài nguyên và môi trường sống.

Muốn “ít hơn” chính là được “nhiều hơn”, và đó là tinh thần của lagom. Khi bạn muốn ít hơn, bạn sẽ buộc phải trân trọng những thứ mình đang có, bạn sẽ ít bị ràng buộc bởi ham muốn và những dục vọng ngày càng gia tăng một khi được đáp ứng. Và rồi bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn bởi sự vừa đủ chính là cân bằng, sự cân bằng luôn là điều kiện tốt nhất để mọi thứ được vận hành, kể cả cuộc sống của bạn.

Thu Hiền/Daikynguyen

Từ lập trình viên đến nhà đầu tư thiên thần

Nguyễn Thành Nhân từng là kỹ sư ở Google, hiện làm việc tại Walmart (Mỹ) và đã đầu tư trên 10 startup tại Việt Nam và Mỹ.

Đến nay, hai phần ba dự án mà Nhân rót vốn đầu tư đã thất bại. Nhưng với anh, trở thành nhà đầu tư là việc phải tới, khi máu kinh doanh đã ngấm từ thuở bé.

Sinh trưởng trong gia đình có bố mẹ đều là giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), từ lớp 7 Nhân đã đọc sách kinh tế học. Một năm sau, được bố cho chơi điện tử trên máy tính của trường, nam sinh quyết định chuyển sang lớp chuyên Tin vì “chắc bên đó có nhiều trò chơi điện tử”. Từ đó, Nhân làm quen với máy tính, từng bước trở thành lập trình viên và tìm được chỗ đứng tại vùng đất công nghệ nổi tiếng thế giới: thung lũng Silicon.

Trong thời gian du học tại Đại học Simon Fraser (Canada), Nhân có cơ hội thực tập tại trụ sở chính của Google ở Mỹ. Dù được gã khổ lồ mời ở lại, anh vẫn chọn gia nhập startup Chai Labs và làm việc cho đến khi Facebook mua công ty này. Lý do bỏ việc cũng rất lạ. “Facebook tuyên bố họ nắm 10% thời gian người dùng, tôi nghĩ rằng họ đã lãng phí 10% thời gian của mọi người”. Thế là Nhân trở lại Google năm 2010, làm trong nhóm AdWords.

Trong thời gian xa xứ, Nhân vẫn giữ liên hệ với bạn bè ở Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng startup. Mỗi dịp về thăm quê, anh đều dành thời gian trò chuyện cùng những người đam mê khởi nghiệp. Trong đó có Đỗ Tuấn Anh, nhà sáng lập và CEO Appota – cung cấp nền tảng cho di động.

“Khi nói chuyện với anh ấy, tôi thích quá nên muốn tham gia đầu tư. Trước kia tôi không quan tâm đến môn Sử nhưng anh Tuấn Anh nói phải biết phân tích sự kiện lịch sử và không để cảm xúc ảnh hưởng đến phân tích trong kinh doanh”, anh kể về cái duyên trở thành nhà đầu tư thiên thần 5 năm trước.

Đang có công việc tốt lương cao tại Google, lập trình viên quyết định mạo hiểm để đầu tư, cũng là thỏa mãn đam mê kinh doanh ngấm từ bé. Được một người bạn giới thiệu, Nhân “theo đuổi” CEO TechElite gần 3 tháng trời mới “có chân” trong nhóm đầu tư. “Tôi học được rất nhiều, từ việc chọn sản phẩm thế nào để xây dựng, có nên vào vườn ươm không hay gọi vốn từ nhà đầu tư mạo hiểm ra sao. Kinh nghiệm bán hàng, marketing hay PR cũng tích lũy được kha khá”, anh kể vể trải nghiệm lần đầu bỏ tiền vào một dự án.

Từ khởi đầu ấy, Nhân lần lượt đầu tư vào nhiều startup khác ở Việt Nam và Mỹ. Tiêu chí lựa chọn cũng rất lạ lùng, mục tiêu không phải là số tiền có được mà là “dự án phải giúp tôi học cái gì đó”. Định hướng từ đầu là vậy, nên anh không nản khi cho đến nay, đa phần số dự án đã rót vốn đã thất bại, con số thu về hoàn toàn bằng không.

Vừa mất tiền vừa mất thời gian, tại sao vẫn đi tiếp cuộc chơi mạo hiểm này? “Tôi đầu tư chủ yếu để học nên thất bại cũng dạy cho mình những bài học đắt tiền. Đầu tư mạo hiểm khác ở chỗ cần một công ty thực sự to để có lãi. Còn nếu sợ rủi ro, việc này không dành cho bạn”, anh nói.

tu-lap-trinh-vien-den-nha-dau-tu-thien-than

Lập trình viên kiêm nhà đầu tư Nguyễn Thành Nhân.

2/3 thất bại cũng có nghĩa 1/3 chưa chết. TechElite, dự án thử sức lập trình viên trong vai trò nhà đầu tư sau đó gọi được thêm nhiều nguồn vốn khác nên Nhân không bỏ thêm tiền vào nữa và nắm một số cổ phiếu. “Mối quan hệ giữa hai bên nhà đầu tư và dự án với tôi là lạt mềm buộc chặt. Chúng tôi chia sẻ lợi ích khi thành công bằng việc mua cổ phiếu. Nếu công ty thành công hay lên sàn, M&A thì tôi cũng được một phần nhỏ”, nhà đầu tư 5 năm chia sẻ.

Khi dự án thất bại, nhà sáng lập mở công ty khác, Nhân vẫn hỗ trợ và xem xét đầu tư. Bởi anh cũng hiểu rủi ro khi khởi nghiệp là gì. Theo anh, với startup thì dự án còn tồn tại là mừng và hết lỗ thì càng là cấp số nhân của niềm vui. Môi trường khởi nghiệp sẽ dạy cả người sáng lập và nhà đầu tư những bài học không tên từ nhỏ cho đến lớn. Khi cùng làm, cả hai bên sẽ hiểu nhau và biết có thể song hành trên con đường phía trước hay không.

Cũng chính trải nghiệm này từng thúc đẩy Nhân nghỉ Google và khởi nghiệp ở Mỹ năm 2016. Dự án Fintech của anh nhanh chóng tan vỡ vì chưa có kinh nghiệm về ngân hàng, rút ra một bài học sâu sắc về thời gian, công sức và tiền của. “Khi nói chuyện với nhiều người, tôi nhận thấy có vẻ họ không cần sản phẩm này. Đồng sáng lập chia tay để làm công việc khác. Chúng tôi quyết định dừng lại”, Nhân kể.

Tuy nhiên, đó không phải là dấu chấm hết cho hành trình đam mê của nhà lập trình từ thung lũng Silicon. Anh đã nhiều lần chia sẻ về dự định hồi hương trong tương lai gần. Ngày xưa, ước mong ấy từng rất kiêu. Đó là kiếm 10 triệu USD trước 35 tuổi và quay về Việt Nam mở trường tư mô hình Stanford, tính học phí cao và cho học bổng với học sinh giỏi.

Nhân hóm hỉnh nói giờ anh chưa có 10 triệu USD nhưng mới 34 tuổi. Anh đã đầu tư vào trường dạy thuật toán đầu tiên ở Việt Nam là BigOCoding với hy vọng có thể giúp sức đào tạo nhiều kỹ sư giỏi cho ngành công nghệ. Anh cũng bỏ tiền vào dự án dạy tiếng Anh phi lợi nhuận mang tên Elight, với hy vọng Việt Nam trở thành quốc gia nói tiếng Anh để đáp ứng điều kiện cần cho quốc gia khởi nghiệp.

Tư duy thuần khiết về định nghĩa của một lập trình viên không vướng áp lực tiền nong khiến Nhân đón nhận thất bại trong đầu tư rất nhẹ nhàng. “Khó khăn của một nhà đầu tư mới chính là chưa thất bại bao giờ. Thất bại chính là bài học cần thiết cho những nhà đầu tư mạo hiểm”, anh chia sẻ.

Năm năm không có một đồng lời thu về từ hoạt động này, cũng chưa dự án nào có dấu hiệu IPO hay M&A, Nhân vẫn ổn khi đang làm việc tại Walmart. Với anh, lập trình hay đầu tư đều là công việc của hai bên cánh tay. Nếu lập trình là tay phải, tay thuận, thì đầu tư là tay trái. Tay trái không sành bằng tay phải, nhưng vẫn là một cánh tay, thuộc về một phần con người anh.

Khi làm lập trình, Nhân chỉ ngồi một chỗ viết code hay đọc sách. Khi đầu tư, anh phải gặp gỡ nhiều nhà sáng lập và nhà đầu tư. “Khó cân bằng nhất là thời gian”, anh nói nhưng vẫn quyết đi tiếp. Hai công việc có vẻ tương phản lại thể hiện đúng nhất cá tính của chàng trai gốc Hà Nội này: đam mê học hỏi và không ngại mạo hiểm.

Những chiến sĩ ngã xuống Tân Sơn Nhất năm 1968 – Họ là ai?

Trực tiếp tham gia trận đánh vào sây bay Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân 1968, ông Vũ Chí Thành – nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên, tiểu đoàn 16 (phân khu 2) – cho biết có thể có hơn 1.000 người đã ngã xuống trong trận đánh này, bao gồm chiến sĩ của tiểu đoàn 16, tiểu đoàn 12 đặc công, tiểu đoàn 267, lực lượng biệt động thành và các lực lượng trợ chiến.

Manh mối về ngôi mộ tập thể liệt sĩ từ một bình luận trên mạng

Từ chiều 6/7, các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh TPHCM và Quân khu 7 đã được triển khai để tiến hành khảo sát khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất – nơi nghi có ngôi mộ tập thể thứ hai – để tìm kiếm, quy tập hài cốt chiến sĩ giải phóng quân tử trận trong trận đánh vào sân bay tết Mậu Thân 1968.

Khu vực tìm kiếm được khoanh vùng trong phạm vi 7,5ha, trong đó phần trọng tâm khoảng 4ha.

Cho đến nay, đội quy tập đã tìm thấy một số di vật như mẩu xương, võng, dây nịt, dép cao su… Những di vật này góp phần củng cố nghi vấn nơi đây là hố chôn tập thể thứ hai các chiến sĩ tử trận.

Cuộc tìm kiếm đang được tiến hành khẩn trương
Cuộc tìm kiếm đang được tiến hành khẩn trương

Những di vật được tìm thấy

Những di vật được tìm thấy

Công cuộc tìm kiếm xuất phát từ một số thông tin, hình ảnh của cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam giai đoạn 1968 cung cấp.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Thắng và cộng sự là những người lần ra những manh mối đầu tiên từ một bình luận của một cựu binh Mỹ trên internet. Với tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, kỹ sư Thắng đã cố gắng tìm hiểu, liên lạc và trở thành kênh kết nối quan trọng để chuyển thông tin này đến cơ quan chức năng.

Một số hình ảnh về vị trí nghi có mộ tập thể liệt sĩ ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất
Một số hình ảnh về vị trí nghi có mộ tập thể liệt sĩ ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất

Trước đó, vào ngày 13/4, ngôi mộ tập thể lớn tại khu vực sân bay Biên Hòa được tìm thấy cũng là từ những thông tin do ông Thắng và cộng sự cung cấp.

Mới đây, ngày 12/7, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai cũng đã làm lễ truy điệu, đưa hài cốt các liệt sĩ tìm thấy ở sân bay Biên Hòa vào nghĩa trang liệt sĩ.

Sau sự kiện phát hiện mộ tập thể ở sân bay Biên Hòa, nhóm ông Thắng vẫn giữ liên lạc với các cựu binh Mỹ. Họ tiếp tục làm cầu nối để tìm kiếm và chuyển nhiều tư liệu liên quan đến chiến dịch tết Mậu Thân 1968.

Theo tài liệu thu thập được thì khả năng có khoảng 600 chiến sĩ giải phóng quân đang nằm dưới ngôi mộ tập thể mà các cơ quan chức năng đang tìm kiếm trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Có thể là di hài của chiến sĩ tiểu đoàn 16

Trực tiếp tham gia trận đánh vào sây bay Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân 1968, ông Vũ Chí Thành – nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên, tiểu đoàn 16 (phân khu 2) – cho biết có thể có hơn 1.000 người đã ngã xuống trong trận đánh này, bao gồm chiến sĩ của tiểu đoàn 16, tiểu đoàn 12 đặc công, tiểu đoàn 267, lực lượng biệt động thành và các lực lượng trợ chiến.

Tuy nhiên, về các di hài còn nằm lại trong ngôi mộ tập thể đang tìm kiếm, ông Thành nhận định chủ yếu là di hài của các đồng đội của ông ở tiểu đoàn 16.

Khi được phóng viên cho xem các bức hình chụp các di vật đã được tìm thấy trong sân bay là các loại quần áo, dép cao su (hay còn gọi là dép râu), mặt dây nịt… người cựu binh già Vũ Chí Thành xúc động thốt lên: “Nó đấy, nó đấy!”.

Những di vật của tiểu đoàn 16 trong sân bay Tân Sơn Nhất

Ông khẳng định trong các lực lượng đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất dịp tết Mậu Thân 1968 chỉ có duy nhất tiểu đoàn 16 là có mang dép cao su, vì đơn vị ông là quân chính quy hành quân từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu nên được trang bị khác với các cánh quân khác.

Ông Vũ Chí Thành xúc động khi xem hình ảnh các di vật được tìm thấy
Ông Vũ Chí Thành xúc động khi xem hình ảnh các di vật được tìm thấy

Theo ông Thành, lúc tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất thì đơn vị ông vẫn còn mặc quân phục của bộ đội chủ lực lúc hành quân từ Bắc vào Nam vì chưa có quân phục mới. Riêng đôi dép cao su, dây nịt thì chỉ có tiểu đoàn 16 mới có. Bộ địa phương hầu hết mang dép Lào.

Ngoài ra, ông Vũ Chí Thành cũng khẳng định khu vực mà lực lượng chức năng đang tìm kiếm ngôi mộ tập thể thứ 2 trong sân bay Tân Sơn Nhất là khu vực tiểu đoàn 16 đã tấn công vào.

Theo ước đoán của ông thì khu vực đang tìm kiếm hài cốt là lô cốt đầu cầu của sân bay lúc đó. Đây là vị trí mà tiểu đoàn 16 vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân địch trong lô cốt bắn ra và hy sinh rất nhiều. Sau đó, 1 chiến sĩ đã anh dũng ôm bộc phá cho nổ tung lô cốt thì tiểu đoàn 16 mới vượt qua được cứ điểm này để đánh sâu vào sân bay.

“Vị trí đang tìm kiếm là khu vực tiểu đoàn 16 đánh vào sân bay. Dép cao su thì đúng là của tiểu đoàn 16, còn các đơn vị khác thì không có. Đi hành quân dọc đường thì mỗi người mang đôi giày cao cổ, về nơi tập kết thì cất giày hết và chỉ mang dép cao su đi đánh trận”, ông Thành nhớ lại.

Ông Thành phân tích điểm khác nhau giữa quân trang của tiểu đoàn 16 trong tấm hình mà những người còn sống chụp kỷ niệm ngay sau trận đánh vào sân bay
Ông Thành phân tích điểm khác nhau giữa quân trang của tiểu đoàn 16 trong tấm hình mà những người còn sống chụp kỷ niệm ngay sau trận đánh vào sân bay

Cựu chiến binh Bùi Hồng Hà – Đại đội cối A82, tiểu đoàn 16 – cũng khẳng định thông tin về dép cao su và dây nịt. “Nơi đang khai quật đúng là mũi đơn vị tôi tấn công. Còn dép râu, dây nịt thì trăm phần trăm là của đơn vị tôi”, ông Hà nhấn mạnh.

Còn bao nhiêu chiến sĩ “lạc” dưới lòng đất lạnh?

Theo ông Vũ Chí Thành, ước tính có khoảng 1.700 người tham gia trận đánh và tỷ lệ thương vong của các đơn vị này đều ở mức cao. Riêng tiểu đoàn 16 đã có 550 chiến sĩ tham gia trận đánh nhưng chỉ có khoảng 100 người trở về. Theo danh sách thống kê của tiểu đoàn 16 thì vẫn còn hơn 300 đồng đội của ông chưa tìm được hài cốt.

“Tôi nghe tin có mộ tập thể khoảng 600 người, con số này thì tương đối chính xác với số anh em thương vong. Hai tiểu đoàn 12 và 16 đánh vào sân bay thì đã có hơn một ngàn quân, rồi tiểu đoàn 267 cũng có sáu, bảy trăm quân. Ngoài ra, còn có quân của biệt động thành khu vực Gò Môn (Gò Vấp – Hóc Môn) đánh vào sân bay ở cánh Bắc. Như vậy, số hy sinh trong sân bay có thể là cả ngàn người chứ không phải chỉ là 181 liệt sĩ trong ngôi mộ tập thể thứ nhất đã khai quật vào năm 1995”, ông Thành nói.

Trong khi đó, cựu chiến binh Bùi Hồng Hà cho biết trong trận đánh lịch sử ấy đơn vị ông mang theo 20 quả đạn cối. Đến giờ nổ súng thì cho đơn vị pháo thuộc tiểu đoàn 267 mượn 10 quả để hỗ trợ bộ binh tấn công nên ông rõ hơn về số lượng quân của tiểu đoàn 267.

Theo ông Hà, tiểu đoàn 267 có khoảng 1.500 quân, vì thanh niên yêu nước thuộc Bến Tre, Mỹ Tho, Long An tập trung hầu hết vào đơn vị này nên quân số rất đông. Tiểu đoàn 267 đề nghị lên Trung ương cho thành lập trung đoàn nhưng cấp trên chưa cho phép nên thực tế số quân của tiểu đoàn 267 rất đông. Do đây là đơn vị địa phương, rất rành địa bàn nên là đơn vị chủ lực đánh vào sân bay trước.

Cựu chiến binh Bùi Hồng Hà kể lại những tháng ngày chiến đấu máu lửa năm xưa
Cựu chiến binh Bùi Hồng Hà kể lại những tháng ngày chiến đấu máu lửa năm xưa

Nói về cảm xúc của mình về thông tin tìm thấy dấu vết của ngôi mộ tập thể mới, người cựu binh già Bùi Hồng Hà không ngăn được dòng nước mắt lăn dài. Ông nghẹn ngào: “Mình cũng sốt ruột và buồn quá! Mình muốn làm sao đưa được đồng đội về nghĩa trang vì nhiều đồng đội còn đang nằm đâu đó dưới lòng đất lạnh. Lần đầu nghe thông tin tìm kiếm, mình mừng lắm nhưng đến nay vẫn chưa nghe được thông tin gì mới”.

Cựu chiến binh Vũ Chí Thành tha thiết: “Tôi mong sớm tìm thấy được các đồng đội và đề nghị Nhà nước vinh danh những anh em đánh vào sân bay, không bỏ sót một ai. Anh em nào đã hy sinh mà còn được lưu giữ danh sách tại Bộ Tư lệnh TP, Bộ chỉ huy quân sự Long An, quân khu 7 thì hãy đưa tên lên bia mộ tập thể để vinh danh và tưởng nhớ công ơn các anh!”.

Ông Thành mong những người đồng đội của ông đã nằm xuống dù đã tìm thấy di hài hay chưa cũng sẽ được khắc tên trên bia kỷ niệm trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968
Ông Thành mong những người đồng đội của ông đã nằm xuống dù đã tìm thấy di hài hay chưa cũng sẽ được khắc tên trên bia kỷ niệm trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968

Cựu chiến binh Bùi Hồng Hà thì khóc nghẹn: “Đồng đội tôi hy sinh hết rồi! Tôi mong Đảng, Nhà nước phong anh hùng để ghi nhận sự đóng góp của đồng đội tôi, đồng chí tôi chứ tôi không muốn gì hơn!”.

Bài: Quốc Anh – Tùng Nguyên
Ảnh & Clip: Phạm Nguyễn