TPP: Những bước đi sắp tới khi không có Mỹ

Sau quyết định rút khỏi TPP của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2017, các nước trong khối vẫn quyết tâm theo đuổi Hiệp định này. Trong đó Nhật Bản là nước đóng vai trò dẫn dắt và tiếp theo là Australia, New Zealand, những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ. Tuy vậy sự thay đổi thành viên quan trọng trong TPP khiến Hiệp định này phải kéo dài thời gian thương thảo trước khi chính thức có hiệu lực.

Sau cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 5/2017 của các nước thành viên tham gia TPP, một cuộc họp cấp kỹ thuật đã diễn ra ở Hanoke, thị trấn nghỉ dưỡng ở phía nam Tokyo, Nhật Bản từ ngày 12 – 14/7/2017. Kết thúc cuộc họp ở Hanoke, các bên thể hiện mong muốn tiếp tục duy trì hiệp định, và dự định sẽ họp lại vào vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới tại Australia, và có thể sẽ có một vài cuộc họp nữa trước khi các bên gặp gỡ tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC, diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 năm nay.

Thiếu vắng Mỹ, một số vấn đề trong Hiệp định sẽ phải xem xét lại. Mặc dù các bên vẫn thể hiện quyết tâm tham gia hiệp định, một số vấn đề phát sinh sau khi Mỹ rút khỏi TPP có thể khiến quá trình thương thảo TPP sẽ còn kéo dài.

Một trong những nội dung quan trọng nhất trong TPP cần được xem xét lại là điều khoản về kích hoạt hiệp định. Theo quy định trước đây, TPP sẽ có hiệu lực chỉ khi có ít nhất 6 nước thành viên với tỷ lệ GDP trong khối là 85% thông qua Hiệp định này. Trong số 12 quốc gia ban đầu, GDP của Mỹ chiếm 60% trong khối. Nay khi tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP, điều khoản trên là bất khả thi. Vì vậy các nước trong TPP sẽ phải xem xét lại giải pháp thay thế.

Một số nội dung khác cũng được thảo luận lại gồm có: cải thiện điều kiện lao động, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp. Nhật Bản, quốc gia dẫn đầu, luôn mong muốn sự thay đổi các điều khoản trong TPP ban đầu là ít nhất và cũng hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại. Tuy vậy với quan điểm “nước Mỹ trên hết”, ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và tìm kiếm các hiệp định thương mại song phương với từng quốc gia của Tổng thống Trump, việc Mỹ quay trở lại TPP khó thành hiện thực.

Các nước đang tham gia thương lượng TPP (màu vàng, không có Mỹ) (ảnh qua nation.lk)

Mặc dù một số điều khoản của hiệp định cần phải được xem xét lại, song các nước trong khối cũng mong muốn duy trì những tiêu chuẩn cao khi tham gia vào TPP nhằm giữ được đối trọng với Trung Quốc, và đòi hỏi Trung Quốc phải cải cách các chính sách kinh tế hơn nữa nếu muốn tham gia TPP trong tương lai.

Một số vấn đề tồn tại khác bao gồm mong muốn tái thương lượng một số điều khoản của các nước đang phát triển. Chẳng hạn trước đây khi có Mỹ, các nước đang phát triển như Việt Nam, Malaysia buộc phải tuân thủ một số điều kiện để hàng hóa có thể thâm nhập vào thị trường Mỹ. Đối với Việt Nam đó là cải thiện luật lao động trẻ em, cải thiện tính minh bạch của các doanh nghiệp nhà nước, cho phép nhà sản xuất dược phẩm Mỹ bảo hộ sâu hơn các loại thuốc mà các nước đang phát triển tiến hành sản xuất. Những quy định này sẽ khiến hàng hóa Việt Nam khó đáp ứng tiêu chuẩn đề ra của các nước TPP nếu không thực sự có những chiến lược và thay đổi mạnh mẽ.

Hoặc đối với Mexico, nước này đang trong quá trình xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Mỹ, đồng thời Mexico cũng sắp diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống vào mùa hè năm sau. Tương tự với Chile, quốc gia đã ký 26 thỏa thuận thương mại với EU, Trung Quốc và Mỹ và là thành viên sáng lập của hiệp ước P4, tiền thân của TPP (cùng với Brunei, New Zealand và Singapore), cũng mong muốn những thỏa thuận song phương đạt được với Mỹ trong TPP sẽ vẫn có hiệu lực. Những điều này sẽ góp phần làm cho quá trình thương lượng và thông qua Hiệp định TPP kéo dài và khó khăn hơn.

Liên Hương

Khi xảy ra mẫu thuẫn, người trí tuệ xử sự như thế nào?

Cổ nhân giảng: Nếu như một người luôn đặt lợi ích của mình lên đầu, không biết nghĩ cho người khác trước thì sớm muộn cũng sẽ gặp họa. Trái lại, một người có thể vì lợi ích của người khác mà suy xét, mà nhường nhịn thì thứ mà người ấy nhận được sẽ nhiều hơn những gì mà họ tưởng tượng. Lời này thật sự rất có đạo lý!

 

Mọi người, ai ai cũng mong muốn mình có một cuộc sống vui vẻ và tốt đẹp. Không ai thích bị người khác công kích, tranh giành tới lui, mỗi ngày đều trải qua trong uất ức và chán ghét.

Nếu chúng ta có thể “biến chiến tranh thành tơ lụa”, đem những sự tình không hay biến thành những điều tốt đẹp thì mỗi ngày đều là một ngày vui vẻ.

Vậy như thế nào mới có thể làm được điều ấy? Rất nhiều thời điểm, chỉ cần chúng ta thay đổi một chút ý niệm, nhường nhịn một chút là có thể thay đổi được hoàn cảnh khó khăn hiện tại.

Nếu khi đối mặt với sự vật, với một người nào đó đều có thể dùng thiện ý làm điểm xuất phát thì sự tình sẽ có kết quả khác.

Cổ nhân giảng: “Lùi một bước biển rộng trời cao“, buông bỏ lợi ích của bản thân, nghĩ cho người khác trước là một loại “vũ khí” hữu hiệu. “Lùi một bước” không chỉ “biển rộng trời cao” mà còn có thể “biến chiến tranh thành tơ lụa.”

Có một câu chuyện kể rằng, trước đây, ở một địa phương có hai gia đình là hàng xóm của nhau. Một nhà là chủ một nông trường cỏ, người chủ đã nuôi dưỡng rất nhiều dê lớn và dê nhỏ. Hàng xóm của anh ta lại là một người thợ săn, nên trong nhà cũng nuôi dưỡng một vài con chó săn hung dữ.

Những con chó săn này thường xuyên nhảy qua hàng rào phân cách giữa hai gia đình để tấn công bất ngờ vào những con dê đang nhởn nhơ trên bãi cỏ.

Người chủ của nông trường thấy vậy, đã nhiều lần sang nhà hàng xóm nhờ họ nhốt những con chó săn ấy lại. Nhưng người thợ săn này lại không bằng lòng với cách ấy.

Anh ta, ngoài miệng thì đồng ý, nhưng trong lòng thì lại nghĩ: “Mình thả chó ở sân nhà mình, đâu có can hệ gì đến anh ta chứ!“. Vì thế mà chỉ một vài ngày sau, những con chó săn lại nhảy qua hàng rào và cắn bị thương những con dê nhỏ của nhà chủ nông trường.

Người chủ nông trường tức giận, không nhịn nổi nữa, bèn tìm đến vị quan tòa trên thị trấn để nhờ phân xử.

Vị quan tòa sau khi nghe xong những lời tố cáo của người chủ nông trường liền nói: “Tôi có thể xử phạt được người thợ săn kia, đồng thời còn có thể ra thông báo yêu cầu người thợ săn phải nhốt mấy con chó ấy lại.”

Trầm ngâm một lát, ông nói tiếp: “Nhưng…nếu làm như thế, anh sẽ bị mất đi một người bạn và có nhiều hơn một kẻ thù. Anh muốn làm hàng xóm với kẻ thù hay muốn làm hàng xóm với một người bạn?”

Người chủ nông trường vội đáp: “Đương nhiên là tôi muốn làm hàng xóm với một người bạn rồi!”

Vị quan tòa lại nói: “Vậy thì tốt rồi! Tôi sẽ chỉ cho anh một cách, anh cứ theo cách đó mà làm. Tôi cam đoan với anh rằng, chẳng những đàn dê của anh không bị làm phiền nữa mà anh còn có được một người bạn tốt.”

Vị quan tòa sau khi nói ra cách của mình, người chủ nông trường nghe xong, vui vẻ nói: “Cách ngài dạy rất đúng!”

Sau khi trở về nhà, người chủ nông trường chọn ra ba con dê nhỏ đáng yêu nhất rồi mang sang nhà hàng xóm, tặng cho ba cậu con trai của gia đình họ.

Nhìn thấy những chú dê trắng nõn lại ngoan ngoãn, dễ thương, ba đứa trẻ như được tặng báu vật. Mỗi ngày sau khi tan học trở về nhà, chúng đều chơi đùa với những chú dê con ấy. Nhìn thấy các con vui đùa bên đàn dê nhỏ, người chủ thợ săn sợ những con chó của mình sẽ làm tổn hại chúng nên đã lặng lẽ làm một chiếc lồng sắt to, rồi khóa chặt những con chó ấy lại.

Từ đó về sau, đàn dê của ông chủ nông trường không còn bị những con chó săn tấn công làm tổn thương nữa. Vì để báo đáp lại lòng tốt của ông chủ nông trường, người thợ săn bắt đầu tặng cho gia đình họ những món ăn bằng thịt chim muông thú rừng. Ông chủ nông trường cũng thường xuyên tặng cho người bạn láng giềng sữa và pho mát. Thời gian dần qua đi, hai người họ trở thành những người bạn tốt, luôn chia ngọt sẻ bùi cùng nhau.

Muốn thuyết phục một người nào đó, biện phát tốt nhất mà chúng ta nên làm là nhường nhịn, suy nghĩ cho họ trước, khiến cho họ cũng có thể từ đó mà được lợi ích. Nếu chỉ suy nghĩ biện pháp để bảo vệ được lợi ích của bản thân mình mà không suy nghĩ cho người khác thì chúng ta sẽ không được gì cả, thậm chí còn mất đi nhiều hơn.

Tuy nhiên, “nhường nhịn”, “nghĩ cho người khác trước” là một việc không phải ai cũng dễ dàng làm được. Nó đòi hỏi một người phải không ngừng tu dưỡng trở thành người lương thiện, nhân hậu, không quá đặt nặng danh lợi của bản thân. Một người khi đã có thể vì người khác, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của mình thì người ấy đã đạt đến một cách giới cao thượng.

Hoàng Mai (biên dịch và t/h)

Citytree – Bức tường rêu có thể lọc không khí bằng 275 cây xanh

Ô nhiễm môi trường đang trở thành yếu tố thầm lặng gây nguy hiểm bậc nhất cho sức khỏe lâu dài của con người. Để giải quyết vấn đề này các nhà khoa học Đức đã phát minh ra Citytree.

Theo một khảo sát gần đây, chất lượng không khí đặc biệt tồi tệ tại những vùng nội thành. Hơn 80% người dân sống trong các khu vực trung tâm được cho là phơi nhiễm không khí ô nhiễm vượt mức cho phép của WHO.

Nếu tình trạng đó còn tiếp diễn đến năm 2050, 2/3 dân số sống tại đô thị sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe hệ hô hấp.

Giải pháp dễ thấy là trồng thêm nhiều mảng xanh, giúp tăng chất lượng không khí và lọc bụi hữu hiệu. Nhưng khi giá đất đai trong thành phố ngày càng đắt đỏ, người ta càng dễ dùng đất làm nhà ở thay vì công viên.

Một công ty khởi nghiệp của Đức đang đề xuất giải pháp táo bạo: một tấm lọc kết hợp giữa công nghệ sinh học và Internet của vạn vật (IoT), thiết bị có tên CityTree.

“CityTree” có tác động môi trường bằng 275 cây cối thông thường. Sử dụng rêu có diện tích lá rộng lớn, nó thu giữ và lọc các chất gây ô nhiễm không khí tồn tại trong bầu khí quyển. (Ảnh: Green City Solutions)

Tuy có tên là thành phố cây (CityTree) nhưng đây không phải cây mà là một quần thể rêu dày đặc, nhìn từ xa hệt như một bảng hiệu màu xanh bình thường nào đó trong đô thị. Trong một khu vực rộng 3,5 m2, thiết bị này có khả năng lọc bụi mịn, NO2 và CO2 tương đương với 275 cái cây (khoảng 250g bụi mịn/ngày, và góp phần thu giữ 240 tấn CO2/năm).

Công ty chọn dùng rêu là vì các đặc tính sinh học của nó. Rêu có vô số chiếc lá li ti, do đó diện tích bề mặt lá của loại thực vật này là cao hơn bất kỳ cái cây nào, từ đó tăng khả năng bắt giữ các chất ô nhiễm.

CityTree không chỉ làm sạch không khí trong bán kính 50m, nó còn có thể làm một tấm bảng hiệu, hiển thị các chữ cái, hình ảnh hay dữ liệu kỹ thuật số (mã QR, kết nối không dây iBeacon, NFC).
Tấm lọc không khí bằng rêu cao 4m, rộng 3m, dày 2m và có thể lắp kèm băng ghế. Thiết bị này tự tạo ra và sử dụng điện năng nhờ tấm năng lượng mặt trời; nước mưa được thu thập và tự động tái phân bổ cho rêu qua hệ thống dẫn nước bên trong. Các cảm biến sẽ tự động thu thập dữ liệu hoạt động và hiệu suất của CityTree. Vì thế, về cơ bản thiết bị này là tự động và không cần người quản lý hay theo dõi thường xuyên.

Những Citytree được đặt rải rác ở nhiều vị trí, về cơ bản, nó giống như một bảng hiệu quảng cáo màu xanh và tuyệt nhiên không chiếm quá nhiều quỹ đất.

Vị trí của thiết bị cũng được chọn kĩ lưỡng, thường là nơi có mật độ giao thông dày đặc và ít gió. Các nhà phát minh cho biết họ đang thử nghiệm một hệ thống thông gió để đưa không khí bẩn đi qua ‘cái cây’ này.


Theo CNN, các thành phố có thể đầu tư cho CityTree với giá mỗi thiết bị là 25.000 USD, và công ty này đã lắp đặt khoảng 20 cái ở các thành phố như Oslo, Paris, Hong Kong… và đang mở rộng sang Italy, Ấn Độ.

Citytree thật sự thân thiện với con người, nó vừa là một thiết bị công nghệ cao cấp, vừa là một ” lá phối xanh ” đúng nghĩa.

Dù đây không phải một cái cây thật và đồ sộ với bóng mát xanh tươi, nó vẫn là ý tưởng sáng tạo đáng xem xét để làm sạch không khí.

Theo trithucvn

Sự khác biệt trong suy nghĩ của người giàu và người nghèo ở Mỹ

Sự thành tín trong xã hội Mỹ

(ảnh: Ariel Skelley/Corbis)

Đã bao giờ bạn mơ mình sẽ trở thành tỷ phú hay chưa? Trung tâm nghiên cứu PEW (The Pew Research Center) đã tiến hành một cuộc điều tra thu thập dữ liệu từ khắp các giai tầng trong xã hội Mỹ và kết quả sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ sự khác biệt trong suy nghĩ giữa người giàu và người nghèo ở Mỹ.

Khi hỏi về điều quý giá nhất trong cuộc đời, chỉ có 13% người cho rằng đó chính là tiền bạc; 67% cho rằng điều quý giá nhất chính là có đủ thời gian để làm những việc mà mình yêu thích.

Về mức độ quan trọng của tiền, 43% người cho rằng tiền bạc khá quan trọng, 33% cho rằng tiền không quá quan trọng, và có 10% số người không quan tâm xem bản thân mình có tiền hay không, quan trọng là luôn vui vẻ.

Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ (U.S Census Bureau), tại Mỹ có khoảng 2,5% các gia đình mà thu nhập vượt quá 250.000 USD/năm, tuy nhiên không phải toàn bộ trong số này đều được tính là giàu có, bởi vì gia đình nào có thu nhập khoảng trên 400.000 USD/năm mới thực sự là tầng lớp giàu có, và họ chỉ chiếm khoảng 1% dân số Mỹ. Trong những người giàu ở Mỹ, rất nhiều người là tự gây dựng sự nghiệp riêng của mình, cũng có không ít người là được thừa kế lại tài sản từ gia đình.

Có khoảng 20% trong số những người thu nhập dưới 20.000 USD/năm muốn trở thành người giàu có, còn đại bộ phận những người thu nhập trên 100.000 USD/năm khá hài lòng với điều đó, chỉ có 10% là muốn trở nên giàu có hơn nữa. Trong số những người mới nhập cư đến Mỹ, có 25% số người muốn trở thành người giàu. Quá trình khảo sát cũng phát hiện ra rằng, quan niệm giữa những người có thu nhập cao và thấp rất khác nhau, chẳng hạn như 4 điểm nêu ra dưới đây.

Thứ nhất, người có thu nhập cao thường tự tin và lạc quan hơn, không sợ mạo hiểm.

90% những người giàu có cho rằng phải tự làm chủ vận mệnh của mình, trong khi chỉ có 10% số người nghèo nghĩ như vậy. Người nghèo thậm chí còn than thở là vận mệnh bản thân không tốt, không có cha mẹ giàu có, mà trong số những người giàu thì rất nhiều người là đi lên từ hai bàn tay trắng, họ tin rằng tiền bạc của cải phải dựa vào bản thân tự tạo nên.

63% những người giàu nói rằng họ dám mạo hiểm bản thân, trong khi đó chỉ có 6% người nghèo tán đồng rằng cần phải biết mạo hiểm. Thực tế, 1/4 số người giàu ở Mỹ hiện nay trong quá trình khởi nghiệp phải chịu cảnh thất bại ít nhất một lần.

Khi trải qua giai đoạn khởi nghiệp khó khăn, những người giàu luôn tự nhủ bản thân rằng không thể phát tài sau một đêm, còn người nghèo thì luôn khao khát có thể một bước lên trời. 77% người nghèo thường mua sổ xố, trong khi tỷ lệ này ở người giàu chỉ là 6%. Có tới 87% người giàu tin vào “giấc mơ Mỹ”, nhưng chỉ có 2% người nghèo cho rằng “giấc mơ Mỹ” sẽ trở thành hiện thực.

Thứ hai, người có thu nhập cao thường coi trọng các mối liên kết cá nhân và tình bạn hơn.

Cho dù là ở đâu, thì các mối liên kết cá nhân có thể mang đến tài phú, bạn bè càng nhiều thì đường đi nước bước càng thuận lợi. 88% người giàu tin rằng các mối liên kết cá nhân là một điều vô cùng quan trọng để trở thành người giàu có, trong số những người nghèo, chỉ có 17% người có cùng quan điểm này. Thêm nữa, 68% số người giàu nói rằng họ thích kết bạn mới, trong khi chỉ 11% người nghèo muốn làm điều này.

Thứ ba, người có thu nhập cao thường tận tụy và sáng tạo hơn.

Khảo sát cho thấy 85% người giàu nói rằng họ thích công việc, cho nên đối với việc khởi nghiệp của bản thân thì càng tận tụy dốc sức hơn. Cũng có đến 86% người giàu bình quân mỗi tuần làm việc khoảng 50 giờ; còn trong những người thu nhập thấp, chỉ có 2% số người là yêu thích công việc của bản thân.

75% người giàu cho rằng sáng tạo là một điều kiện tối quan trọng để trở nên giàu có, còn trong số người nghèo thì có 11% người có cùng quan điểm như vậy. Những tỷ phú về Internet và công nghệ cao ở Mỹ chính là ví dụ điển hình cho sự sáng tạo này.

Thứ tư, người có thu nhập cao thường có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng.

62% người giàu có đặt mục tiêu rõ ràng cho cuộc sống của mình, thậm chí đặt rõ xem mỗi ngày cần phải thực hiện được những việc gì. Còn những người nghèo thì sống tùy tiện hơn, thường không có kế hoạch và mục tiêu, đến đâu hay đến đó. Người giàu cũng chú trọng tiết kiệm và đầu tư, kiểm soát và lên kế hoạch chi tiêu tiền chặt chẽ, không chi tiêu bừa bãi. Nhiều người nghèo vốn không có tiền, nhưng lại tiêu xài hoang phí, sống hôm nay biết hôm nay, không quan tâm cuộc sống ngày mai sẽ ra sao.

Trong số những người giàu, 67% là xem tivi không quá 1 giờ đồng hồ mỗi ngày, mục đích chính xem tivi là để nắm bắt thông tin, còn người nghèo trái lại, chú trọng đến những tiết mục giải trí. Người giàu thường thích đọc sách, chủ yếu là chọn đọc những cuốn sách hữu ích với mình, còn người nghèo thì đọc tiểu thuyết, hoặc những thông tin lá cải.

Hồng Ngọc