Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng!

Nồng Nàn Phố

Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng!

Đó là tựa đề một bài thơ tôi tình cờ đọc được trên mạng, tác giả là một nữ sĩ, cô ký là Nồng Nàn Phố. Bài thơ như thế này:

“Anh ngủ thêm đi anh
Em phải dậy lấy chồng
Mùa thu vừa rụng lá
Lòng em đã sang Đông.
Đừng cười và đừng khóc
Đừng tin và đừng nghi
Hãy bình thường mà sống
Em lấy… kẻo lỡ thì
Anh bảo rằng rất yêu
Rất thương và rất nhớ
Rất cần nhưng không thể
Cưới em? Chuyện trong thơ
Chẳng cần phải lí do
Giải thích và phân bua
Chỉ cần anh im lặng
Em đã hiểu: Mình thừa
Ừ! Thôi em lấy chồng
Chẳng còn gì luyến tiếc
Ừ! Thôi lên xe hoa
Bên chồng mà câm điếc
Anh cứ ngủ say thôi
Em dậy đeo nhẫn cưới
Kẻ mắt môi cô dâu
Tím ngực buồn rười rượi
Yêu mà sao lại thế
Thương mà sao vậy anh
Em – đàn bà yếu đuối
… muốn đời mình duyên lành
Nhưng anh đã không thể
Mạnh mẽ để làm chồng
Cởi áo mà không dám
Mặc cho em váy hồng?
Thì thôi anh ngủ đi
Nhắm mắt và câm điếc
Em cười nụ cuối cùng
Giễu đời này quá nghiệt”

Việt Nam rút dự án khoan dầu Repsol: ‘hành động bất lực, hèn nhát’

Các nhà bình luận và phân tích nhận định rằng nếu thực sự Việt Nam đã yêu cầu công ty Talisman-Vietnam ngừng thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông sau khi nhận lời đe dọa từ Bắc Kinh, thì điều này vô cùng bất lợi đối với Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã ‘lùi bước’ và tỏ thái độ ‘hèn nhát’ trong vụ tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Từ Melbourne, Australia, bà Ann Đỗ, một người theo dõi sát vấn đề Biển Đông từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nói với VOA-Việt ngữ:

“Nếu Việt Nam lùi hay rút lui dự án này do sợ sự đe dọa vũ lực của Trung Quốc thì có nghĩa là Việt Nam đã thua hoàn toàn về mặt xác lập chủ quyền của mình.”

Talisman-Vietnam là công ty con thuộc tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha. Trước đây trong tháng này, công ty đã bắt đầu khoan thăm dò ở một vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 kilomet.

Hôm 24/7 BBC dẫn một nguồn giấu tên nói rằng Hà Nội mới đây đã ‘ra lệnh’ cho công ty rời khỏi lô Lô 136-03, theo cách đặt tên của Việt Nam, phía Trung Quốc gọi lô này Vạn An Bắc 21 (Wan-an Bei 21). Đây là khu vực nằm trong đường “chín đoạn” do Trung Quốc vạch ra và tuyên bố chủ quyền.

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc

Theo nguồn tin của BBC, hồi tuần trước Bắc Kinh đã cảnh báo Hà Nội rằng họ sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu hoạt động khoan vẫn tiếp tục tại địa điểm này.

Bà Ann cho biết dự án khai thác tại lô 136-03 đã trì hoãn trong ba năm qua và vừa rồi được Repsol tái khởi động, thuê tàu khoan nước ngoài và triển khai dự án vào tháng trước.

“Dự trù Repsol đã bỏ ra 300 triệu đôla cho mỏ này. Nếu khai thác không thành công thì buộc phía Việt Nam đền bù hợp đồng và uy tín hợp tác sẽ suy giảm. Phía Việt Nam cũng muốn đẩy tốc độ khai thác dầu khí để tăng nguồn thu ngân sách. Thu thì chưa thấy, bây giờ thấy thiệt hại trước mắt – vì khả năng đền hợp đồng rất là cao.”

Cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận tin của BBC.

Hôm 25/7 giáo sư Carl Thayer nói với VOA rằng vào ngày 15/7 ông được một nguồn tin đáng tin cậy từ Hà Nội cho biết Việt Nam đã chỉ đạo một công ty con của Repsol ngừng khoan dầu tại lô 136-03 trên Biển Đông.

Hôm 23/7, nhà báo độc lập Trương Huy San ở thành phố Hồ Chí Minh đã dự báo “có thể Repsol sẽ phải ngưng mọi hoạt động ở đây vì các sức ép đến từ Trung Quốc,” và ông nhận định rằng “nhưng lần này thì có vẻ như Hà Nội đang đơn độc.” Tuy nhiên, ông không cho biết nguồn đưa tin dự báo này.

Nhà báo độc lập có bút danh Huy Đức viết: “việc Hà Nội cho Repsol khoan thăm dò ở lô 136-03 không chỉ như một dự án khai thác dầu-khí đơn thuần mà còn để khẳng định chủ quyền của VN ở vùng biển này.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng nên chờ một thời gian nữa để đánh giá xác thực thông tin do tác giả BBC Bill Hayton đưa. Tuy nhiên, ông nói nếu đúng như thế thì việc này cho thấy sự hèn nhát của Việt Nam:

“Nếu đúng như thế thì đây là một hành động hèn nhát. Nhưng vì thiếu thông tin, nên chúng ta không nên đánh giá một cách vội vã như vậy. Cũng có những tin nói rằng việc thăm dò đã kết thúc, đã thu thập được đầy đủ dữ liệu, xong việc rồi thì rút. Nếu đúng như vậy thì chúng ta lại đánh giá khác đi.”

Trao đổi với VOA, Facebooker Quốc Võ nói: “không phải do việc Việt Nam cho dự án của Repsol rút lui, mà là bị áp lực từ phía nào đó, có thể từ phía Tây Ban Nha và Repsol, dù rằng trên danh nghĩa là Việt Nam bỏ theo như báo chí loan.”

Ông cho biết thêm rằng Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung Ương Trung Quốc, vào tháng trước đã đột ngột cắt ngắn chuyến thăm Hà Nội sau khi thăm Madrid, nơi đặt trụ sở của tập đoàn Repsol Exploitation. Tướng Long là người đã nói với phía Việt Nam rằng “các đảo trên biển Nam Hải là của Trung Quốc từ ngàn xưa.”

Ông Quốc Võ nói: “Ai là người chủ động đã gây ra vụ này, trong khi báo chí nước ngoài loan tin này trước, chứ không phải báo chí lề phải trong nước?”

Nhà quan sát Ann Đỗ, người thường xuyên trao đổi thông tin với nhà báo Bill Hayton của hãng tin BBC, nhận định rằng việc Việt Nam rút dự án này cho thấy sự bất lực của chính quyền do Đảng lãnh đạo trước sự hung hăng bá quyền của Trung Quốc:

“Dân chúng sẽ thấy Đảng và Chính phủ không còn khả năng bảo vệ quốc gia và lãnh thổ được nữa. Chính họ cũng cảm thấy bất lực trước sự hung hăng của Trung Quốc.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói các nhà bình luận cũng nên thận trọng trong việc đánh giá hành động của Việt Nam khi thông tin chưa thật sự rõ ràng, đặc biệt trong tình cảnh khó lường ở Biển Đông:

“Trong tình hình thông tin chưa thật rõ ràng và đầy nhạy cảm, khó lường giữa các cường quốc trên Biển Đông, nhất là với sự hung hăng của Trung Quốc và khả năng có thể xảy ra các cuộc đụng độ, thì chúng ta nên thận trọng trong việc đánh giá.”

Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook: “Việc khẳng định chủ quyền vùng thềm lục địa cho đến nay được Việt Nam thực hiện khéo léo qua ký kết và thực hiện các hợp đồng khai thác dầu khí với các công ty khai thác dầu phương Tây.”

Nay trước áp lực và đe dọa tấn công từ Bắc Kinh, nhà nước Việt Nam đành yêu cầu tập đoàn Repsol dừng khai thác mỏ dầu nhiều tiềm năng mà có người cho là nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Do đó, khả năng bảo vệ chủ quyền trong chính sách Biển Đông hiện tại có vẻ như khó có thể thực hiện, theo kết luận của luật sư Lê Công Định.

Lượm lặt tin 31-7-2017

An ninh Việt Nam bắt giam 05 cựu tù nhân lương tâm.


Sáng ngày 30 tháng Bảy năm 2017, an ninh cộng sản đã bắt bớ hàng loạt những người đấu tranh từ trong Nam và ngoài Bắc. Bốn người bị bắt là ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Trương Minh Đức, ông Phạm Văn Trội, Mục sư Nguyễn Trung Tôn.
Tại Sài Gòn, ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt cóc khi đến Dòng Chúa Cứu Thế 38, Kỳ Đồng, chưa rõ bị bắt vì lý do gì. Ông Truyển từng bị cầm tù ba năm 06 tháng theo điều 88 hồi 2006.
Ba người khác bị bắt và cáo buộc theo điều 79 Bộ luật hình sự.
Theo đó, ông Trương Minh Đức, ký giả, cựu tù nhân lương tâm bị bắt theo điều 79. Ông Đức từng bị cầm tù 05 năm theo điều 258 hồi năm 2007.
Cùng một thời gian, tại Hà Nội một ông Phạm Văn Trội đã bị bắt. Bà Huyền Trang vợ ông Phạm Văn Trội thông báo trong nước mắt rằng hàng chục công an đã đến nhà đọc lệnh, khám nhà và bắt anh Phạm Văn Trội mang đi, cáo buộc phạm vào Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Ông Trội từng bị 04 năm tù giam theo điều 88.
Tại Thanh Hóa, an ninh Bộ công an bắt Mục sư Nguyễn Trung Tôn tại nhà, ông bị cáo buộc theo điều 79 và di lý ngay lập tức ra trại B14, Hà Nội. Mục sư Tôn từng bị 02 năm tù giam theo điều 88 bộ luật hình sự.
Được biết ba ông Đức, Trội, Tôn đang sinh hoạt tại Hội Anh Em Dân Chủ.
Đến thời điểm này, ông Nguyễn Văn Đài bị cầm tù 19 tháng nhưng vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Từ đầu năm 2017 đến nay nhà cầm quyền Việt Nam đã ra tay bắt bớ hàng loạt nhà đấu tranh và xử tù một cách nặng nề đối với họ.
Hôm 24 tháng Bảy, ông Lê Đình Lượng bị bắt tại Nghệ An cũng theo điều 79 bộ luật hình sự.
Quốc tế và nhiều chính phủ đã lên án các điều luật mơ hồ và vi phạm nhân quyền mà nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng để đối phó với những nhà hoạt động xã hội ôn hòa.

Tin thêm từ nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà
VỀ VỤ ÁN LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN ĐÀI, BẮT THÊM 4 NHÀ HOẠT ĐỘNG!
Cổng thông tin điện tử Bộ công an vừa đưa. “Hôm nay 30/7/2017, Cơ quan An ninh điều tra BCA đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 bị can trong vụ án “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” xảy ra tại Hà Nội và một số địa phương khác.”. [1]
Được xác định, là:
1/ Mục sư Nguyễn Trung Tôn (1971) HKTT ở thôn Yên Cổ, X. Quảng Yên, H. Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông là chủ tịch của Hội Anh em Dân chủ (HAEDC), thành viên Hội đồng Liên tôn Việt Nam; năm 2011 từng bị kết án 2 năm tù theo điều 88 BLHS Tuyên truyền chống nhà nước XHCN.
Gần đây mục sư Tôn có trình báo CA Thanh Hóa về việc ông bị bắt cóc, hành hung và đánh gãy chân khi đang trên đường đi tìm mộ 2 liệt sĩ là thân nhân của mình. Theo bà Lành, vợ MS Tôn, sáng nay CA đã khám xét nhà và đọc lệnh bắt; với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS.
MS Nguyễn Trung Tôn bị bắt sau 2,5 năm hết án quản chế!
2/ Kỹ sư Phạm Văn Trội (1972) HKTT Chương Dương, H. Thường Tín, Hà Nội là một nhà bất đồng chính kiến; năm 2008 từng bị bắt theo điều 88 BLHS và kêu án 4 năm tù + 4 năm quản chế. Hơn một tháng trước, anh Trội bị các an ninh đến canh nhà và bắt đưa đi, sau đó thả về.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang – vợ anh Trội cho biết, công an Hà Nội hôm nay bắt Trội với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS.
3/ Nhà báo tự do Trương Minh Đức (1960) hiện trú tạI đường Mai Hắc Đế, P.15, quận 8, Tp.HCM. Anh Đức từng bị bắt năm 2007 và kết án 5 năm tù giam “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 BLHS. Anh Đức từng có các bài viết trên các báo Nông thôn Ngày nay, Tuổi trẻ, Pháp luật, Thanh Niên,… về đề tài chống tham nhũng, với các bút danh Lưu Quốc Thắng, Hạnh Chi, Minh Hà, Đức Minh, Trương Minh Đức..vv.
Sau khi được trả tự do năm 2012, Minh Đức thường bị sách nhiễu và nhiều lần bị những người lạ mặt hành hung.
4/ Luật sư Nguyễn Bắc Truyển (1968) hiện trú tại Khu vườn rau (P.6, Q. Tân Bình, Tp.HCM), là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng VN; năm 2006 từng bị bắt và kết tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước” với mức án 4 năm tù giam. Anh Truyển ra tù 2010 và sống tại Tp.HCM. Năm 2011, Nguyễn Bắc Truyển được vinh danh giải thưởng Nhân quyền Hellman/Hemmette của tổ chức Human Rights Watch (Hoa Kỳ).
Nguyễn Bắc Truyển từng tham gia một thời gian trong Hội Anh Em Dân Chủ, mới đây đã bị cơ quan an ninh triệu tập điều tra về luật sư Nguyễn Văn Đài, nhưng anh bất hợp tác.
Anh Nguyễn Bắc Truyển bị bắt khi đang đợi vợ ngoài cổng nhà thờ Dòng Chúa cứu thế, Kỳ Đồng Q.3 Tp.HCM.
Những người bị bắt trên cùng là thành viên trong HAEDC, một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 2013 trên không gian mạng; với mục tiêu đấu tranh bảo vệ các quyền con người. Luật sư Nguyễn Văn Đài là Phó chủ tịch và là thành viên sáng lập
Trong một diễn biến khác, LS Nguyễn Văn Đài đang bị giam giữ tại B14 của Bộ Công An với cáo buộc tại Điều 88 BLHS. Kể từ ngày bị bắt (16.12.2015) đến nay vẫn chưa có kết luận điều tra; mặc dù thời hạn tạm giam điều tra đã hết. Khả năng không xử LS Đài với điều 88, mà chuyển đổi qua điều 79 BLHS. Việc bắt giữ trên có thể nhằm hỗ trợ phiên xử LS Đài sắp tới và ngăn chặn sự phát triển, dù âm thầm, của HAEDC.
Trong tình hình biển Đông đang biến động, thì việc gia tăng bắt bớ, đàn áp càng gây tâm lý sợ hãi cho dư luận. Tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ!
Thêm một người nữa là 5: Công an mở cuộc khủng bố trắng bắt giữ 5 nhà hoạt động ôn hòa
Sáng nay Chủ nhật 30/7/2017, bạo quyền cộng sản Hà Nội đã mở đợt bố ráp cùng môt lúc bắt giam 5 nhà hoạt động trong Hội Anh Em Dân Chủ gồm các cựu TNLT là:
– Ông Nguyễn Văn Túc ở Thái Bình,
– Kỹ sư Phạm Văn Trội ở Hà Nội,
– Mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa,
– Nhà báo tự do Trương Minh Đức ở Sài Gòn
– Luật sư Nguyễn Bắc Truyển ở Sài Gòn.
Theo Bộ công an, những nhà đấu tranh dân chủ trong hội Anh Em Dân Chủ bị khởi tố và bắt tạm giam theo điều 79 Bộ luật hình sự “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” trong vụ án Luật sư Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà.
Đây là một sự gán ghép thô bỉ nhằm triệt hạ những đòi hỏi dân chủ, nhân quyền chính đáng của người dân. Nhưng bạo lực chắc chắn sẽ không làm ai chùn bước.

—————————————————–

Hà Nội vào TOP 10 thành phố nhiều trộm cắp nhất thế giới

Hà Nội bất ngờ lọt top 10 thành phố nhiều trộm cắp nhất thế giới cùng với Paris, Madrid, Amsterdam…

Để du khách nâng cao cảnh giác, mới đây TripAdvisor đã đưa ra danh sách 10 thành phố có tỷ lệ trộm cắp cao nhất thế giới do người dùng và biên tập viên bình chọn, trong đó có Hà Nội và chủ yếu là các thành phố ở các nước Châu Âu

Hà Nội, Việt Nam

Theo TripAdvisor Thủ đô Hà Nội nổi tiếng với khu phố cổ có vẻ đẹp độc đáo, vô số khu di tích, kiến trúc Pháp thuộc và hàng trăm đền chùa cổ kính. Tuy nhiên khi đến chỗ đông người hãy cẩn trọng với những kẻ móc túi.

Athens, Hy Lạp

Trong thành phố lịch sử tuyệt diệu này, từ đền Parthenon cho tới thành Acropolis, du khách nên cảnh giác khi đến bất kỳ đâu

Las Ramblas, Barcelona, Tây Ban Nha

Thành phố du lịch nổi tiếng thế giới với những con phố đi bộ đầy màu sắc và âm nhạc. Tuy nhiên nơi đây âm nhạc và khách du lịch cũng như người bản địa tấp nập từ sáng tới khuya trở thành “miếng đất màu mỡ” cho những kẻ móc túi lộng hành.

Prague, Czech

Cây cầu Charles với 30 bức tượng cổ xếp thẳng hàng hai bên thu hút hàng nghìn du khách tới vãn cảnh, hai yếu tố đó tạo thành địa bàn lý tưởng cho những kẻ móc túi.

Paris, Pháp

Thủ đô Paris là một địa điểm hút khách hàng đầu Châu Âu, ở những nơi đông người, đặc biệt ở chân tháp Eiffel tới Vương cung thánh đường Sacré-Cœur cần cảnh gisc kẻ gian.

Florence, Italy

Du khách dễ bị phong cảnh tươi đẹp của vùng Florence làm mê mẩn. Nếu có ý định ghé thăm chàng David của Michelangelo, bạn hãy cảnh giác vì tại phòng trưng bày kẻ gian trà trộn rất nhiều, không phải ai đến đây cũng để ngoạn cảnh.

Buenos Aires, Argentina

Nếu chẳng may bạn bị phân chim rơi trúng người (thường là mù tạt), mà có ai đó đứng cạnh chìa sẵn giấy ăn ra cho bạn thì hãy cẩn thận vì có thể đó là kẻ gian.

Madrid, Tây Ban Nha

Du khách có thể mất vui vì tiền bạc, đồ giá trị không cánh mà bay khi tham quan chợ trời El Restro hay chen chúc trong ga tàu điện ngầm.

Amsterdam, Hà Lan

Những kẻ móc túi tại Amsterdam nổi danh là nhanh như chớp.

———————————–

Chiến đấu cơ Mỹ, Nhật diễn tập ngoài khơi bán đảo Triều Tiên

Nhật Bản cho biết các chiến đấu cơ nước này và máy bay ném bom Mỹ hôm nay diễn tập chung ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

[Caption]

Hai oanh tạc cơ B-1 Mỹ được chiến đấu cơ F-2 của Nhật Bản hộ tống ngày 30/7. Ảnh: Reuters.

“Với tình hình an ninh hiện tại, bao gồm vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên ngày 28/7, cuộc diễn tập thể hiện quyết tâm và năng lực của chúng tôi vì ổn định khu vực, tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của liên minh Nhật Bản – Mỹ”, Mainichi dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay nói.

Cuộc diễn tập có sự tham gia của hai chiến đấu cơ Nhật Bản F-2 và hai máy bay ném bom Mỹ B-1. Phi cơ Mỹ sau đó tham gia tập trận với không quân Hàn Quốc, theo một quan chức Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản.

Triều Tiên tối 28/7 phóng thử một tên lửa đạn đạo. Tên lửa này bay khoảng 45 phút và rơi xuống khu vực cách một đảo nhỏ ngoài khơi Nhật Bản 150 km. Các chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa đạn đạo Triều Tiên đang phát triển có thể bắn tới nhiều thành phố lớn ở Mỹ nếu được phóng với góc chuẩn.

 

Nạn nhân của “Vụ án xét lại chống Đảng”: VÌ LỊCH SỬ VÀ CÔNG LÝ, CHÚNG TÔI LÊN TIẾNG

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Chúng tôi, những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử cách nay vừa tròn 50 năm được gọi tắt là “Vụ án Xét lại chống Đảng”, một lần nữa phải lên tiếng vì sự thật và công lý, vì lương tâm và nghĩa vụ, vì một đất nước thượng tôn pháp luật.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ.

Năm 1956, tại Đại hội 20 Đảng cộng sản Liên Xô, Bí thư thứ nhất Nikita Khrushev đã đọc báo cáo quan trọng về chống tệ sùng bái cá nhân Stalin và chủ trương “cùng tồn tại trong hoà bình” giữa hai hệ thống cộng sản và tư bản. Đường lối mới đã được hầu hết các đoàn đại biểu tán đồng tại Đại hội các đảng cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Moskva với 81 thành viên tham dự năm 1960.

Đoàn đại biểu Đảng Lao Động (Cộng sản) Việt Nam (viết tắt theo tên mới ĐCSVN) do Chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh cùng với Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và các ủy viên Bộ Chính trị Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh tham dự đã ký vào bản Tuyên bố chung Hội nghị trên. Đường lối mới này đã bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kịch liệt lên án, gọi là “Chủ nghĩa xét lại hiện đại”.

Sự thay đổi trong nhận định về quan hệ quốc tế đã phân hoá nội bộ một số đảng cộng sản. Trong ĐCSVN cũng xuất hiện hai luồng quan điểm khác nhau. Một bên ủng hộ “cùng tồn tại trong hoà bình”, phản đối sự rập khuôn đường lối giáo điều tả khuynh của ĐCSTQ, mở rộng dân chủ trong đảng cũng như trong xã hội, chủ trương hòa bình thống nhất đất nước, phát triển kinh tế đa thành phần.

Bên kia, theo đường lối của ĐCSTQ, chủ trương chống “chủ nghĩa xét lại hiện đại”, duy trì xã hội chuyên chính phi dân chủ, đẩy mạnh cải cách xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ hoàn toàn cơ chế kinh tế thị trường, kiên định chủ trương thống nhất đất nước bằng bạo lực.

Cuộc đấu tranh trong nội bộ diễn ra âm thầm nhưng căng thẳng đã kết thúc bằng nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 ĐCSVN họp năm 1963, đi ngược lại Tuyên bố chung Maskva 1960 đã được đoàn đại biểu Việt Nam long trọng ký kết. Nghị quyết 9 (phần đối ngoại), về thực chất là bản sao đường lối của ĐCSTQ đã khởi đầu cho cuộc trấn áp những đảng viên bất đồng chính kiến bị chụp mũ “chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Cần lưu ý là Chủ tịch Hồ Chí Minh không tham gia biểu quyết nghị quyết này.

Toàn văn Nghị quyết 9 được giữ trong tình trạng tuyệt mật, nhưng nội dung tinh thần được phổ biến cho các đảng viên và trí thức. Vì có quá nhiều tranh cãi nội bộ nên Đảng tuyên bố cho phép bảo lưu ý kiến khác biệt. Thái độ cởi mở này chỉ là biện pháp để phát hiện những người không tán thành.

Nhiều ý kiến bất đồng được biểu lộ công khai như những bài viết của các ông Hoàng Minh Chính – Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, ông Trần Minh Việt, phó Bí thư Thành ủy kiêm phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội. Những tâm thư của nhiều đảng viên lão thành gửi đến Bộ Chính trị, phản đối đường lối đối ngoại thân Trung Quốc, tranh luận về đường lối giải phóng miền Nam bằng bạo lực, nóng vội trong cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa và tất cả các ý kiến phát biểu trái chiều tại các cuộc học tập đều được thu thập để rồi trấn áp khốc liệt vào cuối năm 1967.

DIỄN BIẾN SỰ KIỆN.

ĐCSVN gọi tắt vụ án này là “Vụ Xét lại chống Đảng” diễn ra năm 1967, nhưng đến tháng 3 năm 1971 mới báo cáo Bộ Chính trị, tháng 1 năm 1972 mới đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 20 (khóa III). Theo ông Nguyễn Trung Thành (vụ trưởng Vụ Bảo vệ đảng thuộc Ban tổ chức Trung ương) là người trực tiếp thi hành thì Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ nhân danh Bộ Chính trị chỉ đạo việc bắt giữ và giam cầm.

Chiến dịch khủng bố đã bắt đầu vào ngày 27 tháng 7 năm 1967 và kéo dài bằng các cuộc bắt bớ, giam cầm, quản chế nhiều năm các cán bộ trung cao cấp mà không hề xét xử hay tuyên án.

Những người bị giam cầm nhiều năm gồm có:

– Hoàng Minh Chính tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, tổng thư ký Hội Liên hiệp Thanh
niên Việt Nam, viện trưởng Viện Triết học.
– Đặng Kim Giang, thiếu tướng phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội, thứ trưởng Bộ Nông Trường.
– Vũ Đình Huỳnh bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vụ trưởng vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, vụ trưởng Ban thanh tra Chính phủ .
– Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng Cục 2 (Cục Tình báo quân đội).
– Lê Minh Nghĩa, chánh văn phòng Bộ Quốc phòng.
– Đỗ Đức Kiên, đại tá cục trưởng Cục tác chiến.
– Hoàng Thế Dũng, tổng biên tập Báo Quân đội Nhân Dân.
– Đinh Chân, nhà báo, Báo Quân đội Nhân Dân.
– Nguyễn Kiến Giang, tỉnh ủy viên tỉnh ủy Quảng Bình, phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật.
– Trần Minh Việt phó bí thư Thành ủy Hà Nội, phó Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính thành phố Hà Nội. Vụ trưởng vụ Tài vụ Bộ Công nghiệp nhẹ.
– Phạm Viết phó tổng biên tập Báo Thời Mới (sau sáp nhập vào tờ Thủ đô Hà Nội thành tờ Hà Nội Mới).
– Nguyễn Thị Ngọc Lan, giảng viên tiếng Anh, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, vợ ông Phạm Viết.
– Phạm Kỳ Vân phó tổng biên tập Tạp chí Học Tập.
– Trần Thư, tổng thư ký báo Quân Đội Nhân Dân.
– Hồng Sĩ, trung tá Công an, đặc trách công tác phản gián, Hải Phòng.
– Trần Châu nhà báo, Việt Nam Thông tấn xã.
– Lưu Động nhà báo, trưởng ban Nông nghiệp Báo Nhân Dân.
– Vũ Thư Hiên nhà báo, báo Ảnh Việt Nam, (con trai cả ông Vũ Đình Huỳnh, không đảng).
– Huy Vân, đạo diễn điện ảnh.
– Phan Thế Vấn, bác sĩ, nguyên cán bộ nội thành Hà Nội.
– Vũ Huy Cương biên kịch điện ảnh (không đảng).
– Nguyễn Gia Lộc, cán bộ nghiên cứu Viện Triết học.
– Phùng Văn Mỹ, cán bộ nghiên cứu Viện Triết học.
– Bùi Ngọc Tấn, nhà báo (không đảng).

… và nhiều người khác không phải đảng viên cũng bị đảng Cộng sản Việt Nam trấn áp với nhiều mức độ khác nhau.

Những cán bộ cấp cao không bị bắt nhưng bị khai trừ Đảng là:

– Ung Văn Khiêm bộ trưởng bộ Ngoại giao.
– Bùi Công Trừng chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.
– Nguyễn Văn Vịnh thứ trưởng bộ Quốc phòng.
– Lê Liêm thứ trưởng bộ Văn hóa.
– Minh Tranh, phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật.

Một số người đang học tập, công tác ở Liên Xô đã ở lại tỵ nạn như:

– Lê Vinh Quốc đại tá Chính ủy sư đoàn 308
– Nguyễn Minh Cần phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội
– Đỗ Văn Doãn tổng biên tập Báo Quân đội Nhân Dân.

Nhiều người không bị bắt giam đã bị đày ải, trù dập như các ông:

– Minh Tranh phó giám đốc Nhà Xuất bản Sự Thật,
– Các nhà báo Đặng Đình Cẩn, Mai Hiến, Trần Đĩnh, Mai Luân 

… Và rất nhiều người khác nữa.

Trong cuộc trấn áp được mở rộng, bất kỳ người nào có quan điểm ít nhiều khác với đường lối của đảng, đều bị quy kết là “xét lại” và bị trừng phạt với những mức độ khác nhau.

Sự trừng phạt nặng nề còn tiếp diễn vào cuối thập niên 90 đối với ông Nguyễn Trung Thành, người trực tiếp thụ lý vụ này khi ông cùng ông Lê Hồng Hà (Chánh văn phòng Bộ Công an) viết kiến nghị đề nghị Bộ Chính trị xem xét giải oan cho các nạn nhân.

NHỮNG NĂM THÁNG TÙ ĐẦY OAN ỨC VÀ HỆ LỤY

Người được coi là “đầu vụ” là ông Hoàng Minh Chính. Ông bị qui tội vì đã gửi cho hội nghị Trung ương hai bản kiến nghị, bản thứ nhất phê phán Bộ Chính trị đã từ bỏ nguyên tắc đồng thuận với bản Tuyên bố Moskva 1960, bản thứ hai phê phán đường lối quốc tế sai trái của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Lần đầu, ông bị bắt tù 6 năm rồi quản chế tại gia. Lần thứ hai ông bị bắt giam từ 1981 đến 1987. Lần thứ ba từ 1995 đến 1996. Tổng cộng ông bị 12 năm tù giam và 8 năm quản chế. Là một sĩ quan thương binh, trong thời gian đó, ông phải chịu nhục hình và những hành vi xúc phạm nhân phẩm.

Các ông Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh bị qui là hai người trong “ba kẻ đầu vụ”. Cả hai cùng với ông Trần Minh Việt,… bị giam 6 năm và chịu thêm 3 năm lưu đầy biệt xứ, ở những địa phương khác nhau. Khi bị bắt, họ bị giam tại xà lim Hỏa Lò, bị cùm chân và trong phòng giam không có ánh sáng. Nơi giam cầm các ông trong nhiều năm đều là các khu biệt giam, không được giao tiếp với bất kỳ ai.

Ông Đặng Kim Giang cũng bị bắt lần thứ hai năm 1981, trên đường đi đến khu biệt giam ở Nam Định thì lên cơn nhồi máu cơ tim phải đưa thẳng vào bệnh viện công an và bị giam giữ tại đây cho đến khi bệnh tình nguy kịch, trả về nhà một thời gian thì mất.

Người bị giam lâu thứ hai là ông Vũ Thư Hiên, với 9 năm giam liên tục trong các nhà tù và trại tập trung, có những năm bị giam chung với tù hình sự.

Ông Phạm Viết, năm 1967 đang nghỉ công tác dài hạn để điều trị bệnh tim thì bị bắt, giam vào xà lim Hỏa Lò. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, vợ ông Viết người từng bị bắt 3 lần khi hoạt động nội thành Hà nội trong kháng chiến chống Pháp, là người phụ nữ duy nhất trong vụ này đã bị tù 2 năm rưỡi vì tội không giao nộp bản luận văn phó tiến sĩ “Về chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam” của ông Trần Minh Việt viết tại trường đảng Liên Xô. Bản này lúc đó bị vu cho là “bản cương lĩnh chính trị của tổ chức chống Đảng.”

Thương tâm nhất trong vụ này là ông Phạm Kỳ Vân, phó tổng biên tập tạp chí Học Tập. Ông Kỳ Vân bị bắt khi đang điều trị sơ gan cổ chướng, bệnh tình trở nên trầm trọng, ông được tha về để chết. Vợ ông bị chết đuối, con gái đi Thanh niên Xung phong hy sinh trên đường Trường Sơn, con gái khác chết khi sinh nở. Người con trai út tuyệt vọng treo cổ tự vẫn. Cả gia đình không một người nào còn sống.

Còn rất nhiều người khác bị trấn áp theo nhiều cách khác nhau mà chúng tôi không thể kể ra hết: bị quản thúc với những cấm đoán ngặt nghèo, bị đưa đi cải tạo lao động, bị tước quyền công dân, tước bỏ các chính sách đãi ngộ. Họ bị đuổi khỏi cơ quan, đơn vị công tác và còn bị cấm họ làm cả những nghề kiếm sống thông thường như sửa chữa máy thu thanh, làm việc trong các cơ sở in ấn, sửa chữa đồng hồ, kể cả chữa xe đạp hay cắt tóc.

Ban tổ chức Trung ương còn có chủ trương phân biệt đối xử với con em, gia đình những người bị đàn áp: không được kết nạp vào đảng, không được đề bạt lên vị trí quản lý, không được học các trường đại học được coi là quan trọng, ngoài các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thư viện…, không được cử đi công tác học tập nước ngoài, không được phân công về công tác tại Hà Nội và làm việc tại các bộ ngành trung ương, cơ quan quan trọng.

Hàng trăm lá đơn khiếu oan, về thực chất là những thư tố cáo đã được gửi tới các cơ quan công quyền cao nhất của nhà nước và đảng cộng sản trong suốt 50 năm qua, yêu cầu xét xử trước một phiên tòa công minh, đòi công khai vụ việc trước dư luận, bồi thường cho những thiệt hại về vật chất, tổn thương về tinh thần, phục hồi danh dự cho các nạn nhân… Tất cả những đòi hỏi chính đáng ấy chỉ được trả lời bằng sự im lặng.

NHẬN ĐỊNH CỦA NHỮNG NẠN NHÂN CÒN SỐNG VÀ THẾ HỆ KẾ TIẾP.

50 năm đã trôi qua kể từ khi những nạn nhân đầu tiên của vụ “xét lại chống Đảng” bị bắt ngày 27 tháng 7 năm 1967. Các ông Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang và nhiều người khác đã qua đời, mang theo đau thương và uất hận. Những người gây ra tấn thảm kịch lớn nhất trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam – Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Trường Chinh… cũng đã chết.

Liên Xô, và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã tan rã. Trung Quốc và Việt Nam tuy danh xưng là xã hội chủ nghĩa nhưng trong thực tế đang đương đầu với các thách thức của giai đoạn tư bản bán khai, trước mọi tệ nạn như hối mại quyền thế, tham nhũng, lạm dụng luật pháp, chênh lệch giàu nghèo, vi phạm quyền dân chủ,… chưa từng có.

Vụ “Xét lại chống Đảng” cũng như nhiều vụ án oan đã xảy ra trong quá khứ như: Cải cách ruộng đất, Nhân văn – Giai phẩm, Cải tạo tư bản tư doanh, Hợp tác hóa, tập trung cải tạo những người tham gia quân lực và chính quyền Việt Nam Cộng hòa… chưa được các thế hệ cầm quyền kế tiếp chính thức sửa sai và nghiễm nhiên cho rằng việc xử lý trước đây là đúng.

50 năm là một thời gian quá dài cho những oan ức và bất công. Khi sự kiện này xảy ra, những người cầm quyền hiện nay còn quá trẻ, thậm chí có người còn chưa ra đời, hiển nhiên không phải là thủ phạm nhưng họ không thể phủi tay cho rằng mình không có trách nhiệm giải quyết những vụ việc xảy ra trong quá khứ. Là chính quyền kế thừa, họ phải có trách nhiệm với những việc còn tồn tại theo đúng pháp luật, sòng phẳng với lịch sử. Đó là điều phải làm nếu họ còn có ý muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền và lấy lại niềm tin của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, phu nhân ông Đặng Kim Giang, bà Lê Hồng Ngọc, phu nhân ông Hoàng Minh Chính, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, phu nhân ông Phạm Viết, người phụ nữ duy nhất bị tù trong vụ này, ông Vũ Thư Hiên, ông Phan Thế Vấn và nhiều nhân chứng khác còn sống trong vụ này hiện đều đã ở tuổi gần đất xa trời. Những nhân chứng cuối cùng rồi cũng sẽ không còn, nhưng ký ức về vụ trấn áp sẽ còn sống mãi với thời gian.

Lịch sử không thể bị tẩy xoá.

Con cháu những nạn nhân đó dù chỉ là những đứa trẻ khi cha anh bị bắt, chẳng biết “xét lại” là gì, nhưng cũng nếm đủ những khổ cực của cuộc trấn áp tàn bạo nhắm vào thành viên gia đình những người không chịu cúi đầu. Đến nay, họ cũng đã về già nhưng mãi mãi không thể nào quên được những năm tháng đau thương ấy.

Cho tới nay chúng tôi vẫn còn như thấy trước mắt hình ảnh tướng Đặng Kim Giang, chỉ huy hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, nằm trong chiếc quan tài hở hoác dưới ngôi nhà tranh dột nát ở ngõ Chùa Liên Phái. Bà vợ ông vừa khóc vừa giã gạch non trộn với cơm nếp, trát kín những kẽ hở của chiếc quan tài ấy.

Chúng tôi không thể quên hình ảnh ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên Bí thư của chủ tịch Hồ Chí Minh, thành viên Việt Nam Cách mạng Đồng chí hội từ năm 1925, trước khi ĐCSVN ra đời, bị công an dùng dây thừng trói giật cánh khuỷu khi còng sắt bập vào cổ tay ứa máu mà không vừa. Khi đó ông đã về hưu được vài năm.

Chúng tôi không thể quên nấm mồ của ông Phạm Viết, nằm cô quạnh trên sườn đồi heo hút ở cạnh nhà tù Phú Sơn, Thái Nguyên. Ông là người sỹ quan thương binh đã chiến đấu nhiều năm quên mình trong nội thành Hà Nội. Ở tuổi 44, ông lìa đời mà không được có một người thân bên cạnh dù vợ con đã khẩn thiết yêu cầu được chăm sóc ông những ngày cuối đời.

Chúng tôi mãi mãi không thể quên những gì đã thấy, đã biết, đã ghi nhớ.

Và nhân đây chúng tôi cũng muốn gửi tới rất nhiều người đã đồng cảm và giúp đỡ chúng tôi trong suốt nửa thế kỷ qua lời cảm ơn chân thành. Sự chia sẻ trong tình người dù âm thầm hay công khai đã giúp chúng tôi có thêm nghị lực sống.

Bản lên tiếng này cũng là một nén hương muộn cho những nạn nhân đã khuất. Nhưng máu thịt của họ, tinh thần của họ vẫn còn đây, trong chúng tôi.

Chúng tôi cũng gửi bản lên tiếng này tới các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước để nói rằng những thế hệ nối tiếp của các nạn nhân trong “vụ Xét lại chống Đảng” sẽ còn tiếp tục lên tiếng cho tới khi vụ này được công khai trước toàn dân, cho tới khi lẽ công bằng được lập lại cho những nạn nhân còn sống và đã khuất.

Trước sau, lịch sử sẽ phán xét một cách công bằng.

Hà Nội, ngày 27.7.2017

Dưới đây là danh sách những nạn nhân còn sống và gia đình cũng như thân nhân các nạn nhân đã khuất cùng ký tên vào bản lên tiếng này. Danh sách này còn kéo dài do không có điều kiện liên hệ trực tiếp.

– Bà Nguyễn Thị Mỹ, phu nhân ông Đặng Kim Giang và gia đình.
– Bà Lê Hồng Ngọc, phu nhân ông Hoàng Minh Chính và gia đình.
– Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, phu nhân ông Phạm Viết và gia đình
– Bà Đinh Thị Bích Đào, phu nhân ông Phùng Văn Mỹ và gia đình.
– Bà Nguyễn Thị Oanh, phu nhân ông Lưu Động (tên thật là Nguyễn Xuân Canh) và gia đình.
– Ông Vũ Thư Hiên, con trai ông Vũ Đình Huỳnh và gia đình.
– Ông Phan Thế Vấn và gia đình.
– Ông Trần Đĩnh và gia đình
– Ông Trần Việt Trung, con trai ông Trần Châu và gia đình.
– Bà Minh Sơn, con gái ông Trần Minh Việt và gia đình
– Nguyễn Thị Giáng Hương, con gái ông Trần Thư và gia đình.

…………………

Nơi gửi :

Gửi tới mọi người Việt Nam và các ông, bà :

– Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam
– Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
– Ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam,
– Ông Nguyến Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam
Theo Vande.org

Bất ngờ trước những ‘đại gia’ gốc Hoa giàu nhất sàn chứng khoán Việt

Ngọc Trang

Vietnam Fiance

(VNF) – Nhiều người sẽ không khỏi “ngỡ ngàng” khi biết được những doanh nhân nổi tiếng thuộc Danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam này lại có gốc Hoa.

Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (trước đây là Kinh Đô) vốn được biết đến là “vua” bánh kẹo trên thị trường Việt Nam, sau đó đã chấm dứt “mối tình” này khi quyết định bán mảng bánh kẹo cho các doanh nghiệp nước ngoài từ năm 2014. Tuy nhiên, KIDO vẫn “thống trị” mảng kem, nắm giữa tới 35% thị phần (theo thống kê của EuroMonitor) với hai thương hiệu nổi tiếng là Merino và Celano. Gần đây, KIDO còn toan tính thao túng thị trường dầu ăn thông qua việc mua lại 51% cổ phần tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và 65% cổ phần tại Dầu Tường An. Ngoài ra, KIDO cũng mới mua lại 50% cổ phần tại Dabaco Foods nhằm thâm nhập vào thị trường thức phẩm chế biến sẵn.

Tập đoàn KIDO lớn mạnh ngày nay được sáng lập và lãnh đạo bởi một nhóm doanh nhân gốc Hoa. Cụ thể là hai cặp vợ chồng là ông Trần Kim Thành và vợ là Vương Bửu Linh; ông Trần Lệ Nguyên và vợ là Vương Ngọc Xiểm.

Ông Trần Kim Thành (xếp thứ 35 trong Danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam) hiện đang là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO và nắm giữ khoảng 0,13% cổ phần tại đây. Đồng thời, ông Thành cũng giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Kinh Đô.

Ông Trần Kim Thành – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO

Ông Thành đã gắn bó với Tập đoàn Kinh Đô (hiện nay là Tập đoàn KIDO) hơn thập kỷ nay cùng với nhiều thương hiệu bánh kẹo, bánh Trung thu nổi tiếng như bánh quy giòn AFC, bánh Oreo, bánh bông lan Solite,…Khi buộc phải bán lại mảng bánh kẹo truyền thống, ông Thành chia sẻ: “Khi bán mảng bánh, tôi khóc 3 lần. Không dễ dàng gì bán cái bánh kinh doanh 20 năm. Đang nói chuyện với anh em, tôi lại chạy ra ngoài khóc. Khóc đã rồi vô nói chuyện tiếp. Cuối cùng vì tập thể, vì cổ đông, tôi không cản sự phát triển, phát tài của mọi người nên tôi siêu lòng bán”.

Ông Trần Lệ Nguyên (đứng thứ 22 trong Danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam) được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO từ năm 1992, hiện nay ông đang nắm giữ tới 12,61% cổ phần. Ngoài ra, ông Nguyên còn giữ nhiều vị trí quan trọng ở các doanh nghiệp lớn như thành viên HĐQT Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam – CTCP, Tập đoàn Thiên Long, Dầu Tường Anh, Địa ốc Kinh Đô, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Rồng Việt, …

Ông Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO

Ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên đều xuất thân từ những người làm thuê rồi trở thành lãnh đạo của công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Đầu những năm 90, khi nhìn thấy các sản phẩm bánh kẹo xuất xứ Thái Lan tràn ngập trên thị trường với giá cả đắt đỏ, hai anh em quyết tâm gây dựng sự nghiệp ở lĩnh vực này. Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, Tổng giám đốc KIDO cho biết: “Đó là một trong những quyết định liều lĩnh nhất đời tôi. Nếu thất bại thì cả 2 anh em sẽ nợ nần chồng chất, không biết bao giờ mới trả hết”. Tuy nhiên, những năm sau đó, lợi nhuận đều tăng mấy trăm phần trăm và trở thành Tập đoàn thực phẩm lớn mạnh như hiện nay.

Ông Cô Gia Thọ: Tập đoàn Thiên Long

Tập đoàn Thiên Long hiện đang là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực văn phòng phẩm và chiếm lĩnh thị trường bút viết Việt Nam với 65% thị phần, bỏ xa hai đối thủ cùng ngành là Hồng Hà và Bến Nghé. Năm 2016 là một năm rực rỡ với Thiên Long khi doanh thu thuần đạt 2.162 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 240 tỷ đồng, đây đều là những con số kỷ lục được ghi nhận kể từ khi Tập đoàn được thành lập. Ngoài ra, Tập đoàn Thiên Long cũng vinh dự được xếp trong Danh sách 100 Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam.

Ông chủ Thiên Long là Cô Gia Thọ (xếp thứ 94 trong Danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam), một doanh nhân gốc Hoa và là con cả trong một gia đình có 10 người con. Ông Thọ khiến nhiều người nể phục khi chưa học hết THPT nhưng đã gây dựng được một cơ ngơi đồ sộ. Trải qua một tuổi thơ khó nhọc, ông Thọ từng phải đi bán vé số, thuốc lá, làm công nhân cơ điện ở Quận 6 trước khi bén duyên với bút bi vào năm 1981. Tại thời điểm đó, trên thị trường Việt Nam và một số nước Đông Nam Á chỉ toàn bút bi từ Thái Lan.

Ông Cô Gia Thọ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Long

Ông Thọ đã bỏ ra những đồng vốn ít ỏi dành dụm được sau nhiều năm lao động cực nhọc để mua chiếc máy ép nhựa bằng tay, các nguyên liệu đầu vào và tạo ra những chiếc bút bi đầu tiên. Chính ông cũng phải tự mình đi rao bán chứ chưa thể sản xuất với số lượng lớn vì cạn vốn. Ban đầu ông Thọ đặt tên cho những chiếc bút của mình là Vũ Trụ, sau đó là Thăng Long rồi tới Thiên Long như ngày nay. Mặc dù những ngày đầu vô cùng khó khăn khi ông phải tự mình làm tất cả các khâu từ sản xuất cho đến bán hàng, nhưng sau đó tiền thu về đã tăng dần lên.

Khi hỏi về quá trình lập nghiệp, ông Thọ chia sẻ: “Trước kia, tôi không có điều kiện học nhiều, điều đó thực sự rất đáng tiếc. Nhưng bước vào cuộc sống, tôi luôn nỗ lực học hỏi từ đối tác, đồng nghiệp, bất cứ khi nào và ở đâu cũng vậy. Ngoài ra, tôi phải dành rất nhiều thời gian đọc sách, tham gia một số khóa đào tạo quản lý ở Mỹ và Đài Loan. Nếu không có quá trình tự trau dồi kiến thức, tôi nghĩ mình chẳng thể có được ngày hôm nay”.

Đặng Huỳnh Ức My: Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh

Đặng Huỳnh Ức My (đứng thứ 53 trong Danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt), sinh năm 1981, là con gái của ông Đặng Văn Thành, một người gốc Hoa. Ông Thành là cựu Chủ tịch Ngân hàng Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và bà Huỳnh Bích Ngọc, được mệnh danh là “bà hoàng” ngành múa đường. Bà Ngọc chính là người đã sáng lập nên Tập đoàn Thành Thành Công với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành mía đường.

Bản thân bà My cũng được mệnh danh là “Công chúa mía đường” bởi hiện tại bà đang là cổ đông lớn, giữ chức Chủ tịch HĐQT của CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và Công ty Đầu tư Thành Thành Công, thành viên HĐQT CTCP Đường Biên Hòa. Theo báo cáo thường niên năm 2014 – 2015 của Đường Biên Hòa, Đặng Huỳnh Ức My còn nắm giữ 3.048.644 cổ phiếu đầu kỳ và cuối kỳ lên tới 6.148.644, đạt tỷ lệ 9,76%. Tính đến cuối năm 2015, theo ước tính, số cổ phần của bà My nắm giữ tương đương 307 tỷ đồng.

Đặng Huỳnh Ức My, người được mệnh danh là “Công chúa mía đường”, hiện đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công

Tuy nhiên ít ai biết được, cô gái 8x này từng có ước mơ trở thành cô giáo. Nhưng vì tâm huyết và cơ ngơi của bố mẹ, Ức My đã biến ước mơ riêng của mình “hòa quyện” vào ước mơ chung của cả gia đình, trở thành cánh tay đắc lực cho ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc để phát triển cơ nghiệp của gia đình. Bà đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình trên thương trường.